Apr 26, 2024

Thơ mới hiện đại VN

Cảm Đồ Bàn Thương Nước Việt
Minh Sơn Lê * đăng lúc 01:30:03 AM, Aug 23, 2017 * Số lần xem: 487
Hình ảnh
#1
 


    

                   

 



Cảm Đồ Bàn Thương Nước Việt
(Bài thơ dựa theo ý tưởng trong bài
“Vong Quốc Hành” của thi sĩ Kha Tiệm Ly)

Bởi vua Chế Củ hoang đàng
Đồ Bàn từ ấy điêu tàn trăm năm
Ma Linh, Bố Chính tan tành
Chế Mân chết cũng vì manh yếm đào!

Hôn quân, bạo chúa đổi trao
Rượu ngon, gái đẹp, lầu cao, bạc, vàng…
Làm sao giữ nổi Đồ Bàn?
Chiêm vương nuốt lệ suối vàng thiên thu…

Cung đài, thành quách nay đâu?
Giang sơn hùng vĩ vó câu ngang tàng!
Cũng vì một lũ tà gian
Làm cho mất nước, lang thang giống nòi!

Bao cung phi sắc nghiêng trời
Trăm năm dưới mộ còn lời nỉ non
Chế Bồng Nga có gì hơn
Tiếc thương dấu ngựa đầu non cuối ghềnh!

Nào bao dũng tướng, hùng binh
Tuốt gươm vượt sóng uy linh chiến bào
Mỵ Ê thương phận nghẹn ngào
Theo dòng sông bạc trôi vào thiên thu!

Tháp xưa chừ đứng gục đầu
Trùng dương sóng vỗ gợi sầu nước non
Ai vong quốc chẳng tủi hờn?
Tang điền, thương hải nát hồn nhau không?

Nhìn về quá khứ đau lòng
Lâu đài, cung điện, mật phòng nay đâu?
Thớt voi, chiến mã, trường bào…
Đâu rồi gươm, giáo giương cao kiêu hùng?

Quân reo rung chuyển núi rừng
Trường giang khuấy sóng trùng trùng thuyền binh
Hàng hàng cung nữ đẹp xinh
Liên hoan tiệc múa tiễn binh lên đường…

Người xưa ai biết mà lường
Ngày sau non nước tang thương ngỡ ngàng!

MINH SƠN LÊ 5.8.17

********************

Các châu của vương quốc Chiêm Thành gồm: Bố Chính, Ma Linh,
Địa Lý, Châu Ô, Châu Rí. Nay là Quảng Bình, Quảng Trị và
Thừa Thiên-Huế.

Thành Đồ Bàn nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn,
tỉnh Bình Định.
Vương phi Mỵ Ê tuẫn tiết trên sông Châu Giang vào năm 1044.
Vua Chiêm Thành Chế Củ (trị vì từ 1061 – 1074)
Vua Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Simhavarman III trị vì
từ 1288 – 1307)
Chiêm Vương Chế Bồng Nga (? – 1390)_Là người tổ chức
cuộc chiến tranh ác liệt nhất trong lịch sử của vương quốc Champa,
kéo dài trên 20 năm với nước Việt (1367-1390).
Bị đại bại trước quân Nhà Trần và tử thương tại
chiến trường trên sông Hoàng Giang vào năm 1390.

        

 

  

 




    

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.