May 04, 2024

Thơ mới hiện đại VN

THƠ TRẦN TRUNG TÁ
Trần Trung Tá * đăng lúc 05:39:31 PM, May 02, 2009 * Số lần xem: 1856
Hình ảnh
#1

Mây Gió Có Khi Còn Ðứng Lại

Xanh một dòng sông. Sâu nỗi nhớ. Dài như mong đợi. Buồn. Bao la. Em ơi không lẽ tôi cây cỏ mọc dọc đường đi phụ nước nhà? Mây gió có khi còn đứng lại cho sầu chất ngất bọt phù sa... Em ơi không lẽ tôi sương khói xanh một dòng sông đến tuổi già?

Ngồi. Ngó dòng sông trôi nắng sáng. Cũng trời mây nước, chẳng Quê Hương, tự dưng mường tượng mình trôi giạt, đang tắp vào đây: một bến buồn! Không bóng đò ngang đang rẽ sóng, không con cầu bắc nối hai phương. Ở đây không có Ðông Ðoài nữa, chỉ có mênh mông một ngỡ ngàng!

Trần Quốc Toản cầm cam bóp nát có Trần Hưng Ðạo hỏi “Sao con?”. Khi hai con mắt vơi đầy lệ, lúc đó người ta hiểu Nước Non! Hỡi những ông già hô “Quyết Chiến” sao tan hàng hết, tựa mù sương? Một đứa bé thôi, đời có ích; muôn ngàn đứa bé, vạn Thiên Vương?

Tôi ngồi, lặng ngắm con sông chảy, nhớ có một làng tên Gióng, xưa. Nhớ đứa bé con vừa mở mắt, tung cây gậy sắt mở trời Thơ! Nam Quốc Sơn Hà, câu bất diệt, ngàn năm định phận tại Thiên Thư! Tôi, hồi rất trẻ, đi làm lính, Non Nước vì sao phải tạ từ?

Xanh một dòng sông, xanh... sốt rét. Em à, mình bụi cát, bơ vơ. Em, trong nhang khói, em bay mất, tôi sống buồn hiu, sắp dại khờ, cuộn những trang thơ đầy quá khứ, một câu thề nguyện viết rồi chưa? Nếu rồi, sao Phật không lưu ý, sao Chúa quan phòng không liếc qua?

Em hỡi sông kia rồi tới biển, anh ngồi đây mãi, tới em không? Khi hồn mình vỡ như con sóng, như bọt phù sa, chắc tận cùng?

Em hỡi nói chi mà thảm quá!
Nhang tàn, khói tản. Núi ơi Sông!

Trần Trung Tá 



***

 

 Ôi Cạn Tình Thôi Với Cố Hương

Sao anh không về thăm Việt Nam? Núi sông đứng đó, anh lang thang! Tội tình ai khiến người vong quốc, chết mổ thây ra thấy đoạn trường!

Bao người bỏ xác đường biên giới, lắm kẻ vùi thân đáy biển xanh; anh sống, có chăng đời hạnh phúc, có chăng một lúc nhớ mong manh?

Sao anh không về thăm chỗ đi, chỗ anh để lại tuổi Xuân Thì? Thương anh tóc bạc, tôi thầm nhủ: “Mình cũng như người, chẳng khác chi!”.

Tôi với anh về con phố mưa. “Anh à, chậm bước, em làm thơ”. Anh cười mà nước chan đầy mắt. Ôi mắt anh đầy mưa buổi trưa!

Ðó, buổi trưa nào trưa tha hương, anh, tôi, hai đứa ngã ba đường, chào nhau, vui quá: ta người Việt tao ngộ nơi này tự bốn phương!

Sao anh không về thăm Việt Nam? Mưa. Mưa. Từng giọt rớt lâm râm. Mưa. Mưa. Tôi tưởng mình đang nói, đang mặt kề nhau, lạnh dưới chân!

Nhà cao, cao vút tầng mây khói, cũng có nhà chen chúc hố hang, người bước lên xe, người lết thết, người khơi bếp rạ, người hoa đăng...

Móc từ trong túi, tấm hình đưa, anh nói: “Này em, em thấy chưa, non nước mình nay là đống rác, thì về chi để bàn chân dơ!”.

Anh nói, rồi anh nước mắt tuôn: “Làm trai ôm ấp nỗi căm hờn, mỗi lần vuốt tóc rơi từng sợi, hết dám nhìn mình trong tấm gương!”.

Tôi ngước nhìn anh: Một cụ già, nhập nhòa giữa phố giọt mưa sa... Ôi còn chi nữa, Quân Nhân Cựu! Tiếng Cựu, ai bày cho Xót Xa?

Tôi hỏi:”Thật anh, anh đã Cựu?”. Anh cười: “Tôi vẫn một Quân Nhân, hỡi ơi Thiên Hạ Ðều Xưng Cựu, tôi sống như Ma Lạc Cõi Trần!”.

Chưa một người nào tôi thấy thương như anh vậy đó, Kẻ Qua Ðường. Chúng ta ai cũng qua đường, hết, rồi cạn tình thôi với Cố Hương!

Trần Trung Tá

một vệt nắng chiều

Ði tìm một vệt nắng chiều xưa chỉ thấy loang loang ánh điện mờ. Ngày đã hoàng hôn, chiều đã tối. Cành cây chim đậu gió đong đưa

Cành cây chim đậu, vài con sẻ, đâu phải ngàn phương tụ hội về! Biết vậy mà sao thương nhớ quá nắng vàng điểm giọt mái tranh quê.

Mái tranh quê cháy chiều bom đạn, tàn lửa hờn căm lại hiện hình. Mẹ với cha chưa rửa mặt, đói lòng nhóm bếp khói lên xanh

Huy Cận làm thơ vì cọng khói. Yên ba giang thượng.thế thôi mà! Xưa nay, một chút quê hương đó, vệt nắng chiều ơi mấy xót xa!

Ði tìm một vệt nắng chiều xưa, tôi gửi về ai một ý thơ. Nếu thấy thơ tôi là giọt nước, lau giùm tôi nhé một thời mơ

Quê Hương muôn thuở nằm trong sách, thơ hỡi ơi thơ viết dọc đường . Một nhánh cỏ bồng tan gió bụi, đời trai không lẽ lạnh như sương?

trần trung tá

sông trăm ngả và đường đi trăm nẻo

Sông trăm ngả và đường đi trăm nẻo, điểm tương phùng chỗ hẹn chắc thiên thu? Ta chuốc rượu cho cây tàn cỏ héo, ai trở về, ai ở cũng xa nhau

Ta đối mặt vầng trăng lạnh lẽo buồn bỗng dưng treo buộc mỗi câu thơ! Ai để lại sương mù nhánh liễu, mỗi giọt là đau đớn, đủ rồi chưa?

Khi Tổ Quốc không còn bờ bãi sao tình người xa ngái xa xăm? Ta phơi trải lòng ta tê tái nhìn theo ai phơ phất áo tơ tằm

Sông trăm ngả và đường đi trăm nẻo, hỏi Tử Kỳ lặng lẽ tha ma. Tiếng đàn cũ như cỏ cây khô héo, tươi tắn gì lòng dạ Bá Nha?

Ta cũng vậy, nhớ người thăm thẳm, giá lên trăng lạnh lắm chỗ mong chờ. Xoa xát mãi hai bàn tay không ấm thì thôi thì đốt hết những bài thơ

Lòng có hẹn chẳng ai màng để tiếc! Mà tiếc à đất nước thuở phân ly? Ta tưới rượu chẳng cây nào xanh biếc, vuốt đầu xuôi sợi tóc bạc rơi, bay

trần trung tá

Tết Trung Thu

Ta tặng nhà ngươi bộ ấm trà
Trung Thu vui Tết nhớ về ta
Tóc xanh đang độ phai màu biếc
Góc biển chân trời mỗi đứa xa...

Mới đó mà hơn nửa kiếp người
(Trăm năm ta cứ chẻ làm đôi)
Nhà ngươi, ta biết, hơn năm bó
Ta sắp bảy rồi mộng vẫn tươi!

Hạnh phúc là hơn người lớp trước?
Ừ mà được thế, có sao đâu!
Có sao là chỗ ta trần trụi
Từ tuổi thanh xuân tới bạc đầu!

Trung Thu chợt nhớ Tết trong mơ
Cái thuở nhà ngươi, ta, tuổi thơ
Ðèn xếp được thay bằng súng trận
Biên cương lặỳng lẽ ngắm trăng mờ...

Cái hồi đó chẳng trà nghi ngút
Chép miệng thèm sao miếng bánh thơm
Ðành mở bi đông ngồi nhấm nháp
Ðọc thơ sợ động bốn phương rừng!

Ôi bạn ôi bè chưa thỏa mộng
Chưa hề giải ngũ, ở tù oan!
Nhà ngươi, ta, sống, đi sang Mỹ
Còn Tết Trung Thu ngắm nguyệt vàng!

Ta tặng nhà ngươi bộ ấm trà
Chúng mình hai đứa bãi bờ xa
Ta vài tuổi nữa vùi trong đất
Tặng sớm mong nghe một tiếng khà!

Ngươi, nhé, đêm Thu khơi lửa, nhé
Ðun thật sôi lên nước mắt lòng
Rồi rót một chung chan xuống đất
Nói Tình Yêu, đó, tạ Non Sông!

Trần Trung Tá

hoàng hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu!
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du duà
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu!
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
thôi hiệu

*

lầu hoàng hạc

N gười xưa cỡi hạc bay đi rồi,
Lầu Hạc còn đây, mãi mãi thôi!
Chim hạc một đi không trở lại
Mây trời muôn thuở cứ trôi trôià
Hán Dương xanh biếc hàng cây thẳng
Anh Vũ thơm lừng thảm cỏ phơi!
Ðâu nhỉ quê hương, chiều thấp thoáng
Sóng vờn, khói tỏa, nước sông trôi

trần trung tá



 

 

 

Tháng Tư Ðen cờ Vàng rực rỡ.

Tháng Tư Ðen cờ Vàng rực rỡ. Vui làm sao ngày Quốc Hận hàng năm. Người ta bảo rằng Việt Cộng xâm lăng, người ta chạy rồi treo cờ rửa hận! Cả cờ Mỹ cũng được treo được gắn cạnh cờ Vàng cho gió thổi tung. Dân hắc ô mặc bộ áo hoa rừng, chỉ thiếu súng để xông pha đường phố. Bọn Việt Cộng chắc vô cùng xấu hỗ Biết đâu cờ xiết cổ quân bây!

Tháng Tư Ðen lịch in thiếu một ngày. Nhưng thời gian vẫn ứ đầy oan ức: Ba Mươi Năm chưa một giây một phút người miền Nam đổi khóc làm cười. Người miền Nam thường đứng ngắm mây trôi, rồi thở vắn than dài, nuốt lệ Ba mươi năm buồn từng câu chuyện kể. Ba mươi năm, như thế Cờ bay!

Tháng Tư ơi nếu dư nhỉ một ngày - ngày Ba Mươi Mốt sẽ là ngày vui nhất, triệu triệu lá cờ người miền Nam giấu cất được đem ra gắn mỗi trụ đèn, có cờ Phật Giáo, cờ Thiên Chúa Giáo gắn chen Ðợi Thắng Lại, cái vòng tròn sẽ khít, hai chữ Ðồng Bào gọi nhau chi cho mệt, gọi Ðồng Hương cho thắm thiết từ nay. Tháng Tư ơi nếu dư nhỉ một ngày!

Tôi chợt nhớ đến Lưu Vĩnh Phúc - Chúa Ðảng Cờ Ðen, đời không kêu bằng Ðức lấy lá cờ bịt mũi Henri Rivière, lấy lá cờ phất phới rủ rê dân Hà Nội đuổi giặc Tây xâm lược Chuyện Cờ Ðen một trăm năm trước, nào ai quên đưa tay thử tôi xem

Từ Cờ Vàng tôi nhắc lại Cờ Ðen. Mà lạ ghê, không ai nói tháng Tư đen, Ðen Như Mỏm Chó. Cờ Vàng bay bao nhiêu người đứng ngó, Việt Cộng đâu? Bây chết hết rồi chưa? Bây núp ở đâu? Trong cái mả già Hồ hay ngụp lặn giữa dòng Bến Nghé? Cờ vàng đang bay, bay trên nước Mỹ. Không cơn địa chấn nào làm rung rinh thế kỷ, chỉ cờ thôi đủ chấn động năm châu, chỉ cờ thôi diệt hết lũ quân thù! Việt Nam tôi ngày huy hoàng sắp tới

trần trung tá

 
**

Người Ði Kẻ Ở

Em nói “Em về Hậu Nghĩa, anh không về, nhắn gì không?”. Em nói mà má em hồng đẹp như bình minh Ðức Huệ, đẹp như Ðức Hòa rạng đông. Quê Hương là em, trước mặt, anh về rồi đó, ở đây! Em nói mà tóc em bay, hành lang phi trường nắng rọi, máy bay mở đèn sáng chói, nhìn xa thấp thoáng chân trời...

Chúng mình bên cạnh, chút thôi; em theo dòng người đi khuất, cái vẫy bàn tay, đuôi mắt , nhập nhòa mây thấp mây cao. Anh đứng. Anh buồn rất lâu trước khi quay lưng trở ngược. Tại sao em về Ðất Nước, lòng anh buồn bã hả em? Có một chút gì lênh đênh nổi lên trong lòng anh vậy? Hậu Nghĩa bừng bừng lửa cháy, xưa rồi một thuở chiến tranh. Tha La xóm đạo đường quanh, bây giờ chắc đang chạy thẳng? Ai, người hoan hô chiến thắng? Ai, người chiến bại, ở đâu?

Buổi chiều. Mưa rớt. Âm u. máy bay trên cao, còn nắng? Anh đi, cúi đầu, lẵng lặng. Nhớ quê, nhớ lắm, không về! Buổi chiều. Mưa rớt. Lê thê. Dài thêm chăng đời vong quốc? Dài thêm chăng dòng nước mắt em mừng Cha Mẹ ngày mai? Tổ Quốc mình và Tương Lai, lòng anh cứ còn Quá Khứ. Chao ôi những bài Lịch Sử, anh em máu đỏ da vàng...

Bao giờ Ðất Nước hiên ngang, năm châu vươn mình đứng dậy? Em về mà em nhìn thấy, qua đây nói lại, anh nghe! Con sông Vàm Cỏ, bờ tre, em ơi anh quên không được. Mà thôi đó là Ðất Nuớc. Mà thôi... Ðó, chỗ anh xa! Anh thổi không bay tuổi già, quê người rồi anh chết mất!

Chắp hai bàn tay lậy Phật, xin còn có một Kiếp Sau, Ðất Nước không còn bể dâu, tôi về, hồn ma, bóng quế...

Trần Trung Tá


**

Nhiều Khi Nhớ Quá Ban Mê Thuột


Nhiều khi nhớ quá Ban Mê Thuột, ghé lại nhà hàng Battambang, gọi một bữa cơm rau với mắm, một mình nhấm nháp, một mình ăn.

Ban Mê Thuột giống xứ Khờ Me, người vẫn muôn đời yêu cái quê - nói rất ngọt ngào, ăn rất mặn, cái gì có cũng muốn đem chia.

Mình một mình ăn, chẳng bạn bè (đứa nào mời mọc thảy đều chê: bộ mày điên hả, chơi rau mắm, tưởng chẳng bao nhiêu chẳng rẻ gì!)

Bạn bè nói vậy thì hay vậy. Mình một mình đi, lặng lẽ ngồi. Rau, mắm, dễ thương vì đạm bạc, cắn cà pháo thấy cũng vui vui!

Ngồi ăn. Càng nhớ Ban Mê Thuột. Càng nhớ đường ranh qua xứ Miên, bên đó cà phê chưa nở rộ chỉ hoa rừng nở nụ cười duyên!

Nụ cười duyên đó là em đó! Cô gái Huế cười khi gặp tôi - người lính lạ quen gì cũng lính, đường xa ăn nhé bữa cơm mời!

Bữa cơm rau mắm, thêm cà pháo, thêm nụ cười duyên nhớ lắm em! Cứ tưởng chiến tranh ngày chấm dứt, người về không lạ... bởi từng quen!

Người về đi kiếm người xưa cũ, kiếm chẳng bao giờ gặp cố nhân! Tôi đến Mỹ đây, đi kiếm tiếp. Người xa mãi mãi tựa mùa Xuân!

Nhiều khi nhớ quá Ban Mê Thuột, thèm một buổi chiều tím bụi bay, thèm một chén cơm người ấy xới, trái cà ngâm giấm, ớt, chua, cay...

Nhiều khi nhớ quá Ban Mê Thuột, ra nghĩa trang ngồi, khóc, cũng ngon! Ăn ở nhà hàng, ăn lấy có; có chi ở đó một hương hồn!

Em ơi! Tôi nhớ Ban Mê Thuột. Tôi nhớ em vì... tôi nhớ em! Hãy nói anh nghe: “Em đã chết, sống còn anh giữ Nụ Cười Duyên!”.

Sống còn, tôi sống làm sao nhỉ? Em có bao giờ em hiển linh? Hãy hớp hồn anh về cõi khác, sáng ra nhìn thấy tóc em xanh!

Ôi Quê Hương hỡi! Ban Mê Thuột! Cô gái Thượng là em dễ thương bởi tấm lòng em không cái xấu, bởi đôi mắt biếc trong như gương!

Ôi đôi mắt biếc chừ mô hỉ?
Chỉ mặt trời xanh
Mưa mong manh...
Cau Vỹ Dạ, buồn, tôi bửa vụn, muôn ngàn giọt lệ rớt long lanh...

Trần Trung Tá

**

Huế Bao Giờ


Tự dưng nhớ Huế lạ lùng, nơi không sinh trưởng sao lòng cứ thương? Cái thương là chuyện bình thường như tàu cau rụng trong vườn hồi khuya. Cái thương có cắt khôn lìa, cái tàu cau rụng ai về với ai? Vườn xưa mấy khóm hoa lài Mẹ chăm sóc để một mai con mừng. Huế ơi, tôi gã lính rừng, một hôm đến Huế bỗng dừng quân luôn!

Mẹ mừng như Mẹ thêm con. Tôi mừng như thấy mình còn bé thơ. Huế ơi như thế bao giờ, khi tôi quỵ xuống bên bờ Hương Giang? Khi không ai khiến gặp nàng? Một tia sét đánh đôi hàng lông mi? Theo người mỗi bước chân đi, không xa muôn dặm mà về trăm năm!

Huế ơi tôi gọi rất thầm bởi trong tiếng súng lặng câm tiếng buồn. Có gì cũng một bữa cơm, có gì cũng tạ tình dường chiêm bao. Mẹ thương lính nhận lời chào, và em thương lính nép vào hàng ba. Hoa lài ôi những đóa hoa hương thơm tỏa ngát chén trà Trường Sơn. Tưởng đâu mình dừng quân luôn, ngờ đâu mình lại bả bươn về rừng! Huế thương, Huế nhớ, vô cùng, ba lô tôi nhốt má hồng của ai!

Bao nhiêu năm lính miệt mài, bao nhiêu năm tiếp đi cày đất hoang. Huế, khi trở lại, bàng hoàng: người xưa, cảnh cũ, lỡ làng tự nhiên! Không riêng người lỡ cái duyên, tàu cau có rụng cũng quên rồi vườn! Mẹ trên đồi với Tiên Vương, em thì đã vượt đại dương. Ngậm ngùi! Hương Giang bên lở bên bồi, bên tôi gục xuống em ngồi bên mô? Tôi không ngước ngó chi đò. Tôi quỳ, tôi quỵ, mắt mờ Huế ơi!

Huế tôi rứa cũng một đời, làm trai lỡ vận, làm người lỡ duyên. Huế không làm cho tôi quên tóc em sợi nhỏ nằm trên vai gầy và em khi nhíu lông mày núi sông như thể nằm đầy trong tim!

Em à em ạ à em câu thơ rất cũ, em nhìn thấy sao? Huế bao giờ, Huế hồi nao, một lần anh đến rồi chào Thiên Thu!

Trần Trung Tá

**

Tùy Bút

Chúa phán dễ thương: Người Cát Bụi. Phật thì: Không Ðộ Ai Sang Sông. Giáo đường, Chùa, Miếu... xây chi nhỉ? Chuông sớm, chuông khuya, nát cả lòng
!
......

Xây một ngôi Chùa đóng cửa ba nhà giam. Hãy nhìn, kìa, đó, nước Việt Nam: Chùa xây ấp lẫm trong thành phố, nhà ngục cũng nhiều, ngó, hết ham!

Xưa, có người lên Chùa, thăm nhà Sư. Sư đi đâu vắng, chỉ còn Trò. Hỏi, Thầy? Thầy đã đi vào núi / tìm thuốc, việc Thầy, đó cũng Tu!

Thầy đi tìm thuốc, Có rồi Chưa? Trò, nhoẻn miệng cười: Ai biết mô? Mà ai bệnh vậy? Trò: không biết, chỉ biết Thầy đi sáng tới trưa!

Tới chiều... tới lúc hoàng hôn xuống, Thầy trở về Chùa ngồi tụng Kinh. Biển khổ, Thầy tôi không muốn tới, Thầy đi lên núi... kiếm Bình Minh!

Nay có người ngồi giữa Sài Gòn, đất Tây được Cống, xe bon bon. Xe hai, ba bánh, xe bốn bánh, còi bóp te te kệ Công An! (*)

Vương Cung Thánh Ðường đồ sộ quá! Chùa Vĩnh Nghiêm nhìn khách lại, qua. Chuông vỡ như sao trào nước mắt. Lũ người hành khất miệng kêu la.

Ôi! Việt Nam tôi! Cảnh thái bình. Nhà thờ, Chùa, Miếu dựng linh tinh. Không nghe ai nói: Tôi Sung Sướng. Chỉ thấy buồn hiu, đến giật mình!

Chúa phán dễ thương: Người Cát Bụi. Phật thì: Không Ðộ Ai Sang Sông. Riêng Thầy Quảng Ðộ rờ râu vuốt: Ta Muốn Làm Dân Ðể Vẫy Vùng! (**)


(*) Sài Gòn, cách gọi của người mình, người có học thức.

Người Tàu thì gọi là Sí Coóng.
(Ở Nam California, Mỹ, có một ngôi Chùa Tàu tên là Tây Lai, âm Tàu đọc là Sí Lai, người mình sửa lại là Chùa Như Lai cho có vẻ Phật) .

Người Pháp chuyển âm Sí Coóng gần giống như vậy và viết là Saiigon (đúng ra là Saigon, chữ I hai chấm, I tré ma, tại vì máy chữ của Mỹ không có chữ I tréma, đành viết Saigon với I một chấm. Người Pháp viết Hawai (I hai chấm), người Mỹ không có chữ I hai chấm bèn viết Hawaii.

Sài Gòn dưới thời Gia Long, Minh Mạng, có tên là Gia Ðịnh, Trung tâm của vùng đất này gọi là Gia Ðịnh Thành. Tới thời Tự Ðức, cống hiến cho Tây, người Minh Hương buồn lòng nói là Ðất Ðó Cống Cho Tây, gọi là Sí Coóng, Tây chịu quá bèn viết thành chữ luôn, Saigon. Thật là Vẻ Vang Dân Việt. Hoan hô vậy.

Nên nhớ, Chợ Lớn, chữ Hán là Ðề Ngạn, người Tàu đọc là Thầy Ngồn; Sài Gòn họ vẫn gọi là Sí Coóng, người mình gọi cà giỡn: Thầy Gòn hay Sè Gòn.

(**) Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, tác giả hai câu thơ nổi tiếng: Bước tới đèo Ngang cảnh tối mò, cỏ hoa không thấy, thấy rùa bò, được ông Võ Văn Ái khen ngợi nhiệt liệt, hiểu ngầm rằng Thầy có đôi mắt tuệ nhãn, từng khảng khái nói: Phật Giáo Không Làm Chính Trị Nhưng Quan Tâm Ðến Chính Trị .

Trần Trung Tá

**

Uống Tới Chiều

Mừng Xuân
Không thiếp.
Gửi e.mail
Bạn nhận, thương nha! Cám cảnh nghèo!
Hai chữ
Viết chơi. Ngồi ngắm mãi
Con mèo nằm cạnh mắt trong veo!
Nhìn trong mắt nó: Xuân trời đất
Hai chữ thấy còn một chữ Yêu!
Mới biết trái tim chưa đến nỗi
Lạnh tanh để đắp mảnh khăn điều!
Nói chi như thể Ca Dao vậy?
Thử đứng lên
Rồi bước có xiêu?
Hai thập niên, đời: thân khách trọ
Một câu chúc, Tết: mộng phiêu phiêu

Rót thêm cốc rượu
Mời ai nhỉ
Có lẽ mình ta
Uống tới chiều!

Trần Trung Tá

**
Ðèo Cả

Ðèo cao
Oằn oại lối xuyên rừng
Ðá dựng che trời
Có cũng không!
Một tấm lòng son
Ði cứu nước
Cuối cùng cũng thấy
Mặt Trời Trong!

Dưới kia
Ðại Lãnh cao ngùn ngụt
Sóng cuộn leo bờ
Cố gắng leo
Giục giã quân đi
Về phía trước
Cánh đồng Bình Phú
Nắng trong veo...

Trong veo từng lá tre làng
Biếc
Từng nấm mồ xanh
Cỏ mọc quanh
Ðâu cõi yên bình
Sông phẳng lặng
Từng con mắt chớp
Buồn long lanh...

Xe đi như ốc
Lên bờ vực
Ðã tới chân đèo
Ðã tới nơi!
Ốc vễnh râu đùa
Tia nắng mới
Xe phun khói
Quyện bước chân người!

Liên Khu Năm
Rào chi cũng xé!
Trả thù đời
Một thuở tan hoang
Súng vang át tiếng
Gào con trẻ
Ấm lại vòng ôm
Mẹ mỏi mòn...

Những nỗi đau lòng
Không một sớm
Một chiều
Một tối mà nguôi ngoai
Ðường xa
Lính vẫn gần đau đớn
Của biết bao người
Chưa trọn vui!

Một Ðèo Cả đó
Bao nhiêu nữa
Gạn lọc đoàn quân
Vá víu tình
Tình nước, tình dân
Tình sách vở
Tình thơ, một chữ
Cũng mông mênh!

Ngồi lau
Từng vết thương gai xướt
Vuốt mắt anh em
Vuốt tóc, cười
Không tính tương lai
Còn mấy tuổi
Khi rừng khi núi
Cứ trêu ngươi!

Chỉ ước một mai
Ðường trở ngược
Ði qua Ðèo Cả
Thở phào đi
Chào tay Ðại Lãnh
Ðàn chim biển
Nghĩ đến niềm vui
Trước ngõ về...

Ôi thuở xanh xao
Màu áo trận
Nằm trong lán trại
Ngó mông lung
Một Ðèo Cả ấy
Trăm Ðèo Cả
Chặng cuối đời người:
Có hóa Không!

Tội nghiệp Mẹ tôi
Ðôi mắt đỏ
Chờ con về
Tím buổi hoàng hôn...

Trần Trung Tá

*
Bài Thơ Thời Tiết

Hôm qua nắng đẹp, mà hôm nay trời lại mưa rồi, mưa bay bay. Mưa như mưa Huế, mưa Hà Nội, mưa ở Sài Gòn... mưa ở đây!

Mưa cuối năm. Buồn. Mưa cuối năm. Hỡi ơi! Ai sống ố sống âm thầm, chắc đang nghe lạnh luồn xương cốt, dù ở đâu, lòng, vẫn Việt Nam?

Mưa cuối năm. Buồn. Mưa cuối năm. Hỡi ơi! Ai đó cõi thâm âm, có nghe mưa rắc trên nền mộ, có luyến lưu gì nữa thế gian?

Hôm qua! Không phải hôm nay mà. Chuyện rất bình thường: tất cả qua! Cái bóng thời gian là quá khứ lúc nào thì cũng ở sau ta!

Mưa! Người giàu có đi xe đẹpi, kẻ tất tả thì đi bộ thôi. Mưa, nắng, ở tin thời tiết báo, cuộc đời đi tựa nước sông trôi!

Tôi ngửa bàn tay hứng nước mưa. Người homeless hứng chi giờ? Phải chăng nước mắt đang rơi xuống, ướt sũng hoài thôi những ước mơ!

Tôi nghĩ: Quê nhà, mưa gió đang vũ vần vần vũ Bắc và Nam. Cuối năm, mưa chẳng riêng trời đất, mưa chỉ riêng người ưng, kẻ oan!

Trời mưa lớn, nhỏ, đều như đạn, bay trúng ai và không trúng ai. Nếu trúng thì đau... đau ở ngực; nếu không vui chứ hạt mưa bay!

Hôm qua nắng đẹp... Nhớ hôm qua, tôi rất hồn nhiên, tuổi chửa già, lấy giấy làm chơi diều hứng gió, nhìn non ngắm nước, nắng như hoa!

Hôm qua nắng đẹp là cơn mộng, đã vỡ tan tành mưa sáng nay! Tôi ngửa bàn tay, năm ngón lạnh, lạnh như em nhé, cõi âm ty!

*

Nếu có bài thơ rất đỗi buồn, ai nào bất chợt đọc không thương? Nói mưa, tôi nói quanh trời đất, nói quẫn cũng về với Cố Hương...

Cả Cố Nhân... Trời ạ, Cố Nhân. Em, trong mưa gió, khóc bao lần: anh ra mặt trận ngày mưa gió, lâu lắm không về reo nắng Xuân!

Ôi chuyện Quê Hương, chuyện chúng mình, em buồn như thể hạt mưa xanh rớt lên trên cỏ chờ năm mới: ngôi mộ em nằm chưa có anh!

Trần Trung Tá

*
một ngày gió lạnh

Hôm nay cửa ngõ trời quên đóng
Gió lạnh không chừa một mái hiênà
Chưa phải mùa Thu mà lá đã
Rơi đầy đây đó thật vô duyên!

Tôi, cuối hành lang, lãng đãng buồn
Theo mây từng đám chải đầu non
Nghĩ mình mà cũng mây lang bạt
Chắc đã làm ai lạnh thấu hồn?

Sao tôi không phải là mây nhỉ
Rồi sẽ là mưa xóa nhớ quên!
Bâu áo nhẹ hiu lười biếng khép
Cái gì rồi cũng đợi tay em!

Tôi nhớ ngày xưa còn ở lính
Lạnh trời ơi lạnh xứ Ban Mê
Em đan áo rét cho tôi mặc
Ðánh giặc hoài quên mất buổi về!

Ngày xưa hay thật: nhớ và quên
Nhớ một bàn tay năm ngón mềm
Quên bẵng làm đơn xin nghỉ phép
Ơi thời gió lạnh rất mông mênh

trần trung tá

Hòa Bình Ơi Hỡi Hòa Bình

“Hòa bình ơi hỡi hòa bình! Ôi hai tiếng biết bao tình chứa chan!”. Bỗng dưng nhớ thơ Kiên Giang, đọc bài báo thấy Việt Nam mà buồn... Hòa bình ba mươi năm hơn, người Nam kẻ Bắc còn hờn oán nhau. Người Nam từng tưởng mình giàu, giờ đây tro bụi, ngồi lau mắt hoài. Người Bắc hết thuở khổ sai, giẫm chân lên chỗ lầu đài còn mơ... Hòa bình, không ai làm thơ để ca tụng cảnh người chờ người mong. Hòa bình, vẫn nước trôi sông, vẫn lục bình nổi xanh dòng Hậu Giang. Con sông Tiền ánh trăng vàng, đâu ai chải tóc cho nàng ngẩn ngơ?

Bài báo thuật chuyện bây giờ: Bão dông tàn bạo không chừa nhà tranh, nhà ngói, mả mồ, chúng sinh... Lại thêm lũ nữa, mông mênh đất trời. Chủ Tịch nước nói nghẹn lời: “Lo cho dân chớ để người đói ăn!”. Té ra sống chết một lần: miếng cơm vào miệng, tấm chăn quấn mình? Hòa bình ơi hỡi hòa bình, đã ngưng tiếng súng, đâu tình thăng hoa? Người dân vẫn áo bà ba cán bộ thì cứ lụa là tung tăng! Gọi là thống nhất Bắc Nam, gọi là xây dựng trăm ngàn cái vui, chẳng chi hiện thực như lời Bác Hồ dặn bảo để đời cháu con!

Tôi không giấu được lòng buồn, câu thơ đẵm lệ tuôn tuôn lúc nào. Nếu đời là giấc chiêm bao, tại sao tôi khoác chiến bào ngày xưa? Tại sao tôi dạy học trò: “Làm người phải nhớ Thiên Cơ, giữ mình”? Các em ơi, tôi làm thinh mấy năm cải tạo hóa hình dung chi?

“Thằng Trời, thằng Chúa bỏ đi, để ông Nông Hội làm gì cũng xong!”(*). Câu ca dao đó, lạ lùng, ai bày đặt vậy, bần cùng nước ta! Bão, dông, lũ cuốn triệu nhà, lá lành lá rách rồi là có nhau...

Thơ tôi thêm bớt chữ nào để cho nước mắt đừng lau cũng ngừng? Hòa Bình vẫn chén cơm lưng, vẫn manh áo rách ôi đồng bào tôi!

(*) Người Cộng Sản Việt Nam rất tự hào về việc Thế Thiên Hành Ðạo, câu kinh nhật tụng của tín ngưỡng xã hội chủ nghĩa là “Thằng Trời hãy đứng một bên để ông Nông Hội đứng lên làm Trời!”.

Trần Trung Tá

hạ đỏ có chàng tới hỏi

Hạ đỏ có chàng tới hỏi “Em thơ, chị đẹp em đâu?”(*) Hai câu, tôi đọc đã lâu, hôm nay Hạ về chợt nhớ, nhớ từ cái khung cửa sổ ngó xuống đường vào down town ố tím ơi, hoa tím một màu, em thơ thấy đâu mà hỏi này em, chị đẹp em đâu?

Tôi viết “mấy rồi” chữ đâu ? Mấy rồiàlời ai hay nói trên rừng trên núi ngày xưa, mùa Hạ Ban Mê mưa, mưa, nhìn đâu cũng bằng lăng tím, đôi môi của nàng mướt rịm nụ hôn đầu đời của tôià

Hoa đỏ không thấy trên đồi, trên rừng bao quanh Phụng Dực; hoa đỏ là môi Nàng Út đưa tôi đi về Nha Trang ố ở đó mùa Hạ muồng vàng nở ơi rộn ràng trong phố! Không phải lần đầu tôi nhớ mà là lần đầuànhớ thương! Những chiều ngả lưng sa trường, tôi ngó mặt trời tê tái, nắng đỏ như môi con gáiàvẫn thèm màu tím bằng lăng! Có những mùa Hạ tôi băng qua bao ngọn đồi sim nởàLòng tôi miên man hoa đỏ em thơ chị đẹp em đâu?

Em thơ không đứng dưới lầu. Tôi đi khép cánh cửa sổ, không muốn nhìn chi nữa phố (sợ nhìn xa thấy đại dương). Tôi hiểu nghĩa chữ đoạn trường mỗi lần nhắc thầm chuyện cũ (thuở tôi ở rừng ở rú, thuở tôi tương tư người ta, thuở tôi cải tạo lê la cái tấm thân tàn ma dạià). Ðất nước tôi nhiều phe phái. Ðồng bào tôi đi tứ phương. Ðến tôi cũng bỏ Quê Hương. Thương sao nấm mồ nàng Út, lâu rồi không ai chăm chút, lâu rồi chỉ sóng phủ lên, bao nhiêu mùa Hạ nằm trên không phải tràng hoa màu đỏ mà là mặt trời tóe lửa đốt bừng hoa tím bằng lăngà

Em thơ, em có đi ngang qua Thái Bình Dương không vậy, đốt hộ lòng anh cho cháy đỏ lên ố hoa đỏ cho nàngà

Thơ tôi khi chấm xuống hàng tại sao ướt mèm nước mắt?

(*) thơ Huyền Kiêu

trần trung tá

Ngắm Tượng Việt Nam

Những nhà điêu khắc Việt Nam chứa gì trong tâm trong khảm? Tác phẩm nào cũng ảm đạm, rong rêu bám riết nỗi buồn!

Tương Người Lính đứng trong đồn giống như anh chàng nhớ vợ! Tượng Người Lính đứng ở phố giống người đi giữa nghĩa trang!

Những nhà điêu khắc Việt Nam... chắc sinh bên ngoài thế giới cho nên tâm hồn diệu vợi như mây sáng nổi chiều dâng?

Người đứng ngắm tượng phân vân: Sao người Lính Mỹ, Lính Việt nhìn nhau nhìn không tha thiết, nhìn như mắt liếc hai phương?

Ðồng minh mà chẳng yêu thương, chẳng ai chỉnh tề quân phục, mắt buồn như là muốn khóc, tay rời như thể... chia ly!

Nhớ lại pho tượng trước kia dựng trước Nghĩa Trang Quân Ðội: Lính Việt Nam ôi thật tội, gục đầu thương tiếc tiếc thương!

Bọn quân Cộng Sản Bắc Phương chưa tới Sài Gòn đã thắng! Pho tượng bằng thép thật nặng, ai xô, ngã xuống, nhẹ hều!

Tượng trước Quốc Hội buồn hiu: Lính đưa cái mông ra chợ, giương súng bắn tung chỗ đó: chỗ Dân Biểu họp. Trời ơi!

Chúng ta đang ở xứ người, thử đi vòng quanh khắp chốn, thấy đâu tượng nào phiền muộn, thấy chăng chỉ những nụ cười!

Tạc tượng không ai tạc lời nhưng mà tạc thời tạc thế. Tượng Việt Nam mình không tệ, nhưng buồn, buồn quá, buồn tênh...

Trần Trung Tá


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.