Mar 28, 2024

Trường thiên lục bát

Thanh Hiên thi tập - 清 軒 詩 集 - từ # 1 - # 53 (Hồng Vân ngâm Ai Thương Kiều)
Băng Ðình * đăng lúc 03:38:48 PM, Dec 28, 2021 * Số lần xem: 5850
#1

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Nguyễn Du (1765- 1820) là nhà thơ lớn của dân tộc, là cây đại thụ của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Ông có nhiều sáng tác văn, thơ viết bằng chữ Nôm như Văn chiêu hồn ( hay còn gọi là Văn tế thập loại chúng sinh), văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai phường nón,…nhưng phải đến Truyện Kiều, ông mới thực sự thành danh ở thể loại thơ này. Ngoài ra, ông còn sáng tác thơ bằng chữ Hán là Thanh Hiên tiền hậu tập (thường gọi là Thanh Hiên thi tập), Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục đã góp phần hun đúc và hình thành một nhân cách Nguyễn Du, một thiên tài Nguyễn Du mãi tỏa sáng trên thi đàn của văn học dân tộc.

Không có một người Việt Nam nào, dù già hay trẻ, dù đang sinh sống, làm việc ở trong hay ngoài nước mà lại không biết đến Nguyễn Du, không thuộc lòng một vài câu thơ của Nguyễn Du. Truyện Kiều và thơ chữ Hán Nguyễn Du đã đi sâu vào tâm trí người đọc như một sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân nước Việt. Các thế hệ cứ nối tiếp nhau, từ thế hệ này đến thế hệ sau, từ người bình dân đến bậc trí giả đều mê đọc Kiều, ngâm, vịnh, bói Kiều, nghiên cứu, phiên âm, chú giải, khảo dị Truyện Kiều và dịch thơ chữ Hán của ông ra tiếng Việt.

Các học giả nước ngoài trên khắp các châu lục cũng ngưỡng mộ Nguyễn Du, dịch thơ ông ra tiếng bản địa và nghiên cứu về ông với tình cảm kính trọng, mến yêu một thi tài đất Việt – một Danh nhân văn hóa của thế giới.

Nhiều công trình nghiên cứu về ông, nhiều bản phiên âm, chú giải, khảo dị Truyện Kiều, nhiều bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du ra tiếng Việt theo thể Đường luật đã được in và tái bản nhiều lần tại Nhà xuất bản Giáo Dục. Lần này, cuốn sách mà quý vị và các bạn đang có trong tay, có lẽ là bản dịch đầu tiên ba tập thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục) của Nguyễn Du ra tiếng Việt theo thể thơ dân tộc (thơ lục bát) của Dịch giả Vũ Băng Đình quê gốc tỉnh Thái Bình.

Tuy bản dịch chưa hẳn hoàn thiện, bên cạnh nhiều bài hay, còn một số bài dịch chưa thật đắc ý, nhưng chúng tôi rất cảm quý tấm lòng tri ân, mến tài, yêu thơ cụ Nguyễn và trân trọng công sức lao động miệt mài của Dịch giả - Một ông già nghỉ hưu, đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hi” mà vẫn tâm huyết, say sưa ngồi dịch thơ và in thơ, chỉ để tặng bạn bè.

Nhà xuất bản Giáo dục vui mừng giới thiệu tập thơ dịch với độc giả và rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để bổ khuyết khi có dịp tái bản.
NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC

ĐÔI LỜI THƯA THỐT

Mẹ tôi võ vẽ ít chữ Nôm, song thuộc lòng Truyện Kiều, Cung Oán, Chinh Phụ…
Nhờ Mẹ ru, tôi lõm bõm thuộc Kiều trước khi cắp sách đến trường.
Do thăng trầm thời cuộc, Mẹ tôi rời khỏi tòa ngang dẫy dọc sau ba lớp cổng xây, về sống trong túp lều nhỏ ven sông. Già nua, bệnh tật, cô đơn, nhưng mẹ tôi vẫn sống bình thản giữa dòng đời, bởi trong lòng Người được an ủi bằng chính văn thơ và nội dung cùng các nhân vật của cuốn Kiều trong tâm tưởng của mình.
Hơn mười tuổi tôi phải xa làng. Nhớ Mẹ, nhớ nhà…chìm nổi.
Tới một ngày lạnh giá giữa núi rừng Hoàng Liên Sơn, cùng mấy bạn, tôi đã thành tâm khấn nguyện:

“…Lạy Tố Như tiền bối, xin thương xót nòi thơ đồng điệu…Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy kiều…”

Cuốn Linh Kinh Đứt Ruột này đã giáng bốn câu:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước Cờ dưới Hoa”

Quẻ này đã cứu được mấy người toan tự mình chấm dứt mạng sống.

Khi được nghỉ hưu, tôi đã mang ba tác phẩm Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du dịch dưới hình thức Việt hóa bằng thơ Lục bát qua ngôn ngữ đời thường của thế kỷ XXI.

Phần đông người Việt đều biết Kiều, song ít người quan tâm đến thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

Tôi yêu nhà thơ lớn Tố Như và ước ao nhiều người khác cũng thế. Nhiều cây bút uy tín như Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Tản Đà, Xuân Diệu, Quách Tấn và gần đây nhóm Mai Quốc Liên đã dịch toàn bộ hoặc một phần các tác phẩm này.

Tôi chỉ là người đi sau, thửa hưởng công lao của các vị tiền bối mà tôi trân trọng ghi ơn, nỗ lực chuyển thế 2318 câu thơ Hán thành 2450 câu thơ Việt theo thể Lục bát.

Xin hẹn vào dịp tái bản có phần chữ Hán bổ khuyết.

Ước ao chúng ta sẽ có Kiều học như Tầu có Hồng học và Anh có Shakespeare học.
Dịch Giả cẩn chí
 
 

THANH HIÊN THI TÂP
(1786 – 1804)

1
Quỳnh Hải (1) Nguyên Tiêu (2)

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y y bất cải cựu thiền quyên
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán (3)
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên
Cùng đồ liên nhữ (4) dao tương kiến
Hải giác thiên nhai tam thập niên

Rằm Tháng Giêng Ở Quỳnh Hải

Đêm rằm tháng giêng, sân vắng trăng đầy trời
Trăng như cô gái đẹp, vẫn như xưa, không thay dổi dáng vẻ xinh tươi.
Một trời xuân hứng rơi vào nhà ai?
Muôn dặm Quỳnh Châu đêm nay trăng tròn.
Chốn non Hồng không còn nhà, anh em tan tác
Đầu bạc nhiều giận nỗi ngày tháng trôi.
Lúc đường cùng thương ta cùng trăng nhìn nhau từ xa
Ba mươi năm qua nơi chân trời góc bể.

Chú thích:
(1) Quỳnh Hải: Tức huyện Quỳnh Côi (xưa thuộc Trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái bình). Vùng đất gần biển , nên Nguyễn Du gọi là Quỳnh Hải hoặc Quỳnh Châu. Quỳnh Côi là quê vợ Nguyễn Du. Nguyễn Du lấy con gái Đoàn Nguyễn Thục (1727-1785), đỗ Tiến Sĩ triều Lê năm 1752, tác giả Hải An Thi Tâp, Phụng Sứ Tập. Lúc này (1786) Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc. Nguyễn Du trốn về nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi.
(2) Nguyên tiêu: Rằm tháng Giêng còn gọi là Thượng nguyên.
Viễn tổ Nguyễn Du là Nguyễn Thiến, Tiến Sĩ, Lại Bộ Thượng Thư triều Mạc. Nguyễn Thiến sinh Nguyễn Quyện. Nguyễn Quyện vào Thanh Hóa theo nhà Lê Trung Hưng, nhưng sau bị Mạc sai Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy tình thày trò dụ hàng (1557). Nhà Lê chiếm lại Thăng Long, Nguyễn Quyện chết trong ngục. Con cháu sau đó chạy vào Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lập nghiệp. Đến Nguyễn Nghiễm (1708-1775), đậu Tiến Sĩ, làm quan đến Tham Tụng, Đại Tư Không, Xuân Quận Công, có 8 (?) vợ, 21 con (12 trai). Con cả là Nguyễn Khản từng làm đến Tham Tụng dưới thời chúa Trịnh, kế đến là Nguyễn Điều, Đốc Trấn Sơn Tây. Người anh cùng mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Nễ (tức Nguyễn Đề) sau làm quan với Tây Sơn.
(3) Sau khi Nguyễn Nghiễm mất, các bà vợ, mẹ nào cưu mang con nấy. Dinh cơ ở làng Tiên Điền đã từng bị quân Tây Sơn phá sạch. Ở đấy lúc này (1786) chỉ còn có người em Nguyễn Du là Nguyễn Nhưng (cùng cha khác mẹ) và các cháu, con của Nguyễn Khản, Nguyễn Điều. Đại gia đình Nguyễn Nghiễm tan tác, cho nên viết: “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán”
(4) Nhữ: Mày, ngôi thứ hai, song ở đây chỉ ngôi thứ nhất. Nguyễn Du tự thương mình.


Rằm Tháng Giêng Ở Quỳnh Hải

Nguyên tiêu sân quạnh trăng đầy
Trăng xinh trăng đẹp những ngày vui xưa
Nhà ai xuân đã ghé chưa
Quỳnh Châu ngàn dặm trăng vừa tròn gương
Hồng Lam tán lạc chia đường
Bạc đầu hận tháng năm trường phôi pha
Đường cùng trăng lại cùng ta
Ba mươi hải giác thiên nha cuộc đời

2
Xuân Nhật Ngẫu Hứng

Hoạn khí kinh thời hộ bất khai
Thuân tuần (1) hàn thử cố tương thôi
Tha hương nhân dữ khứ tương biệt
Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai
Nam Phố thương tâm khan lục thảo
Đông hoàng sinh ý lậu hàn mai
Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu
Đẩu tửu song cam túy bất hồi

Ngẫu Hứng Ngày Xuân

Lâu nay khí trời xấu không mở cửa,
Mùa rét mùa nóng lần lữa theo nhau trôi qua.
Nơi đất khách người từ biệt năm cũ,
Xuân ở Quỳnh Hải từ đâu lại?
Đau lòng nhìn cỏ xanh ở bến Nam,
Cái sinh ý của chúa xuân đã để lộ trên hoa mai lạnh.
Ông hàng xóm rảo bước ra miếu đầu thôn,
Nhậu một be rượu với hai quả cam, say chửa về.


Chú thích:
(1) Thuân tuần: Đi không nhích lên được, ý nói chậm chạp, lần lữa.


Ngẫu Hứng Ngày Xuân

Xấu trời cửa khép lâu nay
Đông qua hè tới tháng ngày lần trôi
Tha hương lại một năm rồi
Xuân về Quỳnh Hải phương trời nào đây
Bến Nam xót cỏ xanh dầy
Ý xuân thấp thoáng lạnh gầy mai hoa
Đầu thôn cổ miếu một tòa
Ông hàng xóm rảo bước ra lúc nào
Cam đôi trái rượu một bầu
Dở say chắc hẳn còn lâu mới về

3
Tự Thán

I
Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy
Tính thành hạc hĩnh (1) hà dung đoạn
Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri
Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng
Xuân thu hoàn nhữ lão tu mi
Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp
Tất cánh phiêu linh hà xứ quy

II
Tam thập hành canh lục xích thân
Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân
Bản vô văn tự năng tăng mệnh
Hà sự kiền khôn thác đố nhân
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc
Xuân thu đại tự bạch đầu tân
Hà năng lạc phát quy lâm khứ
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân

Than Thân

I
Sống chưa làm nên danh, thân đã suy yếu
Tóc bạc phơ phơ, gió chiều thổi
Chân hạc dài là do tính trời, sao chặt ngắn được?
Mệnh nhẹ như lông hồng mà không tự biết.
Trời đất phú cho người cốt tướng gian truân
Năm tháng lại đưa về cho ta mày râu già nua
Một nhánh cỏ bồng đứt gốc trước gió tây thổi gấp
Cuối cùng sẽ trôi giạt về đâu?

II
Tấm thân sáu thước tuổi ba mươi,
Vì thông minh làm xói mòn nên hao tổn chân tính trời cho.
Vốn chẳng có văn chương có thể ghét số mệnh,
Thì sao trời đất lại ghét lầm người (làm văn chương)?
Thư (văn) kiếm (võ) đều không thành, sinh kế bức bách,
Xuân thu lần lữa qua, đầu bạc thêm.
Ước sao có thể xuống tóc vào rừng,
Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây.

Chú thích:
(1) Hạc hĩnh: Ống chân chim hạc. Trang Tử (thiên Biền Mẫu): “Phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu, hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi” (chân le tuy ngắn, nối thêm vào thì nó lo, chân hạc dù dài, chặt bớt thì nó xót). Dài ngắn là tính trời, cứ thuận theo lẽ tự nhiên.


Than Thân

I
Thân tàn danh chẳng danh chi
Phất phơ tóc trắng sắt se gió chiều
Bẩm sinh chân hạc cao kều
Cắt sao ngắn được bồng phiêu tính trời
Nhẹ tênh số phận con người
Lông hồng chẳng biết hỡi ơi thế trần
Trời đầy cốt cách gian truân
Tháng năm lại chuốc cỗi cằn mày râu
Cỏ bồng trốc gốc gió thâu
Cỏ lăn lóc biết về đâu mà tìm

II
Thân sáu thước tuổi ba mươi
Thông minh để hại tính trời mà đau
Văn chương số mệnh ghét nhau
Đất trời sao nỡ dãi dầu khách thơ
Lỡ làng thư kiếm xuân thu
Áo cơm bức bách ruột hơ lửa hồng
Tháng năm đầu bạc chất chồng
Ước chi xuống tóc thoát vòng trần ai
Nằm nghe thông hát lời mây
Lâm tuyền thôi nhé những ngày lao đao

4
Vị Hoàng Doanh

Vị Hoàng giang (1) thượng Vị Hoàng doanh
Lâu cối (2) sâm si tiếp thái thanh
Cổ độ tà dương khan ẩm mã
Hoang giao tĩnh dạ loạn phi huỳnh
Cổ kim vị kiến thiên niên quốc (3)
Hình thế không lưu bách chiến danh
Mạc hướng Phù Hoa (4) thôn khẩu vọng
Điệp Sơn (5) bất cải cựu thời thanh

Quân Doanh Vị Hoàng

Trên sông Vị Hoàng có quân doanh Vị Hoàng,
Bên lầu gác những cây cối chạy dài nhấp nhô như liền với trời xanh
Trên bến đò xưa, trong bóng chiều, xem ngựa uống nước.
Giữa cánh đồng hoang, đêm vắng, đom đóm bay tứ tung.
Xưa nay chưa thấy triều đại nào dài được ngàn năm,
Hình thế đất này chỉ để lại cái danh đã trải qua trăm trận đánh.
Thôi đừng nhìn về phía thôn xóm Phù Hoa nữa,
Kìa núi Tam Điệp vẫn không thay đổi mầu xanh xưa.

Chú thích:
(1) Sông Vị Hoàng, nhánh sông Hồng chảy qua thành Nam Định ra biển.
(2) Lâu cối: Chòi canh. Cối là một thứ cây giống như cây bá.
(3) Quốc: Ở đây có nghĩa như triều đại, vương quốc.
(4) Phù Hoa: Có thể là Thanh Hoa (Thanh Hóa), có thể là Phù Cừ, một huyện của tỉnh Hưng Yên, nơi Nguyễn Du từng làm Tri Huyện.
(5) Điệp Sơn: Tức Tam Điệp (đèo Ba Dội), giáp ranh Ninh Bình – Thanh Hóa.

Đồn Vị Hoàng

Vị Hoàng doanh trại bên sông
Vọng lâu thấp thoáng bóng lồng mây cao
Bến chiều ngựa uống xôn xao
Đồng hoang đom đóm bay vào đêm thâu
Ngàn năm trường trị thấy đâu
Đất này trăm trận đánh nhầu nổi danh
Phù Hoa thôi chớ ngó quanh
Núi đèo Tam Điệp vẫn xanh sắc trời

5
Bất Mị

Bất mị thính hàn canh
Hàn canh bất khẳng tận
Quan sơn dẫn mộng trường
Châm chử thôi hàn cận
Phế táo tụ hà ma
Thâm đường xuất khâu dận
Ám tụng vấn văn chương (1)
Thiên cao hà xứ vấn

Không Ngủ

Không ngủ lắng nghe từng canh đêm lạnh trôi qua,
Canh lạnh dài tưởng chừng không dứt.
Sự xa cách (quan sơn) dẫn hồn vào giấc mộng dài,
Tiếng chày nện vải dục mùa lạnh đến gần,
Bếp hoang cóc nhái tụ lại.
Nhà tối giun bò ra.
Thầm tự hỏi văn chương (sao lại lụy đến mình),
(Muốn hỏi trời) nhưng trời cao làm sao mà hỏi?

Chú thích:
(1) Ý “Hỏi văn chương”, Nguyễn Du thắc mắc về văn chương và số mệnh.

Không Ngủ

Lạnh lùng trống điểm đồn xa
Đêm khuya khoắt ngỡ canh gà triền miên
Mộng dài dỗ giấc sơn xuyên
Chầy thu nện vải lạnh thêm gần mùa
Bếp nghèo cóc nhái thu lu
Nhà tăm tối dế giun bò khắp nơi
Văn chương để lụy cho người
Vấn Thiên ngán nỗi xa vời cao xanh

6
Sơn Cư Mạn Hứng

Nam khứ Trường An thiên lý dư
Quần phong thâm xứ dã nhân cư
Sài môn trú tĩnh sơn vân bế
Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ
Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ
Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt
Bất kiến bình an nhất chỉ thư

Ở Núi Cảm Hứng

Phía nam cách Trường An hơn nghìn dặm,
Có kẻ quê mùa ở sâu trong dãy núi.
Ngày vắng, mây núi như đóng kín cửa sài,
Xuân lạnh, trúc trong thung nơi vườn thuốc thưa thớt.
Dưới bóng trăng một mảnh lòng nhớ quê,
Tiếng nhạn đầu mùa khơi lại dòng lệ biệt ly từ bao năm.
Em trai em gái nơi quê nhà bặt hẳn tin tức,
Chẳng thấy một bức thư báo bình an.

Sơn Cư Mạn Hứng

Kinh đô ngàn dặm phía nam
Quê mùa ẩn náu trong ngàn non xa
Cửa sài mây khóa then hoa
Quạnh hiu vườn thuốc la đà trúc thưa
Dưới trăng chạnh xót làng xưa
Bâng khuâng tiếng nhạn đầu mùa biệt ly
Em xa nhà cách sơn khê
Bình an thư chẳng nhắn về một câu

7
U Cư

I
Đào hoa đào diệp lạc phân phân
Môn yểm tà phi nhất viện bần
Trú cửu đốn vong thân thị khách
Niên thâm cánh giác lão tùy thân
Dị hương dưỡng chuyết (1) sơ phòng tục
Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân
Lưu lạc bạch đầu thành để sự
Tây phong xuy đảo tiểu ô cân

II
Thập tải phong trần khứ quốc xa
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu
Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa
Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch
Hoang trì thủy hạc xuất hà ma
Hành nhân mạc tụng Đăng Lâu Phú (2)
Cường bán xuân quang tại hải nha (nhai)


Ở Nơi U tịch

I
Hoa đào lá đào rụng bời bời,
Cửa che xiêu vẹo, một gian nhà nghèo.
Ở trọ lâu ngày bỗng quên bẵng mình là khách,
Năm chày càng biết là cái già đã đến với mình.
Ở đất khách, nên dưỡng cái vụng về để phòng thói đời,
Sống đời loạn, muốn bảo toàn sinh mệnh từ lâu phải sợ người.
Lưu lạc đến bạc đầu mà có nên chuyện gì đâu?
Gió tây thổi rơi chiếc khăn đen nhỏ.

II
Mười năm gió bụi rời kinh thành đi xa,
Đầu bạc phơ phơ ở nhờ nhà người.
Đường dài, trời chiều, bạn mới ít,
Một nhà xuân lạnh bệnh cũ nhiều.
Vách mục trăng dọi rắn mối leo,
Ao hoang nước cạn ếch nhái bò ra.
Người đi đường chớ đọc bài phú “ Đăng Lâu”,
Quá nửa tuổi xuân đã lưu lạc nơi góc biển.

Chú thích:
(1) Dưỡng Chuyết: Nuôi dưỡng sự vụng về. Lão Tử: “Chuyết giả thiên chi đạo” (Chuyết là đạo của trời). Chữ chuyết ở đây dùng để phản bác lại chữ xảo (khéo léo, giỏi, tinh xảo).
(2) Đăng Lâu Phú: Bài phú lên lầu, tác giả là Vương Xán (177-217), nhà thơ xuất sắc nhất trong Kiến An Thất Tử. Bẩy nhà thơ nổi tiếng thời Kiến An, cuối Đông Hán, gồm: Khổng Dung, Vương Xán, Lưu Trinh, Trần Lâm, Nguyễn Vũ, Từ Cán và Ưng Sướng.

U Cư

I
Hoa đào bay lá đào bay
Cửa phên xiêu vẹo nhà này xác xơ
Trọ lâu quên kiếp sống nhờ
Năm tàn như nhắc khách thơ đã già
Vụng về che lấp “cái ta”
Loạn ly biết sợ liệu mà phòng thân
Bạc đầu thôi cũng phù vân
Gió tây lộng thổi rớt khăn đội đầu

II
Mười năm cách biệt đế kinh
Phơ phơ tóc trắng phận mình ngụ cư
Đường xa chiều tối khách thưa
Một căn lạnh lẽo khật khừ bệnh xuân
Trăng soi vách mục thằn lằn
Nước ao cạn ếch nhái lần bò ra
Lữ hành xin chớ ngâm nga
Mỏi mòn hải giác thiên nha nửa đời

8
Mạn Hứng

I
Bách niên thân thế ủy phong trần
Lữ thực giang tân hựu hải tân
Cao hứng tửu vô hoàng các mộng (1)
Hư danh vị phóng bạch đầu nhân
Tam xuân tích bệnh bần vô dược
Táp tải phù sinh hoạn hữu thân (2)
Dao ức gia hương thiên lý ngoại
Trạch xa đoạn mã (3) quí đông lân

II
Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng
Giang nam giang bắc nhất nang không
Bách niên cùng tử văn chương lý
Lục xích phù sinh thiên địa trung
Vạn lý hoàng quan tương mộ cảnh
Nhất đầu bạch phát tản tây phong
Vô cùng kim cổ thương tâm xứ
Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng

Cảm Hứng Lan Man

I
Thân thế trăm năm phó mặc gió bụi,
Ăn nhờ ở bến sông rồi ăn nhờ nơi bãi biển,
Đã không còn cao hứng với giấc mộng gác vàng,
Nhưng hư danh vẫn chưa buông tha cho người đầu bạc.
Bệnh đã ba năm, nghèo không thuốc,
Cuộc phù sinh ba mươi năm có mối lo vì có thân.
Xa nhớ quê hương ngoài nghìn dặm,
Thẹn với người hàng xóm ngồi xe nhỏ cưỡi ngựa hèn.

II
Như ngọn gió bồng không rễ tha hồ chuyển dời, tôi đi
Hết phía nam sông đến phía bắc sông với một chiếc túi rỗng.
Cuộc đời trăm năm chết xác trong chốn văn chương.
Đội chiếc mũ vàng (đạo sĩ) nơi muôn dặm trong cảnh chiều tối,
Một đầu tóc bạc bay tung trước gió tây.
Chốn gợi nên bao mối đau lòng vô hạn xưa nay,
Là dẫy núi xanh vẫn nhuốm ánh chiều hồng như cũ.

Chú thích:
(1) Hoàng các mộng: Mộng gác vàng, mộng công danh phú quý. Xưa, dinh Thừa Tướng có cửa sơn mầu vàng gọi là hoàng các.
(2) Lão Tử: “Ngô sở dĩ đại hoạn giả vị ngô hữu thân” (Ta sở dĩ có mối lo lớn vì ta có thân).
(3) Trạch xa đoạn mã: Xe, ngựa đi chậm , từng đoạn ngắn. Mã Thiếu Du, em họ Mã Viện, thường nói với anh: “Kẻ sĩ sinh ra ở đời chỉ cần đủ cơm ăn áo mặc, ngồi xe nhỏ, cưỡi ngựa còm, làm viên lại ở quận, giữ mồ mả ở làng, được khen là người tốt là được” (Hậu Hán Thư), còn Mã Viện thì có chí lập công to, nguyện chết ở chiến trường lấy da ngựa bọc thây, chinh phạt Giao Chỉ. Ý Mã Thiếu Du không tán thành Mã Viện.
Ở đây Nguyễn Du nói mình còn vì hư danh nên long đong. Thẹn với ông láng giềng được an nhàn vì không cầu phú quý.

Mạn Hứng

I
Trăm năm phó mặc phong trần
Đầu sông cuối bãi xoay vần áo cơm
Tàn mơ gác tía lầu son
Hư danh đến bạc tóc còn buộc nhau
Ba năm nghèo thuốc bệnh lâu
Một thân đeo một mối sầu mộng trai
Cố hương hun hút dặm dài
Thẹn cùng lối xóm ngựa gầy xe thô

II
Cỏ bồng đứt rễ bồng phiêu
Hành trang túi rỗng sớm chiều bắc nam
Văn chương kiết xác bao lăm
Tấm thân sáu thước trăm năm đất trời
Dặm xa tìm đạo chiều rồi
Mái đầu sương tuyết tơi bời gió thu
Nỗi niềm đau đáu ngàn xưa
Non xanh vẫn nhuốm chiều thơ vẻ hồng

9
Xuân Dạ


Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm (1)
Nam Đài (2) thôn ngoại Long Giang thủy(3)
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim)

Đêm Xuân

Đêm tối đen, tìm đâu ánh sáng mùa xuân,
Trước song cửa sổ mở chỉ thấy bóng liễu âm u.
Trong chốn giang hồ bệnh đến đã lâu ngày,
Mùa xuân theo mưa gió mà chìm trong đêm sâu.
Lâu năm làm khách xa nhà, lệ rơi dưới đèn,
Nghìn dặm nhớ quê, lòng gửi theo vầng trăng.
Nước sông Lam ở ngoài thôn Nam Đài,
Một tiếng sóng lạnh tiễn đưa kim cổ.

Chú thích:
(1) Thơ Lý Bạch có câu: “Ngã ký sầu tâm dữ minh nguyệt” (Lòng buồn ta gửi vào vầng trăng sáng).
(2) Nam Đài: Xóm Nguyễn Du ở tại quê nhà.
(3) Long Giang: Tức Thanh Long Giang, một tên khác của Lam Giang, từ ngã ba Hưng Nguyên trở xuống.

Đêm Xuân

Đêm huyền chẳng lóe ánh xuân
Ngoài song tơ liễu tần ngần âm u
Bệnh lâu trên bước giang hồ
Ngày xuân theo gió theo mưa chìm chìm
Lệ rơi lữ khách dưới đèn
Cố hương ngàn dặm gửi lên nguyệt đằm
Nam Đài kề cận sông Lam
Sóng sông lạnh tiễn vô vàn cổ kim

10
Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang (1)

Tây phong quy tụ liễu cao lâm (2)
Khuynh tận ly bôi thoại dạ thâm
Loạn thế nam nhi tu đối kiếm
Tha phương bằng hữu trọng phân khâm
Cao sơn lưu thủy vô nhân thức (3)
Hải giác thiên nhai hà xứ tầm
Lưu thủ giang nam nhất phiến nguyệt
Dạ lai thường chiếu lưỡng nhân tâm

Bài Thơ Lưu Lại Khi Chia Tay Cùng Anh Nguyễn

Gió tây thổi vào ống tay áo khi ra về chốn rừng liễu cao,
Uống cạn chén rượu biệt ly nói chuyện đến đêm khuya.
Làm trai thời loạn nhìn thanh gươm mà thẹn,
Chốn đất khách, bạn bè xem trọng việc chia biệt.
Điệu đàn “núi cao, nước chảy” ai người hiểu,
Góc bể chân trời biết đâu tìm?
Xin giữ lấy một mảnh trăng ở phía nam sông
Đêm đến thường soi lòng hai ta.

Chú thích:
(1)Nguyễn Đại Lang: Chưa rõ là ai.
(2)Có thể dịch là: Gió tây thổi ống tay áo phất phơ chốn rừng liễu cao.
(3)Cao sơn lưu thủy: Núi cao nước chẩy, ý nói tri âm. Bá Nha gẩy đàn, Chung Tử Kỳ nghe tiếng đàn nói: “Chí của bác ở nơi nước chẩy”. Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đập đàn suốt đời không gảy nữa vì cho rằng không có bạn thưởng thức tiếng đàn của mình nữa.

Biệt Anh Nguyễn

Gió thu ngàn liễu nhẹ lay
Ly bôi lại rót vơi đầy trắng đêm
Loạn thời ngó kiếm buồn thêm
Chia tay đất khách nỗi niềm càng đau
Cao Sơn Lưu Thủy ai đâu
Chân trời góc biển mối sầu biệt ly
Bờ nam vừng nguyệt còn kia
Sáng soi hai kẻ đi về hai phương

11
Tống Nguyễn Sĩ Hữu Nam Quy

Nam Sơn (1) hữu điểu hàm tinh hoa
Phi khứ phi lai khinh võng la (2)
Hồng Lĩnh hữu nhân lai tố chủ
Bạch đầu vô lại bất hoàn gia
Sinh bình văn thái tàn lung phượng (3)
Phù thế công danh tẩu hác xà (4)
Quy khứ cố hương hảo phong nguyệt
Ngọ song vô mộng đáo thiên nha (nhai)

Tiễn Bạn Nguyễn Sĩ Hữu Về Nam

Núi Nam có con chim ngậm tinh hoa,
Bay đi bay lại xem thường lưới giăng.
Núi Hồng có người về làm chủ,
Ta bạc đầu không chốn tựa nương không về được nhà.
Văn chương tôi lúc bình sinh như chim phượng phải nằm trong lồng nát.
Công danh bác trong phù thế như rắn chạy về nấp trong hang.
Bác về quê cũ trăng trong gió mát,
Trong giấc ngủ trưa bên song cửa hồn mộng không còn đến chân trời.

Chú thích:
(1) Nam Sơn: Núi ở phương nam. Đây chỉ Hồng Lĩnh quê tác giả.
(2) Võng la: Thu vét (những người tài năng trong thiên hạ). Ý nói không chịu ra làm quan.
(3) Tàn lung phượng: Chim phượng trong lồng nát. Ý nói người giỏi văn chương mà phải sống vất vả lưu lạc giống như chim phượng trong lồng nát vậy.
(4) Tẩu hác xà: Rắn chạy về nấp trong hang. Ý nói cái danh rồi cũng qua đi, cuối cùng cũng như rắn phải chạy về hang mà nấp.

Tiễn Bạn Nguyễn Sĩ Hữu Về Nam

Nam Sơn chim ngậm tinh hoa
Lưới giăng nào ngán bay qua bay về
Non Hồng có chủ có quê
Bạc đầu gót vẫn còn lê cõi người
Văn chương phụng nhốt lồng tồi
Công danh rắn ẩn núp nơi hố hầm
Quê nhà gió mát trăng thanh
Giấc trưa song quạnh chẳng thành viễn mơ

12
Thu Chí

Tứ thời hảo cảnh vô đa nhật
Phao trịch như thoa hoán bất hồi
Thiên lý xích thân vi khách cửu
Nhất đình hoàng diệp tống thu lai
Liêm thùy tiêu các tây phong động
Tuyết ám cùng thôn hiểu giác ai
Trù trướng lưu quang thôi bạch phát
Nhất sinh u tứ vị tằng khai

Thu Sang

Cảnh đẹp bốn mùa chẳng được bao ngày,
Ngày tháng thoi đưa gọi không quay lại,
Thân mình trần trụi ngoài nghìn dặm ở lâu nơi đất khách,
Một sân lá vàng đưa mùa thu tới,
Gió tây lay động bức rèm trên gác nhỏ
Tuyết rơi mịt mù nơi thôn xóm hẻo lánh, tiếng tù và buổi sớm bi thương
Buồn rầu vì ngày tháng trôi giục mái tóc bạc thêm,
Suốt đời ôm mối u sầu chưa từng gỡ ra được.

Thu Sang

Bốn mùa cảnh đẹp là bao
Thoi đưa ngày tháng gọi nào ai thưa
Mình trần muôn dặm viễn du
Một sân vàng héo mùa thu tới rồi
Gác nghèo gió động rèm lơi
Mịt mù sương tuyết chơi vơi xóm cồn
Tù và rúc sáng bi thương
Thời gian buồn nỗi nào hơn tuổi già
Thế rồi tóc trắng như hoa
Trọn đời sầu nhớ gỡ ra sao đành

13
Thu Dạ

I
Phồn tinh lịch lịch lộ như ngân
Đông bích hàn trùng bi cánh tân
Vạn lý thu thanh thôi lạc điệp
Nhất thiên hàn sắc tảo phù vân
Lão lai bạch phát khả liên nhữ
Trú cửu thanh sơn vị yếm nhân
Tối thị thiên nhai quyện du khách
Cùng niên ngọa bệnh Quế Giang (1) tân

II
Bạch lộ vi sương thu khí thâm
Giang thành thảo mộc cộng tiêu sâm

Tiễn đăng độc chiếu sơ trường dạ
Ác phát (2) kinh hoài mạt nhật tâm
Thiên lý giang sơn tần trướng vọng
Tứ thời yên cảnh độc trầm ngâm
Tảo hàn dĩ giác vô y khổ
Hà xứ không khuê thôi mộ châm

Đêm Thu

I
Sao nhiều rõ mồn một, móc trắng như bạc,
Vách phía đông tiếng côn trùng mùa lạnh nghe buồn bã xót xa.
Muôn dặm tiếng thu giục lá rụng,
Một trời màu lạnh quét sạch đám mây nổi.
Già đến, tóc bạc, người thật đáng thương,
Ở đây lâu rồi mà núi xanh chưa chán người!
Đáng buồn nhất là người du khách nơi chân trời đã mỏi.
Hết năm rồi vẫn đau ốm nằm bên Quế Giang.

II
Móc trắng thành sương, hơi thu lạnh già,
Cây cỏ quanh thành bên sông thảy tiêu điều.
Một mình khêu ngọn đèn soi đêm mới bắt đầu dài,
Vắt tóc thường lo cho chí nguyện của mình trong những ngày cuối.
Sông núi nghìn dặm bao lần chạnh lòng trông ngắm.
Rét sớm mới biết cái khổ không áo,
Nơi đâu tiếng đập vải của người khuê phụ phòng không giục giã buổi chiều hôm.

Chú thích:
(1) Quế Giang: Một tên khác của Lam Giang.
(2) Ác Phát: Ác phát thổ bô (vắt tóc nhả cơm). Chu Công, người lập pháp của nhà Chu, khi có khách đến, đang gội đầu thì vắt tóc lên, đang ăn thì nhả cơm ra để tiếp khách.

Đêm Thu

I
Sao dầy sương bạc phau phau
Tường đông nhạc dế cung sầu nỉ non
Dặm xa thu rụng lá cồn
Một trời lạnh xóa mây vờn chân mây
Tuổi già tóc bạc thương thay
Núi xanh chậm tháng chầy ngày chán chưa
Buồn ơi mòn mỏi viễn du
Năm tàn nằm bệnh bên bờ Quế Giang

II
Sương gieo hơi lạnh thu già
Quanh thành cây cỏ lá hoa tiêu điều
Đêm dài khêu ngọn cô liêu
Giơ tay vuốt tóc đời chiều mộng phai
Xót thương núi cả sông dài
Bốn mùa mây khói một người trầm ngâm
Lạnh buồn nỗi thiếu áo khăn
Phòng khuê nện vải đầm đầm chiều hôm

14
Khất Thực

Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên
Triển chuyển nê đồ tam thập niên
Văn tự hà tằng vi ngã dụng
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên

Ăn Xin

Kiếm dài ngạo nghễ hiên ngang như tựa trời xanh,
Lăn lóc trong bùn lầy đã ba mươi năm.
Văn chương chữ nghĩa nào đã ích gì cho ta?
Không dè đói rét phải nhận lòng thương hại của người.

Ăn Xin

Nghênh ngang kiếm báu chọc trời
Ba mươi năm lận đận nơi bùn lầy
Ích chi thơ ấy văn này
Ngờ đâu đói rét ngửa tay độ đường

15
Tạp Ngâm

Đạp biến thiên nha hựu hải nha (nhai)
Càn khôn tùy tại tức vi gia
Bình sinh bất khởi thương dăng niệm
Kim cổ thùy đồng bạch nghĩ oa
Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm
Tiêu điều lữ muộn đối thời ca
Bế môn bất thức xuân thâm thiển
Đãn kiến đường lê lạc tận hoa

Tạp Ngâm

Đi khắp chân trời lại đến góc biển,
Trong khoảng đất trời đến nơi nào thì nơi ấy là nhà.
Bình sinh không hề có cái ý nghĩ của loài ruồi xanh,
Xưa nay ai cùng ở một tổ với mối?
Tấm lòng hùng tráng lụi tàn làm cây đoản kiếm thành vô dụng,
Nghe khúc ca đương thời khiến cho nỗi buồn lữ khách càng thêm tiêu điều.
Đóng cửa nên không biết xuân đến sớm hay muộn.
Chỉ thấy cây đường lê, hoa đã rụng hết rồi.

Tạp Ngâm

Qua muôn góc biển chân trời
Khắp thiên hạ khắp chốn nơi là nhà
Ruồi xanh đâu phải ý ta
Xưa nay tổ mối ai mà sống chung
Tháng năm tàn lụi chí hùng
Thành cây đoản kiếm chẳng dùng việc chi
Khúc ca thời thượng não nề
Sầu rưng lữ khách thảm thê tiêu điều
Xuân về sớm muộn hắt hiu
Cửa ngoài khép kín sớm chiều nào hay
Đường lê chỉ thấy hoa bay
Hoa rơi hoa rụng tới nay hết rồi



16
Bát Muộn


Thập tải trần ai ám ngọc trừ
Bách niên thành phủ bán hoang khư
Yêu ma trùng điểu cao phi tận
Trỉ uế càn khôn huyết chiến dư
Tang tử binh tiền thiên lý lệ
Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư
Ngư long lãnh lạc nhàn thu dạ
Bách chủng u hoài vị nhất sư


Xua Nỗi Buồn

Bụi trần mười năm nay che tối thềm ngọc,
Thành phủ trăm năm một nửa thành gò hoang.
Những côn trùng chim chóc nhỏ bé đều bay đi hết,
Đất trời nhơ nhớp sau cuộc huyết chiến.
Giọt lệ nơi nghìn dặm khóc cho cuộc binh đao ở quê hương,
Bà con bạn bè chỉ còn biết qua mấy hàng thư dưới đèn.
Cá rồng lặng lẽ đêm thu vắng,
Trăm nỗi u buồn chưa một lần được giải thoát.


Xua Nỗi Buồn


Bụi mờ bệ ngọc mười năm
Cung xưa phủ cũ cát lầm gò hoang
Bướm chim xa lánh vội vàng
Đó đây nhơ nhớp chiến tràng hôi tanh
Cố hương ngàn dặm tan tành
Lệ rơi xót cuộc tương tranh quê nhà
Thân bằng thư tín qua loa
Đêm thu quạnh vắng mù sa cá rồng
Trăm muôn sầu xứ đầy lòng
Lưới sầu vùng vẫy thoát vòng khó thay




17
Trệ Khách


Trệ khách yêm lưu Nam Hải trung
Tịch liêu lương dạ dữ thùy đồng
Qui hồng bi động thiên hà thủy
Thú cổ hàn xâm hạ dạ phong
Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng
Thiên hồi khổ hải xúc phù tung
Phong trần đội lý lưu bì cốt
Khách chẩm tiêu tiêu lưỡng mấn hồng


Người Khách Trọ Lâu Ngày

Người khách ở lỳ chốn Nam Hải,
Đêm đẹp và vắng lặng biết cùng ai tâm sự?
Tiếng kêu bi thương của con chim hồng bay về làm xao động nước sông Ngân.
Cái lạnh của tiếng trống đồn canh xâm nhập vào luồng gió đêm hè.
Người đã đến bước đường cùng không mộng đẹp,
Trời đưa lại bể khổ để thúc dục bước chân phiêu bồng.
Trong đám phong trần còn lại kẻ da bọc xương,
Gối khách buồn thiu hai mái tóc rối bù.


Khách Trọ Lâu


Ở lỳ Nam Hải bấy lâu
Đêm huyền diệu biết ai đâu bạn hiền
Tiếng thương hồng hộc loài chim
Còn xao động sóng nước chìm sông Ngân
Lạnh lùng trống điểm chòi canh
Vấn vương sợi gió mong manh đêm hè
Đường cùng mộng đẹp tàn đi
Trời bày biển khổ ai kia phiêu bồng
Gầy còm gió bụi long đong
Gối sầu mái tóc bòng bong rối bù




18
Đại Nhân Hý Bút


Thác lạc nhân gia Nhĩ Thủy tân
Cư nhiên biệt chiếm nhất thành xuân
Đông tây kiều các kiêm thiên khởi
Hồ Hán y quan đặc địa phân
Mục túc thu kiêu kim lặc mã
Bồ đào xuân túy ngọc lâu nhân
Niên niên tự đắc phồn hoa thắng
Bất quản nam minh kỷ độ trần


Thay Người Viết Đùa

Trên bến sông Nhĩ nhà người chen chúc,
Ông điềm nhiên riêng chiếm vẻ xuân một thành.
Phía đông phía tây cầu gác cao dựng đứng ngất trời,
Áo mũ người Hồ người Hán (người Thượng người Kinh) phân biệt hẳn.
Thu, ngựa buộc dàm vàng kiêu hãnh ăn rau mục túc,
Xuân, người trong lầu ngọc uống rượu bồ đào say.
Năm này qua năm khác hưởng thắng cảnh chốn phồn hoa,
Không quản biển nam đã bao phen nổi cơn gió bụi.


Thay Người Viết Diễu


Nhà bên sông Nhị liền nhà
Điềm nhiên ông chiếm một tòa thành xuân
Đông tây lầu các thanh tân
Mũ Kinh áo Mán mười phân vẹn mười
Mùa thu ngựa béo cỏ tươi
Mùa xuân gác ngọc say vùi rượu nho
Năm này năm khác nhởn nhơ
Quản chi khói bụi mịt mờ biển nam




19
Hoàng Mai Kiều Vãn Diếu


Hoàng Mai kiều thượng tịch dương hồng
Hoàng Mai kiều hạ thủy lưu đông
Nguyên khí phù trầm thương hải ngoại
Tình lam thốn thổ loạn lưu trung
Đoản soa ngư chẩm cô chu nguyệt
Trường địch đồng xuy cổ kính phong
Đại địa văn chương tùy xứ kiến
Quân tâm hà sự thái thông thông


Chiều Trên Cầu Hoàng Mai Nhìn Ra Xa

Trên cầu Hoàng Mai bóng chiều đỏ rực,
Dưới cầu Hoàng Mai nước chẩy về đông.
Nguyên khí nổi chìm ngoài biển xanh,
Khí núi lúc trời tạnh khi nuốt vào khi nhả ra giữa luồng nước xoáy.
Ông chài gối đầu trên chiếc áo ngắn trong con thuyền lẻ loi dưới trăng,
Trẻ chăn trâu thổi sáo dài trước gió trên đường xưa.
Trên mặt đất rộng lớn nơi nào cũng thấy văn chương,
Lòng anh việc gì quá vội vàng?


Chiều Trên Cầu Hoàng Mai Nhìn Ra Xa


Trên cầu chiều rực rỡ hồng
Dưới cầu nước chẩy về đông dạt dào
Biển xanh chìm nổi ba đào
Khí thiêng trời tạnh ra vào xoáy sâu
Ngư ông áo ngắn gối đầu
Dưới trăng thả chiếc thuyền câu một mình
Mục đồng sáo thổi đường quanh
Đó đây yểu điệu cây quỳnh cành giao
Can chi lòng khách xôn xao
Vui đi vui được chút nào cứ vui




20
Dao Vọng Càn Hải Từ (1)


Mang mang hải thủy tiếp thiên khu
Ẩn ước cô từ xuất tiểu chu
Cổ mộc hàn liên phù chử mộ
Tình yên thanh dẫn hải môn thu
Hào thiên tướng tướng đan tâm tận (2)
Phủ địa Quỳnh Nhai khối nhục vô (3)
Tiếu nhĩ Minh Phi trường xuất tái (4)
Tỳ bà bôi tửu khuyến Thiền Vu


Xa Trông Đền Cờn

Nước biển mênh mông giáp với trục trời,
Thấp thoáng ngôi đền lẻ loi trên bãi cát nhỏ.
Cây cổ thụ lạnh lẽo liền với bãi chim le trong trời chiều,
Khói trời tạnh màu xanh bay đến cửa biển đượm màu thu.
Kêu trời, tướng văn tướng võ hết lòng son
Vỗ đất, ở Quỳnh Nhai, Dương Thái Hậu khóc con mình không còn.
Nực cười thay Minh Phi ra ngoài biên ải,
Gẩy đàn tỳ bà chuốc rượu để khuyên mời chúa Thiền Vu.

Chú thích:
(1) Càn Hải Từ: Tức đền Cờn, một ngôi đền ở cửa Cờn, thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đền này thờ bà Dương Thái Hậu, vợ vua Tống Độ Tông. Theo truyền thuyết, khi nhà Tống mất nước, bà cùng hai công chúa dùng thuyền ra biển lánh nạn. Thuyền đắm, xác bà dạt vào cửa Cờn, dân địa phương lập đền thờ.
(2) Khi Tống thất thế, Trương Thế Kiệt, tướng võ, Lục Tú Phu, tướng văn, đều hết lòng trung. Hai người này đã giúp Dương Thái Hậu và Đế Bính, con bà đi trốn, nhưng cuối cùng cả hai đều chết.
(3) Khối nhục: Khối thịt, ý nói dòng dõi. Dương Thái Hậu khi nghe tin con là Đế Bính chết đã khóc và nói rằng: Ta sở dĩ chịu gian khổ để sống đến ngày nay là vì họ Triệu Tống mà giữ gìn khối thịt ấy, nay đến nỗi này, ta còn mong gì?
(4) Minh Phi: Tức Vương Chiêu Quân, cung nhân của Hán Nguyên Đế, bị gả cho vua Hung Nô, làm bài nhạc phổ đàn tỳ bà. Câu này ý chê Chiêu Quân chịu lấy vua Hung Nô còn đánh đàn khuyên rượu. Dương Thái Hậu thì giữ trọn tiết mà chết.



Xa Trông Đền Cờn


Biển mênh mông giáp trục trời
Bên sông thấp thoáng lẻ loi mái đền
Cây già lạnh lẽo kề bên
Bãi chim le vút bay lên hồn chiều
Khói mây tạnh ráo tiêu điều
Vờn bay cửa biển đượm nhiều sắc thu
Than trời văn võ thệ sư
Quỳnh Nhai vỗ đất thái từ khóc con
Minh Phi quan ngoại sao còn
Tỳ bà rượu chuốc chén son nực cười



21
Tái Du Tam Điệp Sơn


Vân tế sơn Tam Điệp
Thiên nhai khách tái du
Nhãn trung thu đại địa
Hải ngoại kiến ngư chu
Chướng tĩnh phong loan sấu
Thiên hàn thảo mộc thu
Hành nhân hồi khán xứ
Vô ná cố hương sầu


Lại Vượt Đèo Tam Điệp

Đèo Ba Dội cao lưng chừng mây
Từ nơi chân trời khách lại vượt qua đèo.
Trong mắt thu cả đất rộng vào.
Ngoài biển thấy thuyền đánh cá.
Chướng khí tan nên núi và vịnh gầy đi,
Trời lạnh cây cỏ nhuốm mầu thu.
Người khách quay đầu nhìn,
Nỗi sầu cố hương biết sao đây.



Lại Thăm Đèo Tam Điệp


Đèo Tam Điệp vút từng không
Miền xa khách lại băng sông vượt đèo
Mắt thu đất rộng rãi vào
Biển khơi chài cá thấp thao vơi đầy
Tan sương núi vịnh hao gầy
Lạnh trời thu biếc cỏ cây nhuốm mầu
Lên cao khách nhẹ quay đầu
Cố hương khắc khoải mối sầu khôn nguôi



22
Độ Phú Nông Giang Cảm Tác


Nông thủy đông lưu khứ
Thao thao cánh bất hồi
Thanh sơn thương vãng sự
Bạch phát phục trùng lai
Xuân nhật thương thuyền hợp
Tây phong cổ lũy khai
Du nhân vô hạn cảm
Phương thảo biến thiên nhai


Cảm Tác Khi Qua Sông Phú Nông

Sông Nông chảy về đông,
Cuồn cuộn chẩy không trở lại.
Nhìn núi xanh thương việc cũ,
Tóc bạc lại quay về chốn xưa.
Ngày xuân thuyền buôn tụ họp,
Gió tây lũy xưa mở ra.
Du khách cảm xúc vô hạn,
Cỏ thơm xanh tận chân trời.



Qua Sông Phú Nông


Phú Giang xuôi chẩy về đông
Thao thao nước cuốn theo dòng nước trôi
Núi xanh cố sự ngậm ngùi
Bạc đầu khách lại vu hồi chốn xưa
Bến xuân thuyền đậu bán mua
Gió tây cổ lũy kịp mùa gió lên
Xui lòng cảm cựu triền miên
Cỏ thơm xanh biếc tới miền xa xa



23
Họa Hải Ông Đoàn Nguyễn Tuấn
“Giáp Dần Phụng Mệnh Nhập Phú Xuân Kinh,
Đăng Trình Lưu Biệt Chư Hữu” Chi Tác


Hoành Sơn sơn ngoại Lĩnh Nam trình
Cầm kiếm tương tùy thướng ngọc kinh
Thỏ tủy vị hoàn tân đại dược
Báo bì nhưng lụy cựu phù danh
Thương minh thủy dẫn bôi trung lục
Cố quốc thiềm tùy mã hậu minh
Thử khứ gia huynh như kiến vấn
Cùng đồ bạch phát chính tinh tinh
(Trích Hải Ông Thi Tập)


Họa Vần Bài “Năm Giáp Dần (1794) Vâng Mệnh Vào Kinh Đô Phú Xuân,
Trước Lúc Lên Đường Làm Thơ Chia Tay Cùng Các Bạn”

Ngoài núi Hoành Sơn là đường vào Lĩnh Nam,
Mang theo đàn và gươm lên kinh đô.
Tủy con thỏ chưa chế xong vị thuốc quý mới,
Da con báo lại lụy cho cái hư danh xưa.
Nước biển xanh đưa màu xanh vào trong chén,
Ánh trăng cố quốc vẫn soi vào nơi vó ngựa.
Chuyến đi này anh tôi như có hỏi,
Thì xin nói giùm rằng tôi đang ở bước đường cùng, tóc đã bạc lốm đốm.




Họa Bài “Năm Giáp Dần (1794)
Vâng Mệnh Vào Kinh Đô Phú Xuân,
Trước Lúc Lên Đường Làm Thơ Chia Tay Các Bạn”


Vượt Hoành Sơn tới Lĩnh Nam
Phiêu bồng nhẹ gánh kiếm đàn lai kinh
Thỏ chưa linh dược hoàn thành
Da beo còn lụy hư danh thủa nào
Biển xanh rót chén rượu đào
Ánh trăng cố quốc rọi vào vó câu
Gia huynh ngày gặp gỡ nhau
Nhắn rằng có kẻ bạc đầu trắng tay



24
Phụ Lục Nguyên Tác


Cầm thư tẩu biến Bắc Nam trình
Hựu phụ công xa thướng đế kinh
Cảm hướng úy đồ tranh tiếp bộ
Thác tương tiểu nghệ khởi phù danh
Bôi trung thiên địa kỳ hoài khoát
Mã thủ giang sơn lão nhãn minh
Trịnh trọng liễu đình nhất huy thủ
Luận văn hậu hội thả chu tinh
(Đoàn Nguyễn Tuấn - Hải Ông Thi Tập)


Nguyên Tác Bài Của Đoàn Nguyễn Tuấn

Mang đàn cắp sách đi khắp Bắc Nam,
Lại theo xe công vào kinh đô.
Đâu dám trên con đường đáng sợ tranh lấy bước nhanh,
Lầm đem cái nghề mọn để được cái danh hão.
Đất trời trong chén rượu, tấm lòng rộng mở,
Non sông trước đầu ngựa, mắt già sáng ra.
Chốn liễu đình trịnh trọng chia tay,
Cuộc gặp gỡ bàn chuyện văn chương xin hẹn năm sau.



Phụ Luc

Túi đàn níp sách Bắc Nam
Công xa dõi thẳng dặm ngàn lai kinh
Đường hung hiểm gắng giữ mình
Lỡ đem tài mọn lầm danh hão huyền
Đất trời dìm đáy ly quên
Lòng xin một tấm vô biên vô bờ
Trước đầu ngựa núi sông thơ
Mắt già năm tháng mịt mờ sáng ra
Ly đình trân trọng ly ca
Sang năm thơ hẹn hò ta luận bàn


25
Giang Đình Hữu Cảm (1)

Ức tích ngô ông tạ lão thì (2)
Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi (3)
Tiên chu kích thủy thần long đấu
Bảo cái phù không thụy hạc phi
Nhất tự y thường vô mịch xứ
Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi
Bách niên đa thiểu thương tâm sự
Cận nhật Trường An đại dĩ phi


Cảm Xúc Khi Thấy Giang Đình

Nhớ xưa khi cha ta từ tạ vì già mà về hưu,
Ở bến sông này phơi phới xe bồ xe tứ.
Thuyền tiên cuộn nước như rồng thần đấu nhau,
Chiếc lọng quy phất phới trên không như chim hạc lành bay.
Từ khi áo xiêm không còn tìm đâu thấy,
Khói trên ngọn cỏ hai bờ sông khiến lòng khôn xiết bi thương,
Trăm năm của cuộc đời biết bao việc thương tâm,
Ngày gần đây Tràng An đã khác xưa nhiều.
Chú thích:
(1) Giang Đình: Ngôi đình bên bờ sông Lam gần làng Tiên Điền. Đây là một trong tám cảnh đẹp của huyện Nghi Xuân. Thời xưa, những người làm quan to về hưu trí hay thi đỗ vinh quy đều được người làng tiếp rước trọng thể ở bến này.
(2) Năm Tân Mão (1771) triều Lê, Nguyễn Nghiễm xin về hưu, được thăng Đại Tư Đồ. Chúa Trịnh cho 3 chiếc thuyền hải mã đưa về làng. Nhưng tháng ba năm sau lại vời ra làm Tể Tướng. Năm Giáp Ngọ (1774) làm tả tướng quân đi đánh Đàng Trong, bị cảm bệnh về nhà mất (1775).
(3) Bồ tứ: Bồ tức bồ luân, bánh xe có bọc cỏ bồ. Đời xưa vua đi đón người hiền, dùng xe có bánh bọc cỏ bồ để đi cho êm, tỏ ý tôn kính. Tứ tức là tứ mã, xe gióng 4 con ngựa của các vị quan to.


Cảm Xúc Khi Thấy Giang Đình


Cha già nhớ buổi cáo quan
Giang đình xe ngựa hàng hàng cung nghinh
Thuyền trôi rồng múa dập dình
Lọng che gió thổi uốn mình hạc bay
Từ xiêm y vắng tới nay
Bi thương khói cỏ bên này bên kia
Trăm năm khôn xiết não nề
Gần đây kinh khuyết còn nghe khác nhiều



26
Ức Gia Huynh (1)

Lục Tháp thành nam hệ nhất quan (2)
Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan (3)
Cùng xu lam chướng tam niên thú (4)
Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn
Nhất biệt bất tri hà xứ trú
Trùng phùng đương tác tái sinh khan
Hải thiên mang diểu thiên dư lý
Thần phách tương cầu mộng diệc nan




Nhớ Anh

Một chức quan buộc anh ở phía nam thành Lục Tháp,
Ban đêm vượt qua đèo Hải Vân đá lởm chởm.
Nơi cùng tịch đầy lam chướng anh đồn thú ba năm,
Chốn cố quốc em nhìn hoa khói của tiết tháng hai lạnh lẽo.
Một lần từ biệt nay không biết ở nơi nào,
Gặp lại nhau hẳn phải đợị đến kiếp sau.
Trời biển mênh mang đường xa nghìn dặm,
Hồn phách tìm nhau trong mộng cũng khó.


Chú thích:
(1) Anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ (cũng có tên là Nguyễn Đề) sinh 1761, mất 1805, hiệu Quế Hiên, có Quế Hiên Thi Tập và Hoa Trình Thi Tập.

Khi Tây Sơn ra Bắc ông giữ chức Hiệp Tán Quân Cơ đạo quân Sơn Tây. Năm 1789, Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc, ông theo không kịp, về quê mẹ ở Bắc Ninh. Quang Trung năm đầu, 1789, nhờ có người tiến cử, ông được mời giúp việc từ hàn và bổ Hàn Lâm Thị Thư, sau đó làm phó sứ tuế cống sang Trung Quốc. Về nước được thăng Đông Các Đại Học Sĩ, gia thăng Thái Sử, thự Tả Thị Lang, Nghi Thành Hầu. Năm Quý Sửu (1793) ông coi việc văn thư ở Cơ Mật Viện. Năm Giáp Dần (1794) được thăng Tả Phụng Nghị Bộ Binh, giữ chức Hiệp Tán Nhung Vụ thành Quy Nhơn. Năm Ất Mão (1795) làm Hành Khánh Sứ dự lễ nhường ngôi của Càn Long cho con là Gia Khánh, về nước được thăng chức và thưởng 40 mẫu ruộng. Gia Long lên ngôi, ra trình diện, làm quan vài năm rồi mất.
(2) Lục Tháp Thành: Chỉ thành Quy Nhơn, tức thành Bình Định sau này. Thành có 8 cụm tháp, nhưng chỉ có 6 cụm ở gần đại lộ, người đi đường đều thấy, nên xưa gọi Lục Tháp Thành.
(3) Đèo Hải Vân: Khoảng giữa Thừa Thiên và Quảng Nam, rất hiểm yếu, được gọi là Đệ Nhất Hùng Quan.
(4) Cùng xu lam chướng: Lam chướng vùng núi sâu, chỉ Bình Định.



Nhớ Anh


Buộc giàng quan tỉnh Quy Nhơn
Ban đêm vượt Hải Vân Sơn núi đèo
Ba năm viễn thú ngặt nghèo
Cố hương lạnh tỏa khói chiều tháng hai
Một ly biệt tới hôm nay
Trùng phùng chẳng chóng thì chầy… kiếp sau
Trời cao dặm thẳng biển sâu
Trong mơ cũng khó gặp nhau nữa là

27
Ký Mộng

Thệ thủy nhật dạ lưu
Du tử hành vị quy
Kinh niên bất tương kiến
Hà dĩ úy tương ti (tư)
Mộng trung phân minh kiến
Tầm ngã giang chi mi
Nhan sắc thị trù tích
Y sức đa sâm si
Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn
Kế ngôn cửu biệt ly
Đái khấp bất chung ngữ
Phảng phất như cách duy
Bình sinh bất thức lộ
Mộng hồn hoàn thị phi
Điệp Sơn đa hổ trĩ
Lam Thủy đa giao ly
Đạo lộ hiểm thả ác
Nhược chất tương hà y
Mộng lai cô đăng thanh
Mộng khứ hàn phong xuy
Mỹ nhân bất tương kiến
Nhu tình loạn như ti
Không ốc lậu tà nguyệt
Chiếu ngã đan thường y

Ghi lại giấc Chiêm Bao

Dòng nước ngày đêm chảy,
Du tử đi chưa về.
Bao năm không gặp nhau,
Lấy gì an ủi nỗi nhớ nhau,
Trong mộng thấy rõ ràng,
Tìm ta ở bến sông.
Nhan sắc vẫn như xưa,
Áo quần thì lếch thếch,
Thoạt đầu nói khổ vì bệnh hoạn,
Kế đó nói xa nhau lâu.
Nghẹn ngào khóc không nói hết câu.
Phảng phất như cách nhau bức màn.
Bình sinh không biết đường,
Trong hồn mộng là thực hay hư?
Núi Tam Điệp nhiều hổ báo
Sông Lam nhiều thuồng luồng
Đường đi hiểm và dữ,
Thân yếu đuối dựa vào đâu?
Mộng đến, ngọn đèn cô đơn sáng leo lét,
Mộng tàn, gió lạnh thổi.
Người đẹp không thấy nữa,
Tình vấn vương rối như tơ.
Nhà trống lọt trăng tà
Chiếu vào tấm áo đơn của ta.

Chú thích:
Bài này nói về Đoàn Phu Nhân, người vợ trước đã mất, em gái Đoàn Nguyễn Tuấn,
quê Quỳnh Côi, Thái Bình. Lúc này nhà thơ đang ở Hà Tĩnh, mơ gặp vợ nên nói bà
“bình sinh không biết đường”.

Ghi Lại Giấc Mơ

Nước trôi trôi mãi trôi hoài
Viễn du người vẫn chưa quay gót về
Bao năm khắc khoải phân kỳ
Nhớ thương nào biết lấy gì ủi an
Đêm nay mộng được gặp nàng
Tìm nhau bến nước hoa vàng sông xanh
Dung nhan tú lệ đã đành
Mà sao xiêm áo phong phanh dãi dầu
Thở than bệnh hoạn u sầu
Lại thêm cách mặt đã lâu quá rồi
Nghẹn ngào thốt chẳng nên lời
Màn the phơ phất cách vời đôi ta
Lộ trình chẳng thuộc vào ra
Hỏi đây cõi thực hay là cơn mơ
Điệp Sơn hổ báo nhởn nhơ
Lam Giang kình ngạc mồi chưa no lòng
Hiểm nguy trắc trở vô cùng
Liễu bồ khoảng vắng tựa lưng chốn nào
Mộng về đèn lẻ dầu hao
Mộng đi gió lạnh thổi vào lòng đơn
Mỹ nhân chìm khuất màn sương
Ruột tằm tơ rối tơ vương não nề
Mái tranh lọt ánh trăng thề
Soi manh áo chiếc lê thê nỗi buồn

28
My Trung Mạn Hứng (1)

Chung Tử (2) viện cầm tháo Nam âm
Trang Tích (3) bệnh trung do Việt ngâm
Tứ hải phong trần gia quốc lệ
Thập tuần lao ngục tử sinh tâm
Bình Chương (4) di hận hà thì liễu
Cô Trúc (5) cao phong bất khả tầm
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
Hồng Sơn sơn hạ Quế Giang thâm

Cảm Hứng Lan Man Trong Tù

Chung Tử ôm cây đàn gảy khúc Nam,
Trang Tích trong lúc ốm đau vẫn ngâm tiếng Việt.
Bốn bể gió bụi, lệ rơi vì tình nhà nợ nước,
Mười tuần trong ngục, lòng nghĩ đến việc chết sống,
Mối hận để lại của Bình Chương bao giờ hết?
Phong cách cao thượng của Bá Di Thúc Tề nước Cô Trúc không thể tìm
Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai,
Dưới chân núi Hồng sông Quế sâu.

Chú thích:
(1) Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền chép: “Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du đã toan vào Gia Định (giúp Nguyễn Ánh). Việc tiết lộ, bị tướng Tây Sơn là Quận Công Thận bắt giam… Quận Công Thận là bạn thân với người anh của ông là Nguyễn Nễ, vả lại ông ta cũng tiếc tài Nguyễn Du, nên chỉ giam mấy tháng rồi tha.
(2) Chung Tử: Tức Chung Nghi, người nước Sở, bị nước Tấn bắt. Người ta đưa đàn cho ông gẩy, ông chỉ gẩy những bài hát phương nam (nước Sở). Người Tấn khen ông không vong bản.
(3) Trang Tích: Người nước Việt, làm quan nước Sở, khi ông ốm, Sở Vương hỏi mọi người: “Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan ở nước Sở, được phú quý rồi, thì còn nhớ nước Việt nữa không?”. Viên Thị Ngự đáp: “Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không, thường tỏ ra lúc ốm đau. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt thì tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng Sở”. Sở Vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích nói tiếng Việt.
(4) Bình Chương: Núi Bình Chương. Tống Sử chép: Trương Thế Kiệt, một tướng giỏi đời Tống, đồng thời với Văn Thiên Tường, Lục Tú Phu, phò Đế Bính chống quân Nguyên, mong khôi phục lại nhà Tống. Sau thua, lên thuyền chạy đến núi Bình Chương, gặp bão, thuyền đắm. Thế Kiệt chết, nhà Tống mất.
(5) Cô Trúc: Một nước lập từ đời nhà Ân bị nhà Chu lấy, Bá Di và Thúc Tề, con vua Cô Trúc, không phục nhà Chu, lên ẩn ở núi Thú Dương rồi nhịn đói mà chết chứ không thèm ăn thóc nhà Chu. Nhà thơ có ý muốn bắt chước Di, Tề đi ẩn, không chịu làm tôi Tây Sơn. Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền có chép thêm: “Buổi ấy ông tỏ chí mình trong những câu thơ như: Hán mạt nhất thời vô nghĩa sĩ, Chu sơ tam kỷ hữu ngoan dân” (buổi nhà Hán sắp mất không có nghĩa sĩ, lúc nhà Chu mới dấy vẫn còn dân ngoan cố (không chịu theo Chu). Lại có câu: “Đãn đắc Kỳ Sơn thánh nhân xuất, Bá Di tuy tử bất thần Chu” (dẫu có bậc thánh nhân ra đời ở đất Kỳ Sơn, nhưng ông Bá Di đến chết cũng không theo nhà Chu). Kỳ sơn là nơi nhà Chu dấy nghiệp.

Cảm Hứng Lan Man Trong Tù

Người Nam nhấn phím tơ Nam
Dân Việt than thở hơi tàn Việt âm
Nước nhà hai mối phân tâm
Trăm ngày lao lý cát lầm tử sinh
Khôn nguôi thống hận non Bình
Tìm đâu Cô Trúc tấm tình cô trung
Tấc riêng biết gửi ai cùng
Quế Giang sâu dưới non Hồng Sơn cao

29
Thôn Dạ

Thanh Thảo thôn tiền ngọa lão ông
Giang Nam dạ sắc thướng liêm lung
Mãn thiên minh nguyệt nhất trì thủy
Bán bích hàn đăng vạn thụ phong
Lão khứ vị tri sinh kế chuyết
Chướng tiêu thời giác túc tâm không
Niên niên kết đắc ngư tiều lữ
Tiếu ngạo hồ yên dã thảo trung

Đêm Trong Xóm

Trước thôn Thanh Thảo một ông già nằm,
Sắc đêm ở phía nam sông phủ lên bức rèm cửa.
Trăng sáng đầy trời chiếu vào mặt nước ao,
Ngọn đèn tàn soi nửa vách trong gió muôn cây.
Già đến rồi, chưa biết mình vụng đường sinh kế,
Lúc nghiệp chướng tiêu mới biết cái tâm vốn là không.
Năm năm làm bạn với người hái củi, người đánh cá,
Cười ngạo nghễ trong cỏ nội khói hồ.

Xóm Đêm

Lão nằm trước Xóm Cỏ Xanh
Bờ nam đêm phủ lên mành mành hoa
Mặt ao trăng chiếu sáng lòa
Gió cây soi ngọn bấc tà vách in
Tuổi già cơm áo vụng thêm
Tiêu ma căn chướng mới tìm tâm không
Năm năm bạn tác nghênh ngông
Ngư tiều cỏ nội gió sông hồ cười
30
Ký Hữu

Mạc mạc trần ai mãn thái không
Bế môn cao chẩm ngọa kỳ trung
Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại
Bách lý Hồng Sơn chính khí đồng
Nhãn để phù vân khan thế sự
Yêu gian trường kiếm quải thu phong
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc
Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long

Gửi Bạn

Bụi trần mù mịt đầy bầu trời,
Đóng cửa đầu gối cao nằm trong nhà.
Một trời trăng sáng tình bạn còn mãi,
Trăm dặm núi Hồng chung chính khí.
Xem việc đời như mây nổi trong đáy mắt,
Kiếm dài đeo lưng treo trước gió thu.
Riêng mình lẳng lặng trước cây trúc ngoài sân,
Lúc sương tuyết tan nó sẽ hóa rồng

Gửi Bạn

Bụi trần mù mịt trăng sao
Cửa gài then đóng gối cao nằm nhà
Trăng thâu tình bạn không già
Hồng Sơn chính khí hai ta một lòng
Chuyện đời mây thoảng mắt trong
Kiếm dài treo ngọn thu phong lưng gầy
Mình ta đối trúc sân này
Hóa long trúc hẹn sau ngày tuyết tan

31
Ký Huyền Hư Tử (1)

Thiên Thai sơn tiền độc bế môn (2)
Tây phong trần cấu mãn trung nguyên
Điền gia bất trị Nam Sơn Đậu (3)
Bần hộ thường không Bắc Hải tôn (4)
Dã hạc phù vân thời nhất kiến
Thanh phong minh nguyệt dạ vô ngôn
Viễn lai thúc thủ tương tầm lộ
Gia tại Hồng Sơn đệ nhất thôn

Gửi Huyền Hư Tử

Trước núi Thiên Thai mình ta đóng cửa,
Gió tây thổi bụi bẩn đầy cả trung nguyên.
Nhà nông không trồng đậu Nam Sơn,
Nhà nghèo nên thường để rỗng không chén rượu Bắc Hải.
Hạc nội mây bay thỉnh thoảng một lần được thấy,
Gió mát trăng sáng lặng lẽ không lời trong đêm.
Ở xa đến muốn hỏi đường thăm nhau,
Nhà tôi ở thôn thứ nhất trong núi Hồng.

Chú thích:
(1) Huyền Hư Tử: Tên hiệu một người bạn nhà thơ, không rõ tên thực.
(2) Thiên Thai: Tên một ngọn núi ở Hồng Lĩnh.
(3) Nam Sơn Đậu: Đậu Nam Sơn. Đời Hán Tuyên Đế, Dương Vận mất chức quan, về nhà có làm bài thơ: “Cây trên núi Nam rậm rạp, khó khai phá, trồng một khoảng ruộng đậu, trái rụng sơ xác cây…” Bài thơ này có ý trách vua Hán. Triều đình rối loạn không kỷ cương, cho nên mình hết lòng phò tá mà vẫn bị bỏ rơi. Nhà thơ dùng điển này để nói mình không ra làm quan (bất trị Nam Sơn đậu).
(4) Bắc Hải Tôn: “Chén rượu Bắc Hải. Đời Hán, Khổng Dung làm Thái Thú Bắc Hải, hàng ngày khách đầy nhà, không lúc nào thiếu rượu.

Gửi Huyền Hư Tử

Cửa gài trước núi Thiên Thai
Gió tây bụi bặm bay đầy Trung Nguyên
Nhà nông xin nhớ đừng quên
Đậu Nam Sơn chớ gieo trên đất trồng
Nhà nghèo Bắc Hải chén không
Mây bay hạc nội dám mong gặp nhiều
Trăng trong gió mát dặt dìu
Nỗi riêng dè ý sẻn điều canh thâu
Hỏi đường tìm đến thăm nhau
Hàn gia cư ngụ thôn đầu Hồng Sơn

32
Ký Giang Bắc (1) Huyền Hư Tử

Trường An khứ bất tức
Hương tứ tại thiên nha (nhai)
Thiên nhai bất khả kiến
Đãn kiến trần dữ sa
Tây phong thoát mộc diệp
Bạch lộ tổn hoàng hoa
Trân trọng hảo tự ái
Thu cao sương lộ đa

Gửi Huyền Hư Tử Ở Phía Bắc Sông

Rời Trường An đi mãi chưa về
Lòng nhớ quê ở tận chân trời.
Chân trời không thể thấy,
Chỉ thấy bụi và cát.
Gió tây làm rụng lá cây,
Móc trắng làm tổn hại hoa vàng.
Trân trọng tự giữ mình,
Cuối thu sương móc nhiều.

Chú thích:
Giang Bắc: Bờ bắc sông Lam.

Gửi Huyền Hư Tử Phía Bắc Sông

Trường An bỏ mãi chẳng về
Nhớ quê lòng bận tình quê chân trời
Chân trời nào thấy tăm hơi
Thấy chăng cát bụi liên hồi tung bay
Gió vàng rụng lá rung cây
Giọt sương trắng lại hao gầy hoàng hoa
Ta đành bảo trọng thân ta
Mùa đi tới độ thu già đẫm sương

33
Độ Long Vĩ Giang

Cố quốc hồi đầu lệ
Tây phong nhất lộ trần
Tài qua Long Vĩ thủy
Tiện thị dị hương nhân
Bạch phát sa trung hiện
Ly hồng hải thượng văn
Thân bằng tân khẩu vọng
Vị ngã nhất triêm cân

Qua Sông Long Vĩ

Quê cũ ngoái nhìn nước mắt rơi,
Gió tây thổi bụi suốt đường đi.
Vừa qua sông Long Vĩ
Đã là người tha hương,
Trên cát hiện rõ mái tóc bạc
Ngoài biển nghe tiếng chim hồng lìa đàn.
Bà con bè bạn ở bến sông trông theo,
Vì ta thẩy đều nước mắt thấm khăn

Qua Sông Long Vĩ

Lệ rơi ngoảnh lại quê nhà
Gió tây cuốn bụi đường xa mịt mờ
Mới qua Long Vĩ đôi bờ
Đã thành lữ khách viễn du xứ người
Cát vàng tóc trắng chiếu soi
Lời chim hồng hộc biển khơi tách đàn
Thân bằng nước mắt chan chan
Vì ai lệ đẫm vuông khăn vẫy chào

34
Biệt Nguyễn Đại Lang

I
Ngã thả phù giang khứ
Tống quân quy cố khâu
Càn khôn dư thảo ốc
Phong vũ túc cô chu
Thu dạ ngư long trập
Thâm sơn mi lộc du
Hưu kỳ bất thậm viễn
Tương kiến tại trung châu (1)

II
Tống quân quy cố khâu
Ngã diệc phù Giang Hán
Thiên lý bất tương văn
Nhất tâm vị thường gián
Dạ hắc sài hổ kiêu
Nguyệt minh hồng nhạn tán
Lưỡng địa các tương vương
Phù vân ung bất đoạn

III
Quân quy ngã diệc khứ
Các tại loạn ly trung
Sinh tử giao tình tại
Tồn vong khổ tiết đồng
Sài môn khai dạ nguyệt
Tàn lạp tẩu thu phong
Thiên lý bất tương kiến
Phù vân mê thái không
Từ Biệt Anh Nguyễn

I
Ta sẽ vượt sông đi,
Tiễn anh về làng cũ.
Trong trời đất còn một nhà tranh,
Giữa gió mưa đỗ con thuyền đơn côi.
Đêm thu cá rồng ẩn nấp,
Núi sâu hươu nai dạo chơi.
Ngày nghỉ ngơi không còn xa,
Sẽ gặp nhau tại Trung Châu,

II
Tiễn anh về làng cũ,
Tôi cũng qua sông Giang sông Hán.
Nghìn dặm dù không nghe nhau,
Một lòng chưa từng ngăn cách.
Đêm tối sói hổ kiêu ngạo,
Trăng sáng chim hồng chim nhạn tản mác.
Đôi chốn mỗi nơi đều nhớ nhau,
Mây nổi không gián đoạn.

III
Anh về tôi cũng đi
Cả hai ta đều trong cảnh loạn ly
Tình bạn sống chết có nhau giữa hai ta còn đó,
Tiết nghĩa khổ vì còn mất giống nhau.
Cửa sài mở đêm trăng,
Nón rách đi trong gió thu.
Nghìn dặm không thấy nhau,
Mây nổi che bầu trời.

Chú thích:
(1) Trung châu: Chỉ đất Bắc Hà.

Biệt Anh Nguyễn

I
Vượt sông ta sẽ lên đường
Xin người trở lại cố hương êm đềm
Đất trời còn mái tranh quen
Trong mưa gió cắm con thuyền đơn côi
Đêm thu tôm cá lặn rồi
Lũng sâu nai dạo hươu chơi núi rừng
Ngày về đâu có xa xăm
Trung châu mình lại về thăm muộn gì

II
Người về quê cũ làng xưa
Qua sông ta cũng mịt mờ Hán Giang
Tăm hơi thưa thớt dặm ngàn
Một lòng hồ dễ ai ngăn cách chừng
Đêm đen hổ báo trợn trừng
Trăng thâu hồng nhạn mịt mùng bốn phương
Nhớ nhau nỗi nhớ chung đường
Vừng mây trôi nổi vẫn thường cao bay

III
Người về ta cũng ra đi
Cả hai một cảnh loạn ly một thời
Tình ta sống chết khôn rời
Nghĩa ta còn mất vì đời giống nhau
Cửa sài cánh mở trăng thâu
Nón che rách rưới mái đầu gió tây
Trông nhau ngàn dặm nào hay
Ngó lên chỉ thấy mây đầy trời cao

35
Đạo Ý

Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh
Tỉnh thủy vô ba đào
Bất bị nhân khiên xỉ (xả) (1)
Thử tâm chung bất dao
Túng bị nhân khiên xỉ (xả)
Nhất dao hoàn phục chỉ
Trạm trạm nhất phiến tâm
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy

Nói Ý Mình

Trăng sáng soi giếng xưa,
Nước giếng không nổi sóng,
Không bị người khuấy động,
Lòng này rốt cuộc chẳng lung lay.
Nếu bị người khuấy động
Lay rồi lại lặng yên
Một tấm lòng thanh trong.

Chú thích:
(1) Âm xả, phải đọc thành xỉ cho hợp vận, nghĩa đen là lôi, dắt, kéo, khiên. Nguyễn Du ví lòng mình như một giếng xưa, thanh trong, yên tĩnh, một vừng trăng sáng chiếu vào đó.


Nói Ý Mình


Trăng vàng soi đáy giếng xưa
Nước không gợn sóng nước vừa ngủ yên
Dù ai khuấy động sóng lên
Lòng này muôn thủa vững bền núi non
Dẫu người nước đục mưu toan
Sóng xao nước lại trong làn giếng khơi
Vừng trăng vằng vặc lòng người
Giếng xưa ánh nguyệt ngời ngời mặt gương

36
Hành Lạc Từ

I
Tuấn khuyển hoàng bạch mao
Kim linh hệ tú cảnh
Khinh sam thiếu niên lang
Khiên hướng Nam Sơn lĩnh
Nam Sơn đa hương mi
Huyết nhục cam thả phì
Kim đao thiết ngọc soạn
Mỹ tửu lũy bách chi
Nhân sinh vô bách tải
Hành lạc dương cập kỳ
Vô vi thủ bần tiện
Cùng niên bất khai mi
Di Tề vô đại danh
Chích Cược (1) vô đại lợi
Trung thọ chỉ bát thập
Hà sự thiên niên kế
Hữu khuyển thả tu sát
Hữu tửu thả tu khuynh
Nhãn tiền đắc tang dĩ nan nhận
Hà sự mang mang thân hậu danh

II
Sơn thượng hữu đào hoa
Xước ước như hồng ỷ
Thanh thần lộng xuân nghiên
Nhật mộ trước nê trỉ
Hảo hoa vô bách nhật
Nhân thọ vô bách tuế
Thế sự đa suy di
Phù sinh hành lạc sự
Tịch thượng hữu kỹ kiều như hoa
Hồ trung hữu tửu như kim ba
Thúy quản ngọc tiêu hoãn cánh cấp
Đắc cao ca xứ thả cao ca
Quân bất kiến
Vương Nhung (2) nha trù thủ tự tróc
Nhật nhật cối kê thường bất túc
Tam công đài khuynh hảo lý tử
Kim tiền tán tác tha nhân phúc
Hựu bất kiến
Phùng Đạo (3) vãn niên xung cực quý
Lịch triều bất ly khanh tướng vị
Chung minh đỉnh thực cánh hoàn không
Thiên tải đồ lưu “Trường Lạc Tự”
Nhãn tiền phú quý như phù vân
Lãng đắc kim nhân tiếu cổ nhân
Cổ nhân phần doanh dĩ luy luy
Kim nhân bôn tẩu hà phân phân
Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ
Sinh tử quan đầu mạc năng độ
Khuyến quân ẩm tửu thả vi hoan
Tây song nhật lạc thiên tương mộ

Bài Từ Hành Lạc

I
Chó khỏe lông vàng đốm trắng
Cổ đẹp đeo chuông vàng
Chàng thiếu niên mặc áo nhẹ,
Dắt chó về phía núi Nam.
Núi Nam nhiều nai hương,
Huyết thịt ngọt lại béo.
Dao vàng thái bầy thành bữa tiệc sang.
Rượu quý uống hàng trăm chén.
Đời người không ai sống trăm tuổi,
Nên vui chơi cho kịp thì.
Chớ nên giữ nếp nghèo hèn,
Cả năm chẳng được mở mày mở mặt.
Bá Di Thúc Tề chẳng danh lớn,
Đạo Chích Trang Kiểu chẳng lợi to.
Trung thọ chỉ được tám mươi tuổi,
Việc gì tính chuyện ngàn năm.
Có chó cứ nên giết,
Có rượu cứ nghiêng bầu.
Được mất trước mắt còn khó biết,
Việc gì bận tâm đến cái danh xa xôi sau khi chết.

II
Trên núi có hoa đào,
Mềm mại như lụa đỏ.
Sớm mai cợt đùa sắc xuân đẹp,
Chiều tối dính bùn nhơ.
Hoa đẹp chẳng trăm ngày,
Người thọ chẳng trăm tuổi.
Việc đời lắm đổi dời,
Kiếp phù sinh nên hành lạc.
Trên tiệc có kỹ nữ đẹp như hoa,
Trong bình có rượu nổi sóng vàng,
Tiếng sáo đẹp tiếng tiêu ngọc khi mau khi chậm,
Được lúc cao giọng hát thì cao giọng hát.
Anh chẳng thấy Vương Nhung tự tay mình cầm thẻ ngà,
Ngày ngày tính toán mà thường chẳng thấy đủ.
Đài Tam Công nghiêng cây mận ngon chết,
Tiền của tiêu tan cho người khác hưởng.
Lại chẳng thấy
Phùng Đạo tuổi già được tiếng là cực kỳ quý hiến,
Trải mấy triều vua không rời ngôi khanh tướng,
Tiếng chuông ngân, thức ăn trong vạc rút lại thành không.
Nghìn sau chỉ còn lưu lại bài “Trường Lạc Từ”.
Phú quý trước mắt như phù vân,
Chỉ để người nay cười người xưa.
Mồ mả người xưa đã ngổn ngang
Người nay sao còn chạy vạy bôn chôn?
Xưa nay hiền ngu đều chỉ còn nắm đất,
Cửa ải tử sinh chẳng ai vượt qua.
Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi,
Mặt trời đang lặn ở cửa sổ phía tây, trời sắp tối.


Chú thích:
(1) Chích, Cược: Đạo Chích, em của Liễu Hạ Huệ. Trang Cược, em của Sở Trang Vương là hai tên trộm cướp đại bợm.
(2) Vương Nhung: Một trong 7 người hiền (Trúc Lâm Thất Hiền) đời Tấn, nhà giầu, ruộng vườn khắp các châu, nhưng lại là tay biển lận, ngày nào cũng cầm thẻ ngà trong tay để tính toán, trong nhà có cây mận rất ngon bán quả sợ người ta được giống, nên dùi nát hột đi rồi mới bán.
(3) Phùng Đạo: Người đời Ngũ Đại, tính chất phác, văn chương hay, làm khanh tướng dưới 4 triều Đường, Tấn, Hán, Chu tự đặt hiệu là Trường Lạc Lão, có làm bài Trường Lạc Lão Tự Tự kể chuyện kinh lịch của mình, thờ 4 họ, 6 vua.


Hành Lạc Từ

I
Chó tơ đốm trắng lông vàng
Cổ đeo chuông khánh xinh càng thêm xinh
Khoác vai áo nhẹ thiên thanh
Chàng dong chó quý theo mình lũng sâu
Non Nam chẳng thiếu nai đâu
Huyết thơm thịt béo đứng đầu món ngon
Dao vàng tiệc soạn tinh tươm
Rượu đào trân quý cạn muôn chén mồi
Mấy ai trăm tuổi sống đời
Khi vui vui được thì vui mới là
Sống nghèo sống mạt tránh xa
Quanh năm chẳng được nở hoa mặt mày
Di Tề danh vọng mây bay
Hai tên Chích Cược nào may mắn gì
Tám mươi trung thọ mà chi
Hơi đâu tính chuyện nhiêu khê ngàn trùng
Cầy tơ thịt nhé chớ đừng
Rượu ngon cứ rót muôn chung ngàn bầu
Mất còn trước mắt hay đâu
Bận tâm chi lắm ngàn sau tiếng đời

II
Đào hoa nở thắm non cao
Phất phơ một dải lụa đào non xanh
Sớm mai cười cợt tình xuân
Chiều tàn thương nỗi nhuốm lần bùn nhơ
Hoa trăm ngày dễ có chưa
Người trăm tuổi thọ kỳ dư mấy người
Thế gian bao cuộc đổi dời
Nên chi hành lạc bõ đời phù sinh
Tiệc hoa sắc đẹp lung linh
Vàng tươi sóng rượu trong bình rực men
Ngọc tiêu chầm chậm êm êm
Khi vui cao giọng hát lên bổng trầm
Thẻ ngà Vương tự tay cầm
Đếm đi đếm lại chẳng lầm chẳng sai
Tham lam héo mận nghiêng đài
Gia tư tiêu tán người ngoài hưởng không
Tuổi già quý hiển Phùng Công
Lịch triều chức trọng kể trong miếu đường
Đỉnh chung chung đỉnh vô thường
Ngàn sau trơ lại mẩu Trường Lạc Văn
Sang giầu một áng phù vân
Cho người sau cớ cười thầm người xưa
Mả mồ người trước hoang sơ
Người nay sao vẫn dại khờ bon chen
Hiền ngu một nấm đất đen
Tử sinh ai thoát lưỡi liềm tử sinh
Vui lên vui cạn chén quỳnh
Hoàng hôn đang nhẹ chuyển mình đêm thâu

37
Lam Giang

Thanh thần vọng Lam Giang
Lam Giang trướng thu thủy
Ngư miết du khâu lăng
Ngưu mã mê nhai sĩ
Dĩ ngạn băng bạo lôi
Hồng đào kiến kỳ quỷ
Nguy hiểm thắng nhân tâm
Khuynh phúc diệc thiên ý
Ngã vọng Lam Giang đầu
Thốn tâm thường chủy chủy
Thường khủng nhất thất túc
Cốt một vô để chỉ
Như hà thế gian nhân
Thừa hiểm bất tri úy
Khứ giả hà thao thao
Lai giả thượng vị dĩ
Đế đức bản hiếu sinh
Ná đắc trường như thị
Nghĩ khu Thiên Nhận Sơn (1)
Điền bình ngũ bách lý


Sông Lam

Sáng mai trông sông Lam.
Sông Lam tràn đầy nước lụt mùa thu
Cá giải bơi đùa nơi gò dẫy,
Trâu ngựa không nhận ra bờ nước.
Bờ sông lở sụt ầm ầm như sấm dữ.
Sóng lớn thấy như có quỷ lạ.
Hiểm nguy thắng lòng người,
Nghiêng đổ cũng là ý trời.
Ta nhìn đầu sông Lam,
Tấc lòng thường lo rầu,
Thường lo lỡ sẩy chân
Chìm nghỉm không đáy.
Thế sao người trên đời,
Dựa vào hiểm mà không biết sợ.
Người xưa qua sao cuồn cuộn,
Người sắp đến còn chưa thôi.
Trời vốn có đức hiếu sinh,
Sao cứ để thế mãi?
Muốn đẩy núi Thiên Nhận
Lấp bằng năm trăm dặm.

Chú Thích:
Thiên Nhận San: Dẫy núi giáp giới hai huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và Thanh Chương (Nghệ An). Mạch núi này ngăn sông Phố và sông Lam, nơi này là chỗ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ở ẩn, bên cạnh thành Lục Niên của Lê Thái Tổ.

Sông Lam

Bình minh lặng ngắm sông Lam
Mùa thu lụt lội lan tràn thao thao
Cá rùa dỡn bãi gò cao
Ngựa trâu chẳng biết nơi nao bến bờ
Giang biên sạt lở nhấp nhô
Sóng gầm quỷ dữ thoát từ cõi âm
Hiểm nguy khuất phục nhân tâm
Đổ nghiêng thôi cũng ngàn năm ý trời
Đầu sông ta ngắm lâu rồi
Lòng riêng riêng những bồi hồi lo âu
Xẩy chân sa xuống dòng sâu
Xương tàn chìm đáy không mầu tối đen
Người đời sao cứ mon men
Dựa lưng thế hiểm quên liền thế nguy
Người xưa vun vút qua đi
Người sau chưa tới can gì vẫn theo
Hiếu sinh đức cả gương treo
Trời còn để nỗi hiểm nghèo sao đang
Xin đem ngọn Thiên Nhận San
Lấp năm trăm dặm Lam Giang hãi hùng

38
Ninh Công Thành


Độc thướng cao sơn nhãn giới tân
Anh hùng vãng sự quải giang tân
Nhất thành thượng hạ tận kiều mộc
Thập lý uy phong kiến cổ nhân
Thử địa bắc nam quy nhất trục (1)
Đương thì tỉnh táo trú tam quân
Thập niên vị tiết nam nhi hận
Đàn kiếm trường ca đối bạch vân



Thành Ông Ninh

Một mình trèo lên núi cao tầm mắt mới,
Chuyện cũ anh hùng như còn treo ở bến sông.
Trên dưới bức thành đều là cây cao,
Mười dặm thành như còn thấy uy phong người xưa.
Nơi đất này bắc nam đã quy về một mối,
Đây là nơi còn giếng bếp của thủa xưa đồn trú ba quân.
Mười năm chưa rửa được mối hận nam nhi,
Gõ kiếm ca dài trước mây trắng.

Chú thích:
(1) Quy nhất trục: Trục của bánh xe. Ý nói sự thống nhất quốc gia. Xa đồng quỹ.


Thành Ông Ninh


Mình ta lên đỉnh non cao
Đưa tầm nhìn mới ngó vào non sông
Bến treo gương sáng anh hùng
Dưới trên thành quách chập chùng cây to
Dặm mười còn nức uy xưa
Từng chia nam bắc bây giờ một quê
Này đây giếng bếp lòng khe
Bốn phương một thủa quy về ba quân
Nam nhi hờn cũ mười năm
Vỗ gươm ca hận đằng đằng cõi mây



39
Khai Song


Môn tiền yên cảnh cận như hà
Nhàn nhật khai song sinh ý đa
Lục nguyệt bồi phong (1) bằng tỉ địa
Nhất đình tích vũ nghỉ di oa
Thanh chiên (2) cựu vật khổ trân tích
Bạch phát hùng tâm không đốt ta (3)
Tái bệnh thượng tu điều nhiếp lực
Bất tri thu tứ đáo thùy gia



Mở Cửa Sổ

Cảnh khói mây trước cửa gần đây không biết thế nào?
Ngày nhàn mở cửa sổ thấy nhiều sinh ý.
Sáu tháng liền chim bằng cỡi gió lớn mà đổi chỗ,
Nước mưa đầy sân kiến phải dời tổ
Tấm nệm xanh là vật cũ, phải khó nhọc mà giữ gìn
Tóc bạc rồi, dù còn có hùng tâm nhưng chỉ còn biết than thở,
Bệnh tái phát nên phải gắng sức điều trị,
Chẳng biết tứ thu đến nhà ai?

Chú thích:
(1) Câu này mượn ý Trang Tử (thiên Tiêu Dao Du): “Loài chim ấy, biển động bèn bay sang nam…Chim bằng bay qua biển Nam, làm sóng nước nổi lên ba ngàn dặm, nương gió mà bay lên cao chín vạn dặm, bay sáu tháng mới nghỉ…Bởi vậy chim bằng khi bay lên chín vạn dặm cao là cỡi lên lớp gió ở dưới nó”.
(2) Thanh Chiên: Nệm xanh. Vương Hiến Chi đời Tấn đêm thấy kẻ trộm vào nhà lấy nhiều đồ vật. Ông ung dung bảo tên trộm rằng: “Lấy gì thì lấy, nhưng cái nệm xanh là vật cũ của nhà ta, nên bỏ lại trả ta”. Thanh chiên để chỉ các nhà dòng dõi Nho gia.
(3) Đốt ta: Lấy làm lạ mà than thở. Ân Hạo đời Tấn làm quan bị truất, cả ngày cứ lấy tay viết lên không bốn chữ: “Đốt đốt quái sự” (chà chà sự lạ). Nguyễn Du dùng điển này để tỏ ý mình sẵn mối hùng tâm mà bạc đầu không thành sự nghiệp thì cũng lấy làm lạ.


Khai Song


Cửa ngoài mây khói biết sao
Ngày nhàn song hé ngó vào non sông
Chim bằng sáu tháng duổi dong
Đầy sân mưa ngập kiến trông tổ dời
Chăn chiên vật cũ đắp hoài
Hùng tâm tóc bạc đành ngồi thở than
Bệnh xưa tái phát gắng an
Ý thu chẳng biết lan man nhà nào




40
Đối Tửu


Phù tọa nhàn song túy nhỡn khai
Lạc hoa vô số há thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Bách kỳ đãn đắc chung triêu túy
Thế sự phù vân chân khả ai

Ngồi Uống Rượu

Ngồi xếp bằng bên song vắng, đôi mắt say mở nhìn
Thấy vô số cánh hoa rụng xuống trên rêu xanh.
Lúc sống không uống cạn rượu trong bầu,
Thì chết rồi ai tưới chén rượu trên mồ?
Sắc xuân dần thay đổi, chim hoàng anh bay mất,
Tháng năm âm thầm đưa đầu tóc bạc lại,
Cuộc đời trăm năm chỉ ước được say suốt ngày,
Việc đời như mây nổi thật đáng thương.




Chiếu Rượu


Bên song hé mắt say mèm
Hoa rơi hoa rụng xuống thềm rêu xanh
Rượu bầu chẳng cạn cho nhanh
Rượu còn ai tưới mong manh cỏ mồ
Chim bay xuân rụng bến bờ
Thời gian gửi lại phơ phơ mái đầu
Trăm năm mong được say nhầu
Chuyện đời mây nổi thêm sầu thêm thương




41
Sơn Thôn


Vạn sơn thâm xứ tuyệt phong trần
Thác lạc sài môn bế mộ vân
Trưởng giả y quan do thị Hán (1)
Sơn trung giáp tí quýnh phi Tần (2)
Mục nhi giác chủy hoang giao mộ
Cấp nữ đồng liên ngọc tỉnh xuân
Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại
Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân

Xóm Núi

Trong chốn hàng vạn núi sâu, cách tuyệt gió bụi
Mây chiều che phủ kín những cánh cửa sài lô nhô.
Áo mũ các cụ vẫn còn là kiểu đời Hán,
Cách tính ngày tháng trong núi khác với đời Tần.
Trẻ chăn trâu gõ sừng giữa đồng hoang chiều hôm,
Cô gái kéo gầu nước ở giếng ngọc ngày xuân.
Ước gì nhẩy thoát ra khỏi vòng trần tục,
Dưới bóng cây tùng già, khoái biết bao.

Chú thích:
(1) Lưu Tú (Hán Quang Vũ) khởi binh khôi phục cơ nghiệp nhà Hán bị Vương Mãng cướp ngôi. Quân trang dùng theo đời Hán, tiến vào Lạc Dương, phụ lão mừng nói: “Không ngờ ngày nay lại được thấy uy nghi nhà Hán”. Y quan ở đây tượng trưng cho chế độ. Ý nói lòng người còn mến tiếc nhà Lê.
(2) Đào Nguyên Ký của Đào Tiềm (365-427) mô tả một số người lánh Tần cường bạo, vào ở suối Hoa Đào, cách biệt xã hội, họ không biết bây giờ là đời nào, vì họ không biết có các nhà Hán, Ngụy, Tấn.


Xóm Núi


Lũng sâu lánh cõi phong trần
Mây chiều phủ lấp cửa ngăn dập dìu
Lớp già mũ Hán áo Lưu
Non xanh lịch chẳng tính theo đời Tần
Gõ sừng mục tử về nhanh
Cô em giếng ngọc chiều xuân thả gầu
Ước gì cõi tục lánh mau
Thông già nằm khểnh u sầu sạch không



42
Điếu La Thành (1) Ca Giả


Nhất chi nùng diễm há Bồng Doanh (2)
Xuân sắc yên nhiên động lục thành
Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh
Trủng trung ung tự hối phù sinh
Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng
Phong nguyệt không lưu tử hậu danh
Tưởng thị nhân gian vô thức thú
Cửu tuyền khứ bạn Liễu Kỳ Khanh (3)

Viếng Người Đào Nương Ở La Thành

Một cành hoa nồng thắm từ cõi tiên sa xuống,
Sắc xuân đẹp tươi làm rung động cả sáu khu trong thành.
Thiên hạ ai thương người bạc mệnh?
Dưới mồ chắc hẳn cũng tự mình hối hận cho kiếp phù sinh.
Lúc sống đã không rửa được nghiệp chướng phấn son
Sau khi chết chỉ để lại cái tiếng trăng gió
Hay là ở đời không gặp ai là người biết thưởng thức (nhan sắc của mình)
Nên xuống chín suối làm bạn với Liễu Kỳ Khanh.

Chú thích:
(1) La Thành: Chỉ thành Nghệ An. Tục truyền Trương Phụ đắp thành ở bến Phù Thạch nơi La Giang và Lam giang gặp nhau.
(2) Bồng Doanh: Tức Bồng Đảo và Doanh Châu, hai đảo tiên trong truyền thuyết Trung Quốc.
(3) Liễu Kỳ Khanh tức Liễu Vĩnh (987?-1053?) một nhà làm từ nổi tiếng đời Tống. Người Sùng An, đỗ Tiến Sĩ đời Cảnh Hựu nhà Tống, làm chức Đồn Điền Viên Ngoại Lang nên thường gọi là Liễu Đồn Điền. Thường lui tới các xóm kỹ nữ. Ông làm nhiều bài từ thanh nhã, tình tứ nói lên thân phận và nỗi lòng của kỹ nữ. Nơi giáo phường có xoang điệu gì mới, tất nhờ ông soạn thành ca rồi đem truyền tụng. Sau ông chết trong cảnh bần bách, được chị em xóm Bình Khang góp tiền mai táng, tổ chức Ngày Viếng Liễu.


Người Đẹp La Thành (Nghệ An)


Cành hoa hương sắc cõi tiên
Sắc xuân rúng động sáu miền thành đô
Ai thương mệnh bạc ngàn xưa
Hẳn em hối hận đáy mồ tử sinh
Sống chưa rũ nợ phong tình
Chết đi còn chuốc tiếng mình trăng hoa
Tri âm lỗi ước chăng là
Nên chi Liễu Vĩnh hẹn ta suối vàng

43
Tạp Thi


I
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
Xuân lan thu cúc thành hư sự
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên
Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ
Bạch vân ngọa bệnh Quế Giang biên
Thôn cư bất yếm tần cô tửu
Thượng hữu nang trung tam thập tiền

II
Hồng Sơn nhất sắc lâm bình cừ
Thanh tịch khả vi hàn sĩ cư
Thiên lý bạch vân sinh kỷ tịch
Nhất song minh nguyệt thướng cầm thư
Tiếu đề tuẫn tục can qua tế
Giam mặc tàng sinh lão bệnh dư
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự
Tứ thời tâm kính tự như như

Thơ Vặt

I
Người tráng sĩ đầu bạc bi thương nhìn trời,
Hùng tâm và sinh kế cả hai đều mờ mịt.
Thú “xuân lan thu cúc “ thành chuyện hão,
Hè nóng đông rét cướp mất tuổi trẻ.
Dắt chó vàng tìm thú vui dưới núi Hồng Lĩnh,
Dưới mây trắng nằm dưỡng bệnh bên bờ sông Quế.
Ở thôn quê mua rượu hoài không chán,
Trong túi vẫn còn ba mươi đồng tiền.

II
Non Hồng một màu soi xuống ngòi nước phẳng,
Nơi thanh vắng có thể làm chỗ ở cho người hàn sĩ.
Mây trắng nghìn dặm quanh ghế quanh chiếu ngồi,
Trăng sáng xuyên qua song cửa soi lên cặp sách túi đàn.
Lúc đánh nhau loạn lạc, khóc cười theo thói tục
Sau hồi bệnh già, phải sống dấu mình bằng cách giữ im lặng.
Lá rơi hoa rụng việc trước mắt
Bốn mùa tấm lòng như gương vẫn tự nhiên thư thái như không.


Thơ Vặt

I
Bi thương ngửa mặt than trời
Hùng tâm sinh kế chơi vơi mịt mờ
Xuân lan thu cúc chuyện thừa
Hè nung đông ướp tuổi thơ khuất chìm
Núi Hồng vui chó săn quen
Dưới mây trắng bệnh nằm bên sông này
Quế Giang thôn rượu mua hoài
Túi trong còn đến ba mươi đồng tiền

II
Núi Hồng soi nước sông êm
Cho hàn sĩ lánh cư miền sơn lâm
Ghế ngồi mây trắng vây quanh
Cầm thư trăng rọi đầu cành qua song
Loạn ly cười khóc thuần phong
Dấu mình thủ khẩu lão ông bệnh già
Nhãn tiền rụng lá khai hoa
Tâm như gương sáng trải qua bốn mùa



44
Mạn Hứng


Long Vĩ châu biên đa bạch âu
Lam Giang đường thượng hữu hàn nho
Nhất sinh từ phú tri vô ích
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu
Bách tuế vi nhân bi thuấn tức
Mộ niên hành lạc tích tu du
Ninh tri dị nhật tây lăng hạ
Năng ẩm trùng dương (1) nhất trích vô


Cảm Hứng Lan Man

Bên bãi Long Vĩ có nhiều chim âu trắng,
Trong nhà bên sông Lam có nhà nho nghèo.
Một đời từ phú biết là vô ích,
Sách đàn đầy giá chỉ làm cho mình thêm ngu.
Cuộc đời trăm năm thương thay chỉ là chớp mắt,
Cuộc vui chơi lúc tuổi già, tiếc chỉ là thoáng chốc.
Sao biết được rằng ngày khác nằm ở dưới gò tây,
Có thể uống được một giọt rượu nào trong tiết trùng dương không?

Chú thích:
(1) Trùng dương: Còn gọi là Trùng cửu, mùng 9 tháng 9 âm lịch. Tiết trùng dương xưa thường họp mặt uống rượu, ngắm hoa cúc.


Cảm Hứng Lan Man


Bãi Long Vĩ rợp cánh âu
Bờ Lam Giang có bạc đầu hàn nho
Một đời từ phú văn thơ
Sách đèn cho lắm ngu ngơ càng nhiều
Trăm năm một chớp mắt vèo
Tuổi cao vui dẫu bao nhiêu chỉ là
Gò tây mai mốt vùi ta
Trùng dương rượu quý ai mà tưới cho

45
Ngọa Bệnh

I
Đa bệnh đa sầu khí bất thư
Thập tuần khốn ngọa Quế Giang cư
Lệ thần nhập thất thôn nhân phách
Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư
Vị hữu văn chương sinh nghiệp chướng
Bất dung trần cấu tạp thanh hư
Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt
Điểm điểm tinh thần du thái sơ




II
Xuân hàn hạ thử cố tương xâm
Nhất ngọa Hồng Sơn tuế nguyệt thâm
Minh kính hiểu hàn khai lão sấu
Sài phi dạ tĩnh bế thân ngâm
Thập niên túc tật vô nhân vấn
Cửu chuyển hoàn đan (1) hà xứ tầm
An đắc huyền quan minh nguyệt hiện
Dương quan hạ chiếu phá quần âm

Nằm Bệnh

I
Nhiều bệnh nhiều sầu thần khí không thư thái,
Mười tuần nằm co trong nhà bên sông Quế.
Hung thần vào nhà bắt vía người ốm,
Chột đói leo sàng gậm sách vở của ta.
Chưa từng có văn chương nào sinh ra nghiệp chướng,
Không cho bụi bặm lấn vào hồn trong trẻo.
Dưới cửa sổ trồng nhiều lan, tiếng ngâm nga vừa dứt,
Tinh thần dần dần xa chơi trên cõi thái hư.

II
Xuân lạnh hè nóng cứ xâm phạm nhau
Vừa về nằm bệnh ở non Hồng thế mà đã nhiều năm tháng
Buổi sáng lạnh soi gương sáng thấy mình già và gầy.
Cửa sài đóng kín trong đêm vắng nằm rên than.
Bệnh cũ mười năm không ai thăm hỏi,
Thuốc tiên luyện chín lần tìm đâu ra?
Ước gì trước cửa huyền vầng trăng sáng hiện ra,
Ánh sáng rọi xuống phá tan mọi u ám.

Chú thích:
(1) Cửu chuyển hoàn đan: Thuốc tiên luyện chín lần.


Nằm Bệnh

I
Bệnh sầu sầu bệnh không yên
Mười tuần sông Quế nhà bên nằm khoèo
Dịch ôn bắt vía bệnh nghèo
Cầm thư chuột đói trèo leo gậm bừa
Thơ văn nào nghiệp chướng chưa
Bụi trần hồ dễ lu mờ gương trong
Huệ lan đua nở ngoài song
Ngâm nga dứt tiếng nghe lòng thảnh thơi

II
Xuân hè nóng lạnh thay nhau
Hồng Sơn nằm bệnh khá lâu nào ngờ
Soi gương già cỗi gầy gò
Cửa thông khép kín nằm co than dài
Mười năm ai viếng thăm ai
Thuốc tiên chín luyện biết mài đâu ra
Cửa huyền mong hiện gương nga
Sáng soi xua đuổi giang hà tối tăm

46
Dạ Hành

Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân
Phù âu (1) tĩnh túc noãn sa tân
Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu
Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân
Bát sầu cửu lộ triêm y duệ
Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần
Dạ Hành

Vị sư già ngủ yên trong mây núi Hồng
Chim âu yên ngủ đêm trên bãi cát ấm.
Trên biển nam trăng tà dập dờn ngàn dặm,
Gió lạnh trên con đường xưa dồn cả vào một người.
Đêm đen tối, lúc này là lúc nào, mãi không thấy sáng.
Đầu bạc, không được việc gì, vụng về giấu mình,
Không muốn sương đêm thấm ướt vạt áo,
Hãy mừng là mày râu không nhuốm bụi.

Chú thích:
(1) Phù âu tức bạch âu tượng trưng cho ẩn sĩ.


Dạ Hành


Sư già ngon giấc trong mây
Hồng Sơn mây trắng ngủ đầy bãi đêm
Biển nam trăng dãi triền miên
Đường xưa gió lạnh dặm nghìn một ai
Dương quang chưa hé đêm dài
Bạc đầu vô tướng bất tài ẩn thân
Buồn chi sương đẫm áo khăn
Mày râu mừng được bụi trần chẳng hoen



47
Tạp Ngâm

I
Thu thanh nhất dạ độ Lam Hà
Vô ảnh vô hình nhập ngã gia
Vạn lý tây phong lai bạch phát
Nhất song thu sắc tại hoàng hoa
Bách niên ai lạc hà thời liễu
Tứ bích đồ thư bất yếm đa
Đình thực cô tùng cao bách xích
Bất tri thanh đế nại nhân hà

II
Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian
U cư sầu cực hốt tri hoan
Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt
Xử sĩ môn tiền thanh giả san
Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt
Đăng tiền đẩu tửu khởi suy nhan
Táo đầu chung nhật vô yên hỏa
Song ngoại hoàng hoa tú khả xan


III
Mạc mạc thu quang bát nguyệt thâm
Mang mang thiên khí bán tình âm
Thu phong cao trúc minh thiên lại
Linh vũ hoàng hoa bố địa câm (kim)
Viễn tụ hàn xâm du tử mộng
Trùng đàm thanh cộng chủ nhân tâm
Xuất môn từ bộ khan thu sắc
Bán tại giang đầu phong thụ lâm

Tạp Ngâm

I
Tiếng thu một đêm vượt qua sông Lam,
Không bóng không hình vào nhà ta.
Từ muôn dặm gió tây thổi đến với mái tóc bạc,
Sắc thu đầy cửa sổ ở khóm hoa cúc vàng.
Chuyện buồn chuyện vui trăm năm biết đến bao giờ hết,
Sách vở đầy bốn vách nhiều mấy cũng không chán.
Trước sân trồng một cây tùng cao trăm thước,
Không biết chúa xuân sẽ làm gì được người?

II
Đầu sông Long Vĩ, một gian nhà,
Ở nơi u tịch buồn cực độ bỗng thấy vui.
Tấm lòng kẻ đạt nhân sáng tỏ như vầng trăng,
Trước cửa người ẩn dật ấy là sắc xanh của núi.
Cạnh gối có bó sách để nâng đỡ bộ xương bệnh,
Trước đèn uống chén rượu để hồng lên sắc mặt suy yếu.
Bếp núc suốt ngày không khói lửa,
Hoa cúc vàng ngoài cửa sổ, tươi đẹp tưởng có thể ăn được.

III
Tháng tám lặng lẽ ánh thu già,
Khí trời mênh mông nửa tạnh ráo nửa âm u.
Trúc cao đón gió, sáo trời thổi,
Hoa vàng được mưa, thu rắc vàng trên đất.
Khí lạnh rặng núi xa thấm vào giấc mộng người du tử,
Nước đầm trong cùng với lòng chủ nhân,
Ra cửa bước thong dong nhìn sắc thu,
Thấy một nửa sắc thu ở tại rừng phong đầu sông.




Tạp Ngâm

I
Tiếng thu đêm vượt Lam Giang
Vô hình vô ảnh lọt màn cửa ta
Tây phong ngàn dặm thổi qua
Sắc thu song quạnh cúc hoa vàng trời
Trăm năm nào hết buồn vui
Sách muôn vạn cuốn dễ người chán sao
Trước sân trăm thước tùng cao
Chúa xuân liệu kiếm cách nào trêu ngươi

II
Đầu sông Long Vĩ mái nhà
Tận cùng u tịch vậy mà chợt vui
Đạt nhân trăng sáng tâm ngời
Núi xanh cửa trước yên đời ẩn cư
Chồng cao sách tựa xương khô
Hồng khuôn mặt bệnh rượu thơ chén quỳnh
Bếp nghèo lửa khói lạnh tanh
Ngắm hoa tưởng có thể ăn đỡ lòng

III
Thu dung tháng tám hao mòn
Trời như nửa tạnh nửa còn âm u
Trúc cao gió thổi vi vu
Hoa vàng vàng rắc đất mưa mưa nhuần
Núi xa lạnh thấm mơ gần
Lòng du tử nước trong đầm trong veo
Thong dong ngắm vẻ yêu kiều
Đầu sông nửa sắc thu chiều ngàn phong



48
Tặng Thực Đình


Thiên hạc đàm ngư hà xứ tầm
La Thành nhất biệt thập niên thâm
Đồng niên đối diện cách thiên nhưỡng
Vãng sự hồi đầu thành cổ câm (kim)
Bạch phát tiêu ma bần sĩ khí
Đề bào trân trọng cố nhân tâm
Mạc sầu tịch địa vô giai khách
Lam Thủy Hồng Sơn túc vịnh ngâm

Tặng Thực Đình

Hạc trên trời, cá dưới đầm, biết đâu mà tìm?
Từ một lần chia biệt ở La Thành, chốc đã mười năm
Bạn đồng niên giáp mặt mà tưởng như trời với đất cách xa.
Việc cũ quay đầu nhìn lại đã thành ra chuyện đời xưa với chuyện đời nay.
Tóc bạc làm tiêu ma chí khí kẻ sĩ nghèo,
Chiếc áo bào thêu vải thô trân trọng tấm lòng người cũ.
Chớ sầu ở nơi hẻo lánh không gặp bạn tốt,
Sông Lam núi Hồng đã đủ để ngâm vịnh.


Tặng Thực Đình


Chim trời cá nước biết đâu
Mười năm mình giã biệt nhau La Thành
Đồng niên mà ngỡ trường đình
Ngậm ngùi cố sự cũng đành xưa nay
Bạc đầu chí khí xuôi tay
Áo thô trọng tấm lòng này cố nhân
Đừng buồn đời vắng tri âm
Hồng Lam sông núi đủ ngâm vịnh rồi



49
Phúc Thực Đình


Đông hàn hạ thử cố xâm tầm
Lão đại đầu lô tuế nguyệt thâm
Kinh quốc oanh hoa thiên lý ngoại
Giang hồ xoa lạp thập niên câm (kim)
Tụ đầu nan đắc thường thanh mục
Lý phát đương tri vị bạch tâm
Lam Thủy Hồng Sơn vô hạn thắng
Bằng quân thu thập trợ thanh ngâm


Trả Lời Bạn Thực Đình

Đông lạnh , hạ nóng cứ lần lữa thay nhau.
Trên mái đầu già nhiều năm tháng trôi qua.
Cảnh đẹp chim và hoa chốn kinh kỳ đã ở ngoài ngàn dặm
Mang áo tơi đội nón lá nơi sông hồ đã mười năm nay.
Họp bạn, thường khó được người bạn mắt xanh
Gỡ tóc, nên biết còn có tấm lòng chưa được giãi tỏ,
Sông Lam núi Hồng đẹp vô hạn,
Nhờ anh thu lượm để giúp thêm vào việc ngâm vịnh thanh tao.


Trả Lời Bạn Thực Đình


Đông hè lạnh ướp nóng nung
Bạc đầu năm tháng chất chồng phôi pha
Kinh kỳ cách biệt chim hoa
Khoác tơi đội nón giang hà mười năm
Kết đoàn những thiếu mắt xanh
Gỡ đầu càng biết nỗi mình rối tơ
Hồng Lam núi mộng sông mơ
Giúp nhau thêm đẹp tình thơ cõi nhà



50
Liệp


Y quan đạt giả chí thanh vân
Ngô diệc lạc ngô mi lộc quần
Giải thích nhàn tình an tại hoạch
Bỉnh trừ dị loại bất phương nhân
Xạ miên thiển thảo hương do thấp
Khuyển độ trùng sơn phệ bất văn
Phù thế vi hoan các hữu đạo
Khu xa ủng cái thị hà nhân


Đi Săn

Những người áo mũ hiển đạt để chí mình ở đường mây.
Còn ta ta cũng vui với bầy hươu nai của ta
Cốt là để khuây khỏa lúc nhàn rỗi chớ đâu phải ham thu hoạch,
Nhưng diệt trừ giống khác không hại đến đức nhân.
Con xạ ngủ nơi đồng cỏ non hương thơm còn đượm ướt
Con chó vượt qua nhiều lớp núi tiếng sủa không còn nghe thấy.
Tìm thú vui chơi trong cuộc phù sinh mỗi người một sở thích.
Những người lọng đón xe đưa là người nào thế nhỉ?


Đi Săn


Đạt thành chí để trời mây
Riêng ta ta lại vui vầy hươu nai
Cốt khuây khỏa dám cầu may
Sát sinh dẫu chẳng vượt ngoài đức nhơn
Xạ hương ngủ bãi cỏ non
Cầy tơ vượt núi chẳng còn sủa muông
Phù sinh vui thú trăm đường
Lọng xe ai đó bá vương sá gì



51
Ký Hữu


Hồng Sơn sơn nguyệt nhất luân minh
Thiên lý Trường An thử dạ tình
Thái phác bất toàn chân diện mục
Nhất châu hà sự tiểu công danh
Hữu sinh bất đái công hầu cốt
Vô tử chung tầm thỉ lộc minh
Tiển sát bắc song cao ngọa giả
Bình cư vô sự đáo hư linh


Gửi bạn

Một vừng trăng tròn trên núi Hồng.
Ở kinh đô Trường An nghìn dặm tình đêm nay.
Viên ngọc chất phác đã không còn khuôn mặt thật của nó
Chút công danh ở một châu đáng kể gì.
Lúc sinh ra không mang cốt cách vương hầu
Chưa chết thì rốt cuộc sẽ đi tìm lợn hươu làm bạn.
Thèm chết đi được như người nằm khểnh bên song cửa sổ phía bắc,
Thường ngày không có việc gì bận đến tâm tình trong sáng.


Gửi Bạn


Trăng tròn trên đỉnh Hồng soi
Tràng An muôn dặm cách vời đêm nay
Ngọc kia vẻ khác những ngày
Công danh một khoảnh châu này là bao
Bẩm sinh cốt cách chẳng cao
Sống thừa hươu hoẵng kết giao bạn bè
Chết vùi song bắc ước chi
Nhàn cư vô sự chẳng hề bận tâm



52
La Phù Giang Thủy Các Độc Tọa


Thủy các các hạ giang thủy thâm
Thủy các các thựợng nhân trầm ngâm
Du du vân ảnh biến thần tịch
Cổn cổn lãng hoa phù cổ câm (kim)
Trần thế bách niên khai nhãn mộng
Hồng Sơn thiên lý ỷ lan tâm
Bồi hồi đối cảnh độc vô ngữ
Bạch phát sổ hành thùy ngã khâm


Ngồi Một Mình Trên Thủy Các Sông La Phù

Dưới thủy các nước sông sâu,
Trên thủy các người trầm ngâm,
Sáng và chiều đổi thay theo bóng mây trôi lờ lững
Xưa và nay lênh đênh như hoa sóng cuồn cuộn
Cuộc đời trăm năm trên trần thế chỉ là giấc mộng vừa mở mắt
Lòng nhớ Hồng Sơn nơi ngàn dặm trong lúc tựa lan can
Bồi hồi trước bóng mình một mình yên lặng
Mấy sợi tóc bạc rủ xuống vạt áo.


Ngồi Một Mình Trên Thủy Các Sông La Phù


Thủy các bên dưới nước sâu
Bên trên ai đó u sầu trầm tư
Sớm chiều theo lớp mây đưa
Lênh đênh hoa sóng dật dờ bấy nay
Trăm năm mộng ảo lìa tay
Tựa lan can nhớ ngàn mây núi Hồng
Bâng khuâng đối bóng hỏi lòng
Tóc sương sợi bạc rủ thòng vạt sa



53
Sơ Nguyệt


Hấp đắc dương quang tài thướng thiên
Sơ tam sơ tứ vị đoàn viên
Thường nga trang kính vi khai hạp
Tráng sĩ loan cung bất thướng huyền
Thiên lý quan sơn vô cải sắc
Nhất đình sương lộ cộng sầu miên
Bồi hồi chính ức Hồng Sơn dạ
Khước tại La Phù giang thủy biên


Trăng Non

Hút được ánh sáng mặt trời vừa mới mọc trên nền trời.
Mồng ba mồng bốn trăng chưa tròn.
Như hộp gương trang điểm của Hằng Nga vừa mới mở hé,
Như cái cung cong của tráng sĩ giương lên mà không móc dây.
Nghìn dặm quan sơn cảnh sắc không thay đổi,
Đầy sân sương móc giục giấc ngủ buồn.
Chính lúc bồi hồi nhớ đến đêm nao ở non Hồng,
Thì mình lại đang ở bên sông La Phù.


Trăng Non

Ánh ngày phản chiếu trăng nhô
Mùng ba mùng bốn trăng chưa vạnh tròn
Hằng Nga vừa hé hộp son
Cây cung tráng sĩ chưa lòn mối dây
Dặm ngàn cảnh sắc chẳng thay
Đầy sân sương giá dục ngay giấc buồn
Nhớ đêm nao cõi Lam Hồng
Chính là lúc ở bên sông La Phù
 




 

06-AiThuongKieu.mp3 - Hong Van



***
*

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.