Mar 29, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Đạo Cao Đài (tiểu luận)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 09:09:16 PM, Jun 22, 2009 * Số lần xem: 3075
Hình ảnh
Võ Doãn Nhẫn
#1


       Gia đình nhà chú chín Cúc lập nghiệp tại thôn Thủy Xưởng làng Phước Hải từ lúc tôi còn rất nhỏ. Sự hiểu biết về gia đình chú chin Cúc của tôi rất đơn giản nghèo nàn, tuy vậy, chúng tôi một chị một em thỉnh thoảng thường đi đò đi qua Thủy Xưởng cốt ý không phải đòi tiền thuê nhà thuê đất ba năm một lần của chú Chín mà cốt ý đi chơi.Một gian nhà tranh vách lá từ thôn Thủy Xưởng rẽ trái độ mươi bước nữa là tới nhà chú Chín Cúc. Ngoài sân không có vườn tược cây trái gì, chỉ mấy lãnh rau trồng xà lách, cải, ngò, hành ta, cà chua, bên cạnh lãnh rau có một giếng nước dùng tưới rau buổi sáng buổi chiều. Cũng bên cạnh giếng nước có một khóm sắn, chú Chín thường đào một ít củ sắn buộc dây chuối đem về nhà, ngoài một ít nải chuối, một ít khoai lang, một trái đu đủ ta còn xanh là món quà duy nhất trong gia đình chú, cuộc sống đạm bạc thanh bần, ngoài gánh rau tươi cải xà lách đem giao cho chợ buổi sáng, chúng tôi không còn biết một nguồn huê lợi nào khác. Nhìn từ trong ra ngoài sân tôi cho là vùng đất của dòng họ tổ tiên, vùng đất tôi nghĩ khu đất thổ mộ, vùng đất chôn cất dòng họ ông bà anh em chú bác( không thấy mồ mả người chết cô dì chú thím), tôi thầm đếm: trước mặt là mộ ông nội tôi, có xây đá tảng, có mộ bia khắc họ tên người chết là tiến sĩ Võ Doãn Tuân, Hiệp Biện Đại học sĩ; bên trái mộ ông nội tôi là mộ bà nội không được xây đá chỉ đắp bằng đất( phải chăng người chết mới mất, mộ còn mới nên mộ không hoặc chưa được xây?). Phía bên phải là mộ của chú Tú được xây bằng đá tảng cẩn thận.Tôi nghe chú Tú mất vì chú không may thi hỏng khoa cử nhân, phiền muộn uất ức sinh bệnh mà thác. Như vậy dòng họ Võ đã cóít nhất một người lận đận trên đường khoa cử. Xa hơn nữa phía bên phải phía cuối của thửa đất thổ mộ là mộ của chú Ấm Sáu cũng được xây bằng đá tảng. Còn một nấm mộ nhỏ nằm bên cạnh gốc me nom có vẻ vuông vắn xinh xắn gọn gàng, đó là nấm mộ của một hài nhi, con trai, mất sớm, con ruột của vợ chồng chú Võ Doãn Thầm, người em chú bác của tôi, con ruột chú Tú không may mất sớm, hài nhi ấy là Võ Doãn Hối. Không ai biết rõ Hối mất vì bệnh gì( tình trạng kiến thức sức khỏe vệ sinh y tế vào thời điểm ấy rất đỗi tồi tệ, cũng như chị Tư Giàu cùng cha khác mẹ của tôi lầm bồn được nửa tháng thì chết vì hậu sản).
Vào độ cuối năm trước Tết Nguyên Đán, gia đình con cháu phải đi tảo mộ ông bà, buổi sáng gò Tràm trước, buổi chiều Thủy Xưởng. Sở dĩ gọi gò Tràm vì địa phận làng Vĩnh Xuân trồng toàn cây tràm. Mỗi khi tảo mộ ông bà xong, chúng tôi rủ nhau hái nấm tràm về nhà nấu canh ăn. Không ai biết mặt mũi hình dáng cây tràm ra sao, tôi chỉ nhớ mang máng nấm tràm tương tự như nấm rơm và chỉ nhớ nấm tràm nấu canh ăn béo ngậy không lấy gì khoái khẩu. Kiến thức sinh vật cây tràm của tôi mù tịt chỉ nghe mơ hồ đại khái trong chương trình Vạn-vật-học lớp đệ lục của giáo sư Hoàng ngọc Khấn. Riêng nhà văn Thảo Trường được tặng free cho không trong một tác phẩm (Rừng Tràm)( thú thật cho đến giờ tôi vẫn chưa biết danh hiệu (rừng Tràm); có lẽ Thảo Trường bị học tập cải tạo sau năm 75 tại mấy tỉnh miền Nam Việt Nam nhiều rừng tràm muỗi mòng rắn rết). Riêng tôi chứng kiến tận mắt ba ngôi mộ: ngôi mộ bà nội đích, ngôi mộ bác Nghè Hai, và ngôi mộ của chị Tư Giàu. Gọi ngôi mộ của bà nội đích bởi đó là ngôi mộ của bà nội lớn. (Đích) là lớn như (đích tôn) là (cháu nội lớn ), cháu nội trai nối dõi tông đường. Riêng bác Nghè Hai, tôi chẳng biết bác là anh ruột hay em ruột của cha tôi và (Nghè Hai ) ở vào tước vị nào, tiến sĩ hay Ông Nghè như Ông Nghè Vân Đình của tiến sĩ Dương Khuê? Tôi không tin ở cấp bằng học vị (ông Nghè ) của bác Nghè Hai; bác Nghè Hai nhiều lắm chỉ được một chức nhỏ ( tập ấm ), con trai tổng đốc Võ Doãn Tuân hàm thượng thư bộ Lễ.
Xin trở lại câu chuyện bỏ dở chú Chín Cúc. Chú trạc độ trên dưới bốn mươi, dáng người tầm thước khỏe mạnh. Y phục thường ngày của chú là một chiếc quần cộc trắng, áo cộc trắng, đầu vấn khăn trắng, đi chân đất. Đối với cha tôi, chú thuộc hàng cấp nhỏ, lúc nào cũng thưa ôngvào ra khuôn phép tôn ti trật tự, vào thưa ra gởi. Mỗi khi chú đến nhà viếng thăm cha tôi, người cũng ôn tồn chuyện vãn và lúc nào chú cũng không quên có chút quà (vi thiềng ): một xâu cua sống chú đào dọc các hang sông rạch, một chim cuốc được nhốt trong một chiếc lồng tre do chú đánh bẫy. MỗI khi chú Chín Cúc tới nhà tôi viếng thăm mang theo một món quà xâu cua con cuốc biếu gia đình là tôi vui rồi, tôi sẽ gặp những món khoái khẩu dành cho bữa cơm. Trong lúc nói chuyện chú Chín Cúc cha tôi, hai người nói chuyện tứ thời bát tiết trời nước trăng mây, tôi lắng để tai nghe ngóng riết rồi cũng chán bởi tuổi thơ như tôi làm sao có thể để tâm chú ý những chuyện quan trọng?
Ngồi trên bộ phản chính giữa gian nhà, tôi đưa mắt nhìn quanh lặng lẽ kín đáo quan sát. Mái tranh vách lá chứng tỏ cuộc sống thanh bần. Trên bàn thờ lúc nào cũng thấy đèn nhang hương khói. Bên trong bàn thờ, tôi thấy một hình dán ngay chính giữa một con mắt. Tôi đưa mắt hỏi chị Đạm, chị khẽ (suỵt) không trả lờI, tôi lặng thinh, không hỏi tiếp. Vợ chú Chín Cúc là một người đàn bà trung niên thật khó đoán tuổi tác, vấn khăn trắng, nếu để ý nhìn tôi thấy thím ấy hỏng mất một mắt. Trên đường về nhà, chị Đạm cho tôi biết gia đình chú Chín Cúc theo đạo Cao Đài, thờ Chúa một mắt. Biết thì biết vậy, nghe thì nghe vậy, tôi nghe đạo Cao Đài như một chuyện xa vời gần như hoang tưởng thần thoại cổ tích.
Kể từ khi theo học ngành bộ môn Triết, tôi cũng có theo học Triết Tây phương, Triết Đông phương, Triết học Ấn Độ gồm Ấn Độ giáo, Phật giáo, tuyệt nhiên không đả động gì tới đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài xuất phát từ đâu, được truyền bá tới những quốc gia nào, tôi biết rất mờ mịt về đạo giáo ấy. Xin thưa ngay: đạo giáo ấy chính là đạo Cao Đài, nhất thiết không phải Lão giáo.
Nhân dịp tham gia thí vụ kỳ thi Tú Tài tại trung tâm thí vụ Đà Nẵng, tôi có ghé chơi tại nhà cô Châu, con gái cậu mợ Thừa. Chồng cô Châu là dượng Phùng, lúc ấy cùng làm hãng Mỹ( dượng Phùng mắc bệnh gan, sau bệnh xơ gan cổ trướng tức ung thư gan, chết vì bệnh ấy). Có một lần dượng lái xe Vespa Standard sản xuất tại Ý cùng tôi rủ nhau đi chơi, địa danh Mỹ Khê, một căn cứ rất lớn của quân đội Mỹ. Cuộc sống gia đình cô Châu dượng Phùng dường như không được hạnh phúc, không khí trong gia đình thường xuyên đôi co cãi cọ cơm không lành canh chẳng ngọt, rốt cục cả hai người đi tới quyết định li dị, tiễn biệt bài thơ (Giây phút chạnh lòng) của nhà thơ Thế Lữ. Trong chuyện riêng tư, cuộc tình duyên Châu-Phùng ban đầu gặp nhiều sóng gió bởi hai người bị gia đình phản đối dữ dội nhưng tình yêu bất chấp mọi phản đối từ mẹ tới cha, từ cậu tới mợ, rốt cục cuộc tình duyên biến thành cuộc hôn nhân. Sau, cô Châu cũng vĩnh biệt ra đi vì cô Châu bị mắc bệnh ung thư. Ung thư phổi hay ung thư vú? Gia đình cậu mợ Thừa vốn giấu kín cái chết còn tương đối trẻ của cô Châu, riêng tôi, tôi vốn nghi ngờ bởi cô Châu nghiện nặng hút thuốc lá, đặc biệt thuốc Cẩm Lệ. Tout homme est mortel.
Thân mẫu của dượng Phùng theo đạo Cao Đài. Một buổi trưa, bà cụ cất lời mời tôi tham dự một bữa cơm trưa. Tôi nghĩ ở nhà sẽ thết đãi tôi một bữa cơm thịnh soạn. Lúc được mời bàn bàn ăn, tôi chỉ vỏn vẹn trông thấy một bát trống rỗng sạch sẽ, một đôi đũa tre đặt bên cạnh một tô nước tương lềnh bềnh ớt tươi xanh đỏ trông khá hấp dẫn, bên trên tô nước tương lập lờ những nửa hột đậu, tôi hỏi:
- Bác làm nước tương để ăn cơm?
- Không, tôi chỉ làm tương để ăn chay.
- Bác làm tương vớI đậu phộng?
Thân mẫu dượng Phùng lắc đầu, cười:
- Không, tôi làm tương bằng đậu nành.
Tôi thấy hơi (quê) trong cung cách hỏi cách làm tương, bèn cố vớt vát hỏi thêm:
- Bác làm tương ngoài để ăn còn để bán?
Lại một lần nữa, nữ tín đồ Cao Đài trả lời:
- Không, tôi chỉ làm tương ở nhà ăn chay tháng này năm nọ, không bán. Trên bàn gỗ tròn, một rổ nhựa nhỏ có bún tươi trắng ngồn ngộn nằm yên trên đó, bữa trưa đơn giản chỉ có thế. Thân mẫu dượng Phùng cho tôi biết bà hiện đang ăn chay( xin nhắc lại, bà vốn theo đạo Cao Đài, tín đồ Cao Đài phải ăn chay một tháng bao nhiêu ngày, tôi không biết, tôi chỉ biết đạo Cao Đài đặt chánh điện tại Tòa Thánh Tây Ninh và một chức sắc Cao Đài có hàng giáo phẩm cao nhất là đức hộ pháp Phạm công Tắc, một người đàn ông đội nón ngựa, mang y phục trắng tất tả đi ngang tòa Thánh Thất, hết.
Có thể nói, lần đầu tiên tại nhà họ hàng bà con xa, tôi được ăn một bữa cơm ngon như thế. Khác xa một bữa cơm trắng chỉ với canh rau nấu với tôm tại nhà cô Mai ông Hạnh lão bộc và Lộc trong Nửa Chừng Xuân và cũng chẳng giống bữa cơm rau trong gia đình bà Tú mẹ Thoa lúc Lộc vừa mới bị bắt tại Vĩnh Yên, với Triết trong Hai Buổi Chiều Vàng. Thức ăn chỉ có bún trắng với nước tương đậu nành vậy mà tôi ăn quên no. Có lẽ bởi một phần vì lạ miệng. Có lẽ bởi một phần vì đói bụng. Và cũng có lẽ bởi một phần tôi đã (ăn chay) toàn bún trắng với nước tương do chính thân mẫu của dượng Phùng chế biến sản xuất. Tôi muốn ăn thêm một chén bún nữa nhưng tôi biết tự chế bởi phép lịch sự trong bữa ăn. Tôi hỏi bà thân mẫu khi thấy món nước tương đậu nành vừa cay vừa mặn vừa ngọt rất hạp khẩu vị:
- Bác có phải pha chế thêm nước tương không mà sao vừa món ăn vậy bác?
- Bà cười, lắc đầu:
- Khỏi phải thêm gia vị gì nữa, đường, muối, giấm, bột ngọt, tôi đều pha chế xong hết, chỉ cần đổ nước tương ra chén, dầm thêm một ít ớt nếu muốn ăn cay. Cậu có muốn đem chai tương nước về Nha Trang không, tôi biếu cậu một chai về ăn?
- Thôi, cám ơn bác, đem chai tương về nhà, lỉnh kỉnh trên máy bay, nhân viên phi hành đoàn khám xét phiền phức quá.
Thản hoặc, một đôi lần trong những bữa tiệc thịnh soạn, trong những bữa cơm ngày giỗ ngày Tết, tôi muốn tìm lại hương vị ngày trước với bát bún tươi trắng ngần nước tương đậu nành thơm phức, những cuốn chả giò ram vàng béo ngậy xèo xèo nổi tăm, những đùi gà mái nghẹ rô ti vàng lượm, nhưng vô ích, mùi hương vị đã xa chạy cao bay cánh hồng bay bổng.
Đạo Cao Đài là một kết hợp thuần túy Việt Nam từ khái niệm Khổng giáo, Lão giáo, theo đuổi về nghiệp và một phục hồi Phật giáo, nhưng lại theo một tổ chức hàng giáo phẩm theo Gia Tô giáo La Mã, trước đây được khai sáng vào năm 1926 bởi ông Ngô minh Chiêu, một quận trưởng hành chính thuộc địa Đông Dươngtỉnh Phú Quốc. Phong trào bị đàn áp bởi chính quyền Việt Minh và bị mất toàn bộ miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Ông Ngô minh Chiêu là người trách nhiệm khai sáng đạo Cao Đài.
Nguồn gốc đầu tiên của vũ trụ là đấng Tạo Hóa, sau đó đấng Tạo Hóa sinh ra cây cỏ, sau sinh ra loài cầm thú, cuối cùng sinh loài người. Nếu được tu hành rèn luyện chu đáo đến nơi đến chốn, con người sẽ được trở về với Thượng đế tức con người sẽ đạt được tới cảnh giới (Chư Thiên), tức những cảnh tiên mà con người trước đây đã khổ tu. Ngọc Hoàng Thượng đế Nam Phương giáo chủ Cao Đài Tiên Ông, Đại Bồ Tát, Ma Ha Tát, theo lệnh đức Chí Tôn môn phái này xưng danh là (Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) thờ (Thiên Nhãn) đây hoàn toàn không phải là ( thiên thủ thiên nhãn vô ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, nghìn tay nghìn mắt trong kinh Chú Đại Bi à nghen), là Mắt Trời, chỉ cần Một có thể thông suốt nhìn thấy tất cả vạn vật vô thủy vô chung trăm muôn nghìn kiếp quá khứ lẫn vị lai. Chính vì vậy mà (Thiên Nhãn) còn được mệnh danh là thần Hiểu Biết, làm biểu hiệu cho Đạo và được đặc ân dùng Cơ Bút( tức Đại Ngọc Cơ) làm phương thức để thừa tiếp những giáo lý của Thiêng Liêng. Tín đồ, tùy theo trình độ tu hành hoặc thủ trai kỳ, hoặc tứ thời cúng kiến hay tứ thời tinh luyện, phải tự khép mình vào ba phép hành trì:
Tiêu chuẩn nghiêm nhặt của Khổng Nho,
Thuyết Từ Bi và lý luận siêu hình của Thích giáo,
Pháp qui đạo đức và học thuyết vô vi của Lão phái.
Ở cõi (Chư Thiên), có hằng hà sa số những thực hữu siêu việt sau khi được tu luyện để trở về Thượng Đế, tỉ như đức Jésus Christ, đức Phật A Di Đà, đức Thích Ca, đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Khương Tử Nha, đức Khổng Tử, Lã Vọng, Cát Hồng, vân vân. Xin hỏi một câu thắc mắc nghe như có thành kiến kỳ thị phân biệt tôn giáo. Tại chùa Tây Lai, một chùa về phía bắc tiểu bang California. Chùa Tây Lai có một số quyển sổ nhỏ, mục đích giới thiệu khách thập phương hoặc tín đồ biết rõ hơn lai lịch của chùa, như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Phật Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát nhưng tuyệt nhiênvắng bóng Phật Thích Ca Mâu Ni không một câu một lời giới thiệu công đức thành quả của đức Như Lai. Xin nhắc lại: chùa Tây Lai là một chùa Tàu. Cũng vậy, trong máy đọc kinh điều khiển bằng pin, có một số tu sĩ đọc kinh bằng nhạc trong mục (Nam Mô A Di Đà Phật) ( Nhạc), đọc kinh gồm tu sĩ và những tín đồ theo Phật giáo trong mục (Nam mô A Di Đà Phật), ở đây không còn là hát ca nữa mà là niệm. Riêng trong mục ( Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm )gồm các nhà sư và những nữ tín đồ đồng loạt ca hát, tuyệt nhiên không có mục ( Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật ), hoặc niệm hoặc ca hoặc hát. Lại một lần nữa, máy niệm Phật được sản xuất và phân phối ở chùa Tàu. Thật chua xót và thật mỉa mai khi có những người phân biệt kỳ thị tôn giáo như vậy! Nói cho cùng. đức Như Lai có lẽ không cần những y kiến thiển cận như vậy, bởi Ngài là giáo chủ của Tâm Kinh Bát Nhã: ( Quán tự tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách ).
Một khi đã luyện tập khổ tu trải bao gian khổ, tín đồ Cao Đài có thể (trở về Thượng Đế), tức trở về với Đạo, nguyên ủy của Lão giáo, sống hồn nhiên với Thiên Nhiên ngây thơ, một phong cảnh xa xưa từ thời thái cổ khai thiên lập địa, tuy nhiên phong cảnh đó không nói gì về cuộc sống mà chỉ muốn nói lên cảnh cô đơn tịch mịch, sự bằng lòng số phận hoàn cảnh, hòa đồng với trời nước cỏ cây, một ý thức về cảnh bé bỏng nhỏ mọn về mình trong vũ trụ bao la, nói khác đi ( sự trở về Thượng Đế ) là một quá trình gian khổ lâu dài tu tiên đã thành đạt. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, từ loài người nếu không tu theo chính pháp lại riêng tu theo vọng niệm, mong muốn thân thể sống mãi không chết thì có thể thành mười thứ tiên, ở những nơi vắng vẻ không người, mười thứ tiên này có thể sống lâu đến ngàn vạn tuổi nhưng cuối cùng phải chết bởi không thể tránh được qui luật( của Tạo Hóa?), hễ có sống thì phải có chết.
Sau đây là mười thứ tu tiên của kinh Thủ Lăng Nghiêm cho biết. Theo thiển ý về trình độ kiến thức Phật giáo còn quá thiển cận hạn chế, tôi nghĩ mười phép tu tiên cũng là những pháp thuật tu tiên của giáo phái Cao Đài và cũng là những pháp thuật tu tiên của Lão giáo.
1.-Các chúng sinh kia, kiên cố dung đồ bổ mà không ngừng nghỉ, khi đạo ăn được thành tựu thì gọi là Địa-hành-tiên.
2.- Kiên cố dùng cỏ cây mà không ngừng nghỉ, khi đạo thuốc được thành tựu thì gọi là Phi-hành-tiên.
3.- Kiên cố dùng kim thạch mà không ngừng nghỉ, khi đạo hóa chất được thành tựu thì gọi là Du-hành-tiên.
4.- Kiên cố làm những động tác mà không ngừng nghỉ, khi tinh khí được thành tựu thì gọi là Không-hành-tiên.
5.- Kiên cố luyện nước bọt mà không ngừng nghỉ, khi nhuận đức được thành tựu thì gọi là Thiên-hành-tiên.
6.- Kiên cố hấp thụ tinh hoa mà không ngừng nghỉ, khi hấp thụ được thành tựu thì gọI là Không-hành-tiên.
7.- Kiên cố thuật phù chú mà không ngừng nghỉ, khi thuật pháp được thành tựu thì gọi là Đạo-hành-tiên.
8.- Kiên cố luyện tâm niệm mà không ngừng nghỉ, khi chuyên niệm được thành tựu thì gọi là Chiếu-hành-tiên.
9.- Kiên cố thủy hỏa giao cấu khi cảm ứng mà không ngừng nghỉ, khi thủy hỏa được thành tựu thì gọi là Tinh-hành-tiên.
10.- Kiên cố luyện tập biến hóa khi giác ngộ mà không ngừng nghỉ, khi giác ngộ được thành tựu thì gọi là Tuyệt-hành-tiên.
Tóm tắt: một khi luyện pháp thuật được thành tiên rồi, dù là đạo Cao Đài hay đạo Lão, tiên đồng, tiên nữ, tiên bà hoặc tiên ông sau cùng cũng phải chết như một qui luật tất yếu./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.