May 03, 2024

Biên khảo

Danh Tướng Trần Bình Trọng 1259 - 1285
Nguyễn Minh Thanh * đăng lúc 11:20:49 PM, Aug 25, 2023 * Số lần xem: 476
Hình ảnh
#1

 

*              
 
  

Danh Tướng Trần Bình Trọng
                             (1259 - 1285)

 
I - Lược Sử:Tướng Trần Bình Trọng thuộc giòng dõi Lê Đại Hành, gốc người Thanh Hoá.

Cha là Lê Phụ Trần ( Lê Tần ) , mẹ là Lý Chiêu Thánh ( Lý Chiêu Hoàng )
Trận Thiên Mạc:năm 1285, quân Nguyên Mông do Thoát Hoan làm Tổng Tư Lệnh đem 50 vạn quân xâm lăng Đại Việt. Thế giặc mạnh như thác đổ, sau vài trận đánh mở màn, quân Trần thua.

Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cho lui binh về Vạn Kiép (Chí Linh, Hải Dương). Rồi lui dần về Thăng Long, nhưng vẫn không chận đứng được trước sức tấn công vũ bão của quân thù. Hưng Đạo Vương và hai vua Trần Thánh Tôn & Trần Nhân Tôn bèn quyết định rút khỏi Thăng Long, lui binh về Thiên Trường (Nam Định) .

Khúc sông Thiên Mạc là đường huyết mạch nối giữa Thăng Long và Thiên Trường ( Nam Định ). Tướng Trần Bình Trọng được giao trọng trách giữ vùng Thiên Mạc cầm chân quân giặc, để Bộ Chỉ huy Tối Cao kịp thời tháo lui.

Trận Thiên Mạc diễn ra trên bãi sông Thiên Mạc tháng 2 năm 1285.

Theo các nhà chép Sử: Thiên Mạc là trận nhỏ, không cân sức, vì quân Trần rất ít, thế cô; nhưng là trận then chốt và có tầm vóc chiến lược. Vì đã chận đứng bước tiến quân của giặc. Nhờ đó hai Vua và Bộ Chỉ Huy Tối Cao có thời gian rút đi an toàn và rồi sắp đặt kế hoạch tổng phản công về sau.

Dưới sự chỉ huy của dũng tướng TBT, đạo quân Thánh Dực của Ông đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Mặc dù  Ông đã bị giặc bắt và giết đi, vì khẳng khái không hàng giặc.

II - Tài không đợi tuổi: Tục ngữ ta có câu: " Tài không đợi tuổi ".      
Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu với lời thơ:

" Cam La sớm gặp cũng xinh
Muộn mà Khương Tử cũng vinh một đời "

Cam La: người nước Tần thời Chiến Quốc, mưu lược, mới 12 tuổi, đã làm Sứ Thần sang nước Triệu, yêu sách và thành công.

TBT sanh năm 1259. Đến năm 1285 Ông hy sinh trong việc diệt giặc giữ nước với tước Bảo Nghĩa Hầu. Như vậy Ông là viên tướng rất trẻ triều Trần, tuẫn quốc mới 27 tuổi .

Sau đó Ông được truy phong Bảo Nghĩa Vương.

Anh hùng tử khí hùng bất tử: Tướng quân TBT  trọn vẹn trong lời nói của người xưa: " anh hùng tử, khí hùng bất tử ".

Ngoài trận tiền, tài dụng binh thần tốc, hiên ngang anh dũng đương đầu với giặc đông hơn, mạnh hơn rất nhiều.

Trong lúc sa cơ, Ông đã dũng cảm kiên cường đấu trí vơí giặc về việc họ đe doạ để khai thác tin tức 2 Vua Trần, tình hình quân sự... rồi dụ hàng phong vương. Ông đã cự tuyệt  và thản nhiên  nói :" Ta thà làm quỉ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc ".

Câu nói rạng ngời khí phách.  Với người VN, hầu như không ai là không thuộc danh ngôn nầy.

Học giả Phan Kế Bính có bài thơ ngợi khen anh hùng TBT :

Giỏi thay Trần Bình Trọng!
Dòng dõi Lê Đại Hành.
Đánh giặc dư tài mạnh,
Thờ vua một tiết trung.
Bắc vương sống mà nhục,
Nam quỷ thác cũng vinh.
Cứng cỏi lòng trung nghĩa.
Ngàn thu tỏ đại danh.

            Phan Kế Bính

Riêng, hậu sinh với lòng trân trọng ngưỡng vọng Tướng Quân TBT, cũng xin có bài thơ nhỏ để  trải tấc lòng trước anh linh vị anh hùng dân tộc:

Trần Bình Trọng

Nguyên Mông xâm lược nước Rồng Tiên
Sông suối khô nguồn núi cũng nghiêng
Dũng tướng sao đành lòng đứng ngó
Anh hùng đâu nỡ dạ ngồi yên
Binh thư học tập nung hồn Việt
Chiến địa tung hoành đánh giặc Nguyên
Thiên Mạc thế cô sa hổ huyệt
Không hàng. Trăng sáng rạng... trung kiên...

                  Nguyễn Minh Thanh cẩn tác

Ông hy sinh để lại vợ là công chúa Thụy Bảo và con gái là Chiêu Hiền. Chiêu Hiền sau là vợ của Trần Anh Tông và là mẹ của vua Trần Minh Tông, vị vua thứ 5 Nhà Trần. Riêng về mẹ Ông, Lý Chiêu Thánh mất khi Ông mới 17 tuổi nên không biết được những hiển hách của con, cháu. Về cha Ông, Lê Phụ Trần không ai rõ năm sanh năm mất.

III - Lời phụ bàn: hùm chết để da người ta chết để tiếng. Câu nói của TBT tồn tại mãi với non sông Lạc Hồng:" Ta tha làm quỉ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc ".

Đó là danh ngôn của người đời xưa.
Còn " Danh ngôn " của người đời nay thì sao ?

Để kết thúc tiểu truyện bi hùng tráng: Danh Tướng Trần Bình Trọng, xin mượn bài thơ " Chết " của cụ Phan Bội Châu:

Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết bởi Đông Chu hồi thất quốc,
Chết vì Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hoá thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.
                          PBC

Nguyễn Minh Thanh kính bút

Phụ chú:
Lê Phụ Trần ( Lê Tần ): có công bảo vệ vua Trần Thái Tôn trong cuộc kháng Nguyên Mông lần thứ Nhứt 1257, được vua gã Lý Chiêu Thánh cho và ban quốc tính
Lý Chiêu Thánh: tức Lý Chiêu Hoàng, vị vua thứ 9 ( cuối cùng ) của Nhà Lý, vợ cũ Trần Thái Tôn ( Trần Cảnh ).
Binh thư: Vạn Kiếp Tông bí truyền  & Hịch Tướng Sĩ của H. Đ. Vương.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.