Apr 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Giới thiệu Thái Diễm, một nữ sĩ tài hoa bạc phận
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 05:53:32 PM, Mar 29, 2009 * Số lần xem: 3181

Thái Diễm ( , 177–?) hay Sái Diễm, tự là Chiêu Cơ (昭姬), nhưng sau trùng huý với Tư Mã Chiêu (司馬昭) nên người đời sau đổi thành Văn Cơ (文姬, tức Thái Văn Cơ hay Sái Văn Cơ).
Bà là một nữ sĩ tài hoa mà bạc phận, là tác giả của Bi phẫn thi (ngũ ngôn), một thi phẩm được coi là một kiệt tác (thể loại thơ tự sự) của văn học Kiến An (1) và của thơ ca cổ điển Trung Quốc.

*
Thái Diễm, người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Cha bà tên Thái Ung (132-192), là một nhà văn, nhà sử học và là một quan lại ở cuối thời Đông Hán.

Theo nhà văn Nguyễn Hiến Lê, thì Thái Ung còn thành thạo âm luật. Tương truyền ông đã nói với một người chụm củi, rằng: Tôi nghe tiếng củi nổ, biết là củi tốt, chớ nên chụm. Ngay sau đó, ông xin khúc củi cháy dở đem về, làm thành một cây đàn, tiếng rất trong.

Nhờ có người cha như vậy, nên tám tuổi, Thái Diễm đã giỏi đàn. Năm mười sáu tuổi, Thái Diễm lấy chồng là Vệ Trọng Đạo (
衛仲道), một danh sĩ khá nổi danh, thuộc một gia tộc lớn ở Hà Đông (Trung Quốc). Nhưng chẳng bao lâu thì chồng bị bệnh chết. Nhà chồng cho là bà khắc mệnh, lại chưa có con, nên cho về nhà mẹ đẻ.

Sau đó trong loạn lạc, bà bị quân [[Đổng Trác]] (
董卓) bắt đi rồi lưu lạc tới Nam Hung Nô (nay thuộc vùng Nội Mông), kết hôn với Tả Hiền Vương (左賢王), sống ở đó mười hai năm và sinh được hai con.

Theo Hậu Hán thư, phần Liệt nữ truyện chép Văn Cơ (tức Thái Diễm) bị quân Đổng Trác bắt vào năm 192. Tháng 11 năm Hưng Bình thứ 2 thời Hán Hiến Đế (194-195), Lý Thôi và Quách Dĩ bị Tả Hiền Vương của Nam Hung Nô đánh bại, rất có thể Văn Cơ bị quân Hồ bắt nộp cho Tả Hiền Vương trong khoảng thời gian này.

Sau nhờ có Tào Tháo (
曹操) vốn là bạn thân của cha bà, vì thương xót bà nên cho sứ giả đem vàng ngọc tới chuộc về (nhưng hai con bà bị giữ lại) và tái giá với người cùng quận là Đổng Tự (董祀).

Tác phẩm của Thái Diễm nay còn lại hai bài ''Bi phẫn thi'' (
悲憤詩, Thơ bi phẫn), trong đó một bài theo thể ngũ ngôn cổ phong, một bài theo thể “tao” (2); và một thiên ''Hồ già thập bát phách'' (胡笳十八拍, Mười tám điệu phách của người Hồ).

*
Bi phẫn thi gồm hai bài. Bài thứ nhất, dài tổng cộng 108 câu ngũ ngôn, gồm ba đoạn, là tác phẩm hay nhất và chắc chắn là của Thái Diễm. Bài thứ hai dài 38 câu, cũng thuật về việc nàng bị bắt đi đến cảnh chia tay với con trở về, nhưng viết theo thể “tao”.

Tóm lược tác phẩm:

*Đoạn thứ nhất (40 câu đầu) tả một cách khái quát cảnh rối loạn của Triều đình nhà Hán, nỗi khổ sở của Thái Diễm và của nhiều người dân khác khi bị quân Đổng Trác bắt đi.

*Đoạn thứ hai (40 câu tiếp theo) tả cảnh sắc nơi chốn biên thùy xa lạ và cuộc sống của Thái Diễm ở đất Hung Nô, sự day dứt khi bà phải vĩnh biệt hai con để trở về nước.

*Đoạn cuối (28 câu) tả những thảm cảnh mà bà đã chứng kiến sau khi đã trở về, và hé lộ nỗi lo sợ bị ruồng bỏ khi buộc phải lấy người chồng thứ ba.

Theo GS Nguyễn Khắc Phi, thì ''Bi phẫn thi'' được coi là một kiệt tác thơ ca (thể loại thơ tự sự) của văn học Kiến An, của thơ ca cổ điển Trung Quốc. Tuy bài thơ tường thuật lại cuộc đời bất hạnh của cá nhân (Thái Diễm), song vận mệnh của cá nhân đã gắn chặt với những biến cố lớn của xã hội, do đó, có tính chất điển hình rõ nét.
Tác cũng giả đã nắm bắt rất giỏi những hiện tượng và sự kiện có tính chất đặc trưng để miêu tả, khắc họa.

Như để làm nổi bật âm mưu chính trị của Đổng Trác, chỉ cần phác vài nét:
Chí mưu việc thoát nghịch,
Giết bao người hiền lương.
Dời đô sang đất khác...

Tả tội ác của quân Đổng Trác, cũng chỉ cần:
Săn người, bao vây thành
Đến đâu là tan tành.
Giết người như cắt rạ.
Đầu trai treo lưng ngựa,
Gái đẹp xâu từng dây...

Và cũng chỉ cần viết ngắn gọn, mà vẫn diễn tả được một cách đầy đủ, sinh động biết bao tình cảm phức tạp lúc chia tay ở đất Hung Nô:
Người quen cùng bị bắt,
Tiễn đưa tôi lên đường.
Thấy riêng tôi được thoát,
Chạnh lòng khóc thảm thương.
Ngựa trù trừ khôn bước,
Xe chuyển bánh nào đi.
Kẻ đứng xem thổn thức,
Người qua đường tái tê..

Nói gọn, ở ''Bi phẫn thi'' (ngũ ngôn cổ phong), với bút pháp tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với trữ tình, tác giả lần lượt kể lại những nỗi đau khổ dằn vặt của mình từ lúc bị quân Đổng Trác bắt, rồi lưu lạc sang đất Hung Nô, cho đến lúc đành cắt đứt tình mẫu tử để trở về cố quốc. Giới thiệu bài thơ này, học giả Nguyễn Hiến Lê viết: ''Khi về nước rồi, nàng làm bài Bi phẫn thi dài 540 chữ, tả nỗi long đong của nàng, lời cực thống thiết, tựa như mỗi chữ là một giọt lệ.''

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
(1) Kiến An (196-219) chỉ là niên hiệu thứ hai của Hán Hiến Đế, vị vua cuối cùng của triều Hán. Song khái niệm văn học Kiến An được dùng để chỉ một giai đoạn dài hơn: từ cuối Hán đến đầu triều Tào Ngụy (220-265), cho nên nó có một vị trí khá quan trọng trong lịch sử phát triển của văn học Trung Quốc.

(2) Tao: GS Nguyễn Khắc Phi giải thích: ''Tao'' là một dạng đặc biệt của sở từ , cũng do Khuất Nguyên (
屈原, 340 TCN-278 TCN) sáng tạo, gồm từng cặp hai câu 6 chữ được nối liền bằng tiếng đệm "hề".

Tài liệu tham khảo chính:
-Nguyễn Hiến Lê, ''Đại cương Văn học sử Trung quốc'' , Nxb Trẻ, 1997.
-Nguyễn Khắc Phi, ''Từ điển Văn học'' (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
* Xem nguyên tác & bản dịch ''Bi phẫn ca'' đầy đủ tại đây:
[
http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=589]

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.