Apr 26, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Nhớ danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1854 -1922).
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 11:11:47 PM, Mar 29, 2009 * Số lần xem: 2932
Hình ảnh
#1

 

- Thác mà điếu chi bằng điếu sống? Trước song đôi chén cùng nhau, cần gì mà vui mà tủi, kẻ khóc người cười, xác thịt một đời rồi bỏ hết
- Năm nay chăng hay đợi năm sau? Từ biệt ngàn thu không gặp, nghĩ  lại lúc đạt lúc cùng, tài này cảnh ấy, bù nhìn cả lũ sống mà chi?
(Câu điếu sống của Hồ Sĩ Tạo)

Thân thế:
Gần cuối thế kỷ 19 ở Bình Định, cụ Tú Nguyễn Khuê, một vị thầy đồ đức độ, tiết tháo, đào tạo nhiều thế hệ học trò làm nên danh phận, có bốn người con là Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Thúc Mân, Nguyễn Quý Luân.Trong số ấy, ông Huân và ông Trì, nổi bật hơn cả.
Nguyễn Trọng Trì, hiệu là Tả Am, quê ở làng Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, là nhà yêu nước chống Pháp tiêu biểu trong phong trào Cần vương ở Bình Định.
Tại trường thi Bình Ðịnh khoa Bính Tí, Tự Ðức thứ 29 (1876), ông trúng cử nhân thứ 8. Nhưng trước cảnh nước nhà loạn lạc, nền nho học suy vi đã khiến ông cử nhân trẻ tuổi không còn muốn lập thân bằng khoa cử nữa, cho nên kỳ thi hội tiếp theo không có mặt ông.
Năm Mậu Dần (1878), triều đình Huế chọn những cử nhân đỗ cao bổ làm quan, trong đó có Nguyễn Trọng Trì. Thấy ông dùng dằng, bạn bè xúm lại khuyên, bất đắc dĩ ông phải đi nhậm chức.
Nhận làm tư vụ ở nội các, thấy công việc chỉ là chuyện hầu chữ và trình giấy, khiến Nguyễn Trọng Trì đâm ra ngao ngán. Và càng não lòng hơn khi thấy cảnh bè phái, cảnh vàng thau lẫn lộn ở nơi đây:
Tro mạt thương thay mấy chú nghè
Biểu đừng bớn tớn biểu đừng khoe
Ngày hai cơm quán ăn qua bữa
Tháng một lương vua lãnh lấy lề
Chỉ thắm đeo bài coi cũng lịch
Tráp sơn hầu chữ nghĩ mà ghê
Mặc dù lơ láo quan trên quở
Cho nữa làm chơi chẳng nữa về. ..
(Nội các còn gọi là nhà nghè, do vậy những người làm việc ở các được gọi là ông nghè; khác với danh xưng của người đậu tiến sĩ - người soạn ghi chú)
Năm Quí Mùi (1883), Tự Đức băng hà, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chuyên quyền phế lập.Triều đình Huế ký hoà ước nhận quyền bảo hộ của Pháp trên toàn lãnh thổ.
Làm quan giữa lúc vận nước ngửa nghiêng, hận vì tài sức mình không góp được gì cho cuộc cải biến, ông luôn nghĩ đến chuyện bỏ quan về làng. Ít lâu sau ông trốn về thật.
Cuối tháng 5 năm 1885 thực dân Pháp trắng trợn chiếm đóng nước Việt. Kinh thành Huế bị thất thủ, vua Hàm Nghi theo Tôn Thất Thuyết chạy ra phía Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương. Đào Doãn Địch vốn người Bình Định đang làm quan tại Kinh, mang chiếu về quê tụ nghĩa. Sau trận Cần Úc, Đào công lâm bệnh rồi chết, trao binh quyền cho Mai Xuân Thưởng, anh hùng hào kiệt quy tụ dưới cờ Mai tướng công không ít. Cả ba anh em Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Quý Luân cùng lúc lên đường đến Bình Khê ứng nghĩa.
Ông, các anh em ông và Nguyễn Duy Cung được Mai chủ tướng đặc biệt kính trọng, thường giữ ở bên, để cùng nhau bàn định kế sách và dự các trận đánh lớn ở Cẩm Văn, Thủ Thiện, Phú Phong…
Ðến khi lực lượng Cần vương của Xuân Thưởng bị liên quân Pháp - Trần Bá Lộc - Nguyễn Thân đánh tan rã, chủ tướng họ Mai phải ra nộp mình cho giặc (tháng tư năm Ðinh Hợi - 1887) để cứu mẹ và dân làng Phú Phong - Phú Lạc, rồi chịu lên đoạn đầu đài vào ngày rằm tháng tư nhuận Ðinh Hợi; thì ông và Nguyễn Phong Mậu ở vào số những người thoát khỏi sự truy bức của giặc. Hai người ẩn náu ở núi Thuận Ninh. Phong Mậu không chịu nổi gian khổ đã ra hàng giặc và được trọng dụng. Nguyễn Trọng Trì phải bỏ nơi ẩn cũ, tiếp tục đi trốn.
Tám năm sau, tức là năm 1895, sau khi lãnh tụ Phan Đình Phùng qua đời, triều Thành Thái bãi lệnh truy tầm dư đảng Cần Vương. Cho đến lúc ấy, Nguyễn Trọng Trì mới trở về .
Khi còn nương náu ở núi rừng, Nguyễn Trọng Trì vẫn ngầm nuôi chí phục thù báo quốc. Đến khi trở về nhà, ông mới hiểu rằng giấc mộng hưng quốc khó mà thực hiện được. Rất nhiều dư đảng Cần Vương đã quy thuận với chính quyền để mưu cầu hai chữ bình an. Có kẻ trở mặt hại đồng đội như Vũ Phong Mậu. Với những người có khí tiết như ông, tuy thực dân và tay sai không ra hạch hoẹ gì, nhưng  chúng vẫn  ngấm ngầm theo dõi.
Nguyễn Trọng Trì sum họp với gia đình chưa bao lâu thì có tang em là Nguyễn Thúc Mân, rồi tiếp đó lại tang cha. Nhà cửa sa sút, ông để anh cả Nguyễn Bá Huân trông coi từ đường, còn mình dẫn vợ con về quê mẹ ở Bình Đức mở trường dạy học. Học trò rất đông. Ông đem hết tâm huyết và sở học ra truyền thụ.
Năm Đinh Dậu 1897, cuộc tụ nghĩa ở Phú Yên do Trần Cao Vân và Võ Trứ lãnh đạo ảnh hưởng lan tới Bình Định. Nguyễn Trọng Trì phấn chấn vui mừng. Nhiều học trò của ông theo lời khuyên của thầy đã trốn vào Phú Yên ứng nghĩa. Nhà cầm quyền đánh hơi được, liền bắt ông xuống giam ở thành Bình Định để phòng ngừa hậu hoạ.
Trong tù, viên tổng đốc Bình Định thấy ông không chút gì tỏ ra sờn lòng thì căm tức lắm. Hắn nói cạnh nói khoé, bảo ông là giống cây đa vô dụng, nên đốn xuống để ma quái khỏi đến ở. Ông trả lời bằng một bài thơ :
Cây đa
Nhà cách xa chùa cũng cách xa
Bên đường sừng sững một cây đa
Đức dày trái mật yên lòng quạ
Danh vút cung thiềm rạng bóng nga
Cội cả dầu lòng thần ỷ cậy
Tàng sum mặc ý khách lân la
Một cành gánh biết bao nhiêu nặng
Can cớ gì ai ức bửa ra?   
Cuộc đấu trí còn diễn ra vài lần nữa, lần nào hắn đều đuối lý, đều tức giận, đều muốn hãm hại ông song không biết khép ông vào tội gì, nên cứ giam thế thôi.
Những người lính canh biết chuyện, họ vô cùng cảm phục ông nên đối đãi ông rất tử tế. Ngày ngày ông uống rượu say rồi ngủ, ngủ dậy lại uống rượu ngâm thơ.
Tức sự là một trong nhiều bài thơ ông viết trong tù:
Hầm đá khen ai khéo ngại lòng
Đem người làm biếng để ngồi không
Thơ e quét sạch vào trong túi
Rượu sợ tuôn tràn nước giữa sông
Lăng líu mặc thây chim ở trọ
Dòm hành kệ kiếp miểu quen chùng
Dù ta ăn ngủ dù ta dậy
Người có khi cùng đạo chẳng cùng.
Gần một năm, nhà cầm quyền mới thả ông.
Sau khi ra tù, ông càng uống rượu nhiều, rất ít khi ở nhà. Người ta thường gặp ông ở các đám hát bội. Có lẽ sau men rượu, những đêm hát là nơi ông khả dĩ tìm được nguồn an ủi, khi xem các vở tuồng phò chính diệt tà.
Trước đây, có lần ông nghe tin Đào Tấn về thăm quê ở Vinh Thạnh, Nguyễn Trọng Trì có đến tận nhà mời ông Đào gia nhập nghĩa quân. Đào Tấn lấy cớ nhà có đại tang, lánh mặt. Nguyễn Trọng Trì cho rằng Đào Tấn hèn nhát, từ đó mang nặng thành kiến với ông Đào.
Nhưng rồi qua những lần xem tuồng Đào Tấn, Nguyễn Trọng Trì mới hiểu ra Đào Tấn là một nhân sĩ lớn, khí tiết hơn người chứ không như bấy lâu ông vẫn lầm tưởng.
Và ông đã tự tìm đến Đào Tấn. Tình bạn của hai người bắt đầu từ đấy. Qua ông, Nguyễn Bá Huân cũng giao kết với ông Đào. Ba người kính yêu nhau chí tình. Dân chúng gọi họ là “Bình Định tam đại”. Chính trong thời gian lưu kết với Đào Tấn, Nguyễn Trọng Trì chăm chú sưu tầm tuồng cổ. Và bản thân ông cũng sáng tác nhiều bổn tuồng hay, như Phụng Hoàng Anh, Liệu đố… Năm Đinh Tỵ (1907), Đào Tấn qua đời. Tin muộn, không được đưa thi hài bạn về nơi an nghỉ cuối cùng, Nguyễn đến thắp hương trước bàn thờ khóc thống thiết.
Ông tìm quên trong rượu, nhưng rượu ngấm càng buồn hơn. Phần thì ray rứt vì tuổi già sức yếu, không tham gia được phong trào cách mạng do vua Duy Tân khởi xướng; phần thì, với vong hồn Mai nguyên soái, ông luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình chưa trọn nghĩa tình.
Bài thơ ghi sau đây thật trĩu nặng nỗi niềm trên.
Gởi chủ nhân quán cũ bên đường,
Quán cũ đây he!
Cớ sao chẳng quạt chè?
Thềm hè leo cỏ ống
Chái bếp thả bầu ve
Rằng: Ta còn nợ nước
Rồi cũng trả cho nghe
Theo tài liệu của Lộc Xuyên Đặng Quí Địch, khi chủ tướng họ Mai phải ra nộp mình cho giặc thì ông cũng bị giặc bắt, nhưng chỉ bị tước mất học vị cử nhân rồi đuổi về làng giao cho địa phương quản lý.
Ðến năm Mậu Thân (1908) Phong trào cự sưu kháng thuế nổi lên, dù ông không trực tiếp chỉ đạo như bạn ông là tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, ông vẫn bị bắt với tội danh Cần vương cựu đảng.
Ông mất ngày mười sáu tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1922) thọ 68 tuổi, mộ táng tại thôn Tân Ðức, nay thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn.
Cũng bởi ông bị tước mất học vị cử nhân, nên trên mộ chí chỉ thấy ghi hai chữ tú tài.
Văn nghiệp:
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Trọng Trì, do thời gian và hoàn cảnh chiến tranh đã không thể tìm lại đủ. Những gì người đời sau còn nhớ và giữ được thật ít ỏi so với thành quả văn chương một đời ông sáng tạo.
Tác phẩm chữ Hán của ông gồm có: Tả Am thi tập, Tây Sơn danh tướng chinh Nam, Tây Sơn lương tướng ngoại truyện và hai tập ký do ông và Nguyễn Bá Huân chép lại các giai thoại phường hát bội.
Cũng như anh ông là danh sĩ Nguyễn Bá Huân, ngay trong thời buổi triều đình Huế còn thâm thù nhà Tây Sơn đến cùng cực, vậy mà ngòi bút của cả hai  dám viết và truyền bá đề tài này nhằm cổ vũ, nuôi dưỡng ý chí quật cường của nhân dân, thì rõ ràng là hành động quá đổi dũng cảm.
Nhắc lại đôi chút về vương triều Tây Sơn.
Ở đây, người soạn đồng ý với ông Nguyễn Khắc Thuần là:
Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu nhiều thiệt thòi như các danh tướng nhà Tây Sơn. Họ có một đời xông pha với hàng loạt những võ công kiệt xuất…để cứu dân, cứu nước.
Nhưng ngay sau đó, rất nhiều người trong số ấy, thân thể họ bị triều đại mới hành hình một cách dã man, sách vở biên chép về họ bị đốt sạch, sự nghiệp của họ bị quá nhiều những sử quan thù nghịch tìm mọi cách xuyên tạc và dòng tộc họ bị giết chết hoặc phải phiêu dạt; nên giờ đây ta thấy, năm sanh của họ thường là dấu hỏi và cuộc đời họ thường có những dấu hỏi để nói lên sự mơ hồ…(Tại bãi chém An Hoà, ngoại ô Huế, khoảng 200 tướng lĩnh của nhà Tây Sơn đã hiên ngang ra pháp trường )
Bởi vậy, tôi rất biết ơn ngòi bút của Nguyễn Trọng Trì, vì nhờ ông mà ta biết được khá chi tiết về cuộc đời, về sự nghiệp của 15 danh tướng nhà Tây Sơn. Và tôi cũng thật sự khâm phục vì ở vào triều đại có tiếng là “nhiều nghị kỵ, ít bao dung” mà ông dám viết lời ngợi khen các “đô đốc của ngụy triều”.
Thiển nghĩ, nếu ông không nặng lòng với những phận đời oanh liệt, bất hạnh thuở xưa kia, và ông không có đủ cái “dũng” của một sử quan (dù ông không phải là một sử quan, nhưng qua tác phẩm vừa nêu, ta thấy ông đã hơn hẳn nhiều kẻ chỉ biết khom lưng và uốn cong ngòi bút của mình); thì giờ đây ta không thể nào bắt gặp những lời nhận xét rất có lý tình, những lời cảm vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi niềm sâu kín:
Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu.
(Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Khiến cỏ hoa đồng nội đất đầy sầu).
Trích hai đoạn trong bài thơ dài Bùi phu nhân ca, để ta vừa thưởng thức tài nghệ của ông, vừa cảm nhận được những gì ông thầm gửi gắm (vừa đề cao bậc nữ lưu anh hùng, vừa trách cứ tinh thần quá đổi hèn yếu, chủ bại của vua quan nhà Nguyễn, khiến đất đai của tổ tông mất dần vào tay thực dân Pháp):
Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao
Xuân phong xuy huyết nhiễm chinh bào
Hoàng hôn thành dốc bi già động
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều
Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc
Thùy ngôn cân quắc bất như nhân?
Dĩ cổ phương kim tam đinh túc.

Tạm dịch :
Khí xuân lạnh như khí lạnh nơi lưỡi dao bén thoát ra.
Gió xuân thổi máu bay đẫm tấm chinh bào
Nơi góc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn
Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung
Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân.
Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà
Ai bảo khăn yếm không bằng người ?
Từ xưa đến nay vững vàng thế ba chân vạc.
Và:
Cổ kim bất phạp chân anh hùng
Năng ngự ngoại hồi vi thượng công
Tráng tai Thị Xuân kì nữ tử,
Thống suất tì hưu biến tây đông.
Tổ tông cương thổ bất dung vong,
Nam nhi tử tất tại sa trường
Nam nhi bất hướng sa trường tử,
Cao ca nhất khúc khán Thị Xuân.
Tạm dịch:
Xưa nay chẳng thiếu các bậc thật sự anh hùng
Có thể ngăn giặc ngoài làm nên công lao
Mạnh thay Bùi Thị Xuân, người con gái lạ lùng
Cầm quân vùng vẫy khắp tây đông.
Đất đai tổ tông không thể để mất
Nam nhi hẳn nhiên phải chết ở chốn sa trường
Nếu nam nhi mà không dám hướng về sa trường để chết,
Hãy hát lớn một khúc ca mà xem gương Bùi Thị Xuân.
Thêm nữa, qua những lời kể, lời bình phẩm dành cho các danh tướng của nhà Tây Sơn; ta dễ dàng hiểu ông muốn đề cao nhiều phẩm chất vượt trội của những vị này so với đám quan tướng nhu nhược, thoái hóa, biến chất thời bấy giờ:
-Ông chép lời của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết (? - 1789):
“Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi bất bình, đó là sở nguyện của ta…”
- Đánh giá về Đại tư mã Ngô Văn Sở (? - 1975), đô đốc Phan Văn Lân (? - ?) và đô đốc Đặng Xuân Bảo (? -1802, ông bị bắt rồi nhịn ăn để chết sau trận Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy Thanh Hóa ). Nguyễn Trọng Trì viết:
- “ Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi tiếng tăm, lúc nào cũng muốn tránh quyền thế và yêu kính người quân tử.Ông cùng với Trần quang Diệu, Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều là danh tướng, người đương thời gọi là Tứ kiệt…”
- “Phan Văn Lân trí dũng hơn người, đánh giặc rất giỏi, hễ được ban thưởng là đem hết ra để khao quân và không mấy khi nhắc đến chuyện nhà. Ông vào ra giản dị chẳng khác chi người hầu. Quân Thanh  kinh sợ Văn Lân nên gọi ông là “Phi tướng quân”, nghĩa là tướng từ trên trời bay xuống”.
-Đặng Xuân Bảo ít đọc sách nhưng rất trung liệt và giàu mưu lược hơn người. Ông thường dùng đức để trị nên ai cũng vui theo….
-Làm thơ ca ngợi Đô đốc Võ Văn Dũng:
Võ công dũng quán quân
Bách chiến khởi Tây thùy
(Võ công anh dũng vào hàng bậc nhất
Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phía tây).
Bên trên tất cả, ông đã dành nhiều tình cảm để chia sẻ, để xót xa cho đôi phận bạc của vợ chồng Thiếu phó Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân:
Vô đoan hữu lục anh hùng phổ,
Túy mặc lâm li bất tự cầm…
(Nào phải vô cớ mà chép chuyện anh hùng,
Bởi quá thương cảm, mực say không thể ngăn lại được…)
Và như để tổng kết lại sự nghiệp của vương triều lắm oai hùng mà ngắn ngủi này, ông viết:
Kinh qúa Tây Sơn di chỉ cảm hoài
Loạn thế anh hùng sản xuất đa
Bắc Nam dược mã dự huy qua
Thập niên huyết chiến thành hà sự,
Không thính ngư tiều túy tửu ca.
Tạm dịch:
Cảm xúc khi qua dấu tích Tây Sơn
Đất loạn anh hùng xuất hiện đông,
Bắc Nam giục ngựa, giáo gươm vung
Mười năm máu đổ đâu thành bại,
Nghe tiếng ca say khắp núi rừng.

kết
Ban đầu, người soạn chỉ muốn chép vần thơ cảm hoài trên, rồi trích dẫn thêm vài câu day dứt, phiền muộn cũng của một con người nhiều tài năng mà “Sinh bất phùng thời” để kết thúc là vừa.
Nhưng trong khi tra tìm thêm tư liệu, tôi bắt trên net một giai thoại buồn viết về ông như sau:
Nợ nước là nỗi sầu tư khiến anh em ông cùng ôm nặng. Sau khi Nguyễn Bá Huân chết uất giữa gò, Nguyễn Trọng Trì càng bi quan yếm thế. Tình trạng buông thả rượu chè cùng với những mối muộn phiền, đã làm sức khoẻ ông ngày càng suy cạn.
Lâm trọng bệnh, biết mình không qua khỏi, ông nhắn bạn bè yêu cầu điếu sống để ông còn đọc trước lúc ra đi. Câu đối gửi đến rất nhiều. Trong số đó có hai câu chữ Hán mà ông tâm đắc nhất. Một là của tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, tôi đã trích dẫn ở phần đầu; và đây là câu đối của phó bảng Đào Phan Duân, người soạn  chép luôn ra đây để thay cho lời kết (dịch nghĩa):
- Đường cùng còn biết nói sao, từng dạo chơi cây cảnh Vân Sơn, ngâm khúc ngư tiều ta (cùng)  bạn,
- Nghiệp trần thôi đừng hỏi nữa, đã hát bài  hát buồn Yên Triệu, chìm lấp bao hào kiệt xưa nay.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn
Đầu tháng 1/2008.

Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tham khảo:
-Bài viết về Nguyễn Trọng Trì của Trần Thị Huyền Trang (báo Bình Định, ra ngày 8 tháng 3 năm 2004).
-Danh tướng Việt Nam, tập 3, Nxb Giáo Dục, năm 2005 của Nguyễn Khắc Thuần

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Cụ Cử NGUYỄN TRỌNG TRÌ VÀ LIỄN ÐIẾU SỐNG
Hue Thu Mar 28, 2009
Cụ Cử NGUYỄN TRỌNG TRÌ
VÀ LIỄN ÐIẾU SỐNG

LỘC XUYÊN ÐẶNG QÚY ÐỊCH

Nguyễn Trọng Trì thuở bé tên là Nguyễn Văn Lâm, sau đổi Nguyễn Văn Trì, tự Trọng Trì. Sinh ngày mười ba tháng hai năm Tân Hợi (1851) tại làng Vân sơn, xã Nhơn hậu, huyện An nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Là con của ông Tú Nguyễn Văn Khuê (tự Ðạt), em kề xử sĩ Nguyễn Văn Chỉnh (tức Nguyễn Bá Huân). Trúng cử nhân thứ 8/12 tại trường thi Bình Ðịnh khoa Bính Tí, Tự Ðức thứ 29 (1876). Ðược bổ chức Tư vụ tại triều dưới thời Kiến Phúc. Sau Kiến Phúc băng, ông thấy triều chính càng đổ nát mà giặc Pháp không ngừng dùng binh lực ép triều đình ta thừa nhận hàng ước Quí Mùi (1883), ông bỏ chức rồi trốn về làng liên lạc với các bậc sĩ phu yêu nước mưu đồ việc cứu nước. Kịp đến khi vua Hàm Nghi xuất bôn (1885), hạ chiếu Cần vương thì ông gia nhập nhóm nghĩa sĩ do quan Hường Ðào Doãn Ðịch cầm đầu ứng nghĩa.

Sau trận đánh với quân Pháp tại Trường Úc (Tuy Phước), quan Hường Ðào bị thương, bèn giao binh quyền cho cử nhân Mai Xuân Thưởng. Từ đó ông theo giúp Nguyên soái họ Mai. Ðến khi lực lượng Cần vương của Mai công bị liên quân Pháp - Trần Bá Lộc - Nguyễn Thân đánh tan rã, Mai công phải ra nộp mình cho giặc (tháng tư năm Ðinh Hợi - 1887) để cứu mẹ và dân làng Phú Phong - Phú Lạc, rồi chịu lên đoạn đầu đài vào Rằm tháng tư nhuận Ðinh Hợi, thì ông cũng bị giặc bắt, bị tước mất học vị Cử nhân rồi đuổi về làng giao cho địa phương quản lý. Ðến năm Mậu Thân (1908) Phong trào cự sưu kháng thuế nổi lên, dù ông không trực tiếp chỉ đạo như bạn ông là Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, ông vẫn bị bắt với tội danh Cần vương cựu đảng.

Ông mất ngày mười sáu tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1922) thọ 72 tuổi ta, mộ táng tại thôn Tân Ðức, nay thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn.

Cũng bởi ông bị tước mất học vị Cử nhân nên trên mộ chí thấy ghi hai chữ Tú tài. Tú tài là học vị dưới Cử nhân và cũng có nghĩa là người học trò. Tấm bia đã bị mòn, nhiều chữ khó nhận, nhất là những chữ cuối ở hai hàng chữ nhỏ hai bên. Cũng may là những chữ quan trọng trên bia tôi còn nhận được qua bản sao rập của ông Phan Văn Cảnh (hiện là giảng viên trường Ðại học Sư phạm Qui Nhơn) đã rập cách đây mười năm. Nay xin sao lại phiên âm và dịch nghĩa để giúp cho những ai muốn nghiên cứu thân thế chiến sĩ Cần vương Nguyễn Trọng Trì. Dưới đây là nguyên văn mộ chí, những vòng tròn dưới hai hàng chữ nhỏ thế những chữ có trên bảng rập nhưng lu quá không đọc được.

Phiên âm:
1- Hoàng Triều Cố Tú Tài Nguyên Tư Vụ Nguyễn Phủ Quân Chi Mộ.
2- Sanh ư Tân Hợi niên nhị nguyệt thập tam nhật Tuất khắc ...
3- Tốt ư Nhâm Tuất niên chánh nguyệt thập lục nhật Hợi khắc...

Dịch nghĩa:
1- Mộ của Tú tài họ Nguyễn đã qua đời, nguyên làm chức Tư vụ triều nhà Nguyễn.
2- Sanh năm Tân Hợi, tháng hai, ngày mười ba, giờ Tuất (15-3-1851)...
3- Mất năm Nhâm Tuất, tháng giêng, ngày mười sáu, giờ Hợi (12-2-1922)...

(số Ả rập trên đầu ba hàng chữ Hán do tôi ghi để dễ nhận)

Tưởng cũng nên nói luôn là ông không có con trai nối dõi nên việc thờ phượng và trông nom mộ phần ông đều do cháu ngoại đảm trách... Hiện ông được thờ tại nhà bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Tân Ðức, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn. Tại đây còn tôn di ảnh của ông.

Giờ tôi xin nói tới liễn điếu sống.

Số là vào đầu năm Nhâm Tuất (1922), giữa lúc đau nặng gần chết, ông cho mời mấy người bạn thân đến làm liễn điếu đọc trước cho ông nghe, trong Nhân Vật Bình Ðịnh tôi có đưa vào hai câu của ông Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo và Phó bảng Ðào Phan Duân, trích từ sách Danh Nhân Bình Ðịnh của Bùi Văn Lăng. Sau này tôi bắt gặp trong "Chủ Danh Gia Ðối Liên Tập" của Hà Trì Trần Ðình Tân cũng có chép hai câu ấy nhưng ở câu của cụ Tiến sĩ Hoà Cư thì có mấy chữ khác. Tuy chữ có khác nhưng nghĩa cũng đồng với câu trong sách ông Bùi. Cho nên, tuy ở đây tôi sao lại từ sách cụ Hà Trì nhưng vẫn dùng bản dịch của ông Bùi vì tôi có dịch cũng không qua nổi.Câu của Phó bảng Biểu Xuyên Ðào Phan Duân:

Mạt lộ cách hà ngôn? Vân Sơn khâu thọ cựu du, lãng tụng ngư tiều ngô dữ tử;
Trần duyên an túc vấn? Yên Triệu bi ca bản sắc, trầm mai hào kiệt cổ nhi kim!

Bản dịch của ông Bùi Văn Lăng:

Ðường cuối cùng thôi biết nói sao! Thú nhởn nhơ cây mát gò cao, Vân Sơn mấy vận Ngư tiều, đây đó ngâm nga đà lắm lúc;
Việc trần thế ra gì hỏi nữa! lòng trung nghĩa câu cười tiếng khóc, Yên Triệu những chàng hào kiệt, xưa nay chôn lấp biết là bao!

Câu của cụ Tiến sĩ Lam Giang Hồ Sĩ Tạo:

Tử điếu hà như sanh điếu đa? Song tiền tương chước số bôi, bất tận vi ca vi khấp vi bi vi hoan, tất thế hình hài vong cố ngã!
Kim tuế hoặc diên lai tuế giả. Biệt hậu cánh thành thiên cổ, vị tố kỳ đạt kỳ cùng kỳ tài kỳ ngộ, nhất trường khối lỗi khái phù sanh!

Bản dịch của Bùi Văn Lăng:

Thác đi điếu chi bằng sống đến chơi? Trước song đôi chén cùng nhau, cần gì mà vui mà tủi, kẻ khóc người cười, xác thịt một đời rồi bỏ hết!
Năm nay chăng hay đợi năm sau đã? Tử biệt ngàn thu chẳng gặp, nghĩ lại lúc đạt lúc cùng, tài này cảnh ấy, bồ nhìn cả lũ sống mà chi!

Ðọc hai câu liễn của hai bậc đại khoa tỉnh ta, tôi thấy câu nào cũng hay cả, nhưng khiến tôi xúc động thì lại là câu của Tiến sĩ Hoà Cư. Ðiều đó dễ hiểu bởi lẽ lãnh tụ kháng thuế Hồ sĩ Tạo đã từng vào tù ra tội như Cần vương cựu đảng Nguyễn Trọng Trì. Cụ làm liễn điếu sống bạn mà cũng là tự điếu mình. Thảm thiết nhất ở mệnh đề cuối: "nhất trường khối lỗi khái phù sinh" (cảm khái cho kiếp sống tạm mà bọn mình như những phỗng sành tượng đất lăn lóc trên quảng trường). Ông Bùi dịch thoát mà rất hay: "Bồ nhìn cả lũ sống mà chi!" Hàn Dũ bảo "bất bình tắc minh" (bất bình thì ắt kêu lên). Ðọc lại "Nhất trường khối lỗi..." thật không còn tiếng kêu uất ức tủi nhục bi thương nào hơn!

LỘC XUYÊN ÐẶNG QUÍ ÐỊCH
(Trong những bài viết về Nhân Vật Lịch Sử Tác Giả Văn Học Bình Ðịnh, 1955)
Ðặc san QUANG TRUNG & TÂY SƠN Xuân Canh Thìn 2000