Oct 13, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

NHÌN LẠI NHỮNG BÀI THƠ GỌI LÀ PHÁ CÁCH
Võ Nhựt Ngộ * đăng lúc 09:30:48 PM, May 12, 2009 * Số lần xem: 2301
Hình ảnh
#1


trước xin trích những dòng của Quách-Tấn …

Ðường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng thơ … (Thi Pháp Thơ Đường của Quách-Tấn, trang 38)

Theo giải thích trên đây của Quách-Tấn thì sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công của thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Thi đã sinh ra Đường Luật là những khuôn phép chung cho làng thơ dùng.

Nhưng hiện có chuyện ngược ngạo là bộ Đường Luật hiện tại, với dải số kiểm soát 1-8 2-3 4-5 6-7 đã khiến cho có một số lớn bài Đường Thi của các đại thi gia danh tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ bị xếp vào hạng « thất Niêm » !

Để khai thông sự lỉnh kỉnh nêu trên, xin mời quý bạn đi sâu vào phần kỹ thuật dùng trên những bài bát cú Đường Thi để may ra tìm hiểu được lý do.
Những chi tiết nêu ra dưới đây đều lấy từ những bài thơ gốc Đường thi chính cống.

Quan sát và phân tích phần kỹ thuật của Đường Thi thì thấy như sau :

1/ thi nhân đời Đường sử dụng hai loại Niêm khác nhau của thơ tứ cú là 1-4 2-3 và 1-3 2-4 một cách riêng rẻ cho 4 câu trên và 4 câu dưới của bài bát cú.

Xin trình bày hai loại Niêm vừa nói của thơ tứ cú :
Niêm theo 1-4 2-3 như :
MỤC TÚC PHONG KÝ GIA NHÂN

Mục túc phong biên phùng lập xuân
Hồ Lư hà thượng lệ triêm cân
Khuê trung chỉ thị không tương ức
Bất kiến sa trường sầu sát nhân.
Sầm Tham
(xin nhắc luôn : về Luật thì bài trên đây theo Luật Trắc)

Niêm theo 1-3 2-4 như :
VỊ THÀNH KHÚC

Vị thành triêu vũ ấp khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.
Vương Duy
(xin nhắc luôn : về Luật thì bài trên đây theo Luật Bằng)

Hai phép Niêm này (1-4 2-3 và 1-3 2-4) khi áp dụng vào bài bát cú thì cho ra 4 kiểu bát cú khác nhau là :
bát cú có 4 câu trên và 4 câu dưới đều dùng phép Niêm 1-4 2-3
bát cú có 4 câu trên và 4 câu dưới đều dùng phép Niêm 1-3 2-4
bát cú có 4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3 và 4 câu dưới theo Niêm 1-3 2-4
và bát cú có 4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4 với 4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3

2/ thi nhân đời Đường lại cho phép 4 câu trên có thể khác Luật với 4 câu dưới.
Nên về Luật cũng có 4 kiểu bát cú khác nhau như sau :
bát cú có 4 câu trên và 4 câu dưới đều dùng Luật Bằng
bát cú có 4 câu trên và 4 câu dưới đều dùng Luật Trắc
bát cú có 4 câu trên Luật Trắc và 4 câu dưới Luật Bằng
và bát cú có 4 câu trên Luật Bằng với 4 câu dưới Luật Trắc

Pha trộn 2 phần Niêm và Luật trên đây, thì trên lý thuyết có 16 kiểu (Niêm+Luật) thơ Đường Luật khác nhau.

Những bài Đường Thi mang cách chơi nói trên :
Trong phần này xin chỉ nêu tên các bài thơ : (nguyên văn và bản dịch sẽ cho ở phần sau)

hai bài tứ cú Niêm khác nhau Luật giống nhau :
KÝ THÔI THỊ NGỰ của Lý Bạch
ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI của Lý Bạch
4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4, Luật Bằng
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

hai bài tứ cú Niêm khác nhau Luật cũng khác nhau :
ĐĂNG TÙNG GIANG DỊCH LÂU BẮC VỌNG CỐ VIÊN của Lưu Trường Khanh
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-3 2-4, Luật Bằng

HOÀI CỔ TÍCH - KỲ NHỊ của Đỗ Phủ
TỐNG TIỀN VỆ HUYỆN - LÝ THẨM THIẾU PHỦ của Cao Thích
4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

hai bài tứ cú Niêm giống nhau (1-4 2-3) Luật khác nhau :
DẠ BIỆT VI TU SĨ của Cao Thích
VĂN LÂN GIA LÝ TRANH của Từ An Trinh
BÁN NHẬT THÔN của Tiền Khởi
KINH NAM ÐẠO HOÀI CỔ của Lưu Vũ Tích
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

hai bài tứ cú Niêm giống nhau (1-3 2-4) Luật giống nhau :
(Thất Niêm vì phép Niêm 1-3 2-4 không hề được dùng đến trong dải số 1-8 2-3 4-5 6-7)
CHƯỚC TỬU DỮ BÙI DỊCH của Vương Duy
ĐỀ ĐÔNG KHÊ CÔNG U CƯ của Lý Bạch
4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc

Xin lưu ý : những bài trên đây đều bị dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 coi là thất Niêm.
Vì dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 chỉ chấp nhận :

những bài bát cú có hai bài tứ cú Niêm giống nhau (1-4 2-3) và Luật giống nhau như :
KHÚC GIANG ÐỐI TỬU của Đỗ Phủ
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc

KHÚC GIANG NHỊ THỦ (kỳ nhị) của Đỗ Phủ
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

Nguyên văn (và bản dịch) các bài Đường Thi vừa kể trên :

hai bài tứ cú Niêm khác nhau Luật giống nhau :
KÝ THÔI THỊ NGỰ
trên 1-3 2-4 luật Bằng + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Uyển khê sương dạ thính viên sầu (Niêm 1-3 2-4
Khứ quốc trường như bất hệ châu
Độc liên nhất nhạn phi Nam độ
Khước tiện song khê giải Bắc lưu
Cao nhân lũ giải Trần Phồn tháp (Niêm 1-4 2-3
Quá khách nan đăng Tạ Diễu lâu
Thử xứ biệt ly đồng lạc diệp
Triêu triêu phân tán Kính Đình thu.
Lý Bạch

GỬI QUAN THỊ NGỰ HỌ THÔI

Vượn khóc đêm sương xứ uyển khê
Như thuyền không buộc mãi xa quê
Nhạn đành lẻ một phương Nam đến
Suối chẳng chung đôi đất Bắc về
Hạ chỏng Trần Phồn còn lắm kẻ
Leo lầu Tạ Diễu khó trăm bề
Nơi đây lá rụng cùng chia biệt
Núi Kính Đình thu vẫn cách ly.
Đinh Vũ Ngọc

ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI
trên 1-3 2-4 luật Bằng + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Phượng Hoàng Ðài thượng phượng hoàng du (Niêm 1-3 2-4
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại (Niêm 1-4 2-3
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu.
Lý Bạch

LÊN ĐÀI PHƯỢNG HOÀNG Ở KIM LĂNG

Chim Phượng hoàng chơi lầu Phượng hoàng
Phượng bay lầu trống với trường giang
Cung Ngô hoa cỏ con đường rậm
Thời Tấn xiêm y nấm mộ tàn
Ngọn núi Tam Sơn trời xẻ nửa
Dòng sông Nhị Thủy bãi chia ngang
Ô hay mây nổi che trời sáng
Chẳng thấy Trường An sầu chứa chan.
Đinh Vũ Ngọc

hai bài tứ cú Niêm khác nhau Luật cũng khác nhau :
ĐĂNG TÙNG GIANG DỊCH LÂU BẮC VỌNG CỐ VIÊN
trên 1-4 2-3 luật Trắc + dưới 1-3 2-4 luật Bằng

Lệ tận giang lâu vọng Bắc quy (Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
Điền viên dĩ hãm bách trùng vi
Bình vô vạn lý hà nhân khứ
Lạc nhật thiên sơn không điểu phi
Cô chu dạng dạng hàn triều tiểu (Niêm 1-3 2-4, Luật Bằng
Cực phố thương thương viễn thụ vi
Bạch âu ngư phủ đồ tương đãi
Vị tảo Sam Thương lãn tức ky.
Lưu Trường Khanh

LÊN LẦU TRẠM TÙNG GIANG - TRÔNG VỀ QUÊ PHƯƠNG BẮC

Lầu sông lệ cạn trông về Bắc
Vườn ruộng trăm vòng chịu bủa vây
Vạn dặm đồng không người chẳng đến
Nghìn non chiều xuống chim còn bay
Thuyền đơn thấp thoáng triều se lạnh
Bến cũ xanh xanh cây mọc dày
Âu trắng ngư ông xin hãy đợi
Chưa qua hoạn nạn khó về ngay.
Đinh Vũ Ngọc

HOÀI CỔ TÍCH - KỲ NHỊ
trên 1-3 2-4 luật Trắc + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Dao lạc thâm tri Tống Ngọc bi (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Phong lưu nho nhả diệc ngô sư
Trướng vọng thiên thu nhất sái lệ
Tiêu điều dị đại bất đồng thì
Giang san cố trạch không văn tảo (Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
Vân vũ hoang đài khởi mộng tư
Tối thị Sở cung câu dẫn diệt
Châu nhân chỉ điểm đáo kim nghi.
Đỗ Phủ

NHỚ CHUYỆN XƯA – BÀI HAI

Tống Ngọc sầu thương cảnh rụng rơi
Phong lưu nho nhả bậc thầy tôi
Nghìn thu tưởng nhớ còn rơi lệ
Một cảnh tiêu sơ dẫu khác thời
Sông núi nhà xưa văn vẻ đó
Mây mưa đài cũ mộng mơ thôi
Thương thay cung Sở tiêu tan hết
Nơi lái thuyền xưa chỉ vẫn ngờ.
Đinh Vũ Ngọc

TỐNG TIỀN VỆ HUYỆN - LÝ THẨM THIẾU PHỦ
trên 1-3 2-4 luật Trắc + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Hoàng điểu phiêu phiêu dương liễu thùy (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Xuân phong tống khách sử nhân bi
Oán biệt tự kinh thiên lý ngoại
Luân giao khước ức thập niên thì
Vân khai Mấn Thủy cô phàm viễn (Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
Lộ nhiễu Lương Sơn thất mã trì
Thử địa tòng lai khả thừa hứng
Lưu quân bất trú ích thê kỳ.
Cao Thích

TIỄN ĐƯA QUA THIẾU PHỦ - LÝ THẨM HUYỆN TIỀN VỆ

Vút giọng oanh vàng tơ liễu buông
Gió xuân tiễn khách dạ sầu thương
Chia ly ngàn dặm bao đau xót
Gắn bó mười năm mấy vấn vương
Mấn Thủy mây giăng buồm lẻ bóng
Lương Sơn ngựa chậm núi chen đường
Nơi đây ngày trước cùng vui thú
Chẳng giữ chân anh thật đáng buồn !
Đinh Vũ Ngọc

hai bài tứ cú Niêm giống nhau (1-4 2-3) Luật khác nhau :
DẠ BIỆT VI TU SĨ
trên 1-4 2-3 luật Trắc + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Cao quán trương đăng tửu phục thanh (Luật Trắc
Dạ chung tàn nguyệt nhạn quy thanh
Chỉ ngôn đề điểu kham cầu lữ
Vô ná xuân phong dục tống hành
Hoàng hà khúc lý sa vi ngạn (Luật Bằng
Bạch mã tần biên liễu hướng thành
Mạc oán tha phương tạm ly biệt
Tri quân đáo xứ tẫn phùng nghinh.
Cao Thích

ĐÊM TỪ BIỆT QUAN TU SĨ HỌ VI

Cao quán giăng đèn bày tiệc rượu
Trăng khuya chuông vọng nhạn về mau
Tiếng chim đêm gọi như tìm bạn
Ngọn gió xuân vờn để tiễn nhau
Lấn cát Hoàng Hà dòng uốn khúc
Hướng thành Bạch mã liễu tươi màu
Chớ buồn đất khách cùng chia biệt
Anh đến nơi đâu chẳng đón chào !
Đinh Vũ Ngọc

VĂN LÂN GIA LÝ TRANH
trên 1-4 2-3 luật Trắc + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Bắc đẩu hoành thiên dạ dục lan (Luật Trắc
Sầu nhân ỷ nguyệt tứ vô đoan
Hốt văn họa các Tần tranh dật
Tri thị lân gia Triệu nữ đàn
Khúc thành hư ức song nga liễm (Luật Bằng
Điệu cấp giao liên ngọc chỉ hàn
Ngân thược trùng quan thính vị tịch
Bất như miên khứ mộng trung khan.
Từ An Trinh

NGHE ĐÀN TRANH NHÀ HÀNG XÓM

Bắc đẩu ngang trời đêm sắp tan
Buồn trong trăng sáng ý mơ màng
Chợt nghe gác họa âm Tần vọng
Mới biết nhà bên gái Triệu đàn
Khúc trọn hẳn chau đôi mắt ngọc
Điệu mau e buốt ngón tay vàng
Lắng nghe then khóa còn chưa mở
Ngủ quách may ra mộng gặp nàng.
Đinh Vũ Ngọc

BÁN NHẬT THÔN
trên 1-4 2-3 luật Trắc + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Bán Nhật ngô thôn đới vãn hà (Luật Trắc
Nhàn môn cao liễu loạn phi nha
Hoành vân lĩnh ngoại thiên trùng thụ
Lưu thủy thanh trung nhất lưỡng gia
Sầu nhân tạc dạ tương tư khổ (Luật Bằng
Nhuận nguyệt kim niên xuân ý xa
Tự thán Mai Sinh đầu tự tuyết
Khước liên Phan Lệnh huyện như hoa.
Tiền Khởi

THÔN BÁN NHẬT

Ráng tỏa trời chiều Bán Nhật thôn
Chim bay liễu rủ trước nhàn môn
Ngàn trùng cây núi làn mây phủ
Vài nóc nhà bên suối nước tuôn
Ðêm trước người buồn vương nhớ mãi
Năm nay tháng nhuận ý xuân dồn
Ðã thương Phan Lệnh hoa đầy huyện
Ðầu bạc Mai Sinh lại xót hơn.
Bùi Khánh Ðản

KINH NAM ÐẠO HOÀI CỔ
trên 1-4 2-3 luật Trắc + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Nam quốc sơn xuyên cựu đế kỳ (Luật Trắc
Tống đài Lương tạ thượng y hi
Mã tê cổ thụ hành nhân yết
Mạch tú hoang thành dã trĩ phi
Phong xuy lạc diệp điền cung tỉnh (Luật Bằng
Hoả nhập hoang lăng hóa bảo y
Ðồ sử Từ thần Dữu Khai phủ
Hàm Dương chung nhật khổ tư quy.
Lưu Vũ Tích

ÐẠO KINH NAM HOÀI CỔ

Ðô cũ miền Nam ở chốn này
Ðình Lương đài Tống dấu còn đây
Cây cao ngựa hí hành nhân vắng
Lúa tốt thành hoang dã trĩ bay
Lăng cũ áo bào mồi lửa đốt
Cung xưa giếng ngự lá thu đầy
Lòng quê cám cảnh Từ thần Dữu
Ở đất Hàm Dương nhớ suốt ngày.
Bùi Khánh Ðản

hai bài tứ cú Niêm giống nhau (1-3 2-4) Luật giống nhau :
(Thất Niêm vì phép Niêm 1-3 2-4 không hề được dùng đến trong dải số 1-8 2-3 4-5 6-7)

CHƯỚC TỬU DỮ BÙI DỊCH của Vương Duy
trên 1-3 2-4 luật Trắc + dưới 1-3 2-4 luật Trắc

Chước tửu dữ quân quân tự khoan (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Nhân tình phiên phúc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia xan.
Vương Duy

RÓT RƯỢU MỜI BÙI DỊCH

Mời anh cạn chén để nguôi sầu
Tráo trở tình đời khác sóng đâu
Tóc trắng quen thân còn thủ kiếm
Cửa son hiển đạt lại cười nhau
Mưa dầm cỏ dại càng phơi phới
Gió lạnh hoa xuân chịu dãi dầu
Chuyện thế mây trôi thôi chớ hỏi
Chi bằng ăn ngủ khỏi lo âu.
Đinh Vũ Ngọc

ĐỀ ĐÔNG KHÊ CÔNG U CƯ
trên 1-3 2-4 luật Trắc + dưới 1-3 2-4 luật Trắc

Đỗ Lăng hiền nhân thanh thả liêm (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc, bỏ Luật chữ ‘Lăng’
Đông Khê bốc trúc tuế thời yêm
Trạch cận thanh sơn đồng Tạ Diễu
Môn thùy bích liễu tự Đào Tiềm
Hảo điểu nghinh xuân ca hậu viện (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Phi hoa tống tửu vũ tiền thiềm
Khách đáo đãn tri lưu nhất túy
Bàn trung chi hữu thủy tinh diêm.
Lý Bạch

ĐỀ CHỖ Ở ẨN CỦA ĐÔNG KHÊ CÔNG

Đỗ Lăng đã nổi tiếng người hiền
Về ẩn Đông Khê trải mấy niên
Nhà cận núi xanh như Tạ Diễu
Cửa buông liễu biếc tựa Đào Tiềm
Đón xuân chim quý ca sau viện
Mời rượu hoa bay múa trước hiên
Khách đến nài nhau say một bữa
Trong mâm chỉ có muối tinh nghiền.
Đinh Vũ Ngọc

Nhắc lại những bài trên đây đều bị dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 coi là thất Niêm.
Dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 chỉ chấp nhận những bài Đường Thi cùng loại với hai bài dưới đây :

Loại bát cú Đường Thi được dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 chấp nhận :

KHÚC GIANG ÐỐI TỬU
trên 1-4 2-3 luật Trắc + dưới 1-4 2-3 luật Trắc

Uyển ngoại giang đầu tọa bất quy (Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
Thủy tinh cung điện chuyển phi vi
Ðào hoa tế trục dương hoa lạc
Hoàng điểu thời kiêm bạch điểu phi
Túng ẩm cửu biền nhân cộng khí (Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
Lãn triều chân dữ thế tương vi
Lại tình cánh giác Thương Châu viễn
Lão đại đồ thương vị phất y.
Ðỗ Phủ

UỐNG RƯỢU TRÊN SÔNG KHÚC GIANG

Ngồi mãi bên vườn bến Khúc Giang
Thủy tinh cung điện bóng mờ gương
Hoa tơi tả rụng đào chen liễu
Chim nhởn nhơ bay trắng lẩn vàng
Chén rượu thường say người đã chán
Phiên chầu vẫn trễ tiếng còn mang
Biết rằng hoạn lộ xa tiên cảnh
Tuổi tác chưa về nghĩ tự thương.
Bùi Khánh Ðản

KHÚC GIANG NHỊ THỦ (kỳ nhị)
trên 1-4 2-3 luật Bằng + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

Triều hồi nhật nhật điển xuân y (Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hi
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện (Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
Ðiểm thủy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.
Ðỗ Phủ

HAI BÀI THƠ TRÊN SÔNG KHÚC GIANG (bài hai)

Mỗi buổi chầu lui thường cố áo
Bên sông say khướt mới ra về
Vài ba nợ rượu đâu không có
Bẩy chục đời người dễ mấy khi
Cánh bướm vờn hoa bay thấp thoáng
Ðuôi chuồn giỡn nước kéo lê thê
Xưa nay quang cảnh cùng thay đổi
Ðược lúc vui chơi há ngại gì.
Bùi Khánh Ðản

Tóm lại dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 chỉ dùng 2 trong số 16 phép Niêm lý thuyết trong cách chơi của thi nhân đời Đường.
Bị gọi thất Niêm là những bài thơ nằm trong số 14 phép Niêm còn lại.

Vì nhận thấy số bị coi là thất Niêm quá nhiều nên Quách-Tấn cũng không đồng ý với cách giải thích « đại gia văn chương bất câu Niêm Luật » :

’’ Có người trông thấy những bài thơ Thất Niêm Thất Luật phần nhiều là của các danh gia, cho nên bảo « Ðại gia văn chương bất câu Niêm Luật ». Sự thật, niêm luật đối với người đã thạo nghề chẳng khác những đường mòn trong xóm đối với người địa phương, muốn đi cho đúng có khó khăn gì. Thiết tưởng sự Thất Niêm Thất Luật kia là cố tình chớ không phải sơ ý. Tất có lý do. Nhưng dù chi chi đi nữa, chúng ta - kẻ hậu học - vẫn không nên bắt chước.’’ (trích Thi Pháp Thơ Ðường của Quách-Tấn, trang 168)

Tuy chưa thấy cái lý do, nhưng Quách-Tấn vẫn quả quyết là « việc dùng Niêm/Luật theo những cách ấy tất có lý do ». Và cái lý do đó chúng ta đã thấy như trên : « Hai bài tứ cú của bài bát cú được phép dùng Niêm và Luật khác nhau. »

Vì lý do khó chấp nhận câu « Đại gia văn chương bất câu Niêm Luật » nên một số khác tìm cách gán ép gọi những bài đó là thơ Cổ Phong :

Để có thể gọi những bài Đường thi đó là thơ Cổ Phong, người ta dùng một bài thơ Đường luật làm mẫu, sau khi thêm vào 1 chữ khiến cho câu đầu (lục ngôn thể) bị nát bét về Luật.

Đó là bài « Vịnh Dế Duỗi » của Tú Quỳ.

Câu đầu dùng lục ngôn thể là : « Kiến chẳng kiến, voi chẳng voi »
Ý tác giả muốn nói rằng con dế duỗi chẳng nhỏ như con kiến, mà cũng chẳng to như con voi.

Người ta thêm vào một chữ ‘phải’ : « Kiến chẳng phải kiến voi chẳng voi »
khiến cho ba chữ nhì tứ lục đều là Trắc.
Trong khi đó nếu thêm đúng ý tác giả là : « Kiến chẳng kiến mà voi chẳng voi »
thi câu thơ sẽ có ba chữ nhì tứ lục phân minh.

Nhận xét từng câu của bài thơ Vịnh Dế Duỗi so với thơ Cổ Phong thì thấy như sau :

VỊNH DẾ DUỖI

Kiến chẳng kiến (mà) voi chẳng voi - lục ngôn thể nếu bỏ chữ (mà)
Ðời sanh dế duổi cũng choi choi (nhì tứ lục phân minh, dùng chung vần
Ngắn cánh lên trời không đủ sức ) - nhì tứ lục phân minh, đối tốt
Co tay vạch đất cũng khoe tài ) - nhì tứ lục phân minh, dùng chung vần
Mưa tuôn gió tạt lên cao ở } (nhì tứ lục phân minh, đối tốt
Lửa bỏng dầu sôi nhảy đến chơi } (nhì tứ lục phân minh, dùng chung vần
Quân tử có thương thời chớ phụ - nhì tứ lục phân minh
Ðể cho bay nhảy thử mà coi. - nhì tứ lục phân minh, dùng chung vần
Tú Quì

Đây đúng là một bài thơ Đường Luật, vì trong mỗi câu các chữ nhì tứ lục đều phân minh, hai cặp 3-4 và 5-6 đối nhau chỉnh tề, toàn bài chỉ dùng có một vần, và chỉ dùng 8 câu. (Chỉ có phần Niêm không theo dải số 1-8 ….)

Còn thơ Cổ Phong thất ngôn (7 chữ mỗi câu) đúng theo định nghĩa thì phải là :

- toàn bài có thể dùng 6, 8, 10, 12 câu (vậy tại sao không chọn bài mẫu khác hơn 8 câu ?)
- toàn bài có thể dùng nhiều vần (vậy tại sao không chọn bài mẫu có hơn một vần ?)
- không cần phải đối (vậy tại sao không chọn bài mẫu không có đối ?)
- không cần theo Niêm Luật (vậy tai sao không chọn bài mẫu với nhì tứ lục chẳng phân minh ?

Như trên vừa cho thấy : bài Vịnh Dế Duỗi không mang một đặc điểm riêng nào của thơ Cổ Phong. Nhưng người ta vẫn gượng ép dùng nó để có thể xếp vào loại thơ Cổ Phong những bài Đường thi không theo dải số 1-8 2-3 4-5 6-7.

Tìm hiểu nguyên nhân phát sinh ra dải số 1-8 2-3 4-5 6-7

Dải số đó tương ứng với hai cách Niêm thông dụng và có nhiều bài nhất, của loại thơ Thất ngôn bát cú Đường Thi.
Ở thời khoa cử, người ta có lý do để qui định cho các sĩ tử chỉ dùng hai thể thơ thông dụng nhất đó thôi.
Vì nếu áp dụng tất cả kỹ thuật nêu trên của Đường Thi, với 16 cách Niêm trên lý thuyết, thì việc chấm thi sẽ rất phiền toái và mất nhiều thì giờ.

Nếu giả thuyết trên đây là đúng thì dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 chỉ có công dụng lớn cho giới khoa trường.
Nhưng nó chỉ bao gồm hai trong 16 cách chơi lý thuyết của thi nhân đời Đường. Nên nó không có khả năng để đo lường sự sai Niêm, đúng Niêm của tất cả 16 cách.

Thi nhân tiền bối của chúng ta

Nên ngoài khoa trường, thi nhân tiền bối của chúng ta vẫn chơi theo cách phóng khoáng của thi nhân đời Đường, dĩ nhiên phần lớn thơ của họ vẫn theo dải số 1-8 2-3 4-5 6-7, nhưng họ cũng có làm những bài thơ thuộc loại nằm ngoài dải số như :

bài VỊNH DẾ DUỖI nêu trên của Tú Quỳ.
Trên 1-3 2-4 luật Trắc + dưới 1-4 2-3 luật Bằng

HÀ TIỆN
Trên 1-4 2-3 luật Bằng + dưới 1-4 2-3 luật Trắc

Giàu thì ba bữa khó thì hai (Luật Bằng
Lần lữa cho qua tháng thiếu đầy
Nón đổi lá ngoài quần đổi ống
Dép thay da mặt túi thay quai
Dặn vợ có cà đừng gắp mắm (Luật Trắc
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện
Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai.
Nguyễn-Minh-Triết
(chắc là không phải ông Triết hiện nay)

DĨ HÒA VI QUÝ
trên 1-3 2-4 Trắc + dưới 1-4 2-3 Trắc

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu (Niêm 1-3 2-4
Làm chi cho có sự đôi co
Đây cậy đây khôn đây chẳng nhịn
Ðấy rằng đấy phải đấy không thua
Duật nọ hãy còn đua đến bạng (Niêm 1-4 2-3
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng : Nhân dĩ hòa vi quý
Vô sự thì hơn khỏi phải lo.
Nguyễn-Bỉnh-Khiêm

ÐỘC TIỂU THANH KÝ
trên 1-4 2-3 Bằng + dưới 1-3 2-4 Bằng

Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư (Niêm 1-4 2-3
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn (Niêm 1-3 2-4
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Nguyễn-Du

Thơ « phá cách » đúng nghĩa

Trong số Đường Thi có dịp đọc qua, tôi chỉ gặp duy nhất một bài thơ đáng gọi là thơ « phá cách » sau đây :

VÕNG XUYÊN BIỆT NGHIỆP
trên 1-4 2-3 Trắc + dưới 1-2 3-4 Trắc

Bất đáo Đông sơn hướng nhất niên (trên theo Niêm 1-4 2-3 của thơ tứ cú
Qui lai tài cập chủng xuân điền
Vũ trung thảo sắc lục kham nhiễm
Thủy thượng đào hoa hồng dục nhiên
Ưu lậu tỳ khưu kinh luận học (dưới Niêm theo 1-2 3-4 chưa hề thấy)
U lũ trượng nhân hương lý hiền
Phi y đảo tỷ thả tương kiến
Tương hoan ngữ tiếu hành môn tiền.
Vương Duy

BIỆT THỰ Ở VÕNG XUYÊN

Đông Sơn chẳng đến trọn năm nay
Về gặp mùa xuân kịp cấy cày
Cỏ dại trong mưa xanh biếc biếc
Hoa đào trên nước đỏ hây hây
Tỳ hưu học đạo bàn kinh kệ
Bô lão làm gương giữ tháng ngày
Khoát áo trở giày tìm gặp bạn
Nói cười trước cổng thật vui thay !
Đinh Vũ Ngọc

Bài Đằng Vương Các của Vương Bột

Bài Đằng Vương Các của Vương Bột cũng không phải là thơ thất Niêm hay thơ Cổ Phong. Bài ấy vẫn là một bài Đường Luật nằm trong cách chơi phóng khoáng của thi nhân đời Đường với sự khác Niêm giữa 4 câu trên và 4 câu dưới. Nhưng Vương Bột phóng khoáng thêm hơn chút nữa là :

Dùng 3 chữ vần cho mỗi bài tứ cú*
Tuy là cùng một vần, nhưng bài tứ cú trên với 3 chữ vần Trắc, và bài tứ cú dưới với 3 chữ vần Bằng.

* thông thường thì bài tứ cú dưới chỉ dùng 2 chữ vần, để dễ viết cho cặp 5-6 của bài bát cú được đối nhau.

ÐẰNG VƯƠNG CÁC
trên 1-4 2-3 luật Bằng, 3 vần « u » thanh Trắc
+ dưới 1-3 2-4 luật Bằng, 3 vần « u » thanh Bằng

Ðằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại ?
Hạm ngoại trường giang không tự lưu.
Vương Bột

ÐẰNG VƯƠNG CÁC

Bến sông cao ngất Ðằng Vương Các
Múa hát im rồi loan ngọc đâu
Nam Phố mây bay quanh cột vẽ
Tây Sơn mưa cuốn trước rèm châu
Mây trôi đầm ánh từ bao độ
Vật đổi sao dời đã mấy thu
Ðế tử không còn trơ gác vắng
Trường Giang muôn thuở chảy bên lầu.
Bùi Khánh Ðản

Kết luận :

Nay không còn là thời kỳ khoa cử.
Nhưng người làm thơ lắm khi thích tìm cái khó để trổ tài. Làm thơ theo dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 cũng là thêm một chút khó. Với cái khó đó mà cống hiến được cho làng thơ những bài thơ hay là điều đáng ca ngợi, chẳng ai mong muốn gì hơn.

Nhưng việc gọi những bài TNBC Đường Thi danh tiếng của Lý Bạch, Đỗ Phủ … Nguyễn Du là thơ phá cách, thơ thất Niêm hay thơ Cổ Phong, chỉ vì chúng nằm ngoài dải số, thì quả là không đúng.

Vì như trên đã trình bày, dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 chỉ tương ứng với 2 trong 16 cách Niêm-Luật mà thi nhân đời Đường áp dụng. Nên rất có thể nó chỉ là sản phẩm của giới khoa trường. Họ có lý do để chỉ dùng hai thể thơ thông dụng nhất và có nhiều tác phẩm nhất, tránh việc dùng tất cả 16 cách Niêm-Luật để tiện cho việc chấm thi.

Mặt khác, công dụng của Niêm và Luật là chỉ tắt cho ta thấy cách viết ra những câu thơ có âm điệu tốt, dễ nghe, hoặc tránh được sự khổ độc.
Những bài thơ bị dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 xếp vào loại Thất Niêm thực sự không phải là « thất Niêm » mà chỉ là « khác Niêm », nên đều có âm điệu hoàn hảo, chẳng ai nêu ra được là những bài thơ ấy bị kém đi phần âm vận ở chỗ nào ?
Và nếu lấy công tâm và sự thẩm âm riêng mà nhận xét thì có thể có người thấy ngược lại như sau :

Trong bài Hà Tiện : Câu « Dặn vợ có cà đừng gắp mắm » khiến cho nhạc điệu bốc lên rất mạnh, nhờ đổi Luật.

Trong bài Dĩ Hòa Vi Quý : câu « Đây cậy đây khôn đây chẳng nhịn » cũng có tác dụng tương tự, nhờ áp dụng phép Niêm 1-3 2-4.

- Nhắc lại : Nay không còn là thời kỳ khoa cử.
- Phần kỹ thuật của thi nhân đời Đường đã được mỗ xẻ phân tách đúc kết như trên, cho thấy cách chơi của họ rộng rãi phóng khoáng hơn cách chơi quy định bởi dải số dùng chấm thi của thời khoa cử.
- Mọi người chúng ta hoàn toàn tự do để chọn lựa cách chơi : theo thi nhân đời Đường hay theo dải số của giới khoa cử cũng đều tốt cả. Vì cách nào cũng cho được những bài thơ hay cho làng thưởng thức.
- Nhưng phải trả lại César những gì của César.
Những bài thơ bị gọi oan uổng là thất Niêm kia phải được thanh minh và được có mặt trong mọi trang Đường Thi, thay vì bị gạt ra ngoài như hiện tại.

Rất mong được nghe những lời cao luận.
Trân trọng kính chào quý vị.
Võ Nhựt Ngộ

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.