Apr 25, 2024

Biên khảo

Việt Nam Ngư, Tiều, Nông, Mục
Nguyễn Minh Thanh * đăng lúc 12:09:36 PM, May 12, 2021 * Số lần xem: 625
Hình ảnh
#1

 

Việt Nam Ngư, Tiều,  Nông, Mục

         Thơ Ca  &  Tiểu Sử
1 - Ngư Phủ: Nguyễn - Trung - Trực (1838 - 1868)

Thơ của Ô. NTT và Những bài thơ tiếc thương Ngài :  
            TUYỆT MỆNH THI
Thư kiếm tòng nhung tự thiếu niên
Yêu gian đảm khí hữu Long Tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên
                         NGUYỄN TRUNG TRỰC
Tương truyền, trước khi bị hành quyết Nguyễn Trung Trực đã ngâm bài thơ trên.
                Thơ TUYỆT MỆNH 
Trai trẻ binh nhung đã học bàn
Long Tuyền kiếm báu quyết trừ gian
Anh hùng mạt lộ cam đành thác
Thề chẳng chung trời với sói lang
            Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

 Ô. Huỳnh Mẫn Đạt, sĩ phu chống Pháp cùng thời,
có bài thơ điếu Ô. N.T.T. : 

  ĐIẾU NGUYỄN TRUNG TRỰC
Thắng phụ nhung trường bất túc luân
Đồi ba chỉ trụ ức ngư dân
Hỏa hồng Nhựt Tảo kinh (oanh) thiên địa*
Kiếm bạt Kiên Giang khấp (khốc) quỷ thần**
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân !
Cử Nhân HUỲNH MẪN ĐẠT

*Năm 1861, Nghĩa binh NTT đã đốt cháy tàu chiến
 ( Espérance ) của giặc Pháp tại vàm sông Nhựt Tảo.
**Năm 1868, Nghĩa binh NTT đã đánh úp đồn Kiên Giang
của giặc Pháp và toàn thắng.

   Điếu NGUYỄN TRUNG TRỰC
Súng gươm thắng bại chuyện thường tình
Ngư phủ cũng rành việc chiến chinh
Nhựt Tảo lửa bừng trời đất khiếp
Kiên Giang gươm tuốt quỷ thần kinh
Hai đường giữ vẹn lòng trung hiếu
Một sớm nêu cao tấm nghĩa tình
Cứng cổ anh hùng thơm mãi mãi
Cúi đầu siểm nịnh lũ hèn khinh !!
Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Và sau đây bài thơ bi cảm liên hoàn của người biên soạn khi kính viếng đền thờ Ngài tại Rạch Giá năm 1991.

            VIẾNG ĐỀN THỜ  
Ô.NGUYỄN - TRUNG - TRỰC
  ( Kiên giang  -  Rạch Giá )
Hăm hở viếng đền trang dũng liệt
Dấu xưa tưởng niệm đấng anh hùng
Non sông nghiêng ngửa lòng thê thiết
Đất nước loạn ly chí vẫy vùng
Gươm bạt Kiên Giang thần quỉ khóc
Lửa bừng Nhật Tảo đất trời rung *
Than ôi nguyện ước đường mây trắng
Khí phách hiên ngang sóng chập chùng..!!

Sóng chập chùng cao nỗi tiếc thương
Đền thiêng nghi ngút tỏa trầm hương
Người đi thuở trước hồn phơi phới
Kẻ viếng bây giờ dạ vấn vương
Trung hiếu lưỡng toàn kim cổ thiểu
Hiển linh nhất xứ địa thiên trường **
Cho hay thành bại anh hùng sự 
Vẫn để muôn đời một sáng gương..!!
                        Nguyễn - Minh - Thanh
                             (  RG, 3- 1991 )

*2 câu thơ chữ Nho của H M Đ
Hoả hồng Nhựt Tảo kinh (oanh) thiên địa*
Kiếm bạt Kiên Giang khấp (khốc) quỷ thần**

**Hiếu trung vẹn cả xưa nay hiếm
   Linh hiển khắp nơi trời đất bền

Ngài tên thật là Nguyễn Văn Lịch, con của ô. bà Nguyễn văn Phụng & Lê kim Hồng, người gốc tỉnh Bình Định. 
NTT chuyên sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ tỉnh Long An.
Thuở nhỏ NTT có học võ nghệ, nên rất khoẻ mạnh, tính tình can đảm và mưu lược. 
Năm 1859 Ô. mộ quân đánh giặc dưới quyền của Lãnh binh Trương Công Định. 
Năm 1861,sau khi đốt tàu giặc L' ESPÉRANCE  Ô. được trièu đình Huế phong "Quyền Sung Quản Đạo". 
Qua thời gian dài hoạt động chống giặc, đầu năm 1867 triều đình phong NTTchức "Hà Tiên Thành Thủ úy" để trấn giữ vùng đất Hà Tiên.
Nhưng Ô.chưa kịp đến nơi nhậm chức thì đất Hà Tiên đã mất và tòa thành Ô. sẽ trấn nhậm đã lọt vào tay giặc!! 
NTT bèn đưa quân về lập mật khu ở Sân Chim, Hòn Chông, rồi Cửa Cạn Phú Quốc.
Năm1968 nghiã quân NTT đánh úp đồn Kiên Giang giặc Pháp và toàn thắng.
Tháng 9 - 1868 giặc Pháp và bọn Huỳnh Công Tấn, đem quân tấn công chiến khu Cửa Cạn, đồng thời sai người tìm bắt Mẹ Ô. để làm áp lực. Ô.vì chữ hiếu, và cũng để bảo toàn lực lượng cùng thường dân trên đảo, NTT đã tự nạp mình !!  Mẹ của Ô. rất phiền lòng v/v NTT tự nạp mình cho giặc để cứu Mẹ, giống như Mẹ của Từ Thứ trong Tam Quốc chí.
Bắt đuợc NTT giặc Pháp rất mừng, bèn dụ hàng phong quan, nhưng Ô. nhứt quyết chối tử, chỉ y/c được chết sớm, và nói : 

"- Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây." 
Giặc rất nể phục và ca ngợi Ô., chúng nói "- NTT là người rất tự trọng có tư cách đáng quí và đầy nghị lực". Dụ hàng không được, giặc hành quyết NTT vào sáng sớm ngày 27 - 10 - 1868 tại chợ Rạch Giá. 
Có rất nhiều người tới âm thầm chào vĩnh biệt Ô., và bô lão làng Tà Niên đem một chiếc chiếu bông " Chữ  Thọ " chữ Nho màu đỏ tươi thật đẹp để NTT đứng giữa chiếu thọ hình. 
Trước khi thọ hình NTT yêu cầu giặc mở trói và đừng bịt mắt để Ô. nhìn non sông đồng bào lần cuối.
Và Ô.đã hiên ngang: ninh thọ tử bất ninh thọ nhục !! 
Tại đền thờ NTT, Rạch Giá, mỗi năm có tổ chức cúng giỗ Ngài vào những ngày 27, 28, 29 tháng 8 âm lịch rất long trọng.

 2 - Tiều Phu: Trần Khánh Dư ( 1240 - 1340)
Dưới đây là bài thơ cuả Ông Trần Khánh Dư và bài thơ cuả người viết:
          Bán Than
Một gánh càn khôn, quảy tếch ngàn,
Hỏi  chi bán đó ?  Đáp rằng : - than.
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt,
Hơn thiệt nài bao khúc củi tàn.
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp,
Thử xem sắt đá có bền gan.
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác,
Nhưng sợ trời đông, lắm kẻ hàn.
                              Trần Khánh Dư

      Ông Trần Khánh Dư
Người huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương
Là trang dũng tướng tính can trường
Hữu công dẹp giặc phong Phiêu Kỵ
Trọng án gian dâm truất hiển dương
Củi đốn đốt than tìm lẻ sống
Chiếu tha đánh giặc đoạt quân lương
Vân Đồn phục kích kinh hồn giặc
Xoay chuyển thế cờ rạng sử chương
                      Nguyễn Minh Thanh
Trần Khánh Dư quê ở Chí Linh, Hải Dương, cha là Thượng tướng Trần Phó Duyệt,  mẹ là Trần Thái Anh. Ông là cháu nội Trần Thủ Độ
Trần Khánh Dư ( 1240 - 1340), tước Nhân Huệ vương, là một tướng tài đời Trần.
Năm 1258,Trong lần chống quân Nguyên lần thư ́ " Nhứt " Trần Khánh Dư có công đánh úp quân giặc và rồi đánh thắng Người Man. Ông được phong làm Phiêu Kỵ Tướng Quân.
Sau đó, Trần Khánh Dư  mắc tội gian dâm với Thiên Thụy công chúa là vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông bị phạt roi rất nặng và bị truất phế binh quyền, tịch thu gia sản phải trở về Chí Linh làm nghề bán than. Và có bài thơ ghi trên.
Đến năm 1282, ông được Trần Nhân Tông phục chức và được phong làm Phó Đô Tướng Quân trấn giữ cửa Vân Đồn.     
Năm 1288 Ông tiêu diệt đoàn thuyền lương quân Nguyên ở Vân Đồn   
Năm 1312  tham chiến chinh phục Chiêm Thành đại thắng
Năm 1323, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư xin về trí sĩ, tại vùng ấp ông được phong cương, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân (Hà Nam).
* 3lầnđánh giặc Nguyên 1258, 1285 và 1287-88
3 - Nông Dân: Trần Văn Thành ( 1820 - 1873): 
Giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, tác giả Vương Thông có tập thơ  là "Trần Quản Cơ dữ Gia Nghị Binh", kể về khởi nghĩa Bảy Thưa, trong đó có nhiều câu nói đến lòng quả cảm và tiết tháo của Ông Trần Văn Thành:
" An Giang có một ông (Trần Văn Thành) đây
Chữ dạ ngay thầy ái quốc ưu dân.
Thà thua xuống láng xuống bưng,
Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần... "
Viếng Đền Thờ Đức Quản Cơ
  Trần Văn Thành
Tôn niệm viếng đền Đức Quản Cơ
Trang nghiêm lãnh khí lặng như tờ
 Lung linh nhang toả hương ngào ngạt
Huyền hoặc đèn khêu ánh mịt mờ
Nước lặng trải gương sầu mặc niệm
Cây cao lộng bóng đứng sầu mơ
Ngậm ngùi kính ngưỡng người trung liệt
Dân quốc thiên thu mãi phụng thờ...!
                       Nguyễn Minh Thanh

Ông Trần Văn Thành còn được gọi là Đức Quản cơ Trần Văn Thành, hoặc Đức Cố Quản Trần Văn Thành. 
Trần Văn Thành sinh ra trong một gia đình trung nông làng Bình Thạnh Đông, huyện Đông Xuyên, tỉnh Châu Đốc, nay là An Giang
Tương truyền: cậu học trò Trần Văn Thành tính khí rất cương trực. Một hôm đang đi học, Cậu thấy bọn hào mục và bọn lính trong làng tìm bắt người dân thiếu thuế đóng gông và đánh đập họ tàn nhẫn... 
Quá bất bình, Trần Văn Thành rủ bạn đồng học hợp lực đánh bọn lính tàn ác kia cứu dân bị nạn. Nhưng không ai dám. Quá tức mình, học trò Trần Văn Thành bèn đứng bên đường khóc lớn. Có một hào mục thấy vậy, tới hỏi căn do. Học trò Trần Văn Thành thưa:
" - Tôi thấy mấy người dân lành kia bị nạn, muốn cứu họ. Nhưng không đủ quyền hạn, nên tôi lấy làm hổ thẹn mà khóc ".
Tên hào mục thấy cậu học trò có tính cương trực và thương người,  
bèn hỏi tiếp:
"- Vậy tao bắt mầy giải lên quan trên để thế tội cho những thằng kia, mầy ưng chiụ không? "Học trò Trần Văn Thành liền đáp:
" - Tôi ưng chiụ".
Viên Hào mục suy nghĩ, cảm thông với cặu học trò v/v áp bức mạmh tay cuả bọn lính đối với dân lành. Hắn liền bảo bọn lính tha những người nghèo thiếu thuế, và hẹn cho họ một kỳ hạn dài ngày phải nộp đủ thuế.
Cậu học trò Trần Văn Thành nói trên, sau nầy chính là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873) 
Năm 1840, Ô.Trần Văn Thành gia nhập quân đội nhà Nguyễn. Dưới thời Thiệu Trị,  Ô.dẹp Miên nổi dậy ở Láng Cháy (Tri Tôn) 
Năm 1845, Ông được thăng làm Chánh Quản Cơ, coi 500 quân, đóng quân ở Châu Đốc để giữ gìn biên giới phía Tây Nam.
Năm 1846, với chính sách "ngụ binh ư nông", triều đình cho giải ngũ một số binh sĩ, trong đó có cơ binh của Trần Văn Thành. 
Năm 1849, Ô.Trần Văn Thành gia nhập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An tên là  Đoàn Minh Huyên sáng lập. 
Năm 1851,  nghe lời Đức Phật Thầy Tây An Ô. đến Láng Linh (Châu Phú), vùng đất hoang trũng, có nhiều " cá linh " lập Trại Ruộng và lo việc khẩn hoang làm ruộng, nhằm phát huy " ngụ binh ư nông "
Năm 1861, Đại đồn Chí Hòa thất thủ, sau đó quân Pháp lần lượt đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.  
Hưởng ứng lệnh vua, Trần Văn Thành trở lại đội ngũ và huy động đưa nghiã quân qua vùng Rạch Giá yểm trợ Ông Nguyễn Trung Trực. Công cuộc bất thành. Ông Nguyễn Trung Trực bị thua rút quân ra Hòn Chông (nay thuộc Kiên Lương). 
Ô. Trần Văn Thành thì dẫn lực lượng của mình vào Láng Linh, nơi Ô. đã lập Trại Ruộng năm 1851. Ông cho dựng lại trại, khẩn hoang làm ruộng, luyện quân và rèn đúc vũ khí... nhắm kế hoạch lâu dài.
Trại Ruộng Láng Linh và cuộc Khởi Nghĩa Bẩy Thưa: 
Láng Linh là một cánh đồng trũng phèn rộng bao la, thuộc tỉnh Châu Đốc. Nay nằm trên các xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú thuộc huyện Châu Phú tỉnh An Giang. 
Nơi đây, vùng bãi lầy nhiều đế, sậy và vô số cây " thưa " . Cây " thưa " nhiều nhứt, vì thế mà còn có  tên " bãi thưa ". Nghĩa là bãi sình lầy có rất nhiều, rất nhiều... cây " thưa ". Song người bình dân gọi thành " bẩy thưa ". 
Và rồi có tên " Cuộc Khởi Nghĩa BảyThưa " đi vào lịch sử.
Ông Trần Văn Thành đã tổ chức vùng Láng Linh Bẩy Thưa vừa làm Trại Ruộng nuôi quân vừa làm Căn Cứ địa tập luyện chờ thời.
Đến năm 1867, lợi dụng địa hình hiểm trở, Ô. Trần Văn Thành phất cờ chống Pháp, lấy tên Binh Gia Nghị đặt cho đội quân của Ông. Đại bản doanh đặt tại đồn Hưng Trung thuộc vùng Trại Ruộng Láng Linh. Chung quanh có nhiều đồn phụ thuộc. 
Từ căn cứ Bẩy Thưa, nghĩa quân Gia Nghị xuất phát đánh Tây: phục kích, đánh đồn bót,...
Bà Nguyễn Thị Thạnh, vợ Quản Cơ Thành, là người  nhân hậu, đảm đang. Trong công cuộc kháng Pháp, Bà cùng với hai người con gái là Trần Thị Hè và Trần Thị Nên đi vận động mọi người đóng góp tiền của thực phẩm, tham gia đào kinh (kinh Bà Dâu), khẩn ruộng, trồng dâu nuôi tằm dệt vải,...Tạo nguồn tài sản, vật dụng và lương thực cho căn cứ .
Căn Cứ Bảy Thưa (1867-1873) thất thủ:
Năm 1871, một cộng sự của Pháp là Trần Bá Lộc hành quân vào Bảy Thưa, nhưng chẳng thâu được kết quả do sình lầy, bốn phía lau sậy, cây thưa mù mịt. Thỉnh thoảng còn bị phục kích.
Tháng 3 năm 1873 , quân Pháp lại tấn công vào căn cứ địa và tiến dần đánh chiếm bản doanh Hưng Trung. 
Biết mình đang bị bao vây, và người Pháp có vũ khí hữu hiệu, nhưng Ông Trần Văn Thành và nghĩa quân Gia Nghị vẫn quyết tâm đối phó.
Tại Hưng Trung, Ô. Trần Văn Thành  bình tĩnh đứng sau chiến lũy làm bằng những tấm ván và những bao gạo chồng lên nhau, chỉ huy binh sĩ chiến đấu. Nghĩa quân trong các chiến lũy thổi Tù Và, đánh trống và reo hò để tăng uy thế. Bên cạnh còn có con trai Ông hỗ trợ trong việc chống giặc.
Ông Trần Văn Thành mặc áo màu đỏ sậm( màu cuả Bửu Sơn kỳ hương ), đốc thúc chiến sĩ, và ra hiệu lịnh.
Trước hỏa lực mạnh mẽ của đối phương, dù rất can trường chống trả... Sau cùng  Nghiã quân Bảy Thưa cũng bị bại. 
Cuộc chiến đấu bắt đầu từ đầu tháng 3 năm 1873 đến 19 tháng 3 năm 1873.
Sau khi bản doanh Hưng Trung bị tàn phá, thất thủ, Ông rút lui vào chiến khu ngày 21 tháng 2 al và biệt tích. 
Hằng năm đến ngày Ngài biệt tích ( 21 -  2 al ) dân chúng quanh vùng đều cung kính làm lễ tưởng nhớ Ngài rất trọng thể. 
* Tù Và: làm bằng sừng trâu, cắt bỏ phần nhỏ, dùng miệng thổi, âm thanh rất to, dài: u...u...u....

4 - Mục Đồng Đinh Bô ̣Lĩnh ( 924 -  979) :

Chuyện Cờ Lau Tập Trận đã đi vào thơ ca tuổi trẻ Việt Nam từ thời tiểu học:
"Bé thì chăn nghé, chăn trâu
Trận bày đã lấy bông lau làm cờ
Lớn lên xây dựng cơ đồ
Mười hai Sứ tướng bấy giờ đều thua"

Và nhiều di sản văn hóa liên quan đến việc thờ cúng Vua Đinh Tiên Hoàng như: 
Tục đánh quân ở  Vĩnh Phúc. Các trò "Mục đồng đánh quân" và "Chợ mục đồng" suy tôn tinh thần thượng võ của Đinh Bộ Lĩnh. Các lễ hội động Hoa Lư ở Ninh Bình cũng diễn lại tích Cờ Lau tập trận của Ông thuở nhỏ. 

     Ông Đinh Bộ Lĩnh
Tuổi thơ vất vả... mồ côi cha 
Mẹ để chăn trâu... giúp chú nhà
Mục Tử bày binh nung nấu chí
Cờ Lau Tập Trận phất phơ hoa
Hiệp qui Trần Lãm đi chinh phạt
Chiêu nạp Sứ Quân dựng thái hoà
Hoàng Đế lên ngôi ban tước lộc
Mười hai năm vua bỗng băng hà...!!
                 Nguyễn Minh Thanh cẩn tác
Mụ̣c tử: mục đồng, người chăn trâu. Gõ sừng mục tử lại cô thôn, Bà H T Q

Đinh Bộ Lĩnh, còn gọi Đinh Hoàn, người động Hoa Lư, Ninh Bình. 
Là vị hoàng đế sáng lập triều đại Nhà Đinh, Đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, quốc hiệu Đại Cồ Việt . Cha tên Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu, mẹ họ Đàm. 
Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về sống quê ngoại Gia Thủy, Nho Quan, Ninh Bình, nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự ở quê nội gần đó. Đinh Bộ Lĩnh giữ trâu cho chú. 
Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, Ông cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Và trong đám bạn đó, có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú, những người sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh tạo nên đại nghiệp.
Lớn lên, Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công đang giữ Bố Hải Khẩu, Thái Bình, là người đức độ mà không có nối dõi, bèn cùng với con là Đinh Liễn đến nương tựa. 
Trần Minh Công thấy Đinh Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, mới lập làm con nuôi, ưu đãi hậu. Rồi giao cho binh quyền, và sai đi đánh những Sứ Quân các nơi đều thắng.
Khi Trần Minh Công mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính. Dưới trướng ông những hào kiệt Giao Châu đều có mặt. Giao Châu thất hùng gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng.
Kế sách:
Để thực hiện nhiệm vụ dẹp loạn và thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh đã khôn khéo vận dụng kế sách chính trị kết hợp với quân sự. Khi lực lượng còn non yếu, Ông đã qui hiệp với sứ quân Trần Lãm tức Trần Minh Công.
Chỉ trong vài năm, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng, hoặc chiêu dụ 11 Sứ Quân khác, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương. 
Kết thúc cuộc loạn Sứ Quân năm 968. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế. 
Xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, dời Đô về động Hoa Lư, bắt đầu dựng Kinh Đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, ban phẩm trật, tước vị...
Vụ án Đỗ Thích:
Năm 979, một viên quan là Đỗ Thích, mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã ám sát cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. 
Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Ông được táng ở sơn lăng Trường Yên, kinh đô Hoa Lư.

5 - Mục Đồng Đào Duy Từ (1572–1634): 
       Ông Đào Duy Từ
Côi cúc thông minh hiếu học hành
Song nhà ca hát cấm khoa danh
Mẹ lo cải họ: -   phi tung tích
Quan biết  thay tên: -   bất thuận thành
Vận mạt bôn Nam làm mục tử
Thời lai kiến Chúa luận mưu tranh
Lộc Khuê Hầu đức, tài: giai hảo
Hậu thế rọi truyền đẹp sử xanh
                     Nguyễn Minh Thanh

Đào Duy Từ là nhà mưu lược, nhà thơ, nhà văn hóa... đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tước Lộc Khê Hầu. Nhà Nguyễn công nhận Ông là đệ nhất khai quốc công thần và thờ ở Thái miếu.
Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn,  Thanh Hóa. Cha tên ĐàoTá Hán, một xướng hát chuyên nghiệp, mẹ Vũ Kim Chi.
Mồ côi cha khi lên 5 tuổi, ông được mẹ nuôi ăn học. Đào Duy Từ tỏ ra là người thông minh. Năm 14 tuổi ông vào học trường của Hương cống Nguyễn Đức Khoa. Nhưng không được thi Hương. Luật nhà Lê bấy giờ cấm con kép hát đi thi, vì cho rằng xướng ca vô loài.
Mẹ Ông phải nhờ một viên xã trưởng đổi họ cho ông thành Vũ Duy Từ theo họ mẹ. Viên xã trưởng nhân thế, ép bà phải làm lẻ hắn, thì mới chịu giúp. Mẹ Đào Duy Từ bèn hứa  khi nào Đào Duy Từ thi đậu mới tiến hành việc cưới xin. 
Khoa thi Hương năm Quý Tị (1593), Đào Duy Từ thi đậu Á Nguyên, lúc 21 tuổi. Viên xã trưởng lại đòi cưới bà Kim Chi. Nhưng bà viện lý do con mới thi đậu mà mẹ đã tái giá thì xấu hổ và từ chối.  Rồi bà bảo tên Xã Trưởng hãy cho con gái lớn cuả hắn về lấy Đào Duy Từ.
Tức giận, tên xã trưởng nộp đơn kiện bà Kim Chi, làm cho việc cải họ của Đào Duy Từ bị bại lộ. 
Lúc bấy giờ, Đào Duy Từ đang dự thi Hội trên Thăng Long và có bài văn được cho là hay nhất trường thi. 
Nhưng, việc cải " họ " bị lộ, Bộ Lễ truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á Nguyên luôn, lột mũ áo và đuổi về. 
Nghe tin này, bà Kim Chi quá đau lòng, cắt cổ tự vẫn. Đào Duy Từ vừa hỏng thi vừa mất Mẹ nên buồn rầu lâm bệnh nặng, phải nằm lại tại nhà trọ ít lâu...!!

Đến năm 1627, ĐDT trốn vào Nam. Bấy giờ Ông đã 55 tuổi !! Như vậy là mãi 34 năm sau Ông mới vào được xứ Đàng Trong !!
Đầu tiên Ông đến phủ Hoài Nhơn tức Bồng Sơn, thôn Tùng Châu ở mướn cho nhà giàu để giữ trâu. 
Dần dà, đức độ và tài năng hiển lộ, ĐDT được quan Khám Lý Trần Đức Hoà mến tài rồi gả con cho. Sau đó lại tiến cử với Chuá Nguyễn Phúc Nguyên qua bài Ngoạ Long Cương cuả ĐDT. Và ĐDT được trọng dụng từ đó.
Ông mất năm 1634, thọ 62 tuổi. Để lại công trình nổi tiếng là lũy Trường Dục ( Lũy Thầy ) và nhiều tác phẩm nổi tiếng: Ngoạ Long Cương, Hổ Trướng Khu Cơ, Tư Dung Vãn...

Nỗi Niềm Người Biên Soạn: 
Mới đây có một cháu gái tuổi khoảng trên dưới 60 mươi, hỏi:
 - Thưa chú bà Trưng là người Tàu phải không chú? 
Tôi ngạc nhiên và hơi buồn ! 
Tuy nhiên nghĩ cho kỹ, thì việc " Người Việt  dốt Sử Việt " một phần trách nhiệm là do Bộ Giáo Dục, do những người " làm văn hoá ". 
Thực tế cho thấy, đa số giới bình dân, nhứt là những người lớn tuổi, họ biết những nhân vật Tàu qua các truyện Phong Thần, Tây Hớn chí, Tam Quốc chí, Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Ngũ Hổ Bình Nam, Tây Du Ký... Họ biết rành ông Quan Công hơn là ông Trần Hưng Đạo, ông Nguyễn Huệ......
Vì sao vậy?
Dạ thưa, thiển nghĩ như vầy:
Trong kho tàng tác phẩm văn học VN, hiếm có truyện lịch sử tiểu thuyết để cung cấp cho giới bình dân. 
Và vì thiếu những tác giả viết loại truyện nầy. Cho nên để bổ khuyết, các dịch giả đã dịch nhiều bộ truyện Tàu và rất ăn khách trong dăn gian, thôn quê, làng mạc...
Phải chi, Bộ Giáo Dục có phương cách, khuyến khích nuôi dưỡng nhiều tác giả viết Lịch Sử tiểu thuyết, ví như: Phạm Minh Kiên, với tác phẩm: Lý Thường Kiệt..., Vũ Ngọc Đỉnh, với tác phẩm: Thập Nhị Sứ Quân.... Rất hay....rất hay.....
Ngày nay, với sự bùng nổ tin học, việc làm này thấy cũng rất cần. Tuy là muộn. Thà muộn, mà có còn hơn không. Vả lại, chuyện Lịch Sử tính bằng trăm năm, ngàn năm...
Học giả Phạm Quỳnh:
"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn", có thể thêm một vế nữa:      "nước ta còn, sử ta còn ". 
Sử ta còn, song có nhiều người không biết Sử. Cũng như không !! Phải tích cực thay câu:
        " Người Việt dốt Sử Việt " bằng cău " Người Việt biết Sử Việt "
Công việc này, ngoài người làm văn hoá, cần có sự góp sức cuả quí nhà làm nghệ thuật : tranh Đông Hồ, tranh Sơn Dầu, tranh Sơn Mài... Các tuồng tích Cải Lương..., bài ca Vọng Cổ...
Trước đây, Tranh Sơn Mài : Ngư, Tiều, Canh, Mục hay mô tả theo tích truyện Tàu: Lã Vọng, Võ Kiết... 
Trong khi đó, tích truyện Việt Nam cũng có: Ngư, Tiều... nhưng í́t người biết. 
Buồn lắm thay, khi mà người Việt Nam ta:
          Quan Công, [ Trương Phi, Tiết Nhơn Quí, Địch Thanh... ] lắm kẻ biết uy danh,
          Nguyễn Huệ, [ Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Bà Trưng... ] ít người thông tiểu sử !!

               Nguyễn Minh Thanh kính bút
                    ( Muà Quốc Hận -  2021 )

Nguồn: 
- các trang Web: Nguyễn Trung Trực, Trần Khánh Dư, Trần Văn Thành, Đinh Bộ Lĩnh, Đào Duy Từ...
- Thành Ngữ Điển Tích - Danh Nhân Từ Điển, tg Trịnh Vân Thanh
-  Hán Việt Từ Điển, tg Đào Duy Anh
.................................................................

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.