Apr 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Nhớ danh sĩ Nguyễn Bá Huân (1853-1915).
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 10:40:06 PM, Apr 02, 2009 * Số lần xem: 2708
Hình ảnh
#1


Giận chẳng phanh thây phường bạch quỷ,
Nghĩ thêm hổ mặt đám hồng quần.
Thiết tha cuốc gọi lòng phò Tống,
Lạnh lẽo hoa trôi nẻo tỵ Tần.
(Nguyễn Bá Huân)
*
Gần cuối thế kỷ 19, ở Bình Định xuất hiện hai con người tài cao học rộng, tính khí khác thường.
Một là Phạm Trường Phát, ở huyện Phù Cát.
Hai là Nguyễn Bá Huân, tự Ôn Thanh, hiệu Mộ Chân sơn nhân, sau lấy tên hiệu nữa là Ái Cúc ẩn sĩ. Người làng Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn; là nhân vật chánh trong bài soạn này.
Ông Huân sinh năm Quý Sửu (1853) triều Tự Đức, là con trưởng cụ Tú Nguyễn Khuê, một vị thầy đồ đức độ, tiết tháo, đào tạo nhiều thế hệ học trò làm nên danh phận và cũng là người có biệt tài làm thơ quốc âm.
Nguyễn Bá Huân vốn thông minh và cả nhà ông đều là người hay chữ (ngoài ngưới cha vừa kể, cả ba người em ông là Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Thúc Mân, Nguyễn Quý Luân cũng đều có tài văn chương), nên ông dễ dàng chắt lọc, trao đổi, lĩnh hội được cái tinh túy của đạo lý thánh hiền.
Chính vì thế mà ai ai cũng kỳ vọng rằng ông sẽ thong dong trên con đường công danh, khoa cử.
Thế nhưng sự thể ngược lại. Người ta đi thi thì lều chõng cồng kềnh, còn ông đi thi rất chi gọn nhẹ, chỉ mang theo một bầu rượu đầy ăm ắp. Hễ làm được câu thơ hay thì tự thưởng mình một chén rượu. Thưởng mãi thành say, không còn biết gì trời đất.
Nhờ học trò cùng đi thi giúp đỡ và quan trường vị nể, nên khoa nào ông cũng trở về bình an. Có khoa, quan trường bảo lính lén đập vỡ bầu rượu, ông liền cáo bệnh bỏ thi.
Lần khác, ông say cho đến khi anh lính lệ đến vỗ vai đánh thức.
Tỉnh giấc, thấy  trường thi vắng lặng, ông hỏi tỉnh bơ:
- Thi xong cả rồi à?
- Chỉ còn mỗi mình ông chưa xong…
- Không, không... tôi làm bài xong từ sớm..
- Sao chưa nộp?
- Nộp cho ai?
Còn sót ít rượu trong bầu, ông rót mời anh lính cùng uống vài ly, rồi tự bật cười sảng khoái, ung dung xách gói ra về...
Ở đoạn đầu có nhắc đến Phạm Trường Phát, bạn ông, tiện đây người soạn xin kể lại một câu chuyện cũng ngông cuồng không kém:
Ông Phát đi thi không đem rượu theo, nhưng lần nào cũng dùng khăn nhiễu trắng ràng buộc kín cả đầu lẫn cổ.
Có người hỏi: - Vì sao làm thế?
Ông trả lời:
- Sợ hay chữ quá nổ đầu, văng lây chữ nghĩa vào quan trường…
Đến khi làm bài xong, đọc câu nào ưng ý, liền nổi hứng lấy bút khuyên tròn để tự khen ngợi:
- Để quan trường khuyên uổng.
Rồi Trường Phát cáo bệnh bỏ ra.
Dân trong vùng gọi cả hai ông là "Bình Định song cuồng".
Mấy chuyện “ngông cuồng” như thế, phần nào cho ta thấy cái triều chính phong kiến đã lắm đổ nát, cho nên chế độ giáo dục và thi cử theo lề lối cũ,  cũng dần đi đến chỗ lụn suy [Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc là năm Ất Mão (1915), ở Huế là năm Mậu Ngọ (1918) và khoa thi Hội chót là năm Kỷ Mùi (1919) ở Huế.]
Trở lại chuyện Nguyễn Bá Huân.
Sau mấy lần đến trường thi chỉ để “ngông” như thế, ông không còn mơ tưởng đến chuyện thi cử nữa, mà làm nghề dạy học và chăm chú viết văn.
Ngoài số lượng thơ, từ, tạp văn hứng đâu viết đó hợp thành Mộ Châu sơn nhân thi văn từ tập, ông  (cũng như em ông là Nguyễn Trọng Trì) còn chú tâm  nghiên cứu, biên soạn về nhà Tây Sơn. Và có thể nói đây là mảng đề tài quang trọng nhất trong đời văn của ông.
Chúng ta dễ dàng nhận ra điều đó qua các tên gọi tác phẩm sau đây:
- Tây Sơn cân quắc anh hùng truyện (nói về Bùi Thị Xuân và các nữ tướng).
- Tây Sơn văn thần liệt truyện.
- Tây Sơn tiềm long lục (nói về nhà Tây Sơn lúc chưa dấy nghĩa).
- Bình Định hào kiệt truyện (nói về các chiến sĩ Cần Vương).
Theo tài liệu của Quách Tấn (dẫn bên dưới) ông Bá Huân còn một tác phẩm nữa, gọi là “Trinh phụ khốc phu từ” gồm 64 khổ, tức 256 câu song thất lục bát. Tác giả mượn lời người quả phụ khóc chồng để gởi gắm nỗi đau mất nước. Đáng tiếc cho đến nay không sao tìm được tác phẩm này.
Ngay trong thời buổi triều đình Huế còn thâm thù nhà Tây Sơn cùng cực, vậy mà ngòi bút của cả hai  dám viết và truyền bá đề tài này nhằm cổ vũ, nuôi dưỡng ý chí quật cường của nhân dân, thì rõ ràng là hành động quá đổi dũng cảm. Giới thiệu một bài:
Tây Sơn lương tướng ngoại đề từ.
Nho giả không đàm lễ nhạc thâm,
Tây Sơn khí vận thuộc thuần dương.
Bất nhân gian nịnh ô thanh sử,
Na đắc hùng tư khởi lục lâm.
Báo quốc nhất thân đô thị đảm,
Giao tình thiên tải chỉ luân (luận) tâm.
Vô đoan hữu tục anh hùng phổ,
Tuy mạc lâm ly bất tự câm (cấm).

Tạm dịch:
Lời đề tập ngoại truyện về các tướng giỏi của nhà Tây Sơn.
Nho sĩ bàn sâu lễ nhạc thôi,
Tây Sơn khí thuận lẽ đương rồi.
Sử xanh, gian nịnh làm hoen bẩn,
Rừng biếc, anh hùng nổi khắp nơi.
Nợ nước một thân can đảm đúc,
Giao tình nghìn thưở dạ trao lời.
Không dưng ghi lại anh hùng truyện,
Mực đượm men say vạn thảo hồi.

Cuối tháng 5 tháng 1885 thực dân Pháp trắng trợn cướp nước Việt. Kinh thành Huế bị thất thủ, vua Hàm Nghi theo Tôn Thất Thuyết chạy ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương.
Đào Doãn Địch vốn người Bình Định đang làm quan tại Kinh, mang chiếu về quê tụ nghĩa. Sau trận Cần Úc, Đào công lâm bệnh nặng rồi mất, trao binh quyền cho Mai Xuân Thưởng. Cả ba anh em Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Quý Luân cùng lúc lên đường đến Bình Khê ứng nghĩa. Mai chủ tướng phong Nguyễn Bá Huân làm tham tán sự vụ, trấn thủ mật khu Linh Đỗng.

Thời gian này, tâm trạng ông khá hồ hỡi:
Không cùng bạch quỷ đội trời chung,
Ngòi bút thanh gươm quyết vẫy vùng.
Chỉ thắm tình dân thêu gấm nghĩa,
Đá gìn thế nước chất gan trung.
Trời Nam phất gió cờ Trương Định,
Ải Bắc ngời trăng kiếm Đặng Dung.
Linh Đỗng bá tùng muôn gốc dụm,
Mây tuôn anh khí, khí thêm hùng.

Rõ ràng là bài Cảm tác này ông viết lúc đang điều hành công việc tại mật khu Linh Đỗng. Chỉ tiếc là phong trào Cần Vương không bao lâu thì bị tan rã bởi hai nguyên nhân:

1. Thành phần tham gia phong trào hầu hết là quan lại, khá phức tạp, nội bộ không đoàn kết, không ít nhân vật vốn là người hăng hái lúc đầu, sau trở mặt phản bội làm tay sai cho Pháp - Nguyễn Thân, Bùi Giảng, Võ Phong Mậu... là ví dụ.
2. Sai lầm trong chính sách đoàn kết dân tộc, nhất là chính sách tôn giáo, nên không được quần chúng ủng hộ mấy. ( xem thêm trong sử Việt)
Năm 1887 Mai Xuân Thưởng cùng một số võ tướng bại trận, bị bắt rồi tuẫn quốc. Nguyễn Bá Huân ở hậu cứ nên may mắn trốn thoát.
Mãi đến năm Ất Mùi (1895) vua Thành Thái có chiếu chỉ bãi bỏ việc truy nã, truy tố các chiến sĩ Cần Vương đào tỵ, ông mới cùng hai anh em trở về làng cũ Vân Sơn.
Lúc lánh nạn ở rừng thì chịu tang các chiến hữu. Về nhà thì chịu tang em (Nguyễn Thúc Mân), tiếp đến tang cha. Nguyễn Bá Huân lúc bấy giờ giống như cội tùng xơ xác trước giông tố...
Thôi thì, cứu nước không xong thì phải ra sức cứu người. Cho nên, ông chọn lấy nghề bốc thuốc đông y làm lẽ sống.
Năm 1904 Đào Tấn về hưu tại Vinh Thạnh, Tuy Phước, mang theo các nghệ sĩ từng cộng tác với ông,  lập nên Học bộ đình Vinh Thạnh. Đây không chỉ là lò đào tạo các thế hệ nghệ sĩ hát bội Bình Định từ ấy về sau mà còn là nơi hội tụ các văn nhân, tài tử trong vùng đi lại.
Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo... là những người thường đến nơi đây đàm đạo về thế sự, nhân tình, phẩm bình nghệ thuật.
Đào Tấn lớn hơn Nguyễn Bá Huân mười tuổi, quan hệ giữa Bá Huân với Đào Tấn là quan hệ bạn vong niên và cũng chỉ hiểu biết nhau từ ngày Đào Tấn về hưu. Năm 1907 Đào Tấn qua đời. Nguyễn Bá Huân điếu câu đối.
Thi sĩ Quách Tấn tạm dịch:
- Rút trâm về lão tính đã ba đông, trăm nỗi lo âu thôn vướng dạ. Nương gậy đến Xuân Quơn bờ cá Phương Thái núi thiêng, những mong giai tiết chung vui hẹn nhiều nên nợ;
- Ngậm lệ tỏ lòng cách mới bảy bữa, một lần đau ốm vội chia tay! Vịn xe qua Vinh Thạnh cổng làng, Hoàng Mai cửa mộ, đành để cố nhân an nghỉ, nghĩ lắm thêm thương!
Do những nỗi muộn phiền vì việc dân, việc nước cộng với sự buông thả rượu chè, đã làm sức khoẻ ông ngày càng suy cạn. Năm 1915, tức là tám năm sau kể từ ngày Đào Tấn mất, sau khi âm thầm làm lễ tế danh tướng nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu, Nguyễn Bá Huân chết uất giữa gò!

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Tài liệu tham khảo:
-Liệt truyện kẻ sĩ đất thang mộc, Vũ Ngọc Liễn , NXB. Đà Nẵng, 1997.
-Bước lãng du, Quách Tấn, NXB Trẻ, 1996

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.