Dec 04, 2024

Thơ mới hiện đại VN

Dỗ Giấc Người Yêu
Trần Trung Tá * đăng lúc 10:30:40 AM, Oct 31, 2017 * Số lần xem: 969
Hình ảnh
#1

 



Dỗ Giấc Người Yêu

 

Em ngủ đi em, trời đã tối, ngày dài, năm tháng cũng dài theo…Như con sông nhỉ, dài vô tận, như biển, trời ơi sóng cứ nhiều…
 

Anh nói biển sông, anh dỗ đó!  Em hiền em hãy ngủ cho ngoan…Hãy như bé bỏng thời thơ dại, ai nói gì ta cũng cứ tin
 

“Nước bốn ngàn năm không người nhớn, dân bao nhiêu triệu cứ còn ngu!”.  Tản Đà đã nói như đinh đóng, ai nói thêm chi cũng tảng lờ…
 

Định mệnh bắt đầu từ Xích Quỷ, dân thì Con Đỏ với Con Đen!  Văn Lang vằn vện…người Giao Chỉ…rồi tới An Nam, tới Việt Nam…
 

Em ngủ đi em, anh lãng xẹt, ru em buồn nhỉ giọng Nam Ai!  Nếu câu vọng cổ nhiều tha thiết, ta có non sông:  tiếng Thở Dài!


*

Em ngủ đi em!  Em nhược tiểu!  Đại Cồ Việt chỉ một thời ngông!  Biển Nam của-nước-Nam thành Chệt…lớp lớp người đi vượt biển Đông!
 

Lớp lớp người đi, hàng nối hàng…Những con thuyền chở lũ thuyền nhân; Mỹ Tây hỏi chớ mi-đâu-tới, dạ-bẩm-thưa rằng:  Tui Việt Nam!
 

Anh khóc với em rồi nhắm mắt, mình vào giấc ngủ nhé, Thiên Thu!  Quê Hương mãi mãi bờ tre trúc, kiếm gốc sồi ta dỗ giấc mơ…
 

Trần Trung Tá
 

Chú thích chung:

Người Tàu ban đầu, 2.000 năm trước Tây Lịch, chiếm và đặt tên vùng đất phía Nam của nó (tức đất nước của ta) là Xích Quỷ - người ở trần, da đỏ vì nắng, trông giống như quỷ.  Sau đó, thấy đàn ông ai cũng vẽ vằn vẽ vện trên người để giống thuồng luồng ra suối ra sông bắt ếch nhái làm lương thực cho vợ con, gọi là Văn Lang.  Sau đó, chúng ngắm nghía người mình:  đi chân trần, bẹt cả hai bàn chân, chân phải chân trái các ngón như giao nhau gọi là Người-Giao-Chỉ (người mạn ngược thì có mang hài kết bằng cỏ để dễ leo trèo và đi đường núi), và cả vùng đất có người giao chỉ thì gọi là Giao Châu!  Dân mình tức khí, nổi lên, chúng ra tay “trừng trị”, đặt nền đô hộ gần cả ngàn năm, đặt tên là xứ An Nam (phía Nam Tàu đã dẹp yên).  Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau khởi nghĩa, đuổi được quân Tàu và bè lũ tay sai, lên ngôi Vua đầu tiên, Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước độc lập tự chủ là Đại Cồ Việt.  Vì chữ Cồ khó hiểu (không sử gia nào nghĩ đó là chữ Cường, ngộ ghê nơi!), nhà Tiền Lê khi thay nhà Đinh bèn đổi gọn tên nước ra Đại Việt, truyền mãi đến đời Hậu Lê.  Có 3 năm, khi Lê Quý Ly cải sang họ Hồ, soán ngôi nhà Trần, làm vua 3 năm, đổi ra Đại Ngu (1400-1403). Nguyễn Phúc Ánh thống nhất sơn hà, năm 1802, lên ngôi lấy hiệu Gia Long (giàu có), đặt tên nước là Nam Việt, chữ Việt viết bộ Mễ / mễ cốc, có nghĩa là nước phía Nam Tàu dư dã cái ăn.  Năm 1804, Tàu bắt Gia Long đổi ngược thành Việt Nam, chữ Việt viết bộ Tẩu, chạy trốn…Vua Gia Long ném bỏ, gọi tóm tắt:  Nam Quốc! Năm 1820, Minh Mạng kế nghiệp vua cha đổi thành Đại Nam. Năm 1945, Trần Trọng Kim thừa lệnh của vua Bảo Đại, Đại Nam Hoàng Đế, lập Chính Phủ lấy tên là Chính Phủ Việt Nam…rồi thì dân phía Bắc tràn vào Nam (trận đói năm Ất Dậu, 1946), một cuộc di cư vĩ đại tiếp đó, 1954, khi quân Việt Minh thống trị miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra.  Cuộc vượt biên thê thảm tiếp theo từ sau ngày 30 tháng Bốn năm 1975, người mình xuyên rừng, vượt biển, đa số cũng về phía Nam…chạy trốn quân Cộng Sản! 

Hỡi các sử gia… các ông là Sử Da thôi hà… Buồn quá!  Hết nước mắt rồi nha.

*

Hai câu thơ nói rằng của Tản Đà, sự thật nguyên tác:  Nước bốn ngàn năm không người nhớn, dân hăm nhăm triệu toàn trẻ con!

Trước đó, Trần Tế Xương có hai câu:  Thiên hạ có khi đang ngủ cả, tội gì mà thức một mình ta?

Sau đó, Phan Bội Châu có hai câu:  Nước bốn ngàn năm chưa thức tỉnh, Dân hăm lăm triệu hãy còn mê!



    

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.