Apr 20, 2024

Biên khảo

Giới thiệu nhạc phủ, một thể loại thơ ca xưa của Trung Quốc.
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 10:20:31 PM, Feb 05, 2009 * Số lần xem: 6439

 

 

 

 

 


樂府
 

 

Phần I.


Nhạc phủ (樂府) nguyên là tên gọi cơ quan âm nhạc do Hán Vũ Đế (156 tr. CN - 87) lập nên, có nhiệm vụ thu thập ca dao và thơ để phổ nhạc. Bài nào được lựa chọn thì gọi là ''nhạc phủ khúc'', sau gọi vắn tắt là ''nhạc phủ''. Thành thử danh từ ''nhạc phủ'' dùng để chỉ nhiều thể văn có vần, phổ vào nhạc được. Trong số này, bộ phận được chọn nhiều nhất, có giá trị nhất là dân ca, bởi vậy  từ ''nhạc phủ'' còn dùng để chỉ dân ca đời Hán (206 tr.CN - 220) và Lục triều (220 - 581) ở Trung Quốc.

I. Nguồn gốc:

Danh sĩ Lưu Hiệp (sinh mất khoảng 466-501) trong bộ Văn tâm điêu long cho biết:
“Vua Hán Vũ Đế sùng lễ mới lập Nhạc phủ, (để lo việc) tổng hợp âm nhạc của nước Triệu, nước Đại; tóm tắt cái phong khí nước Tề, nước Sở...''
Nghĩa là Hán Võ Đế cho thu thập tất cả thi ca trong dân gian, chỉnh đốn và sáng tác thêm, nhằm tạo thành một thể văn học mới. Mục đích chính là làm thế nào cho thi ca phối hợp được với âm nhạc, rồi lưu truyền nó.

Hán Vủ Đế phong Lý Diên Niên làm Hiệp luật đô úy, thu thập các bài ca dao, ca khúc trong dân gian, lãnh đạo việc ca xướng, phổ nhạc mới để hòa hợp với tiếng đàn sáo; lại sai Tư Mã Tương Như (179-118 tr.CN, nhà viết phú tiêu biểu đời Hán) và các bầy tôi giỏi văn học tuyển chế tân ca...

Gần đây, Dịch Quân Tả, một học giả người Trung Quốc, khen:
“Thế là nền văn học bình dân phối hợp với nền văn học quý tộc. Sự kiện này có thể xem là một kỳ quan. Từ Hán đến Đường, nhạc phủ đã chi phối cả bầu trời văn học. Công việc này thực ra còn vĩ đại hơn công việc biên định thi ca của Khổng Tử nhiều lắm!” (tr. 230)

II. Khái quát:
Buổi đầu, nhạc phủ được dùng trong trong dịp lễ tế, hoặc để ca tụng và giúp vui cho đế vương. Về sau, do nó phô diễn được ý thức, tình cảm của đủ loại giai cấp, nhất là giai cấp nông dân (vì những bài dân ca được tuyển chọn nhiều nhất); bởi thế, ngoài vai trò trên, nó còn là một thể loại sáng tác, một lối “hát xướng” được nhiều giới yêu chuộng.

Phần lớn nhạc phủ đều viết theo thể tự sự, giàu ý nghĩa xã hội; hình thức phổ biến thường là ngũ ngôn hoặc tạp ngôn (dài ngắn xen kẽ).
Các bài dân ca do nhạc phủ đời Hán thu thập còn tại đến ngày nay phần lớn là tác phẩm đời Đông Hán, được giữ lại trong Nhạc phủ thi tập do ''Quách Mậu Tình'' đời Tống biên tập.

2.1Nội dung:
Dân ca nhạc phủ đời Hán, tuy không nhiều bằng Kinh thi, nhưng ý nghĩa xã hội lại có phần sâu sắc hơn.

Có những bài miêu tả cụ thể, chi tiết thảm họa do chiến tranh xâm lược gây ra như: ''Chiến thành Nam'' (Đánh phía Nam thành), ''Thập ngũ tòng quân chinh'' (Mười lăm tuổi theo quân đi chinh chiến)...

Có những bài thể hiện rõ rệt sự căm phẫn của dân chúng đối với ách áp bức như ''Bình Lăng đông'' (Phía Đông Bình Lăng), ''Đông môn hành'' (Bài hành cửa Đông)...

Và cũng như Kinh thi, hình tượng phụ nữ chiếm địa vị khá nổi bật trong nhạc phủ. Nhưng chỉ khác là, ở nhạc phủ không còn hình ảnh những thiếu nữ “hồn nhiên, nhí nhảnh, nghịch ngợm” như ở Kinh thi, mà đa phần chỉ có những người phụ nữ khổ đau vì nghèo đói, bệnh tật (''Bệnh phụ hành'' - Bài hành người phụ nữ đau ốm), bị chồng bỏ (''Oán ca hành'' - Bài hành ca oán, ''Hữu sở tư'' - Có điều suy nghĩ). Cá biệt, chỉ có ít bài tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh của phụ nữ, như: Tần La Phu trong ''Mạch Thượng Tang'' (Dâu bên đường)...

2.2 Hình thức:
Nhà nghiên cứu Dịch Quân Tả viết:
“Ở đây có một điểm cần lưu ý là tất cả thi ca của nhạc phủ đời Hán đều có thể phối hợp được với âm nhạc. Có nghĩa, từ sau khi Nhạc phủ được thành lập, những ca từ nào hợp tấu được với nhạc khí, thì gọi là nhạc phủ; còn những ca từ nào không phối hợp được thì gọi là thi. Lằn ranh giới tuyến đã được định rõ.”

Về hình thức, theo Nguyễn Hiến Lê, nhạc phủ đại để có 2 loại:
- Loại chịu ảnh hưởng của Sở từ (phương Nam) câu thường có 7 chữ, dùng chữ “hề” để đưa đẩy. Loại này là gốc lối ''thơ thất ngôn''.
- Loại chịu ảnh hưởng của Kinh thi (phương Bắc) câu thường có 5 chữ. Loại này là gốc lối thơ ''ngũ ngôn.''

Nhận xét chung, ông viết: ''Lời trong nhạc phủ không đẽo gọt như phú, nhưng miêu tả rất rõ ràng, ý chân thành, dễ cảm người nghe.''

Theo ''Nhạc phủ thi tập''của Quách Mậu Thiến, thì nhạc phủ có 3 nhóm chính:
Nhạc phủ cung đình:
Phần lớn ca khúc đều mô phỏng theo Kinh thi hoặc Sở từ. bao gồm những nhạc chương dùng để tế thiên địa, tông miếu hoặc dành để ca tụng đế vương, chia làm:
-Giao miếu ca có:
*Miếu từ ca có 4 loại, gồm: Tông miếu nhạc, Chiêu dung nhạc, Lễ dung nhạc, Phòng trung từ nhạc.
-Giao tự ca: về kỷ thuật sáng tác, nó cao hơn Miếu từ ca một bậc.
- Yến xạ ca có 3 loại, gồm: Yến Hưởng nhạc, Đại xạ nhạc, Thực cử nhạc; dùng để tấu xướng lúc nhà vua hưởng yến tiệc.
- Vũ khúc có 3 loại, gồm: Nhã vũ, Tạp vũ, Tản nhạc. Riêng Tản nhạc là loại ca vũ của phường hát. Nó chính là giai đoạn phôi thai của lối nhạc sân khấu về sau này.
Nhạc phủ dân gian:
Các ca khúc đều thuộc loại tạp ngôn. Lúc đầu nhiều nhất là ''tam ngôn'' về sau ''ngũ ngôn'' dần chiếm ưu thế. Loại này rất phổ biến và chia làm rất nhiều nhóm, như: ''Tương hòa ca từ'', ''Tập khúc ca từ'' v.v...

Nhận xét tổng quát thể loại này, Nguyễn Hiến Lê viết:
“Bài nào cũng tự nhiên, tình nồng nàn, phần nhiều đượm vẻ buồn, có giọng than thở cho đời người ngắn ngủi, nhân tình éo le, cảnh ngộ trắc trở, lòng người đen bạc.”

Nhạc phủ ngoại lai:
Không có nghĩa là những ca từ do người nước ngoài sáng tác, hoặc chịu ảnh hưởng; mà chỉ là mượn những nhạc khí được du nhập từ những dân tộc miền Bắc như đoản tiêu và hồ già (một loại nhạc cụ của người Hồ có âm thanh nỉ non ai oán) để hòa tấu.

III. Giới thiệu Tác phẩm:
Giới thiệu một vài bài nhạc phủ tiêu biểu. Các bài nhạc phủ này đều có nguồn từ ca dao,  không biết tên tác giả.

-Khổng tước đông nam phi (Khổng tước bay về miền đông nam) dài 357 câu ngũ ngôn, được truyền tụng nhất, được các học giả Trung quốc nhận công nhận là tiểu thuyết bằng thơ của họ.

Tóm tắt nội dung: Cuối thời Đông Hán vào khoảng niên hiệu Kiến An, có một viên lại nhỏ tên Tiêu Trọng Khanh, có vợ là Lưu thị. Lưu thị bị mẹ của Trọng Khanh ruồng rẫy buộc phải trở về nhà và nàng tự thề sẽ không bao giờ lấy chồng nữa. Song gia đình lại bức hôn khiến nàng phải trầm mình tự tận. Người chồng hay tin vợ mất bèn lấy tấm lụa của vợ dệt hôm nào buộc lên cành cây trước sân thắt cổ tự tử. Hai nhà đều thương con, cho hợp táng ổ bên núi Hoa sơn, phía đông phía tây trồng tùng bách, bên tả bên hữu trồng ngô đồng. Cành lá những cây đó chằng chịt, ở trong tự nhiên xuất hiện một cặp chim bay nhảy, líu lo không lúc nào rời nhau; người trong miền gọi là chim uyên ương.

-Mạch thượng tang (hay Diễm ca La Phu hành) dài 53 câu ngũ ngôn:

Tóm tắt nội dung: Gia đình họ Tần có cô con gái đẹp tên La Phu, người Hàm Đan, vợ của Vương Nhân. Chồng đi lính nơi xa, La Phu thường ra hái dâu ở vệ đường để chăn tằm dệt vải. Triệu vương thấy được, rất lấy làm vui lòng, nhân đó bèn bày tiệc rượu định chiếm đoạt nàng. La Phu giỏi đàn tranh, viết ra bài Mạch thượng tang (Dâu bên đường) hát lên để bày tỏ lòng trinh chính của mình. Triệu vương hiểu được bèn thôi.

Đánh giá hai tác phẩm này, sách ''Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc'' có đoạn:
Các tác phẩm mày đã phản ánh rộng rãi và sinh động đời sống xã hội đương thời, có bài vạch trần sự tàn bạo của kẻ thống trị, có bài thể hiện nỗi đau khổ của nhân dân do chiến tranh và phu dịch, có bài phản ảnh số phận bi thảm của phụ nữ, như bài ''Mạch thượng tang'' truyền tụng bao đời nay đã trách cứ bọn quan lại vô sỉ, tán dương sự kiên trinh của cô gái hái dâu.
Bài ''Khổng tước nam phi'' vạch trần tội ác của chế độ phong kiến, phản ánh nỗi khổ mà nam nữ thanh niên phải chịu do đấu tranh vì hôn nhân tốt đẹp. Những bài dân ca ấy đã có một cốt truyên hoàn chỉnh, có tình yêu lãng mạn, miêu tả chi tiết, ngôn ngữ sinh động, đạt đến thành tựu nghệ thuật cao, ảnh hưởng to lớn đến đời sau.'' (tr. 178)

-Mộc Lan thi dài 62 câu tạp ngôn (dài ngắn khác nhau, nhưng phần nhiều là ngũ ngôn) thuật lại chuyện nàng Mộc Lan giả trai thay cha đi tòng quân.

-Thướng sơn thái my vu (Lên non hái my vu) chỉ có 16 câu ngũ ngôn mà thành một màn kịch, diễn tả lòng ân hận của một người chồng bạc nghĩa và nỗi đau khổ âm thầm của người vợ cũ. Nguyễn Hiến Lê nhận xét: ''Giọng mộc mạc, nhưng mỗi câu khác chi một lời than''.

IV.Giai thoại liên quan:
Lý Diên Niên, gia thế rất nghèo. Hán thư chép rằng cha mẹ của ông là đào kép hát. Khi mới nhập cung, một ngày nọ, trong lúc biểu diễn ca vũ trước mặt Hán Vũ Đế, bèn hát rằng:

Bắc phương có một giai nhân,
Đẹp thì tuyệt thế, cô đơn một mình.
Một lần liếc mắt siêu thành,
Hai lần liếc mắt, nước đành ngửa nghiêng.
Nước, thành đành chịu ngửa nghiêng,
Giai nhân hồ dễ giữ riêng tay mình!
(tựa bài: Bắc phương hữu giai nhân- Bắc phương có người đẹp)

Tương truyền bài ca ấy là của Lý Diên Niên sáng tác, mà cũng có thể nó là một bài dân ca. Hán Vũ Đế nghe xong than thở: ''Quả có người như thế trong đời ư?''. Bình Dương công chúa liền tâu: ''Lý Diên Nhiên có người em gái rất đẹp, ca múa đều hay...''
Tức thì, em gái Lý Diên Niên được lệnh nhập cung, và trở thành người được nhà vua sủng ái. Người đẹp đó tức ''Lý phu nhân''. Về sau, khi Lý phu nhân mất, nhà vua quá đổi thương tiếc, tin lời những phương sĩ, lắm khi, ngài cứ thẩn thờ ngồi đợi hồn người xưa hiện về!

Đại khái, theo Dịch Quân Tả, từ khi Lý phu nhân được nhập cung, nhạc phủ mới được chính thức thành lập.(ghi theo ''Văn học sử Trung Quốc tập I'', của Dịch Quân Tả, tr. 230-231)

V. Nhạc phủ thời Lục triều:
Sau khi nhà Hán sụp đổ, đất nước Trung Quốc chia đôi, miền Nam trải qua các triều đại Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, gọi chung là Nam triều; còn miền bắc bị các dân tộc thuộc nền văn minh du mục như Tiên Ty, Hung Nô, Khương, Yết chia nhau chiếm cứ, về sau thống nhất vào nhà nước Bắc Ngụy do họ Thát Bạt người Tiên Ty lập ra.
Vào thời kỳ đó, các triều đại thời Lục triều cũng thiết lập cơ quan Nhạc phủ, do đó, dân ca Lục triều cũng gọi là nhạc phủ.
GS Nguyễn Khắc Phi cho biết:

Dân ca nhạc phủ Nam triều còn lại đến 400 bài, song nội dung không thật phong phú, phần lớn là các bài hát giao duyên hoặc tả sắc đẹp của phụ nữ. Về hình thức, phần lớn là những bài thơ trữ tình bốn câu theo thể ngũ ngôn hoặc tạp ngôn, lời lẽ nhẹ nhàng, uyển chuyển.

Dân ca nhạc phủ miền bắc khác hẳn, phần lớn nói về chiến tranh, thể hiện tinh thần thượng võ, hoặc miêu tả cảnh sắc mênh mang của thiên nhiên miền Bắc. Cách biểu hiện tình cảm phóng khoáng, trực diện. Sở dĩ thế, một phần do khí chất của người dân du mục đã thấm vào trong nền văn hoá Trung Quốc, tạo nên vẻ mãnh liệt, cương cường, bi tráng trong dân ca Bắc triều, (đối lập với sự diễm lệ, uyển chuyển, mềm mại của dân ca Nam triều), một phần vì trong một thời gian dài, các ngoai tộc đã hỗn chiến và thay nhau thống trị, làm thay đổi cả tình hình xã hội, bộ mặt tự nhiên, cũng như tâm lý của con người.

*

Nhiều bài nhạc phủ dùng thể ngũ ngôn. Vậy có thể nói thơ ngũ ngôn xuất hiện trước hết ở dân gian rồi sau, các văn nhân thấy nó chỉnh tề, dễ ngâm, dễ làm, nên thừa nhận nó, phát huy nó.
Thuyết xưa cho rằng 19 bài thơ ngũ ngôn đầu tiên là của Mai Thặng, hoặc của Lý Lăng, hay Tô Vũ (đều nhân vật ở thời Tây Hán) là sai. Các học giả bây giờ nghiên cứu và chứng minh rằng tới đời Đông Hán văn nhân mới biết dùng thể ấy, và Ban Cố (32-92) là văn nhân đầu tiên dùng thể ngũ ngôn.

Tới thời Kiến An, cuối đời Hán, ngũ ngôn phát triển mạnh mẽ, giữ một địa vị quan trọng trong văn học. Thơ thất ngôn, gốc ở Sở từ cũng đã xuât hiện ở đời Hán. Văn nhân đầu tiên dùng thể ấy là Trương Hành (79-139) trong bài ''Sầu thi''; nhưng thể ấy mãi đến thời Đường mới cực thịnh.

Và kể từ khi có nhạc phủ cho đến thời kỳ cận đại, lúc nào cũng có những sáng tác mô phỏng nhạc phủ. Tình hình đó đã tạo nên một loại thơ đặc biệt trong lịch sử thơ ca Trung Quốc. Nói khác hơn, theo GS. Nguyễn Khắc Phi, thì nhạc phủ Hán - Lục triều chính là nguồn nuôi dưỡng quý báu của dòng thơ bác

Phần II .

Giới thiệu vài tác phẩm tiêu biểu:

1. Thập ngũ tòng quân chinh (Mười lăm đi tòng quân)
Bài này chép trong Cổ kim nhạc lục, Cổ thi nguyên và đều được ghi là cổ thi.
Trong Nhạc phủ thi tập, bài này có tựa là "Tử lưu mã ca từ" (
紫騮馬歌辭).
Đây là một bài thơ tự sự, kể một nam nhi tòng quân từ năm mười lăm tuổi, tới năm tám mươi tuổi mới được lần đầu trở về nhà thì mọi việc đã biến đổi, người thân không còn. Nội dung phản ánh hoàn cảnh buồn thảm bởi chế độ tòng quân thời đó. Bài thơ này có ảnh hưởng rất lớn tới những tác phẩm phản đối chiến tranh đời sau, như bài Vô gia biệt (
無家別) của Đỗ Phủ (杜甫) đời Đường.

Mười lăm tuổi tòng chinh,
Tám mươi mới được về.
Trên đường gặp người làng:
-Nhà tôi có còn ai?
-Xa xa là nhà cụ,
Tùng trên mả sum suê,
Thỏ theo lỗ chó vào.
Trĩ trên lương xập xòe.

Ngoài sân lúa dại mọc,
Trên giếng quỳ dại xanh.
Giã gạo để nấu cơm.
Hái rau để nấu canh.
Cơm canh một lát chín.
Nào biết mời ai ăn?
Ra cửa nhìn phía đông,
Lệ rỏ, áo ướt đầm!

Giới thiệu bài thơ này, học giả Nguyễn Hiến Lê kèm theo lời bình: Lời thơ chân thành mà nghệ thuật miêu tả cũng khéo, không kém những bài thơ xã hội của Đỗ Phủ đời Đường.

2. Mộc Lan thi (Bài ca về nàng Mộc Lan)

Còn có tên là ''Mộc Lan từ''. Đây là bài quân ca nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Trong kho tàng dân ca nhạc phủ, Mộc Lan thi và ''Khổng tước đông nam phi'' được đánh giá là hai bài dân ca hay vào bậc nhất. Nhưng hai tác phẩm này hoàn toàn khác nhau. Nếu ''Khổng tước đông nam phi'' là bài tình ca diễm lệ bi thảm mang theo tình điệu của người phương nam, thì ''Mộc Lan thi'' là bài quân ca hùng tráng khảng khái thể hiện khí chất của người phương bắc. Bản Mộc Lan thi còn lưu truyền ngày nay là bản đã qua nhuận sắc của các thi nhân đời Đường, tuy nhiên vẻ hào hùng đẹp đẽ của buổi đầu vẫn còn được thể hiện khá rõ ràng.

Nam Trân dịch:
Than thở lại thở than,
Mộc Lan dệt bên cửa.
Không nghe tiếng thoi đưa
Chỉ nghe cô than thở.
Phải chăng buồn vì lo,
Phải chăng buồn vì nhớ ?
Không phải buồn vì lo,
Không phải buồn vì nhớ.
Đêm qua nhìn quân thiếp
Biết có lệnh trưng binh.
Danh sách mười hai tập,
Đều ghi tên bố mình.
Bố không con trai lớn,
Mộc Lan không có anh.
Cô quyết mua yên ngựa,
Thay bố đi tòng chinh.
Mua ngựa ở chợ Đông,
Mua yên ở chợ Đoài,
Chợ Nam mua cương khớp,
Chợ Bắc mua roi dài.
Biệt mẹ cha buổi sớm,
Tối cạnh Hoàng Hà ngơi.
Chẳng nghe tiếng mẹ cha gọi con gái,
Chỉ nghe Hoàng Hà sóng nước thét hoài.
Biệt Hoàng Hà buổi sớm,
Tối đến Hắc Sơn ngơi.
Chẳng nghe tiếng mẹ cha gọi con gái,
Chỉ nghe Yên Sơn ngựa giặc hí vang trời.
Muôn dặm xông ra trận,
Quan ải vụt bay đi.
Mõ đồng rền chướng khí,
Trăng lạnh rọi nhung y.
Trăm trận tướng quân chết,
Mười năm tráng sĩ về.
Về bái yết thiên tử,
Thiên tử ngồi minh đường.
Xét thưởng hai mươi bậc,
Ban cho trăm ngàn vàng.
Vua dò hỏi ý muốn
- "Mộc Lan không nhận chức quan sang,
Chỉ xin thiên lý mã,
Đưa về với cố hương".
Mẹ cha nghe tin ấy,
Ra thành đón con về.
Chị cô nghe tin ấy,
Sửa soạn chốn buồng the.
Em trai nghe tin ấy,
Mài dao soàn soạt mổ bò dê.
Cô mở cửa gác Đông,
Cô ngồi giường gác Tây.
Cởi bỏ bộ quân phục,
Mặc xiêm áo thường ngày.
Bên song sửa mái tóc,
Hoe vàng ngắm gương cài.
Ra cửa thăm bè bạn,
Bạn bè thảy ngạc nhiên:
"Mười hai năm đồng ngũ,
Ngờ đâu gái giả trai !"
Thỏ đực chân mấp máy,
Thỏ cái mắt mê tơi.
Cặp thỏ song song chạy,
Nhận ra ta đực cái mới tài.
3. Mạch thượng tang. (Dâu bên đường)

Bài nhạc phủ này đầu tiên được chép trong ''Tống thư'' phần ''Nhạc chí'' với dưới đề mục Diễm ca La Phu hành (
艷歌羅敷行), sau được chép trong ''Ngọc đài tân vịnh'' dưới đề mục ''Nhật xuất đông nam ngung hành'' (日出東南隅行) và trong ''Nhạc phủ thi tập'' phần ''Tương họa ca'' dưới đề mục ''Mạch thượng tang.''
Bài ca này dài 53 câu ngũ ngôn, thuật chuyện của La Phu, một cô gái hái dâu. Dung mạo của cô gái này được miêu tả gián tiếp thông qua những hình ảnh ẩn dụ hoặc qua cử chỉ và thái độ của những người khác. Đòi hỏi của viên quan trên phản ánh phần nào thực tế lối sống của giới quan lại thời bấy giờ. Trước tình cảnh đó, nàng đã cơ trí đáp lại bằng cách khắc họa ra hình ảnh một người chồng với những phẩm chất cao đẹp, đối lập với hình ảnh của viên sứ quân.

Mặt trời mọc đông nam,
Chiếu xuống lầu họ Tần.
Họ Tần có người đẹp,
Tên gọi là La Phu.
La Phu nuôi tằm giỏi,
Bên nam thành hái dâu.
Tơ xanh dây buộc giỏ,
Quế chi làm móc câu.
Trên đầu rủ tóc búi,
Dưới tai cài minh châu.
Quần lụa thêu vàng nhạt,
Áo tơ dệt tím màu.
Hành giả thấy La Phu,
Dừng gánh, tay vuốt râu.
Thiếu niên thấy La Phu,
Rơi khăn, nón đội đầu.
Người đi cày quên bừa,
Người đi bừa quên bừa.
Trở về gây cáu giận,
Bởi mải nhìn La Phu.

Sứ quân từ nam lại,
Năm ngựa đứng chần chừ.
Sứ quân gọi người hỏi,
“Kia con gái nhà ai?”
“Họ Tần có người đẹp,
Tên gọi là La Phu.”
“La Phu nay bao tuổi?”
“Hai mươi, còn chưa đủ,
Mười lăm, lại hơi dư.”
Sứ quân hỏi La Phu:
“Muốn chở nàng được chăng?”
La Phu trước xe đáp:
“Sứ quân sao quên ư!
Sứ quân đã có vợ,
La Phu có trượng phu.”

“Phía đông hơn ngàn ngựa,
Có chồng thiếp dẫn đầu.
Sao nhận ra chồng thiếp?
Bạch mã cùng ly câu.
Tơ xanh buộc đuôi ngựa,
Vàng quấn ở trên đầu.
Kiếm lộc lô lưng giắt,
Trị giá ngàn vạn dư.
Mười lăm làm tiểu lại,
Hai mươi thành đại phu.
Ba mươi quan thị trung,
Buốn mươi giữ thành to.
Là người có da trắng,
Mai dài, một chút râu.
Điềm tĩnh sai phủ lại,
Ung dung bước lẹ mau.
Nơi ngồi mấy ngàn vị,
Đều nói khó kiếm đâu.”

Ghi chú:
Nguyên tác và phiên âm Hán - Việt của bài 1 có trong sách của Nguyễn Hiến Lê, bài 2 và 3 có trong sách của Huỳnh Minh Đức.

Tài liệu tham khảo chính:
-Nguyễn Hiến Lê, ''Đại cương Văn học sử Trung Quốc'', Nxb Trẻ, 1997.
-Dịch Quân Tả, ''Văn học sử Trung Quốc tập I''. Gs. Huỳnh Minh Đức dịch. Nxb Trẻ, 1992.
-Nguyễn Khắc Phi, ''Từ điển Văn học (bộ mới),'' Nxb Thế giới, 2004.
-Nhiều tác giả Trung Quốc, ''Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc''. Gs. Lương Duy Thứ (chủ biên) dịch. Nxb VH-TT, 1994.
-Huỳnh Minh Đức, “Hán văn I”, Nxb Minh Trí, Sài Gòn, 1973, tr. 210-211).

(Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.