Apr 20, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Chơi Chữ
Lãng Nhân Phùng Tất Đắc * đăng lúc 09:50:18 AM, Aug 12, 2020 * Số lần xem: 1292
Hình ảnh
#1

 

 
 

CHƠI CHỮ
LÃNG NHÂN

NAM CHÍ TÙNG THƯ
 

 KHOẢNG TRÊN DỪNG BÚT


"Nghề chơi cũng lắm công phu", huống hồ chơi ... chữ!
Chơi chữ cần có những yếu tố không phải ai cũng gom được đủ : có học đã đành, nhưng lại còn phải có tài.

Học có hàm súc, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý ; tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất ra một cách nhanh chóng đột ngột, hồ như là tự nhiên.

Trong văn chương ta, có nhiều lối chơi : thơ, phú, câu đối, tập Kiều, xử dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách cấu tứ mà phô diễn ra cho phù hợp với nguồn cảm hứng trong giờ phút đó của nhà văn.

Cái thú chơi chữ của nhà nho khi xưa, chúng tôi đã chép lại ít nhiều trong tập "Giai Thoại Làng Nho" khởi từ thế kỷ XIV (đời nhà Trần) đến đầu thế kỷ nàỵ

Từ đầu thế kỷ đến nay, lối chơi chữ bằng Hán văn tế nhị và uyên áo dần dần trở nên thưa thớt, nhường chỗ cho lối chơi chữ bằng quốc văn, cũng tế nhị không kém nhưng đỡ công phu hơn vì ít xử dụng đến kho điển tích. Đến cái buổi mưa Âu gió Mỹ thì thi phú gặp nhiều khó khăn, người ta chơi chữ một cách dễ dãi hơn, nhưng bao giờ cùng rí rỏm, hóm hỉnh. Là vì năng khiếu trào lộng của dân tộc là một thiên tư không bao giờ mất được : nếu nó không diễn xuất bằng lối khác, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo những chất liệu mà hoàn cảnh cung cấp cho.

Trong lúc tiêu nhàn khiển muộn, ta thường dùng văn chương để di dưỡng tính tình. Hoặc làm câu đối dán cửa dán phòng khách, dán vườn hoa, để tỏ chí hướng, hoặc họp bạn uống rượu ngâm thơ, hoặc làm hát cho ả đào phả vào đàn phách, hoặc chỉ nói lên vài câu bông lơn bóng bảy về một đề tài thời sự, khiến cho khiếu rào lộng bị kích thích, rồi trong những chuỗi cười ròn rã, có khi nảy ra một đôi phút xuất thần mà thành "nhả ngọc phun châu".

Loại thời sự hay được làm đầu đề cho cuộc chơi chữ, là những dịp khánh điếu. Khánh thành, ăn khao hay đưa đám, là những dịp lên tiếng phẩm bình.

Phẩm bình phần nhiều vì công nghĩa, nhưng cũng đôi khi không khỏi đi vào chỗ hẹp hòi câu chấp, hoặc quá nữa, đến chỗ bới móc xỏ xiên; song bao giờ cũng có ý vị về văn chương, vì nếu không có uy thế của văn chương bao trùm lời nói, lời nói sẽ thành tục tằn bỉ ổi, không còn gì lý thú.

Trong cuốn này, lẽ ra chúng tôi chỉ lục những thi văn chưa từng đăng trong các sách báo. Nhưng có nhiều thi văn tuy đã được công bố sâu rộng song không kèm lời chú thích đầy đủ về trường hợp và hoàn cảnh đã làm nảy ra câu văn, khiến người đọc khó thấy dụng tâm của tác giả, khó thưởng thức hết được chỗ tế nhị của tác phẩm. Cho nên không nề sự thấy biết ít oi, chúng tôi mạn phép theo chỗ học hỏi được mà nói ra tình tiết một đôi bài.

Lần in thứ ba này, chúng tôi theo ý số đông độc giả, xếp thành từng loại, để dễ bề tra cứu. Và cố sưu tầm thêm những cuộc chơi chữ có thú vị, vì chúng tôi cho đó cũng là một cách chứng tỏ rằng tiếng nước nhà không phải không có rất nhiều những lộng ngữ mà ta thường lấy làm khoái trá khi đọc thấy trong tiếng Anh, tiếng Pháp.

Nhưng chỉ hiềm Nôm na câu được câu chăng, thôi thì cũng gọi là : Đỡ khi buồn bã, lại dâng một cười (1).

Dâng một cười, không phải lấy cái nghĩa khiêm nhường của họ Cao, tự chê văn mình có chỗ vụng về chẳng bõ mua cười; dâng một cười đây là dâng lên độc giả một trận cười chung, vì văn thơ chép lại, đau buồn có, uất hận cũng có, nhưng phần nhiều chúng tôi chú rtọng hơn vào những lối châm biếm trào lộng đã dùng làm conđường giải thoát cho lòng công phẫn của mọi ngườị

Thi sĩ la-tinh Santeul xưa đã thích nghĩa cho lối hài kịch là: cười cợt mà sửa lại phong hóa (castigat ridendo mores). Chúng tôi tin rằng lấy cái cười mà sửa lại phong hóa, nhiều khi hữu hiệu hơn dùng rìu búa, nên đã lọc lấy, theo quanđiểm của Bergson, những cái cười có tính cách xã hội: các lớp sóng xã hội hàng ngày dồn dập xô đẩy nhau, kèn cựa chống đối nhau, nếu trong sự va chạm ấy có nổi lên một ít bọt trắng ngần, ấy là cái cười ý nghĩa; cái cười cũng như bọt biển, có muối mặn bên trong.

Kẻ bị cười có khi thản nhiên chứng nào tật ấy, có khi tức bực chau mày nghiến răng ; ít ai nghe cười mà biết cảm ơn người đã nói điều phải.

Nhưng đối với xã hội thì cái cười ấy là sự cởi mở, cởi mở một cách nhẹ nhàng duyên dáng. Người được cười, lại là số đông, cũng nhân đó tự giới ý cho mình và tránh những hành động có thể khiến chính mình đứng ra làm trò cười để tiếng vềsaụ

Đó là cái phần thưởng trả cho những người đương thời đã chẳng ngại thù hằn, có khi chẳng nề nguy hiểm, làm ra thơ văn lưu lại cho chúng ta một vài tiếng cười mặn mà, chua chát.

Bởi vậy chúng tôi mới Mảnh tiên kể hết xa gần, và ước mong rằng bạn cùng chúng tôi sẽ chung một mối hoài cảm

Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa ...

Saigon, 1970
_______________________________________
(1) - Cao Bá Nhạ - Tự tình khúc.


*****
 
Hoành Phi - Trướng


Hai chữ, hoặc ba, bốn chữ đề trên cống hay treo ở phòng khách, viết ngang gọi là hoành phi, hay tắt là hoành, viết dọc gọi là trướng .

Hoành hay trướng để mừng hay phúng, ngoài những câu tâng bốc hoặc tiếc thương bằng sáo ngữ như Phúc như Đông hải, Hạc giá tiên du, nếu sự chủ có những tình tiếc éo le, có thể làm đề tài cho những người đàm tiếu hoặc bới móc, thì những tay chơi chữ hay dùng điển tích sâu xa, hoặc lối nói lái hiểm hóc, để chế diễu một cách kín đáọ

Có khi không viết ra trướng hay hoành, chỉ thốt ra trong lúc trà dư tửu hậu, cũng thành những câu có ý vị được người ta truyền tụng.

Như trước khi có hạng thông ngôn chính ngạch được bổ ra làm quan, đã có một hạng thông ngôn ngạch ... phụ được xuất chính: ấy là những ông chỉ biết nói mà không biết viết, sở dĩ được chiều chuộng là vì đã sống thân cận trong bếp nước hay phòng ngủ của người Pháp ngay từ buổi đầu gặp gỡ.

Thấy hạng này sau được mến chuộng quá lối, có người được ra làm cha mẹ dân, những vị quan xuất thân khoa mục lấy làm một sự sỉ nhục, nên có ông đã gọi lái họ là bọn :


Quần thần

Quần thần là bày tôi, bày tôi là ... bồi tây.

*

Một ông phú hộ làm ngôi nhà mới, mở tiệc ăn mừng. Yên Đổ cho hai chữ

Đại Hạ

Đại hạ là nhà to. Nhưng thay vì viết hạ là nhà, cụ lại viết chữ hạ là mùa hè, mùa hè to là nghĩa gì ? Sau cụ mới giải thích cho người thân cận :

Đại hạ là hè to, hè to lái lại là tò he: tò he tí hỏi, là tiếng kèn đám ma

Hỏi ra thì ông phú hộ này xưa kia quả có làm qua nghề thợ kèn ...

*

Một ông phú hộ khác, giầu rồi tất nhiên lại muốn sang, nhân thấy quan tỉnh là tay đại khoa có tiếng văn hay chữ tốt, liền khẩn khoản đến xin mấy chữ về khắc vào bức hoành treo chỗ ngồi chơi để tỏ rằng mình giao du với hàng quyền quý. Quan biết ý, muốn nhân dịp diễu chơi, bèn sai trải giấy, mài mực, rồi cất bútđề cho ba chữ đại tự:

Phúc đại lai

Không ai hiểu lấy ở điể n nào, ai cũng khen là tay đại khoa có khác, học rộngđến nỗi có ba chữ rất thông thường mà cũng không ai biết nổi xuất xứ.

Sau có người chợt tỉnh ra, mới hay cái dụng tâm của tác giả : Phúc đại lai, nghĩa đen là phúc lớn lại, phúc lớn lại nói lái lại là phúc lái lợn. Thì chủnhân ông đây vốn chả xuất thân làm cái nghề ... buôn heo !

*

Một ông người làng Động Trung, tỉnh Thái Bình, mở tiệc mừng thọ.

Có người đem lại tặng bức hoành khắc ba chữ :

Động trung xuân

Chủ nhân treo lên được vài hôm, bỗng bảo gia đình đem xuống đem chẻ ra thành củi

Thì ra Động trung xuân, tuy có nghĩa làng Động trung vẻ xuân tươi tốt mãi, thật hợp với lời chúc thọ, nhưng trong bài thơ Thiên thai có câu:

Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt
Thần thần khuyển phệ động trung xuân (1)


thì ba chữ động trung xuân đứng sau hai chữ khuyên phệ. Chủ nhân trước kia đã từng mở cửa hàng "mộc tồn", nay bị móc cái sự mình vẫn muốn quên đi từ lâu, nên giận cá mà cho chặt thớt.

*

Vũ duy Thanh lúc đi học, nghèo rớt mồng tơị Khi đỗ bảng nhãn, được bổ vào "tập hiền viện", ông viết trên cổng nhà ba chữ:

Cửu thiên khế

(chín nghìn bạn) lấy tích Lý Đạo Tái, đời trần, lúc hàn vi không ai ngó tới, đỗ trạng rồi thì bạn bè ở đâu kéo đến ầm ầm, nên đã than vãn :

Khi xưa thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng, chín nghìn anh em !


*

Vùng Hà đông có một ông chánh tổng làm việc đã lâu năm mà không chịu từ về, đểnhường chỗ cho người khác. Một viên phó tổng chỉ lăm le thay thế, mà đợi mãi không thấy ông rút lui, nên đã tặng ông ba chữ :

Tư vô tà

Nghĩa chính thì là thơ Kinh Thi khen người quân tử không có ý nghĩa nào thiên lệch.

Nhưng ông chánh tổng đâu có hiểu rằng người ta đã diễu mình :

Ta vô từ !

*

Ở Hà thành, ai cũng biết phố Sinh từ : sở dĩ có phố Sinh từ, là vì trong phố ấy có đền Sinh từ, nơi thờ sống Nguyễn hữu Độ, lúc đó làm kinh lược Bắc Kỳ.

Trên bàn thờ có treo bức hoành đề ba chữ

Sinh sự chi

(thờ ông lúc còn sống).

Song nếu lấy theo tiếng nôm thì Sinh sự chi lại là vẽ sự ra làm gì ! có ý mỉa những người đã nịnh hót bề trên bày ra cái trò làm sinh từ, tốn cho quỹ, khổ cho dân ...

*

Ông ích Khiêm, được cử giữ chức Tiễu phủ sứ, vâng lệnh cầm quân ra Bắc dẹp giặc Lý dương Tài, ở hồ Ba bể, khi trở về qua Hà thành cho lập một ngôi đền thờnhững tướng sĩ trận vong. Ông sai người đến xin Yên Đổ mấy chữ để đề ngoài cổngđền, người này kể lể "quan Tiễu muốn làm đền cho lính tôi", ra vẻ tự đắc mình cũng là hàng tướng tá. Yên Đổ cho ba chữ :

Tối linh từ

Ông Tiễu cho là chữ quá ư tầm thường, có biết đâu Yên Đổ đã nói lái: "tối linh là lính tôi" cho bõ ghét cái anh tay sai hách xằng.

*

Khoảng ba mươi năm nay, một ông thợ xẻ, gặp dịp làm nên giàu có, mua được chút phẩm hàm, mở tiệc ăn khao. Trong những câu đối và hoành phi gửi đến mừng, người ta chú ý nhất đến một bức trướng trên đề ba chữ :

Ăn cơm vua

Ai đọc cũng phải tủm tỉm, nhớ lại câu hát của trẻ nít: "kéo cưa, lừa xẻ,ông thợ nào khỏe thì ăn cơm vua, ông thợ nào thua thì về bú tí ... "

Riêng ông hàn mới cũng hiểu như thế, - mà không hiểu thì cũng chẳng thiếu gì người sẵn lòng chỉ giùm cho, vì ông có tiền
 
- nhưng ông lại lấy làm hãnh diện treo trướng ngay giữa nhà, ý chừng nghĩ cơm vua không được phép chê, vả chăng ... đã mấy ai dám tự hào được là tay thợ khỏe !

Ông thợ xẻ được "ăn cơm vua" rồi, lại tậu một sở đồn điền. Đồn điền nằm trên một ngọn đồi, ông cho làm nơi đỉnh đồi một ngôi nhà mát và xin ông Trần Bình (xem dật sự Trần Bình - sẽ post sau) mấy chữ để cổng.

Ông Trần viết :

Cao cư lư xá

Ông thợ xẻ lấy làm thú lắm, vì cao cư là ở trên cao, lư xá là nhà nhỏ, thật là vừa kiêu hãnh lại vừa khiêm tốn đúng với ý mình.

Sau có một nhà nho đến bảo nhỏ: nên bỏ mấy chữ ấy đi, vì âm thanh nghe khôngđược nhã. Ông thợ xẻ lẩm bẩm :

- Cao cư lư xá, có gì mà không được nhã ? Cao cư lư xá, cao cư lư xá, ờ mà thật nhỉ, nó xỏ lá mình rồi, quân đểu thật !

Chả là Cao cư lư xá nghe na ná như
"kéo cưa lừa xẻ"!

*

Một quan lớn đi kinh lý, dân làng làm mấy cổng chào, có dán nhiều câu ca ngợi thịnh đức. Vốn là tay hay chữ, khi kinh lý xong trở về công sảnh, quan nhớ lại những câu đối tán dương, rất lấy làm bằng lòng, duy vì chỉ thắc mắc vì bốn chữ đại tự
mà quan thấy viết ở bức hoành trên một cổng chào mé cuối làng.
 
Đại điểm quần thần

Đại điểm quần thần : đã đành khi mình đi kinh lý, điểm mặt quần thần là phải, nhưng đây là một vùng nhỏ, làm gì có quần thần ?  Mà vùng này là vùng văn học chớ không đâu ! Hay là có ẩn ý gì đây ...

Đương mân mê điếu thuốc lào để suy tưởng, bỗng quan vứt mồi thuốc xuống đất, miệng lẩm bẩm: "Láo thật, quân láo thật ! Dám chơi lối Trạng Quỳnh với mình".

Thì ra quan vừa chợt hiểu ra : đại điểm là chấm to, chấm to là ... chó tâm. Mà quần thần, quan nhớ ra rồi : là bầy tôi, bồi tây. Thật quá ư hỗn sược, vì Tâm lại chính là tên húy của ngài.

Chẳng phải nói, các bạn cũng tưởng tượng được trận lôi đình của bậc thượng quan, và sau đó bao nhiêu chức dịch làng kia đã khốn khổ vì cái chấm to nàỵ

*

Cuối năm 1946, trên đường tản cư, khi qua làng Văn tràng, tỉnh Nam-định, chúng tôi thấy trên cổng chùa đề bốn chữ :

Sắc không, không sắc

Bốn chữ tuy ý nghĩa uyên áo song là chữ cửa miệng của nhà Phật tử, không có gì đặc biệt, đặc biệt có chăng lá bên giòng lạc khoản đề tên Tam nguyên Yên Đổ.

Chúng tôi lấy làm lạ sao ông Tam-nguyên lại cho bốn chữ thông thường quá như thế, sau có một bạn người làng giảng cho mới hiểu.  Nguyên làng này chuyên về nghề mài dao đánh kéo, trong lúc chế tạo người ta thường hay vấn đáp

- Sắc chửa - Chưa sắc !

Bốn chữ "Sắc không, không sắc" dùng chỗ khác thì không có gì đặc sắc nhưng đề vào chùa một làng mài dao, thì lại ngụ một nụ cười hóm hỉnh !

Nụ cười này, giá để ý thì cũng đã nhận ra được phần nào.

Là vì nếu đặt câu hỏi : sao không dùng như lời nói thường "Sắc sắc không không" hoặc "Không không sắc sắc" mà lại đặt chéo là "Sắc không không sắc"?  Nếu hỏi thế, ắt đã phải ngợ một dụng ý gì của tác giả.

Ngợ thế thôi, chứ cũng chẳng ai ngợ được rằng ông Tam-nguyên đã dùng chữ sắc theo cái nghĩa đột ngột là sắc bén !

*

Ở một tiệc thọ, người ta đọc thấy bức trướng :

Tử-tôn thằng-thằng

Bốn chữ này lấy điển ở chương "Chung-tư" trong kinh Thi (Chu Nam) ý nói lắm con nhiều cháu, khen chủ nhân là nhà có phúc.

Nhưng nếu lục câu thơ "Chung-tư" ra, thì nguyên văn là : "Chung tư vũ, hoăng hoăng hề, nghi nhỉ tử-tôn thằng-thằng hề ", đại ý là loài bọ ngựa đoàn kết với nhau, con cháu đông đúc. Sau hai chữ thằng ta nhớ có chữ hề.

Và nếu ta lại biết rằng chủ nhân vốn làm nghề kép hề trên sân khấu, ta sẽ thấy rằng bốn chữ "Tử-tôn thằng-thằng" thực ra là một lời mỉa : tử-tôn thằng-thằng .... hề, con cháu thằng hề rồi cũng lại là thằng hề ...

Lời mỉa này chỉ có ý nghĩa ở cái thời xưa với quan niệm cổ hủ "xướng ca vô lại". Bây giờ thì cuộc chơi chữ trên đây trở thành vô nghĩa, vì người ta đã ý thức được công bằng hơn về địa vị người nghệ sĩ.

Âu cũng là một sự tiến bộ đáng mừng của xã hộị

*

Một ông nguyên là phú hào trong làng, trước ra tranh cử lý trưởng không trúng, sau vì sự tình cờ của thời cục được bổ làm quan, rồi cánh buồm được gió, chẳng mấy lúc lên đến tổng đốc, oanh liệt một thời.

Khi mở tiệc thọ, có người thuộc hạ mừng bức hoành khắc bốn chữ :

Vạn lý trường thành

Ví cụ lớn như bức thành vạn lý che chở cho cả tỉnh, lời khen tặng đã trọng vọng và cung kính. Nhưng ai để ý cũng thấy hai chữ giữa là lý trường, và giá cho thêm một nét ngoặc vào chữ trường sẽ thành ra lý-trưởng.

Rõ là cụ lớn tuy ngày nay là "tổng đốc có thừa" nhưng xưa kia chỉ là "lý trưởng chưa đủ".

*

Vùng Nam-hạ, hồi xưa có một ông buôn đồ cổ, sưu tầm được nhiều bộ ấm chén rất quý. Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên, song học đã sôi kinh nhưng chửa chín ... May gặp lúc Cognacq tuy chỉ là giám đốc y tế nhưng có quyền to lại sành đồ cổ, ông mượn người đánh tiếng, rồi khi cái bát Khang Hy, khi đôi bình Ung Chính, chẳng bao lâu ông được tự do ra vào chốn quyền môn. Ông được ân sủng đến nỗi một ngày kia có nghị định bổ đi tri huyệ n miền trung dụ Tuy ông đã được đi làm quan, nhưng vì không đổ đạt gì, nên đám sĩ phu có người gọi mỉa ông là "huyện chén", do đó thành tên gọi thường ngày.

Làm quan được vài năm, ông bị chứng sốt rét ngã nước mà bỏ mình. Khi đưa linh cửu về an táng ở thành Nam, một ông bạn nhà nho viếng bốn chữ :

Tống Quân Nam-phố (tiễn đưa ông ở Nam-phố)

Ai đọc cũng phải chịu là hay, vì lấy chữ sẵn trong Sở-từ nói lên được lòng tha thiết tiễn bạn, lại màu được chữ Nam-phố với thành Nam.

Mãi sau mới có người vạch ra cái ẩn ý của người viếng. Bốn chữ này không hàm một ý gì tiễn đưa mến tiếc, chỉ là móc cái chỗ xuất thân của ông huyện : thì trong bộ đồ chè nào chẳng có một chén tống và bốn chén quân, mà ông huyện nhà ta vốn lại có tên huyện chén ở khắp phố thành Nam !

*

Lại một ông quan khác, xuất thân đường tây học, vừa gặp ngay lúc Pháp cho một lớp thông ngôn đầu tiên ra xuất chính, nên được bổ làm quan, leo nhanh đến chức án sát. Rồi được cử vào phái bộ dự cuộc đấu xảo bên Pháp. Bất đồ ở Pháp được mấy tháng ông nhuốm bệnh và từ trần. Thi hài được đem ướp thuốc, nhập quan, cho xuống tàu chở về bản quốc.

Đám ma hết sức trọng thể. Trong những bức trướng, người ta đọc thấy ở một bức bốn chữ :

Tâm tồn mẫu quốc

Nếu lấy điển ra mà cắt nghĩa, thì "thân tại giang hồ, tâm tồn quân quốc (hay mẫu quốc) là đi làm quan nơi sông hồ xa xôi mà lòng vẫn hướng về vua về nước, tức là lúc nào cũng nghĩ đến non sông xã tắc. Mà cho dẫu có cố ý dùng chữ"mẫu quốc" để chê ông là thân Pháp đi nữa, thì cái dụng ý cũng nông cạn, ai đọc mà chẳng nhận ra ngay lời chế diễu !

Nhưng cái dụng ý kia chính thực là sâu hiểm lắm : chữ "tâm" đây dùng theo nghĩa đen, tức là bộ lòng. Thì khi đem xác về, muốn tránh sự nguy hại cho vệ sinh chung, luật pháp buộc phải ướp xác, mà ướp xác tất phải moi hết ngũ tạng bỏ đi.  Như vậy, "tâm hồn mẫu quốc" có nghĩa là lòng hướng về vua nước, hay là về nước Pháp, mà lại cũng có nghĩa là để lại bộ lòng bên nước Pháp. Đối với nhà nho, di thể phải giữ cho toàn mới tròn đạo hiếu, thì cái chết không toàn này, ít ra cũng là một sự ... bất hiếu.  Huống chi, xu phụ nước Pháp bằng lời nói việc làm chưa đủ hay sao, còn đem cả bộ lòng gửi lại, sự trung thành thật đã quá mức.

Lời mỉa thật ra không khỏi thiên vị, vì lúc tâm hồn mẫu quốc, ông án đã hai tay buông xuôi, đâu còn hay nông nỗi ... đoạn trường !

*

Một ông quản ca làm nhà mới. Ngoài cổng không biết đề thế nào cho hay, ông đến xin chữ nhà nho Đông-giang. Cụ cho ngay:

Tu tựu đào nguyên

Rút trong câu thơ Thiên Thai :

Bất tri thử địa quy hà xứ
Tu tựu đào nguyên vấn chủ nhân

Nơi đây chẳng biết về đâu tá?
Hãy tới Đào nguyên hỏi chủ nhân

Ông chủ nguồn đào, là ông quản ca, chứ còn ai vào đây nữa mà có thể biết rạch ròi hơn về xóm chị em !

___________________________________
(1) Văng vẳng bên non gà gáy nguyệt
Oang oang trước động chó chào xuân
*****
 Câu Đối


Nhân nói đến xóm chị em, chúng tôi nhớ đến bạn Hoàng Tích Chu, chủ báo Đông Tây, vốn không biết nghe hát và đánh trống nhưng hay lui tới nơi đây, chỉ vì quen thân với bà Đốc là chủ cô đào, cũng là người không từng biết xử dụng đến sênh phách.

Có người đặt câu chuyện diễu: họ Hoàng giơ roi chầu vừa đánh bốn tiếng trống dạo ý nói


Đông Tây ! Đông Tây !

Bà Đốc gõ dịp phách nghe lát chát như đối lại :

Vắng Khách ! Vắng Khách !

Câu chuyện này khiến họ Hoàng hờn mát mãi, tuy biết rằng bạn chỉ bày chuyện ra để có dịp làm một câu đối dí dỏm ...

Câu đối dí dỏm ở chỗ dùng khách là khách hàng hay chú khách đối với tây là phương tây mà cũng là người Pháp; đông là phương đông, dùng nghĩa đông là trạng từ (đông đúc đông đảo) để đối lại bằng chữ vắng, thật là đột ngột .

Khác nào câu cũ :

vôi tôi, tôi tôi

đối với

trứng bác, bác bác (1)

lấy đồng âm khác nghĩa đối nhau, cũng như

Ruồi đậu mâm xôi đậu
Kiến bò dĩa thịt bò.

chữ đậu và chữ bò trên là động từ, dưới là danh từ.

Khó đối hơn nữa là những câu nói lái như

có vài cái vò

mà có người đã đối rất chọi

kia mấy cây mía

***
Lại còn lối cầu kỳ mắc mó nữa là dùng vừa nghĩa vừa chữ kèm nhau thành một câu, như câu của vua Duy Tân:

Đi chi đường đạo sợ cụ
(chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ)

mà Nguyễn Hữu Bài đã đối rất tài tình:

Không vô trong nội nhớ hoài
(vô là không, nội là trong, hoài là nhớ)

Mắc mó còn có vế ra như sau :

Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa.

Chưa ai đối được. Chỉ có một người đối tạm:

Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn không nhìn thằng mù.

Gọi là đối tạm mà thôi, vì có ai gọi bù dìn là mù nhìn bao giờ ? Vả lại đã là thằng mù thì còn nhìn sao được !

***
Câu đối là lối chơi chữáp dụng nhiều hơn cả những dịp quan hôn tang tế. Nhiều cô thiếu nữ tài hoa kén chồng cũng bằng câu đối.

Tương truyền rằng vợ ba Cai Vàng khi xưa, hồi còn con gái tên là cô Miên, có ra một vế đối kén chồng:

Cô Miên ngủ một mình.

Cô là một mình, miên là ngủ. Cô Miên lại là tên. Câu này tựa như câu của Hồng Hà nữ sử

Da trắng vỗ bì bạch

mà Cống Quỳnh chịu không đối được: sau này có người đã nghĩ đối

Giấy đỏ viết chỉ chu

Nhà vàng ngồi đường hoàng.

nhưng thảy đều là gượng gạo cả, chỉ có câu sau đây gọi là trúng cách :

Trời xanh màu thiên thanh.

mặc dầu thiên thanh không lên được âm thanh linh động như bì bạch.

Câu cô miên ngủ một mình trên kia ra đã lâu không ai đối được, mãi sau này mới có Cai-tổng Thịnh, tức là Cai Vàng, đến đối :

Tổng Thịnh tóm nhiều đứa

Tổng là tóm, thịnh là số đông, lại cũng là tên.

Vế đối có vẻ bông đùa nhưng lại chỉnh, nên cô Miên ưng thuận lấy ông Tổng Thịnh, dù là phải làm lẽ thứ ba.

- Đến khi Cai Vàng trong một cuộc giao tranh với Pháp, bị trúng đạn bỏ mình, bà ba có câu đối khóc :

Chị thưa chị, một tiếng đùng, kiếp phù sinh ông lớn đã xong rồi, trị mà chi, loạn mà chi, ngơ ngẩn sống thừa, em với chị.

Con ơi con, ba đời dõi, gương thế phiệt chúng bay coi lấy đó, vinh là thế, nhục là thế, ngậm ngùi chết điếng mẹ cùng con ...

Hạ đến chữ chúng bay thì rõ là giọng "bà tướng" có cái hùng khí coi thiên hạ như rơm rác.

Có bạn cho đôi câu đối này là của vợ lẽ ông Cung Khắc Đản, xin ghi vào đây để tồn nghi.

***

Một vế đối kén chồng nữa.

Một mặt người bằng mười mặt của

câu được chấm là :

Mảnh chồng quan hơn đàn chồng dân

***

Một học trò nghèo, bữa kia phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không ngờ nhà này lại là một ông quan hồi hưu.

Ông quan trông thấy thương tình, bèn ra một vế đối thử tài :

Quân tử cố cùng, quân tử cùng, quân tử cố
(Người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng, quân tử bền lòng - Luận ngữ).

Khó ở chữ cố, vì đây lấy nghĩa nôm là cầm cố, ở chữ cùng, nghĩa nôm là cùng quẫn.

Anh học trò đối ngay:

Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm.
(Khổng Minh bắt, tha, Khổng Minh tha, Khổng Minh bắt - Tam quốc: Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần lại tha).

Tài tình ở chữ cầm, lấy nghĩa nôm cầm cố như trên, chữ túng nghĩa nôm là túng tiền, vừa đối chữ, vừa đối nôm.

Vị quan cấp ngay tiền cho, khỏi cần phải ... cầm với cố !

***

Lê Thánh Tông, lúc còn là hoàng tử, một hôm dạo chơi trên bờ sông đào vùng Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tình cờ gặp một cô con gái xinh đẹp đang vo gạo ở dưới bến, liền đọc bỡn một câu:

Gạo trắng nước trong,
mến cảnh lại càng thêm mến cả ...

Cô gái tiếp tục vo gạo, khi xong, cắp rá ra về, ngoái cổ lại đọc:

Cát lầm gió bụi,
lo đời đâu đấy hãy lo cho
...

Hoàng tử khâm phục lời khuyên, vì bấy giờ đương buổi loạn ly
, làm thân nam tửhãy lo việc lớn xong đâu đấy, rồi hãy nghĩ tới việc ... kia khác.

***

Nhiều khi, gặp vế đối không đối được, phải tìm lối thoát bằng diễu cợt: Nguyễn Hòe đi với bạn vào chơi một chùa, được sư cụ tiếp đãi ân cần, thì mấy ông bạn quý lại quay ra báng bổ nhà chùa. Sư cụ bực mình ra câu đối :

Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ

Nguyễn Hòe cực chẳng đã phải đối bằng diễu cợt để cứu vãn thể diện chung:

Trên sư dưới vãi, ngảnh lưng trở lại, trên vãi dưới sư.


***

Vùng Nghệ An, vị sư kia vốn tính thích thơ phú, mỗi khi gần tết, lại viết câu đối, dán đỏ chóe cả chùa. Ông Hoàng Phan Thái giả làm người học trò nghèo, đến chùa xin ngủ nhờ. Đêm dậy, ông mò vào chỗ cột cửa Tam Bảo, thấy sư đã viết một đôi bốn chữ. Một bên là "Khuyến thiện trừng dâm", đối với "Cứu nhân độthế". Ông viết nốt vào hai bên thành ra:

Khuyến thiện trừng dâm, con dâu đẻ tháng tư mồng tám ?
Cứu nhân độ thế, của ai vay mất một đền mười ?

Ông Thái lấy tích tháng tư mồng tám là ngày bụt sinh và câu phương ngôn: "Của bụt mất một đền mười", ý nói: đã khuyến thiện răn dâm, sao lại có ngày bụt sinh; đã cứu người giúp đời sao lại mất một đến mười ? Hôm sau sư đọc thấy, giận lắm. Nhân lúc đó đang rót dầu, lại mải trừng mắt nhìn Thái nên để dầu đổ ra cảcái đế đèn, liền lẩm bẩm :

Dầu vương cả đế

Hoàng Phan Thái vừa chạy vừa ngoái lại đối :

Ỉa vãi vào sư


***

Khi còn đi học, Nguyễn Công Trứ cầm một quan tiền đi mua hàng cho thân mẫu, nửađường gặp bọn đánh đáo rủ đánh ăn tiền, ông đứng lại chơi, rủi ro thế nào thua hết cả, ông tự an ủi bằng hai câu:

Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa !

Chữ đây, tiếng Nghệ dùng cũng như tiếng đồng (đồng bạc, đồng tiền) ở ngoài Bắc. Quan là quan tiền nhưng lại có thể hiểu là làm quan, cũng như chữ có thể hiểu là chữ nho.
Hai câu trên, năm 1933, có người đã chép gửi cho ông Phạm Quỳnh, bấy giờ vừa từghế chủ bút báo Nam Phong nhảy lên ghế thượng thư :

Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy,
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa ?


***

(còn tiếp)

___________________________________________________________
(1) Vôi của tôi, tôi tôi vôi (tôi vôi là đổ nước vào vôi sống quấy lên cho tan nhuyễn). Trứng của bác, bác bác (bác trứng là lấy hột gà quấy lên để đem chưng).
 
 
*****
 
Lục Bát
Song Thất Lục Bát
 
 
Mấy câu tự thán của Nguyễn Trãi lúc chưa gặp minh quân, đã tả nỗi cô liêu và lòng hoài nghi về thời cục của người chí sĩ:

Tự Than

Con thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời này
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
Đã buồn về trận mưa rào
Lại đau về nỗi ào ào gió đông
Mây trôi nước chẩy xuôi dòng
Con thuyền hờ hững bên sông một mình.

###

Phan Bội Châu trong lúc bôn ba hải ngoại, đã nói lên khí phách và hoài bão của mình trong bài:

Đêm Trăng Hỏi Bóng

Đêm lơ lửng mình cùng trời đứng,
Mình hỏi trời, trời lững làm thinh!
Trên trăng, dưới nước, giữa mình,
Thôi thời với bóng tự tình vân vi.
Khen cho bóng thiệt tay lanh đợ,
Chưa dứt câu, đã mở miệng rồi.
Rằng: "Ai như nghĩa ông tôi?
Khi đi, khi đứng, khi ngồi theo ông.
Sao ông vẫn hình dung buồn bã?
Khiến tôi cũng rầu rã vì ông!
Điều chi uất kết ở trong?
Xin ông kể hết nỗi lòng tôi nghe.
- Ừ, muốn nói nhưng e đêm vắn.
Lời quá dài thêm bận lòng ngươi.
Lạ lùng cho mụ bà trời,
Thình lình đẻ rớt một người là ông!
Òa một tiếng non sông nứt nẻ,
Nòi Rồng Tiên xin kể một người.
Sáng hai mắt, tỏ hai tai,
Khuôn thân bảy thước khá dài khá to.
Đầu óc cũng tròn vo sâu hoáy,
Rầu mày xem đáng thảy nam nhi.
Mỹ, Âu đất há chật gì?
Tình cờ sinh ở Trung Kỳ Việt Nam.
Sao chẳng điếc chẳng câm cho rảnh?
Sao hay mang hay gánh hoài hoài?
Chân không, sao dám đá trời?
Tay không, sao muốn lấp vời dời non?
Lưỡi khua mỏ chẳng mòn sao nhỉ?
Ruột quay tơ chẳng nghĩ vì sao?
Gân đồng xương sắt thế nào?
Đành cho muôn sắt bắn vào bia thân!
Sao mãi mãi phong trần không đã?
Mà gan vàng dạ đá trơ trơ?
Ích gì nghĩ vẩn nghĩ vơ?
Nghĩ mình mình luống ngẩn ngơ tháng ngày?
Chẳng ích gì sao hay làm mãi?
Làm mãi sao chẳng cái gì thành?
Tại ai, hay tội tại mình?
Tại mình hay cũng sự tình tại ai?
Bóng nghe hỏi thở dài và nói:
- Kể đầu đuôi: thưa tội tại ông
Miệng đời độc ngọt gian nồng!
Sao ai lừa gạt mà ông nghe liều?
Ông xem xét sao nhiều hờ hững?
Việc trăm năm tưởng những rày mai!
Lòng ai ông tưởng như ai,
Biết đâu rắn rít hươu nai đầy đường!
Người khôn khéo ông càng sưa vụng.
Trước bầy ma phun giọng phật linh!
Ngu sao chúng trọc mình thanh,
Cuồng sao chúng túy mình tinh làm gì?
Ông chẳng thấy đời ni danh giá
Chẳng gì hơn xe ngựa lâu đài,
Ngon cơm tốt áo là rồi,
Ai còn tưởng đến việc ngoài thân gia!
Dầu lịch sử ông cha thây kệ,
Nhục hay vinh họ kể gì đâu.
Việc gì ông cứ bo bo?
Trong thiên hạ kể rất ngu ai bằng!
Ông thử giắt nường Trăng xuống hỏi,
Xem như lời tôi nói phải không?
Nghe lời lòng lại dặn lòng,
Đã xe trước đổ còn hòng xe sau:
- Bóng hỡi bóng dùm nhau tính dốn,
Còn sau này với bạn tâm tri!
Vừng trăng vừa ẩn non tây,
Trời đông lựng lựng lại mầy với ta.

###

Hồi Đông Kinh nghĩa thục đề xướng phong trào Duy Tân có truyền tụng một bài ca cổ võ rất hùng hồn:

Bài Ca Á Tế Á

.......................

Ngồi mà ngẫm thêm sầu lại tủi,
Nước Nam ta gặp buổi truân chuyên,
Dã man quen thói ngu hèn,
Nhật Bản Minh Trị dĩ tiền, khác đâu?
Tự giống khác mượn màu bảo hộ,
Mưu hùm thiêng thua lũ cáo già,
Non sông thẹn với nước nhà,
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu.
Nỗi diệt chủng vừa đau vừa sợ,
Nòi giống ta chắc có còn không?
Nói ra ai chẳng đau lòng,
Cha con tủi nhục, vợ chồng thở than.
Cũng có lúc căm gan tím ruột,
Vạch trời cao mà tuốt gươm ra.
Cũng xương, cũng thịt, cũng da,
Cũng hòn máu đỏ con nhà Lạc Long.
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than.
Thương ôi! Đại Việt giang san,
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mẩn, tỉnh chưa, chưa tỉnh?
Anh em ta phải tính sao đây?
Tàu là bạn Nhật là thày,
Trí khôn phải học, nghề hay phải tìm.
.....................

###

Việc cải cách đầu tiên được tuyên truyền ráo riết nhằm vào sự cắt tóc ngắn, bỏlối để búi tóc cổ hủ khi xưa:

Cắt Tóc

Phen này cắt tóc đi tu,
Tụng kinh Độc Lập ở chùa Duy Tân.
Đêm ngày khấn vái chuyên cần,
Cầu cho ích nước lợi dân mới là.
Tu sao mở trí dân nhà,
Tu sao mộ được nước ta phú cường.
Lòng thành thắp một tuần hương,
Nam mô Phật tổ HỒng Bàng chứng minh.
Tu hành một dạ đinh ninh,
Nắng mưa dám quản công trình một hai.
Chắp tay lạy chín phương trời,
Kêu trời phù hộ cho người nước tôi.
Tiểu tôi trông đứng trông ngồi,
Trông sao cho đặng giống nòi vẻ vang.
Nào là tín nữ thiện nam,
Nào là con cái thập phương giúp cùng.
Giúp tôi đúc quả chuông đồng,
Đúc thành quả phúc. ta cùng hưởng chung
Ai tu xin dốc một lòng,
Nghìn năm thu tạc một chữ đồng đền xương.
Nam mô Phật tổ Hồng Bàng.

###

Khoảng năm 1927 cụ Giải nguyên Lê Văn Huân người vùng Nghệ Tĩnh thấy ảnh hưởng văn hóa Pháp đã sâu rộng, lo rằng đám tân học sẽ quên hết gốc, nên có đôi lời nhắn nhủ:

Gửi Các Thày Thông Ký

Khi còn bé, bố cho đi học,
Vào nhà trường, miệng đọc A, B.
Sớm khuya đèn hạnh sách lê,
Lam Kiều, xe ngựa đi về mặc ai.
"Đích tê" với mấy bài phép toán,
"Véc bờ" kia cũng rán sức chia,
Ân cần dậy sớm thức khuya,
Chỉ lo học tập, biết gì ăn chơi.
Mấy năm trời xi lô xi lốc,
Hạch đỗ rồi, ông đốc, ông thông.
Lương ăn bảy tám chục đồng,
Tưởng rằng vinh hiển bõ công tập rèn.
Biết đâu chuyện nòi hèn nước mất,
Xem ông Tây như Phật như Tiên.
Trong trường nhồi sọ đã quen,
Hễ khi mở miệng là khen Tây lành,
Gà què chạy loanh quanh cối thóc,
Thấy có ăn nhằn nhọc chui vào.
Biết chi đồng chủng đồng bào,
Biết chi thế giới phong trào là chi,
Kiếm được tiền đem đi phung phá.
Thấy việc hay cũng chả dám làm,
Mình dơ thôi quản chi chàm,
Tát tai đá đít cũng cam chịi vầy.
Không phải là các thầy thông ký,
chẳng biết điều liêm sỉ hiếu trung.
Nếu như có kẻ nói cùng,
Chắc là sẽ động đến dòng lương tâm:
"Chúng tôi đã biết lầm từ trước,
Rầy về sau việc nước xin lo.
Nước nhà độc lập tự do,
Trước lo lý luận, sau lo thực hành.
Để thoát khỏi cái vành nô lệ,
Người Nam ta trị lấy nước ta.
Ai ơi! nghĩ lại kẻo mà,
Thông ngôn, Ký lục cũng là người Nam ..."

###

Ở ấp Thái Hà nơi Hoàng Cao Khải hưu dưỡng, thường có mở ra những cuộc vui chơi, như chọi gà, đánh cờ người, chọi chim hoạ mi ... Một buổi chọi chim đã làm đầuđề cho bài vịnh sau đây, ám chỉ gian thần:

Chim Họa Mi

Họa mi, ai họa nên Mi,
Mã thì cũng đẹp, hót thì cũng hay.
Ai đưa Mi đến chốn này,
Nước trong, gạo trứng Mi rầy cứ sơi.
Lầu hồng gác tía thảnh thơi,
Mi ăn, Mi nhẩy, sướng đời nhà Mi.
Khen cho Mi cũng gặp thì,
Tổ xưa Mi có nhớ gì hay không ?

Ăn rồi rồi lại hót thong dong
Bởi thế nên mi mắc phải lồng
Gạo trứng nước trong Mi thú nhỉ
Vào luồn ra cúi có vinh không ?

###

Nói đến bọn "quần thần" không thể bỏ qua ông Vi, ở chức tổng đốc, được bổ về làm tuần phủ tỉnh Thái Bình.

Muốn biết sự hống hách của Vi thế nào, chỉ nhìn qua những đơn từ cũng rõ: đơn nào cũng phải đề:

Kính gởi Cụ lớn Hiệp tá Đại học sĩ, Thái tử thiếu bảo, thưởng thụ đệ tứ đẳng Bắcđẩu bội tinh, Tổng đốc lãnh tuần phủ Thái bình.

Vi tàn ác nổi tiếng, nên dân coi như hung thần: lão thẳng tay tàn sát những người dân Thái Bình đã nổi lên làm cách mạng. Khi được thay Hoàng Trọng Phu làm tổngđốc tỉnh Hà Đông, Vi bắt các quan lại và hương chức Thái Bình phải góp tiền tiễn chân.

Dịp này có người làm thơ ghi "công đức" Vi, dán ở trước dinh tuần phủ:

Vi trùng dịch tả đại nhân,
Ngài nên hiểu thấu tình dân Thái Bình.
Thái Bình lắm nỗi bất bình,
Vì đói khổ phải biểu tình năm xưa.
Trả lời, súng bắn như mưa,
Chín mười mạng chết cũng chưa hả lòng.
Lại còn đốt phá lung tung:
Đông nho, Thanh giám chỉ trong mấy giờ
Trâu bò gạch ngói trỏng trơ,
Đống tro vô đạo bây giờ còn nguyên.
Lời căm tức, tiếng rủa nguyền,
Mấy năm nay vẫn còn truyền miệng nhau.
Mùa qua lúa lại bị sâu,
Lấy gì nộp thuế nuôi nhau lúc này.
Quan ôn ngài tỉnh hay say,
Mà không hiểu thấu tình này cảnh kia.
Lại còn vênh váo mũ hia,
Lại còn báo hại dân quê Thái Bình.
Lại còn bắt góp từng trinh (1)
Còn muốn bữa tiệc linh đình tiễn đưa.
Vi trùng dịch tả hiểu chưa?
Mấy nghìn, phù thủy (2) phải đưa tiễn ngài.
Chúng tôi nếu đoán không sai,
Sẽ rút ruột ngắn ruột dài của dân.
Ơi ôn thần hỡi ôn thần,
Sao không biết nhục tấm thân râu mày.
Liệu mà xa chạy cao bay,
Đừng quen kiếm chác vùng này nữa đâu.
Gánh gồng vội cút cho mau !

___________________________
(1) Trinh là tiền Khải Định
(2) Những tay sai của Vi, hoặc là những quan lại hương chức dưới quyền Vi.

###

Sau khi Hitler tự tử, Nhật Bản trở thành mục tiêu duy nhất cho cuộc tấn công ồ ạt đêm ngày của phe Đồng Minh.

Đồ Phồn đã phỏng bài "Khóc Dương Khuê" của Yên Đổ, mà làm ra lời

Nhật Hoàng Khóc Hít-Le

Hít le, thôi bác toi rồi!
Bom bay đạn nổ tơi bời lòng ta ...
Nhớ từ thuở xông pha ngày trước,
Trục tam cường, tôi bác cùng nhau:
Tưởng rằng đè bẹp năm châu,
Ai hay lụn bại, biết đâu cơ trời!
...............................
Vốn đã biết bỏ đời là phải,
Vội vàng chi bác mải ra ma!
Chợt nghe tôi những xót xa:
Đương thân bách thắng, hóa ra thua dồn ...
Cờ chữ vạn không còn phấp phới,
Ai người đem thế giới nhuộm đen?
Máu tanh không có bạn hiền,
Say sưa, không phải không phiền không lo!
Thơ phát xít đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Trời Âu vừa tạnh gió mưa,
Sóng dồn bể Thái, khổ chưa hỡi trời!
Quân đổ bộ khắp nơi tua tủa,
Thành Đông Kinh khói lửa mịt mùng.
Nào Anh nào Mỹ tấn công
Nào Nga cũng chực vào vòng đánh hôi!
Bác biết trọn cái đời của bác,
Trục, mình tôi, gánh vác sao đang
Sóng dâng ngập cả ngai vàng
Khóc tôi, khóc bác, hai hàng chứa chan ...

###

Cá rô sống trong ao bùn. Cá rô ở đầm Sét trong địa phận làng Thịnh Liệt tỉnh Hà Đông, vốn có tiếng là ngon hơn rô các nơi.

Một nhà nho tìm đến làng Thịnh Liệt để thăm một người bạn vừa phải lao đao vì thời cục, đã để lại mấy câu nói lên cái tình bằng hữu thật là ân cần và tế nhị:

Qua chợ Mơ, đến làng Thịnh Liệt
Rằng cá rô đầm Sét là ngon.
Bấy lâu cạn nước khô bùn
Biết rằng phong vị có còn như xưa?

###

Chúng ta, ai cũng thuộc bài sau này của Tú Xương:

Sông kia, giờ đã nên đồng,
Nơi làm nhà cửa, nơi trồng ngô khoai.
Nửa đêm tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!

Ta thuộc và ta hay ngâm bài đó vì nó có một nhạc điệu đầy âm hưởng u hoài. Song, nếu ta để ý một chút, ắt phải đánh dấu hỏi: nửa đêm còn ai gọi đò, mà nghe tiếng gọi đò can chi đến phải giật mình? Ấy là bởi ta không biết rằng: sông Vị Hoàng chảy ở gần nhà ông Tú, về thời ấy thỉnh thoảng được dùng làm chổhò hẹn của những nhà ái quốc, hoặc từ Thanh Nghệ ra, như nhóm Phan Bội Châu, hoặc từ Hà Nội Hưng yên xuống như nhóm Nguyễn Thiện Thuật. Những kỳ tụ tập thường vào lúc đêm khuya, mà tất nhiên là có mặt ông Tú, vì ông được tiếng là người có nhiệt tâm. Mỗi khi ông Tú đến họp, lại cũng tất nhiên có tiếng gọi đò để ông sang. Về sau, quãng sông này bị lấp đi, cuộc hội họp phải thay địa điểm. Vả lại thời cục mỗi ngày một khó khăn, rồi ra cũng không gặp nhau được nữa, những người hội họp khi trước đều bị bắt bớ hoặc phải trốn tránh dần mòn. Vì thế, hễ nghe tiếng ếch đêm khuya, ông Tú lại giật mình nhớ lại tiếng gọi đò khi trước. Cho nên câu thơ hoài cổ trên kia, ngâm lên với một tâm trạng ôn cố mới thấy thật là "vô hạn cảm hoài".

###

Một nhà nho, tài học uyên bác mà chỉ đổ tú tài, sau vì sinh kế eo hẹp bất đắc dĩ phải xin đi làm thừa phái là bật thấp nhất trong ngạch "lại". Làm mà miễn cưỡng thành ra không mẫn cán, vả lại sãn cái tâm trạng bất đắc chí nên thường phát ra lời thơ không được từ tốn. Có bài thơ:

Ông Thừa Tự Thuật

Ông là Thừa phái Hoàng nông
Ông ngồi ông nghĩ mình ông thật thừa
Người trong thế giới đã vừa
Cớ chi Trời lại lọc thừa ra ông
Mắt thừa ông chẳng buồn trông
Gặp gái mà hồng ông liếc ông chơi
Tai thừa ông chẳng nghe ai
Thấy chuyện nực cười ông chỉ thoảng qua
Miệng thừa ông chẳng nói ra
Câu chuyện mặn mà ông nói đủ nghe
Tay thừa ông chẳng buồn phê
Sẵn dấu son nhòe ông vạch mực đen
Chân thừa ông chẳng buồn chen
Sẵn bước đường liền ông cứ đi
Bụng thừa ông chẳng buồn suy
Ông cứ gan lỳ, mà việc cũng xong !
Ông còn thừa cái chi không ?

Đến đây nhà nho đâm cáu, đi vượt ra ngoài mức nhã độ, xin mạn phép bạn đọc chép ra cho đủ nguyên văn và cũng để hiểu cái tai vạ đã xảy đến cho tác giả:

Ông còn thừa cái giấu trong đũng quần
Cô nào lịch sự thanh tân
Hỏi rằng có thiếu, muốn mần ông cho!
Ngán cho cái bọn nhà nho
Mất tiền mất của đi lo Ông Thừa.

Chính vì mấy câu bông đùa thiếu với thừa, nên ông thừa sau này bị ông thiếu (1) bãi chức. Cho mới biết hoạn trường không phải chỗ được đem thừa bì với thiếu!

___________________
(1) Ông thiếu trỏ thiếu bảo Hoàng Trọng Phu

###

Thời xưa, các cụ những lúc cao hứng, hay lui tới "xóm chị em" thường được gọi văn vẻ là "quán Sở lầu tân".

Ả đào là những người vì cảnh ngộ xui nên mà phải làm cái nghề buôn phấn bán son. Nhiều cô lấy làm vạn bất đắc dĩ, là vì đã từng theo đòi bút nghiêng, nên những lúc cảm thương thân thế, thường viết ra những vần ai oán:

Chốn ca lâu đèn dong một ngọn,
Đêm năm canh hao tổn tinh thần.
Ngủ ngày thức tối hư thân,
Biết đâu quán Sở lầu Tần thế gian!
Thân như thể hoa tàn nhị rữa,
Bỏ bên đường làm của chơi chung.
Sang hèn có bạc thì xong,
Tha hồ vợ vợ chồng chồng chén son.
May gặp khách nha môn quyền quý,
Chẳng may ra, gặp kẻ ngu hèn.
Tháng ngày ẻo ọe chè men ,
Bẻ hành bẻ tỏi chị em đến điều ...

Nhưng, khi gặp khách tri âm, thì đến lúc chia tay có cô níu "anh" lại mà ngâm:

Anh về, em chẳng cho về,
Em níu vạt áo, em đề câu thơ ...


Thơ rằng:

Ta chửa xa nhau đã nhớ nhau,
Nhớ nhau vì nỗi phải xa nhau.
Xa nhau chi để cho nhau nhớ,
Mà có xa nhau mới nhớ nhau!

###

Một cô đào khác cũng không kém tha thiết. Cô đào từng quen thuộc với khách mộtđôi lần, sau bẵng đi một thời gian khá lâu, khách lại trùng lai nhưng lần này giai nhân đã "lần hôm mai đổi khác hình dung", nên khách không nhậnđược ra ngay.

Cô nghẹn ngáo ngâm:

Bước ra một bước một dừng
Biết ai không nhớ, thà đừng nhớ ai!
Đắn đo cân sắc cân tài
Nỗi mình mình nhớ, mặc ai quên mình ...

###

Đôi khi có cô hoạt bát lại hay pha màu chanh chua trong sự chiều đãi.

Tú Xương một buổi kia đến chơi, sáng ra về tìm ô không thấy, tuy bực mình mà cũng không nỡ nói nặng, chỉ tức sự mấy câu:

Hôm qua, anh đến chơi đây,
Giầy, chân anh dận, ô, tay anh cầm. (1)
Rạng ngày vừa trống canh năm,
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ.
Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ậm ờ, không thưa.
Nữa rồi rầy nắng mai mưa,
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?

Em liền trả lời ngay vừa cho xuôi chuyện vừa không quên cong cớn:

Chiếc ô là của mấy mươi ?
Ngắn ngày xin chớ dài lời làm chi !
Nắng thì nắng cũng có khi,
Mưa thì mưa cũng có kỳ mà thôi.
Ví dù anh có thương tôi,
Thì xin anh cứ đội trời anh lên ...
Hay là anh quyết bắt đền,
Thì đây sẵn có cái đền ... bằng ba !
_____________________
(1) Có bản chép: giầy dôn, ô tây, là lầm vì những thứ ấy mới mẻ quá không phảiđồ dùng của nhà nho hồi đầu thế kỷ. Đây tác giả muốn nhấn mạnh đến sự mình nhớrõ chân dận giầy tay cầm ô.

###

Tú Xương một đêm đi chơi phố với một bạn gái, bỗng gặp trời mưa, vội lấy vạt áo bông mình đương mặc, nâng lên che đầu cho bạn và ngâm:

Này ai có thấu cho không ?
Đêm mưa một mảnh áo bông đội đầu ...
Rồi ra ai biết ai đâu,
Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô !

Chưa chi đã kể công, anh chàng xem chừng chỉ những muốn bắt đền !
 
 
 *****
 
 
Tập Kiều - Vịnh Kiều

 


Truyện Kiều, ai cũng phải phục là một áng văn bất hủ. Có nhiều áng văn cũng vào hàng bất hủ, mà không được phổ biến sâu rộng trong quần chúng như truyện Kiều, là bởi vì đâu? Vì giá trị của truyện Kiều không những ở trong câu văn óng chuốt, ý tứ hàm súc, lại còn ở cái nhạc điệu dịu dàng êm ái khiến dễ nhớ, dễ ngâm, dễ truyền tụng; và nhất là vì tâm trạng con người được vẽ ra trong mọi cảnh ngộ hỉ nộ ai lạc: ai gặp trường hợp nào cũng có thể tìm được một câu Kiều vừa ý mà ngâm ngợi, giãi tỏ nỗi lòng.

Để tả những tâm trạng phức tạp mà một hai câu liền không đủ ngụ được hết ý, người ta đặt ra lối "lẩy kiều" hoặc "tập kiều", nghĩa là lấy một câu sáu ở đoạn này ghép vào với câu tám cùng vần ở đoạn kia. Dùng lối này, có người đã mô tả được những sự vật mà Nguyễn Du không từng đề cập đến, cả những sự vật chưa có trong thời ông.

Chẳng hạn như :

Cái Ống Máng

Trên vì nước, dưới vì nhà,
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng!
Nhìn càng lã chã giọt hồng,
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra ...

Đèn Cầy

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vấn dài.
Một mình âm ỷ canh chầy
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.

Diều Sáo

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đinh ninh hai miệng một lời song song.

Xe Hơi

Thênh thênh đường cái thanh vân,
Một xe trong cõi hồng trần như bay!

Người Thông Manh

Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao
Trong theo nào thấy đâu nào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

Chó Mực

Đêm ngày giữ mực giấu quanh
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời!

Mỹ Nhân Soi Gương

Một mình lặng ngắm bóng nga,
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng!
Ngập ngừng thẹn lục e hồng
Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương.
 Xe Đám Ma

Sắm sanh nếp tử xe châu,
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn.
Dựng cờ nổi trống lên đàng,
Họa là người dưới suối vàng biết cho!

Cái Trung Tiện

Trông theo nào thấy đâu nào
Hương thừa nhường hãy ra vào đâu đây.

Hàng Vệ Sinh

Cửa hàng buôn bán cho may
Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi

###

Hồi Đông Kinh nghĩa thục, có truyền tụng một bài tập Kiều nói lên nỗi lòng của kẻ vong quốc:

Trời Tây Bảng Lảng

Trời Tây bảng lảng bóng vàng
Bây giờ kim mã ngọc đường với ai?
Cúi đầu nép xuống hiên mai,
Còn toan mở mặt với đời cho qua!
Trông người lại ngẫm đến ta
Làm ra con ở chủ nhà đôi nơi.
Người yêu ta xấu với người
Đỉnh chung hồ dễ ăn ngồi cho yên ...
Phẩm tiên đã bén tay hèn
Làm cho bùn lại vẩn lên mấy lần.
Đục trong thân cũng là thân
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi
Tẻ vui âu cũng kiếp người
Công đeo đẳng chẳng thiệt thòi lắm sao!
Thân lươn bao quản lấm đầu
Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi ...
Phải điều ăn xổi ở thì
Sao cho thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Lại còn dơ dáng dại hình
Khư khư mình buột lấy mình vào trong.
Làm cho dày tía vò hồng
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê
Ra vào theo lũ thanh y
Giãi dầu tóc rối da chì quản bao
Ăn làm sao nói làm sao
Quá ra khi đến thế nào mới hay?

###

Sau khi được tha, Phan Bội Châu bị đưa về Huế, ở đây tuy ông được sống tự do, nhưng nhà cầm quyền xét nét hành vi của ông rất gắt gao, chỉ sợ ông liên lạc với những người vận động ân xá, để thừa cơ dấy động phong trào cách mạng. Vả lại dư luận trong nước tỏ ra thắc mắc tự hỏi không biết ông có giữ trọn tiết khí hay không.

Ông không biết làm thế nào hơn là gửi cho quốc dân mấy câu tâm sự mà cô Kiều buổi đầu ngỏ với chàng Kim:

Ví chăng xét tấm tình si
Thiệt ta mà có ích gì đến ai!
Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt hẳn đền bồi có khi
Sinh rằng: tưthuở tương tri
Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn ngách sông
Muôn đội ơn lòng ...

###

Đến trào nhà Ngô, dân di cư ở Bắc vào Nam tuy lao đao về sinh kế, mà vẫn còn tìm được thời giờ lẩy Kiều:

Ngô Trào

Trải qua một cuộc bể dâu,
Trông vời cố quận biết đâu là nhà ?
Khéo oan gia, của phá gia
Này là em ruột, này là em dâu !
Cửa nhà dù tính về sau
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào !

###


Về lối "lẩy Kiều", ông bảng Mỗ là một trong những tay cự phách. Ông vốn là người phóng khoáng, vì phóng khoáng nên hay thiếu tiền, có lần đi vay nợ tây đen. Lệ vay phải có người ký bảo đảm, mình không trả được thì chủ nợ cứ người bảo đảm mà đòi. Đến hạn, ông bảng tất nhiên không trả được, mà rủi thay, người bảo đảm cũng không xoay ra tiền, cho nên việc phải đến đã đến: tây đen đệ đơn kiện, xin câu lưu ngay ông bảo đảm là người có tóc. Tòa cứ theo luật mà lên án: ông bảo đảm ngồi tù. Ông bảng ân hận lắm, nhưng biết sao bây giờ? Chỉ còn có cách gửi vào đề lao mấy câu Kiều lẩy để an ủi:

Tù Nợ

Tin tôi nên quá nghe lời,
Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!
Phép công chiếu án luận vào,
Ăn làm sao nói làm sao bây giờ!
Chung quanh lặng ngắt như tờ,
Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây ...
Trông gương trong bấy nhiêu ngày,
Khéo là mặt dạn mày dày khó coi ...
Trăm điều ngang ngửa vì tôi,
Còn thân, ắt hẳn đền bồi có khi!

Mấy câu này, ông bảo đảm ngâm nga, chắc cũng lấy làm thú, nên đành ngồi trong bóng rợp ít lâu mà không nỡ trách bạn một lời: cho hay cái ma lực của văn chương!


###

Ông bảng Mỗ còn lẩy nhiều vần kỳ thú, tiếc rằng chúng tôi chỉ chép được vài câu. Có lần ông đi dự tiệc do một người bạn cũ mời, bạn này mới đến trọng nhậm chức tổng đốc tỉnh Thanh nên tổ chức một bữa rượu mừng.

Bạn vốn chân cử nhân, lúc thiếu thời có gia nhập một đảng cách mạng. Đi phiêu lưu bên Tàu một dạo, ông từng làm ra bài "Hồ Trường" lâm ly khẳng khái, mà mỗi khi có tửu hứng, nghệ sĩ Trương Đình Thi lại lấy dao bào nhà ả đào làm gươm, vừa múa vừa hét, bi tráng như kẻ sĩ nước Yên nước Triệu khi xưa:

Hồ Trường

Trượng phu đã không hay xé gan bẻ cột (1) phù cương thường,
Sao lại tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương? (2)
Trời Nam nghìn dặm thẳm;
Mây nước một màu sương.
Học không thành, công chẳng lập,
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc; trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:
Trời đất mang mang, ai là tri kỷ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ Trường! Hồ Trường! ta biết biết rót về đâu?
Rót về Đông Phương, nước bể Đông chẩy xiết, sinh cuồng lạn.
Rót về Tây Phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan;
Rót về Bắc Phương, ngọn bắc phong vi vút, đá chạy cát dương;
Rót về Nam Phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết lòng ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây !

Sau ít năm giang hồ ông về đầu thú, phản thày là cụ Sào Nam, tố giác bạn trong số đó có Đặng Văn Phương tức Đặng Đình Thanh, người Cần Thơ từng du học ở Đông Kinh, tại Đồng Văn thư viện (ông nầy sau bị đầy Côn Đảo mang số tù 193) do đó ông cử nhân cách mạng được bổ làm quan, chẳng bao lâu đã lên chức tổng đốc. Tiệc rượu họp toàn bạn cũ, thơ phú tất nhiên là nhiều, song lúc ra về, ai cũng chỉ còn nhớ có mấy câu Kiều mà ông Bảng đã lẩy:

Kể từ lạc bước bước ra đi
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Rầy xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?

Mấy câu "gọn thon lỏn" này đã làm cho mặt chủ nhân đương hồng hào, bỗng thành xám ngắt.

###

__________________________

(1) Xé gan bẻ cột: Chu Vân làm quan thời Hán Thành Đế, một hôm tâu vua: "Nay các đại thần, trên không phò chúa, dưới không giúp dân. Nếu được ban bảo kiếm, thần nguyện sẽ chém một kẻ nịnh thần để răn chúng". Vua hỏi chém ai? Vân tâu: "An Xương Hầu Trương Vũ". Vua nổi giận phán:"Kẻ tiểu thần dám phạm thượng, tội chết không thể tha được". Ngự sử cho bắt Vân. Vân trèo lên xà ngang cung điện. Xà gẫy. vân kêu: "Thần chỉ mong được xé gan như Tỉ Can khi xưa là mãn nguyện, nhưng không biết Thánh Triều rồi sẽ ra sao?"

Tả Tướng quân Tân Khánh Kỵ, bỏ mão, rập đầu kêu xin cho Vân. Vua tha. Sau các quan đề nghị thay cây xà gẫy. Vua phán đừng thay, chỉ cho sửa lại, để ghi nhớ hành động quyết liệt của người trung thần.

Tác giả tự dịch chiết hạm (gẫy xà) là bẻ cột, e không sát với điển. Các bản chép "bẻ cật" không hiểu theo điển nào.

(2) Có bản chép: Hà tất tiêu dao ... Nguyên Hán văn: Tiêu dao tứ hải hồ vi thử hương?

________________________________

Đối chọi sao cho lại được lối "lẩy Kiều" sắc bén của ông bảng! Ấy thế mà có lần một cô đào đã "lâßy" được cho ông phải "ứ hơi": ông bảng bữa kia qua chơi tỉnh Nam, lân la quán Sở lầu Tần, gặp cô đào nọ là trang thanh sắc. Nhân lúc cao hứng ông ngỏ ý sẽ giúp cô một nghìn đồng làm vốn dọn nhà riêng, cho cô khỏi phải than thân là đương ở lúc chân nâng.

Sau khi ông trở về Hà Thành, cô đào quả nhận được bưu phiếu, nhưng trong bưu phiếu chỉ ghi có con số 100$! Bực mình, cô gửi trả lại bưu phiếu, kèm hai câu:

Nghìn tầm, nhờ bóng tùng quân,
Tiền trăm, lại cứ nguyên ngân phát hoàn!

***

Trong một cuộc đỏ đen, một được một thua, bên thua thiếu lại tiền, bên được đòi mãi không trả, đến hơn một năm lằng nhằng như thế, bên được gửi lại bên thua mấy câu:

Nợ Cờ Bạc

Rằng ngày hôm nọ giao binh
Nỗi riêng còn mắc mối tính chi đây
Tháng tròn như cuội cung mây
Trường đông nghé mắt ngày ngày hằng trông
Trách lòng hờ hững với lòng
Đổi thay nhạn én đã hòng đầy niên
Nào hay chưa hết trần duyên!

Lạ thay, mấy câu này công hiệ u hơn bao nhiêu thư hỏi, vì gửi đi là có tiền về ngay, lại còn kèm theo mấy câu:

Trước sau cho vẹn một lời
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau
Rằng trong ngọc đá vàng thau
Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?

***

Một ông túng tiến - tình trạng này xảy ra rất thường, nhất là cho những người đàng hoàng xưa nay - đến nhờ bạn chạy cho một số, hẹn hai tháng sẽ trả. Chờ đến gần một năm, bạn cũng chẳng thấy hồi âm, bèn lẩn mẩn tập mấy câu Kiều:

Nhớ lời hẹn những bao giờ
Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh
Xa xôi ai có thấu tình
Chúa xuân để tội một mình cho hoa !

Để tội cho hoa phải trả nợ một mình, kể cũng oan ức thật. Nhưng ư ử ngâm mấy câu trên, bể oan nhường cũng vơi vơi.
 
 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.