Apr 26, 2024

Tùy bút - Bút ký

Tùng Ruốc
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt * đăng lúc 08:54:43 AM, Jul 20, 2018 * Số lần xem: 1104
Hình ảnh
#1

 

 

                   

Tùng Ruốc
(Nhắc lại để tặng các em từng qua một thời gian khổ)
                                      Trần Quốc Phiệt

Điều tôi biết chắc chắn là Tùng vào nội trú sau tôi, nhỏ tuổi hơn tôi và ra trường để vào đời sau tôi khá lâu, nhưng thắc mắc của tôi là tại sao, lý do nào và ai đã đặt cái tên “Tùng Ruốc” cho hắn. Tôi đã cất công tìm hỏi bấy lâu nay, nhưng không ai có thể trả lời, ngay đến cả những bạn hữu cùng trang lứa cùng thời với nó.
Người đời, bạn bè đã thật sự quên nó rồi sao! 

Phần tôi, dù không cùng lứa cùng mâm cùng lớp cùng trường hay nằm cạnh giường tôi không dễ gì quên Tùng được. Một nỗi buồn miên man len vào tâm tư mỗi khi nghĩ đến cái “cõi người ta” nghĩ đến thời khói lửa binh đao, những ngày tháng chiến đấu gian lao sau cái mùa quê hương đỏ lửa năm bảy mươi hai, những lần như vậy, tôi thấy xót xa cho thân phận thằng em đáng thương từng một thời đồng cảnh ngộ sống chung dưới một mái nhà, chung bát cơm "phiếu mẫu": Tùng Ruốc.

Giữa cái thành phố cổ nhỏ nhoi đi bộ chưa đầy năm phút đã về chốn cũ, anh em cựu nội trú sinh chúng tôi ngày nào vẫn có một số người đến đây sinh sống. Trước tiên chỉ có tôi và  một anh bạn là cán bộ Ty Xã Hội, tôi và anh ấy thường lui tới cà phê với nhau lúc rảnh rỗi, thỉnh thoảng cùng ăn trưa hay ăn tối đó là dịp ôn lại tuổi học trò của những ngày xưa thân ái. Gắn bó với nhau chưa được bao lâu thì anh bạn thuyên chuyển đi nơi khác. Mãi một thời gian sau tôi tình cờ gặp được chị Tiên, vui mừng được sum họp thân thương với một người trước đây cùng tổ ấm.

Chị Tiên là chị của một người bạn tôi khi còn ở nội trú con gái bà phụ trách nhà bếp. Tiên là tên thường gọi khi còn nhỏ ngoài đời chị có tên là Hạnh. Chị có chồng người địa phương nơi đây, chồng chị đang là nhân viên phòng căn cước Ty Cảnh Sát. Gia đình chị có cuộc sống nề nếp, nhà cửa tươm tất các cháu con chị rất ngoan ngoản lễ phép dễ thương. Tôi thường ghé thăm chị sau những lần hành quân về, “tha hương ngộ cố tri” nên mối thân tình giữa chúng tôi rất đậm đà. Người hàng xóm tưởng chúng tôi là bà con họ hàng, và tôi cũng cảm thấy ấm lòng bởi tôi chỉ là kẻ đơn thân độc mã không ai thân thích ngoài những người bạn cùng quân ngủ.

Tháng 4/ 72, khi được đề cử chỉ huy Tiểu Đoàn trừ bị của tỉnh thay thế một sĩ quan Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt trẻ trung vừa tử trận, đó là dịp tôi thường lui tới nhà chị Tiên, hậu cứ tiểu đoàn nằm sau lưng nhà chị.

Lần nọ tôi ghé thăm chị cho hay Tùng đang hiện diện tại thành phố này; vẻ hớn hở của chị tỏ rằng chị đang mong tôi đến để báo cái tin mà chị cho là tôi sẽ vui mừng.

     - Cậu có nhớ cậu Tùng không?
     - Nhớ chứ, thằng Tùng học Hàm Nghi chứ gì?
- Tùng Ruốc a, chị giải thích thêm vì sợ rằng tôi lẫn lộn.
- Em nhớ mà chị, có gì về hắn không?
- Cậu ấy mãn khóa Thủ Đức Chuẩn Úy trình diện để nhận đơn vị ở đây đã mấy hôm, cậu tìm nhà chị tới thăm.
- Trông cậu bây giờ chững chạc cứng cáp phong sương không còn cái dáng thơ ngây hồi nhỏ nữa đâu mai mốt gặp rồi cậu sẽ thấy, chị Tiên tiếp.
- Tuyệt quá, chúng ta ở đây lại được tiếp đón thêm một người. Thế chị có nói với Tùng có em đây không?
- Cậu ấy biết rồi, vì trước khi bốc thăm nhận đơn vị, theo lời cậu, phòng quản trị nhân viên đã thuyết trình cho các tân sĩ quan biết đơn vị nào ở đâu ai là chỉ huy.  Chị Tiên mĩm cười vẻ bí mật nhìn vào mắt tôi trả lời.
      - Tùng về đơn vị nào chị biết không?  Đến lượt tôi hối hả hỏi chị Tiên.
      - Tiểu đoàn …, nghe nói ông tiểu đoàn trưởng người Huế, trẻ lắm.
 - Em biết, Ông Đ. Ông ta và em quen nhau lâu lắm rồi, em sẽ đến thăm Tùng nhân thể trình bày với ông ta về năng khiếu bản tính và ưu điểm của Tùng để ông xử dụng đúng khả năng của nó và rèn luyện thêm  năng lực cho Tùng.

               - Ừ, cậu nói như vậy chí tình lắm, chị Tiên nhìn tôi khẩn khoản chân tình thổ lộ chị cũng đang mong gặp cậu, nói với cậu giúp đỡ cho Tùng.
Tôi mĩm cười trấn an chị.
               - Chị yên tâm Tùng "tứ cố vô thân" như chị nghĩ, nó sẽ không cô đơn.

Mỗi lần gặp nhau, chị Tiên và tôi là những chuyện ngày xưa ở căn nhà tình nghĩa đường  Đặng Dung Thành Nội Huế lại trở nên ròn rã sống động hơn. Hồi ấy, chị Tiên sống ở nhà bếp học chưa hết trung học thế mà sau này gặp lại chị là một người rất bặt thiệp đặc biệt là chị có cái tâm rất tốt, rất nhiệt tình với anh em nên tôi chân thành quý mến chị. Tôi tự hứa sẽ lo cho Tùng và sẽ chu toàn lời hứa của mình trước là giữ lời với chi Tiên và sau cũng là bổn phận của một người anh.
               
*

Từ phòng hội trở ra trên tay với cầm lệnh và phóng đồ hành quân với bốn ngày lương khô trong kế hoạch tái tiếp tế theo nhu cầu tình hình, tôi ghé qua trung tâm hành quân lướt xem nhanh vị trí đóng quân của đơn vị Tùng đoạn rồi tức tốc đi đến đó.

Đúng như tôi đã dự định, anh Đ Tiểu Đoàn Trưởng chăm chú nghe tôi trình bày những đặc điểm mà tôi quan sát được ở Tùng và có ngay một quyết định nói với tôi:
 “Đại Đội Chỉ Huy Yểm Trợ đang cần một sĩ quan phụ tá, nếu ông thấy Chuẩn Úy Tùng có khả năng đảm đương phần hành này, tôi sẽ điều động ông ta về đó, sau ba tháng sẽ đi thụ huấn chuyên môn để có ám số chuyên ngành” 
Tôi ngỏ ý tin vào sự xét đoán khả năng nhân sự của anh Đ, mặt khác tôi thầm nghĩ đây là một quyết định đứng đắn không dựa trên tình cảm đơn vị với một người đồng vai vế. Chỉ nhận ra một điều là Tùng ít có cơ hội thử thách với hiểm nguy hấp dẩn như chúng tôi. Tuy nhiên, tôi đã có dịp may hoàn thành trách nhiệm của một đàn anh đối với một đứa em cùng cảnh ngộ một thời, qua đó công vụ được giao cho một nhân sự đúng với khả năng của người ấy.   

Khi anh Đ Tiểu Đoàn Trưởng của Tùng cho hay đại đội cuả Tùng hiện đang làm công tác an ninh vòng đai thị xã địa bàn hoạt động cũng gần đây, tôi ngỏ ý muốn mượn hệ thống âm thoại nội bộ nói chuyện với Tùng giây lát, nhưng anh đã vội vã gọi một thuộc cấp đến dặn dò gì đó rồi quay qua tôi bảo là “cậu ấy sẽ về đây bây giờ, không xa lắm mà, để cho bạn gặp chú em một tí.”

Trong khi ngồi đợi, tôi và Đ trao đổi về tình hình dầu sôi lửa bỏng của các đơn vị nào là quân nhân đơn vị tác chiến quá tất bật vất vả nào là phép tắc hạn chế cắm trại liên miên hành quân và ứng chiến liên tục tôi hỏi Đ có báo cho Tùng biết hiện tôi đang có mặt nơi đây không, Đ vừa cười vừa đùa, “tôi không nói gì cả, dành cho cậu ấy một sự ngạc nhiên thích thú chứ”, trong lúc tôi thì nghĩ rằng, giờ này chắc Tùng đang lo lắng, vì một chuẩn úy tò te, nhận cái khẩu lệnh đột ngột trình diện Tiểu Đoàn làm sao mà không bồn chồn được.

Tôi chờ đợi chưa bao lâu, Tùng đã bước vào với đầy đủ nón sắt và dây ba chạc, ở tư thế trình diện cấp chỉ huy, đợi cho Tùng chào kính cấp trên xong rồi mới bắt tay Tùng, chúng tôi siết tay nhau thật chặt nồng ấm. Hai chúng tôi cùng ngạc nhiên và rất mực vui mừng về sự hội ngộ bất ngờ sau những năm tháng dài xa cách không hề liên lạc.

Anh Đ thật tế nhị trước khi bước ra ngoài còn dặn lại, “nếu ông có thì giờ, tôi cho mượn chú em đó để ông dẫn đi chơi một vòng cho thỏa lòng, tôi sẽ gọi cho Đại Đội Trưởng của cậu ấy phối trí người khác đảm trách nhiệm vụ.”

Sau đó, Tùng cùng tôi lên xe về phố; đó là quảng thời gian ngắn ngủi tôi và Tùng gần nhau, chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn, tin tức anh em đồng cảnh thuở nào trong những năm tháng qua, có thể nói là câu chuyện bất tận, nói hoài không cùng. Tôi dặn dò Tùng nhiều điều cũng cho Tùng hay những gì “xếp” của nó đã hứa với tôi. Hôm sau trước khi chia tay, tôi còn bảo Tùng lúc này tôi luôn đi hành quân cần gì cứ ghé nhà chị Tiên nhờ chị nhắn lại.

Những ngày kế đó là những ngày tôi phải hành quân liên miên hết bốn ngày lương thực lại tái tiếp tế, cứ mỗi lần bốn ngày và dài dài như vậy, đó là một cuộc hành quân lớn, dài ngày, nhiều đơn vị cùng tham gia tảo thanh lùng địch trong thế chiến thuật cài răng lược. Những ngày truy kích vất vả ngược xuôi trong vùng, những đêm đóng quân khi thì bãi cát của làng mạc thùy dương biển mặn, khi thì giữa làng mạc hoang vắng tiêu điều khi thì trên những đồi núi khô cằn bằm sâu vết cày đạn bom và mỗi đêm nằm nhìn lên bầu trời với hằng hà sa số vị sao, tôi suy nghĩ thật lung về thân phận, quê hương bạn hữu, những người đã về “nước nhược” ở cái tuổi còn non, những người còn đó rồi sẽ ra sao, và tôi cũng nghĩ về Tùng Ruốc: với những ngày đầu bước chân tập tễnh nhưng hăng say dấn thân vào cuộc chiến, tôi hy vọng Tùng sẽ đạt ý nguyện của mình.

Chấm đứt hành quân  đơn vị tôi trở về hậu cứ. Trước khi ra phố kiếm một chút thức ăn tươi để bù lại những ngày cơm sấy và thịt hộp, tôi chạy thẳng đến nhà chị Tiên và như thường lệ tôi không đậu xe trước nhà chị vì sợ cản lối ra vào của những người ở phía trong mà đậu trong một khu quân sự gần đó cho tiện và an toàn rồi tản bộ. Còn chừng vài mét là bước lên thềm mái hiên nhà chị Tiên tôi nghe tiếng còi xe Honda phía sau, vừa ngoái cổ đã bắt gặp hai vợ chồng chị trên đường về nhà. Nhận ra trong vài ba người đi trước có tôi, chồng chị Tiên ngừng xe. Chưa kịp chào hỏi thì nghe chị Tiên gào lên:

-    Ôi chao, cậu ơi!  Tùng chết rồi, giọng chị Tiên vang lên xúc động.
-    Sao? Chị nói sao? Tôi không tin vào những gì vừa nghe, bàng hoàng hỏi lại.
-    Nó chết cậu ơi, nó chết …tội quá cậu ơi!

Vào nhà như chị kể lại, chị là người đầu tiên và duy nhất dở cái băng ca ra nhìn mặt tử thi của Tùng, ban chung sự phải tẩm liệm gấp vào quan tài bọc kẻm, không còn nguyên dạng, một mình nó lãnh nguyên một quả đạn súng cối 61 ly, rơi đúng vào hố phòng thủ chỉ vài ngày sau buổi tôi từ giã nó để vào vùng hành quân.

Trong sự thương tiếc và đau xót, tôi chẳng biết nói gì hơn để an ủi chị Tiên cũng như trấn an lòng mình, chị khóc “người dưng” như khóc đứa em ruột thịt. Nghẹn ngào, chị kể lại thật nhiều chuyện có chuyện tôi chưa hề biết về Tùng, nhưng không nghe chị nói tại sao lại có tên Tùng Ruốc.  Và, ai đặt cái tên đó hầu như nó cũng chấp nhận vì nghe đâu, nó không hề cự nự gây gổ với ai bao giờ khi người ấy gọi nó là Tùng Ruốc.

Tôi bịn rịn chào vợ chồng chị Tiên xoa đầu mấy cháu nhỏ ra về lên xe một mình lái đi tôi lẩm bẩm: số phận.  Đêm hôm đó, một đêm buồn tận xương tủy của tôi, đó là lần “khác thường” của  đời lính hành quân mới rời vùng về thị tứ mà không đi quán “ kiếm chút cay” với bạn bè và chiến hữu.  Dù là một người từng trải chiến trường, đã từng chứng kiến biết bao đổ vỡ mất mát và chết chóc chưa có khi nào mà tôi không cảm nhận quặn đau bởi lẽ trái tim không thể chai lì được trái tim chính nó có nhịp rung và nhạy cảm siêu tầng của nó đặc biệt, riêng với Tùng sự xúc cảm trong tôi thật là một xúc động bầm tím cả ruột gan.

"Tùng ruốc” không còn nữa, thế là hết một đời người một đời người khởi đi từ một đứa học trò nghèo qua bao năm tháng chuyên cần dồi mài đèn sách với vốn liếng kiến thức đạt được chỉ mong làm một người truyền đạt và uốn nắn mầm non cho thế hệ tương lai. Nhưng tình hình đất nước không cho phép Tùng cũng như bao nhiêu người khác phải tuân thủ xếp hàng trong đội binh tự vệ bảo quốc an dân. Và, nó đã ra đi, đã nằm xuống dưới lá quốc kỳ phủ lên quan tài với tiếng kèn đồng tiếng trống của ban quân nhạc bi ai bài “chiêu hồn tử sĩ,” trong một nghi lễ truy điệu truyền thống dành cho những người con yêu của đất nước nước hy sinh trận mạc. Thi hài Tùng được đưa về nơi chôn nhau cắt rốn vùi sâu trong lòng đất mẹ để lại bao sự tiếc thương của thân nhân và bằng hữu.

Trong cái “cõi người ta,” mỗi người được dành riêng một phận số, không người nào giống kẻ nào. Cuộc sống con người vốn “sinh hữu hạn, tử vô kỳ,” ai biết ra sao ngày sau. Với thời gian cái gì rồi cũng phôi pha, xót xa nào rồi cũng lắng xuống nhưng mỗi lần nhắc lại chuyện xưa thì viền mắt không thể khô!

Trần Quốc Phiệt
(Nov, 2008,tự sự một thời binh lửa)


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.