Mar 19, 2024

Tác giả

Nguyễn Du (1766 - 1820)
Hình ảnh
#1
#2
#3
Nguyễn Du
(1766-1820)

Hiệu là Tố Như, Thanh Hiên, con Nguyễn Nghiễm, làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Nghệ Tĩnh) văn chương vượt hẳn bạn bè, nhưng học vị chỉ là tam trường (tú tài). Nguyễn Du gặp nhiều khó khăn hồi con thanh niên. Mười một tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mất mẹ, suốt đời trai trẻ ăn nhờ ở đâu: hoặc ở nhà anh ruột (Nguyễn Khản), nhà anh vợ (Đoàn Nguyễn Tuấn), có lúc làm con nuôi một võ quan họ Hà, và nhận chức nhỏ: chánh thủ hiệu uý. Do tình hình đất nước biến động, chính quyền Lê Trình sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn Tiên Điền cũng sa sút tiêu điều: "Hồng Linh vô gia, huynh đệ tán". Nguyễn Du trải qua 10 năm gió bụi. Năm 1802, ra làm quan với triều Nguyễn được thăng thưởng rất nhanh, từ tri huyện lên đến tham tri (1815), có được cử làm chánh sứ sang Tàu (1813). Ông mất vì bệnh thời khí (dịch tả), không trối trăng gì, đúng vào lúc sắp sửa làm chánh sứ sang nhà Thanh lần thứ hai.

Nguyễn Du có nhiều tác phẩm. Thơ chữ Hán như Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Cả ba tập này, nay mới góp được 249 bài nhờ công sức sưu tầm của nhiều người. Lời thơ điêu luyện, nhiều bài phản ánh hiện thực bất công trong xã hội, biểu lộ tình thương xót đối với các nạn nhân, phê phán các nhân vật chính diện và phản diện trong lịch sử Trung Quốc, một cách sắc sảo. Một số bài như Phản chiêu hồn, Thái Bình mại ca giả, Long thành cầm giả ca đã thể hiện rõ rệt lòng ưu ái trước vận mệnh con người. Những bài viết về Thăng Long, về quê hương và cảnh vật ở những nơi Nguyễn Du đã đi qua đều toát lên nỗi ngậm ngùi dâu bể. Nguyễn Du cũng có gắn bó với cuộc sống nông thôn, khi với phường săn thì tự xưng là Hồng Sơn liệp hộ, khi với phường chài thì tự xưng là Nam Hải điếu đồ. Ông có những bài ca dân ca như Thác lời con trai phường nón, bài văn tế như Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, chứng tỏ ông đã tham gia sinh hoạt văn nghệ dân gian với các phường vải, phường thủ công ở Nghệ Tĩnh.

Tác phẩm tiêu biểu cho thiên tài Nguyễn Du là Đoạn trường tân thanh và Văn tế thập loại chúng sinh, đều viết bằng quốc âm. Đoạn trường tân thanh được gọi phổ biến là Truyện Kiều, là một truyện thơ lục bát. Cả hai tác phẩm đều xuất sắc, tràn trề tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, phản ánh sinh động xã hội bất công, cuộc đời dâu bể. Tác phẩm cũng cho thấy một trình độ nghệ thuật bậc thầy.

Truyện Kiều đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hoá Việt Nam. Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều trở thành điển hình cho những mẫu người trong xã hội cũ, mang những tính cách tiêu biểu Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải, và đều đi vào thành ngữ Việt Nam. Khả năng khái quát của nhiều cảnh tình, ngôn ngữ, trong tác phẩm khiến cho quần chúng tìm đến Truyện Kiều, như tìm một điều dự báo. Bói Kiều rất phổ biến trong quần chúng ngày xưa. Ca nhạc dân gian có dạng Lẩy Kiều. Sân khấu dân gian có trò Kiều. Hội họa có nhiều tranh Kiều. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Giai thoại xung quanhi cũng rất phong phú. Tuồng Kiều, cải lương Kiều, phim Kiều cũng ra đời. Nhiều câu, nhiều ngữ trong Truyện Kiều đã lẫn vào kho tàng ca dao, tục ngữ. Từ xưa đến nay, Truyện Kiều đã là đầu đề cho nhiều công trình nghiên cứu, bình luận và những cuộc bút chiến. Ngay khi Truyện Kiều được công bố (đầu thế kỷ XIX) ở nhiều trường học của các nho sĩ, nhiều văn đàn, thi xã đã có trao đổi về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Đầu thế kỷ XX, cuộc tranh luận về Truyện Kiều càng sôi nổi, quan trọng nhất là cuộc phê phán của các nhà chí sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng phản đối phong trào cổ xuý Truyện Kiều do Phạm Quỳnh đề xướng (1924).

Năm 1965, Nguyễn Du chính thức được nhà nước làm lễ kỷ niệm, Hội đồng hoà bình thế giới ghi tên ông trong danh sách những nhà văn hoá thế giới. Nhà lưu niệm Nguyễn Du được xây dựng ở làng quê ông xã Tiên Điền. Trường viết văn để đào tạo những cây bút mới mang tên ông.

Nguyễn Du
Thư mục - Bibliographie
Bản chụp chữ Nôm lấy từ trang Internet http://vhvn.com/Kieu/kieu-vps.html

Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du, Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim hiệu đính và chú giải, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 1995, Saigon, Việt Nam

Từ điển Truyện Kiều, Ðào Duy Anh, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993, Hà Nội, Việt Nam

Truyện Kiều và tuổi trẻ, The Tale of Kieu and youth, Kieu et la Jeunesse, Lê Hữu Mục - Phạm Thị Nhung - Ðặng Quốc Cơ, Làng Văn xuất bản, 1998, Paris, France

Kim-Vân-Kiêu, traduit du vietnamien par Xuân-Phúc et Xuân-Việt, Connaissance de l'Orient, Gallimard/UNESCO, 1961, Paris, France

The Tale of Kieu, Nguyễn Du, A Bilingual Edition, Translated by Huỳnh Sanh Thông, Yale University Press, 1983, New Haven and London, United States of America

Mille ans de littérature vietnamienne, Une anthologie, Edition établie par Nguyễn Khắc Viện et Hữu Ngọc, Editions Philippe Picquier, 1996, France

Nguyễn Du toàn tập, Nguyễn Quảng Tuân, Mai Quốc Liên khảo đính và chú giải, Nhà xuất bản Văn Học, 1996, Việt Nam

06-AiThuongKieu.mp3 - Hong Van





****************************************************

* tieu su Nguyen Du
tiểu sử tác giả

Nguyễn Du (13-1-1766 - 16-9-1820), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm đã làm tới chức tể tướng triều Lê. Mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có tám vợ, hai mươi mốt người con). Mười tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha, mười ba tuổi mồ côi mẹ. Vì thế tiếng là con quan đại thần nhưng ngay từ thời thơ ấu Nguyễn Du đã phải sống vất vả thiếu thốn. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn, hai kiệt tác chữ Nôm của Nguyễn Du, rộng xin được giới thiệu riêng vào dịp khác. Tập sách này chỉ chọn lựa một số bài thơ chữ Hán tiêu biểu của ông.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du cho thấy phần sâu kín trong tâm trạng ông. Nó như một thứ nhật ký, giãi bày mọi nỗi niềm, mọi ý nghĩ trong cảnh sống thường nhật của chính ông. Cả ba cuốn Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long), Nam trung tạp ngâm (1805 - 1812, khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi cai bạ Quảng Bình) và Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa) đều có một giọng u trầm thấm thía, đầy cảm xúc nội tâm. Thơ chữ Hán Nguyễn Du như một tiếng thở dài luận bàn nhân tâm thế sự và xót thương thân phận. Một hình ảnh trở đi trở lại là mái tóc bạc, Nguyễn Du có mái tóc bạc sớm, mái tóc như biểu tượng của lo nghĩ, của những nghiền ngẫm buồn thương và bế tắc "Tráng sỹ bạch đầu bi hướng thiên, Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên", (Tráng sỹ ngẩng mái đầu tóc bạc, bi thương than với trời xanh: chí lớn một đời và miếng ăn hàng ngày cả hai đều mờ mịt). Với một tài năng, lại từng là con quan tể tướng, lời than ấy thật xót xa. Tây Sơn ra Bắc 1786, Nguyễn Du ôm mối ngu trung với nhà Lê, không cộng tác, tìm đường lánh ẩn chịu sống nghèo khổ. Những thiếu thốn vật chất đôi lúc lộ ra trong thơ: Quê nhà đại hạn, mười đứa con sắc mặt xanh như rau ("Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng"). Hoặc: Trong bếp suốt ngày không có khói lửa. Trước đèn phải mượn chén rượu cho gương mặt được hồng hào. Do vậy, ông thấy "Nhất sinh từ phú như vô ích, Mãn giá cầm thư đồ tự ngu" (Một đời chữ nghĩa thành vô ích. Sách đàn đầy giá chỉ làm ta ngu dốt). Lời nhận xét thật chua chát, bế tắc. Mái tóc bạc như một chứng tích tiều tụy cho cái nghịch lý ấy: Phơ phơ tóc bạc sống gửi ở nhà người, rồi: Già đến, tóc bạc đáng thương cho ngươi. Nói là già đến, nhưng lúc viết Thanh Hiên thi tập Nguyễn Du chỉ ở tuổi 20 đến 37. "Trù trướng lưu quang thôi bạch phát" (Ngậm ngùi vì ngày tháng giục tóc bạc). Mái tóc bạc thành bạn tri âm cho Nguyễn Du than thở: Tóc sương là bạn đi cùng. Mái tóc bạc bay trước gió thu. Mái tóc bạc nhuốm bụi hồng là chân dung tâm hồn của Nguyễn Du. Cả đời chưa thấy lúc nào ông đắc ý. Một sự chọn hướng trái chiều với bước đi của lịch sử làm Nguyễn Du ngùi ngẫm giằng xé cả một đời, ngay cả thời gian ra làm quan với Gia Long: Ơn vua chưa trả đỉnh đinh, Mưa xuân nhuần thấm nhưng mình lạnh xương. Tạ ơn mưa móc của vua nhưng lại thấy buốt lạnh trong xương cốt. Nỗi niềm ấy chúng ta hiểu cho Nguyễn Du. Nguyễn Du ôm một nỗi niềm éo le. Giáo lý Khổng Mạnh dạy: tôi trung không thờ hai vua. Nhưng với Nguyễn Du, vua phải thờ thì hèn kém, thậm chí rước voi về giày mồ (Lê Chiêu Thống), còn vua phải chống thì lại anh hùng, bảo vệ độc lập dân tộc (Quang Trung). Đau đớn, bế tắc của Nguyễn Du là ở đấy. Biết mà không vượt qua được, ông mong được hậu thế cảm thông: "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như" (Ba trăm năm nữa nào biết được thiên hạ ai người khóc Tố Như). Tương truyền: "Khi ốm nặng, ông không uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói: đã lạnh rồi. Ông bảo: Được! Rồi mất. Không trối lại một lời". Có một nỗi niềm đến phút cuối Nguyễn Du vẫn phải nén lại và mang đi. Buồn thương, cô đơn đã thành thuộc tính của đời ông như màu xanh là thuộc tính của cỏ Nhân tự bi thê, thảo tự thanh (Người tự buồn thương, cỏ tự xanh).

Hiện thực cuộc sống bi thương trong xã hội phong kiến cả ở nước ta lẫn ở Trung Hoa thuở ấy, từ cảnh ngộ dâu bể của cô Cầm đánh đàn ở Thăng Long đến nỗi cơ cực của ông già hát rong ở đất Thái Bình (Trung Quốc) đã cho Nguyễn Du thấy thân phận bèo bọt và những bất công mà kiếp người phải chịu. Từ chính cảnh ngộ của mình ông thông cảm sâu sắc, tạo nên tình cảm thấm thía cho những bài thơ thương đời. Thương đời và thương mình đều da diết như nhau. Nguyễn Du hay nói tới thân phận tha hương, lưu lạc. Nỗi nhớ quê nhà luôn luôn bàng bạc trong các bài thơ. Ông thấy tài năng văn chương như con chim phượng nhốt trong lồng nát và công danh thì cùng đường như con rắn đã chui trong hang ("Bình sinh văn thái tàn lung phượng, Phù thế công danh tẩu hác xà"). Ông viết bài thơ chống lại bài Chiêu hồn Khuất Nguyên của Tống Ngọc, ông xui Khuất Nguyên đừng về vì thành quách vẫn còn nguyên mà người đã đổi khác, bụi bặm cuồn cuộn làm nhơ nhớp cả quần áo. Ông khái quát: Đời bây giờ người người đều đều là Thượng Quan (Thượng Quan là kẻ gièm pha làm hại Khuất Nguyên) và mặt đất thì chỗ nào cũng là sông Mịch La (con sông Khuất Nguyên trẫm mình). Ở các bài vịnh nhân vật và luận về các sự kiện lịch sử Trung Hoa trong Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã xuất phát từ quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người để cân đo lại trọng lượng các vĩ nhân và các chiến công ầm ỹ một thời.

Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du chúng ta hiểu cội nguồn chủ nghĩa nhân đạo của ông thể hiện trong Truyện Kiều và những ký thác đời ông vào hình tượng Kiều, nhân vật sắc tài mà bạc mệnh.


Hà Nội 16-10-2000
Vũ Quần Phương

Tất cả các bài của tác giả Nguyễn Du (1766 - 1820):

Thơ Chữ Hán - Bắc Hành Tạp Lục 北 行 雜 錄 (2) - Cổ thi Việt Nam - Jan 05, 2024
Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu kỳ 1 & kỳ 2 - Cổ thi Việt Nam - Jan 05, 2024
Nguyễn Du và Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh - Tiểu luận - Tạp bút - Jan 05, 2024
Thơ Chữ Hán - Nam Trung Tạp Ngâm 南中雜吟 - Cổ thi Việt Nam - Sep 09, 2022
Thanh Hiên Thi Tập Nguyễn Du (78 bài) - Đường thi Việt Nam - Sep 09, 2022
Thơ Chữ Hán - Bắc Hành Tạp Lục 北 行 雜 錄 (3) - Cổ thi Việt Nam - Sep 08, 2022
Long thành cầm giả ca 龍城琴者歌 • Chuyện người gảy đàn ở Thăng Long - Đường thi Việt Nam - Jun 13, 2017
Sơn Cư Mạn Hứng - Đường thi Việt Nam - Feb 05, 2016
Tạp thi kỳ 1 - 雜詩其一 - Đường thi Việt Nam - Mar 06, 2013
Ðộc Tiểu Thanh Ký - Cổ thi Việt Nam - Jan 22, 2011
Chuyện Bên Lề - Ðộc Tiểu Thanh Ký (nguyễn Du) - Biên khảo - Jul 14, 2008
Thơ Chữ Hán - Thanh Hiên Thi Tập 清軒詩集 - Cổ thi Việt Nam - Jul 07, 2008
Thơ Chữ Hán - Bắc Hành Tạp Lục 北 行 雜 錄 (1) - Cổ thi Việt Nam - Jul 07, 2008
Tặng nhân - Cổ thi Việt Nam - Jul 06, 2008
Chiêu hồn Thập loại chúng sinh - Thơ song ngữ - Jul 06, 2008
Nguyễn Du (1765–1820, - Thơ song ngữ - Jul 01, 2008
Thái Bình mại ca giả - 太平賣歌者 - Cổ thi Việt Nam - Jun 25, 2008
573-804 Kiều bán mình chuộc cha - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
245-572 - Kiều gặp Kim Trọng - từ câu 245 - 570 - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
1-244 - Kiều Thăm Mộ Ðạm Tiên - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
2973-3254 - Kiều - Kim Trọng đoàn tụ - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
2739-2972 - Kim Trọng đi tìm Kiều - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
2419-2738 - Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, Kiều tự vẫn - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
2289-2418 - Kiều báo thù - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
2029-2288 Kiều gặp Từ Hải - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
1705-2028 Kiều và Hoạn Thư (tiếp) - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
1473-1704 Kiều và Hoạn Thư - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
1275-1472 Kiều gặp Thúc Sinh - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
1057-1274 Kiều mắc lừa Sở Khanh - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008
805-1056 - Kiều rơi vào tay Tú bà & Mã Giám Sinh - Cổ thi Việt Nam - Jun 20, 2008