Thơ Hoàng Hạc Lâu
           Qua Các Sứ Thần V.N.


*  Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Lê Anh Tuấn, Ngô Thời Vị, Phan Thanh Giản.
* Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu Chính Thức Của Thôi Hiệu.
* Lời Phụ Bàn.

I - Thơ Hoàng Hạc Lâu Qua Các Sứ Thần V.N.

  1 -  Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) Danh sĩ đời vua Trần Anh Tông, người Hưng Yên. Năm 1304 đỗ Hoàng Giáp năm 13 tuổi. Năm 1314, 25 tuổi đi sứ nhà Nguyên. Ông có bài Du Hoàng Hạc Lâu:
DU HOÀNG HẠC LÂU
Lữ hoài hà xứ khả tiên ưu,
Hoàng Hạc ky Nam nhất ỷ lâu.
Hạ Khẩu viễn phàm lai biệt phố,
Hán Dương tình thụ cách thương châu.
Lâu tiền ca quản hồi ông túy,
Hạm ngoi yên ba Thái Bạch sầu.
Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo,
Giang san kỳ tuyệt ngã tư du.
                                 Nguyễn Trung Ngạn
Dịch thơ:
    Chơi Lầu Hoàng Hạc
Xa nhà khách lữ mãi bồi hồi
Hoàng Hạc ghềnh Nam đẹp tuyệt vời
Hạ Khẩu buồm xa tầng cánh khuất
Hán Dương cây tạnh bãi sông khơi
Đàn ca trước quán Ông nghiêng ngả
Khói sóng bên hiên Lý ngậm ngùi
Gõ mạnh lan can lòng phấn khởi
Núi sông tuyệt đẹp dạ vui vui.
              Nguyễn Minh Thanh phóng dịch
2 - Lê Quý Đôn (1726-1784), Đi sứ năm 1761 đời Lê Trung Hưng.
HOÀNG HẠC LÂU
Tình Xuyên gác ngoại hựu phương chu,
Hoàng Hạc lâu đầu ức cựu du.
Phương thảo phi quan tiền cổ hận,
Bạch vân hồn tự khứ niên thu.
Thanh sơn lịch lịch như tương thức,
Ngọc địch mang mang bất khả cầu.
Nam vọng gia hương kim giáo cận,
Yên ba giảm khước nhất phân sầu.
                                     Lê Quý Đôn
Dịch thơ:
                Lầu Hoàng Hạc
Tình Xuyên gác ngoại ngắm thuyền đưa
Hoàng Hạc trước lầu nhớ chuyện xưa    
Tha thiết cỏ thơm hồi thuở trước
Ngẩn ngơ mây trắng mấy năm vừa
Núi xanh man mát dường quen cũ
Địch ngọc véo von cảm thấy thừa
Vọng tưởng gia hương đường ngắn lại
Nhớ nhà theo khói giảm... lưa thưa...!!
                   Nguyễn Minh Thanh phóng dịch
 3 - Nguyễn Du (1765 - 1820), tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tỉnh.
Năm 1813 được thăng hàm Cần Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc, làm Chánh sứ.
         Hoàng Hạc lâu
Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì?
Do lưu tiên tích thử giang mi?
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng,
Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi.
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,
Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
                        Nguyễn Du
Dịch thơ:
Lầu Hoàng Hạc
Tiên ông biền biệt tự bao giờ ?
Dấu cũ còn lưu bến ngẩn ngơ !
Mộng tỉnh Lư Sinh đời thấm thoát
Thơ đề Thôi Hạo hạc mờ mờ
Nước mây trắng xóa trông vời vợi
Cây cỏ xanh ươm vẫn phất phơ
Chan chứa lòng thành ai tỏ với
Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ
              Nguyễn Minh Thanh phóng dịch
4 - Phan Huy Ích,
Phan Huy Ích (1751 – 1822), hiệu Dụ Am, là quan đại thần trải ba triều đại Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn.
Ông làm Chánh sứ năm 1790 thời Tây Sơn, đoàn đi có vua giả là Phạm Công Trị, có hoàng tử Nguyễn Quang Thùy.
Khi đi đến Hoàng Hạc Lâu, Phan Huy Ích viết bài thơ HHL gửi về  Binh Bộ Thượng Thư Ngô Thời Nhậm.
Đông kiều: là cầu bắt ngang sông Tô Lịch ở phía Đông thành Thăng Long.
HOÀNG HẠC LÂU  
(Võ Xương dịch thứ phụ Quốc thư  ký Ngô Binh Bộ)
Vạn lý trì khu thủy bán trình,
Phân phân hoa phát đới sầu sinh.
Tình Xuyên các ngoại cô phàm ảnh,
Hoàng Hạc lầu tiền đoản địch thanh.
Hồi ức chi lan đồng chí khí,
Phân giao tảo bút diệc cư hành.
Giang thành nhất phiến đoàn viên nguyệt,
Tưởng diệc Đông kiều nguyệt dạ minh.
                               Phan Huy Ích
Dịch thơ:
   Lầu Hoàng Hạc
( Tại nhà trạm Võ Xương gửi quan Ngô Binh Bộ  )
Nửa đoạn đường đi đã đạt thành
Trắng phơ mái tóc nỗi sầu sanh
Tình Xuyên ngoài gác con buồm lướt
Hoàng Hạc trước lầu tiếng địch thanh
Hồi tưởng cảm thông niềm chí khí
Tâm giao bàn luận chuyện cư hành
Sông trăng lồng lộng ôm tròn ảnh
Nguyệt chiếu Đông kiều nước chảy quanh
                 Nguyễn Minh Thanh phóng dịch
 5 - Đoàn Nguyễn Tuấn, cùng đi sứ trong sứ đoàn năm 1790.
DU HOÀNG HẠC LÂU
Kỳ hạc tiên ông bất khứ hoàn,
Đô lâu cao quái bạch vân hàn.
Thốn căn thạch táo linh thường tụ,
Bán chẩm hoàng lương mộng vị lan.
Hạ khẩu viễn phàm xuyên bích lạc,
Hán Dương phương thụ ấn tình lan.
Yên ba đạm đẳng cơ hoài trọng,
Phù thế du du nhất ỷ lan.
                  Đoàn Nguyễn Tuấn
    CHƠI HOÀNG HẠC LÂU
Tiên Ông cỡi hạc tách bao giờ
Mây lạnh lầu cao mãi lửng lơ
Thạch Táo nguyên căn thân vẫn trụ
Hoàng Lương mộng sự gối còn mơ
Buồm xa Hạ Khẩu xuyên non biếc
Cây rậm Hán Dương lộng bóng mờ
Khói sóng ảo huyền dường quyến luyến
Bên hiên nghĩ ngợi chuyện duyên cơ.
                      Nguyễn Minh Thanh  phóng dịch
6 - Lê Anh Tuấn (1671-1731) hiệu Địch Hiên, người Hà Tây, đỗ Tiến sĩ năm 1694. Chánh Sứ sang nhà Thanh năm 1715.
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU VỌNG HÁN DƯƠNG THỤ
Dực Chẩn danh phong chí Hán Dương,
Tứ hoàn cảnh sắc nhập bình chương.
Yên ba hạo diểu sầu nhân tứ,
Phong nguyệt chiêu yêu túy khách thương.
Già ngạn mạc liêm hoành cổ thụ,
Mê tân lâm mộc thụ phong tường.
Cư tân thùy thị trượng nhân giả,
Tu thuyết cơ tâm cứu thượng hương.
                               Lê Anh Tuấn
Dịch thơ:
LÊN LẦU HOÀNG HẠC NGẮM CÂY HÁN DƯƠNG
Dực, Chẩn nổi danh đất Hán Dương
Ngẩn ngơ cảnh đẹp nhập văn chương
Gió trăng vằng vặc say men rượu
Khói sóng mênh mông đọng nỗi buồn
Cổ thụ giăng ngang soi bóng nước
Cột buồm dựng đứng chọc màng sương
Trượng phu trên bến là ai đó
Thấy thẹn lòng chăng những vấn vương
             Nguyễn Minh Thanh phóng dịch

7 -  Ngô Thời Vị (1774-1821). Đi sứ đời vua Gia Long năm 1807.
         ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU
Hán thủy thành biên vân thụ thụ,
Tiên nhân bất kiến, chỉ không lâu.
Hà thời tiên tế lai hoàng hạc,
Đề ý giang trung phó bạch âu.
Lý bá vị ưng thâu bút lực,
Thôi quân bất hợp tác tương sầu.
Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị,
Đấu đảm đề thi ký thử du.
                              Ngô Thời Vị
Dịch thơ:
            Đề Lầu Hoàng Hạc
Sông Hán trập trùng mây quyện quyện
Tiên ông bóng khuất xót lầu đây
Hạc vàng hun hút chân trời thẳm
Âu trắng quẩn quanh bến nước đầy
Bác Lý chưa chi ngừng bút vội
Ngài Thôi bỗng chốc tưởng quê ngay
Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị
Tức cảnh đề thơ cảm kích dày
           Nguyễn Minh Thanh phóng dịch

8 -  Phan Thanh Giản (1796–1867), hiệu  Lương Khê , quan đại thần triều Nguyễn ...
Ông làm Chánh sứ năm 1834, năm Minh Mệnh thứ 14 với Đăng HHL:
      ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU  
Tích thời hạc dĩ hà niên khứ ?                  
Thiên tải nhân tòng Nam cực lâm.            
Anh vũ châu tiền phương thảo lục,          
Tình Xuyên Các thượng bạch vân thâm.    
Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,            
Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm (kim)      
Mãn mục yên ba chuyển trù trướng,        
Du du trần mộng thập thu tâm.            
                                 Phan Thanh Giản      
Dịch thơ:
Lên Lầu Hoàng Hạc
Hoàng hạc bay cao tự thuở nào ?
Phương Nam viễn khách ghé chơi lầu
Mây đùn nõn trắng Tình Xuyên các
Cỏ dệt thơm xanh Anh Vũ châu
Giang Hán nửa vành trôi lấp loáng
Cổ kim dòng lạnh cuốn sâu sâu
Bâng khuâng khói sóng ôm triều sóng
Cõi mộng tâm Thu gặm nỗi sầu
            Nguyễn Minh Thanh phóng dịch

              **********%%%**********

II - Thơ "Hoàng Hạc Lâu" Chính Thức Của Thôi Hiệu:
Thi hào Thôi Hiệu (704-754), quê ở Biện Châu, đổ Tiến sĩ vào năm Khai Nguyên thứ 11 (723), đời vua Đường Huyền Tông tức Đường Minh Hoàng. Thôi Hiệu làm thơ rất hay; đến đổi danh sĩ cùng thời là Lý Bạch cũng phải nể vì.
Tương truyền, khi Lý Bạch lên lầu Hoàng Hạc chơi, thấy cảnh sơn thủy hữu tình muốn chấp bút đề thơ, chợt thấy trên vách đã có bài Hoàng Hạc Lâu* của Thôi Hiệu liền đọc, rất mực khen ngợi, và than: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc; Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”, tạm dịch: “Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được, vì đã có bài thơ của Thôi Hiệu rồi”. Vậy bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu hay như thế nào, xin chép ra đây để qúi độc giả thưởng lãm.
黃鶴樓
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
Hoàng Hạc Lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán-Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh-Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
                                            Thôi Hiệu
Đặc biệt, bài Hoàng Hạc Lâu có rất nhiều người dịch ra quốc ngữ. Xin đơn cử một số danh sĩ đã dịch bài Hoàng Hạc Lâu:
- Cụ Trần Trọng Kim thể lục bát:
Lầu Hoàng Hạc
Người đi cưỡi hạc từ xưa
Đất nầy Hoàng-Hạc còn lưa một lầu
Hạc vàng đi mất đã lâu
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông
Hán-Dương cây bóng lòng sông
Bãi kia Anh-Vũ cỏ trông xanh rì
Chiều hôm lai láng lòng quê
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu
                      Trần Trọng Kim dịch
- Bản dịch của Trần Trọng San :
           Lầu Hoàng Hạc
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán-Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh-Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy;
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
                          Trần Trọng San dịch
- Nhà thơ Tản-Đà dịch theo thể Lục Bát:
          Lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
                                                 Tản Đà dịch
Kính thưa qúi độc giả, còn nhiều, rất nhiều người dịch bài thơ trên. Và gần đây, thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng có bản dịch bài Hoàng Hạc Lâu:
            Lầu Hoàng Hạc
Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Đây lầu Hoàng-Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng môt màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán-Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh-Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
                                   Vũ Hoàng Chương dịch
Riêng, hậu học (Nguyễn Minh Thanh), cũng mạo muội bắt chước người đi trước, xin phỏng dịch bài Hoàng Hạc Lâu y cách điệu Cổ Phong của nguyên tác như sau:
            Lầu Hoàng Hạc
Cưỡi hạc người xưa bóng mờ mịt ( mịt mờ )
Để lầu Hoàng-Hạc đứng trơ vơ
Hạc vàng một thoáng mù tăm tích
Mây trắng ngàn năm mãi lửng lơ
Sông biếc Hán-Dương cây dệt mộng
Cỏ thơm Anh-Vũ bãi ươm mơ
Chiều về quê quán phương nào nhỉ ?
Khói sóng ơ hờ… ai ngẩn ngơ…!!
            Nguyễn Minh Thanh dịch

III - Lời Phụ Bàn: “Hoàng Hạc Lâu” là bài thơ Đường cấu trúc hơi đặc biệt: “phá thể”, lai cách điệu Cổ Phong, vì chữ cuối của câu thứ nhứt “KHỨ” thanh “trắc”, và chữ áp cuối “HẠC” đúng ra phải là thanh “bằng”. Tuy nhiên bài Hoàng Hạc Lâu rất nổi tiếng. Có người cho rằng chữ “KHỨ”, quê của Thôi Hiệu đọc là “KHÂU”, hoặc “KHƯ”, vẫn là thanh “bằng”, đúng vận. Nói thế chỉ đúng một mà thôi; bởi vì còn chữ “HẠC” thanh “trắc”, lý giải cách nào cho ổn?!
Cũng có người nói rằng tác giả làm thơ không đúng niêm luật. Thì phải rồi, vì theo cách điệu Cổ Phong, nên không cần gò bó. Vả lại, có nhiều bài thơ không đúng niêm luật, song vẫn rất hay. Như bài “Đèo Ba Dội” của bà Hồ Xuân Hương, bài “Độc Tiểu Thanh Ký” của cụ Nguyễn Du.
Tóm, không phủ nhận “qui luật” làm thơ. Song, có khi cần thoát khỏi “khuôn khổ” để bài thơ được thăng hoa vượt thời gian và không gian. Phải chăng, đó chính là mục đích, cũng là cứu cánh của thi nhân? Hỏi, tức là trả lời.
Trong những câu thơ của Hoàng Hạc Lâu hầu như đều rõ nghĩa. Duy, câu thứ 7 “Nhật mộ hương quan hà xứ thị” là câu nghi vấn (?), nhưng hai cụ: Trần Trọng Kim và Tản Đà dịch thành xác định, thấy không ổn.
Thứ nữa, có độc giả suy luận, ngoài nghĩa “Chiều về quê quán phương nào nhỉ?”, còn nghĩa khác hàm ý sâu xa hơn, và khó có thể diễn dịch được.
Đó là, tác gỉa muốn ám chỉ: Khi đến tuổi về chiều, sau khi chết đi về đâu? Giống như câu hỏi của loài người có tự ngàn xưa cho dến ngàn sau: Người từ đâu đến? Chết, đi về đâu?
Và qua trí tưởng tượng, chúng ta không thể không biết quê quán mình ở nơi đâu cho dù ngày hay đêm. Vì vậy, “hàm ý sâu xa hơn” là khả chấp, thưa quí độc giả.
Theo đuổi cả hai ý nghĩa “thông thường” và ý nghĩa “sâu xa” , hậu học xin tạm dịch là: “Chiều về quê quán phương nào nhỉ ?”
Trong câu “dịch” trên, có 2 trường hợp xảy ra: nếu người đọc cho dấu “phẩy” ngay sau chữ “về,” câu thơ có nghĩa thông thường. Nếu người đọc cho dấu “phẩy” ngay sau chữ “quán,” câu thơ có nghĩa sâu hơn. Do đó, cái hàm ý sâu xa có thể diễn đạt như vầy: “Chiều về quê quán, phương nào nhỉ...?”( Già rồi, mai chết về đâu quê...?! )
Thưa quí độc gỉả, đây chỉ là thiển ý. Mong ý kiến quí thức giả. Trân trọng.
                           Nguyễn Minh Thanh
                  ( Biên tập và hiệu đính, GA,  2023 - 8 - 10 )
Nguồn:
 -  Nghiên cứu lịch sử.com
 - Thành Ngữ Điển Tích & Danh Nhân Tự Điển, giáo sư Trịnh Vân Thanh
 - Các trang Web Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu
 - Hán Việt Tự Điển, học giả Đào Duy Anh
                ....................................................
* Hoàng-Hạc-Lâu: lầu tên Hoàng-Hạc ở Tây Bắc huyện Vũ-Xương, tỉnh Hồ-Bắc (Trung-Hoa) . Tương truyền ông Phí-Văn-Vi, sau khi tu luyện thành Tiên, thường cỡi hạc vàng ngao du sơn thủy. Khi ngang qua vùng Vũ Xương, trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bèn dừng hạc trên ghềnh đá để ngắm cảnh đẹp trường giang và ngũ hồ. Người đời sau đặt tên ghềnh đá là Hoàng Hạc Thạch rồi dựng ngay trên ấy ngôi tháp lầu và đặt tên đặt tên là Hoàng Hạc Lâu. Qua nhiều lần trùng tu Hoàng Hạc Lâu tồn tại đến ngày nay.