Apr 26, 2024

Trường thiên lục bát

Thanh Hiên Thi Tập # 180 - # 199
Băng Ðình * đăng lúc 10:56:08 AM, Jul 01, 2008 * Số lần xem: 3123
180
Liễu Hạ Huệ (1) Mộ

Ngô Điếm kiều (2) thông Tứ Thủy (3) ba
Sĩ Sư (4) danh tích vị tiêu ma
Sự nhân trực đạo ninh tam truất
Tác thánh toàn công tại nhất hòa
Tương đối Ni Sơn (5) trường hữu Lỗ
Khả liên Đạo Chích (6) dĩ vô gia
Bi tàn một tự mai hoàng thảo
Thiên cổ văn phong nhất há xa

Mộ Liễu Hạ Huệ

Dưới cầu Ngô Điếm nước sông Tứ chẩy,
Danh thơm dấu cũ của vị sĩ sư vẫn chưa mất.
Lấy đạo ngay thẳng thờ người, cam chịu ba lần bị truất,
Công lao làm nên bậc thánh chỉ ở một chữ “Hòa”.
Đối mặt với Ni Sơn, nước Lỗ còn mãi,
Thương thay cho Đạo Chích đã là kẻ không có nhà,
Bia tàn chữ mất chôn vùi trong cỏ hoang,
Nghìn năm sau, nghe danh tiếng ông, tôi xuống xe (để tỏ lòng kính trọng)

Chú thích:
(1) Liễu Hạ Huệ: Tức Triển Cầm, tên Hoạch, tự là Quý, người đất Liễu Hạ, nước Lỗ, thời Xuân Thu, làm sĩ sư ba lần bị truất nhưng không bỏ nước mà đi. Có người hỏi, ông trả lời: “Lấy đạo thẳng mà thờ người thì đi đâu mà không bị ba lần truất! Nếu lấy đạo cong mà thờ người thì hà tất phải bỏ nước của cha mẹ?”. Sau khi chết, vợ bàn với học trò đặt thụy là Huệ. Mạnh Tử khen ông: “Thánh chi Hòa” (bậc thánh về hòa).
(2) Ngô Điếm Kiều: Cầu Ngô Điếm. Cầu bắc ngang qua sông Tứ Thủy. Ở đầu cầu có ngôi mộ của Liễu Hạ Huệ.
(3) Tứ Thủy: Sông phát nguyên từ tỉnh Sơn Đông qua huyện Tứ Vĩnh, huyện Khúc Phụ, xưa chảy vào sông Hoài, ngày nay đổi dòng chảy vào Vận Hà.
(4) Sĩ Sư: Chức quan trông coi việc hình.
(5) Lỗ: Nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Ni Sơn là ngọn núi thuộc địa phận nước Lỗ.
(6) Đạo Chích: Em Liễu Hạ Huệ tên là Chích, y là một tên trộm khét tiếng, nên gọi là Đạo Chích.


Mộ Liễu Hạ Huệ


Dưới cầu làn nước trôi xuôi
Tiếng thơm còn ngát danh người sĩ sư
Thẳng ngay ba lượt vua từ
Công lao bậc thánh chỉ dư một “hòa”
Ni Sơn nước Lỗ xa xa
Thương thay Đạo Chích không nhà bấy lâu
Bia tàn vùi dập cỏ lau
Xuống xe lòng kẻ ngàn sau kính ngài


181
Từ Châu (1) Đạo Trung


Tang Can (2) nam hạ bạch vân đa
Thủy viễn sơn trường miết nhãn qua (3)
Vạn lý lợi danh khu bạch phát
Nhất thiên phong tuyết độ Hoàng Hà
Mỗi liên cố thái duy cuồng tại
Dục mịch tân hoan nại lão hà
Nhương tận khổ hàn tam duyệt nguyệt
Lĩnh đầu lạc đắc (4) khán mai hoa

Trên Đường Từ Châu

Từ sông Tang Can đi về phía nam, mây trắng rất nhiều,
Đưa mắt nhìn qua thấy sông xa núi dài.
Vì lợi danh, tóc bạc, còn phải xông pha nơi vạn dặm
Qua sông Hoàng Hà một trời gió tuyết.
Thường nghĩ thương cho tính cũ của mình vẫn còn cuồng phóng,
Muốn tìm thú vui mới nhưng già rồi làm sao được?
Suốt ba tháng chống chọi với cái rét ghê người,
Sau mới được thấy hoa mai nở trên đỉnh núi.

Chú thích:
(1) Từ Châu: Ở phía bắc tỉnh Giang Tô. Sứ bộ qua sông Hoàng Hà rồi qua Từ Châu mà về nước.
(2) Tang Can: Con sông bắt nguồn từ tỉnh Sơn Tây chảy vào tỉnh Hà Bắc.
(3) Miết Nhân Qua: Không thấy nhà. Có bản chép “Bất kiến gia”.
(4) Lạc đắc: Sau mới được.


Trên Đường Từ Châu


Bờ nam mây nổi dáng chiều
Tang Can một dải sông treo núi dài
Lợi danh tóc bạc dặm ngoài
Vượt Hoàng Hà trắng một trời tuyết băng
Nòi tình vốn gốc cuồng hăng
Tìm vui ngại nỗi bao lăm sức già
Lạnh lùng ba tháng lạnh qua
Đầu non hò hẹn mai hoa đón chào


182
Nhị Sơ (1) Cố Lý


Phù thế thao thao tử tuẫn danh
Hồi đầu thùy khẳng niệm ngô sinh
Quan tòng nhất trí thân năng bảo
Sự cách thiên niên thạch vị khuynh
Xuân xã (2) không lưu thân cố hội
Bạc điền vô phục tử tôn canh
Khả liên thùy lão Tiêu Hiền Phó (3)
Đồ đắc nhân gian thán bất bình

Làng Cũ Hai Ông Họ Sơ

Cuộc đời trôi nổi, thói đời suy kém bao người chết vì danh,
Mấy ai chịu quay đầu nhìn lại mà lo cho cuộc sống của mình.
Cùng nhất trí cáo quan, giữ thân được an toàn,
Chuyện cách nghìn năm mà bia đá vẫn chưa nghiêng đổ.
Ngày hội xuân luống còn người thân cũ họp mặt,
Ruộng được ban không để lại cho con cháu cầy cấy.
Thương thay Tiêu Phó đến già (mà vẫn làm quan),
Để chỉ được người đời than thở cho nỗi bất bình.

Chú thích:
(1) Nhị Sơ: Đời Hán có Sơ Quảng làm Thái Phó và Sơ Thụ làm Thiếu Phó là hai chú cháu làm quan đồng triều và cùng cáo quan một lúc, người đời khen là cao thượng không ham danh vị. Khi ra về nhà vua tặng nhiều của cải, ruộng đât, hai ông chia hết cho bạn bè, không để lại cho con cháu.
(2) Xuân Xã: Ngày xã, ngày mậu sau ngày lập xuân năm ngày.
(3) Tiêu Hiền Phó: Tức ông Tiêu Vọng Chi làm chức Thái Phó đời Hán Tuyên Đế, làm quan nhiều năm sau bị bọn hoạn quan đánh lừa, bị hạ ngục và tự tử.



Làng Cũ Hai Ông Họ Sơ


Đời trôi người chết vì danh
Quay đầu ngó lại phận mình nào ai
Cáo quan toàn mạng cả hai
Ngàn năm chuyện cũ bia đài chưa nghiêng
Hội xuân hậu duệ yến diên
Lộc vua tặng bạn chẳng gìn cho con
Khá thương Tiêu Phó mỏi mòn
Được chăng vài tiếng xót thương người đời


183
Từ Châu (1) Đê Thượng Vọng


Nhất hà nam bắc cổ tranh hành
Hà thượng Từ Châu cựu hữu danh
Hí mã cựu đài thu thảo biến (2)
Đoạn xà đại trạch mộ vân bình (3)
Nhất thành nhân vật oa trung nghĩ
Tứ lộ chu xa thủy thượng bình
Trướng vọng hồng trần diểu vô tế
Bất tri nhật nhật thử trung hành

Đứng Trên Đê Từ Châu Nhìn Ra

Một con sông chia thành nam bắc, thời xưa từng tranh giành nhau,
Phía trên sông là đất Từ Châu nổi tiếng trước kia.
Đài đua ngựa cũ, cỏ thu lan tràn,
Đầm chém rắn xưa, mây chiều phủ kín.
Người vật trong thành như kiến trong tổ,
Xe, thuyền bốn ngả như bèo trên nước.
Buồn trông áng bụi hồng mờ mịt không bờ bến,
Đâu biết rằng ngày ngày mình vẫn đi lại trong ấy.

Chú thích:
(1) Từ Châu: Tên một trong chín châu thời vua Vũ nhà Hạ, nay thuộc tỉnh Giang Tô.
(2) Hí mã cựu đài: Đài đua ngựa cũ, một kiến trúc cổ nay ở phía nam huyện Đồng Sơn, tỉnh Giang Tô thời nhà Tấn, ông Lưu Du thường hội họp quan khách tại đây để ngâm vinh.
(3) Đoạn xà đại trạch: Đầm chém rắn lớn. Hán Cao Tổ khi còn hàn vi đi qua đầm lớn ở đất Từ, thấy con rắn nằm ngang đường, liền rút gươm chém chết. Sau người ta gọi là Đầm Chém Rắn.



Đứng Trên Đê Từ Châu Nhìn Ra


Một sông chia cắt bắc nam
Phía trên nổi tiếng rền vang Châu Từ
Trường đua man mác cỏ thu
Đầm sâu chém rắn mịt mù mây giăng
Nội thành tổ kiến đàn ong
Xe thuyền bốn ngả mặt sông đầy bèo
Bụi hồng bờ bến ngó theo
Biết đâu sáng sáng chiều chiều có ta


184
Từ Châu Dạ


Hành lộ tỵ can qua
Nghiêm đông dạ độ hà
Nguyệt lai nam quốc đại
Sơn nhập bắc Từ đa
Thành ngoại liệt binh giáp
Thành trung văn huyền ca
Khô dương tam bách thụ
Thụ thụ hữu đề nha

Đêm Ở Từ Châu

Đi đường phải tránh những vùng đang có giặc giã,
Giữa đêm đông giá lạnh, vượt qua sông.
Trăng từ phương nam hiện ra trông rất lớn,
Lối vào bắc Từ Châu nhiều núi non.
Ngoài thành đầy binh giáp,
Trong thành nghe trống đàn ca
Ba trăm cây dương liễu xơ xác.
Cây nào cũng nghe có tiếng quạ kêu.



Đêm Từ Châu


Đi đường tránh chốn giặc pha
Đêm đông chớ vượt giang hà mênh mông
Nam phương trăng hiện lớn vồng
Bắc phương lắm núi nhiều sông châu Từ
Ngoài thành binh giáp mịt mờ
Trong thành trống điểm đường tơ họa đàn
Ba trăm gốc liễu úa vàng
Cây nào cũng tiếng quạ vang lời sầu


185
Á Phụ (1) Mộ


Nhã khan Bá Thượng ngũ vân phù
Cấp cấp phương đồ nhất kích mưu
Đãn đắc thử tâm vô phụ Sở
Bất tri thiên mệnh dĩ quy Lưu
Bá đồ dẫn diệt thiên niên hậu
Cổ mộ hoang lương tam xích thu
Đa thiểu nhất tâm trung sở sự
Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu

Mộ Á Phụ

Mắt nhìn thấy mây năm sắc nổi lên ở đất Bá Thượng,
Mà còn miệt mài bày mưu đánh một đòn diệt kẻ thù.
Chỉ cốt được lòng không phụ Sở,
Không biết mệnh trời đã về họ Lưu,
Nghiệp bá tiêu tan đã nghìn năm rồi,
Nấm mộ cổ ba thước hoang lạnh trong mùa thu.
Bao nhiêu kẻ một lòng trung thành với người mình thờ,
Thường bị người đời cười là ngu.
Chú thích:
(1) Á Phụ: Dưới cha một bậc. Phạm Tăng, người đất Cư Sào, 70 tuổi thích mưu kế lạ được Sở Bá Vương Hạng Vũ mời ra giúp. Vũ rất trọng Phạm Tăng gọi Tăng là Á Phụ. Tăng biết mệnh trời đã ứng về họ Lưu song vẫn xui Vũ giết Lưu Bang nhân bữa tiệc Hồng Môn. Vũ không nghe, Phạm Tăng cầm đôi chén ngọc của Lưu Bang biếu đặt xuống đất tuốt kiếm chém vỡ tan và nói: “Chà, thằng trẻ con không thể cùng bàn mưu. Người đoạt thiên hạ của Hạng Vương nhất định là Bái Công. Bọn ta sẽ bị bắt cầm tù hết”. Sau đó, trong lúc đang vây thành Huỳnh Dương của Hán rất gấp thì lại mắc mưu ly gián, nghi Phạm Tăng tư thông với Lưu Bang phản mình, tước bỏ hết chức quyền. Tăng giận bỏ về gần đến Bành Thành (thuộc huyện Đông Sơn tỉnh Giang Tô) nổi ung ở lưng mà chết. Hai lần Phạm Tăng hiến kế sâu, Hạng Vũ không nghe lời ông ta đúng là hạng “Phụ nhân chi nhân” (nhân đàn bà) làm hỏng đại cục.


Mộ Á Phụ


Mắt nhìn Bá Thượng năm mây
Cớ sao vẫn rắp mưu này chước kia
Tấm son báo Sở chẳng nề
Dẫu cho thiên mệnh đã về họ Lưu
Ngàn năm bá nghiệp tiêu diêu
Hoang vu tấc cỏ mộ chiều mùa thu
Cô trung báo chúa chót thờ
Mặc thiên hạ chửi già ngu cũng đành


186
Chu Lang (1) Mộ


Thiêu tận Tào gia bách vạn binh (2)
Trượng phu sai túc úy bình sinh
Đồng niên giao nghị liên Tô Sách (3)
Nhất thế tri âm đắc Khổng Minh (4)
Ngõa lịch Ngô cung hoang đế nghiệp
Kinh trăn cổ mộ thượng hùng danh
Nhị Kiều hương cốt tàng hà sở (5)
Nhãn kiến Đồng Đài bán dĩ khuynh (6)

Mộ Chu Lang

Thiêu sạch trăm vạn quân của họ Tào
Trượng phu thế cũng thỏa chí bình sinh.
Vừa là bạn đồng niên, vừa là người có tình anh em rể với Tôn Sách.
Tri âm một đời có Khổng Minh.
Cung Ngô thành đống gạch vụn, nghiệp đế tan tành,
Ngôi mộ cổ gai góc mọc đầy còn nức tiếng anh hùng.
Hương cốt của hai nàng Kiều chôn vùi ở nơi nào!
Mắt thấy một nửa đài Đồng Tước đã nghiêng đổ.


Chú thích:
(1) Chu Lang tức Chu Du, tự Công Cẩn, làm Đô Đốc quân Đông Ngô, làm tướng lúc mới 24 tuổi nên người ta gọi là Chu Lang. Đánh bại được Tào Tháo ở trận Xích Bích nhưng Chu Lang đã bị Khổng Minh khích, thổ huyết chết lúc mới 36 tuổi.
(2) Tào Tháo đem 80 vạn quân xuống đánh Đông Ngô. Chu Du liên kết với Khổng Minh (quân sư của Lưu Bị) dùng mẹo hỏa công diệt toàn bộ quân Tào ở trận Xích Bích trên sông Trường Giang.
(3) Chu Du vừa là bạn cùng tuổi vừa là anh em bạn rể với Tôn Sách.
(4) Chu Du giỏi binh pháp, lắm mưu kế, nhưng mọi toan tính của Chu Du đều bị Khổng Minh đoán biết rồi chọc tức Du ba lần, khiến Du thổ máu ra mà chết.
(5) Đại Kiều và Tiểu Kiều: Hai chị em ruột. Đại Kiều là vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều là vợ Chu Du.
(6) Đồng Tước: Đài của Tào Tháo dựng ở bến sông Chương. Khi Tháo dựng xong đài này, Tào Thực là con của Tào Tháo làm một bài phú tả cảnh đài Đồng Tước rất hay. Khổng Minh muốn khích Chu Du đánh Tháo, đã đọc lại mấy câu của bài phú này cho Du nghe và đổi mấy chữ: “Lãm nhị kiều chi nhuế đống” (ngắm hai cây cầu bắc cầu vồng) thành : “Nhị kiều chi dữ cộng”. (bắt hai nàng Kiều về ở với Tháo, sau khi Tháo diệt được Đông Ngô).


Mộ Chu Lang


Đốt Tào trăm vạn ra tro
Trượng phu thỏa chí kiếm cờ bình sinh
Đồng hao đồng tuế Tôn Linh
Biết nhau có một Khổng Minh trên đời
Cung Ngô đế nghiệp tan rồi
Nấm mồ gai góc tiếng người hùng anh
Hai Kiều hương cốt băng thanh
Ai hay ký táng rừng xanh núi hồng
Đài cao tòa lớn Tước Đồng
Nửa còn nửa xụp bên sông Chương Hà




187
Lương Chiêu Minh Thái Tử (1) Phân Kinh Thạch Đài (2)


Lương Triều Chiêu Minh Thái Tử phân kinh xứ
Thạch đài do ký Phân Kinh tự
Đài cơ vu một vũ hoa trung
Bách thảo kinh hàn tận khô tử
Bất kiến di kinh tại hà sở
Vãng sự không truyền Lương Thái Tử
Thái Tử niên thiếu nịch ư văn
Cưỡng tác giải sự đồ phân phân
Phật bản thị không bất trước vật
Hà hữu hồ kinh an dụng phân
Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa
Thục vi Kim Cương vi Pháp Hoa
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ
Si tâm quy Phật Phật sinh ma
Nhất môn phụ tử đa giao tế
Nhất niệm chi trung ma tự chí
Sơn lăng bất dũng liên hoa đài
Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy
Sở lâm họa mộc trì ương ngư
Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ
Không lưu vô ích vạn thiên ngôn
Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ
Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn
Thuyết pháp độ nhân như Hằng Hà sa số
Nhân liễu thử tâm nhân tự độ
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu
Minh kính diệc phi đài
Bồ Đề bản vô thụ (3)
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh thạch đài hạ
Tài tri vô tự thị chân kinh

Đài Đá Chia Kinh
Của Thái Tử Chiêu Minh Nhà Lương

Nơi Chiêu Minh Thái Tử nhà Lương chia kinh,
Đài đá còn ghi chữ “Phân kinh”,
Nền đài gai góc rậm rạp chìm lấp trong mưa bụi.
Trăm loài cỏ sợ sệt đều chết khô hết cả.
Chẳng thấy kinh còn sót lại ở nơi nào hết.
Chỉ nghe đồn chuyện Thái Tử nhà Lương thời xưa.
Thái Tử tuổi trẻ, mê đắm văn chương,
Gượng làm chuyện chia kinh, chỉ thêm rắc rối.
Phật vốn là không, không dính gì đến mọi vật,
Có dính dáng gì đến kinh mà phải chia?
Văn thiêng không phải cậy đến khoa ngôn ngữ,
Cái gì là kinh Kim Cương? Cái gì là kinh Pháp Hoa?
Giữa “Sắc” và “Không” mờ mịt không nhận ra được.
Theo Phật với tấm lòng u mê thì Phật sinh ra ma.
Một nhà cha con đều mù quáng cả.
Chỉ một lời niệm là ma tự tìm đến ngay.
Chốn sơn lăng không nổi lên Đài hoa sen,
Một sớm ngựa trắng vượt sông Trường Giang,
Rừng nước Sở bị cháy, cây bị tai họa, cá dưới ao cũng mắc vạ lây.
Kinh cháy ra tro, đài cũng xụp đổ,
Muôn nghìn lời vu vơ để lại cũng chẳng ích lợi gì,
Chỉ để cho bọn sư ngu dốt đời sau lải nhải đọc điếc tai người ta!
Ta nghe nói Đức Phật Thế Tôn ở Linh Sơn.
Thuyết pháp “Độ” người, số người nhiều như cát sông Hằng,
Con người ta biết tu tâm là tự “Độ” lấy mình rồi.
Linh Sơn chỉ ở trong lòng người.
Cũng chẳng có đài “Minh kính”,
Vốn không có cây bồ đề.
Ta đọc kinh Kim Cương hơn một nghìn lượt,
Những ý sâu kín trong đó phần nhiều ta không hiểu rõ,
Tới tận hôm nay, đến dưới đài “Phân kinh” này.
Mới biết “Kinh không chữ” mới thật là chân kinh.


Chú thích:
(1) Chiêu Minh Thái Tử: Con của Lương Vũ Đế tức Tiêu Diễn (502-549), thời Nam Bắc Triều. Thái Tử học rộng, ham nghiên cứu văn học, là người làm bộ Văn Tuyển ở Trung Quốc.
(2) Phân Kinh: Chia kinh, đem kinh Phật phát cho tín đồ, lại có ý kiến cho rằng phân kinh là chấm câu, chia kinh ra làm Kim Cương, Pháp Hoa, Dược Sư…
(3) Bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng: “Bản vô bồ đề thụ, Diệc phi minh kính đài, Bản lai vô nhất vật, Hà sự nhạ trần ai?” (Vốn không có cây bồ đề, cũng không có đài minh kính, vốn không có một vật nào hết, thì việc gì bám bụi trần?). Ý nói đạt tới tâm cảnh “vạn vật giai không” ( muôn vật đều không).



Đài Đá Chia Kinh Của Thái Tử Lương Chiêu Minh


Chốn này Thái Tử Chiêu Minh
Đài bia khắc chữ Phân Kinh rõ ràng
Nền cao gai góc lan tràn
Đông về cỏ úa hoa tàn héo khô
Tìm đâu cho thấy kinh xưa
Chỉ nghe Thái Tử thủa vừa tuổi trai
Đam mê thi phú văn bài
Chia kinh nhiễu sự miệt mài rối tơ
Phật không không đến không ngờ
Dính chi tới vật mà chờ phân minh
Linh văn chẳng chữ chẳng hình
Kim Cương hoặc Pháp Hoa Kinh là gì
Sắc không không sắc não nề
Quy Phật chưa tỉnh u mê xin đừng
Phật sinh ngạ quỷ vô thường
Phật sinh trăm mối si cuồng ác ma
Cha con mông muội một nhà
Dâng lời tụng niệm yêu tà đến ngay
Đài sen chẳng rộ nở đây
Trường Giang ngựa trắng một ngày qua sông
Rừng cây ao cá tiêu vong
Kinh thiêu đài xụp đau lòng chúng nhân
Ích chi lời nói vô căn
Tu hành tăm tối kiếm ăn hại đời
Linh Sơn Đức Phật độ người
Hằng Hà sa số ơn lời Phật ban
Tu tâm hằng cứu bản thân
Linh Sơn vốn ở rất gần chúng sinh
Cũng làm chi có kính minh
Cũng làm chi có gốc linh bồ đề
Kim Cương tụng đã ngàn kỳ
Cao sâu kinh nghĩa ít khi tỏ tường
Kíp nay chiêm bái đài hương
Xưa chia kinh tới ngàn phương ta bà
Hốt nhiên ánh đạo chói lòa
Pho kinh vô tự mới là chân kinh




188
Tổ Sơn (1) Đạo Trung


Phong thụ lâm trung diệp loạn phi
Kinh sa tác vũ thướng chinh y
Tiêu tiêu khô thảo lộ nhất tuyến
Tịch tịch tà dương sơn tứ vi
Khứ nhật Lưỡng Hà (2) tằng tập chiến
Vu đồ thiên lý chính tư quy
Ba ba bạch phát hồng trần lộ
Nhật mộ đăng cao bi bạch bi

Trên Đường Tổ Sơn

Trong rừng phong lá bay loạn xạ,
Cát tung lên như mưa trên áo khách đi đường.
Suốt dọc đường cỏ héo xác xơ,
Bóng tà quạnh quẽ, bốn bề toàn núi.
Trước đây vùng Lưỡng Hà còn chiến tranh liên miên,
Đường đi vòng quanh ngàn dặm, thêm dục lòng nhớ quê hương.
Mái tóc bạc phơ trên đường bụi đỏ,
Chiều tà, trèo lên đỉnh núi cao, không gì buồn bằng.

Chú thích:
(1) Tố Sơn: Vùng núi phía bắc Hoàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
(2) Lưỡng Hà: Hai miền nam bắc Hoàng Hà dân đói nổi dậy, đánh nhau liên miên với quân triều đình, đoàn sứ bộ Nguyễn Du phải đi quanh sang đường phía đông để trở về.


Trên Đường Tổ Sơn


Rừng phong gió lá phong bay
Cát tung như phủ mưa đầy áo ai
Dọc đường cỏ héo hoa phai
Bóng chiều quạnh quẽ trong ngoài núi non
Lưỡng Hà chinh chiến luôn luôn
Nẻo vòng muôn dặm chiều hôm nhớ nhà
Tóc phai bụi đỏ dương tà
Lên cao cao mãi chan hòa buồn ơi



189
Nhạc Vũ Mục Mộ


Trung Nguyên bách chiến xuất anh hùng
Trượng bát thần thương lục thạch (1) cung
Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục (2)
Quân môn do tích thập niên công (3)
Giang hồ xứ xứ không Nam quốc
Tùng bách tranh tranh ngạo bắc phong
Trướng vọng Lâm An (4) cựu lăng miếu
Thê Hà (5) sơn tại mộ yên trung

Mộ Nhạc Vũ Mục

Anh hùng xuất hiện trong trăm trận đánh ở Trung Nguyên
Thương thần dài trượng tám, cung nặng sáu thạch.
Ở tướng phủ đã khép thành tội “Ba chữ”,
Nơi quân còn tiếc công của ông trong mười năm trời.
Giang hồ nơi nơi còn đó, Nam quốc thấy không,
Cây tùng cây bách vẫn hiên ngang ngạo nghễ lao vào trước gió bão.
Buồn trông về lăng miếu cũ ở Lâm An,
Núi Thê Hà chìm trong khói chiều.

Chú thích:
(1) Thạch: Một trăm hai mươi cân Trung Quốc.
(2) Tam Tự Ngục: Án ba chữ. Tần Cối bắt giam Nhạc Phi, nhưng không kết được tội. Khi Hàn Thế Trung hỏi, Cối trả lời: “Mạc tu hữu” (không cần có tội). Đời sau gọi đó là “Tam tự nguc” (án ba chữ).
(3) Tần Cối giả lệnh vua một ngày hạ 12 đạo kim bài, bắt Nhạc Phi rút quân về. Lần cuối cùng Nhạc Phi than một câu rằng: “Công lao mười năm, bỏ đi một ngày!” rồi mang quân về.
(4) Lâm An: Kinh đô Nam Tống (nay là Hàng Châu) trên sông Tiền Đường.
(5) Thê Hà: Tên một quả núi ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, dưới chân núi có mộ Nhạc Phi.


Mộ Nhạc Vũ Mục


Trung Nguyên trăm trận tranh hùng
Thương dài cung nặng vẫy vùng sơn khê
Tướng môn “Ba chữ” tội đề
Quân trung luống tiếc công kỳ mười năm
Giang hồ Nam quốc thấy chăng
Bách tùng bão tố hiên ngang xông vào
Lâm An lang miếu buồn sao
Thê Hà núi phủ nao nao khói chiều.


190
Tần Cối (1) Tượng

I
Điện cối hà niên chùy tác tân (2)
Khước lai y bạng Nhạc Vương phần
Thị phi tẫn thuộc thiên niên sự
Đả mạ hà thương nhất giả thân
Như thử tranh tranh chân thiết hán
Nại hà mỹ mỹ sự kim nhân
Thùy vân ư thế vô công liệt
Vạn cổ do năng cụ loạn thần


II
Cách Thiên Các (3) hủy Ngọc Lâu tàn
Do hữu ngoạn bì tại thử gian
Nhất thế tử tâm hoài đại độc
Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan
Ngục trung dĩ tiễn sinh tiền huyết (4)
Giai hạ đồ tru tử hậu gian
Đắc dữ trung thần đồng bất hủ
Tề thiên kỳ phúc thái vô đoan

Tượng Tần Cối

I
Cây cối bên điện vua đã bị bổ làm củi từ năm nào rồi,
Sao (tên Cối) còn đến dựa dẫm bên mộ Nhạc Vương?
Đúng, sai, là chuyện nghìn năm định luận,
Đánh mắng có làm đau đớn gì cái thân giả ấy?
Trông vẻ cứng cáp như thế kia, rõ là một con người sắt thép,
Mà sao lại khúm núm thờ lũ người Kim?
Ai bảo nó không có công trạng gì góp cho đời?
Nó vẫn (làm gương) cho bọn loạn thần muôn đời sau phải e sợ.

II
Gác Cách Thiên đổ nát, lầu Ngọc đã hoang tàn,
Vẫn còn tên gian càn rỡ ở đây!
Suốt đời trái tim chết chứa đầy nọc độc,
Nghìn năm cục sắt sống kia phải mang nỗi oan kỳ lạ.
Trong ngục người trung thần khi sống đã phải đổ máu,
Dưới thềm hành quyết tên gian ác đã chết, chỉ uổng công!
Được cùng với bậc trung thần cùng bất hủ,
Cái phúc lạ lớn tầy trời của nó thật quá vô lý!




Chú thích:
(1) Tần Cối làm ngự sử trung thừa đời Tống Khâm Tông. Khi cha con Tống Khâm Tông và Tống Huy Tông bị người Kim bắt, Tần Cối đi theo, sau được người Kim thả về Nam Tống, làm Tể Tướng. Cối chủ trương hàng Kim, giết Nhạc Phi và nhiều trung thần, nghĩa sĩ khác. Lúc chết được phong làm Trung Vương.
Đến đời Tống Minh Tông, Cối bị xóa bỏ tước vương và đặt tên thụy là Mâu Xú. Người đời sau dựng tượng Tần Cối quỳ chịu tội ở chân miếu Nhạc Phi, thường lấy gậy đánh và nhổ vào đầu vào mặt tượng.
(2) Có truyền thuyết ở bên điện vua Tống Huy Tông có một cây “cối” sinh ra nấm ngọc, người ta cho là điềm Tần Cối được trọng dụng để làm mất nhà Tống. Cây “côi” ấy sau bị chẻ ra làm củi.
(3) Cách Thiên Các: Gác Tần Cối ở, có treo tấm biển do vua Tống Huy Tông đề bốn chữ “Nhất đức cách thiên” (đức có thể cảm được lòng trời).
(4) Chỉ việc Nhạc Phi bị chém trong ngục.


Tượng Tần Cối


I
Đền vua “cối” chặt củi rồi
Sao Mâu Xú được kề nơi mộ phần
Nhạc Vương
Sai đúng khó phân
Bạt tai đau đớn gì thân giả vờ
Vẻ ngoài sắt thép trượng phu
Mà sao khúm núm phụng thờ ngoại xâm
Bảo không ích lợi là lầm
Muôn đời khiến lũ gian thần sởn gai


II
Gác Thiên lầu Ngọc hoang vu
Mà tên gian ác nội thù còn đây
Tim dù chết nọc vẫn đầy
Ngàn năm sắt sống vì mày chịu oan
Trung thần ngục tối máu loang
Dưới thềm hành quyết xác gian ích gì
Được cùng muôn thủa Nhạc Phi
Phúc này quá lớn phải đi hỏi trời


191
Vương Thị (1) Tượng

I
Thiệt trường tam xích cánh hà vi
Háo dữ quyền gian bị xướng tùy
Hậu hoạn chính ân cầm hổ nhật (2)
Tiền công an vấn ẩm Long Kỳ (3)
Nhất sinh tâm tích đồng phu tế
Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi
Để sự tưởng lai “mạc tu hữu”
Khuê trung tư ngữ cánh thùy tri


II
Thâm đồ mật toán thắng phu quân
Ưng thị thần kê (4) đệ nhất nhân
Bất lạn dĩ sinh tam thốn thiệt
Thuần cương hoàn đắc vạn niên thân
Xướng tùy tận đạo ưng vô hối
Kỹ lưỡng đồng niên cánh khả thân
Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng
Dã tằng hám phá Nhạc gia quân (5)

Tượng Vương Thị

I
Lưỡi dài ba tấc để làm gì?
Khéo cùng với tên quyền thần gian ác kết làm vợ chồng
Cái ngày bắt được cọp là trừ được nỗi lo về sau
Hỏi làm gì cái công ước hẹn uống rượu ở Hoàng Long!
Bụng dạ một đời giống hệt như chồng,
Hình hài nghìn năm làm nhục cho phụ nữ.
Suy ngẫm kỹ lại cái việc dựng lên cái án ba chữ “Mạc tu hữu”
Hẳn có lời nói riêng trong phòng khuê (của thị), chẳng ai biết được.

II
Mưu tính sâu kín hơn chồng,
Đúng là bậc nhất trong loại “Gà mái gáy sáng”
Sinh ra là đã có ba tấc lưỡi “Bất hủ”.
Lại có được cái thân bằng gang thép muôn năm bền vững,
Trọn đạo xướng tùy hẳn không có gì phải hối hận.
Trình độ gian ác như nhau, lại càng xoắn xít với nhau hơn.
Chớ bảo đàn bà không có sức mạnh
Chính thị đã từng phá tan quân của họ Nhạc.

Chú thích:
(1) Vương Thị: Vợ Tần Cối.
(2) Vợ chồng Tần Cối sợ để cho Nhạc Phi thắng trận, thu hồi được Bắc Tống thì chúng sẽ bị nguy nên mưu bắt Nhạc Phi như bắt cọp.
(3) Nhạc Phi hẹn với tướng sĩ đánh bại quân Kim, tiến thẳng đến Hoàng Long là kinh đô nước Kim, sẽ cùng nhau uống rượu mừng công.
(4) Tẫn kê tư thần: Gà mái gáy báo sáng, ý nói người vợ lộng quyền làm tranh việc của chồng.
(5) Quân của Nhạc Phi.


Tượng Vương Thị


I
Lưỡi dài ba tấc làm chi
Khéo cùng Tần Cối vẹn bề trúc mai
Trói hùm khỏi sợ hậu lai
Tàn mơ rượu hẹn rót ngoài Hoàng Long
Đã nên một cốt một đồng
Nữ nhân mối nhục má hồng quần thoa
Án gì chữ chỉ có ba
Phòng khuê to nhỏ hẳn là có mi


II
Mưu sâu hơn cả mẹo chồng
Giống gà mái gáy rạng đông mụ này
Bẩm sinh ba tấc lưỡi dài
Lại thêm gang thép dạn dầy tấm thân
Xướng tùy trọn đạo mười phân
Ác tâm chung một càng khăng khít nhiều
Chớ tin tơ liễu yêu kiều
Nhạc Phi tướng mạnh quân nhiều mà thua


192
An Huy Đạo Trung


Đề nha á á loạn lăng thần
Từ Bắc Từ Nam hiểu sắc phân
Nhất đái tuyết điền thanh giả mạch
Tứ sơn tùng thụ bạch vi vân
Du du hương quốc bát thiên lý
Lục lục công danh nhất phiến trần
Cộng chỉ mai hoa báo tiêu tức (1)
Xuân hà tằng đáo dị hương nhân

Trên Đường An Huy

Buổi hừng đông tiếng quạ kêu quác quác,
Hai vùng nam, bắc Từ Châu được phân rõ nhờ ánh sáng ban mai.
Một dải ruộng phủ tuyết, chỗ mầu xanh là lúa mạch,
Bốn phía đầy cây tùng, chỗ màu trắng là mây.
Quê hương mịt mờ, cách xa tám nghìn dặm,
Theo đuổi công danh tầm thường trong đám bụi trần.
Nhưng xuân có bao giờ đến với người từ nơi đất khách!

Chú thích:
(1) Nguyễn Du đi qua tỉnh An Huy vào đầu tháng 11 năm Quý Dậu (1813).


Trên Đường An Huy

Hừng đông quạ réo cành sương
Từ Châu nam bắc phân cương rõ ràng
Đồng băng ruộng mạch mầu lam
Núi tùng vạt trắng rõ ràng là mây
Cố hương tám vạn dặm dài
Công danh đeo đuổi đắng cay bụi trần
Mai hoa cười báo tin xuân
Xuân đâu về với hành nhân xứ người


193
Đào Hoa Đàm Lý Thanh Liên Cựu Tích (1)


Đào Hoa đàm thủy thiên xích thanh
Đàm thượng tùng bách đông do thanh
Đạo thị Đường triều Lý Cung Phụng (2)
Tùng ẩm thử đàm nhân đắc danh
Thập niên tửu tứ nhân gian thế
Thiên tử hô lai do lạn túy (3)
“Tự ngôn thần thị tửu trung tiên”
Bạc thị vinh danh đồng tệ lý
Thiên niên thắng tích dĩ nhân truyền (4)
Bất tại du du nhất đàm thủy
Đàm thủy chí kim thanh thả liên
Nhất ngư nhất điểu giai thành tiên
Trù tướng tư nhân bất phục kiến
Viễn lai sử ngã tâm mang nhiên
Thế lộ trần ai tín hỗn trọc
Bất như chung nhật thống ẩm toàn ngô thiên
Dấu Cũ Của Lý Thanh Liên Ở Đầm Đào Hoa

Nước đầm Đào Hoa nghìn thước trong suốt,
Tùng bách bên đầm giữa mùa đông vẫn xanh.
Nghe nói rằng quan Cung Phụng họ Lý đời Đường,
Uống rượu say tràn ở đầm này, vì thế mà đầm nổi tiếng.
Đời người sống mười năm nơi quán rượu,
Thiên tử gọi đến vẫn còn say mèm.
Tự xưng: “Ta là tiên trong làng rượu”.
Xem nhẹ vinh hoa như chiếc giày rách
Cảnh đẹp nhờ người mà danh để nghìn năm,
Chứ đâu phải vì đầm nước mênh mông bát ngát.
Nước đầm đến nay vẫn trong veo và gợn sóng,
Con cá, con chim đều thành tiên.
Buồn vì không được thấy lại người ấy,
Khiến ta từ xa đến lòng thấy bùi ngùi.
Đường đời bụi bặm thật quả là nhơ đục và hỗn tạp,
Chi bằng suốt ngày uống tràn mà giữ tròn lấy thiên tính của mình.

Chú thích:
(1) Lý Thanh Liên: Tức Lý Bạch (701-762) đại thi hào đời Đường, sinh tại làng Thanh Liên, tự xưng là Thanh Liên Cư Sĩ. Đầm Đào Hoa ở tỉnh An Huy, phía nam sông Trường Giang.
(2) Cung Phụng: Là một chức quan thuộc tòa Hàn Lâm đời Đường. Lý Cung Phụng tức là Lý Bạch.
(3) Đường Huyền Tông cho Cao Lực Sĩ gọi Lý Bạch vào cung làm thơ. Lý Bạch đang say phải vực lên thuyền. Thơ Đỗ Phủ nói về việc ấy: “Thiên tử hô lai bất thượng thuyền. Tự xưng thần thị tửu trung tiên” (nhà vua cho gọi, không lên thuyền, tự xưng thần là tiên trong làng rượu).
(4) Lý Bạch đến chơi ở Đầm Đào Hoa tặng Uông Luân một bài thơ trong đó có hai câu: “Đào Hoa Đàm thủy thâm thiên xích. Bất cập Uông Luân tống ngã tình” (Đào Hoa đầm nước sâu ngàn thước , chẳng sánh tình Uông tiễn biệt ta).

Dấu Cũ Lý Thanh Liên Ở Đầm Đào Hoa

Đào Hoa ngàn thước long lanh
Đông sang tùng bách xanh xanh mấy bờ
Rằng quan Cung Phụng triều xưa
Nằm đây say khướt đến giờ còn nghe
Mười năm quán rượu đi về
Vua vời thi sĩ vẫn mê hũ chìm
Tự xưng thơ thánh rượu tiên
Vinh hoa dép rách liệng bên vệ đường
Nhờ ai nức tiếng ngàn phương
Phải đâu bát ngát khói sương mặt đầm
Nước trong nay vẫn trong ngần
Cá chim cũng thoát cõi trần lên tiên
Tiếc sao chẳng gặp Thanh Liên
Nẻo xa lữ khách lòng thêm bùi ngùi
Đường đời bụi bặm buồn vui
Chén say chuốc lấy đời đời vẫn ta
194
Đào Hoa Dịch Đạo Trung

I
Tiềm Sơn (1) bát bách lý
Tây tiếp Sở sơn vân
Cổ thạch sấu như quỷ
Tân tùng trường tỉ nhân
Vạn huề nghi thúc mạch
Thập nhật cách phong trần
Bạch Liên Hà Bắc sơn
Sơn trung như bất văn

II
Kê khuyển xuất tang ma
Duyên khê tiểu kính tà
Sơn điền thường tích thủy
Dã phạn bán hàn sa
Thạch ẩn cao nhân ốc
Trần tùy quý giả xa
Cô yên tại thiên mạt
Kim dạ túc thùy gia

Trên Đường Trạm Đào Hoa

I
Núi Tiềm tám trăm dặm,
Phía tây tiếp với mây núi nước Sở.
Đá cổ gầy như quỷ,
Thông non cao bằng người.
Muôn khoảng ruộng trồng đậu và lúa mạch rất tốt,
Đã mười ngày cách xa gió bụi.
Qua dẫy Bạch Liên ở Hà Bắc,
Nhưng trong núi dường như không nghe thấy gì.

II
Gà chó từ các bụi dâu, bụi gai chạy ra,
Con đường nhỏ, dốc thoai thoải men theo khe suối.
Ruộng núi thường úng nước,
Bữa cơm ăn ngoài đồng phân nửa là sạn cát.
Đã che khuất nhà của người cao sĩ,
Bụi tung theo xe của người giàu sang.
Ngọn khói lẻ loi ở cuối trời,
Đêm nay biết ngủ ở nhà ai đây.

Chú thích:
(1) Tiềm Sơn: Núi thuộc huyện Tiềm Sơn, tỉnh An Huy.

Trên Đường Trạm Đào Hoa

I
Tám trăm dặm núi Tiềm xa
Phía tây non Sở mây là đà trôi
Đá gầy quỷ đứng ma ngồi
Thông non mới chỉ bằng người độ cao
Ruộng đồng lúa tốt tươi sao
Mười ngày xa lánh biết bao phong trần
Bạch Liên Hà Bắc qua lần
Núi sâu chẳng chút vọng âm tiếng đời

II
Chó gà ẩn núp dậu gai
Con đường nho nhỏ chạy dài suối khe
Ruộng đồi úng nước nhiều khi
Chén cơm ngoài nội đen xì tro than
Nhà cao sĩ khuất non ngàn
Bụi tung xe ngựa giầu sang qua đường
Cuối trời khói lẻ vấn vương
Đêm nay biết chiếu biết giường nhà ai


195
Tiềm Sơn Đạo Trung

Túc hữu ái sơn tích
Biệt hậu tử hà như
Lai đáo Tiềm Sơn lộ
Uyển như Hồng Lĩnh cư
Vân hà viên khiếu ngoại
Tùng bách hạc sào dư
Định hữu sơn trung khách
Bình sinh bất thức dư

Trên Đường Tiềm Sơn

Ta vốn có tính yêu núi.
Sau ngày xa quê nhà, nhớ biết chừng nào!
Hôm nay đi trên đường Tiềm Sơn,
Tưởng như đang ở núi Hồng Lĩnh.
Mây ráng bọc ngoài nơi có tiếng vượn hú,
Cây tùng, cây bách thừa chỗ cho hạc làm tổ.
Hẳn có người ở trong lòng núi,
Cả đời không hề quen biết ta.


Trên Đường Tiềm Sơn


Lòng ta yêu núi núi ơi
Từ xa cố quận nhớ người biết bao
Tiềm Sơn vừa đặt bước vào
Tưởng như Hồng Lĩnh đang chào đón ta
Vượn kêu mây ráng xa xa
Hạc dư tổ ấm trên ba cội tùng
Núi sâu nhà núi mịt mùng
Hai ta chủ khách chưa từng biết nhau


196
Tây Hà (1) Dịch


Thanh thạch kiều tây ngạn
Y nhiên tiểu lý lư
Đạo bàng nhân ngữ tạp
Ốc hậu trúc âm sơ
Hòa bản cung thần thiếu
Xuân liên đãi tuế trừ
Tương phùng vô biệt thoại
Nhất tiếu ý hà như

Trạm Tây Hà

Bên bờ phía tây cầu đá xanh,
Xóm nhỏ vẫn y nguyên.
Bên đường, tiếng người nói lao xao,
Phía sau nhà bóng trúc lưa thưa.
Gốc rạ dành để đốt lửa buổi sớm,
Câu đối xuân chờ lúc hết năm cũ.
Gặp nhau không nói năng gì,
Chỉ có một nụ cười, chẳng biết ý tứ thế nào?

Chú thích:
(1) Tây Hà: Vùng đất thuộc tỉnh Sơn Tây.



Trạm Tây Hà


Bờ tây cầu đá xanh xanh
Một thôn xóm nhỏ yên lành biết bao
Bên đường giọng nói lao xao
Sau nhà bóng trúc in vào mái rơm
Rạ khô nhóm bếp sớm hôm
Liễn xuân ngày tháng mỏi mòn năm qua
Gặp nhau biết nói chi mà
Cười cười chẳng biết hiểu ra ý gì


197
Sở Kiến Hành


Hữu phụ huề tam nhi
Tương tương tọa đạo bàng
Tiểu giả tại hoài trung
Đại giả trì trúc khuông
Khuông trung hà sở thịnh
Lê hoắc tạp tì khang
Nhật án bất đắc thực
Y quần hà khuông nhương
Kiến nhân bất ngưỡng thị
Lệ lưu khâm lang lang
Quần nhi thả hỉ tiếu
Bất tri mẫu tâm thương
Mẫu tâm thương như hà
Tuế cơ lưu dị hương
Dị hương sảo phong thục
Mễ giá bất thậm ngang
Bất tích khí hương thổ
Cẩu đồ cứu sinh phương
Nhất nhân kiệt dung lực
Bất sung tứ khẩu lương
Duyên nhai nhật khất thực
Thử kế an khả trường
Nhãn hạ ủy câu hác
Huyết nhục tự sài lang
Mẫu tử bất túc tuất
Phủ nhi tăng đoạn trường
Kỳ thống tại tâm đầu
Thiên nhật giai vị hoàng
Âm phong phiêu nhiên chí
Hành nhân diệc thê hoàng
Tạc tiêu Tây Hà dịch
Cung cụ hà trương hoàng
Lộc cân tạp ngư xí
Mãn trác trần trư dương
Trưởng quan bất hạ trợ
Tiểu môn chỉ lược thường
Bát khí vô cố tích
Lân cẩu yểm cao lương
Bất tri quan đạo thượng
Hữu thử cùng nhi nương
Thùy nhân tả thử đồ
Trì dĩ phụng quân vương

Bài Hành Về Những Điều Trông Thấy

Có người đàn bà dắt ba đứa con.
Cùng nhau ngồi ở bên đường
Đứa nhỏ ẵm trong lòng,
Đứa lớn cầm chiếc giỏ tre.
Trong giỏ đựng những gì?
Rau lê, rau hoắc lẫn với cám
Quá trưa rồi vẫn chưa được ăn
Áo quần sao mà rách rưới quá!
Thấy người không dám ngước nhìn lên,
Nước mắt chảy ròng ròng trên vạt áo.
Bày con vẫn cười vui,
Không biết lòng mẹ đau.
Lòng mẹ đau như thế nào?
Năm đói, lưu lạc đến làng khác.
Làng khác mùa màng khá hơn,
Giá gạo không cao lắm.
Bỏ làng đi cũng chẳng tiếc
Miễn sao có được phương cứu sống,
Một người làm thuê đến kiệt sức.
Không đủ nuôi bốn miệng ăn,
Ngày ngày dọc theo đường phố xin ăn,
Kế ấy làm sao mà lâu dài được?
Nhìn thấy trước mắt cái lúc bỏ xác bên ngòi rãnh,
Máu thịt nuôi sài lang.
Mẹ chết không đáng tiếc,
Vỗ về con mà thêm đứt ruột.
Trong lòng đau xót lạ lùng,
Mặt trời cũng vì người mà vàng úa!
Gió rét bỗng ào tới,
Người đi đường lòng quặn đau.
Đêm qua ở trạm Tây Hà,
Tiệc tùng cung đốn sao mà linh đình thế:
Gân hươu cùng vây cá
Đầy bàn thịt lợn, thịt dê,
Quan lớn chẳng đụng đũa,
Tùy tùng chỉ nếm qua loa.
Bỏ mứa không đoái tiếc,
Chó hàng xóm cũng chán cao lương.
Không biết trên đường cái quan,
Có mẹ con nhà này khốn cùng như thế!
Ai vẽ bức tranh này,
Đem dâng lên nhà vua!



Bài Hành Về Những Điều Trông Thấy


Mẹ dẫn theo ba đứa con
Bên đường ngồi xệp biết còn đợi ai
Con nhỏ bồng ẵm trên tay
Con lớn xách chiếc giỏ mây tồi tàn
Chút rau xanh chút cám vàng
Trễ rồi vẫn chẳng được ăn uống gì
Áo quần rách rưới thảm thê
Sợ người khinh miệt chẳng hề ngó lên
Lệ trào đẫm vạt áo đen
Bầy con vẫn cợt đùa bên mẹ nghèo
Biết chăng mẹ xót xa nhiều
Thương con đứt ruột đến điều đắng cay
Mất mùa lưu lạc tới đây
Thôn này xóm khác cầu may chút nào
Chỉ xin giá gạo đừng cao
Bỏ làng thôi cũng quản bao phận hèn
Miễn qua khỏi bước cơ hàn
Đem thân làm mướn sức tàn phôi pha
Khó kham bốn miệng một nhà
Dọc theo phường phố rên la kêu đường
Phải đâu là kế bình thường
Rồi đây xác đói xình trương bụi bờ
Miệng hùm nanh sói mồi no
Mẹ dù phải chết cũng chưa yên lòng
Dỗ con lệ chẩy dòng dòng
Nhìn con ruột mẹ vô cùng đớn đau
Trời cao bỗng úa sắc mầu
Căm căm gió lạnh từ đâu tràn về
Qua đường khách cũng tái tê
Tây Hà đêm trước ê hề tiệc vui
Gân hươu vây cá khuyên mời
Thịt dê thịt lợn đĩa vơi đĩa đầy
Đại quan đũa chẳng động tay
Tùy tùng nếm náp chút này chút kia
Cỗ bàn bỏ mứa tiếc chi
Chó hàng xóm cũng bỏ đi chẳng màng
Biết chăng bên vệ đường quan
Mẹ con nhà ấy nguy nan khốn cùng
Tranh này ai vẽ cho xong
Kính dâng lên đấng cửu trùng xét xoi


198
Quảng Tế Ký Thắng (1)


Giang Nam Hồ Bắc địa tương lân
Nhật nhật phồn hoa bất ký xuân
Ngọc địch lâu đầu thiên thượng khúc
Thùy dương môn ngoại họa trung nhân
Tất bồn dục điểm khuynh phì tạo
Ngọc thủ Hồ cơ khoái tế lân
Dục điển túc sương mưu nhất túy (2)
Nại hà đầu dĩ bạch như ngân

Ghi Cảnh Đẹp Ở Quảng Tế

Giang Nam và Hồ Bắc giáp với nhau,
Ngày nào cũng là cảnh phồn hoa nên chẳng nhớ mùa xuân nữa.
Sáo ngọc trên lầu thổi khúc nhạc trên trời,
Cây thùy dương ngoài cửa như người đẹp trong tranh.
Chậu sơn trong nhà tắm đầy xà phòng thơm,
Tay ngọc của gái người Hồ thái nhỏ cá ra làm gỏi.
Muốn gán chiếc áo cừu lông chim túc sương đổi lấy một cuộc say,
Nhưng tóc trên đầu đã bạc trắng thì làm thế nào!

Chú thích:
(1) Quảng Tế: Tên một huyện của tỉnh Hồ Bắc, trên sông Trường Giang, ở nơi giáp giới giữa Giang Nam và Hồ Bắc.
(2) Nhắc tích Tư Mã Tương Như và vợ là Trác Văn Quân nghèo túng quá phải đem cầm chiếc áo lông cừu túc sương để mua rượu uống giải buồn. Túc sương là tên một loài chim lông đẹp, có thể dùng làm áo cừu.



Cảnh Đẹp Ở Quảng Tế


Giang Nam Hồ Bắc tiếp nhau
Vẻ phồn hoa át cả mầu sắc xuân
Lầu cao trổ khúc sáo ngân
Liễu dương ngoài cửa mỹ nhân trên tường
Bồn hoa phòng tắm ngát hương
Gái Hồ tay ngọc nhẹ đươm gỏi mè
Khinh cừu đổi chén mê ly
Phơ phơ tóc bạc thôi thì biết sao


199
Đồ Trung Ngẫu Hứng


Sơn hạ kiều tùng tùng hạ phần
Luy luy đô thị cổ thời nhân
Tự do tự tại bất tri tử
Hoa lạc hoa khai vô hạn xuân
Phục lạp (1) tử tôn không loại tửu
Thế gian phú quý đẳng phù vân
Bách niên đáo để giai như thị
Hồi thủ mang mang nhất phiến trần

Ngẫu Hứng Giữa Đường

Dưới chân núi có thông cao, dưới tán thông là mồ mả,
Ngổn ngang gò đống đều là người thời xưa.
Tự do, tự tại, không biết là chết,
Hoa rụng, hoa nở, mùa xuân dài vô hạn.
Đến tiết Phục Lạp, con cháu tưới uổng rượu xuống đất
Giàu sang trên đời chỉ là mây nổi,
Trăm năm rốt cuộc đều như thế cả,
Ngoảnh đầu nhìn lại chỉ thấy một đám bụi mịt mù.

Chú thích:
(1) Phục lạp : Phục là tiết phục mùa hè, lạp là tiết lạp mùa đông. Hàng năm đến hai tiết này, người ta thường làm lễ tế ở mồ mả tổ tiên, khi tế thường rót rượu xuống đất để cầu thần phù hộ.



Ngẫu Hứng Giữa Đường


Dưới chân núi rặng thông cao
Dưới thông rải rác biết bao mộ phần
Ngổn ngang gò đống xa gần
Biết chăng chẳng biết có lần chết đi
Hoa rơi hoa nở xuân về
Hai mùa tảo mộ một ly rượu nồng
Giầu sang mây nổi trời không
Trăm năm thôi thế tận cùng thế thôi
Ngoảnh đầu ngó lại than ôi
Thấy chi thấy mịt mù trời bụi bay

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.