Apr 27, 2024

Tùy bút - Bút ký

HAI BÀI VIẾT VỀ MẸ
Nguyên Lạc * đăng lúc 08:03:44 PM, May 15, 2023 * Số lần xem: 523
Hình ảnh
#1
#2
 

            


Nguyên Lạc                    

HAI BÀI VIẾT VỀ MẸ

Bài 1

HAI CÂU CA DAO VỀ MẸ

Ngày Mẹ (Mother’s Day) - 14 tháng 5 -tình cờ tôi tìm gặp hai câu ca dao trên web:
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi
Thật ra thì hai câu này được rút gọn từ bài ca dao dân gian về mẹ sau đây:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
Đường mía lau càng lâu càng ngát
Cơm nếp mật ngào ngạt hương say
Ba hương lây lất tháng ngày
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi
Mẹ già như áng mây trôi
Như sương trên cỏ, như lời hát ru
Lời hát ru vi vu trong gió
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan
Mây trôi lãng đãng trên ngàn
Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.
(Ca dao dân gian)
Theo tôi, chỉ hai câu ca dao rút gọn tuyệt vời trên đã đủ làm người xao xuyến nhói lòng, nhiều thêm khó nhớ. Chỉ cần đọc hai câu giản dị này, bao nhiêu cảm xúc về mẹ cũng đã dâng trào.
Với niềm trân trọng tình mẹ, tôi xin phép viết lại theo dòng cảm xúc riêng:
Mẹ già như chuối chín cây
Gió ơi đừng động khiến tôi điếng hồn!
Sẵn dịp tôi xin được "bình" hai câu ca dao tuyệt vời trên và giải thích thêm vài hàng về câu cảm xúc riêng của mình.
.
HAI CÂU CA DAO
Mẹ là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức.
Như đã nói trên, chỉ hai câu rút gọn tuyệt vời này đã đủ làm người xao xuyến nhói lòng. Hai câu rút gọn này rất hay, đọc ta thấy người mẹ lớn tuổi lắm rồi - "chuối chín cây" - và mẹ không biết sẽ mất lúc nào vì chuối chín cây rất dễ rụng. Chính cụm từ "chuối chín cây" nầy hàm ý nhắc chúng ta phải chú ý và chăm sóc đến mẹ, rằng mẹ "dễ rụng lắm" kẻo rồi ân hận sau đó mồ côi.
Sử dụng cụm từ nầy rất hay, vì chuối chín là trái cây thông dụng đối với mọi người, giống như người mẹ ai cũng có. Lại nữa, chuối chín cây rất dễ rụng, chỉ cần một lay động nhẹ thôi.
Điều mà chúng ta cần chú ý thêm là chuối chín rụng không hư mất đi, mà nó có thể trở thành "rượu chuối" tỏa hương ngọt ngào cho người thưởng thức. Mẹ có "rụng" nhưng "hương mẹ" vẫn còn trong tâm trí con.
Chữ GIÓ giản dị ai cũng hiểu, sử dụng rất tuyệt ở đây: Gió là phong, phong ba cuộc đời, phong ba gia đình,... sẽ lay mẹ "rụng", mẹ sẽ mất đi.
Chữ RÀY cũng tuyệt, mộc mạc, bình dị ai cũng hiểu. Rày nghĩa là từ nay về sau. "Con rày mồ côi": Từ nay - ngày mẹ mất - về sau con sẽ mồ côi, đơn độc.
.
HAI CÂU CẢM XÚC RIÊNG
Đó là phần hai câu ca dao, giờ xin giải thích về hai câu cảm xúc của riêng tôi:
Câu sáu - lục - vẫn không thay đổi như lời bình trên, nhưng câu tám - bát - thay đổi hoàn toàn như sau:
Gió ơi đừng động khiến tôi điếng hồn!
Xin chú ý chữ "gió", "đừng động" và "điếng hồn"
Trước khi xét các từ nầy, xin các bạn chú ý:
1. Hai câu ca dao dân gian rút gọn nhận xét ta thấy: Người mẹ tuy già nhưng vẫn còn khoẻ và sáng suốt, con cháu nên chú ý chăm sóc kẻo mẹ mất rồi mồ côi.
2. Hai câu thơ cảm xúc của tôi muốn nói là người mẹ già yếu lắm rồi, mẫn cảm lắm rồi... chỉ những biến động, dù nhỏ nhặt cũng làm con cháu lo sợ điếng lòng rằng mẹ có thể bị ảnh hưởng mà "rụng".
Giờ xin xét từ:
- Chữ GIÓ : Cũng giống như đã xét trên, phong ba cuộc đời, biến động gia đình, phong ba biến động nội tâm - xa cách nhớ mong... Nhưng ở đây tôi muốn liên hệ thêm "lời ong tiếng ve" nữa. Người mẹ ở đây yếu lắm rồi, già lắm rồi, dễ mẫn cãm vì càng già tâm lý càng giống trẻ nhỏ, dễ hờn giận, cần sự che chở...
- Chữ "đừng động": Cầu mong GIÓ, những phong ba biến động kể trên không có, không xảy ra với mẹ.
- Chữ "điếng hồn": - GIÓ, phong ba... hơi động thôi, chỉ những biến đổi nhỏ nhoi thôi cũng đủ làm người con lo sợ, "điếng hồn" mẹ "rụng". Sự lo sợ/điếng hồn này khiến người con càng chú ý đến mẹ nhiều hơn.
.
TÌNH MẪU TỬ
Về tình Mẹ - tình mẫu tử - tôi xin dẫn ra đây chuyện có thật ở loài khỉ; chuyện rất buồn:
Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có tên là Đoạn Trường Tân Thanh, tức “Khúc Ca Mới Đứt Ruột”. Có thật sự buồn đến nỗi ruột đứt ra từng đoạn từng khúc không?
- Xin thưa là có.
Đứt ruột/ “đoạn trường” dựa vào sự thật: Trong thiên nhiên, có một loài khỉ có tình mẫu tử rất tuyệt vời. Khỉ mẹ rất yêu thương con. Vì một lý do gì đó khỉ con bị chết, mà còn thấy xác, khỉ mẹ ngồi ôm xác con cho tới khi xác con rữa thối. Các con khỉ khác trong bầy phải lén rình cướp lấy xác đem giấu đi. Nếu con bị bắt mất, khỉ mẹ ngồi ôm hai bầu sữa, buồn rầu, bỏ ăn, bỏ uống cho tới chết. Đem xác khỉ mẹ mổ bụng ra, sẽ thấy ruột khỉ mẹ đứt ra từng đoạn, từng khúc. Vì thế cho nên mới có câu “Buồn đứt ruột” hay đoạn trường là vậy - (Theo BS Nguyễn Xuân Quang)
Buồn rầu đứt ruột nên trong ca dao mới có câu:
Thò tay mà ngứt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.
.
BÀI NHẠC VỀ MẸ
Giới thiệu các bạn bài nhạc viết về Mẹ của Phạm Thế Mỹ, phổ bài "Bông Hồng Cài Áo" của thầy Thích Nhất Hạnh. Đây là vài lời của bài nhạc :
Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
...
- Mời nghe nhạc:
Bông Hồng Cài Áo - Diễm Thùy
https://youtu.be/siCuYbaKilg
.
LỜI KẾT
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận; vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi "chuối chín rụng" - mẹ chết - rồi mới khóc than: “Trời ơi, tôi rày mồ côi"
...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời
(Thích Nhất Hạnh) [*]
Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay với điều kiện là thật lòng, cảm xúc thật; chứ không phải sắp chữ, sáo rỗng, tạo dáng. "Lá đổ ào ạt mà chẳng thấy mùa thu đâu".
Người viết, dù không có tài ba, miễn có rung cảm chân thành là thơ, nhạc hay. Ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có.
*
Nhớ mẹ, cũng là nhớ quê hương, tôi xin được tiếp 2 câu ca dao trên như sau:
"Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi"
U hoài hai mắt lệ rơi
Một đời khổ lụy một tôi đoạn trường!
.
Nguyên Lạc
__________
[*] Tham khảo "Bông Hồng Cài Áo" của thầy Thích Nhất Hạnh. 

Bài 2  TẤM LÒNG NẮNG XUÂN
 
Nhân ngày Mẹ (Mother’s Day) - 14 tháng 5 - tôi viết vài bài văn thơ tưởng niệm Mẹ.
 
BÀI THƠ DU TỬ NGÂM CỦA MẠNH GIAO
 
"Tấm lòng nắng xuân" tên tựa bài viết tôi muốn nói là tấm lòng của người mẹ, dựa vào câu Đường thi " Báo đắc tam xuân huy" của Mạnh Giao.
Về sự vinh danh người mẹ trong thơ Đường, chắc ai cũng nhớ đến bài thơ "Du tử ngâm" của Mạnh Giao. Đó là bài thơ ca tụng mẹ với những lời lẽ chân tình, giản dị, dễ hiểu xuất phát từ tấm lòng chân thật làm cảm động lòng người. Tô Thức đã khen bài thơ này: “Thi tùng phế phủ xuất, xuất thiếp sầu phế phủ” (Bài thơ xuất phát từ ruột gan, tâm can mà ra, và đã làm gan ruột phải bồi hồi xao xuyến).
1. Thi Sĩ Mạnh Giao
Mạnh Giao: 孟 郊 (751- 814) tự là Đông Dã, người đất Võ Khang; là viên quan và là nhà thơ Trung Quốc thời Đường Huyền Tông. Lúc nhỏ ở ẩn trong núi Tung Sơn, tánh tình thầm lặng, làm thơ hay thiên về lý trí, lại chắt lọc từng chữ một. Hàn Dũ rất mến tài ông mà kết thành bạn vong niên.
Lúc trai trẻ, ông đi thi nhiều lần không đỗ, mãi đến 46 tuổi, mới đỗ được Tiến sĩ; và đến năm 50 tuổi, ông mới được bổ làm Huyện úy Lật Dương (tỉnh Giang Tô). Ông mất năm thứ 9 niên hiệu Nguyên Hoà đời Đường Hiến Tông, thọ 64 tuổi.
Nhà nghèo nhưng đã được mẹ hy sinh, chăm lo nuôi nấng cho đến khi thành tài, dù muộn màng - mãi đến năm gần 50 tuổi. Khi được làm quan, ông đã nghĩ ngay đến mẹ già ở quê và vội vàng đón mẹ về chung sống với ông.
Tác giả đã sáng tác bài thơ nổi tiếng "Du tử ngâm" khi đón mẹ lên Lật Dương (ở dưới nhan đề tác giả chú rằng: Nghinh mẫu Lật thướng tác 迎母溧上作- Sáng tác lúc đón mẹ đến Lật Dương)
Ngoài bài Du tử ngâm được nhiều người biết đến, Mạnh Giao còn nổi tiếng với bài Liệt Nữ Tháo. Cả hai bài đều làm theo thể ngũ ngôn cổ thể (cổ phong) -(Tổng hợp nhiều nguồn)
2. Bài thơ Du tử ngâm
遊 子 吟
Du tử ngâm
慈 母 手 中 线
Từ mẫu thủ trung tuyến
遊 子 身 上 衣
Du tử thân thượng y
临 行 密 密 缝
Lâm hành mật mật phùng
意 恐 遲 遲 歸
Ý khủng trì trì quy
誰 言 寸 草 心
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
報 得 三 春 暉
Báo đắc tam xuân huy
.
Dịch Nghĩa:
Sợi chỉ trên tay mẹ
Thành chiếc áo mặc trên người đứa con đi xa
Trước khi con đi, mẹ khâu thật kĩ
Ý sợ con đi lâu chưa về áo đã hư
Ai bảo rằng tấm lòng của tấc cỏ
Có thể báo đáp được ánh nắng của ba xuân?
.
Dịch thơ:
- Trần Trọng San:
Mẹ hiền sợi chỉ cầm tay
Khâu lên tấm áo trước ngày con đi
Đường kim khăng khít chinh y
Sợ con chậm trễ không về lại ngay
Ai rằng tấc cỏ lòng này
Mà đền đáp nỗi ánh trời ba xuân?
.
- Nguyên Lạc phóng dịch:
Sợi chỉ tay mẹ hiền
Kết áo lãng du con
Khi đi khâu thật kĩ
Sợ lâu về hư mòn
Ai bảo lòng tấc cỏ
Báo đáp nắng ba xuân?
.
3. Vài ý về bài thơ
-- "Du tử ngâm" ngắn gọn, súc tích, mỗi chữ trong thơ đầy cảm xúc. Bài thơ chỉ nhắc lại công việc bình thường: Những sợi chỉ trên tay, người mẹ may, khâu tấm áo cho người con sắp lên đường đi xa. Người mẹ cúi đầu thầm lặng, lo nghĩ: Biết bao trắc trở, cạm bẫy của đường đời mà con tôi sẽ gặp; biết bao giờ con trở lại. Tấm áo sẽ khoác trên mình con trên khắp nẻo đường viễn du, dù ở đâu cũng đều mang tâm tình của người mẹ ôm ấp. Ôi cao cả thay tấm lòng mẹ.
Người con báo đáp lại những gì mà người mẹ đã cho?
Thốn thảo 寸草: cỏ nhỏ. Xuân huy 春晖: ánh nắng mùa xuân
Đứa con là “cỏ nhỏ”, tấm lòng Mẹ hiền là “nắng ấm của ba tháng mùa xuân”. Chính những tia nắng ấm đó đã làm cỏ lớn lên và thắm tươi.
Bài thơ "Du tử ngâm" là một tuyệt tác diễn tả tấm lòng bao la của Mẹ.
-- Trong nguyên tác:
- Mạnh Giao gieo âm vận "Y": "Y" là âm khít miệng, thả lỏng, âm mềm, một âm chuyển tải nhiều cảm xúc nội tâm. (Phát hiện và nhấn mạnh của nhà thơ Lý Đợi)
- Những điệp tự như "mật mật phùng" (mật = dầy, nhặt, gần, khít / phùng =may) đã đối lại với "trì trì quy" (trì = chậm, trễ, muộn, lâu / quy =về) tạo nên những giai điệu rất hài hoà, âm thanh mật thiết quyện vào nhau đã diễn tả được những gì khăng khít nhất, những khắc khoải lo lắng bồi hồi của người mẹ sợ con đi xa lâu trở về, trên bước đường viễn du không một bàn tay săn sóc, Mẹ chỉ mong sao cho manh áo được dầy, kín, để đủ sưởi ấm thân con trẻ trên bước đường tha phương lưu lạc. (nhận xét của Hải Đà Vương Ngọc Long)
- Hai câu: "Lâm hành mật mật phùng / Ý khủng trì trì quy" (Khi con sắp ra đi mẹ may nhặt mũi kim, trong ý sợ rằng con sẽ lâu về) nói lên một cách sinh động tâm ý sâu xa của bà mẹ với tấm lòng trìu mến thiết tha lo cho con trẻ.
Lời lẽ giản dị, dễ hiểu, vì phát xuất từ trái tim chân thật, đã diễn tả được nỗi lo đau đáu của người mẹ trước phút lâm hành của con, ý sợ con đi xa lâu về, nên cố ý may nhặt mũi kim, để tấm áo sẽ lâu sờn rách trên bước đường tha phương lưu lạc.
- Hai câu cuối: "Thuỳ ngôn thốn thảo tâm/Báo đắc tam xuân huy" là hai câu tuyệt nhất trong bài thơ như nhiều người đã nói.
Ai rằng tấc cỏ lòng này
Mà đền đáp nỗi ánh trời ba xuân ? (Trần Trọng San)
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê
Ba xuân nắng ấm đền bù được chăng? (Hải Đà Vương Ngọc Long)
Ta sẽ xét tầm ảnh hưởng của 2 câu thơ này.
4. Tầm ảnh hưởng
-- Hai câu cuối trong bài Du Tử Ngâm đã đi sâu vào văn chương Trung Hoa, tạo nên một số thành ngữ khá quen thuộc như:
“Thốn thảo tâm” = tấc lòng nhỏ ví như tấc cỏ, lòng con hiếu thảo với cha mẹ
“Thốn thảo tâm bi” = tấc lòng của con thương cha mẹ
“Thốn thảo xuân huy” = Tấc cỏ và ánh sáng mùa xuân. Ý nói: Tâm ý nhỏ nhoi mong manh của cọng cỏ nhỏ (ví tấm lòng của người con) , không thể báo đáp được ân huệ của ánh sáng mùa xuân (ví công ơn sâu nặng của cha mẹ)
-- Đặc biệt, Nguyễn Du cũng đã mượn hai câu thơ cuối của bài "Du tử ngâm" để diễn tả nỗi lòng tha thiết của người hiếu nữ Thuý Kiều, muốn báo hiếu, đền ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, dù phải chịu đựng bao nhục nhằn đau khổ:
Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân
THƠ NHẠC VỀ MẸ Ở VIỆT NAM
Về sự vinh danh người Mẹ ở Việt Nam, chắc ai cũng nhớ đến bài văn và bài nhạc cùng tên viết về mẹ rất cảm động: “Bông Hồng Cài Áo”.
1. Tùy bút Bông Hồng Cài Áo
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
Mấy đoạn vừa trích dẫn là ở trong tập sách nhỏ Bông Hồng Cài Áo của Nhất Hạnh, một bài văn viết về mẹ có lẽ sâu sắc, cảm động và tạo được ảnh hưởng sâu rộng nhất ở nước ta từ trước tới nay:
Khởi đầu, vào năm 1962, nó chỉ là một đoản văn (hay tùy bút), sau được in riêng thành cuốn sách khổ nhỏ nhắn, bìa màu xanh dương nhạt vẽ một chiếc bông hồng, họa sĩ Hiếu Đệ trình bày đẹp giản dị, do nhà xuất bản Lá Bối in lần đầu tại Sài Gòn dường như vào năm 1968, phần đầu bên trong có ghi hàng chữ: Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ. Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962, Nhất Hạnh. Sách được tái bản đến hàng chục lần.
Trong bài viết, thầy Thích Nhất Hạnh đã kể về một tập tục đẹp mà ông gặp ở Nhật Bản:
Đại khái, vào ngày Mẹ (Mother’s Day), nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và người đó sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu ai mất mẹ, sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng...“Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.”
Sau khi cuốn sách được xuất bản một thời gian, trong dịp lễ Vu Lan, các anh chị Phật tử một số chùa cài những bông hoa màu hồng lên áo của bạn mình, do tác dụng lời gợi ý của thầy Nhất Hạnh. Phong tục cài bông hồng lên áo du nhập vào Việt Nam có lẽ bắt đầu từ đó.
2. Bài nhạc Bông Hồng Cài Áo
Bài tùy bút Bông Hồng Cài Áo này cũng là nguồn cảm hứng cho một ca khúc bất hủ cùng tên do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930/1932?-2009) sáng tác trong thập niên 60 của thế kỷ trước, đến nay vẫn còn lưu hành rộng rãi, và được mọi người coi là một trong những bài hát tiêu biểu nhất về chủ đề người mẹ, tương đương với bài nhạc rất phổ biến: Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân (1933–1992).
Đây là vài trích đoạn lời nhạc của bài hát Bông Hồng Cài Áo :
[ Một bông Hồng cho em/Một bông Hồng cho anh/Và một bông Hồng cho những ai/Cho những ai đang còn Mẹ
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào/Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau/Là tiếng dế đêm thâu/Là nắng ấm nương dâu/Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh/Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em/Thì xin anh, thì xin em/Hãy cùng tôi vui sướng đi.] - Phạm Thế Mỹ
. Mời nghe nhạc:
Bông Hồng Cài Áo - Diễm Thùy
LỜI KẾT
Xin được phép ghi ra đây vài trích đoạn của hai bài thơ tôi viết về mẹ, xem như là lời kết bài viết. Mong ngực trái của các bạn cài hoa hồng màu đỏ. Màu đỏ cũng là màu may mắn.
1
Tôi về... Bước khẽ, nhà dột nắng
Bóng mẹ còm hom ảm đạm sầu
Mắt mẹ xa vời phương thăm thẳm
Mẹ thấy gì không? Lệ xót đau!
Mười năm mong đợi mười năm nhớ
Thương nhớ tháng năm bạc mái đầu
Mắt mẹ đã mù vì lệ đổ
Khóc con xa biệt tít rừng sâu
Tôi về bước khẽ ôm tròn mẹ
Mẹ mỏng nhẹ như chiếc lá trầu
Ngơ ngác đảo quanh tay quýnh quáng
Con của tôi về ... Về thật sao?
(Vẫn còn tình mẹ- Nguyên Lạc)
2
Quê hương tôi là Mẹ
Mẹ cũng là quê hương
Mẹ ơi khúc đoạn trường!
Mẹ đâu rồi?… Dâu bể!
Happy Mother’s Day!
Happy ngày của Mẹ!
Happy… sao ngấn lệ?
Bông hồng trắng ngực tôi
Sẽ không phải là người
Nếu quên tình cha mẹ
Chắc chắn là rất tệ
Nếu không nhớ quê hương
(Mừng Ngày Của Mẹ- Nguyên Lạc)
.
 
.
Nguyên Lạc

 


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.