Oct 03, 2024

Biên khảo

Chuyện rắc rối do từ ngài trong tiếng Việt
Nguyễn Cẩm Xuyên * đăng lúc 01:13:22 AM, Feb 19, 2015 * Số lần xem: 4655

NGUYỄN CẨM XUYÊN

19/02/15 01:43

 

(GDVN) - Cùng một chữ mày ngài nhưng ở 2 trường hợp khác nhau, Nguyễn Du dùng 2 nguồn từ Hán khác nhau: mày ngài của Từ Hải là ngoạ tàm mi còn của kĩ nữ là nga mi.

“… Rỡ mình lạ vẻ cân đai,

Hãy còn hàm én mày ngài như xưa”

Hai câu thơ tả vẻ đẹp, vẻ oai nghi  của Từ Hải ngày gặp lại Kiều.
Đọc câu thơ, người đọc không khỏi băn khoăn bởi “hàm én” thì rõ rồi, đúng là để tả tướng mạo khách anh hùng, riêng chữ “mày ngài” thì lạ quá! Ba lần chữ “mày ngài” xuất hiện trong Truyện Kiều thì hai lần để tả Từ Hải và một lần…để chỉ gái buôn hương.

 
Tiếp tục loạt bài của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Cẩm Xuyên, hôm nay, Tòa soạn giới thiệu bài viết, nói lên các cách hiểu khác nhau của từ "ngài" trong các thi phẩm của Nguyễn Du...

 
Một từ sao lại dùng tả tướng mạo hai đối tượng khác biệt nhau rất xa? Một là vẻ  oai nghi của võ tướng; hai lại dùng chỉ kĩ nữ.  
Chỗ khúc mắc xin lí giải như sau:
Điều có thể khẳng định là chữ “mày ngài” Nguyễn Du dùng tuy có nguồn gốc từ chữ Hán nhưng không phải từ một chữ mà 2 chữ khác nhau.

"Mày ngài" Dùng tả dung mạo Từ Hải.

“…Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”

“… Rỡ mình lạ vẻ cân đai,

Hãy còn hàm én mày ngài như xưa”

 “mày ngài” trong 2 đoạn thơ trên xuất phát từ ngoạ tàm mi.
    “Ngoạ tàm mi” là lông mày hình con tằm ngủ?
Nếu chỉ xem nghĩa của từ hợp thành thì ngoạ tàm là con sâu tằm nằm (tàm蠶: con sâu tằm); ngoạ tàm mi nghĩa là lông mày giống hình như con sâu tằm ngủ(1). Gần trăm năm nay, nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Phạm Kim Chi, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huệ Chi… cũng đã từng giải thích chữ “mày ngài” theo lối định danh này; riêng An Chi trên chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây, tạp chí Kiến thức Ngày nay số 117 và 565 thì ngược lại, đã phủ nhận các lí giải trên như sau:
“ Ngoạ tàm mi tuyệt đối không có nghĩa là “lông mày con tằm nằm”. Sở dĩ các nhà chú giải của ta cứ ngỡ và giảng như thế là vì họ chưa tìm hiểu cái cấu trúc đang xét cho đến tận ngọn nguồn. Lời dẫn của Phạm Kim Chi (“Diện như mãn nguyệt mi nhược ngoạ tàm”), ghi là lấy ở Tướng thư, thì chẳng qua chỉ là chép lại lời dịch câu “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” sang tiếng Hán trong bản Kiều Oánh Mậu 1902 chứ chẳng phải của sách “tướng thư tướng tịch” nào cả. Đến như hai tiếng tàm my (mày tằm), mà Nguyễn Thạch Giang đưa ra trong Truyện Kiều (chú thích và khảo đính) năm 1973, chẳng qua chỉ là một sự dịch ngược tuỳ tiện. Dĩ nhiên là ai kia có thể gặp may mà thấy được hai chữ tàm mi ở một chỗ nào đó, nhưng đây chỉ là một từ tổ tự do nên chỉ thuộc về lời nói chứ đâu có phải là một đơn vị cố định của ngôn ngữ.”
An Chi viết như trên quả là Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (1925) có giải thích “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” là xuất phát từ câu văn trong sách Tướng thư: “Diện như mãn nguyệt mi nhược ngọa tàm 面 如 滿 月 眉 若 臥 蠶: mặt như mặt trăng tròn mà lông mi như con tằm nằm ngang. Đây nói cái tướng phúc hậu của cô Vân”.
Giải thích trên của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim cũng như của nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều về sau như Đào Duy Anh, Phạm Kim Chi, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huệ Chi…đã căn cứ vào câu văn trong sách xem tướng của Trung Hoa mà khẳng định nét ngài, mày ngài là xuất phát từ chữ ngoạ tàm mi và đây là kiểu lông mi hình con tằm nằm.
Khi phủ định giải thích này, học giả An Chi đã có phần cực đoan khi cho rằng …“Diện như mãn nguyệt mi nhược ngoạ tàm”, ghi là lấy ở Tướng thư, thì chẳng qua chỉ là chép lại lời dịch câu “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” sang tiếng Hán trong bản Kiều Oánh Mậu 1902 chứ chẳng phải của sách “tướng thư tướng tịch” nào cả. 
Thật sự, ở Trung Quốc có nhiều sách tướng bàn đến các kiểu lông mày, trong đó có kiểu “ngoạ tàm mi(2); có  sách còn vẽ hình lông mày đen đậm khởi đầu nhỏ rồi đến phần nhô cao, tiếp đến phần giữa hơi oằn xuống, phần đuôi sau lại hơi gồ lên rồi nhỏ dần, trông giống hình con sâu tằm đang nằm. Tìm ở kho sách giấy cũng nhiều nhưng nay tiện nhất là tìm ở các trang điện tử của Trung Quốc bàn về tướng pháp như 成老師-面相學堂 Thành Lão sư -Diện tướng học đường (http://www.tiger168.com); 面相學之吉凶概要 Diện tướng học chi cát hung khái yếu (http://www.ccy22723095.com);  济南文眉 - 眉型的分类 Tế Nam văn mi - mi hình đích phân loại (http://www.cnhszx.com)... Hoặc ví dụ vào trang điện tử 元亨利貞網 - Nguyên Hanh Lợi Trinh võng (http://www.china95.net), tìm đến mục 看相-眉与性格命运 Khán tướng - Mi dữ tính cách mệnh vận, sẽ thấy ngay một trang ảnh, kê các loại tướng lông mày, trong đó cóngo tàm mi”. Vào mục ngoạ tàm mi sẽ thấy hình vẽ của kiểu lông mày này:

“Khán tướng-Mi dữ tính cách mệnh vậnđã kê cả thảy 14 kiểu lông mày:

Nhất tự mi; Tảo trửu mi; Điếu tang mi; Tân nguyệt mi; Bắc đẩu mi; Sư tử mi; Tiêm đao mi; Khinh thanh mi; Ngoạ tàm mi; Thụ tâm mi; Liễu diệp mi; Long mi; Quỷ mi; La Hán mi.
Sách tướng nước ta cũng hay bàn về mấy kiểu lông mày quen thuộc như: Mày chữ nhất (nhất tự mi); mày chổi xể (tảo trửu mi); mày lá liễu (liễu diệp mi); mày tằm (ngoạ tàm mi)…

* Hình trên, chữ ngoạ tàm mi có vòng son đỏ và mũi tên chỉ đến kiểu mày này.

Quan Vũ (Tam Quốc chí)http://www.thefullwiki.org/臥蚕眉

Quan Vũ được tả với kiểu lông mày ngoạ tàm miĐể hình tượng thật rõ hình dạng lông mày giống con sâu tằm: người Trung Quốc đã vẽ lên một con sâu màu xanh nhạt trên lông mày bên phải.
 
ngoạ tàm mi” cũng là kiểu lông mày đẹp
Cũng trong bài viết đã nêu, An Chi cũng viện dẫn giải thích của Từ nguyên tự điểnVương Vân Ngũ đại từ điển: “Ngoạ tàm mi: Lông mày cong mà đẹp” để quyết đoán “ngoạ tàm mi” chỉ mang ý khẳng định vẻ đẹp của đôi lông mày.
Điều này nêu chứng cớ sách vở, song có thể đây là trường hợp của nghĩa phái sinh.
Trong kho từ vựng, một từ mới xuất hiện, ban đầu nó chỉ mang nghĩa gốc. Lúc này từ có thể chỉ được hiểu theo lối định danh nhưng dần dà theo thời gian, do nhu cầu biểu ý của cộng đồng, đã phát sinh nhiều nghĩa mới. Chính điều này đã sinh ra những nhập nhằng trong cách hiểu, dễ sinh ra nhiều ngộ nhận trong giao tiếp.
Có câu chuyện đứa cháu nhỏ chuyện trò với ông nội 80 tuổi:
-   Ông ơi! Ông nhắm mắt lại đi!
-   Gì vậy cháu?
-   Mẹ bảo ông mà nhắm mắt thì bố sẽ giàu to! (3)
Quả thực từ “nhắm mắt” trong câu nói của mẹ đứa bé đã không được dùng với nghĩa gốc mà dùng với nghĩa phái sinh. Cái nhập nhằng về nghĩa của từ đã khiến trẻ con bị nhầm. Thực tế trên thế giới đã có nhiều trường hợp nghĩa phái sinh phức tạp, oái oăm hơn nhiều và cũng kèm theo nhiều câu chuyện kể cười ra nước mắt. Nghĩa phái sinh trong từ ngữ của nhiều dân tộc đôi khi chuyển biến rất xa, qua hàng ngàn năm rồi lấn át, có khi khiến người ta quên hẳn không còn biết gì đến nghĩa gốc ban đầu, việc tầm nguyên của nhà biên soạn từ điển có khi chưa chắc đã tìm đến.
Đến đây ta có thể nêu nghi vấn: từ ngoạ tàm mi mang nghĩa lông mày đẹp có thể là một trường hợp phái sinh? Hẳn từ đã xuất hiện trong nghề chăn tằm từ ngàn xưa, con tằm ngủ để chuẩn bị lột xác qua giai đoạn mới trông rất đẹp, rất sung mãn, bóng bẩy. Cái đẹp của tằm ngủ trong cái nhìn của người chăn tằm đã khiến họ liên tưởng đến đôi lông mày đen mượt, đường nét phân minh… và từ đó phát sinh ý niệm kiểu lông mày ngoạ tàm mi. Ngoạ tàm mi trong tướng pháp là quý tướng của nam giới. Kiểu lông mày này đẹp, hắc bạch phân minh chứ không có vẻ hung dữ đáng sợ như kiểu lông mày sâu róm mà GS. Nguyễn Huệ Chi có nhắc đến trong bài “Nét ngài” và “mày ngài”(4). Nguyễn Du dùng chữ “mày ngài” tả khuôn mặt của Từ Hải là đã vận dụng nghĩa này; hơn nữa viết Truyện Kiều hẳn Nguyễn Du chỉ nhờ vào vốn sách vở…kinh, sử, truyện… của nhà Nho. Điều kiện sách vở thời này chắc chắn không thuận tiện như hôm nay, lúc viết câu, dùng từ cho thơ hẳn nhà thơ cũng chẳng thể mở các từ điển tầm nguyên mà cân đong, viết thật sát nghĩa từ điển cho từng trường hợp.
Kết lại vấn đề: ta có thể tin được rằng trong tướng thư của Trung Quốc có kiểu ngoạ tàm mi  có hình dạng của con tằm ngủ. Nguyễn Du viết Truyện Kiều đã dùng kiểu dạng này để tả đôi lông mày đẹp và oai nghi của Từ Hải.
"mày ngài" dùng chỉ gái buôn hương
Nguyễn Du dùng phép hoán dụ của biện pháp tu từ: “Bên thì mấy ả mày ngài, / Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi”.
Để chỉ gái buôn hương, mày ngài dùng ở đây không cùng gốc với  trường hợp nêu ở phần trên (A/) mà lại xuất phát từ chữ 蛾眉(5) nga mi.
Hỗ động Bách khoa互动百科 của Trung Quốc đã thích nghĩa chữ nga mi với 6 nghĩa, trong đó nghĩa thứ nhất ghi như sau: 蛾眉: 蚕蛾触须细长而弯曲,因以比喻女子美丽的眉毛… Nga mi : Tàm nga xúc tu tế trường nhi loan khúc, nhân dĩ tỉ dụ nữ tử mỹ lệ đích mi mao…( Nga mi:  Râu con bướm tằm dài mà cong, nhân lấy đó mà ví với lông mày đẹp của phụ nữ).
Vậy là cùng một chữ mày ngài nhưng ở 2 trường hợp khác nhau, Nguyễn Du dùng 2 nguồn từ Hán khác nhau: mày ngài của Từ Hải là ngoạ tàm mi (lông mày sâu tằm) còn của kĩ nữ là nga mi (lông mày râu bướm tằm).
Xin trích thêm ở đây một đoạn trong bài viết “Nét ngài-mày ngài” của GS. Nguyễn Huệ Chi để làm rõ thêm vấn đề : “…Trong tiếng Việt con ngài có hai nghĩa, nghĩa đầu tiên là con bướm tằm do con nhộng trưởng thành cắn kén chui ra; bướm tằm có hai loại đực và cái, sẽ giao phối với nhau đẻ ra trứng, trứng ấy lại nở ra thành con tằm. Vì ngài là một chặng trong quá trình sinh trưởng của giống tằm nên người ta cũng quen miệng gọi con tằm là con ngài. Nhưng nghĩa thứ hai này không phổ biến bằng nghĩa thứ nhất. Ở đây, “mày ngài” trước hết có nghĩa là lông mày của con ngài tức con bướm tằm rồi sau mới có thêm nghĩa là lông mày giống hình con tằm. Nếu ai đã sống ở những vùng trồng dâu nuôi tằm tất sẽ biết khi con ngài vừa ra khỏi kén, nhất là con cái, trên hai mắt có hai chiếc râu cong dài, đẹp như lông mày phụ nữ.” (6)

济南文眉 - 眉型的分类

“TẾ NAM VĂN MI - mi hình đích phân loại” đã kê cả thảy 28 kiểu lông mày. Kiểu nga mi ở hàng thứ ba, bên trái (được đánh dấu bằng vòng tròn xanh lá). Kiểu ngoạ tàm mi khá đẹp ở hàng cuối, bên trái (được đánh dấu bằng khung đỏ).
 
Vậy là rõ, sở dĩ có chuyện rắc rối chẳng qua là do từ “ngài” trong tiếng Việt. Con sâu tằm cũng gọi là con ngài rồi con bướm tằm lại cũng gọi là con ngài, từ đó sinh ra từ mày ngài, mày tằm. “mày ngài, mắt phượng” rồi “mày tằm, mắt phụng”! Khi nào mày ngài được hiểu là mày như hình sâu tằm, khi nào mày ngài lại phải hiểu là mày như hình râu bướm tằm ? Quả là phức tạp!
Chú thích:
(1) Tằm ăn lá dâu lớn dần. Lúc chuẩn bị lột xác để sang giai đoạn sau, tằm nằm bất động. Lúc này người chăn tằm gọi là “tằm ngủ”.
(2) Khoa diện tướng còn gọi quầng da thịt dưới mắt người là ngoạ tàm. Đây là vấn đề khác, không liên quan gì đến kiểu lông mày ngoạ tàm.
(3) Kiến thức ngày nay số 789.
(4)-(6) http://www.talawas.org.
(5) Nga 蛾 là con bướm tằm thuộc bộ “trùng” vẫn thường lẫn lộn với chữ nga 娥 thuộc bộ “nữ” nghĩa là đẹp, vì vậy “nga mi” lại còn được hiểu với nghĩa: Lông mày đẹp (của phụ nữ).

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.