Apr 19, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

ÐỌC THƠ THANH CHƯƠNG / TÌNH BUỒN NHỚ MÃI
Trần Trung Thuần * đăng lúc 08:36:56 PM, Mar 29, 2009 * Số lần xem: 2910
Hình ảnh
#1


*

Mới đây không lâu, hai tháng trước, đầu năm 2009, nhà xuất bản Little Sài Gòn ở Nam California, Mỹ, do nhà thơ Phan Bá Thụy Dương làm chủ, có cho ra đời tập thơ của thi sĩ Trần Văn Sơn, Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa. Không ai nghĩ rằng nhà xuất bản Little Sài Gòn sẽ còn cho ra đời thêm tập thơ nữa vì thơ bây giờ “khó bán” lắm. Vậy mà, chưa hết tháng Ba 2009, người ta thấy tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi của Thanh Chương đang có trên kệ sách trưng bày của mấy nhà sách tại Nam California rồi. Tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi của Thanh Chương cũng do nhà thơ Phan Bá Thụy Dương (và một số thân hữu/thi hữu Ái Lan, Phan Diên, Vũ Quốc, Vũ Uyên Giang) chăm sóc cẩn thận, và dĩ nhiên nhà xuất bản có lòng ưu ái với thơ không ai khác hơn, vẫn là nhà xuất bản Little Sài Gòn.

Ðược chăm sóc cẩn thận, được ra đời từ một nhà xuất bản bước đầu có uy tín, tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi của Thanh Chương là một tập thơ rất bắt mắt từ cái bìa rất nghệ thuật: Phụ bản ưng ý nhất của họa sĩ Ái Lan, triện ấn tư duy nhất của họa sĩ Dương Ngọc Sum. Tình Buồn Nhớ Mãi có cái hình thức không chê, nghĩa là nên khen; khen không chưa đủ, chưa “phê”, phải nói cho “tràn đầy tình cảm” là Khen Ngợi! Cầm trên tay tập Tình Buồn Nhớ Mãi chắc chắn là ai cũng phải “hãnh diện”, người hãnh diện trước hết là tác giả của tác phẩm, thi sĩ Trần Thanh Chương.

Ở trang bìa sau của tập thơ, người ta đọc được những hàng chữ “đáng tin cậy” sau đây:

Sơ Lược Tiểu Sử (kèm theo ảnh chân dung của tác giả qua tác phẩm họa của thi sĩ vũ Uyên Giang): Tên: Trần Thanh Chương. Sinh tại: Thanh Hóa. Tuổi Kỹ Mão. Sinh hoạt văn nghệ từ : 56 ố 75. Bút hiệu khác: Thạch Ngữ, Hoài Nhân, Châu Huy Quang, SMÐ. Hội viên Văn Bút V N C H.

Ðã in: Tiếng Buồn Tình Yêu, Cỏ Cháy 1972, Tình Buồn Nhớ Mãi 2009.

Chờ in: Dòng Sông Cuộc Ðời, Thân Phận Lưu Vong, Nỗi Ðau Huyền Sử, Tân Nô Lệ Vườn Ðịa Ðàng

Mấy dòng trên có hai điều khiến người xem thắc mắc: một là Việt Nam Cộng Hòa (tức quốc gia có trước 30 tháng 4 năm 1975, tức miền Nam Việt Nam kể từ sau ngày ký Hiệp Ðịnh Chia Cắt Ðất Nước 20 tháng 7 năm 1954) không hề có tổ chức văn học nghệ thuật nào có tên là Văn Bút VNCH cả, chắc nhà xuất bản Little Sài Gòn ghi lầm, chỉ có Hội Bút Việt thôi; hai là tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi mà chúng ta đang “sở hữu” là cuốn sách mới vừa được in chớ đâu phải là tác phẩm “kép”, tác phẩm nào in rồi, tác phẩm nào vừa mới in xong?

Tôi nghĩ rằng cái bìa sau của tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi, nếu tái bản nay mai, nên đính chính chỗ nào cần đính chính thì tốt hơn bây giờ.

Hãy đi vào phần nội dung, tức phần bên trong của tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi. Ðây là một tập thơ có “số lượng” về con-số-bài, có tất cả 129 (một trăm hai mươi chín) bài thơ. 129 bài thơ ấy được trang trải trên 180 trang giấy. Như vậy là nhiều thơ mà bài ngắn? Ðúng thôi! Có bài vỏn vẹn một trang với nhiều khoảng trống, có bài thì ba, bốn trang. Là có ngắn, có dài. Thơ so le! Thơ so le là thơ đẹp. Thơ đẹp là thơ “chất lượng”. Thơ hay cũng là thơ “chất lượng”. Từ từ đọc hết tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi rồi hãy kết luận nha!

Tác giả sinh năm Kỷ Sửu, tức năm 1939, năm nay 2009, tròm trèm bảy mươi. Thất thập cổ lai hi! Kính mừng thọ tác giả. Rõ ràng tác giả đã già, nhưng bạn ơi, thơ tác giả trẻ lắm, trẻ như làm đâu hồi còn niên thiếu, thời mới biết yêu và mới có dăm ba lần thất tình. Nói thế để mà thưởng thức cái êm ái, cái du dương, cái u trầm lãng mạn của thơ trong tập Tình Buồn Nhớ Mãi.

Có ba người quan tâm đặc biệt đến tập thơ này, Tình Buồn Nhớ Mãi, khi nó còn trong dạng bản thảo. Khi chưa được xuất bản thì Tình Buồn Nhớ Mãi cùng với tác giả của nó nằm trong nước. Tác giả mới qua Mỹ non chừng mười năm nay thôi, Tình Buồn Nhớ Mãi mang quốc tịch Mỹ, nghĩ chẳng sướng sao!

Khi Tình Buồn Nhớ Mãi còn trong dạng bản thảo, Thế Phong, nhà văn, hiện vẫn còn trong nước, có lẽ là người đầu tiên biết được, hiểu được “bụng” tác giả, Thanh Chương, nên có viết một bài khá “ấn tượng” khen tác phẩm, nồng nàn tình cảm giữa tác giả và mình. Bài viết của Thế Phong mang tựa đề là lá Thư Thay Lời Mở Cho Tập Thơ Tình Của Thanh Chương. Bài đầy hai trang sách, người viết viết tại Sài Gòn, không ghi ngày tháng năm nào. Thế Phong là “thân hữu” chí cốt của Thanh Chương, xác nhận thơ Thanh Chương “giàu âm điệu, tập trung nhiều khóa sol, ẩn điệu nhạc lắằng chìm. Nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thơ anh mà tôi biết như nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Dũng Chinh...”. Thế Phong cho Dũng Chinh là nhạc sĩ phổ thơ hay nhất (qua bài Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan), nay phổ cho Thanh Chương nhiều bài, nhất định là thơ của Thanh Chương “tốt số” lắm. Nên mừng! Thế Phong và nhiều người quen thân với Thanh Chương hiện còn trong nước, rất không ngờ khi biết Thanh Chương đã ở Mỹ, thành phố Simi Valley. Biết, ngỡ ngàng, nhưng tin tưởng bạn mình sẽ gửi về tập thơ in tại quê người, “Tập thơ tình hay nhất của Thanh Chương ở Huê Kỳ gửi về tặng chúng ta; giấy thơm mùi giấy, mực thơm mùi mực”. Thế Phong và những-ai-kia chắc đã toại nguyện? Mong sao Thanh Chương có gửi kèm “tí đỉnh” để anh em cùng “đánh chén” , nghĩ thế, vui nào vui hơn!

Thế Phong “chễm chệ” ngồi phía trước tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi của Thanh Chương, hai ông bạn quý khác của Thanh Chương ố Khải Triều và Hoàng Vũ Ðông Sơn ố nằm phía sau, coi như dành phần viết bài bạt cho tác phẩm. Khải Triều cũng như Hoàng Vũ Ðông Sơn đều dùng những lời lẽ gần như “tâm huyết” để viết về thơ của bạn, viết cho tấm lòng của bạn đối với thơ. Khải Triều viết không dài bằng Hoàng Vũ Ðông Sơn, cả hai đều dài hơn bài tựa của Thế Phong in phía trước sách. Vẫn chung một giọng: nồng nàn. Vẫn chung một điệu: thiết tha. Vẫn là một tấm lòng của người tri kỷ ố tri âm: khen thơ của Thanh Chương. Khen, khen và khen! Tốt! Sống ở đời ai cũng nên khen, có khen nhau thì xã hội mới yên ấm, đời sống mới thái hòa.

Ba người đọc trước thơ của Thanh Chương từ dạng bản thảo đã không tiếc lời khen; tôi đây ố kẻ đọc sau họ, chung một thái độ hiếu hòa và hữu nghị, thì nên kết luận sớm chắc không sao? Muốn lắm chứ, để nhẹ bàn tay... khỏi viết nữa, nên đi tìm chai bia uống, uống hết bia, uống hết tình của Thanh Chương dành cho thơ, để no và ngủ với chiêm bao thấy thơ đúng là niềm mơ mộng!

Trước khi gấp tập thơ Tình Buồn Nhớ Mãi của Thanh Chương (để rồi đi ngủ, như vừa mới nói) tôi đọc đi đọc lại hai bài thơ sau đây của Thanh Chương may ra ngủ mà có chết luôn thì cũng thỏa lòng thỏa dạ:

SAO QUÊN (in ở trang 50 và 51)

Từng giọt sương
Từng giọt nhớ...
Ðã tràn bờ yêu thương
Em ơi!
Từ thuở nào
Thời gian lặng lẽ đến
Theo anh cùng nỗi nhớ
Ðã qua bao tháng ngày...

Anh làm sao quên
Những chiều mưa em tới
Như thấm sâu trong hồn
Thành dấu yêu... kỷ niệm
Tim anh đã cảm nhận
Theo từng nhịp trong mưa
Với từng giọt thấm buồn
Từng cơn sầu nhớ... hỡi em
Nên anh vẫn đợi...
Và anh vẫn chờ...
Dù cho mưa lạnh!

Nhưng khi em tới...
Lại ấm nồng tim anh
Thời gian mãi trôi đi...
Hỏi dòng sông chảy về đâu
Em khi nào trở lại
Tháng năm dài... nỗi nhớ
Tháng năm dài... niềm thương
Thương theo từng cơn mưa...
Như còn vang mãi trong hồn anh.

*

SÔNG MÂY (trang 52)

Thuyền trăng nhẹ lướt sông mây
Trôi vào ảo mộng quên ngày tháng qua
Vấn vương theo gió giao hòa
Hương bay ngây ngất hồn hoa đắm chìm

Nguồn thương nuối chảy về tim
Sao băng mờ khuất nơi tìm là đâu
Sóng tình thầm lắng biển sâu
AƯnh xưa hắt bóng nét sầu thời gian

Chợt như vọng tiếng thác ngàn
Xuôi dòng tiền định một lần đó thôi
Kiều ơi duyên mệnh thế rồi
Còn không bến đợi cho người chờ mong

Nguyệt cầm ngân khúc sắc không
Gợi thêm da diết nỗi lòng riêng ai
Thiết tha hồn mãi u hoài
Biết sao biển động sông dài cuộn đau

Xót xa biệt bến giang đầu
Niềm đau thương ấy xưa sau vẫn còn.

*

Thơ của Thanh Chương không “vạm vỡ” nhưng ngọt ngào. Tôi uống liền tù tì một lần hai bài thơ thật đã khát! Nói thế để thấy rằng thơ Thanh Chương nên đọc và nên chờ đợi để được đọc thêm. Ngọt ngào không thôi, chưa đủ, chưa thấm, thơ phải lâm ly bi thiết hơn nữa kìa... Mà thôi! Ai nỡ bắt ông-già-bảy-mươi-tuổi làm được thơ như thời-trai-tơ?

Thanh Chương có một thời là chàng trai tơ. Nay Thanh Chương đã già, Tình Buồn Nhớ Mãi, xếp lại, khác nào xếp một kỷ niệm dễ thương? Ước chi tôi cũng biết làm thơ, học tập nơi thơ của Thanh Chương để làm những bài thơ ẻo lã chọc quê con gái chơi! Hỡi ơi, tôi cũng đang già! Tình buồn nhớ mãi, nhớ mãi, nhớ mãi, đem vào giấc ngủ, giấc ngủ, bay, bay...

TRẦN TRUNG THUẦN

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.