Sep 19, 2024

Tác giả

Vương Tường 王牆, Vương Chiêu Quân
Hình ảnh
#1

Vương Tường 王牆, Vương Chiêu Quân

Vương Tường Vương Chiêu Quân

Tên đầy đủ Vương Tường (王牆)
Tước hiệu Ninh Hồ Yên Chi (宁胡阏氏)

Vương Chiêu Quân (chữ Hán: 王昭君, bính âm: Wang zhào jun) là một mỹ nhân thời nhà Hán, một trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Về sau do kiêng húy của Tư Mã Chiêu, nàng được đổi gọi là Minh phi (明妃).

Với sắc đẹp được ví là Lạc nhạn (落雁), câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biển của thi ca, nghệ thuật. Vương Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp hòa bình, sự quên mình của nàng góp phần mang lại hòa bình trong 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô.

Nàng là một trong Hai đại mỹ nhân của lịch sử nhà Hán cùng với một mỹ nhân khác tên Triệu Phi Yến.

Mục lục

1 Tiểu sử
2 Truyền thuyết
2.1 Chiêu Quân xuất tái
2.2 Những chi tiết còn mâu thuẫn
3 Hình ảnh trong thi ca nghệ thuật
3.1 Thi ca
3.2 Sân khấu
4 Xem thêm
5 Tham khảo

Tiểu sử

Nàng tên thật là Vương Tường (王牆), tự là Chiêu Quân (昭君). Nàng là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy (秭归), Nam Quận (南郡), nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Vương Chiêu Quân được trời phú nhan sắc tuyệt trần, cử chỉ phong nhã, lời ăn tiếng nói dịu dàng thanh cao, mắt ngọc mày ngài không có tỳ vết và trí thông minh. Nàng thông thạo đàn tỳ bà và tứ nghệ gồm: cầm, kì, thi, họa, được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 TCN, đời Hán Nguyên Đế. Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt hoàng đế và vẫn chỉ là một cung nữ (宮女).

Vì số phi tần trong hậu cung của Hán Nguyên Đế quá đông, nên hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ Mao Diên Thọ (毛延壽) phải vẽ hình các cung phi để hoàng đế chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong hoàng đế để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới.

Năm 33 TCN, lúc đó Hung Nô phía Bắc đã thống nhất được Nam bắc sau thời kỳ chia cắt, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà (呼韓邪) đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán, một phần trong hệ thống triều cống giữa nhà Hán và Hung Nô. Thiền vu nắm lấy cơ hội để đề nghị được trở thành con rể của Nguyên Đế. Thay vì gả một công chúa cho thiền vu thì Hô Hàn Tà đã được ban cho 5 cung nữ từ hậu cung.

Hán Nguyên Đế ra lệnh trong các cung nữ: "Ai tình nguyện lấy thiền vu Hung Nô sẽ được coi như công chúa". Các cung nữ đều ngần ngại sang Hung Nô. Có cung nữ Vương Chiêu Quân tình nguyện lấy Hô Hàn Tà.

Đến ngày hôn lễ giữa Hô Hàn Tà và Vương Chiêu Quân, Nguyên Đế thấy nàng xinh đẹp nên rất hối tiếc. Ông bèn hạ lệnh mang bức tranh nàng ra xem, thì thấy bức tranh do họa sĩ Mao Diên Thọ vẽ không giống chân dung thật. Nguyên do vì Mao Diên Thọ bắt các cung nữ phải đút lót mới vẽ hình đẹp để được vào gặp thiên tử, nếu không chịu hối lộ sẽ bị vẽ hình xấu. Nguyên Đế thấy tranh Mao Diên Thọ vẽ sai với người thật, bèn sai xử trảm Thọ.

Chiêu Quân trở thành sủng phi của Hô Hàn Tà, được phong là Ninh Hồ Yên Chi (宁胡阏氏) [1]. Họ sinh được người con trai, tên gọi là Y Chư Trí Nha Sư (伊屠智牙師).

Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng Hán Thành Đế đã buộc nàng phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô và Chiêu Quân trở thành phi tần của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề (復株累若鞮) - con trai lớn của Hô Hàn Tà. Trong cuộc hôn nhân mới này nàng có hai người con gái, Tu Bốc Cư Thứ (須卜居次) và Đương Vu Cư Thứ (當于居次). Sau khi chết, Chiêu Quân được táng tại Thanh Trủng, lăng mộ hiện nay vẫn còn tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ.

Hòa bình giữa nhà Hán và Hung Nô đã được kéo dài trên 60 năm, được người đời sau muôn lời ca ngợi, tuy nhiên, sau này người ta đã không còn biết gì về các hậu duệ của Chiêu Quân.

Kể từ thế kỉ 3 trở đi thì câu chuyện về Chiêu Quân đã được phóng tác nên như là hình tượng của một nhân vật nữ đầy bi thương trong nhiều tác phẩm thơ ca hay kịch, thông qua ngòi bút của các thi sĩ như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương An Thạch, Quách Mậu Thiến, Mã Trí Viễn, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược, Tiễn Bá Tán,…
Truyền thuyết
Chiêu Quân xuất tái
Thanh Trủng tại Nội Mông Cổ

Câu chuyện về Chiêu Quân được gọi Chiêu Quân xuất tái (昭君出塞) trở thành một điển tích nổi tiếng trong thi ca Trung Quốc về sau.

Truyền thuyết nói rằng, khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, liền đàn "Xuất tái khúc". Có một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. Từ "Lạc nhạn" trong câu "Trầm ngư lạc nhạn" (沉魚落雁; chim sa cá lặn) do đó mà có.

Khi qua Nhạn Môn Quan, cửa ải cuối cùng, Chiêu Quân được cho là đã cảm tác nhiều bài thơ rất cảm động. Tiếng đàn của Chiêu Quân ở Nhạn Môn Quan trở thành điển tích Hồ Cầm.

Ngôi làng quê hương của nàng ngày nay mang tên là làng Chiêu Quân. Dòng suối, nơi tương truyền nàng từng ra giặt vải trước khi được tuyển vào hoàng cung, được đặt tên là Hương Khê (suối thơm) để tưởng nhớ nàng. Trong miền Nội Mông Cổ có hai địa điểm được cho là mộ của Chiêu Quân, một gần Hohhot và một gần Bao Đầu, cả hai đều xanh ngắt cỏ tươi, nên đều được gọi là Thanh Trủng (mồ xanh).
Những chi tiết còn mâu thuẫn
Chiêu Quân cầm tỳ bà

Nhắc đến Vương Chiêu Quân, hẳn rất nhiều người biết đó là một trong "tứ đại mỹ nhân" của Trung Hoa cổ đại. Nhưng tại một làng quê nhỏ vùng đồng bằng Bắc bộ (làng Diêm Tỉnh, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Việt Nam) cũng có một Vương Chiêu Quân mà đền thờ còn hiển hiện và thần tích còn ghi rõ.
Khi vẽ Chiêu Quân, có thuyết cho rằng Mao Diên Thọ đã vẽ thêm một nốt ruồi dưới khóe mắt và tâu với Hán Nguyên Đế đó là "Sát phu trích lệ", tướng sát chồng. Vì vậy Hán Nguyên Đế không cho vời nàng tới tận khi Chiêu Quân bị cống sang Hung Nô. Một thuyết khác thì Chiêu Quân tài hoa tự vẽ chân dung của mình, nhưng bức tranh đó bị Mao Diện Thọ điểm thêm nốt ruồi "Sát phu trích lệ".
Nhà văn nổi tiếng Thái Ung (132-192) cho rằng Nguyên Đế đã từng gặp Chiêu Quân, nhưng không biết cảm nhận vẻ đẹp của nàng. Chiêu Quân vô cùng thất vọng và đau khổ sau nhiều năm sống cô độc trong cung cấm. Từ đó, Thái Ung kết luận rằng quyết định sang Hung Nô của Chiêu Quân là một hành động phản kháng lại Nguyên Đế.
Nhà sử học Ngô Quân đã cho ra một dị bản về câu chuyện của nàng như sau: "Vì số phi tần trong hậu cung của Hán Nguyên Đế quá đông, nên hoàng đế ra lệnh cho các họa sĩ phải vẽ hình các cung phi để hoàng đế chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong hoàng đế để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho họa sĩ là Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới. Một hôm Hoàng hậu tình cờ biết tới Chiêu Quân qua tiếng đàn lâm li ai oán của nàng. Bà đưa Chiêu Quân tới gặp Hán Nguyên Đế. Hán Nguyên Đế ngỡ ngàng vì sắc đẹp của nàng, phong Chiêu Quân làm Minh phi. Mao Diên Thọ bị Hán Nguyên Đế quở trách, đem lòng oán hận Chiêu Quân, lấy chân dung Chiêu Quân nạp cho thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà (呼韓邪). Thiền vu Hung Nô say đắm sắc đẹp của nàng, cất quân sang đánh, buộc Hán Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân thì mới bãi binh. Hán Nguyên Đế đành phải đem Chiêu Quân sang cho Hung Nô".
Về cái chết của Chiêu Quân cũng có nhiều giả thuyết.

Đến Nhạn Môn Quan, Chiêu Quân gieo mình xuống sông tự vẫn.
Chiêu Quân đến đất Hồ, nàng yêu cầu thiền vu Hồ giết chết gian thần Mao Diên Thọ, rồi sau đó nàng tìm cách tự tử, nhảy xuống sông để xác nàng theo dòng trôi trở về đất Trung Nguyên.

Tất cả các bài của tác giả Vương Tường 王牆, Vương Chiêu Quân:

Chiêu Quân oán 昭君怨 • Nỗi oán của Chiêu Quân - Đường thi Trung Quốc - Apr 05, 2018