May 02, 2024

Biên khảo

Điểm qua mấy vần thơ viết về “người vợ” thuở xưa…
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 07:04:28 PM, Jan 05, 2024 * Số lần xem: 8322



Lắm lúc nghĩ đến những gì còn chồng chất trên vai người mình yêu mến, lòng chợt vang lên câu nói: “Bất kỳ mái ấm nào, thảy đều có phần đóng góp của người vợ tốt”…Song, đề tài thấm đượm nghĩa tình này, dường như chưa bao giờ được xem là một chủ đề lớn.

Nói cách khác, trong văn học viết của ta cách nay mấy thế kỷ (xin phép được giới hạn khoảng thời gian), số bài dành cho đối tượng ấy không nhiều. Có thể một phần vì các nho sĩ -vừa là nhà thơ, vừa là chồng- đều nghĩ rằng đấy là chuyện riêng tư; phần khác biết đâu chẳng vì ý thức hệ phong kiến, khiến vai trò của người bạn trăm năm bị đánh giá thấp, bị lưu mờ.Nhưng bù lại, những tác phẩm mà tôi biết, điều bộc lộ được những cảm xúc hết sức đậm đà, khăng khít…

Đầu tiên, xin nêu đôi câu thơ của Nguyễn Kiều (1694-1771) khóc vợ là Đoàn Thị Điểm  (1705-1748):
…Đào chưa tươi đã khô
Quế đang thơm đã rũ
  Rừng sâu, bể rộng, nàng hỡi đi đâu?
Ngọc nát, châu chìm, lòng tôi quặn nhớ…

Tiếp theo, phải nhắc đến Ngô Thì Sĩ (1726-1780) với Khuê Ai Lục. Bởi thật lòng,qua hai mươi bài thơ chép trong sách ấy, không bài nào là không gợi trong tôi những cung bậc xót xa. Xin chọn hai bài :

Chu trung độc tọa hữu hoài
(Ngồi một mình trong thuyền tưởng nhớ )

Dịch nghĩa :(dn)

Yêu thương ở cùng nhau (thế mà) bổng dưng mất nhau
(Như) tiết trời nóng lạnh cứ tuần tự thay đổi
Người thì chôn vùi tắm thân ngọc dưới nấm mồ lặng lẽ
Người thì lên thuyền một mình trên sông dài xa xăm
Trời không thể hỏi được, chỉ một màu mù mịt
Trăng vốn vô tình cứ tự nhiên tròn vành vạnh
Còn nhớ ngày nào, đi về Thanh Hoa
Cùng ngồi trên thuyền, chuyện trò vui vẻ.

Và:   Nhớ nàng không có cách nào, đành đem cây đàn của nàng ra gãy
Phím gẫy dây chùng, sai lạc cả tiếng tơ
Theo bài đàn, muốn lựa xoang mà không thành điệu
Bồi hồi ngắm kỹ, lòng chỉ còn biết thương tâm…

(trích Thập Tư)

Vẫn là niềm đau vì “âm dương” bỗng dưng chia cắt, vua Tự Đức (1829-1883) cũng có bài “Khóc Bằng Phi”:
…Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Mối tình muốn đứt càng thêm bận
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

Vâng, có lẽ tôi không cần nói gì thêm về những cuộc chia tay “không bao giờ gặp lại”này; bởi những vần  thơ trên và những dòng chữ tiếp theo đây của Nguyễn Khuyến (1835-1909), sẽ thay tôi nói tất cả . Đành rằng so lại, ngôn ngữ của Tam nguyên Yên Đỗ mộc  mạc hơn, song tôi nghĩ, nó không hề thua kém mặt nghĩa tình :

Điệu nội (khóc vợ)

Sống chung mấy chục năm trời
Gốc hòe một giấc, kéo dài ngànthu
Bóng cầu thấp thoáng thế dư ?
Lô nhô đám mộ có chừa riêng ai ?
Biết đâu cõi Bụt chẳng vui
Đường trần chi phải mong ai thương mình
Nếu ta sống tựa ông Bành
Tám trăm năm ấy, khóc tình bao phen.

Và câu  đối:

Nhà chỉnh vốn cũng ngèo thay!Nhờ được bà hay lam, hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quay cồng, tất tả chân đăm đá chăn chiêu (ý nói tất bật )vì lão đỡ đằng trong mọi việc;
Bà đi  đâu vội đấy! Để  cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành ,buông quần lá tọa, gật gù tay đũa chạm tay chén, cũng ai kể lể chuyện trăm năm .

Khác hơn tâm trạng tiếc nuối người thương bỡi lẽ “vô thường” vừa nêu, Phan Thanh Giản (1796-1867)là  vị Tiến sĩ đầu tiên & duy nhất của Nam Kỳ (1826), vì ơn nước, nợ trai đành phải rời quê để nhận trọng trách chốn xa .Trước lúc ông ra đi đã làm một bài thơ với lời lẽ thật cảm động ;vừa để gửi gắm việc nhà, vừa để bày tỏ tâm tình riêng với người bạn đời ở lại : 

Giã vợ nhà đi làm quan

Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây, cười tớ ham giông ruổi
Trướng liễu, thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước, nợ trai đành nổi bận
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời nhắn nhủ khi lâm biệt
Rằng nhớ rằng quên, lòng hỏi lòng.

Nguyễn Thông (1827-1894) xuất thân trong một gia đình nho học nghèo , đỗ cử nhân 23 tuổi. Rồi cũng vì việc vua việc nước…ông đành phải bùi ngùi chia tay với người vợ trẻ.Bóng dáng vò võ ấy, được ông ví như cành hoa đào dập dềnh trên muôn lượn sóng xuân :

Tống nội tử Ngô Vũ Khanh Nam qui
(Đưa vợ là Ngô Vũ Khanh về Nam )
Dịch thơ (dt)

Màn the vọng quyện lệ đầm
Tóc xanh ai để lược trâm biếng cài
Về Sóng xuân e cánh đào trôi
Chia đôi trăng sáng, lẻ loi thuyền.

Nhưng xét cho cùng, vì trách nhiệm trai thời loạn mà chồng vợ ly biệt, nỗi sầu tư đó theo tôi càng nhân lên, khi một người phải lẩn trốn, một người phải bồng dắt con thơ chạy loạn, chưa biết bao giờ gặp lại hay sống chết ở phương nào. Đó là tâm trạng của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) lúc nhà Hậu Lê vừa sụp đổ :

Hoài nội
(nhớ vợ )
(dt)
Hối chẳng cùng vui cảnh ruộng đồng
Đỉnh chung để lụy khách khuê phòng
Ta lầm chăng tới, đường gai góc
Nàng dắt con đi, bước ngại ngùng …

(Nguyễn Sỹ Lâm dịch)

Đó cũng là nỗi lòng của Vua Duy Tân (1900-1945) khi phải vĩnh viễn xa người mà mình yêu dấu. Sử chép: Sau cuộc khởi nghĩa chống thực dân không thành (1916),vua bị đày sang đảo Re’union.Vương phi mới cưới tên Mai Thị Vàng xin theo, nhưng vì không hạp thủy thổ, đau yếu luôn nên phải quay về nước. Thấy phi còn rất trẻ (18 tuổi), vua cho quyền tái giá.Thế nhưng bà vẫn cam chịu cảnh sống đơn chiếc, đạm bạc cho đến cuối đời (1980).

Cái còn lại của mối tình đầu vương giả & buồn bã này là một bài thơ khá hay viết bằng tiếng Pháp, do vua Duy Tân làm lúc người yêu quí lâm bệnh nặng. Và có lẽ đây là bài thơ tình duy nhất của một ông vua Việt trong văn khố Pháp :

À Ma Chèrebien –Aime’e
(Tặng người yêu dấu)

Vén cánh cửa diệu kỳ                        
Ta ngắm nhìn em ngủ                        
Nằm trên làn chăn vải                         
Không một tiếng động hờ                         
Ta ngắt những đóa nhài                        
Và những đóa cẩm chướng                        
Ta canh chừng bên em                        
Với đôi mi khép kín                           
Ta lặng lẽ nguyện cầu                        
Bỗng dưng mắt nhòa lệ                        
Và nghĩ tới những điều                        
Chờ hai ta đêm nay…                         

Trường hợp Cao BáQuát (1809-1854) người mà nhà Nguyễn cho là kẻ ngỗ ngược, ngông cuồng…Sau khi bị khép vào tội chết vì tạo phản (khỡi nghĩa Lê Duy Cự,1854) .Dưới đây là những dòng thơ đầy triều mến của họ Cao khi thân bị giam cầm, đã gửi về cho vợ -người vợ từ thuở hàn vi đang âu lo , khó nhọc một mình nơi quê nhà - để ta cùng thương cảm cho đôi số phận éo le :

-Nhắn bác về thăm hỏi  nhà tôi
Trong bũi mưa gió này ,hai bên cùng đầm đìa giọt lệ. (Bài 131)

-Chiếc gương nhỏ ,mình đã gữi vào tráp người đi xa
Tấm áo rét ,ta đã để laị trong phòng củ
Hãy giữ gìn những vật ấy để cùng an ủi
Và để cho đôi ta lúc nào cũng nhớ đến  nhau. (Bài 37)

-Rồi mai đây nếu được trở về nhà lai cũ
Bước vào cửa ,biết rằng có người vợ hiền từ
Giã gạo để nuôi con,  chờ chồng. (bài 15)


Vừa nhắc bốn chữ “khó nhọc một mình” khiến tôi sực nhớ đến bài thơ “ Thương vợ” của Trần Tế Xương  (1870-1907). Do bài này hầu như ai cũng biết nên tôi không chép ra đây .Nhưng nếu ở đấy, bà Tú là nhân vật điển hình cho biết bao nhiêu người đàn bà âm thầm chịu khó nhọc vì chồng vì con; thì qua câu đối với hai bài thơ dưới đây, tôi muốn gợi đến một khía cạnh khác của phận người làm vợ: quên thân vì chồng .

Như ta đã biết, Bùi Hữu Nghĩa  (1807-1872), xuất thân trong gia đình dân chài lưới nghèo, nhờ có chí nên đỗ đầu kỳ thi hương (1835).Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cương trực, thương dân và ghét bọn tham quan, cường hào.Nên lúc ông làm tri huyện Trà Vinh, vì bệnh vực dân Khmer nên bị bọn chúng cấu kết nhau cáo buộc ông tội “Xui kẻ giết người”.

Và khi hay tin triều  đình kết tội chết cho chồng,bà Nguyễn Thị Tồn vợ ông đã quá giang ghe bầu từ Định Tường (Tiền Giang) vượt vô vàn hiểm nguy, sóng gió để ra tận Huế đánh trống, đội đơn kêu oan. Nhờ thế ông mới được tha (nhưng vẫn bị giáng chức làm lính coi đồn Vĩnh Thông,Châu Đốc). Tiếc thay, trên đường trở về bà mang bệnh rồi mất (mộ bà hiện vẫn ở thôn Mỹ Khánh, Biên Hòa; còn mộ Bùi Hữu Nghĩa ở Bình Thủy, Tp Cần Thơ).

Cám cảnh “Chưa vui đã sầu ,mới còn đã mất”, Bùi Hữu Nghĩa đã thốt lên những lời lẻ bi thiết sau :
Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm điều khen mình đáng vợ;
Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông thẹn phận tớ làm chồng .(Dịch đôi liễn thờ vợ )
-“Nơi kinh quốc ba hồi trống gióng, biện bạch nầy oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng.
Chốn tỉnh đường một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều hết vía...”
-“Phụng lìa đôi chếch mác, đừng nói sửa sang giềng mối, khi túng thiếu manh quần tấm áo, biết lấy ai mà cậy nhờ;
Gà mất mẹ chít chiu, đừng nói nhắc biểu học hành, khi lạt thèm miếng bánh đồng hàng, biết theo ai mà thỏ thẻ”. ( trích Bài văn tế khóc vợ của Bùi Hữu Nghĩa).
Cặp đối chữ Nôm, lời lẽ cũng rất bi ai:
“Đất chẳng phải chồng, bao nỡ thịt xương gởi đó,
Trời mà mất vợ, thử xem gan ruột mần răng!”
Và bài thơ “Đề nhà mồ vợ”

Đã chẳn ba năm mới đặng thăm
Màn loan đâu vắng bặt hơi tăm
Gió đưa đâu thấy hình dương liễu
Đêm vắng hoài ai tiếng sắt cầm
Chồng nhớ vợ, lòng tơ bối rối
Con thương mẹ, lụy ngọc tuôn dầm
Có linh chín suối đừng xao lãng
Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm .

Tương tự, bà Lê Thị Lộc , vợ của Thủ Khoa Huân (1816-1870)cũng đã  lặn lội đến An Giang để xin tha cho chồng, khi ông Huân bị viên Quan tỉnh này bắt nộp cho thực dân Pháp.Xúc động trước nghĩa cử này, từ trong ngục thất, nhà yêu nước gửi ra cho vợ hai bài thơ.
Trích một :

Tặng Vợ

Xem qua thư gửi rất kinh hoàng
Nhi nữ chà chà cũng lớn gan
Đơn bẩm cuối lòn loài bạch quỷ,
Sân quỳ vất vả phận hồng nhan
Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt,
Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng
Tiết khí dưới trần coi ít mặt,
Cang thường càng chuộng gánh giang sang.

Thật lòng tôi không muốn kết thúc bài góp nhặt này khi chưa trích dẫn được đôi câu trong“Văn tế vợ ”của Phan Bội Châu (1867-1940) và “Thư gửi cho vợ ”của Huỳnh Thúc Kháng (1867-1947).Bỡi lâu rồi tôi đã đọc đâu đó và cái đong lại trong tôi là mối tình chung thủy, mặc cho kẻ thù chia cắt, mặc cho tất cả thua thiệt về mình.

Nhưng tiếc sao, dù mấy hôm rày tôi đi đến cả Thư viện tỉnh vẫn không sưu tầm được. Thôi thì dù chỉ ngần ấy, thiết nghĩ, từ ngòi bút của những nho sĩ tiến bộ vừa nêu, cũng đã phần nào nói lên niềm cảm thông sâu sắc và đã biết đánh giá đúng vai trò, công lao cùng những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người vợ nói riêng .

Mặt khác, ít nhiều nó cũng xóa bỏ được những quan niệm bất công, hẹp hòi như “chồng chúa vợ tôi”, “nam trọng nữ khinh” vv…vốn thường có. Chỉ riêng điều đó thôi, tôi tin những dòng thơ chân tình trên vẫn đủ sức gợi cho lòng mỗi đôi lứa hôm nay biết phải làm gì khi đi tìm, vun bồi và nắm giữ Hạnh Phúc …

Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn
(Viết nhân ngày Phụ nữ 8/3)


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.