Apr 29, 2024

Tùy bút - Bút ký

Mùa Thu Trên Cao
Hạ Quốc Huy * đăng lúc 08:26:09 AM, Jan 07, 2024 * Số lần xem: 263
Hình ảnh
#1

 

 


MÙA THU TRÊN CAO
Hạ Quốc Huy

Hình bìa cuốn Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, tái bản lần thứ 4 là họa phẩm "Mùa Thu Trên Cao" của họa sĩ Hạ Quốc Huy vẽ khi còn đang học năm thứ 2 Quốc Gia Mỹ Thuật Huế.

Bức nầy đã triển lãm nhiều lần. Lần nào cũng có những nhà sưu tập hỏi mua. Nhưng không bán, vì muốn dành riêng cho Mẹ.
 
Lâu quá mới thấy lại họa phẩm của mình. Xin cảm ơn tất cả.

Năm 1969, Giám Đốc trường QGMT Huế cử tôi vào học khóa Sư phạm Hội Họa và Điêu Khắc ở trường Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn. Khóa nầy chỉ dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp một trong hai trường Quốc Gia Mỹ Thuật Huế hoặc Sài Gòn.

Vì nhu cầu cung cấp giáo sư hội họa cho các trường trung học, Bộ Văn Hóa Giáo Dục phải mở lại khóa, sau 7 năm đình chỉ. Tôi may mắn tốt nghiệp... thủ khoa.
Ngày đó cũng đã có chút hình danh. Rời Huế vào Sài Gòn nhập học là Tôi được mời triển lãm tranh ngay. Mỗi tuần một bức ở quán Cafe Thằng Bờm.
 
Cafe Thằng Bờm là tụ điểm của hầu hết những tay cộm cán trong sinh hoạt văn nghệ, đã và sau nầy.
Chủ quán cafe Thằng Bờm là một tổ hợp những anh chị em sinh viên đã đưa Trịnh Công Sơn đàn thùng, Khánh Ly chân đất đến với quần chúng, tại sân trường Đại học Văn Khoa SG.  

Khi nơi nầy đập phá để xây Thư viện Quốc Gia thì một số họ kéo về đường Đề Thám, mở quán cafe Thằng Bờm.


Thằng Bờm có cái quạt mo. Phú ông xin đổi ba bò chín trâu. Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu. Chỉ xin lấy tạm một xâu... đờn bà.

Mỗi tối thứ bảy quán có chương trình thơ nhạc sống. Quán mời một nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ Sài Gòn.

Tôi thấy nhiều lần Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Nghĩa (tay sáo số 1 của VNCH), Nguyễn Đức Quang, Vũ Thành An, Thụy Vũ, Nguyễn Hoàng Đoan (chồng Khánh Ly sau nầy), Trùng Dương và Chu Tử báo Sống, Đỗ Ngọc Yến (chủ nhiệm báo Người Việt ở California sau 1975), một số trưởng Du ca, Vĩnh Điện v.v... và nhiều tên tuổi danh giá về thơ văn họa nhạc, ký giả, báo chí khác.

Cũng ở tại Thằng Bờm. Chiều chiều Đại Đức Tuệ Sỹ ngồi xe Bus từ Đại học Vạn Hạnh xuống. Bên ly cafe, ông chờ tôi từ trường Quốc Gia Mỹ Thuật bên Gia Định xong lớp chạy về.

Chuyện hơn nửa thế kỷ trước có nhà sư trẻ áo lam, lãng du với chàng thư sinh công tử bụi. Chiều chiều gặp nhau cà kê dê ngỗng như một hạnh ngộ kiếp nào.
Tôi không quên lần ông xin với Thượng Tọa Viện Trưởng Đại học Vạn Hạnh dành cho tôi một phòng cạnh phòng ông, khi tôi chưa tìm ra nhà mướn.

Tôi cũng nhớ khi vừa mới gặp lại, ông đưa vô hiệu sách trong khuôn viên Đại học Vạn Hạnh, với tay lên kệ sách lấy quyển 6 Cửa Vào Động Thiếu Thất của ông mới in. Ký tên tặng tôi. Rồi nắm tay tôi đi ra. Tưởng ông quên trả tiền. Tôi vội móc túi lấy tiền định trả cho hiệu. Ông cười, khoát tay kéo đi.

Rồi tôi khoác chinh y. Từ đó đến nay chúng tôi không còn dịp gặp nhau. Rồi lao lý tù đày. Rồi Tôi vượt ngục tiếp tục hành trình của mình.

Đại Đức ngày xưa thỉnh thoảng dúi vào tay tôi một gói thuốc Con Mèo không đầu lọc. Đại Đức nói của Mẹ ở bên Lào mua gởi cho, ở bển thuốc lá không bị thuế.
Nay ngài trở nên đại Tăng Thống Phật Giáo VN. Hùng tâm lẫy lừng. Lòng gan dạ sắt. Vững như thiên sơn với lời thơ bát ngát bao la, hồn nhiên phảng phất đôi dòng hệ lụy trần gian.

Không biết ngài có còn nghĩ tới Tôi không? Riêng tôi vẫn nhớ Tuệ Sỹ nhỏ nhẹ từ tốn ngày nào cùng rong chơi ở Huế 1967. Cùng về Đà Nẵng dùng những bữa cơm chay đạm bạc ở nhà do Mẹ Tôi bếp núc mời bạn con mình.

Gặp nhau được là một ân duyên từ trùng trùng kiếp kiếp tạo nên.
Người đạo, kẻ đời, rõ ràng minh bạch chia đôi giới tuyến với bạo quyền.
Chung cuộc tất cả chỉ là bụi thôi. Những hạt bụi cùng phận trầm luân nghiệt ngã của trần gian sau cơn dâu bể, vật đổi sao dời...
Nhân vật chính sau khi trình diễn, cuối chương trình Thằng Bờm mời lên tặng một cái quạt mo kỷ niệm. Với thủ bút nhờ họa sĩ HQH viết giùm tên nghệ sĩ nhận. Nếu đêm đó tôi có mặt.

Khi tôi mãn khóa SPHH & ĐK. Nhận bằng tốt nghiệp từ Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, cũng là lúc đang triển lãm bức Bia Đá Quê Hương tại quán Thằng Bờm.
Bỏ bức tranh lại. Giã từ đời thư sinh. Tôi tình nguyện vào cuộc chiến, thay vì nhận Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm đến dạy một trường nào đó.
Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc được tổ chức năm đầu tiên. Chủ quán tự động mang Bia Đá Quê Hương đi dự tranh. Tôi đang ở Quân trường. Không hề biết chuyện nầy.

Tôi may mắn chiếm giải. Được mời vô Dinh Độc Lập nhận Huy chương và Bằng Danh Dự từ tay Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. (Bia Đá Quê Hương là bức đầu tiên tôi đoạt giải, mở đầu cho những lần đoạt giải liên tiếp những năm sau). Khi ấy tôi đang còn là một Tân Khóa Sinh ná thở trong thời gian 8 tuần huấn nhục đày đọa thân xác tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.

Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Câu châm ngôn dạy những người con yêu của tổ quốc mà tương lai là những cấp chỉ huy. Sẵn sàng bảo vệ quê hương khi xuống núi. Chúng tôi nằm lòng.

Buổi chiều đến Tăng Nhơn Phú
Hành trang nhiều trong xắc quân trang
Cha chợt khóc khi thấy mình ốm yếu
Nước mắt trào ra. Tội nghiệp bộ áo Cha mang

Vũ đình trường tiếng chân xô giạt
Cha gầy gò, cũng ra sức đua chen
Quân trang nặng không hơn xiềng xích
Ngửa mặt cười. Trời hào khí bốc lên

Tăng Nhơn Phú. Vùng trú ẩn tang bồng phiêu hốt
Cha gầm gừ như hổ dữ rừng cao
Mai nầy Cha đi tám hướng sông hồ
Khói súng nồng. Chiến đấu. Bảo vệ giang sơn

Tăng Nhơn Phú trên cao đầy luyến nhớ
Mắt âm thầm. Bao mắt vọng mờ trông
Ra đi từ độ thu tàn cuộc
Lớp lớp xong rồi, lớp lớp theo.

(KHI Ở TĂNG NHƠN PHÚ. thơ Hạ Quốc Huy đăng trong tạp chí Nguyệt San Bộ Binh Thủ Đức năm 1970, số 49 hay số 50 không nhớ. 2 số báo nầy tranh bìa và phụ bản cũng do Tôi vẽ).

Làm Tân Khóa Sinh thì chưa được mang Alfa trên cổ áo, chưa được thành Sinh Viên Sĩ Quan.

Nhà trường đặc cách gắn Alfa cho tôi được... bảnh bao lính đẹp đi nhận giải. Chắc vì là niềm hãnh diện chung cho trường, có Sinh Viên Sĩ Quan đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống VNCH.
 
Hình như ở cafe Thằng Bờm hay một giới thiệu nào khác không nhớ. Tôi gặp nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Bà mời Tôi vẽ cho nhà xuất bản sách nhi đồng của bà.
Tên tuổi bà thời đó nổi như cồn với Vòng Tay Học Trò. Hình ảnh còn trong tôi là make up đậm và... có nhan sắc. Dáng cao, quý phái đài các của người phụ nữ đất Thần Kinh.
 
Và hình như còn có thêm hình ảnh lãng mạn đa tình... đa đoan trong dung nhan kia.

Tôi vẽ một số tranh mẫu bằng bút sắt trên giấy, biểu diễn đường nét phóng túng của mình. Vẽ theo lối sáng tác, không vẽ theo trường phái tả thực.
Bà và phu quân là nhà văn Nguyễn Phúc Bửu Sum trầm trồ khen đẹp, thích lắm. Nhưng những nét vẽ bay múa của nghệ thuật có tầm... không phù hợp với tranh truyện thiếu nhi.

Tôi có thể vẽ tả thực dễ dàng theo khung yêu cầu của truyện. Nhưng không mấy tha thiết, một phần vì bài vở, sáng tác ở trường dày đặc, chiếm hết thì giờ. Một phần cũng không cần thiết phải kiếm thêm tiền vì Mẹ Tôi cho đầy đủ dư xài.
Tôi khoe bà một số photo chụp những tranh sơn dầu đã triển lãm ở Huế và ĐN. Trong đó có bức Mùa Thu Trên Cao, Huyền Sử An Dương Vương, Di Vật, Khỏa Thân Khóc, Tráng sĩ và Trăng, Tĩnh Vật Lêu Bêu, Vùng Yên Nghỉ Phiền Muộn, v.v...
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đặc biệt thích bức Mùa Thu Trên Cao. Vẽ một thiếu nữ tóc ngắn sau lưng là đồi cao với những giải sương mù, chiếc lá vàng rơi.
Bà nói hình ảnh phù hợp với người nữ trong Vòng Tay Học Trò của bà.
Vòng Tay Học Trò thu hút độc giả từ khi mới đăng từng kỳ trên tạp chí Bách Khoa.

Chỉ với một quyển truyện đầu tay, tên tuổi Nguyễn Thị Hoàng vụt nổi bật trên văn đàn như một xuất hiện rực rỡ, sáng chói.

Khi in ra, trở thành best seller ngay. Trong thời gian ngắn, Vòng Tay Học Trò đã phải tái bản 3 lần vì bán hết sạch. Khi Tôi gặp, bà đã có giấy phép sẵn sàng cho xuất bản lần thứ 4.

Sau nầy nghe nói Vòng Tay Học Trò tái bản đến lần thứ 6, 7 gì đó.
Nhà văn muốn tôi tặng photo bức Mùa Thu Trên Cao làm kỷ niệm.
Thích thì tôi tặng. Vậy thôi.

Tôi không ngờ được nữ sĩ lấy làm bìa cho Vòng Tay Học Trò tái bản lần thứ 4.
Kỷ niệm đẹp và cũng là một vinh dự được góp mặt trong tác phẩm xôn xao dư luận. Tác phẩm nổi bật nhất của bà. Dựng nên tên tuổi một Nguyễn Thị Hoàng nhà văn.
Cách đây chừng vài tháng, một người đẹp khác (cô ấy muốn giấu tên) chụp gởi cho tôi bìa sách nầy. Tiếp đến nhà sưu tập sách Nguyễn Trường Trung Huy cũng gởi cho. NTTH còn cẩn thận gởi kèm trang cuối có in giới thiệu là tranh của họa sĩ Hạ Đình Quốc Huy. Tên tôi ngày xưa.

Tôi nghĩ mình sẽ không đăng lên FB. Vì thấy chẳng có gì ghê gớm. Chỉ là một cái bìa sách thôi. Dầu bìa cho một cuốn rất nổi tiếng.
Hơn nữa kỹ thuật thời đó in tranh bằng bản kẽm đúc, sắp chữ typo. Chỉ lấy một màu xanh đỏ vàng tím gì đó làm nền phông. Bản kẽm tranh in chồng lên. Màu sắc không đúng, chất sơn biến mất. Chi tiết, tông độ đi vào mờ nhạt. Chẳng có gì ra hồn.

Tình cờ thấy trên mạng có bài viết về nhà văn Nguyễn Thị Hoàng với tác phẩm Vòng Tay Học Trò, mà hình bìa lại là họa phẩm của mình đã bị tác giả bài viết cắt đầu, xén đuôi, cắt trái, xén phải bức tranh. Không chữ ký tên tác giả.
Nhờ vậy, mà âu cũng là duyên. Chắc Mùa Thu Trên Cao muốn cả nhà biết tên người sinh ra nàng. Nên tôi share về trang. Nhắc lại để nhớ từ thời xa xưa cũ rích, mình đã góp phần trang điểm cho cái mà sau 1975 bị xem là nền "Văn Hóa Đồi Trụy" cần phải đốt sạch.

Và hoan hô ơi. Nó mới sém sém cháy Mùa Thu Trên Cao của tôi.
--------------------


          Hình minh họa
       share từ FB Hoài Nguyễn
       bài Nguyễn Thị Hoàng và Vòng Tay Học Trò

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Tuệ Sỹ
Lại Gia Định Jan 07, 2024
Trong bài MÙA THU TRÊN CAO, tác giả Hạ Quốc Huy đề cập ngài Tuệ Sỹ và viết: ”Nay ngài trở nên đại Tăng Thống Phật Giáo VN.” Ngài Tuệ Sỹ không là ĐứcTăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, dù được cố Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ khuyến khích ngài Tuệ Sỹ kế nhiệm chức vụ đó.
LGĐ