Apr 29, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Nghịch Lý Chi Ngôn: Sen Trắng, Con Trâu, Đập Tầm Vông
Nguyễn Minh Thanh * đăng lúc 03:41:36 PM, Jan 29, 2024 * Số lần xem: 114

 


Nghịch Lý Chi Ngôn:

Sen Trắng, Con Trâu, Đập Tầm Vông


🌺 💛 🌺

1 - Sen Trắng Trong Đầm

" Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn."

                           Ca Dao

Là người V N, hầu như, không ai là không biết và không thuộc lòng bài ca dao trên ngay lúc còn tấm bé. Cũng vậy, người viết không nhớ mình đã thuộc ca dao từ khi nào. Có điều, bây giờ, đôi khi nghĩ ngợi mênh mông... chợt thấy có chi không ổn trong bài ca dao, và góp ý...

Điều chắc chắn rằng, Sen sống nhờ Bùn. Phải có Bùn hoa Sen mới sống nỗi. Chỉ có nước mà không Bùn, hoa Sen cũng không sống được. Thế sao người ta lại nói " Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi Bùn ". Vẫn biết đây là câu nói ẩn dụ. Nhưng không thể nói như vậy. Tỉ dụ, anh nhà Giàu ở chung xóm với người Nghèo, cũng không thể nói: " Gần nghèo mà chẳng bị hôi mùi Nghèo ". Và nhớ rằng, ở đây, khi mà anh Giàu ở chung không nhờ vả xóm nhà Nghèo chi cả. Ngược lại, với Sen, Sen được xanh tươi và đem hương cho đời là nhờ có Bùn. Sao phát ngôn như vậy, nghe rất ư là " Phản Bội ".

Mà, làm người phản bội, thì tệ quá, quá tệ...!!
Trong Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, nhân vật Vi Tiểu Bảo xuất thân nơi kỹ viện thành Dương Châu.... Lớn lên làm đại quan, cận thần vua Khang Hi... Có bao giờ nói " Gần Bùn mà chẳng hôi tanh mùi Bùn ". Trái lại, ông ta hay nhớ, nghĩ... thân phận của mình và mẹ đẻ bà Vi Xuân Hoa là kỹ nữ trong thanh lâu Lệ Xuân Viện.

Với thiển ý nêu trên, người viết, tiện thể xin phép chép lại cho hợp đạo lý, nghĩa lý, tình lý:

" Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Nhờ bùn mới sống thơm danh với đời "
                    Trân trọng, Nguyễn Minh Thanh

 Sen Trắng Thâm Tình

Thấp thoáng bình minh rạng ánh quang
Đầm Sen đua nở tỏa hương ngàn
Trắng tươi màu tuyết đơm bông trắng
Vàng óng sắc tơ thắm nhụy vàng
Xanh biếc lục hà tầng lá trải
Trong ngần bích thủy bóng mây tan
Nước, Bùn hàm dưỡng Sen tinh khiết
Thậm cảm thâm tình dạ nặng mang
                             Nguyễn Minh Thanh

2 - Con Trâu Nghịch Nhĩ

VN ta, nước nông nghiệp nên sự liên hệ giữa người và trâu rất ư mật thiết. Nên chi có quá nhiều ca dao, tuc ngữ để mô tả tình cảm của nông dân với Con Trâu. Tình cảm rất chân thành mộc mạc chan chứa thương yêu và thân thiết:

"Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đâu trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ ngọn lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn"

Hay là:

"Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa..."

Nói cho đúng, liên hệ tình cảm giữa nhà nông và trâu rất đậm đà. Như câu:

“Bao giờ ngọn lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Chứng tỏ nông dân đã lo nghĩ đến sự đói no của trâu, cũng vì thế ta thấy vào mùa không đủ cỏ cho trâu ăn, người ta đã chất những cây rơm (đống rơm) to đùng để dành cho trâu bò, tốt lành thay, tình cảm thay...!!

Tuy nhiên, vẫn có Con Trâu Nghịch Nhĩ, cũng xuất phát từ ca dao về Con Trâu:

"Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao
Ngày nào mầy ở với tao
Bây giờ mầy chết cầm dao xẻ thịt mầy
Thịt mầy xào nấu linh binh
Da mầy làm trống tụng kinh trong chùa
Sừng mầy tao làm con cờ
Cán dao cán mác lược thưa lược dầy
........................................................"

Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi cứ nghĩ vớ vẩn hoài những câu ca dao vừa nêu trên.
Lòng người tệ đến thế ư!! Những tình cảm dành cho Trâu ở những ca dao trong hai phần trước không còn hiện hữu một tí ti nào cả, bị nước lụt cuốn trôi hết rồi chăng? Đồng ý, nông dân nuôi trâu, bò, khi khoẻ mạnh thì dùng vào việc đồng áng, nông tang. Khi có chuyện: tai nạn chết, bịnh... cách giải quyết thực tế của nông dân là: thịt và đánh chén... Nhưng trong trình tự “ cằm dao xẻ thịt mầy”...có vẻ phũ phàng quá vì không phảng phất một chút tình thương cố hữu với Trâu, và rất là cạn tàu ráo máng. Cho nên, nếu như có quyền chỉnh sửa, tôi sẽ đề nghị điều chỉnh bài ca dao đã dẫn như vầy:

"Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao
Ngày nào mầy ở với tao
Mầy chết buồn lắm... cầm dao xẻ mầy
Thịt mầy xào nấu linh binh
Da mầy làm trống tụng kinh trong chùa
(Mong rằng chuông trống sớm trưa
Cho mầy siêu thoát hồn đưa về trời....)

Được vậy mới có cái Tình trong cái Lý, và gọi là “Thông Tình Đạt Lý”, đó cũng là cách giải quyết mọi vấn đề của Ông Bà ta xưa nay.

Nhân đây, xin gởi đến quí độc giả bài thơ Con Trâu của nhà thơ xưa thuộc xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh:

Ông Học Lạc. Ông tên Nguyễn Văn Lạc (1842 - 1915), biệt hiệu Sầm Giang, sinh quán làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho Người đời sau xếp Ô. vào các nhà thơ có khuynh hướng trào phúng, châm biếm: Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến... Để châm biếm những người đương thời bợ đỡ bọn cầm quyền thân Tây, làm tay sai cho giặc Tây, Ô. có bài thơ Con Trâu sau đây:

CON TRÂU

Mài sừng cho lắm cũng là trâu
Ngẫm lại mà coi thật lớn đầu
Trong bụng lam nham ba lá sách
Ngoài cầm lém đém một chòm râu
Mắc mưu đốt đít* tơi bời chạy
Làm lễ bôi chuông** nhớn nhác sầu
Nghé ngọ già đầu quen nghé ngọ
Năm dây đàn gẩy biết chi đâu
                        HỌC LẠC

*Tướng Điền Đan nước Tề dùng nhiều trâu cho mang giáo mác trên sừng, cột chất cháy ở đuôi trâu. Đúng lúc, lệnh đốt lửa đuôi trâu. Trâu nóng đít chạy sảng vào giặc và phá tan hàng ngũ giặc.

** Để cho chuông ngân được xa, người xưa giết trâu lấy máu tô chuông mới đúc.
  Và sau đây, bài thơ hoà vận " Con Trâu" của Ô. H.L. và bài thơ " Con Trâu Phục Vụ" của người viết:

CON TRÂU

Nông dân cần thiết nhất: đôi trâu
Mưa nắng công lao tạo bước đầu
Dưới nước bừa lung rầu mỏi cẳng
Trên bờ cày ruộng mệt phờ râu
Tan đàn kiếm bạn la inh ỏi
Lạc nghé tìm con rống thảm sầu
Ăn cỏ ngoài đồng không tốn kém
Thế mà công trả: đáng gì đâu...!!
                        NGUYỄN MINH THANH kính hoạ


CON TRÂU PHỤC VỤ

Tự cổ loài trâu vẫn lớn đầu
Quanh năm đồng áng với nương dâu
Mặt mày lem luốc bao ruồi đậu
Chân cẳng sần sùi lắm đỉa bâu
Tuy chẳng vẻ vang, lừng bốn biển
Nhưng mà lợi lộc, khắp năm châu
Cả đời phục vụ cho nông nghiệp
Trong việc cày bừa chốn ruộng sâu..!

      NGUYỄN MINH THANH
         ( Tết Kỷ Sửu - 09 )

3 - Đập Tầm Vông, Lạm Ngữ Chi Ngôn

"Tập tầm vông,
Chị lấy chồng,
Em ở giá.
Chị ăn cá,
Em mút xương.
Chị nằm giường,
Em nằm đất.
Chị hút mật,
Em liếm ve.
Chị ăn chè,
Em liếm bát.
Chị coi hát,
Em vỗ tay.
Chị ăn mày,
Em xách bị.
Chị làm đĩ,
Em xỏ tiền.
Chị đi thuyền,
Em đi bộ.
Chị kéo gỗ,
Em lợp nhà.
Chị trồng cà,
Em trồng bí.
Chị tuổi Tí,
Em tuổi Thân.
Chị tuổi Dần
Em tuổi Mẹo.
Chị kéo kẹo,
Em đòi ăn
Chị lăng xăng
Em ăn hết..."

Bài Đồng dao trên, có chỗ đáng nói " chị làm đĩ ", không ổn. Vì là đồng dao, cho nhi đồng hát chơi mà có chữ " khó giải " cho trẻ thơ hiểu, nếu có cháu hỏi: - " làm đĩ " là làm gì vậy Mẹ? Phụ, mẫu biết trả lời làm sao? Đây chính là " Lạm Ngữ Chi Ngôn " . Nên, xin sửa lại là " Chị làm khỉ ( làm trò khỉ ) " phải hơn.

  Nguyễn Mih Thanh (GA, 10 - 10 - 2023)


*

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.