Sep 17, 2024

Tác giả

Lý Hạ - 李賀 (Quỷ Thi Lý Hạ)

                                  
                                                                                        
Ảnh cuốn Lý Hạ ca thi thiên.



Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia :

Lý Hạ (chữ Hán: 李贺; 790/791 – 816/817) là một nhà thơ sống vào thời Trung Đường. Ông có tên tựTrường Cát, còn được biết đến với các biệt hiệu Thi QuỷQuỷ Tài. Lý Hạ bị cấm tham gia khoa cử vì phạm vào tội húy kỵ. Ông qua đời khi tuổi còn rất trẻ và được miêu tả là có ngoại hình ốm yếu. Lý là một nhà thơ rất chuyên cần, ông thường đi du ngoạn vào ban ngày và mỗi khi nảy ra một câu thơ, ông ghi lại nó và hoàn tất bài thơ lúc ông đặt chân về nhà vào buổi tối. Những tác phẩm của ông nổi tiếng là khai thác về đề tài kỳ quái, ma quỷ và siêu nhiên.

Danh tiếng và tên tuổi của Lý Hạ trong nền văn học Trung Quốc đã được lưu truyền suốt nhiều thế kỷ. Vào thời nhà Thanh phong cách thơ có một không hai của ông thường được các hậu bối tại Trung Quốc học theo. Dưới triều Thanh, danh tiếng làm thơ của ông đã vấp phải thay đổi lớn trong thị hiếu văn học khi những tác phẩm của ông bị lược khỏi cuốn Đường thi tam bách thủ nổi tiếng, tuy nhiên ông dần được những người yêu thơ chú ý trở lại trong thế kỉ 20. Lý Hạ là một trong số những nhà thơ Đường được Mao Trạch Đông ngưỡng mộ nhất.  


Cuộc đời

Tư liệu

Chương 137 trong cuốn Cựu Đường thư[a][1] và chương 203 trong cuốn Tân Đường thư[b] đều ghi chép ngắn gọn, vắn tắt về cuộc đời của Lý Hạ.[2] Một nhà thơ đương thời là Lý Thương Ẩn cũng viết một cuốn tiểu sử mang tên Lý Hạ tiểu truyện (phồn thể: 李賀小傳; giản thể: 李贺小传; bính âm: lǐ hè xiǎo chuán).[3] Năm 831, thi sĩ Đỗ Mục viết lời tựa cho tập thơ của Lý Hạ có nhan đề Lý Hạ tập tự (tiếng Trung: 李賀集敘; bính âm: Li He ji xu, với nội dung bị lược bỏ nhiều hơn so với tác phẩm của Lý Thương Ẩn,[4] nhưng đem đến rất ít thông tin về tiểu sử mà chủ yếu khai thác sâu vào sức hấp dẫn trong thơ của Lý.[5] Tất cả những bản chép sử chính thức đều chịu ảnh hưởng lớn từ hai tác phẩm kể trên, trong đó đặc biệt là bản chép của Lý Thương Ẩn.[4]

Xuất thân

Gia đình của Lý Hạ có dòng dõi hoàng tộc từ lâu đời (họ Lý là gia tộc cai trị đất nước dưới triều Đường),[6] nhưng gia tài của nhánh tộc Lý Hạ vốn đã bị suy vi từ sớm, do đó vào thời của thi sĩ này họ chỉ đứng ở cấp bậc thấp.[7] Cả lịch sử triều Đường thường xem ông là "hậu duệ của Trịnh Vương", nhưng lại nảy ra tranh cãi về danh tính của Trịnh Vương.[8] Một vài học giả ủng hộ giả thuyết rằng gốc gác của Lý có liên quan đến Lý Lượng (sống dưới thời nhà Tùy) là một người chú của Lý Uyên, hoàng đế nhà Đường đầu tiên.[8] Có giả thuyết khác cho rằng dòng dõi của vị thi sĩ có liên hệ tới Lý Nguyên Ý, con trai thứ 13 của Lý Uyên.[8]

Những năm đầu đời

Lý Hạ sinh vào năm 790 hoặc 791.[c] Dường như Lý chào đời vào năm Ngọ, vì 23 trong số các bài thơ còn sót lại của ông đều dùng con ngựa làm biểu tượng cho ông.[6] Ông là người gốc huyện Phúc Xương, tức phía Tây huyện Nghi Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay.[9][d] Lý bắt đầu sáng tác thơ từ năm 7 tuổi, đến năm 15 tuổi ông được đem so sánh với danh sĩ nhạc phủ Lý Ích.[7]

Sự nghiệp chính trị

Năm 20 tuổi, Lý Hạ cố gắng tham gia khoa cử, nhưng rồi bị cấm thi vì phạm vào húy kỵ: tên cha ông, Lý Tấn Túc có từ "Tấn" đồng âm với từ "Tiến" trong Tiến sĩ, chức vị ông sẽ được sắc phong nếu đỗ đạt.[10] Cuốn học thuật Ueki et al. (1999) suy đoán rằng đây là một cái cớ mà các đối thủ của Lý – những kẻ đố kị với tài năng thi ca của ông bày ra, nhằm ngăn vị thi sĩ dự thi.[11] Một danh sĩ nổi tiếng đương thời là Hàn Dũ vì mến tài ông mà viết bài Húy biện (諱弁) để dâng lên nhưng vẫn không thể giúp Lý dự thi.[7] Thế là ông chỉ giữ chức quan nhỏ Phụng lễ lang (奉禮郎; trông coi về nghi lễ)[7] trong 3 năm trước khi từ quan về quê nhà.[12]

Bệnh tật và qua đời

Lý Hạ được miêu tả là một người có ngoại hình rất ốm yếu, với thân hình mảnh khảnh, đôi lông mày liền nhau và để móng tay dài.[7] Lý trút hơi thở cuối cùng lúc đang giữ một chức quan nhỏ và gia cảnh nghèo khó vào năm 816 hoặc 817,[e] thọ 26 hoặc 27 tuổi.[6][f] Cuốn Lý Hạ tiểu truyện kể rằng vào canh giờ mà Lý qua đời, ông được một nhân vật mặc áo lụa đào ghé thăm; người này nói với vị thi sĩ rằng Thượng đế đã cho gọi ông lên thiên đàng để làm thơ.[13]

Các tên gọi

Tên tự của Lý Hạ là Trường Cát,[14] đôi khi ông còn được gọi với cái tên ghép từ họ và tên tự là Lý Trường Cát.[15] Người đời cũng mệnh danh ông là Quỷ Tài (鬼才), với lối làm thơ đối lập[g] với Thiên Tài (天才) Lý BạchNhân Tài (人才) Bạch Cư Dị.[16] Biệt hiệu này do học giả thời nhà Tống Tiền Dị (錢易) đặt cho Lý Hạ trong tác phẩm Nam bộ tân thư (南部新書).[17] Vị thi sĩ cũng được mệnh danh là "Thi Quỷ" (詩鬼),[18][19] trong khi Lý Bạch được gọi là "Thi Tiên" (詩仙) còn Đỗ Phủ là "Thi Thánh" (詩聖).[20]

 

Thơ

Ảnh cuốn Lý Hạ ca thi thiên.

Trong lịch sử văn học, Lý Hạ thường được xem là một nhà thơ thuộc kỷ nguyên Trung Đường, kéo dài từ cuối thế kỉ 8 đến đầu thế kỉ 9.[21] Những nguồn ảnh hưởng lên lối sáng tác của Lý có thể kể đến danh sĩ tiền bối đương thời Mạnh Giao và Hàn Dũ.[22] Lối làm thơ của Lý Hạ cũng được xem là chịu ảnh hưởng từ các yếu tố shaman của Sở Từ và phong cách bình dị của Lý Bạch.[22]

Cho đến nay khoảng 240 bài thơ[h] của Lý Hạ còn sót lại.[23] Cuốn Tân Đường thư cho biết có rất ít bài thơ của Lý được lưu trữ bởi những sáng tác đó đều mang màu sắc độc lạ cũng như do Lý mất sớm.[24] Giai thoại trong cuốn Thái bình quảng ký (太平广记) kể rằng một người anh họ của Lý được vị thi sĩ đề nghị biên soạn một tập thơ cho ông, nhưng vì người này không ưa Lý nên đã bí mật vứt hết đống thơ đó đi.[24]

Ngày nay có hai tập thơ của Lý Hạ còn sót lại, đó là Lý Hạ ca thi thiên (giản thể: 李贺歌诗篇; phồn thể: 李賀歌詩篇; bính âm: lǐ hè gē shī piān) và Ngoại tập (tiếng Trung: 外集; bính âm: wài jí).[1] Lý Hạ tiểu truyện miêu tả Lý là một nhà thơ chuyên cần. Ông luôn xách bên mình chiếc túi gấm cũ để mỗi khi nảy ra một ý thơ trên đường du ngoạn, ông liền ghi chép lại nó và bỏ vào trong túi.[25] Sau khi trở về nhà, ông sắp xếp các câu thơ đã viết thành một bài thơ hoàn chỉnh.[26]

Những tác phẩm của Lý Hạ luôn độc nhất vô nhị với màu sắc kỳ dị và khác thường, do đó ông mới được gắn cho cái nghệ danh Thi Quỷ.[27] Hầu như không có bài thơ nào của Lý được viết theo lối cận thể (近體詩), bên cạnh đó những sáng tác của ông thường xuyên dùng những từ mang điểm gở như "lão" (tiếng Trung: ; bính âm: lǎo) và "tử" (tiếng Trung: ; bính âm: ).[1] Trong những bài thơ như "Thiên thượng dao" (天上謠) và "Mộng Thiên" (xem bên dưới), ông viết theo lối gợi lên thế giới của thượng đế và Đức Phật.[1]

夢天[28] Mộng Thiên "Dịch nghĩa"
老兔寒蟾泣天色,
雲樓半開壁斜白。
玉輪軋露濕團光,
鸞佩相逢桂香陌。
黃塵清水三山下,
更變千年如走馬。
遙望齊州九點煙,
一泓海水杯中瀉。
Lão thố hàn thiềm khấp thiên sắc,
Vân lâu bán khai bích tà bạch.
Ngọc luân loát lộ thấp đoàn quang,
Loan bội tương phùng quế hương mạch.
Hoàng trần thanh thuỷ tam sơn hạ,
Canh biến thiên niên như tẩu mã.
Dao vọng Tề Châu cửu điểm yên,
Nhất hoằng hải thuỷ bôi trung tả.
Thỏ già, cóc lạnh khóc tạo nên sắc trời
Lầu mây hé mở, tường bạc nghiêng nghiêng.
Bánh xe ngọc lăn sương, quầng sáng ướt,
Đeo ngọc bội chim loan, tương phùng trên đường toả mùi hoa quế.
Dưới ba quả núi, bụi vàng, nước trong,
Nghìn năm thay đổi tựa ngựa phi.
Nhìn từ xa, Tề châu chỉ là chín điểm khói,
Nước sâu một biển đổ vừa một cái chén.

Ngòi bút của Lý Hạ cũng mang đến những nét miêu tả kỳ lạ về thế giới ma quỷ trong các bài thơ "Thu lai" (秋来) và "Thần huyền khúc" (神弦曲).[1] Bút pháp tượng trưng tâm linh mà Lý dùng trong các bài thơ sau này còn khiến cho nhiều độc giả "khó có thể lĩnh hội" được.[29] "Thần huyền khúc" là tên của một ca khúc dân gian nổi tiếng, xuất hiện sớm nhất vào thời Lục triều và Lý đã vay mượn tên của ca khúc này cho thơ của ông.[30] Ca khúc có xuất xứ tại ở vùng Nam Kinh, là một bài ca lễ nghi dùng trong các buổi lễ tôn giáo để mời gọi các vị thần linh.[30] Thơ của Lý miêu tả thế giới siêu nhiên nhưng không giống với nội dung trong nguyên tác dân gian.[30] Ông thường xuyên kết hợp những hình tượng màu sắc và cảm quan trong thơ của mình, chẳng hạn như trong hai bài "Thiên thượng dao" và "Tần vương ẩm tửu" (xem bên dưới).[1]

秦王飲酒[31] Tần vương ẩm tửu "Dịch nghĩa"
秦王騎虎遊八極,
劍光照空天自碧。
羲和敲日玻璃聲,
劫灰飛盡古今平。
龍頭瀉酒邀酒星,
金槽琵琶夜棖棖。
洞庭雨腳來吹笙,
酒酣喝月使倒行。
銀雲櫛櫛瑤殿明,
宮門掌事報一更。
花樓玉鳳聲嬌獰,
海綃紅文香淺清,
黃娥跌舞千年觥。
仙人燭樹蠟煙輕,
青琴}醉眼淚泓泓。
Tần vương kỵ hổ du bát cực,
Kiếm quang chiếu không thiên tự bích.
Hy Hòa xao nhật pha ly thanh,
Kiếp khôi phi tận cổ kim bình.
Long đầu tả tửu yêu tửu tinh,
Kim tào tỳ bà dạ trành trành.
Động Đình vũ cước lai xuy sính,
Tửu hàm hát nguyệt sử đảo hành.
Ngân vân trất trất dao điện minh,
Cung môn chưởng sự báo nhất canh.
Hoa lâu ngọc phượng thanh kiều trữ,
Hải tiêu hồng văn hương tiên thanh,
Hoàng nga điệt vũ thiên niên quang.
Tiên nhân chúc thụ đới yên khinh,
Thanh cầm túy nhãn lệ hoằng hoằng.
Tần vương cưỡi hổ du tám cực,
Ánh kiếm chiếu lên trời xanh biếc.
Hy Hòa cưỡi mặt trời, pha lê rung,
Khói loạn nghìn xưa đã lắng chìm.
Rót chén đầu rồng mời sao rượu,
Đêm nghe Tỳ bà gãy tưng tưng.
Mưa Động Đình êm như sênh thổi,
Trong men say muốn khiến trăng đổi hướng.
Mây bạc lát đan bừng điện ngọc,
Cửa cung chưởng sự báo sang canh.
Lầu hoa, phượng ngọc âm thanh du dương,
Lụa thêu màu đỏ tỏa hương thanh,
Cô gái áo vàng nhảy điệu chúc vạn tuế.
Người tiên đốt đuốc khói nhẹ vòng,
Đàn lặng mắt say lệ rưng rưng.

Phong cách làm thơ của Lý Hạ được mệnh danh là Trường Cát thể (giản thể: 长吉体; phồn thể: 長吉體; bính âm: cháng jí tǐ) bởi các nhà phê bình sau này, đặt theo tên tự của ông.[32] Học giả đời Tống Nghiêm Vũ (严羽) liệt Trường Cát thể là một trong những lối sáng tác tự sự thường xuyên được bắt chước.[33]
 

Đón nhận

Một số phê bình gia phương Tây và Nhật Bản đương đại như A. C. Graham, Naotarō Kudō và J. D. Frodsham đều nhất trí rằng thơ của Lý Hạ không được đón đọc rộng rãi cho đến thời hiện đại, tuy nhiên quan điểm này không hoàn toàn chính xác.[24] Trong cuộc khảo sát năm 1994, học giả Ngô Khải Minh cho biết vào thời Trung Quốc tiền hiện đại, Lý Hạ là nhà thơ thường được bắt chước nhiều hơn là bị thờ ơ.[33]

Thời nhà Đường và Tống

Hai nhà thơ đương thời với Lý Hạ là Đỗ Mục và Lý Thương Ẩn đều tri ân vị danh sĩ trong những tác phẩm văn xuôi của họ; trong khi Đỗ viết lời tựa cho tập thơ của Lý thì Thương Ẩn viết hẳn một cuốn tiểu sử về Lý Hạ.[34] Riêng lời tựa do Đỗ Mục viết có vai trò như bằng chứng cho thấy thơ của Lý được soạn và chỉnh sửa trong vài thập kỷ sau khi ông qua đời;[24] chúng giống như bằng chứng về những văn bản lưu hành nội bộ trước thời điểm Đỗ Mục viết lời tựa vào năm 831.[35] Thi sĩ đời Đường Bì Nhật Hưu (皮日休) cũng đề cập đến thơ của Lý Hạ cùng với thơ của Lý Bạch trong tác phẩm phê bình văn học "Lưu tảo cường bi" (phồn thể: 劉棗強碑; giản thể: 刘枣强碑; bính âm: liú zǎo qiáng bēi).[36] Lý Hạ còn nằm trong nhóm những nhà thơ Đường thường được trích dẫn làm ca từ bởi những nhạc sĩ đời Tống như Chu Bang Ngạn (周邦彥; 1056–1121).[37] Trong cuốn Thương lãng thi thoại (滄浪詩話), Nghiêm Vũ đã đem Lý Hạ so sánh với tiền bối Lý Bạch.[i][38] Những bản chép thơ cổ nhất còn lại của Lý Hạ được sưu tầm và chú giải vào thời Nam Tống.[24]

Thời nhà Nguyên và Minh

Nhiều thi sĩ triều Nguyên đã bắt chước lối sáng tác của Lý Hạ,[39] có thể kể đến những cái tên như Thành Đình Khuê (成廷珪),[39] Dương Duy Trinh (楊維楨)[40] và Cố Anh (顧瑛)[41] cũng như nhà thơ đầu triều Minh Cao Khởi (高启).[42] Học giả đời Minh Hồ Ứng Lân nhận xét thơ của Lý về mặt chính trị là "màu sắc của một quốc gia bị suy tàn", đồng thời nhận ra rằng phong cách thơ của Lý đặc biệt giàu ảnh hưởng trong những năm cuối của nhiều triều đại phong kiến.[33]

Thời nhà Thanh

Thơ của Lý Hạ bỗng chốc trở nên phổ biến từ cuối triều Minh đến giữa triều Thanh.[33] Một lượng lớn tập thơ của Lý có kèm chú thích xuất hiện trong giai đoạn này, từ đó thơ của ông được nhiều người bắt chước.[33] Học giả Vương Kỳ (王琦) đã viết một bài luận dài tới 5 tập để bàn về thơ của Lý.[43] Dù thịnh hành vào giữa triều Thanh, nhưng thơ của Lý lại không được một bộ phận các văn sĩ có tiếng nói ưa chuộng. Nhà soạn thơ Trần Đức Tiềm (沈德潜) đã chọn ra 10 bài thơ của Lý Hạ để cho vào cuốn sách nổi tiếng Đường thi biệt tài tập (唐诗别裁集).[44] Trần đã bị chỉ trích dữ dội vì bắt chước lối làm thơ của Lý.[33] Thơ của Lý Hạ cũng vắng mặt trong cuốn Đường thi tam bách thủ, một ấn phẩm về thẩm mỹ văn học ra đời vào cuối triều Thanh và đầu thế kỉ 20.[33]

Thời hiện đại

Bên cạnh Lý BạchLý Thương Ẩn, Lý Hạ là một trong "Tam Lý" (三李) mà chính khách Mao Trạch Đông ngưỡng mộ.[45] Năm 1968, nhạc sĩ Roger Waters của ban nhạc rock Pink Floyd đã vay mượn những câu thơ của Lý để sáng tác ca từ cho bài hát "Set the Controls for the Heart of the Sun".[46] Viết về Lý Hạ trong cuốn Chūgoku Bunkashi Daijiten, Hán học giả người Nhật Fukazawa Kazuyuki ví vị thi sĩ như "nhà thơ tiêu biểu của thời Trung Đường".[j][7]

Theo nhà Hán học người Pháp François Jullien, thơ của Lý Hạ được tái thừa nhận vào hàng ngũ danh tác kinh điển của văn học Trung Quốc "vào cuối thể kỉ 19... [khi mà]... những quan niệm về bút pháp lãng mạn của phương Tây [cho phép] người Hoa tái thẩm định lại nhà thơ này, cho phép bút pháp tượng trưng trong thơ của ông được lên tiếng, giải phóng thế giới tưởng tượng của ông khỏi những cuộc truy tìm ẩn ý chẳng bao giờ kết thúc".[47] Trong chương viết về Thơ Đường trong cuốn The Columbia History of Chinese Literature, Paul W. Kroll gọi Lý là "nhà thơ Đường lập dị nhất, có lẽ là trong toàn bộ nền thi ca Hoa ngữ" và mệnh danh ông là "Mallarmé của Trung Quốc" bởi lối làm thơ và cách sử dụng hình ảnh vô cùng khó hiểu của thi sĩ này.[29]

Tại Việt Nam, thơ của Lý Hạ được rất ít người biết đến, kể cả trong giới nghiên cứu văn học, nên chỉ có một lượng ít ỏi các tài liệu dịch thuật và nghiên cứu ông bằng tiếng Việt. Mặc dù vậy, thơ của ông tiếp cận giới nghiên cứu văn học Việt từ khá sớm, cụ thể là vào thập niên 60 của thế kỷ 20, khi các học giả Việt dịch bộ Lịch sử văn học Trung Quốc của Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.[48] Trong cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc tập 2, dịch giả-giáo sư Nguyễn Khắc Phi nhận xét: "… Kỳ lạ, phóng túng, tươi đẹp buồn thương, cố tâm theo đuổi cái mới lạ khiến cho thơ ca của ông tuyệt nhiên khác thường".[48] Năm 1995, trong cuốn Diện mạo thơ Đường, tác giả Lê Đức Niệm nhận định: "Lý Hạ sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn. Những tác phẩm của ông đều có ký thác tâm sự cá nhân, nhưng cũng có nhiều nét của cuộc sống hiện thực, dùng bút pháp tượng trưng để gửi gắm lý tưởng và nỗi u sầu".[49] Trong khi đó học giả Nguyễn Tôn Nhan trong cuốn Thơ siêu thực của Lý Hạ (2000) viết: "Thơ ông thích miêu tả cảnh giới siêu hiện thực với ảo giác thần kỳ quái đản... Nhiều bài thơ có sắc thái nồng diễm, lạnh lẽo, thê lương, chữ dùng lại tân kỳ, mới lạ".[49]

Chú thích

Ghi chú
  1. ^ Nguyên văn: 李賀,字長吉,宗室鄭王之後。父名晉肅,以是不應進士,韓愈為之作《諱辨》,賀竟不就試。手筆敏捷,尤長於歌篇。其文思體勢,如崇巖峭壁,萬仞崛起,當時文士從而效之,無能仿佛者。其樂府詞數十篇,至於雲韶樂工,無不諷誦。補太常寺協律郎,卒,時年二十四。
    Lược dịch: Lý Hạ, từ Trường Cát, là dòng dõi tôn thất Trịnh Vương. Cha tên là Tấn Túc, nên không thể làm tiến sĩ. Hàn Dũ vì thế mà làm bài "Huý biện" nhưng Hạ vẫn không thể ra ứng thí. Thủ bút [của Hạ] nhanh nhẹn, đặc biệt là ở các bài trường thiên. Tư tưởng và phong cách văn chương của hắn như vách đá sừng sững, như vạn nhận quật khởi. [...] Có hàng chục bài thơ trong Nhạc Phủ, còn như nhạc công vu vân thiều, chúng đều mang tính châm biếm. [Hạ] sung nhậm chức Hiệp luật lang ở chùa Thái Thường, chết ở tuổi hai mươi tư.
  2. ^ Nguyên văn: 李賀字長吉,系出鄭王後。七歲能辭章,韓愈、皇甫湜始聞未信,過其家,使賀賦詩,援筆輒就如素構,自目曰高軒過,二人大驚,自是有名。為人纖瘦,通眉,長指爪,能疾書。每旦日出,騎弱馬,從小奚奴,背古錦囊,遇所得,書投囊中。未始先立題然後為詩,如它人牽合程課者。及暮歸,足成之。非大醉、弔喪日率如此。過亦不甚省。母使婢探囊中,見所書多,即怒曰:「是兒要嘔出心乃已耳。」以父名晉肅,不肯舉進士,愈為作諱辨,然卒亦不就舉。辭尚奇詭,所得皆驚邁,絕去翰墨畦逕,當時無能效者。樂府數十篇,雲韶諸工皆合之絃管。為協律郎,卒,年二十七。與游者權璩、楊敬之、王恭元,每譔著,時為所取去。賀亦早世,故其詩歌世傳者鮮焉。
    Lược dịch: Lý Hạ, từ Trường Cát, là dòng dõi Trịnh Vương. Lên bảy đã có thể làm văn chương, Hàn Dũ, Hoàng Phủ Thực nghe đồn, liền ghé qua nhà bảo Hạ làm thơ. Hạ tức thì cầm lấy cây bút, viết nên bài "Cao Hiên quá". Hai người xem xong thì kinh hãi, Hạ vì thế mà nổi danh. Hạ người mảnh khảnh, lông mày giao nhau, móng tay dài, thủ bút lanh lẹ. Hàng ngày vào lúc bình minh, Hạ cưỡi một con ngựa yếu, đem theo một nô bộc, lưng đeo túi gấm, nghĩ ra được ý hay thì viết rồi ném vào trong túi. Ban đêm khi trở về, lại đem những ý nghĩ được lúc ban ngày mà chỉnh lý thành văn. Mẹ của Hạ bảo người tỳ nữ mở túi ra thì thấy một đống thơ, liền tức giận mà nói: "Thị nhi yếu ẩu xuất tâm nãi dĩ nhĩ." Phụ thân của Hạ tên là Tấn Túc, nên không thể làm tiến sĩ. Hàn Dũ viết bài "Huý biện", nhưng mà Hạ vẫn không thể ứng thí. Lời văn lạ lùng, khiến mọi người ngỡ ngàng. Hạ mất năm 27 tuổi khi đang giữ chức Hiệp luật lang. [...] Hạ qua đời đương tuổi còn trẻ nên rất ít thơ của ông được truyền từ đời này sang đời khác.
  3. ^ Ueki et al. (1999, tr. 110) ghi là "790?", Huntington (2001, đoạn thứ 46), Noguchi (1994) và Digital Daijisen ghi là 790, trong khi Arai (1959, tr. 5), Fukazawa (2013, tr. 1219), Gotō (2002, tr. 71), Kai và Higashi (2010, tr. 833), Britannica Kokusai Dai-Hyakkajiten, World EncyclopediaDaijirin ghi là 791.
  4. ^ Noguchi (1994) và Britannica Kokusai Dai-Hyakkajiten ghi quê nhà ông ở Xương Cốc (昌谷).
  5. ^ Ueki et al. (1999, tr. 110) ghi là "816?", Huntington (2001, đoạn thứ 46), Noguchi (1994) và Digital Daijisen ghi là 816, trong khi Arai (1959, tr. 5), Fukazawa (2013, tr. 1219), Gotō (2002, tr. 71), Kai và Higashi (2010, tr. 833), Britannica Kokusai Dai-Hyakkajiten, World EncyclopediaDaijirin ghi là 817.
  6. ^ Ueki et al. (1999, tr. 111), Noguchi (1994) và World Encyclopedia ghi ông qua đời thọ 27 tuổi.
  7. ^ Huntington (2001, đoạn thứ 46) ghi lý do dịch biệt hiệu thành "quỷ tài" bởi "những bài thơ của ông viết về các thế giới rời rạc và kỳ quái".
  8. ^ Fukazawa (2013, tr. 1220) ghi là 244 bài thơ.
  9. ^ 人言太白仙才、長吉鬼才、不然。太白天仙之詞、長吉鬼仙之詞耳。
  10. ^ 中唐を代表する詩人 (chūtō o daihyō suru shijin).
Tham khảo
  1. ^ a ă â b c d Fukazawa 2013, tr. 1220.
  2. ^ Morise 1975, tr. 480, ghi chú 1; Fukazawa 2013, tr. 1220; Endō 2005, tr. 1.
  3. ^ Morise 1975, tr. 480, ghi chú 1; Fukazawa 2013, tr. 1220; Noguchi 2001.
  4. ^ a ă Morise 1975, tr. 480, ghi chú 1.
  5. ^ Wada 2001, tr. 52-53.
  6. ^ a ă â Frodsham 1983.
  7. ^ a ă â b c d Fukazawa 2013, tr. 1219.
  8. ^ a ă â Morise 1975, tr. 480, ghi chú 2.
  9. ^ Ueki et al. 1999, tr. 110; World Encyclopedia 1998; Mypaedia 1996; Digital Daijisen 1998.
  10. ^ Ueki et al. 1999, tr. 110–111; Fukazawa 2013, tr. 1219.
  11. ^ Ueki et al. 1999, tr. 110–111.
  12. ^ Ueki et al. 1999, tr. 111.
  13. ^ Fukazawa 2013, tr. 1219; Noguchi 1994; Hinton 2014, tr. 319.
  14. ^ Ueki et al. 1999, tr. 101; Fukazawa 2013, tr. 1219; Noguchi 1994; Kai and Higashi 2010, tr. 833; World Encyclopedia 1998; Britannica Kokusai Dai-Hyakkajiten 2014; [[#CITEREF|]]; Daijirin 2006; Digital Daijisen 1998.
  15. ^ World Encyclopedia 1998; Daijirin 2006.
  16. ^ Ueki et al. 1999, tr. 111; Kai and Higashi 2010, tr. 833.
  17. ^ Ueki et al. 1999, tr. 111; Arai 1959, tr. 5.
  18. ^ Tung 2014, tr. 143.
  19. ^ “李贺故里文化旅游开发项目 [Lý hạ cố lý văn hoá lữ du khai phát hạng mục]”. 12 tháng 3 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2017.
  20. ^ Sugitani 2014, tr. 46.
  21. ^ Ueki et al. 1999, tr. 101; Fukazawa 2013, tr. 1219; Noguchi 1994; World Encyclopedia 1998; Britannica Kokusai Dai-Hyakkajiten 2014; Mypaedia 1996; Daijirin 2006; Digital Daijisen 1998; [[#CITEREF|]].
  22. ^ a ă Hinton 2014, tr. 318.
  23. ^ Kai and Higashi 2010, tr. 833.
  24. ^ a ă â b c Wu 1998, tr. 228.
  25. ^ Ueki et al. 1999, tr. 111; Hinton 2014, tr. 319.
  26. ^ Hinton 2014, tr. 319.
  27. ^ Fukazawa 2013, tr. 1219–1220.
  28. ^ “Chinese Text Project entry '夢天'. Chinese Text Project. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2019.
  29. ^ a ă Kroll 2001, đoạn thứ 88.
  30. ^ a ă â Arai 1959, tr. 178.
  31. ^ “Chinese Text Project entry 秦王飲酒”. Chinese Text Project. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2019.
  32. ^ Fukazawa 2013, tr. 1220; Zeitlin 2007, tr. 75.
  33. ^ a ă â b c d đ Zeitlin 2007, tr. 75.
  34. ^ Kroll 2001, đoạn thứ 88; Hinton 2014, tr. 318.
  35. ^ Wada 2001, tr. 51.
  36. ^ Arai 1959, tr. 6.
  37. ^ Sargent 2001, đoạn thứ 21.
  38. ^ Gotō 2002, tr. 71–72.
  39. ^ a ă Lynn 2001, đoạn thứ 9.
  40. ^ Lynn 2001, đoạn thứ 10; Wixted 2001, đoạn thứ 9.
  41. ^ Lynn 2001, đoạn thứ 11.
  42. ^ Wixted 2001, đoạn thứ 22.
  43. ^ Graham 1971, tr. 568.
  44. ^ Bryant 2001, đoạn thứ 11.
  45. ^ Xia 2001, tr. 78.
  46. ^ “Allusions to Classical Chinese Poetry in Pink Floyd”. cjvlang.com. Truy cập 27 tháng 5 năm 2020.
  47. ^ Jullien 2004, tr. 73.
  48. ^ a ă Xuân Châu 2009, tr. 35.
  49. ^ a ă Xuân Châu 2009, tr. 36.

Tài liệu trích dẫn



 

☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆
☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆
☆☆☆☆☆
☆☆☆
☆☆


tiểu sử tác giả

Thi Quỷ Lý Hạ (790-816): Thi Phật Vương Duy, Thi Tiên Lý Bạch, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Quỷ Lý Hạ. Thiên cơ khéo sắp đặt cho bốn thiên tài Phật Tiên Thánh Quỷ cùng tụ hội nhau trong một giai đoạn hoàng kim của thơ ca Trung Quốc. Thi Phật, Thi Tiên, Thi Thánh mọi người đã nghe nhắc đến nhiều, Thi Quỷ Lý Hạ chắc vẫn còn xa lạ với các bạn yêu thích thơ Đường.

Lý Hạ thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường, cực kỳ thông minh đĩnh ngộ, khi mới lên bảy đã biết làm thơ. Danh sĩ đương thời là Hàn Dũ nghe tiếng Hạ bèn cùng Hoàng Phủ Thực đến nhà. Hai người muốn thử tài nên bắt Hạ làm thơ. Hạ thản nhiên cầm bút viết ngay bài Cao hiên quá trình lên, hai ông xem xong đều kinh hoảng. Bài thơ Cao hiên quá có những câu vô cùng kỳ dị, nếu đúng là do một cậu bé làm ra như giai thoại được kể trong Thái bình ngự lãm thì hai nhà thơ đương thời có kinh tâm động phách cũng là điều dễ hiểu:

Điện tiền tác phú thanh ma không
Bút bổ tạo hoá thiên vô công
Trước nhà, làm thơ trình, thanh âm của bài thơ chạm vào bầu trời
Ngọn bút bổ sung những chỗ khiếm khuyết bất toàn của tạo hoá một cách dễ dàng, không tốn chút công sức.

Theo tiểu truyện về Lý Hạ do Lý Thương Ẩn - một nhà thơ lớn thời Vãn Đường - viết, thì khi Lý hạ bệnh nặng, bỗng có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con cù long màu đỏ, bay đến bên cửa, cầm một cuốn sách, chữ giống như chữ triện thời thái cổ, trao cho Lý Hạ và nói: "Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký" (Đế thành Bạch Ngọc lâu, lập quân chiêu vi ký). Lát sau Lý Hạ mất. Người nhà thấy hơi và khói thấp thoáng qua cửa sổ, và nghe tiếng xe đi trong tiếng sáo réo rắt. Trong lịch sử Đường thi, có lẽ chỉ có Thi Tiên Lý Bạch và Thi Quỷ Lý Hạ mới có huyền thoại chung quanh cái chết mà thôi. Một người nhảy xuống sông ôm trăng rồi cưỡi con kình ngư lên cõi thiên khung (tương truyền khi Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng thì có con kình ngư tới đón và chở lên trời. Tô Đông Pha có nói: "Văn đạo kỵ kình du Hãn mạn" (Nghe nói ông cỡi kình ngư rong chơi cõi trời Hãn mạn)), một người được Thượng đế cho tiên nhân đem xe nhạc đến mời lên viết bài ký cho lầu Bạch Ngọc chốn thiên đình. Ai dám khẳng định điều đó là hoang đường không thực, khi mà cõi đời tự bản chất đã là sắc sắc không không ?

Mười lăm năm sau khi Hạ mất, Đỗ Mục người Kinh Triệu viết lời tựa này:

Tháng 10 năm Thái Hoà thứ năm (831), nửa đêm bỗng nghe ngoài nhà có tiếng gọi gấp ra nhận thư, Mục lấy làm lạ, thắp đuốc ra gặp. Quả nhiên, Tập hiền học sĩ Thẩm công tử tên là Minh gởi thư. Thư viết: "Người bạn đã mất thời Nguyên Hoà của tôi là Lý Hạ, trung nghĩa rất mực, tôi vô cùng yêu mến, sáng chiều cùng nhau chung sống ăn uống. Hạ đã mất, có để lại cho tôi các thi ca sáng tác thuở bình sinh gồm bốn quyển, khoảng hai trăm ba mươi ba bài. Trải qua bao năm, lưu lạc bốn phương ngỡ đã làm mất. Đêm nay, tỉnh rượu, không thể ngủ lại được, bèn xem lại các hòm sách, bỗng gặp lại các bài thơ mà Lý Hạ đã giao cho tôi. Nhớ lại chuyện cũ, đã cùng Hạ đàm đạo, rong chơi, sáng chiều cùng nhau say bên hồ rượu, hiện ra rõ ràng như ngày chưa mất, bất giác nhỏ lệ. Hạ vốn không có gia đình, chỉ có con em cấp dưỡng an ủi. Tôi thường nghĩ đến người, đọc đến thơ mà thôi. Ông đối với tôi giao tình rất hậu, hãy vì tôi viết lời tựa cho tập thơ Lý Hạ, nói cho hết được cái nguyên do cùng nói đại lược được cái ý của tôi".

Trong tối hôm đó, Mục viết thư trả lời không thể được. Hôm sau, đến gặp công tử, nói: "Người đời nói rằng Lý Hạ tài năng tuyệt diệu". Được vài ngày, Mục tới nói rằng: "Ngài đối với thơ đã biết nhiều hiểu rộng và thâm hiểu đến chỗ sâu xa, lại thấy rõ được chỗ được chỗ mất, lẫn cái sở trường sở đoản của Lý Hạ. Hôm nay quả thực không nhường cho ngài thì không được, không rõ ý ngài ra sao ?". Lại xin từ tạ, nói hết lý do không dám viết lời tựa. Công tử trả lời: "Nếu ông cố chấp như thế, là khinh rẻ tôi". Do đó Mục không thể từ chối, gắng gượng vì Lý Hạ mà viết lời tựa, rốt cuộc trong lòng vô cùng xấu hổ.

Lý Hạ là con cháu hoàng tộc nhà Đường, tự là Trường Cát. Năm Nguyên Hoà, Hàn lại bộ (Hàn Dũ, một đại văn gia đời Đường) cũng đã có nói về thơ ca Lý Hạ. Đối với thơ ca Lý Hạ thì mây khói, gấm liền không đủ để nói lên cái văn thái; dòng nước mênh mông không đủ để nói lên tình cảm; vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân không đủ nói lên sự hài hoà; sự thanh khiết của mùa thu không đủ để nói lên phong cách; gió thổi qua tường, ngựa phi từng đàn không đủ đề nói lên nét mạnh mẽ; quan tài bằng ngói, đỉnh khắc chữ triện không đủ để nói lên vẻ cổ kính; hoa nở đúng thời, người đẹp không đủ để nói lên sắc thái; vường hoang điện phế, cỏ cây đồi lũng không đủ nói lên nỗi niềm tình oán bi sầu; cá kình hút nước, rùa lớn vẫy vùng, ma trâu, thần rắn không đủ để nói lên vẻ hoang lương quái đản mà kỳ ảo. Cho nên là hàng miêu duệ của Ly tao, dù về nghĩa lý tuy không bằng nhưng ngôn từ có chỗ hơn cả Ly tao. Ly tao có điểm cảm oán, phúng thích, đề cập đến nghĩa vua tôi, về lý có thể kích phát được được lòng người thời loạn, đó là chỗ Hạ chưa đạt được vậy. Hạ hay tìm tòi việc đời trước, cho nên thường than thở, hận rằng xưa nay chưa có ai nói đến. Như các bài Kim đồng tiên nhân từ Hán ca bổ sung được cho các bài ca thuộc thể cung đình của Dữu Kiên Ngô đời Lương (Dữu Kiên Ngô là nhà thơ khá nổi tiếng, ông là thân phụ của một nhà thơ lớn khác thời Nam Bắc triều là Dữu Tín), chỉ cần giữ được tình trạng, xa lìa con đường bút mực hẹp hòi, đó là điểm đặc thù khó hiểu được ông.

Hạ sống có hai mươi bảy năm thì qua đời. Người đời đều nói: "Nếu Hạ chưa mất, thêm một phần lý vào thơ nữa thì có thể tạm nối nghiệp được Ly tao vậy".

Lý Thương Ẩn:

Đỗ Mục người Kinh Triệu viết lời tựa cho tập thơ Lý Hạ, nói được cái kỳ dị trong thơ Lý Hạ, được lưu truyền ở đời. Chị của Trường Cát làm dâu nhà họ Vương, nói về Trường Cát càng đầy đủ hơn. Trường Cát người gầy nhỏ, lông mày liền nhau, móng tay dài, thường khổ ngâm, mê đọc sách. Đầu tiên được Xương Lê Hàn Dũ biết đến và giao du. Quan hệ thân thiết với Vương Tham Nguyên, Dương Kính Chi, Quyền Nghị, Thôi Trực. Mỗi buổi sáng cùng các ông dạo chơi, thường không có được đề tài, thế nhưng sau đó làm thơ như người khác suy nghĩ mà đưa đến chỗ tựu thành.

Hạ thường dẫn một tên hề nô, cưỡi lừa lớn, lưng mang một túi gấm cũ, gặp được ý hay bèn chép thành câu bỏ vào túi. Đến chiều quay về nhà, Thái phu nhân sai nữ tì mở túi ra thấy các câu thơ, bèn nói: "Thằng nhỏ này chắc phải mửa cả tim ra mới chịu thôi" (Thị nhi yếu đương ẩu xuất tâm nãi dĩ nhĩ). Trường Cát theo nữ tì, lấy sách, mài mực, đem giấy ra viết thành thơ rồi lại cất vài túi. Nếu không phải lúc say mềm hay những lúc điếu tang thì ngày nào cũng sống như thế, chẳng bao giờ chịu tỉnh táo.

Các ông Vương, Dương thường lui tới lấy các bài thơ đó. Trường Cát thường một mình cỡi lừa qua lại hai vùng Kinh, Lạc, nơi nào ghé đến cũng có thơ để lại. Do đó mà Thẩm công tử Minh mới có di cảo là tập thơ gồm bốn cuốn.

Khi Trường Cát sắp mất, giữa ban ngày bỗng nhiên thấy một người mặc áo lụa đào cưỡi con cù long màu đỏ, tay cầm một cuốn sách, chữ giống như triện thời thái cổ hoặc như thạch văn tích lịch, nói "Xin mời Trường Cát". Trường Cát không đọc được, bèn bước xuống giường, cúi đầu nói "A di" (khi Trường Cát mới tập nói, thường gọi mẹ (Thái phu nhân) là A di (dì)) đã già lại bệnh hoạn, Hạ không muốn đi. Vị tiên cười bảo: "Thượng đế vừa làm xong Bạch Ngọc lâu, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký. Trên thượng giới rất vui, không khổ gì cả". Trường Cát lặng lẽ khóc một mình. Mọi người đứng bên cạnh thấy rõ ràng. Một lát sau, hạ thở yếu dần. Nơi cửa sổ thường ở, có khói nghi ngút, lại nghe tiếng xe đi trong tiếng nhạc réo rắt. Thái phu nhân lập tức cấm mọi người không được khóc. Đợi một khoảng thời gian gần bằng nấu chín một nồi cơm thì Hạ mất.

Bà chị nhà họ Vương không phải là người ưa đặt chuyện, nói rằng tận mắt chứng kiến cảnh này.

Than ôi, trời xanh cao vút, quả có Thượng đế thực chăng ? Thượng đế quả có vườn hoa cung thất, lầu đài để thưởng ngoạn chăng ? Nếu cứ cho là như vậy thì nơi cõi trời cao xa, chốn Thượng đế tôn nghiêm phải có người văn thái hơn người ở cõi thế, sao lại quyến luyến mỗi một Trường Cát để ông phải yểu mệnh thế kia ? Ôi, cái mà cõi thế gọi là tài năng kỳ lạ, thì há chỉ chốn trần gian mới hiếm đâu, mà ở cõi thiên cung cũng chẳng có nhiều. Trường Cát sinh thời chỉ sống có hai mươi bảy năm, địa vị bất quá chỉ là người giữ chức quan Thái thường coi việc lễ nghi. Người đời đã nhiều phen bài xích chê trách ông. Há có phải tài năng kỳ lạ là điều Thượng đế xem trọng mà người đời coi thường chăng ? Há có phải người đời hơn cả Thượng đế chăng ?

Thi trung hữu quỷ

Sưu tầm thơ của Lý hạ.

Sinh thời, Lý Hạ không có ý định ghi danh thiên cổ nên thơ ca ít được lưu giữ và tổn thất phần nhiều. Tác phẩm của ông, có lần bị người anh họ vì ghen ghét, đố kỵ nên đã đem bản thảo ném vào nhà xí. Về sau, người đời gom góp lại được mấy trăm bài và đặt tên ban đầu là Lý Hạ tập (theo thiên Văn nghệ chí cuốn Đường sử, Tống sử và Trình thị thông chí), sau đổi tên là Xương Cốc tập. Hiện nay tập thơ ông có tên là Lý Trường Cát ca do lấy từ bài tựa của Đỗ Mục theo bản sưu tập của Ngô Tây Quyền.

Với cùng quan niệm "Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu" (lời mà không kinh động được lòng người thì có chết cũng không nguôi), thơ Lý Hạ hướng đến một thế giới cực kỳ quỷ dị. Âm hồn lãng đãng, ngưu quỷ xà thần, vật vờ trong chốn u minh nên cảnh tượng và ngôn từ trong thơ vô cùng khó hiểu.

So Ly Tao với thơ Hạ, Đỗ Mục viết: "Đối với thơ ca Lý Hạ thì vẻ rực rỡ của mùa xuân không đủ để nói lên sự hài hoà, sự thanh khiết của mùa thu không đủ để nói lên phong cách; quan tài bằng ngói, đỉnh khắc chữ triện không đủ để nói lên vẻ cổ kính; vườn hoang điện phế, cỏ cây đồi lũng không đủ nói lên nỗi niềm tình oán bi sầu; ma trâu, thần rắn không đủ để nói lên vẻ hoang lương quái đản mà kỳ ảo. Cho nên là hàng miêu duệ của Ly Tao, dù về nghĩa lý tuy không bằng nhưng ngôn từ có chỗ hơn cả Ly Tao."

Viết theo thể nhạc phủ, thơ Hạ có những lời đọc lên chứa bao nhiêu là cung bậc, nghe qua thì rộn rã âm thanh nhưng không giấu nỗi chỗ bi sầu:

Chung ẩm Bắc hải
Kỳ cứ Nam san
Ca dâm dâm
Quản tích tích...
Rượu uống ở biển Bắc
Cờ đánh ở núi Nam
Lời ca mê đắm
Tiếng sáo ngậm ngùi...

Lý Hạ Lý Trường Cát từng tự ví mình "Ngã đương nhị thập bất đắc ý. Nhất tâm sầu tạ như khô lan" (hai mươi tuổi mà chưa được đắc ý, tấm lòng sầu úa như nhánh lan khô) cũng là chân dung của người tài hoa yểu mệnh. Bi phẫn thời cuộc nhưng ông vẫn giữ được khí phách ngang tàng của một bậc quân tử, xem thường kẻ xu thời phụ thế. Khi Nguyên Chẩn, một người nổi tiếng thi đàn lúc bấy giờ đến gặp, Lý Hạ không thèm tiếp mà sai nô bộc ra nói rằng: "Kẻ thi đậu khoa Minh kinh có việc gì mà phải đến tìm Hạ?" Hiểu được tính cách và tài hoa của Lý Hạ thì đọc thơ ông mới hiểu được vinh danh mà người đời gán cho ông "thi trung hữu quỷ" biết bao là trân trọng.

Thơ Hạ khuyến tửu (khuyên uống rượu) để khai sầu (giải sầu), khuyến mạc chủng thụ (đừng trồng cây) vì thấy cổ du du hành (thiên cổ mênh mang) sầu bất tận bởi nỗi ngày ngắn, mùa thu ảm đạm, quỷ khốc, trăng lạnh, lá tàn... Nguyễn Tôn Nhan nhận định rằng tuy văn học sử Trung Quốc xếp Hạ vào trường phái duy mỹ cuối đời nhà Đường nhưng thơ Hạ hẳn phải là "quái mỹ". Cái đẹp kỳ dị trong thơ Hạ khiến cho ngôn từ nhuốm màu huyền bí, u mặc:

Thu phần quỷ xướng Bảo gia thi
Hận huyết thiên niên thổ trung bích...
Trên nấm mộ mùa thu, tiếng quỷ ngâm nga thơ Bảo gia
Máu hận ngàn năm ngấm vào đất và biến thành ngọc đá...

Mối hận sầu uất, nghe quỷ đọc thơ... hẳn chỉ có người tương cảm với thiên địa được như Hạ mới có thể nghe thấu, hiểu thấu? Quỷ, tiên suy cho cùng cũng là linh khí của trời đất, người đời cớ sao lại xưng tụng tiên, thánh mà coi quỷ thần là thứ phải tránh xa? Nếu quả thật quỷ tài Lý Hạ chỉ sinh ra để làm kinh sợ lòng người thì Thiên đế vì sao biết mến mộ mà cung kính mời lên bàn chuyện văn chương?

Thi trung hữu quỷ, nhưng ắt trong thơ Hạ còn cận nhân tình, cận nhân gian, thiên địa ở riêng một cõi xưa nay hiếm.



1. Cổ du du hành 10. Nam viên kỳ 6 19. Thục quốc huyền
2. Hữu sở tư 11. Tần Vương ẩm tửu 20. Thu lai
3. Kim đồng tiên nhân từ Hán ca tịnh tự 12. Tẩu mã dẫn 21. Trường ca tục đoản ca
4. Lý Bằng không hầu dẫn 13. Tàn ti khúc 22. Vịnh hoài kỳ 1
5. Mạc Sầu khúc 14. Tô Tiểu Tiểu mộ 23. Vịnh hoài kỳ 2
6. Mộng thiên 15. Tương phi 24. Xương Cốc bắc viên tân duẩn kỳ 1
7. Mã thi kỳ 10 16. Tương tiến tửu 25. Xương Cốc bắc viên tân duẩn kỳ 2
8. Nam viên kỳ 1 17. Thất tịch 26. Xương Cốc bắc viên tân duẩn kỳ 3
9. Nam viên kỳ 5 18. Thần huyền khúc 27. Xương Cốc bắc viên tân duẩn kỳ 4

Tất cả các bài của tác giả Lý Hạ - 李賀 (Quỷ Thi Lý Hạ):

Mạc Sầu Khúc - huệ thu thoát dịch - Đường thi Trung Quốc - Jun 03, 2024
MỸ NHÂN SƠ ĐẦU CA 🌿 🌷 - Đường thi Trung Quốc - May 22, 2024
Mã thi kỳ #15/ 18/ 22/ 23 - Đường thi Trung Quốc - Aug 12, 2020
Mã thi kỳ # 4 / 5 / 6 / 7 / 10 - Cổ Thi Trung Quốc - Aug 09, 2020
Tần Vương ẩm tửu - Cổ Thi Trung Quốc - Dec 08, 2016
Tương tiến tửu - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 05, 2008
Tẩu mã dẫn - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 05, 2008
Mộng thiên - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 05, 2008
Cổ du du hành - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 05, 2008
Lý Bằng không hầu dẫn - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 05, 2008
Kim đồng tiên nhân từ Hán ca tịnh tự - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 05, 2008
Hữu sở tư - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 05, 2008