Dec 04, 2024

Biên khảo

Đông Kinh Nghĩa Thục
Nguyễn Minh Thanh * đăng lúc 09:45:47 AM, Mar 22, 2024 * Số lần xem: 176

 

    *      
 
  Đông Kinh Nghĩa Thục



Hồi Tiểu Học, còn nhớ " Bài Học Thuộc Lòng " trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư như vầy:

Đông Kinh Nghĩa Thục
Thuở xưa kia có một trường
Đầu công dãn lối chỉ đườg giáo dân
Đông Kinh Nghĩa Thục canh tân
Mở mang Dân Trí đở nâng Dân Lành
Ai là người đã lập thành:
Ngọc Can, Quyền Kế... lưu danh sử vàng
Noi gương nước bạn Phù Tang
Thư hùng một trận Nga Hoàng dửng dưng
Noi gương Âu Mỹ liệt cường
Năm Châu tiến bước trên đường văn minh
Chí mong đắp lũy bồi thành
Chí mong quật khởi đua tranh với đời
Đòi phen đội đá vá trời...
                ( Khuyết danh )

 I - Lược Sử ĐKNT:

Vào thời kỳ chống thực dân Pháp đầu thế kỷ XX, Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời năm 1907. Mục đích công khai là truyền bá tri thức khoa học, phát triển văn hoá dân tộc, cổ động lòng yêu nước.

Sự kiện bắt đầu từ Hệ Tư Tưởng: - Khai dân trí, - Chấn dân khí, - Hậu dân sinh của Ô. Phan Chu Trinh. Tư Tưởng mà Ô. đã tham khảo kinh nghiệm của Khánh Ứng Nghĩa Thục Nhựt Bản. Và các sĩ phu Việt Nam đã khai dụng Tư Tưởng ấy thành lập Đông Kinh nghĩa thục.

Về ý nghĩa tên gọi “Đông Kinh” chính là tên của kinh thành Thăng Long ngày xưa, “Nghĩa Thục” là trường chuyên dạy việc nghĩa.

Vào tháng 3 năm 1907, các sĩ phu yêu nước có cùng chí hướng với Phan Bội Châu như Lương Ngọc Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành v.v... bắt đầu mở Đông Kinh Nghĩa thục, đặt trụ sở tại số 4  ( nhà của cụ Lương Ngọc Can ) và số 10 phố Hàng Đào - Hà Nội.

Trường đặt dưới quyền điều khiển của Ô.Lương Ngọc Can làm Hiệu Trưởng, Ô. Nguyễn Quyền làm Giám học.

Để tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp, trường mời thêm Ô. Nguyễn Văn Vĩnh, người được Pháp tin cậy vào ban sáng lập. Trường có một trụ sở chính làm nơi thường trực và chỗ ở cho một số học sinh quá nghèo. Lớp học là các đình, chùa hoặc nhà rộng mượn của tư nhân.

Có bốn ban : Giáo Dục, Cổ Động, Trước Tác, Tài Chánh

A - Ban Giáo Dục:
- Hán văn: Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí...
- Việt văn, Pháp văn:Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học...

Về tài liệu giáo khoa:
- Hán học, thì học tân thư Trung Quốc, sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu.
- Quốc ngữ là các bài tự soạn của các giáo viên, dạy những kiến thức căn bản về đất nước, về lịch sử Việt Nam.

B - Ban Cổ Động, Diễn Thuyết:hai tờ báo Đăng cổ Tùng báo, Đại Việt Tân báo... Các diễn giả: Phan Chu Trinh...

C - Ban Trước Tác: Để truyền bá tư tưởng đổi mới, trường phát hành nhiều sách giáo khoa như là Tân đính Luân lý Giáo khoa thư, Văn minh Tân học sách, Quốc dân độc bản, Nam quốc địa dư, Cải lương mông học Quốc sử Giáo khoa thư.
Nhờ Đông Kinh Nghĩa Thục mà tiếng Việt hiện đại đã có thêm nhiều từ mới.

D - Ban Tài Chánh:
Trường không thu học phí, giáo viên ban đầu cũng không có lương. Kinh phí trường dựa vào các khoản ủng hộ của các hội viên và những người hảo tâm yêu nước, cũng như các khoản đóng góp tự nguyện của học sinh.

Theo cụ Lê Đại, một hội viên sáng lập của trường, phụ trách Ban Tài chính, "Ấy vậy, có lúc nhà trường đứng ra thu tiền ủng hộ không xuể".

Ban Tài chính còn chịu trách nhiệm mở các tiệm buôn bán và kinh doanh nhằm khuếch trương thực nghiệp, cổ động cải cách kinh doanh, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho trường. Sau này kinh phí dồi dào, trường cấp miễn phí giấy bút cho học sinh và trả giáo viên một số lương tượng trưng nhỏ.

II - Mục Đích: Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời năm 1907.

Mục đích công khai là truyền bá tri thức khoa học, phát triển văn hoá dân tộc, cổ động lòng yêu nước.

Muốn Phát Triển Văn Hoá thì phải Phổ Cập Giáo Dục, mà muốn Phổ Cập Giáo Dục thì phải dùng chữ Quốc ngữ.

Chữ Quốc Ngữ được ứng dụng từ đời vua Thành Thái  năm 1906. Đến năm  1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng chữ quốc ngữ thay hẳn cho chữ Hán.

Trong sách “Văn Minh Tân Học sách”, cuốn sách có tính cương lĩnh của ĐKNT viết: “Người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc Ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong một thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con đều biết chữ và có thể dùng … Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy.”

Mười năm sau năm 1917, học giả Phạm Quỳnh còn nhận định: chữ Quốc ngữ là công cụ giải phóng trí tuệ người Việt.

Song, ĐKNT không chỉ là một trường học. Mà thực chất là một phong trào cách mạng yêu nước nhằm mục đích giải phóng xã hội và dân tộc khỏi ách phong kiến và thực dân.

Cao trào yêu nước ĐKNT chứng tỏ Việt Nam là nước châu Á đầu tiên đi theo con đường Duy tân của Nhựt, tiếp thu văn minh phương Tây, rồi dùng giáo dục để nâng cao dân trí quốc dân, cải cách xã hội, nhằm thực hiện dân giàu nước mạnh.
Cuộc cách mạng Giáo Dục do ĐKNT tiến hành đã viết nên một trang sáng ngời trong lịch sử Giáo Dục nước ta.

Đông Kinh nghĩa thục thành lập chưa được bao lâu thì sự ảnh hưởng tư tưởng và mô hình Nghĩa Thục đã lan rộng ra nhiều địa phương. Có khoảng 40 trường theo mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục.

Đồng thời, ĐKNTcũng là nơi dạy dỗ rất nhiều sĩ phu yêu nước trong thời kỳ chống Pháp.

Nhưng, tiếc thay muôn vàn. Muôn vàn tiếc thay...
Ban đầu, nhà cằm quyền Pháp cho phép cho Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động hợp pháp.

Về sau họ thấy ĐKNT là một mối nguy đối với chế độ thuộc địa. Vào tháng 11 năm 1907 trường bị nhà cằm quyền thực dân Pháp buộc phải giải tán, và đầu năm 1908 họ cấm việc hội họp diễn thuyết.

Trường bắt đầu tháng 3 - 1907 đến tháng  11 - 1907 thì bị thực dân đóng cửa...!!

III - Cảm Khái cuả người biên soạn:

Cụ Phan Bội Châu có bài thơ:

Tuyệt Mệnh Thi

Thống khốc giang san dữ quốc dân,
Ngu trung vô kế cực trầm luân.
Thử tâm vị liễu thân tiên liễu,
Tu hướng tuyền đài diện cố nhân.


Thơ Tuyệt Mệnh

Thương khóc non sông với quốc dân,
Tài hèn không giải được trầm luân.
Lòng đây chưa thỏa thân đà chết,
Thẹn mặt suối vàng gặp cố nhân.
                                   NMT dịch

Qua thơ Cụ Phan, ta thấy xót thương Cụ, bao năm bôn ba công lao hãn mã lo cho quốc dân hầu như tan tành thành sương khóí. Ngoài Cụ Phan ra, còn biết bao sĩ phu, anh thư, hào kiệt cũng đã dày công, song:

" Vận khứ anh hùng ẩm hận đa "

Ngưỡng nhìn lên cao: tầng, tầng... mây trắng tản mác ngậm ngùi...
Đồng thời, nơi rừng thiêng núi Nghĩa Lĩnh Đền Hùng cũng lã chã lá rơi... thương xót cho giống nòi mãi chiụ Nạn Nước dài dằng dặc như dòng Cửu Long giang...

Để kết thúc Sử truyện bi tráng, nơi đây xin gửi lời cảm khái:

Đông Kinh Ngiã Thục

Nghĩa Thục Đông Kinh dốc một lòng
Mở mang dân trí cứu Non Sông
Ngặt vì xâm lược tâm không muốn
Khốn nỗi bạo quyền dạ chẳng mong
Khâm phục quý nhân từng hợp lực
Cảm thương chí sĩ đã hoài công
San hà Bắc Thuộc rồi Nô lệ...
Vùng vẫy chẳng ra khổ giống giồng...!!!

                         Nguyễn Minh Thanh

Viết: - để tưởng niệm công lao của Tiền Nhân:
          " Bôn ba vất vả cả đời lo giúp Nước
           Tận tụy thiết tha dốc sức chỉ cho Dân"
           
          - để nhớ tg " Bài Học Thuộc Lòng " ghi tên.
                        Nguyễn Minh Thanh
                       (GA, Vía Hai Bà 2024)



Đây là Link Góc riêng của  Nguyễn Minh Thanh  trong trang Long Hồ Vĩnh Long, có tất cả 40 sáng tác.

         Nguyễn Minh Thanh  (40)



 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.