Sep 19, 2024

Ký sự

Qua cơn mê, chợt nhớ đêm Văn nghệ Tết trong tù
Phan Lạc Phúc * đăng lúc 09:32:02 PM, Feb 26, 2015 * Số lần xem: 5241
Hình ảnh
#1
#2

 Phan Lạc Phúc *

Biếm họa Bùi Bá: Năm Tân Mão 2011, con mèo châm ngòi cho nổ banh xác pháo.

Câu Đối Tết Con Mèo. 

Ba Đình tâu với Thiên Đình, thú thật Triều Đình không nói dối. Hà Sĩ Phu (xướng). 

Ái Quốc bám theo Trung Quốc, e gần Phản Quốc có đâu xa.  Hữu Tình (họa).

 

Bài đọc suy gẫm: Qua Cơn Mê ( hay Văn Nghệ Tết Trong Trại Tù Yên Hạ) - Phan Lạc Phúc (hình ảnh sưu tầm trên net chỉ có tính cách minh họa)

…”Bạn ơi nếu tôi có một điều ước, tôi ước mong cho ngày nào trời đất phong quang, chúng ta được trở về đất nước Việt Nam yêu dấu, muốn đi đâu thì đi. Tôi sẽ đi tới những trại tù năm cũ, thăm lại người xưa, thăm lại các bạn tù chúng ta còn nằm lại. Tôi sẽ tới trại Yên Hạ, tới quận Phù Yên hỏi xem ông cụ Việt trại trưởng năm xưa còn sống hay không? Nếu gặp được ông cụ tôi sẽ nầm lấy tay mà nói “Tôi là là cựu tù nhân Yên Hạ đây, cụ còn nhớ tôi không, thưa cụ?”…Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, tôi lại về bên em…- Trần Trịnh- Nhật Ngân.


 

Tôi vừa nhận thư từ Seattle, Mỹ gửi sang. Không phải những người bạn thân quen của tôi mà nhìn tên người gửi thấy đề T. Nguyen lạ hoắc. Sang xứ sở văn minh thực dụng này, tên tuổi lộn đầu lộn đuôi mà chữ viết cũng ít khi dùng đến nên tôi cầm lá thư mà chưa nhớ ra ai. Mỗi người sinh ra trên trái đất này đều có một nhân dáng riêng, cũng như có một nét chữ riêng, có ai giống ai đâu? Bây giờ bỏ cái riêng tư ấy đi, dùng toàn chữ in sẵn trong computer – tiện lợi thì có tiện lợi thật nhưng cầm cái thư tôi thấy nó lạnh lùng, khô khốc… Bề ngoài bao thơ không cho tôi một tín hiệu tình cảm nào, tôi hờ hững mở thư. Nhưng vừa đọc, tôi đã vô vàn cảm xúc: “Anh P. ơi, chấc anh không nhớ được em đâu, nhưng em nhớ anh hoài, em nhớ “ông già chăn ngựa”. Em là “La Sơn Phu Tử” đây.” Những cụm từ “ông già chăn ngựa ” và “La Sơn Phu Tử” đã như chiếc chìa khóa mở ra một quãng đời tù tưởng đã nhạt nhòa trong ký ức…

Dạo ấy là cuối năm 1977, chúng tôi vừa từ giã trại tù quân quản Liên trại 2 để đến một nhà tù chính thức Yên Hạ – Sơn La thuộc Công an – Bộ Nội vụ. Cùng là đi cải tạo nhưng bên trong có chia ra nhiều loại. Loại cải tạo trong Nam tương đối nhẹ nhàng hơn, ngắn hạn hơn. Tù nặng, tù lâu là ra Bắc. Những năm đầu ra Bắc, tù đặt dưới quyền quân quản, tức là do bộ đội quản lý. Sau chừng từ 2 đến 3 năm tù được chuyển dần từ trại “trâu xanh” (bộ đội) sang trại “bò vàng” (công an). Ở trại tù chính thức của Bộ Nội vụ như trại Yên Hạ này chúng tôi được gặp những bạn tù anh em ta bị bắt từ hồi Mậu Thân (1968) cũng như một số anh em khác, tù binh từ trận Hạ Lào (1971). Những trại tù này thường là trại hỗn hợp vừa có tù chính trị (như tụi tôi) vừa có tù hình sự. Bên hình sự có thiếu gì những người tù bị hình án nặng nề từ 20 năm đến chung thân ở đây.

Đến trại Yên Hạ này, tôi được gặp Trung tá Kh., dân Tiếp vận bị bắt hồi Mậu Thân khi về Huế ăn Tết thăm gia đình. Anh còn sống sót không nằm trong nấm mồ tập thể mấy nghìn người, kể ra cũng phải tạ ơn Trời Phật. Cho đến lúc này thì Kh. đã có thâm niên 9 năm tù, kinh nghíệm hơn tụi tôi nhiều lắm (mới có trên 2 năm). Khi được hỏi về sự khác nhau, giống nhau giữa 2 trại trâu xanh và bò vàng Kh nói: “Một bên là dao găm, một bên là thuốc độc, không biết bên nào êm ái hơn bên nào”. Ngừng một lát Kh. Nói tiếp: “Tuy nhiên, qua các trại miền Bắc tôi thấy cuộc sống tù đày tùy thuộc khá nhiều vào trại trưởng. Mới chuyển sang trại bò vàng Công an mà các bạn được về đây là khá đấy. Ông cụ Việt, trại trưởng trại này là một biệt lệ trong các cai tù… Rồi các bạn sẽ thấy”.

Chúng tôi nhận ra biệt lệ này ngay trong lần đầu tiên lên hội trường nghe “huấn thị”. Trại trưởng trại Yên Hạ, cấp bậc Trung tá Công an, thường được gọi thân mật là cụ Việt, là một ông già tóc bạc, tuổi trên dưới 60, dáng vẻ trầm tư, phát ngôn mực thước. ông nói “Chúng tôi được trên giao nhiệm vụ quản lý các ông, cải tạo viên chính trị. Phạm nhân chính trị có quy chế riêng. Trại sẽ áp dụng đúng quy chế ấy đối vđi các ông. Tôi mong các ông chấp hành nội qui nghiêm chỉnh để trại chúng tôi thực hiện tốt mục đích trên giao mà các ông cũng tạo được kết quả bước đầu trong học tập cải tạo”.

Khác với cán bộ CS thường thay, trại trưởng Yên Hạ nói ngay vào vấn đề, ngắn gọn, cụ thể – không lèm bèm chửi mắng mà cũng không lý thuyết chính trị rẻ tiền. Nhưng điều đặc biệt là tù nhân chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy ở đâu là ông cụ Việt này gọi chúng tôi là “các ông”. Sau tháng 4 đen 75, chúng tôi tự biết mình đang đi xuống nấc thang thứ bét của xã hội, thuộc vào giai cấp bị triệt tiêu, chưa bị hành hạ, bắn giết lúc nào là may lúc ấy. Có bao giờ chúng tôi nghĩ rằng mình lại được gọi là “các ông” như thế. Tìm hiểu về người trại trưởng, tôi lại phải hỏi Kh. , người tù thâm niên ở đây. Được tiếp xúc với trại trưởng nhiều lần, nên Kh. dường như hiểu biết khá rõ về ông cụ Việt. Kh. nói: ông ta là người có văn hóa, nói tiếng Pháp khá hay, nguyên là trưởng xa (chef train) của Sở Hỏa xa thời Pháp. ông ta hình như có tham gia hội kín, hội hở trước 1940 và sau mới chuyển theo Cách mạng. Vì “quá trình” như thế nên bây giờ gần tuổi về hưu rồi mà cấp bậc vẫn lẹt đẹt trung tá. Xem như tên trại phó Đặng U. dân răng đen mã tấu chính tông mới chưa đến 40 mà đã thiếu tá Công an rồi. Nó bóp còi qua mặt ông ta mấy hồi…”

Đây là trại tù chính thức của Công an miền Bắc, và tôi nhận ra rằng những trại tù sau này mà tôi sẽ đi qua đều có một kiến trúc tương tự. Tường đá bao quanh cao chừng 4m (ở đây Sơn La “lưới núi” nên xây tường bằng đá hộc), ở trên có chăng thêm 3 tầng dây thép gai chằng chịt. 4 góc có 4 chòi canh, công an bò vàng gác suốt ngày đêm, đầu giờ, cuối giờ kẻng đánh lia chia, gắt gỏng. Ngay bên cạnh cổng giữa đi vào là văn phòng trực trại, nhìn vào một cái sân rộng gọi là sân “tập kết” nơi tù các đội tập họp đợi giờ xuất trại đi làm. Cuối sân tập kết là Nhà Văn Hóa hay Hội trường, vừa là nơi hội họp, học tập toàn trại vừa là nơi trình diễn văn nghệ. Dọc hai bên sân tập kết là 2 khu nhà. Gọi là khu A và khu B . Mỗi khu lại chia ra nhiều lô nhỏ có tường bao quanh. Mỗi lô có một nhà tù dài chia ra làm 2 lán. Mỗi lán chứa 2 đội tù, từ 70 đến 100 người, tùy theo nhân số lúc vắng lúc đông. Chúng tôi đến trại Yên Hạ này đầu mùa rét tháng 11 năm 1977 lúc tù rầm rộ kéo về mỗi người tù chỉ có được chừng 50cm vừa ăn vừa nằm chật cứng. Khu A là khu dành cho chúng tôi, tù chính trị, khu B đối diện là khu hình sự. Theo quy định nhà tù, lô này không được sang lô kia, nếu không có phép của trực trại, và khu này với khu kia thì tuyệt đối cấm không được lai vãng.

Một buổi trưa, chúng tôi vừa tạm thu xếp chỗ nằm xong chợt có tiếng la giật giọng từ bên khu B đối diện vọng sang: “Chết tôi rồi, cứu tôi với. ôi cụ Việt ơi!” Từ một lô nhà khu hình sự một người tù đang cố sức chạy ra sân tập kết. Nhưng anh ta chạy không được vì một cán bộ Công an bò vàng đang nắm tóc người tù kéo giật xuống mà lên gối. Tiếng kêu cứu của người tù tắc nghẽn giữa những tiếng hự hự liên tiếp. Người cán bộ này ra đòn rất gọn rõ ra có nghề . Người tù rũ xuống như một đống giẻ rách mà cán bộ chưa tha. Còn “sút” thêm mấy quả vào lưng vào bụng. Chợt có tiếng ông cụ Việt từ một căn nhà gác ở bên ngoài cổng trại (ở dưới là văn phòng trại trưởng, ở trên là nơi ở) nói vọng vào: “Cái gì thế?” Có tiếng trại trưởng là cán bộ mới từ từ bỏ đi… Tù bên khu B mới ra cõng người tù hình sự vào nhà, hình như đã ngất đi, trào máu họng.

Vừa mới sang nhà tù Công an mà chúng tôi đã được “dàn chào” như vậy nên rét quá. Lại phải đi hỏi Kh. bạn tù thâm niên. Kh. nói “Tù hình sự ở đây nó khiếp lắm. “Đầu gấư’ cả đấy. Hở ra là nó giết nhau ngay. Cho nên cán bộ an ninh kiêm chấp pháp chuẩn úy Trần M. mới dữ như vậy. Nhưng trại trưởng ông cụ Việt thì ông ta không cho phép đánh tù. Có mặt ông là không được phép. Nhưng mà sau lưng ông là nó đánh ra gì. Đánh chết bỏ. Vài bữa nữa đi làm các bạn đi về phía Mường Thải, thấy có cái nghĩa địa mả cũ mả mới lô nhô, đó là chỗ tù theo nhau ra nằm ở đấy” – “Tù chính trị cũng vậy à”. – “Cũng nằm một chỗ nhưng có khác. Mả tù chính trị thì hơn được cái bia, hoặc là bằng đá hoặc là bằng gỗ. Còn mả hình sự thì vùi nông một nấm, coi như xong.”

Sau vụ dàn chào ghê rợn, một số anh em tù cải tạo thầm thì to nhỏ với nhau rằng: “Trại trưởng ông cụ Việt đóng vai ông Thiện, phó trưởng trại Đặng U. với cán bộ giáo dục (tức chính trị viên của trại) Nguyễn Hồng L., và cán bộ an ninh kiêm chấp pháp Trần M. đóng vai ông Ác. Đó là trò vừa đấm vừa xoa thường thấy.” Nhưng ở lâu hơn, tôi thấy hai khuynh hướng này đối chọi nhau rõ rệt, không phải chỉ là sách lược đối phó nhất thời.

Đã gần hết năm, một buổi họp bàn về tổ chức vui Tết năm Ngọ (1978) được cán bộ giáo dục Nguyễn Hồng L. chủ trì. Anh cán bộ mặt gà mái này tuyên bố: “Các anh sống một cuộc sống tay sai, trước là cho Pháp sau là cho Mỹ nên các anh thiếu văn hóa, hay là không có văn hóa. Bây giờ đi cải tạo, Cách mạng phải hướng dẫn các anh, dạy dỗ các anh sống có văn hóa. Trong dịp Tết này, trại dành cho các anh một nửa chương trình, một nửa cho khu A, một nửa cho khu B . Các anh hãy rán theo đường lối của Cách mạng mà sửa soạn một chương trình văn nghệ, để xem các anh có mở mắt ra được chút nào không?”

Còn ông trại trưởng ông cụ Việt, khi gặp ban Văn nghệ chúng tôi được triệu tập lo chương trình Tết thì ông cụ lại nhỏ nhẹ nói rằng: “Tết là một ngày lễ truyền thống của dân tộc. Các ông là người có học. Tôi hi vọng các ông sẽ đóng góp được một chương trình văn nghệ có ý nghĩa”. Cách ăn nói, thái độ khi tiếp xúc với chúng tôi của ông cụ Việt trại trưởng nó ôn tồn, thoải mái, không có vẻ nghiến răng căm thù như thường thấy nơi cán bộ CS. Phải chăng nguồn gốc xuất thân của ông đã khiến ông có một niềm thông cảm tự nhiên đối với chúng tôi, những người tiểu tư sản thua quân mất đất. Năm ấy chủ trương đấu tranh giai cấp còn rất mạnh; ở miền Nam đang vào cao điểm đánh tư sản, mại bản nên dân “Ngụy” chúng tôi từ trong tù cho đến ngoài xã hội được coi như một lũ “cùi” không ai dám đến gần. Đúng theo quy luật, chúng tôi là giai cấp bị triệt tiêu. Có những người bạn tù, có anh em ruột thịt làm lớn ở ngoài Bắc; Những nhà CM ấy đã vào Nam nhận họ, nhận “hàng”, nhận tiền, nhận bạc để khi ra Bắc, nhờ mang một số quà đi thăm người thân cải tạo. Nhưng dù là anh em ruột thịt, cùng mẹ cùng cha nhưng phần lớn các nhà CM ấy quên luôn, không dám đi thăm. Dính líu với ngụy quân ngụy quyền là phản động. “Thời kỳ phát động chiến dịch, bố tôi bị đi cải tạo là tôi cũng phải quên bố tôi luôn nếu tôi muốn có sổ gạo, có bát cơm mà ăn, huống hồ là anh em họ hàng”, một người tù hình sự đã nói với tôi như vậy. Thế mà ở đây đang mùa đánh tư sản mại bản, ông cụ Việt chánh giám thị trại tù lại gọi chúng tôi là “các ông”. Tôi chưa gặp ở đâu, cai tù CS lại gọi đối xử với tù nhân như vậy…

Trại triệu tập ban Văn nghệ tù chính trị bằng hai cách. Theo nghề nghiệp trước đây ghi trong hồ sơ và tin tức nhận được về những người tù có khả năng văn nghệ. Một người bạn của tôi được gọi ra thành lập ban kịch. Đó là bạn Nguyễn Văn Th. nguyên đạo diễn điện ảnh và sân khấu. Anh cũng là người được giải thưởng văn chương toàn quốc thời Đệ nhất Cộng hòa… cùng với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Th. già là bạn cùng khóa 2 Thủ Đức và cùng ngành Chiến tranh Chính trị với tôi nên một bữa Th. tìm gặp tôi và nói: “Cán bộ chính trị nó chửi mình nặng như thế thì dù là tù đi nữa, mình cũng phải làm cái gì chứ ông”. Nể lời bạn nên tôi cũng vào ban văn nghệ với một nhiệm vụ khiêm nhượng “phụ tá khói lửa”. Ở miền Bắc, kịch cũng như điện ảnh bao nhiêu năm qua đều sống với đề tài chiến tranh nên tổ chức nào cũng phải có người lo về khói lửa tức là vấn đề kỹ xảo về súng bắn, mìn nổ, lửa cháy, v.v… Nhưng nhiệm vụ khởi đầu của tôi chỉ là đem đến ban kịch một cái nùi rơm và cái điếu cày để anh em giải lao hút thuốc. Ngẫm ra rất đúng với nhiệm vụ được giao: có khói và có lửa.

Nguyễn Văn Th. được lệnh viết một cái kịch ngắn cho anh em trình diễn. Nhưng mà bạn tôi kẹt, viết mãi không ra. Một bữa tôi mới nói với Th.: “Mình “sức voi” mà đi viết kịch. Tư tưởng mình khác, tư tưởng của họ khác. Đầu óc họ luôn luôn căm thù, nghi kỵ, không khéo rồi bút sa gà chết. Tại sao mình không lấy kịch của họ mà “chơi?” – “Nhưng mà kịch của họ, nó chỉ chửi bố mình không làm sao mà diễn”, Th. đủng đỉnh trả lời như vậy.

Khi mới về trại, tôi có thời gian lo liên lạc mượn một số sách, báo cho anh em, nên tôi biết thư viện trại có một số kịch bản. Trong trường kịch Quang Trung của Trúc Đường có một màn có thể tách ra diễn được. Tôi ngỏ ý với Th. già: “Màn Lửa Kinh Thành trong kịch Quang Trung này viết khá. Nếu chơi màn kịch này, mình có 2 điều lợi. Thứ nhất mình không mất công viết, kịch của họ, tác giả của họ mình khỏi lo về phần tư tưởng. Thứ hai kịch lịch sử nên anh em ta không có mặc cảm khi tập và khi diễn. Như thế may ra mới có “chút lửa” cho anh em”. Tôi đưa kịch bản Lửa Kinh Thành cho Th. đọc và bạn tôi đồng ý; sau đó kịch được đưa lên ban Giáo dục duyệt. Trong khi đó bộ phận nhạc do một số anh em ngành Tâm lý chiến đảm trách lo hát đồng ca, tốp ca, đơn ca và độc tấu tây ban cầm. Anh em bên nhạc cũng đồng ý chọn trình bày những bài ca ít sắt máu, ít căm thù mà vẫn bàng bạc một tấm lòng yêu quê hương xứ sở. Chương trình tổng quát được chuẩn y, gồm 30 phút ca nhạc, một giờ kịch, anh em bắt đầu vào tập dượt.

Chúng tôi tập ở trên Hội trường, anh em hình sự tập trong một căn nhà khu B. Chúng tôi được biết anh em hình sự được nghỉ lao động ăn tập trước chúng tôi 2 tuần theo một chương trình đã được công diễn từ những năm trước, nay chỉ ôn luyện lại cho thuần thục. Nửa buổi, khi chúng tôi đang uống nước cầm hơi thì anh em văn nghệ hình sự xuống nhà bếp đem về một rổ khoai lang “bồi dưỡng”. Theo như chúng tôi cảm nhận, ban Giáo dục trại đang dốc hết tâm lực để phần trình diễn của anh em hình sự nhuần nhuyễn, vượt trội hơn phần văn nghệ của tù chính trị, nhằm “dạy cho tụi ngụy một bài học về văn hóa”.

Anh em trong ban Văn nghệ khu A tuy không nói ra nhưng cảm thấy có trách nhiệm trong trò chơi văn nghệ của mình. Đói thì đói nhưng anh em tập dượt hết mình.

Cả nước làm bạn với khoai mì, khoai lang.

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết nhưng không khí thi đua văn nghệ giữa 2 khu A, B đã lan truyền khắp trại. Anh em khu A đi làm ngoài, có bữa kiếm được củ khoai, miếng sắn lại dấm dúi đem cho. Chúng tôi hiểu được sự chăm lo, kỳ vọng của anh em. Cuộc chiến tranh quân sự tàn rồi, cuộc chiến tranh văn hóa còn đang tiếp diễn.
Một hôm đang nửa buổi, trại trưởng ông cụ Việt vào hội trường dự khán anh em chúng tôi tập dượt. Thấy gần trưa rồi mà ban Văn nghệ khu A vẫn xuông tình, ông cụ hỏi: “Anh em không nghỉ ăn bồi dưỡng hay sao?” Mấy người có trách nhiệm mới trình bày với trại trưởng là chúng tôi vẫn tập “xuông” không có “bồi dưỡng”. Ông cụ Việt liền cho gọi thi đua (mấy anh tù được cất nhắc lên làm chân chạy việc cho ban giám thị) lên chỉ thị: “Cung cấp ngay chế độ bổi dưong hằng ngày cho đội văn nghệ khu A”. Ông cụ còn dặn thêm: “lệnh trại trưởng cấp thêm cho mỗi đội văn nghệ của A lẫn B mỗi ngày một gói trà. Anh em tập dượt ca, kịch cần thấm giọng”. Thế là hàng ngày, “phụ tá khói lửa” là tôi lại thêm việc đun nước pha trà cho anh em nhấm nháp.

Đi vào thực hiện kịch lịch sử đối với chúng tôi, nó có ưu điểm nhưng cùng một lúc nó kéo theo nhiều điều phức tạp. Thứ nhất tập dượt cầu kỳ. Người “ngày xưa” ăn nói cử chỉ khác người ngày nay. Một ông quan văn với một ông quan võ chào hỏi, vuốt râu nó khác nhau, không giống nhau. Cách phát âm hay nói theo giọng nhà nghề “đài từ” của kịch lịch sử khác với kịch thời đại. Hơn nữa trang trí sân khấu, cách phục sức cho nhân vật kịch “ngày xưa” nó đòi hỏi nhiều nghiên cứu, nhiều phụ tùng hơn kịch “bây giờ”, cái kho đạo cụ của trại không thỏa mãn được. Vào việc đạo diễn Th. già bấn xúc xích về việc dàn cảnh, về đạo cụ nên bạn già yêu cầu tôi lo giúp về phần tập luyện.

Bạn Th. già biết dạo xưa tôi có sinh hoạt trong Sông Hồng Kịch Xã ở Hà Nội trước khi động viên vào quân đội, trong khi đó Th. già viết cho báo Giang Sơn. Chúng tôi biết nhau từ ngày ấy. Vả chăng tôi vốn sinh trưởng ở nhà quê mà làng tôi vốn là đất chèo, có một phường chèo thường trực ở trong làng nên tự nhiên tôi quen thuộc với một số ước lệ của tuồng, chèo cổ. Những năm đi kháng chiến ngoài bưng, tôi đi theo một đoàn Tuyên truyền xung phong nên tôi cũng tàm tạm có một số kinh nghiệm về sân khấu. Cho nên nhận lời bạn già, tôi đang là “phụ tá khói lửa” lại thêm một chức vụ nữa “phụ tá đạo diễn”.

Không gian kịch là tư dinh Đinh Đề Lĩnh, viên quan trấn thủ kinh thành Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Thời gian là đêm mồng 4 tháng Giêng năm Kỷ Dậu đêm trước của toàn quân vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Vở kịch đòi hỏi 5 vai quan trọng: Đinh Đề Lĩnh, trấn thủ Thăng Long; thất vọng trước sự yếu hèn của hôn quân Lê Chiêu Thống, căm hận trước sự tham tàn bạo ngược của quân tướng nhà Thanh nên phút cuối cùng Đinh Để Lĩnh nghe theo lời khuyến dụ của La Sơn Phu Tử, đặc sứ của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, mở cửa thành, đốt kho lương thảo khi nghĩa quân tấn công. Vai chính Đinh Đề Linh do Nguyễn Huy T., đại úy đài Tự Do cục Tâm lý chiến đảm trách. T. là một con người tài hoa, hát hay, nhảy giỏi, dáng người cao mà thanh, vừa văn vừa võ, đã nhập vai Đinh Để Linh rất đẹp. Anh chơi kịch từ thời sinh viên nên có đủ bản lĩnh trên sân khấu vừa say mê vừa tỉnh táo.

Vai La Sơn Phu Tử do Nguyễn T. cũng đại úy bên Tổng cục Chiến tranh Chính trị (người ở Seattle vừa viết thư cho tôi) nhận lãnh. Nguyễn T. vốn là em một người bạn tôi, nên tôi biết T. từ khi chưa bị động viên vào quân đội. T. đi Hướng đạo nên quen thuộc với sân khấu. T. không dám tin ở tài sức của mình nhưng tôi khuyến khích T. nhận vai La Sơn Phu Tử. T. vốn người Thanh Hóa, nói được giọng già, dáng người văn nhã mà cứng cỏi, lại chuyển sang gíọng Nghệ An – Hà Tĩnh rất ngọt nên có đầy đủ dáng vẻ của một mưu sĩ “đàng trong”. Một vai phản diện rất gay là vai tướng nhà Thanh, nói tiếng Việt ngọng líu ngọng lo mà tham dâm hiếu sắc do Trung tá Lê Văn Hóa, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn văn nghệ Quân đoàn 4 phụ trách. Anh là người tràn đầy kinh nghiệm sân khấu lại thêm là “vua cười” của đội, luôn mồm hát, no cũng hát, đói cũng hát “Ngộ bên Tàu à… ngộ mới sang – sang Nam Việt bán buôn làm giàu…” nên vai tướng Tàu như là vai viết riêng cho anh vậy.

Người nữ độc nhất, cô chủ quán mê hoặc tướng Tàu do đại úy Tôn Thất L. thủ vai. Anh đi tù cực khổ, đói khát như vậy mà vẫn da trắng tóc dài, mắt sắc như dao làm gái Thăng long rất đẹp. Riêng có một vai quê mùa, vai ông già chăn ngựa thọt chân, luôn luôn say xỉn do một đại úy Cảnh sát đảm nhận vai mà tập mãi chưa vô. Anh có nhân dáng quê mùa, cục mịch, say mê vai diễn nhưng tiếng cười, giọng nói của anh nó văn minh quá, thành thị quá thiếu mất chất nhà quê. Mà đây là vai quần chúng vai đại diện cho nhân dân phản kháng nên trại để ý lắm. Thiếu úy Công an Q. đại diện cho phòng Giáo dục, hằng ngày theo dõi chúng tôi tập dượt, lắc đầu trước vai ông già chăn ngựa mà phê bình đủng đỉnh “chưa được”. Sau rồi, đạo diễn Th. già mới tham khảo ý kiến anh em mà bảo tôi rằng: “Ông khỏi mất công dượt cho anh ấy nữa. Ông thì vừa già, vừa chân tập tễnh, lại vừa có chất quê… thế thì ông chơi ngay cái vai ấy đi cho nó tiện việc sổ sách.” Anh em cũng ồn ào đề nghị nên tôi lại kiêm luôn vai cụ Triệu ông già chăn ngựa. Sở dĩ đạo diễn Th. già và tôi chú ý đến giọng nói là vì khi diễn kịch ở đây, chúng tôi diễn “chay” không có ban nhạc làm nền (background music). Vì vậy phải đặt trọng tâm vào giọng “thoại”, đưa vào đó nhiều màu sắc để phần nào quên đi cái thiếu vắng nhạc nền kia.

Có giọng Bắc trầm hùng cứng cỏi của Đinh Đề Lĩnh, giọng miền Trung uyển chuyển, sâu sắc của La Sơn Phu Tử, giọng ngọng nghịu của tướng Tàu, giọng Bắc pha Huế đài các của cô chủ quán, giọng quê mùa bạo liệt của ông già chăn ngựa. Nút kịch được thắt khi La Sơn Phu Tử đang đêm được ông già chăn ngựa nhà ở gần bên đưa vào gặp Đinh Đề Lĩnh ở tư dinh, thuyết điều hơn, lẽ thiệt. Kịch được thắt thêm 1 nút khi tướng Tàu sục sạo đi tìm cô chủ quán xinh đẹp bất ngờ xộc vào tư dinh Đinh Đề Lĩnh khi La Sơn Phu Tử còn đang hiện diện. Để tránh cho cơ mưu của “đàng trong” đừng bại lộ, cũng là cởi nút cho vở kịch… ông già chăn ngựa liền dũng cảm nhảy vào đâm chết tướng Tàu rồi cùng chết. Cái chết bất ngờ của ông già chăn ngựa như một giọt nước làm tràn ly khiến Đinh Đề Lĩnh còn đang do dự, chuyển hẳn sang thế nghĩa quân… mở cửa thành, đốt kho lương thảo khi đại quân vua Quang Trung tràn tới. Sau đó, bình minh ngày 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu cũng vừa hiển hiện.

Để lo việc trang trí sân khấu và phục sức cho nhân vật kịch, trung tá Quân cụ Tr., nguyên sinh viên Mỹ Thuật ngày nào bây giờ là trưởng ban đạo cụ liền đem cái tài hoa còn lại của mình sửa chữa mấy đôi bốt hư của cán bộ thành hia cho văn quan, võ tướng nhà Lê , cải biến mấy cái mền dạ cũ màu đỏ, màu xám thành nhung y cho Đinh Đề Lĩnh, cho tướng nhà Thanh. Mấy cái đường kẻ đen trên tấm mền đỏ ngày nào bây giờ dưới bàn tay thần tình của Tr. đã biến thành hoa văn “thủy ba sóng rợn”. Tướng nhà Thanh thì nhung y lẫm liệt, hia mão đàng hoàng. Nhưng khi Đinh Dề Lĩnh, võ quan nhị phẩm triều đình đội mão theo đúng nghi thức thì tôi có ý kiến là Đinh Đề Lĩnh không nên đội mão chỉ nên đội khăn. Đội mão xem ra nó “cải lương” hơn, không truyền thống bằng cái khăn lượt Việt Nam. Đạo diễn Th. già đồng ý. Anh Tr. cũng đồng ý tuy rằng anh rất tiếc chiếc mão “võ quan nhị phẩm” rất công phu của anh.

Trong thành tích trang trí tư dinh của Đinh Đề Lĩnh ngày Tết, anh Tr. đắc ý nhất là 3 chữ đại tự anh viết trên bức hoành phi (bằng giấy): Huyết do hồng. Tr. vừa là nghệ sĩ vừa là trí thức. Th. già và tôi hiểu ý anh, nắm tay anh thông cảm. Thiếu úy Công an Q. người thường xuyên sinh hoạt với chúng tôi một bữa mới hỏi Th. già về ý nghĩa mấy chữ nho này. Th. giải thích: đây là 3 chữ cuối trong vế đối, nhắc lại chiến công chống xâm lược phương Bắc của tiền nhân “Đằng Giang tự cổ Huyết do hồng” (Nước sông Bạch Đằng từ xưa đến nay vẫn còn đỏ máu). Tôi thấy Thiếu úy Q gật gù, ngẫm nghĩ, và từ đó thái độ đối với chúng tôi có khác. Anh em chúng tôi dù sống kiếp tội đồ khổ sở, đói khát nhưng trong công tác văn nghệ này ai củng cố gắng đóng góp một chút gì, để hi vọng nói lên rằng: chúng tôi thua trận, bị cầm tù, bị lăng mạ nhưng chúng tôi có văn hóa theo cách riêng của chúng tôi.

Đã đến ngày 30 Tết, năm Tỵ sắp sang năm Ngọ (1977-1978). Nghe anh em lưu cựu ở đây 1âu nói rằng chưa có bao giờ trại ăn Tết to như thế. Có lệnh của trại trưởng là bao nhiêu tiền quỹ của năm cũ chi cho bằng hết nên Tết đến thịt trên 10 con heo, 1 con bò; tát ao lấy cá chắm, cá chép lên ăn Tết. Mấy vườn su hào cũng nhổ “đại trà” làm dưa. Toàn là món “cao cấp” cho toàn trại, toàn thể tù nhân ăn Tết. Trong 10 năm đi tù cải tạo, tôi ngẫm lại chưa có năm nào, ở đâu được ăn một cái Tết tù như vậy. Ngoài các món ăn, anh em tù nhân còn được lĩnh mỗi người hai bánh chưng, thuốc lá, thuốc lào, và đêm 30 đi xem kịch tất niên về toàn trại còn có cháo lòng bò bồi dưỡng. Nghe phong thanh là sau Tết trại trưởng trung tá Trần Việt sẽ nghỉ hưu nên ông xã cảng “cái gì của tù là trả hết cho tù”.


 

Vài ngôi mộ của những người tù cải tạo.

Bữa tổng dượt có mặt đủ ban Giám thị trại, chương trình của khu A chúng tôi được cán bộ giáo dục Nguyễn Hồng L. chăm chút rất kỹ. Y ta để ý rất nhiều đến những sự “đóng góp” của chúng tôi vào vở kịch, hỏi khá kỹ về câu đối “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng “. Vốn bản tính đa nghi nên y không muốn đưa vào bất cứ điều gì không có trong kịch bản. Ông cụ Việt, có lẽ ông ta là người rộng rãi kiến văn nên ông cụ nói: “Tư dinh một viên võ tướng có tâm hồn với đất nước mà treo bức hoành Đằng Giang tự cổ huyết do hồng thì được lắm. Để đối phó với cường lân phương Bắc lại càng hay nữa .” Nhưng cán bộ giáo dục tỏ ý ngần ngại, khi chúng tôi định hát đoạn đầu của bài Thăng Long Hành Khúc của Văn Cao vào đoạn kết của vở kịch. Nguyên văn trong kịch bản chỉ có “tiếng hô sát của đại quân ta nhỏ dần rồi màn hạ”. Ỏ đây chúng tôi trong hậu trường sẽ hô “sát, sát” đồng loạt rồi hát từ từ nhỏ đến to dần lên “Cùng ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng, trông khói sương chiều ám trên dòng sông. Nhị Hà còn kia Nhị Hà còn đó, lũ quân giặc Tôn sập cầu trôi đầy sông.” Màn từ từ khép và đến đó là dứt kịch. Chúng tôi muốn cho cái “coup de rideaư’ nó thêm sức thuyết phục. Đã thử lại lúc màn hạ này mà không có tiếng đồng ca Thăng Long Hành Khúc ở bên trong. Nó nguội đi nhiều lắm. Cán bộ giáo dục cuối cùng chấp nhận “cách đạo diễn” của chúng tôi nhưng nhất quyết không bằng lòng 2 chữ “giặc Tôn” mà phải đổi ra là nhà Thanh “cho nó rõ nghĩa” (chữ của y ta, bởi vì giặc Tôn có thể liên tưởng đến Tôn Đức Thắng chăng?).

Tối 30 Tết, trại Yên Hạ nôn nả hẳn lên. Mới 7 giờ đêm, mà hội trường đã chật cứng. Phạm nhân khu A ngồi bên phải. Khu B bên trái. Những dãy ghế phía trên là dành cho quan khách, gồm cán bộ khung xã sở tại, huyện ủy Phù Yên, cán bộ Công an và gia đình. Cứ như ý kiến bữa tổng dượt thì đêm 30 Tết, ban Văn nghệ sẽ diễn trong trại. Mồng 4 Tết chúng tôi sẽ ra huyện lỵ Phù Yên diễn cho dân chúng tới xem. Cho nên buổi diễn hôm nay là buổi diễn trong chương trình vui Tết đón Giao thừa, vừa là buổi phúc khảo trước khi ban Văn nghệ “đem chuông đi đấm xứ người”.

Chương trình khu B, bên hình sự được diễn đầu tiên. Cũng đồng ca, đơn ca, một màn kịch ngắn “đánh Mỹ” và kết bằng màn dân ca Quan họ Bắc Ninh. Anh em hình sự chơi chương trình này đã “thuộc” nên đối đáp, tung hứng rất là nhuần nhuyễn. Nhưng vì “bổn cũ soạn lại” nên nó làm cho tù chính trị chúng tôi chăm chú hơn là khán giả sở tại.

Bên hình sự có một ca sĩ tên Ng. hát rất hay, rất kỹ thuật; nghe nói anh ta đã tốt nghiệp thanh nhạc nên hát đâu có thua gì ca sĩ trên đài phát thanh. Ca sĩ bị tù mút mùa vì nghe nói anh mắc tội làm tem, phiếu giả. Kịch “đánh Mỹ” thì không có gì mới. Vẫn theo công thức cũ. “Mỹ cút, ngụy nhào, quân ta kẻ thù nào cũng đánh thắng, khó khăn nào cũng vượt qua”. Nhưng phải công nhận anh em hình sự chơi nhạc cảnh Quan họ “Mời trầu, giã bạn” rất đằm thắm, ý nhị và duyên dáng. Đây là một tiết mục hay. Khi anh em cúi đầu chào khán giả, chúng tôi dù ở trên sân khấu, đang sửa soạn “ra trò” mà chúng tôi cũng không ngừng vỗ tay tán thưởng. Đoàn trưởng đoàn kịch khu B. Quách H., đứng ở cánh gà phía bên kia, đứng nghiêm, để tay lên ngực cúi đầu chào lại chúng tôi như một sự cảm thông cái tình tri âm, tri kỷ.

Có lẽ “cái đinh” của đêm văn nghệ hôm nay đối với khán giả địa phương là Văn nghệ khu A, tù chính trị. Họ chưa bao giờ được biết miền Nam thật sự như thế nào? Miền Nam đã thua, đã tan nát nhưng những tàn dư của miền Nam, lũ tù chính trị chúng tôi, vẫn còn đây. Họ đã được nghe “nhà nước ta” nói rất nhiều về miền Nam, nhưng “trăm nghe sao bằng một thấy”. Văn nghệ, là một thái độ sống. Họ muốn biết thái độ sống của miền Nam thế nào qua những đại diện khốn khổ nhưng trung thực là chúng tôi Chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó nhưng trong tình trạng tù đày, bó buộc như thế này, biết ăn, biết nói làm sao? Thôi thì “sức người có hạn, được đến đâu hay đến đó”.

Qua mấy màn ca nhạc, đồng ca, đơn ca, tôi nghiệm ra là về kỹ thuật, chúng tôi không sánh bằng anh em hình sự. Điều dễ dàng nhận thấy là tù chính trị già hơn, nên hơi hám kém hơn. Nhưng hiệu quả sân khấu thì chưa chắc ai hơn ai. Lấy ví dụ như ca sĩ Văn B . của chúng tôi hát làm sao tốt bằng, khỏe bằng Ng. bên khu B, nhưng khi anh hát xong tiếng vỗ tay có lẽ nhiều hơn, nồng ấm hơn. Ng. hát giọng ngực, lớn, vang nhưng anh hát theo lề lối thường thấy ở ngoài Bắc, không rõ lời. Nhiều khi không biết anh hát cái gì nữa chỉ thấy trước sau giọng ngân vang rền rĩ mà thôi. Còn Văn B. anh là ca sĩ tài tử (ngoài Bắc kêu bằng nghiệp dư, thích thì hát chơi không phải nhà nghề) nên hát bài nào anh phổ tâm tình vào bài hát đó. Anh không trưng bày giọng hát mà như văn nghệ thường thấy ở miền Nam, anh có một tâm sự để mà kể lại. Anh thuộc loại ca sĩ trữ tình (chanteur de charme) không phải ca sĩ Opera như khuynh hướng ngoài Bắc. Cho nên nghe Văn B . ca sĩ miền Nam, hát không giỏi bằng, không khỏe bằng nhưng nó dễ nghe hơn, nó thấm thía hơn, nó con người hơn. Mà cũng có thể vì cách hát của anh khác lạ hơn nên anh được chú ý và tán thưởng.

Tiết mục gây được nhiều tiếng cười sảng khoái là màn tốp ca. Anh em chúng tôi dựng tiết mục này theo lối AVT, nhằm kiếm được nụ cười trong tình trạng tối ám của nhà tù. Mà điều này cũng là một thực tế. Chúng tôi là phạm nhân nhưng trong đời sống chúng tôi vui cười nhiều hơn cán bộ coi tù. Ở ngoài Bắc, hoặc là người ta sống căng thẳng quá hoặc là người ta phải ngụy trang lối sống cho nên phần đông mọi người mặt khó đăm đăm. Đây là bệnh táo bón tinh thần thường thấy nơi xã hội thiếu tự do. Ba bạn Đỗ H., Văn B., Trịnh P. hát hò, đối đáp với nhau thoải mái. “Cái gì nhúc nhích là ta chén liền “. Tiếng cười đồng cảm vang lên. Từ cánh gà nhìn xuống, tiếng cười lan tỏa chỉ có người cau mặt là cán bộ giáo dục…

Màn gây ấn tượng sâu sắc là độc tấu Tây ban cầm. Đây là loại đàn nhiều người chơi. Nhưng tập tành đến nơi đến chốn chơi được nhạc cổ điển hay bán cổ điển thì có rất ít người. Người anh em chơi Tây ban cầm của chúng tôi đã có trên 10 năm cầm đàn. Anh bữa ấy độc tấu một bản bán cổ điển. Một cây đàn Tây ban cầm mà như một dàn nhạc. Có lúc réo rắt như violon, lúc nhảy nhót như mandoline, khi rộn rã như piano, khi trầm hùng như một đoàn quân nhạc đón đoàn chiến binh chiến thắng trở về . Tôi nghĩ đám đông khán giả kia chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa của bài vừa diễn tấu nhưng nhìn bàn tay buông bắt đầy kỹ xảo, nghe âm thanh tiết tấu phong phú, họ hiểu rằng chơi đàn như vậy là một kỳ công. Kỳ công ấy là văn hóa.

Giọt nước mắt người vợ tù cải tạo trong ngày cựu tù Bình Điền họp mặt tại Nam California, ảnh Huy Phương. Hình dưới: triển lãm hình ảnh về trại tù cũ.

 

Bây giờ bắt đầu tiết mục cuối cùng, tiết mục chủ yếu chấm dứt đêm văn nghệ, kịch Lửa Kinh Thành, trung tâm đầu tư công sức của chúng tôi. Tôi nhìn suốt một lượt. Sân khấu đã trang trí chỉnh tề. Diễn viên đã sẵn sàng, đạo cụ đầy đủ. Th. già nhìn tôi. Tôi giơ tay ra dấu sẵn sàng. Trưởng ban đạo cụ kiêm trang trí sân khấu, họa sĩ Tr. đưa cho Th. một thanh gỗ. Rất trịnh trọng Th., nhà đạo diễn giơ cao thanh gỗ nện 3 lần xuống sàn sân khấu. 3 tiếng gõ truyền thống của sân khấu kịch bắt đầu. Màn từ từ mở. Tư dinh quan Đề Lĩnh với hoành phi, câu đối, lộ bộ, cờ hiệu trên án thư, kiếm treo trên tường đã phút chốc đưa người xem về không khí trang trọng và sương kính của thế kỷ 18. Một tràng pháo muộn của đêm mồng 4 Tết từ đâu vẳng lại. Đinh Đề Lĩnh, võ phục uy nghiêm, lưng mang đoản kiếm tiến lại gần án thư, cúi mặt thở dài. Chợt lính hầu khép nép hiện ra chắp tay thưa:

- Bẩm quan, người vừa đi chầu về.

- Có chầu chực gì được đâu. Hoàng thượng còn bận sang hầu Tôn Tổng đốc… Ở nhà có chuyện gì không ?

- Bẩm quan, có ông cụ Triệu mấy lần sang kêu về cỏ ngựa. (Có tiếng i ới bên ngoài vang lên: Quan lớn về chưa ?) Đấy lại có tiếng ông cụ…

- Ra mời ông cụ Triệu vào đây.

(Ông cụ Triệu, ông già chăn ngựa, tập tễnh vì thọt chân, lảo đảo vì say rượu, chầm chậm bước vào).

- Xin kính chào quan lớn.

- À cụ Triệu (giọng độ lượng), Thế nào ? Cụ đã làm lễ tạ ông vải chưa?

- Bẩm quan, các cụ nhà tôi có về đâu mà tiễn. Con cháu còn không đủ ăn lấy gì mà thỉnh các cụ. Bẩm quan, từ ngày Hoàng thượng hồi loan đến giờ, nhờ ơn Hoàng thượng mà cả nước này đói xanh xao cả người ra đấy quan lớn ạ.

Vừa nghe đến đó, cả khối B hình sự như chạm phải một luồng điện, vùng lên vừa vỗ tay vừa cười la ầm ĩ. Qua nửa chương trình, tôi nghiệm ra khán giả khu B thưởng thức văn nghệ rất nhạy bén. Không thích là ồ, là suỵt, là thở dài ào ào, mà thích là vỗ tay là cười la thoải mái. Ở đây kịch vừa mới bắt đầu, động tác chưa “chuyển”, tại sao anh em lại hoan nghênh như vậy? Sau hỏi ra mới biết là chưa có ở đâu dám động đến cái đói thâm căn cố đế của miền Bắc như vậy. Cả nước đói “xanh xao” mà vẫn phải luôn miệng “ơn đảng ơn người”. Đến những cảnh sau, khi động đến sự thối nát của đương triều, sự bạo ngược của đoàn quân họ Tôn là anh em hình sự lại vỗ tay rôm rả. “Cái quân họ Tôn này là nó vừa trí trá vừa ngông cuồng” (vỗ tay). “Tại sao nhà Lê lại có một ông vua ươn hèn như vậy, cõng rắn cắn gà nhà (vỗ tay rất lâu). Người miền Bắc sống dưới một chế độ chuyên chính lâu ngày, đã trở thành một vương quốc nói dối. Không ai dám công khai nói thực ý kiến của mình. Có nói là phải nói gần nói xa, nói cạnh nói khóe. Đói phải nói là no, khổ phải nói là sướng. Đang trong tình trạng ấm ức như thế, ơn đảng ơn người như thế mà bây giờ có người dám nói thẳng ra giữa chốn trù nhân quảng tọa “là từ ngày Hoàng thượng hồi loan đên giờ nhờ ơn Hoàng thượng mà cả nước đói xanh xao cả người ” thì dân hình sự nghe nó sướng quá, nó thỏa mãn quá. Nói đến quân họ Tôn thì họ không nghĩ đến Tôn Sĩ Nghị mà nghĩ đến Tôn Đức Thắng”. Ông vua nhà Lê ươn hèn thối nát họ không nghĩ đến vua Lê Chiêu Thống mà lại nghĩ đến ông “vua” Lê Duẩn đương thời.

Thực tình khi trình diễn chúng tôí không hề có hậu ý đó. Chỉ cốt tìm một kịch lịch sử để cho anh em có chỗ diễn mà thôi, những sự kiện trên hoàn toàn là sự ttùng hợp tình cờ. Nhưng anh em hình sự lại nghĩ chúng tôi cố ý nên khi vở kịch kết thúc là anh em hình sự đứng dậy vỗ tay như pháo nổ, nồi niêu xoong chảo gõ loạn lên, hoan hô kịch liệt. Đội trưởng đội văn nghệ khu B, Quách H. chạy lại nói với Th. và tôi: “Các đàn anh chơi kịch đâu ra đấy” . Mấy chú hình sự “đồng nghiệp văn nghệ” thì chạy lại cõng Đinh Đề Lĩnh, La Sơn Phu Tử mà quay mòng mòng.

Điều làm trại phó Đặng U., cán bộ giáo dục Nguyễn Hồng L. và cán bộ an ninh kiêm chấp pháp Trần M. khó chịu hơn hết là họ muốn qua văn nghệ khu B dạy cho chúng tôi một bài học về văn hóa thì bây giờ chính anh em hình sự sau buổi trình diễn lại càng gần gũi thân thiết với chúng tôi hơn.

Cái vui của đêm văn nghệ không kéo dài được bao lâu. Ngay mồng 2 Tết, còn đang ngày nghỉ, Th. và tôi cùng mấy anh em bên ca nhạc có lệnh đi họp với cán bộ giáo dục, đã nhận được một tin choáng váng “buôỉ diễn hôm mồng 4 Têt ngoài huyện Phù Yên được hủy bỏ. Đội văn nghệ nghiệp dư giải tán ngay sau kỳ nghỉ Têt”. Chúng tôi phải về làm kiểm điểm về “những sai phạm trong công tác văn nghệ”. Ngày mồng 4 Tết trước khi nộp kiểm điểm, Th. và tôi được thiếu úy Q. phụ tá giáo dục, gọi ra nói khẽ: “Trước sau như một, phải cam kết là diễn y như kịch bản, không thay đổi một chữ”. Không hiểu bạn tôi Th, làm kiểm điểm ra sao, riêng tôi cứ y thế thi hành. Có lẽ thiếu úy Q., người đi sát chúng tôi khi tập dượt, phần nào thông cảm chúng tôi sau hơn một tháng trời sát cánh nên chút thiên lương còn lại đã khiến y chỉ cho chúng tôi cái cạm bẫy mà chúng tôi cần tránh. Nếu chúng tôi, trong khả năng thường thấy của đạo diễn, có sửa đổi kịch bản cho nó thêm phần sống động, là chúng tôi có thể bị ghép vào tôi “bôi xấu chế độ có hệ thống” một trọng tội thuộc hàng quan điểm. Thực ra chúng tôi chỉ linh động phần trang trí mà không hề đổi thay kịch bản một chữ nào. Đương sự, phó trại trưởng Đặng U. đã chính thức lên trại trưởng khi Tết ra, cán bộ giáo dục Nguyễn Hồng L., cán bộ an ninh kiêm chấp pháp Trần M. khi đọc lại nguyên văn kịch bản của Trúc Đường chắc cũng nhận ra điều đó. Nhưng người CS vốn luôn luôn cảnh giác, cảnh giác nhiều quá thành đa nghi nên mới “có tật giật mình” như thế.

Sau một tuần lễ kiểm điểm đi kiểm điểm lại, người chịu tội thay cho toàn thể ban văn nghệ khu A là bạn trẻ Đỗ H. bên phần nhạc. Thật ra khi sáng tác ra bản nhạc vui kiểu AVT, nhiều anh em xúm lại cùng làm, trong đó có tôi. Nhưng khi bị cán bộ giáo dục quy tội “bôi bác chế độ” trong câu “cái gì nhúc nhích là ta chén liền” Đỗ H. một mình nhận hết cho anh em. Trong 3 người ca hát AVT, Đỗ H. cũng là người hát duyên dáng nhất, nên bị cán bộ gà mái Nguyễn Hồng L. cho rằng “nhảy dậm giựt phát huy văn hóa đồi trụy”. Tôi thường ngày rất gần gũi Đỗ H., bởi vì H. ngoài việc tính tình khẳng khái, hát giỏi, thơ hay, anh còn là một người “biết sống”. Nửa đùa nửa thật nhiều lúc anh gọi tôi là “ông thầy”. Có miếng khoai củ sắn anh thường chiếu cố đền tôi. Một hôm trời mưa không đi ra ngoài làm được anh cũng “bồi dưỡng” tôi miếng sắn. Tôi thấy rõ ràng sắn khẩu phần của trại đâu phải sắn cải thiện bên ngoài. Cho nên dù luôn luôn đói, tôi không nhận củ sắn H. cho. “Anh cứ ăn đi mà” – “Chú mày coi tao ra làm sao mà lại đi ăn sắn khẩu phần của chú mày cho được”. Đỗ H. đủng đỉnh “Nóỉ thật với anh, H. chỉ ăn môt nửa số sắn trại phát là đủ rồi. Tập cho cái bao tử nó quen đi. Chế độ này nó chỉ giỏi nắm cái bao tử của mình. Mình tập cho bao tử nó teo lại thì dù có bị nắm, nó cũng không ảnh hưởng bao nhiêu. Em thấy ngoài hiện trường anh cuốc hăng quá. Cuốc chút chút thôi chớ”. Nghe xong tôi mới tỉnh ra mà nói: “Thôi chú mày đừng có gọi tao là ông thầy nữa, chú mày mới đúng là ông thầy của tụi tao”.

Người anh em của tôi, Đỗ H. bị lên làm việc trên phòng an ninh chấp pháp liên miên. Đỗ H. có nhắn một người bạn Nguyễn T. La Sơn Phu Tử nói với tôi là bất cứ ở đâu, trong trại ngoài hiện trường đừng gặp Đỗ H., coi như không quen biết. Một buổi sớm mai, Đỗ H. được đi làm trở lại. Đỗ H. gầy rộc, mặt mũi vêu vao, thâm tím. Sau này tôi mới biết, đối với tù chính trị, cán bộ khi cần không có đánh công khai. Gọi lên “làm việc”, đánh kín trong phòng chấp pháp.

*
Từ ngày trại phó Đặng U. lên làm trại trưởng, lũ tù cải tạo chúng tôi gieo neo vất vả hơn nhiều. Khẩu phần ít đi, làm việc nhiều hơn. Làm quần quật ban ngày, đêm còn “ngồi đồng” bình bầu, tự phê, tự kiểm.. . Trời đã sang tháng 3, hoa gạođã bắt đầu nở đỏ, chim “bắt cô trói cột” mà cán bộ bắt chúng tôi gọi là chim “khó khăn khắc phục” đã ra rả ở đầu rừng. Từ khi trại phó Đặng U. lên, tôi được thăng chức làm “phân cục trưởng” chuyên môn đi gánh c… Mỗi buổi sáng, gánh từ trại ra đội rau 3 chuyến là xong. Chuyến cuốì cùng, tắm rửa xong ra về anh em chúng tôi bất ngờ gặp ông cụ Việt, nguyên trại trưởng đang ngồi trên chiếc xe đạp gần nhà kho của trại. “Thưa cụ, cụ từ trên huyện về thăm trại”. – “Vâng, các ông đi làm; tôi về lĩnh chút tem, phiếu”. Ngày ấy chế độ bao cấp còn thịnh hành, người ta sống bằng phiếu gạo, phiếu đường, phiếu sữa, phiếu bột ngọt, phiếu thuốc lá, thuốc lào, v.v… ông cụ Việt chắc chưa chuyển hộ khẩu về huyện Phù Yên nên hàng tháng vẫn phải lên trại lĩnh chút nhu yếu phẩm. Tôi nghĩ vậy.

Nhưng buổi chiều đi làm tôi vẫn gặp ông cụ ngồi trên chiếc xe đạp cũ bên cạnh cửa kho. Chưa ai phát nhu yếu phẩm cho ông cụ, mà cũng không ai mời ông cụ vào nghỉ chân qua lúc ban trưa. Tôi tự nghĩ tại sao cùng là cán bộ với nhau, người ta lại phũ phàng với ông già như vậy? Tôi chợt nhớ đến câu nói của người tù hình sự khi mới về đây “Đang phát động chiến dịch đánh tư sản mại bản nếu bố tôi có bị đi cải tạo tôi cũngphải quên bố tôi luôn, nếu tôi muốn có bát cơm mà ăn “. Sự nghỉ hưu bất ngờ và vội vã của ông cụ Việt có liên hệ gì đến việc ông cụ đối xử tử tế với tù nhân, đến việc ông gọi chúng tôi là “các ông”. Câu hỏi này cứ làm tôi băn khoăn thắc mắc mãi. Bất giác, một người tù khổ sai biệt xứ là tôi lại thấy cảm thương một người cai tù già “cùng một lứa bên trời lận đận “.

Bạn T. “La Sơn Phu Tử” cái thư của bạn làm tôi bồi hồi nao nức về chuyện văn nghệ trong tù 19 năm xưa. Bạn nói là có lúc nào chúng ta gặp lại nhau “chơi” lại cái màn kịch “Lửa Kinh Thành” không nhỉ? Khó lắm bạn ơi. Làm sao người ở lục địa này, người lục địa kia hội họp bên nhau cho được. Lại còn chuyện người còn kẻ mất. “Tướng nhà Thanh”, người bạn Lê Văn Hóa của chúng ta đã đi rồi. Anh mất ở trại Thanh Phong rừng sâu Hạ Lào. Anh cứ phù lên xẹp xuống như “thủy triềư”. Hôm cáng anh lên tuyến trên rồi nghe tin anh mất ở đó, nằm trên cáng mà anh vẫn hát “ò e con ma đánh đu, thằng Tây nhảy dù, Zoro bắn súng”. Người đâu mà lạ. Cười ngoài đời, cười trong tù, cười luôn khi sắp chết.

Bạn nói trong thư “ước gì chúng ta…” Bạn ơi nếu tôi có một điều ước, tôi ước mong cho ngày nào trời đất phong quang, chúng ta được trở về đất nước Việt Nam yêu dấu, muốn đi đâu thì đi. Tôi sẽ đi tới những t’rại tù năm cũ, thăm lại người xưa, thăm lại các bạn tù chúng ta còn nằm lại. Tôi sẽ tới trại Yên Hạ, tới quận Phù Yên hỏi xem ông cụ Việt trại trưởng năm xưa còn sống hay không? Nếu gặp được ông cụ tôi sẽ nầm lấy tay mà nói “Tôi là là cựu tù nhân Yên Hạ đây, cụ còn nhớ tôi không, thưa cụ?”


Phan Lạc Phúc.


Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

 
The

 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.