Bóng Đời, Một Thời Để Nhớ!
Trần Quốc Phiệt
"Tôi ở đường Đặng Dung,
mùa xuân thắm đóa hồng,
tuổi xanh đời phơi phới,
nuôi hoài bão trong lòng."
Hạ Thái
Lâu lắm rồi, tôi chưa một lần trở về thăm lại mái nhà xưa. Theo như lời kể và hình ảnh được xem thì cảnh vật nay đã thay đổi hoàn toàn. Cũng rất buồn, dù biết rằng theo lẽ thường thì “thương hải biến vi tang điền”. Ai có thể ngăn được sự đổi hình thay dạng qua thời gian, đặc biệt là một thời gian dài đằng đẵng hơn nửa thế kỷ đã qua với nhiều biến chuyển thời sự bằng những vết thương đau tận cùng của dân tộc.
Nếu như ở một xứ sở văn minh, người ta xem cái gì thuộc về dĩ vãng đều là dấu tích văn hóa, dù nằm ở khuynh hướng nào. Còn xứ sở mình đã nghèo lại lạc hậu về cách suy tưởng, thôi đành chấp nhận những mất mát to lớn, đó là một sự thật đau xót quá phũ phàng.
Nhưng dẩu sao thì cái địa chỉ ở đường Đặng Dung,Thành Nội, Huế thuở nào vẫn còn ăn sâu vào trong trí nhớ, với biết bao kỷ niệm buồn vui tuổi đời học trò không dễ gì phai nhạt, dù là một tí nhỏ nhoi nơi tôi, và nỗi nhớ cũng mãi tăng lên mỗi lần nhắc lại. Đã nhiều lần tôi viết về nơi ấy, văn vần, văn xuôi, ký sự và cả chuyện vui buồn…vẫn chưa đủ để tải hết nỗi niềm, thế thì bài viết này như là một lời nhắc lại những hoài niệm hoặc chắp nối các dòng chảy dở dang khi ẩn khi hiện, tựa cái bóng đời của người đi trong ánh nắng lùm cây, hay vầng trăng mờ ảo che bởi những đám mây, và cứ như thế để suốt cuộc hành trình không thể tách rời ra được với chính mình, bóng và hình.
Vâng, tôi đang nói về căn nhà ấy mà tôi đặt tên là “căn nhà tuổi thơ”. Nó nằm trên khoảnh đất có diện tích khá lớn, trên một trong những con đường “quý tộc,” với những cái tên biểu thị sáu cơ quan đầu nảo quyền lực một thời vàng son của cố đô Huế, đường Bộ Tham là tiền thân tên gọi của Đặng Dung. Tôi hơi dài dòng như vậy vì vào thời tôi lưu trú nơi ấy, những người trong Nội Thành vẫn còn gọi đường bằng tên cũ ví như: Hiển Nhơn, Bộ Thị, Bộ Học, Bộ Tham…Hơn nữa, gọi tên cũng là cách ôn về quá khứ một thuở một thời…chứ thật ra lớp người già nua ấy hầu như đến nay đã ra thiên cổ.
Căn nhà xa xưa đó, những người chưa hề đến Huế, hoặc là dù người gốc Thừa Thiên nhưng không tìm hiểu nhiều, chắc gì đã biết về nó, và kể cả một ít người dù cư trú trong khu Nội Thành rất lâu, chưa chắc đã để ý đến, cũng có người biết đến với tên gọi, và một cách nhìn không mấy thân thiện. Tại sao, cơ duyên nào đã đưa đẩy tôi có mặt nơi ấy, với thời gian dài bảy năm đèn sách, tuổi học trò là dấu ghi đậm nét nhất trong đời người.
Bài bút ghi này như những lời tâm tình, cho nên xin được nói về tôi, với những hoài niệm chặng đời xa xưa trìu mến ấy môt lần, và cũng để giới thiệu cùng những ai có dịp đọc đoạn văn nôm na này biết thêm một chút về ”căn nhà tuổi thơ”. Đó là lý do tôi quyết định viết đề tài: “Bóng Đời dưới Căn Nhà Tuổi Thơ với Huế Mộng Mơ”.
*
Tôi, sinh ra nơi vùng đất “cày lên sỏi đá; chó ăn đá gà ăn muối” ở một làng quê nghèo thuộc vùng Chợ Cạn,Triệu Phong, Quảng Trị. Tôi yêu quê hương tôi da diết từ những ngày kham khổ tuổi thơ, tôi cũng yêu Huế vô cùng, với chuổi đời học trò nghèo nàn, nhiều mơ mộng, yêu bóng mát tàng cây cồ thụ, yêu những con đường êm ả nên thơ, trong khu thành quách cổ kính rêu phong, mà mãi mãi lớp bụi thời gian dày lên lại càng tăng thêm phần u hoài mờ ảo và huyền bí. Tôi đã yêu tất cả dù là niềm vui hay nỗi đau bằng con tim, và những dòng chữ này cũng chảy ra từ con tim cuả chính tôi.
Tuy ở vùng quê, nhưng là một gia đình quan lại, với hàm tứ phẩm của triều đình, “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”. Đó là cái nề nếp phải giữ. Thân phụ tôi, một người thông thạo cả hai nền cổ và tân học, tôi muốn nói đến chữ Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Nơi đây tôi không muốn dẩn chứng những bộ sách người đã dịch, những bài thơ người đã để lại, vì đã có lần đăng tải trên những trang báo, và tôi dự định sẽ còn viết về những điều ấy vào một đề tài khác, mang tính gia đình.
Sinh ra trong một gia phong như vậy, nhưng lại lớn lên và trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn đầy khắc nghiệt. Mẹ tôi mất năm tôi vừa lên tám. Cha tôi bị tù vì tội chống Pháp. Anh em trong nhà, người lớn nhất chỉ mười bốn tuổi, nhỏ nhất mới bảy ngày sinh. Chị tôi, mới mười hai tuổi, người nữ duy nhất trong nhà, đảm nhiệm nội trợ.
Trong một bài thơ tự sự “viết cho chị” tôi kể lại thế này:
"Gia đình một nhúm toàn con trẻ,
anh đầu đàn chưa đến mười lăm,
em nhỏ nhất đang còn bồng ẩm,
bên nhau cùng hoàn cảnh khó khăn.
Căn nhà nhỏ ra vào hôm sớm,
cũng ruộng sâu, ruộng cạn hai mùa,
cũng vồng sắn, nương khoai, mạ, lúa …
sống đơn sơ chân đất áo chằm.
Ngọn đèn dầu từng đêm leo lút,
dắt dìu nhau học chữ đánh vần,
phước đức đời làm sao đo được,
để về sau ai cũng thành thân,
Chị thấy đó hết mưa thì tạnh,
tháng ngày trôi sự thể xoay vần,
em nhận biết chữ “nhân” là nhất
tạ ơn Trời soi sáng cầm cân”.
Tuổi thơ của tôi là cả môt đoạn đời gian khổ, thấm hiểu thế nào là những đứa trẻ mồ côi mẹ, căn nhà đơn sơ đã bốc lửa mấy lần qua cuốc chiến, nằm trên mảnh đất hương hỏa bao đời là nơi che chở chúng tôi những ngày tháng buồn rơi nước mắt. Những ngày hè nóng rát lên ruộng xuống đồng, những đêm dài anh em ngồi nhìn bóng trăng lồng qua chòm tre mà tưởng đến một tương lai mù mịt, không nơi nương nhờ bão dưỡng. Những ngày thu buồn bã qua giọt mưa rơi. Những đêm đông lạnh lẽo trong tấm chăn cũ kỷ, đắp đầu thiếu chân không đủ ấm. Những ngày xuân về không hề mang áo mới. Tất cả, dù chỉ một giai đoạn khó khăn tạm thời ngắn ngủi, khi còn bé, mà thật là một vết hằn khắc đậm nét trong cuộc đời.
Vài năm sau thì chia hai đất nước, Ba tôi trở về với thân xác tiều tụy còm cõi, gia đình quyết định chúng tôi phải được đi học bằng mọi giá, đó là lý do anh em tôi phải rời xa mái ấm để vào Huế, “Căn nhà tuổi thơ” là nơi lưu trú của chúng tôi. Chính nơi đó là căn bản bước đầu cho cả một cuộc đời và sau này có thể nói là đã thành đạt. Uống nước nhớ nguồn, chúng tôi vô cùng trân quý những hình ảnh và tình nghĩa bao la mà tha nhân đã dành cho.
Nơi đó, là thiên đường tuổi thơ của tôi, nói vậy không quá đáng, nếu không tôi cũng chỉ là thằng bé con lam lũ ruộng đồng, lớn lên thành một nông gia nơi xứ quê nghèo nàn kham khổ. Nơi đó là chỗ nương thân cho tôi học hành, có mái nhà giữa chốn đô hội để trú thân, có bát cơm hai bữa mỗi ngày, có anh em bằng hữu đồng cảnh cùng dắt dìu nhau. Có lớp đàn anh đã thành đạt vinh hiển, thành danh, có lớp đàn em tình nghĩa khắn khít, tất cả đã mở ra con đường thênh thang vào đời bằng những tri thức thu gặt được trong thời gian lưu trú, với một kinh nghiệm dạn dày cuốc sống tập thể, đó là lý do cho họ có những vị trí tương xứng trong xã hội.
Từ giáo sư đại học cho xuống giao viên tiểu học, từ bác sĩ cho đến anh cán sự y tế, từ giam đốc cho chí nhân viên đủ mọi lãnh vực, từ ông đại tá cho đến anh chuẩn úy tò te trong quân đội. Lớp trước, lớp sau… tất cả là anh em có thứ bậc dưới: “căn nhà tuổi thơ”. Vẫn giữ truyền thống khắn khít bên nhau.
Nhắc lại những điều này như là lời tri ân một xã hôi nhân bản, mà chúng tôi những kẻ thừa hưởng có lương tâm, thì chắc chắn không thể trở thành những tên phản bội lại “căn nhà tuổi thơ”.
Khi viết một bài bút ký, tôi không hề có ý biến nó thành một bài diễn thuyết về đạo đức học. Nhưng cũng không thể không phát biểu những cảm nghỉ chân thành, cho dù thừa biết rằng trong những tràng pháo tay rộn ràng bao giờ cũng có những cái huýt sáo thưa thớt kèm theo. Như thế mới gọi là cuộc đời! Cám ơn những người cảm thông chia sẻ, dù suy nghĩ ra sao đi nữa thì đối với tôi, đó vẫn là mái ấm một thời, mà tôi mãi đặt trọn niềm mến yêu nơi “căn nhà tuổi thơ”.
*
Người ta thường nói Huế là thành phố của mộng mơ, thành phố của những vần thơ. Ở thì buồn đi thì nhớ, nhớ thì muốn về, về thấy buồn rồi lại muốn đi. Tôi không có dịp để trải qua thử nghiệm điều này. Tôi ở Huế hơn mười năm, xem như suốt cả tuổi học trò, với biết bao kỷ niệm. Khi tôi rời Huế vào Sài Gòn, nhớ Huế vô cùng, nhưng nhớ nhất vẫn là “căn nhà tuổi thơ” của tôi, cho chí bây giờ tôi vẫn còn nhớ, nhớ rất rõ. Cho nên trong một bài “tạp nhạp ghi” dài lê thê viết về nơi ấy, hầu như tôi đã vẽ lại được một bức tranh đầy đủ từ cảnh trí đến nhân sự, đủ mọi giờ khắc trong ngày, trong tuần, kèm theo những ghi chú hoặc lời tâm tình gởi gắm.
“Căn nhà tuổi thơ” và thành phố buồn muôm thuở ấy, nơi mà tôi đã trải qua chặng đời học trò kham khổ nhưng được học hành, làm sao có thể quên những ngày tháng thân thương, những ngày hè oi ả đi dưới làn hoa phượng đỏ rực trời, nghe tiếng ve rộn ràng trên cành réo gọi. Mùa thu lá vàng rơi trên những nẻo đường nhè nhẹ mưa bay, trên ghế đá công viên, trên những mái ngói lầu uốn hình long phụng, phủ lớp rêu phong. Những mùa đông lạnh lùng mưa phùn gió bấc, Những ngày xuân hoa sắc muôn màu…
Những đền đài cổ kính, lăng tẩm uy nghiêm, Đại Nội bí huyền, Tịnh Tâm mơ mộng mùa sen rộ…Nơi đó có “căn nhà tuổi thơ” in dấu bóng đời một người, dù lâu rồi biền biệt phương xa, với hành trang mang theo còn nguyên nỗi nhớ…
Trần Quốc Phiệt
Đội Trăn, Đoàn Vạn Thắng
VBA 56 - 63 - Jun-09-2011.
Thân mến gởi đến quý niên trưởng, quý thân hữu đồng trang lứa, các em... và gia đình cựu nội trú sinh VBA Thành Nội Huế, nhân ngày họp mặt tại Boston, Massachusetts, USA, (Chủ Nhật, 06 tháng 8 năm 2017).