Sep 19, 2024

Tác giả

Tô Mạn Thù (Su Manshu) (1884-1918)
Hình ảnh
#1
Bài sưu tầm

tomanthu



苏曼殊(1884~1918) Su Manshu

Nghiện xì-gà Manila, thích ăn ngọt (đặc biệt mê món hạt dẻ rang tẩm đường, kem, kẹo và món thạch Yokan của Nhật), từng tự cạy răng vàng đem đổi kẹo ăn và sau cùng, ở tuổi 34 đã bị bội thực vì trong một lúc vui đã đánh cuộc với bạn bè là có thể ăn hết 60 miếng há-cảo. Con người có nhiều nét riêng kỳ cục đó chính là học giả Tô Mạn Thù (thế danh Tô Huyền Anh, ngoại hiệu Tô Tử Cốc) sinh năm 1884 tại Hoành Tân ( 横浜 Yokohama)- Nhật Bản, tốt nghiệp đại học Tokyo (du học từ năm 1903), thông thạo nhiều ngoại ngữ, cùng lúc là một hoạ sĩ, thi sĩ, ký giả, văn sĩ, tu sĩ và một học giả Phật giáo uyên thâm. Đời sau vẫn xem ông là một chuyên gia về Trung Luận. Ở Việt Nam, nhà thơ Bùi Giáng là người có cảm tình đặc biệt với thầy Tô Mạn Thù qua bản dịch cuốn tự truyện Đoạn Hồng Linh Nhạn Ký mà ông sửa lại thành Nhà Sư Vướng Lụy in thành sách trước 1975. Năm 2002 Saigon cũng vừa tái bản lại.

Thân phụ thầy Tô Mạn Thù là người Quảng Đông tên Tô Kiệt Sanh (Su Jiesheng) (1846-1904), ông nội là Tô Thụy Văn (1817-1897), cả hai đều là thương gia làm ăn bên Nhật Bản. Hai năm trước khi thầy Tô chào đời, cha thầy có một tiệm trà lớn ở Hoành Tân. Ông Jiesheng vốn đã có vợ họ Hoàng bên Quảng Đông, nhưng khi ở Nhật ông cưới thêm một người thiếp Nhật Bản tên Kaisen. Em gái của cô Kaisen là Kai Yoko là một thiếu nữ đẹp, đã từ làng quê lên Yokohama phụ giúp công việc với chị. Ông Kiệt Sanh mềm lòng trước sắc đẹp của Yoko và tìm cách gần gũi. Kết quả là Yoko có mang với ông, năm ấy nàng vừa 17 tuổi và sau đó sinh ra Tô Mạn Thù vào ngày 9 tháng 10 năm 1884. Sinh con được ba tháng thì Yoko bị cha bắt về quê, bỏ đứa bé Tô Huyền Anh (tức thầy Tô) lại cho người chị chăm sóc. Thế là từ bé thầy Tô đã có một hoàn cảnh tình cảm không bình thường, cộng thêm công việc buôn bán cứ buộc ông Kiệt Sanh phải thường xuyên xa con, tuổi thơ của thầy Tô từ đó có những vết hằn mà về sau thầy đã đem chúng phổ vào từng câu chữ thơ văn như một nỗi oan khiên khó giải. Ai từng thấy qua những bức tranh của thầy, chẳng hạn bức Thu Tứ Đồ (T.K có thấy qua bức tranh này) cũng phải nhận ra một sắc màu hiu hắt cô quạnh khó tả.

Năm thầy Tô được 6 tuổi (năm 1890) thì được người vợ chánh thất của cha mang về Quảng Đông. Hai năm sau thầy được giao cho ông đồ Su Rouquan ở một ngôi trường tư nội trú để vừa học vừa được chăm sóc thuốc thang đặc biệt vì thể chất thầy Tô từ bé đã còm cõi yếu đuối cần có một chế độ sinh hoạt riêng. Năm thầy Tô 12 tuổi thì ngày kia lâm trọng bệnh, gia đình tưởng không còn cứu được, lại thêm nỗi mê tín nên đem thầy bỏ vào nhà củi chờ tắt thở sẽ đem chôn. Cũng may một người chị dâu của thầy có lòng trắc ẩn đã tận tình chạy chữa đứa em chồng đã bắt đầu thoi thóp tím ngắt. Nhờ đó thầy Tô khỏi bệnh và ngay sau đó quyết định xin vào tu ở chùa Lục Dung(Liurong -六榕寺) ở Quảng Châu. Nhưng thầy Tô chỉ ở đây được ít lâu thì bị chùa đuổi vì đã lén bắt chim bồ câu nướng ăn. Thầy năn nỉ bà Hoàng (vợ lớn của cha) cho lên Thượng Hải đi học. Tại đây do hoàn cảnh đẩy đưa thầy đã theo học tiếng Tây Ban Nha với một người thầy cũng người Y-Pha-Nho trong suốt hai năm liền. Năm 15 tuổi thầy Tô qua Nhật sống với người cậu và đi học tại Hoành Tân. Thầy có về làng của mẹ ruột là Yoko sống một thời gian. Trong thời gian này thầy đã yêu một cô hàng xóm người Nhật và vì gia đình bên gái cực lực phản đối, nàng thiếu nữ kia đã chết vì thất tình. Thầy Tô quá đau lòng bèn bỏ Nhật về Tàu xin tu lại ở chùa Pujian ở Quảng Châu. Có chút lãng mạn hoang đàng nhưng thầy Tô vẫn là một người trượng nghĩa và hào khí. Do bất mãn với triều Thanh trước đó, cộng thêm tình bạn đối với những người duy tân, thầy đã trở thành đối tượng truy sát của phe bảo hoàng. Đại nạn này của thầy phần lớn vẫn là vì người hơn là vì mình. Những người quen biết vẫn nhận xét thầy là một nghịch hạnh Bồ tát, đại lượng vị tha, có lòng tu nhưng cho đến lúc dứt hơi vẫn chưa một ngày làm được ông thầy tu thanh tịnh. Các tài liệu tiếng Anh viết về thầy vẫn dùng chữ Half-monk để gọi con người lãng tử ấy.

Từ chỗ trốn tránh kẻ thù, thầy Tô đã ngẫu nhiên đưa chân vào một cuộc đời chìm nổi luân lạc. Nhờ chút kiến thức cầm tay, thầy viết báo để sống và lưu lạc khắp cõi Á Châu, không dưới mười nước: Nhật, Ấn, Thái, Tích Lan, và cả Việt Nam. Tiện thì ở lại ít lâu, nếu không cũng đôi hôm quét lá lễ Phật rồi cơm hàng cháo chợ, trôi giạt vô chừng…

Bên trong thầy Tô luôn là những mâu thuẫn thường trực, tâm huyết một thanh niên trí thức khiến thầy muốn duy tân Trung Hoa nhưng mắt tuệ của một thầy tu cứ buộc thầy nhìn đâu cũng là mù sương. Mọi tranh đấu chỉ là giải pháp tạm thời để hướng tới những mục đích ngắn hạn. Đó là chưa kể trò đời ngang trái thường xui nên những trái khoáy: Đại sự phải do người tài làm nên, việc xong lại thấy kẻ dốt ngồi sẵn trên ngai cửu trùng. Dẫu chẳng có dạ tranh giành nhưng ngẩm đến cảnh thiên hạ tiếp tục lầm than từ hôn quân này đến bạo chúa khác thì lòng nào không nản. Nếu thiên hạ may mắn có được minh quân thì giai đoạn vàng son này cũng là một thoáng phù vân để tiếp nối sau đó vẫn là những canh bạc, ván cờ đầy bất trắc.

Bên cạnh nỗi niềm ưu thời mẫn thế và một lý tưởng Bồ tát đạo ngất trời, thầy Tô chẳng may lại có một trái tim đa cảm. Đến chết vẫn độc thân nhưng đời ông luôn lẫn khuất những bóng hồng trêu ngươi. Tương truyền thầy Tô có nhiều giai nhân thân quen trên mức bình thường, đủ cả sắc tộc: Nhật Bản, Tây Ban Nha và Anh quốc. Ông là khách viếng thường xuyên của nhiều trà đình tửu quán nổi tiếng ở Thượng Hải và Nam Kinh, trong đó có kỹ phường Tái Kim Hoa nổi tiếng với các cô Geisha người Nhật. Thầy Tô từng làm rất nhiều thơ tình để tặng cho họ. Trong đó phải kể đến các cô Kim Phụng từ bến Tần Hoài ở Nam Kinh, Thoại Tiết Nam và Tố Trinh từ Thượng Hải, Sen Yuko từ Nhật đến. Cô gái Nhật này là một nhạc sĩ chơi đàn có tiếng. Chẳng hiểu những chuyện cơ mật này thiên hạ đã từ đâu biết được, ngẩm mà ngán !

Trước sau thầy Tô đi về Nhật Bản mười một lần, tính ra hai phần năm cuộc đời của thầy là sống tại Nhật. Thầy từng là giáo sư giỏi của hơn mười ngôi trường trung học tại Tô Châu, An Huy ở Trung Quốc, trường Long Hoa ở Bangkok và trường Nouban ở Java. Ở Nhật, thầy Tô đứng lớp dạy nhiều môn Toán, Hội Hoạ, Anh văn, Hán ngữ và là một chuyên gia Sanskrit tại Tokyo. Thường xuyên xê dịch nhưng thầy vẫn dành nhiều thời gian để biên soạn, viết văn, in sách và dịch sách (thầy đặc biệt chọn dịch các tác phẩm của Goethe, Byron, Shelley và nhất là Victor Hugo). Thầy Tô xài tiền không đếm và chuyện nợ nần không phải hiếm hoi, có lúc ở Nhật thầy phải sống bằng cách ôm bát khất thực (nhà sư khất thực ở Nhật được quyền đội nón rộng vành và mang guốc hay giày nhưng ít khi đi một mình).

Từ năm 1903, lúc đang du học ở Nhật, thầy Tô là một đảng viên trung kiên của Quốc Dân Đảng. Ông thường sắp xếp những cuộc gặp gỡ giữa các sinh viên Trung Quốc với ông Liệu Trọng Khải, nhân vật thứ hai sau Tôn Văn và còn dành thời gian đi Oumoli để tập bắn súng. Trong các năm 1903, 1907 và 1912 thầy Tô đã lần lượt thành lập các tờ Dân Báo, Quốc Dân Nhật Nguyệt, Thái Bình Dương để kêu gọi lòng ái quốc và xác lập quan điểm chính trị. Bác sĩ Tôn Văn dùng lễ bè bạn đối xử với thầy Tô và đổi lại, thầy là một chiến hữu trung liệt. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay ở Thượng Hải, thầy còn thều thào hai câu, một câu nhắc đến mẹ già ở Nhật và một câu nhắc đến trọng trách của mình tại Quảng Đông. Trong số những người bạn quý của thầy Tô phải kể đến Tôn Văn, Lý Thúc Đồng, Phùng Tự Do, Tưởng Giới Thạch, Thái Triết Phu, Lưu Sư Bồi, Trần Ứng Thời,… nhưng thân thiết nhất lại là Trần Độc Tú, người lập nền tảng cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau đó !

Ngày 02 tháng 05 năm 1918 thầy Tô bị bệnh rồi mất ở Thượng Hải. Thi hài thầy Tô đã được bạn bè đưa về an táng trên núi Cô Sơn cạnh Tây Hồ, Hàng Châu, và bác sĩ Tôn Trung Sơn là người đứng ra gánh vác mọi phí tổn cho tang lễ tương đối tốn kém này. Nghĩ lại mà thương cho cụ Thiều Chửu, sư Thiện Chiếu của Việt Nam. Xứ mình gì cũng có, chỉ thiếu một Tôn Trung Sơn.

Chuyện thầy Tô bị bội thực do đánh cuộc với bạn bè đến nay vẫn chỉ là chuyện vui chưa thể kiểm chứng, kể cả những giai thoại truyền kỳ về đời tư có phần quá quắt của thầy cũng thế. Xưa nay người Tàu vẫn hiếu sự và với một người phóng khoáng như thầy Tô làm sao tránh nổi những thị phi thêm thắt đôi khi có nội dung chết người kiểu ấy !

Sau khi thầy Tô Mạn Thù từ trần được hai năm thì hai người bạn của thầy là Lý Căn Nguyên và Thái Triết Phu đã gom góp 22 bức tranh của thầy vẽ bằng mực tàu rồi in thành một sưu tập tên là Mạn Thù Di Mặc để tặng cho thân hữu. Bốn chữ này trên cuốn sưu tập là thủ bút của Tôn Trung Sơn. Sau này ông Liu Zazi và con trai là Liu Wuji đã bỏ công tìm thêm tất cả tác phẩm thư pháp và những thủ bút của thầy Tô Mạn Thù rồi in chung với bộ tranh Mạn Thù Di Mặc và giao cho nhà xuất bản Tân Bắc ấn hành.

Từ lâu, bạn bè và người ái mộ đã sưu tầm tất cả những bản dịch, bài viết, thư từ, những bài thơ rơi rớt đâu đó, trong các hình thức viết tay, đánh máy của thầy Tô Mạn Thù. Tất cả đều được in thành sách, tính đến nay tổng số đếm được là 92 cuốn, trong đó có những cuốn tái bản 6 lần. Sau đây là bảng phân loại:

-100 bài thơ, 100 bức tranh,

-Sáu cuốn tiểu thuyết cùng truyện ngắn,

-Hơn 100 lá thư với thủ bút của thầy Tô.

-Bản dịch hai cuốn tiểu thuyết ngoại quốc (Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas de Fils và Những Kẻ Khốn Cùng của Victor Hugo)

-10 bài thơ dịch, vô số ghi chú và bản nháp.

-Đặc biệt 8 cuốn bản thảo thầy viết bằng chữ Sanskrit, bốn cuốn văn pháp chữ Phạn.

-Hai công trình biên khảo về nguyên tác Trung Luận (Madhyamika-kàrika) và tập truyện thần thoại Cổ Ấn Sakuntala.

-Một cuốn biên khảo địa danh Phật Giáo.

-Một biên khảo về hành trình thám hiểm Tây Dương của Trịnh Hoà đời Minh cùng các bản đồ hải hành của nhân vật này.

-Một sưu tập danh nhân Nhật Bản.

-Công trình nghiên cứu về tôn giáo cổ đại Ai Cập.

-Tự điển Hán- Anh

-Tự điển Quảng Đông- Anh ngữ.

-Tự điển Anh-Hán.

-Ba trăm bài thơ không đề.

-Bản dịch cổ thi Trung Quốc sang tiếng Anh.

Tô Mạn Thù là một học giả mà cũng là một nghệ sĩ đa tài. Thơ ông hay, tranh ông đẹp và các công trình biên khảo đều thâm hậu, đắc dụng. Đời ông ngắn ngủi, nhưng ông sống nhiều và sẽ bất tử trong nền văn học Trung Quốc. Trong vòng hai mươi năm sau ngày thầy Tô ra đi, ở Trung Quốc bỗng dấy lên làn sóng Niềm Đam Mê Mạn Thù, chữ dùng của nhà văn Lỗ Tấn. Người ta đã đổ xô tìm đọc tất cả những gì được cho là của thầy Tô hay nói về thầy Tô. Trong hai mươi năm, cuốn hồi ký Đoạn Hồng Linh Nhạn Ký của ông được tái bản ít nhất mười tám lần, người ta đã viết hàng chục cuốn biên khảo kể cả tiểu thuyết về nhân vật Tô Mạn Thù, soạn hẳn một biên niên sử về cuộc đời ngắn ngủi của ông để ghi dấu từng bước chân trầm luân của con người thiên tài đó. Ở đây ta có thể kể vài cuốn tiểu thuyết mô phỏng chuyện đời Tô Mạn Thù như Nhân Gian Địa Ngục, Hận Hải Cô Chu Ký, đều bán đắt như tôm tươi. Thầy Tô đã trở thành con người của truyền kỳ huyền thoại chỉ vì sự nghiệp của ông để lại quá lớn và đó lại là dấu chân để đời của một cánh chim hồng nhạn đã đi qua cuộc đời này trong một thời gian quá ngắn ngủi.

Nhiều nhà nghiên cứu hôm nay đã nhận rằng qua những di cảo để lại, thầy Tô rõ ràng là một học giả uyên bác nhất thời Thanh mạt. Ông là một trong ba dịch giả hàng đầu của Trung Quốc trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 đã giới thiệu văn học tư tưởng ngoại quốc cho người Trung Hoa. Thầy Tô đã may mắn thông thạo những ngoại ngữ đắc dụng cho sự nghiệp của mình. Thầy thông thạo ít nhất năm thứ tiếng Phạn, Nhật, Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Các sử gia cho rằng Phật giáo Trung Quốc từ đại lục đến hải ngoại từ sau đời Đường chưa hề có một học giả Phạn ngữ nào uyên bác như thầy Tô. Ông là người đầu tiên dịch tác phẩm Duyên Hải Độc Cư của Sahlo từ tiếng Sanskrit sang Anh ngữ, dịch ra chữ Hán những bi ký A- Dục tại các Phật tích Ấn Độ và giới thiệu cho giới học Phật Trung Quốc phương cách tiếp cận nguyên tác kinh điển từ bản gốc thay vì lệ thuộc các bản dịch.

Văn học Trung Quốc chắc chắn sẽ khá hơn hiện tại rất nhiều nếu từ đầu thế kỷ 20 có được nhiều người như thầy Tô. Ông đã có công phiên dịch các tác giả Tây phương thời thượng với hi vọng giúp người Tàu hiểu được tư tưởng xứ ngoài. Chỉ tiếc về lý tưởng này, người Nhật đã đi trước và đi xa hơn người Trung Quốc với một khoảng cách khó lường.

Tính đến nay, các tác phẩm của thầy Tô đã được dịch sang các thứ tiếng Anh, Nhật, Nga, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Á Rập,… Tên tuổi của ông đã được nhắc đến trong vô số sách báo và công trình quan trọng

The Biographies of Famous Chinese People in the Time of PC, The Twentieth Century’s World Literature Encyclopedia, Dictionary of Oriental Literature, Dictionary of Chinese Names,…

Các sử gia, học giả Đông Tây như giáo sư Gulik của Hàn Lâm Viện Tiệp Khắc, nhà sử học Triều Tiên Hung-Yok-Ip đều công nhận ông là một thiên tài của Trung Quốc về cả tục học lẫn đạo học. Riêng Phật giáo Nhật Bản đã xây dựng một ngôi đền lưu niệm Tô Mạn Thù ngay tại sinh quán Yokohama của ông và vào năm 1934 học giả Sato đã viết một chuyên luận về thầy Tô và đăng trên chuyên san The Times of Literarure and Arts. Cũng trong năm này, tiến sĩ Izzuka của Nhật đã bảo vệ thành công luận án của ông về đề tài Tô Mạn Thù dày trên hai trăm trang.

Tất cả các bài của tác giả Tô Mạn Thù (Su Manshu) (1884-1918):

Bản Sự Thi - Tô Mạn Thù (Su Manshu) - Đường thi Trung Quốc - Mar 09, 2015