Apr 24, 2024

Thơ mới hiện đại VN

Tưởng Niệm Nguyễn Trãi / Tưởng Niệm Chu Văn An
Phạm Mộ Đức * đăng lúc 03:47:24 AM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 974
Hình ảnh
#1

 

 

               

       

 


      Tưởng  Niệm  Nguyễn  Trãi
                           ( 1380 - 1442 )

              Nam Quan thầm nuốt lệ sinh ly
              Nợ nước , thù cha giục trở về
              Hiến kế bình Ngô - xua giặc Bắc
              Bàn mưu trị quốc - dựng triều Lê
              Hùng văn Đại Cáo vang trời Việt
              Oan huyết tru di ngập Nhị Khê !
              Bậc Thánh đành thua phường bất nghĩa
              Mây mù khôn lấp ánh  Sao Khuê ..
                                      0.
            ...Bao lần gục xuống trang bi sử
             Nhỏ lệ thương Người , tim tái tê ...!

                                         Phạm Mộ Đức

   

   Đôi  Dòng Tiểu Sử :

   Nguyễn Trãi ( 1380 - 19/9/1442 ) ,hiệu là Ức Trai , quê
làng  Nhị  Khê ,  huyện Thượng Phúc ( cũ ) . Thi đỗ Thái
học  sinh năm 1400 ,  Nguyễn  Trãi từng làm quan dưới
Triều Hồ .  Nhà Minh xâm lược , cha ông là Nguyễn  Phi
Khanh bị bắt giải sang Tàu và khuyên ông ở lại tìm  cách
trả thù . Ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  do
Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc . Ông trở thành
mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu
kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân
Minh. Năm 1442  ,  toàn thể gia đình ông bị tru di tam tộc  
trong vụ án Lệ Chi viên . Năm 1464 , vua Lê Thánh Tông
xuống chiếu giải oan cho ông .   Nguyễn Trãi là một vị Anh 
Hùng  Dân  Tộc ,  một nhà văn hóa lớn ,  có đóng góp  to
lớn vào sự phát triển của nền văn học và tư tưởng V, N.   


         

       Tưởng   Niệm  Chu  Văn  An
                                ( 1292 ? - 1370 )

            Nhà nghèo khó , bố vô danh
            Lớn khôn ơn mẹ tảo tần tháng năm !
            Học rất giỏi , không ham danh lợi
            Chăm sách  đèn , vui với thiên nhiên
            Đinh ninh một ước nguyện riêng :
            Quyết trao  Chữ Nghĩa Thánh Hiền cho Dân !
                                    0
           Mở trường học , xa gần quy tụ
           Con nhà nghèo , hào phú , quan nha ...
           Quây quần dưới một mái nhà
           Chuyên cần học hỏi gần ba ngàn người ( ? )
                                    0
           Thầy nổi tiếng tuyệt vời Tài - Đức
           Triều  đình mời giữ chức Học quan
           Thầy Chu không khỏi ngỡ ngàng :
           Lăng nhăng một lũ tham quan nịnh thần
           Không nỡ để Nhà Trần sụp đổ
           Thầy can vua , dạy dỗ con vua
           Than ôi ! Hoa đã cuối mùa
           Hiến Tông yểu mệnh ; đành thua số Trời !
           " Thất trảm sớ " như lời quyết  tử 
           Giúp vua Trần trừ khử tham gian
           Dụ Tông ngu muội , không màng
          Thầy treo mũ áo , về làng ẩn cư ...
                                   0
            Vinh quang Sự Nghiệp Trồng Người
            Ngàn năm lẫm liệt  Những Lời Răn Vua !

                                            Phạm Mộ Đức

 
                              
Đôi Dòng Tiểu Sử :

Chu Văn  An tên thật là Chu An , hiệu là Tiều  Ẩn , là một nhà
giáo , thầy thuốc , đại quan. thời nhà Trần  ; được phong tước
Văn Trinh Công , nên đời sau quen gọi là Chu Văn An . Quê
ông ở làng Văn Thôn , xã Quang Liệt , huyện Thanh Đàm Hà
Nội . Là người chính trực , đã từng đổ Thái học sinh , nhưng
ông không ra làm quan . Ông có công trong việc truyền bá tư
tưởng Khổng  giáo ở VN . Vua Trần Minh Tông ( 1300 - 1357 )
mời ông làm Tư nghiệp Quốc tử giám , dạy cho Thái tử Trần
Vượng , tức vua Trần Hiến Tông tương lại . Đến đời Dụ Tông
thấy quyền thần làm điều vô đạo , ông dâng Thất trảm sớ , xin
chém 7 tên gian thần , nhưng vua không nghe . Ông chán nản
về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng ( Chí Linh - Hải Dương ) , lấy
hiệu là Tiều Ẩn ( người đi ẩn hái củi ), dạy học , viết sách cho
tới cuối đời . Chu Văn An tính cương nghị , thẳng thắn , sửa
mình trong sạch , bền giữ tiết tháo , không cầu lợi lộc ,ở nhà
đọc sách , học vấn tinh thông , nổi tiếng gần xa , học trò đầy
cửa ,   có người đỗ đại khoa , làm quan to mà vẫn giữ lễ học
trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi dưới giường ,được nói chuyện
với thầy vài câu thì lấy làm mừng lắm !



 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.