Mar 29, 2024

Truyện dài

Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 3] Danh Sơn
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 09:07:34 AM, May 16, 2017 * Số lần xem: 2075
Hình ảnh
#1

Danh sơn gặp khách hữu tình,
Đèo Ngang ơi hỡi, là mình với ta.

(Chơi Huế – Tản Đà)
 

Tôi cầm bản cung, mới đọc tên “phạm nhân”, bèn ngưng lại hỏi thượng sĩ Huỳnh Phước Hưng, đang đứng bên cạnh:

-“Thằng nhỏ nầy có cái tên hay dữ: Danh Sơn. Rồi tôi đọc đùa, tiếp là câu thơ “Danh sơn gặp khách hữu tình?” Ủa? lại “dốt chữ”. Nó không đi học à?”

-“Học gì!” Thượng sĩ Hưng trả lời. Cơm không có ăn. Cha ở trong bưng, mẹ bệnh, trường học không có, học hành sao được?”

Tôi nói như tâm sự với thượng sĩ Hưng:

-“Tui ở thành phố, chẳng biết gì dân tình ở thôn quê cả. Đánh Tây giành độc lập mấy chục năm rồi, tình hình thôn quê cũng vậy, không khác chi thời Pháp thuộc, lại còn chiến tranh nữa.”

Nói xong, tôi nhìn bản cung, đọc tiếp. Rồi ngưng lại hỏi:

-“Nó không có chị em gì cả?

-“Không!” Con độc nhứt.” Thượng sĩ Hưng trả lời.

-“Nó khai mẹ nó bệnh nặng, nằm một chỗ. Mình bắt nó, ai chăm sóc cho mẹ nó?” Tôi hỏi.

-“Tôi cũng không biết nữa!” Thượng sĩ Hưng trả lời.

Tôi nói liền:

-“Mẹ nó mà có chuyện gì, mình mang tội đó. Vừa có tôi với luật pháp, vừa lương tâm.

-“Chắc phải hỏi lại nó!” Thượng sĩ Hưng đề nghị

&

Thằng bé Danh Sơn được đưa từ trong khám ra, đứng trước mặt tôi.

Mặt mày nó khá đẹp trai – có lẽ là dân “đầu gà đít vịt” hay cha Miên, mẹ Việt, cao ráo, khỏe mạnh, 13 tuổi.

Tôi hỏi:

-“Mày bị bắt rồi, ở nhà ai chăm sóc cho mẹ?”

-“Không ai cả.” Thằng bé trả lời.

-“Mày không nhờ hàng xóm. Hàng xóm có ai không?” Tôi hỏi tiếp.

-“Không biết.”

-“Chết rồi!” Tôi nói với thượng sĩ Hưng. “Lỡ mẹ nó chết thì tội lỗi đầy mình đó ông ơi! Phước đức cho con.”

Xong, tôi gọi máy truyền tin hỏi thiếu úy Chiếu:

-“Cái thằng bé Danh Sơn, bị bắt lên đây, ai chăm sóc mẹ nó ở nhà ông biết không?”

-“Không biết đại úy à!” Thiếu úy Chiếu trả lời.

-“Bữa hôm đó ai đi bắt?” Tôi hỏi.

-“Thiếu úy Kiệt nhờ em đi bắt. Em sai trung sĩ Khị bắt giải thẳng lên bộ Chỉ Huy luôn.”

Tôi nói:

-“Tôi gặp trung sĩ Khị đi, gọi y lên đầu máy.”

Tôi nghe tiếng lè nhè như tiếng người say rượu ở đầu máy truyền tin:

-“Dạ thưa! Dạ thưa…”

Tôi nói ngay, nôn nóng:

-“Dạ thưa quái gì. Hôm kia ông bắt thằng bé Danh Sơn phải không? Ông thấy có gì lạ không?”

-“Dạ! Dạ! Em tới nhà, đứng trước sân, kêu nó ra. Xong, em còng tay dẫn đi luôn.” Trung sĩ Khị báo cáo.

-“Ông không biết mẹ nó đang bệnh nặng a?” Tôi hỏi.

-“Có vô nhà đâu mà biết. Thiếu úy Chiếu biểu bắt thì em bắt giải đi.”

Tôi biết có hỏi mấy anh “cảnh sát ruộng” nầy, họ chẳng biết gì đâu. Đã dốt nát, lại không lanh lợi, lè phè, chỉ ưa nhậu… “Cảnh sát ruộng” là tiếng tôi gọi mấy ông cảnh sát ở xã ấp tính tình như thế. Tôi nói:

-“Tôi nói chuyện với thiếu úy Chiếu đi.”

Có tiếng đầu máy:

-“Thiếu úy Chiếu tôi nghe.”

-“Ông” tới ngay nhà thằng bé Danh Sơn, coi tình trạng mẹ nó như thế nào, về cho tôi hay. Ông làm ngay đi.” Tôi ra lệnh.

-“Vâng! Em đi ngay.” Tiếng thiếu úy Chiếu trả lời.

Tôi quay qua nói với thượng sĩ Hưng:

-“Ông mời thiếu úy Kiệt, Năm Hùng, Bảy Hùng, với anh nữa, mình họp “Phương Hoàng” ngay đi.”

&

Năm người ngồi ở mấy cái ghế khách trong văn phòng tôi. Đã có ý định tha cho thằng bé Danh Sơn về, nên tôi mời ông quận trưởng sang họp để xét hồ sơ luôn. Ông quận trưởng bận không sang được, nên cử ông phó quận Nguyễn Đức Nghiêm thay thế. Tôi mời ông ta ngồi kế bên tôi.

Tôi nói:

-“Chuyện thì không có gì quan trọng lắm. Luật pháp không bắt tội mình được. Mấy thằng chả kiếm phiếu, “đối lập đối lẹo” đâu có dám về tới xã ấp mà moi móc, nhưng cái nầy thì âm đức dữ lắm. Bắt con để mẹ không ai chăm sóc mà qua đời thì tội lỗi với lương tâm dữ lắm. Tui sợ chỉ có vậy.”

Thiếu úy Kiệt nói:

-“Chắc không có chuyện gì đâu. Có chòm xóm mà lo gì.”

Thượng sĩ Hưng nói:

-“Tui tính nói với ông hồi nãy, nhưng ông lo về việc mẹ nó lỡ chết bất tử nên không nói được.”

-“Ông già nó Việt Cộng mà. Không lý ông “liên hệ Việt Cọng.” Tôi nói đùa.

Thượng sĩ Hưng cười:

-“Cùng xứ thôi. Ông ta cũng ở “miệt thứ” như tôi.”

-“Cái nầy tôi nghe hơi lạ. Sao gọi là “miệt thứ,”

Thượng sĩ Năm Hùng giải thích:

-“Vùng Hiếu Lễ (1XXXX) xưa Tây tính làm ruộng ở đó, cho đào kinh dọc theo sông Cái Lớn với biển. Kinh đầu tiên là Xẻo Rô, rồi tới kinh thứ hai, thứ ba cho tới kinh thứ mười một. Vì kinh đặt theo thứ tự nên người ta gọi vùng nầy là “Miệt thứ”. Miệt cũng như vùng vậy mà.

“Hay hè!” Tôi nói. Nhưng kinh đầu tiên là Xẻo Rô. Còn kinh thứ nhất?” Tôi hỏi.

Năm Hùng giải thích:

-“Ông nhớ trong Nam nầy không có cái gì là thứ nhất, là cả hết. Phong tục là “kỵ” đó.”

Tôi cười:

-“Tui hiểu rồi, đất Chúa Nguyễn mà. Tránh tiếng “Ông hoàng Cả”, tránh “Đức Cha Cả” nên bắt đầu từ thứ hai. Từ anh hai, chị hai trở lui mà thôi.”

-“Nhưng lại có ông “Hương Cả”. Thế mới kỳ. Ông phó quận nêu ý kiến.

-“Chưa ai giải thích trường hợp nầy.” Tôi góp ý.

Thưọng sĩ Bảy Hùng nói thêm:

-“Vùng nầy Việt Cộng dữ lắm!”

-“Anh nào bị đổi đi Hiếu Lễ là sợ xanh mặt. Hình như đi Hiếu Lễ là đi đò qua Miệt Thứ. Đi ngoài sông lớn?” Tôi hỏi.

-“Tầu tuần cũng bị tụi nó bắn B-40. Nói chi tầu đò.” Ông phó quận nói.

-“Tàu đò không bị bắn vì tụi nó thâu thuế. Hồ sơ ở F (2xxx) có mà.” Thiếu úy Kiệt cho biết.

Một lúc ông phó Nghiêm nói:

-Bây giờ đi trực thăng gần một giờ là tới nơi. Xưa đi ghe đi tầu, người ta thấy xa lắm. Về miệt thứ là coi như về vùng thâm sơn cùng cốc”.

Tôi hỏi:

-“Ông phó đi chưa mà rành dữ?”

-“Tôi đi rồi, khi con làm ở tỉnh, đi công tác.” Một lúc ông phó Nghiêm nói them: “Việt Cộng pháo kích dữ làm, bất kể đêm ngày!”

-“Ông có sợ không?Tôi hỏi.

-“Sợ gì! Nó như có hợp đồng ông à. Đám hành chánh ở tỉnh biết hết.”

-“Hợp đồng là sao?” Tôi hỏi.

-“Tới giờ là sao?” Tôi hỏi.

-“Hễ đúng giờ đó là nó pháo. Mình biết nên vô hầm trước, an toàn.”

-“Tại sao lại đúng giời?” Tôi hỏi.

-“Ai biết. Vậy mới gọi là hợp đồng. Ban đêm nó ít pháo hơn, mà mình đã vô hầm rồi.” Phó Nghiêm giải thích.

-“Nhưng trực thăng thì khác. Hễ nó thấy trực thăng lên xuống là nó pháo. Trực thăng hạ thấp là mình phóng ngay mới tránh kịp “lưỡi hái tử thân.” Nói xong câu đó, ông phó Nghiêm nhìn tôi cười.

Tôi cũng nói đùa:

-“Tui có học bài “nhảy trực thăng” rồi. Gì chớ “tam thâp luc kế” thì tôi lẹ hơn ai hết.”

Một lúc, tôi hỏi:

-Hồi xưa, lớn lên ở đó, ông có thấy “miệt thứ” xa như ông phó Nghiem nói hay không?”

Năm Hưng cười:

-“Cứ nghe câu hò nầy thì biết!” Nói xong, Năm Hưng đọc:

Má ơi đừng gả con xa

                        Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu,

                        Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,

                        Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai…

Tôi nói: “Hồi xưa vùng đó là rừng. Hỉ . “Chim kêu vượn hú” là rừng chớ gì nữa.”

Một lúc, tôi lại nói:

-“Khi tôi về Giục Tượng, tôi hỏi mấy ông già: “Sao gọi là Giục Tượng?” Họ trả lời vì ngày xưa có nhiều voi. Tượng là voi. Xưa Rạch Giá mà cũn có nhiều voi.”

Tôi hỏi Năm Hưng:

-“Năm Hưng, ông quê dưới đó. Hình như ba ông làm lý trưởng phải không?”

-“Không! Trong nam không có chức lý trưởng. Ba tôi ở trong ban hội tề, giữ chức hương sư.” Năm Hưng giải thích.

-“Hương sư là thầy giáo làng?” Tôi lại hỏi.

-“Không phải. Sư nầy không phải là thầy giáo mà giữ chức liên lạc giữa làng với quan trên. Cho nên tụi nó mới cho ba tui theo Tây. Tui nó giết ổng.” Năm Hưng giải thích.

-“Anh quen biết với Danh Keo, cha thằng bé như thế nào?” Tôi hỏi.

-“Xưa “miệt thứ” trù phú lắm. Lúa, cá, tràm, đước. Danh Keo cũng đi học như tôi. Nhà khá giả lắm, rồi cũng vì Việt Minh mà “điêu tàn”. Năm Hưng giải thích.

-“Ông ta cũng chủ điền.” Tôi hỏi.

-“Không! Ông ta làm nghề cá đồng. Ổng có tới mấy chục đống chà. Tới mùa, dỡ hết mấy chục đống chà, theo như thời bây giờ, ông nắm triệu bạc như không?” Năm Hưng nói.

Một lúc Năm Hưng nói tiếp:

-“Trước “trào Ngô Đình Diệm”, cha tui chết rồi, má tui dắt díu con chạy lên Rạch Giá. Gia đình Danh Keo cũng bỏ chạy vì tụi nó bắt đóng thuế cao, lại còn truy thu, chịu không nỗi.”

-“Truy thu là bắt đóng lại từ đầu? Tôi hỏi.

-“Tụi nó tính từ hồi Việt Minh cướp chính quyền, gần cả chục năm, tiền đâu ra!” Năm Hưng nói như than.

-“Ác dữ!” Tôi cũng than.

-“Ở đây, ông biết rồi đó. Tụi kinh tài giàu lắm. Thâu thuế có biên nhận sổ sách gì đâu, cho nên cán bộ kinh tài mặc sức tung hoành.” Năm Hưng nói.

-“Đã sợ Việt Minh, chạy lên Rạch Giá, sao còn theo Việt Cọng?” Tôi hỏi.

Năm Hưng nói:

-“Hoàn cảnh cả ông à. Tới tuổi lính, tôi vô Cảnh Sát. Chả xin vô Cảnh Sát như tôi, nhưng đủ chỗ, người ta không nhận. Thằng chả sợ bị bắt lính, đầu dời về Mỹ Lâm, lại bị truy đuổi, chạy về Vàm Rầy. Lấy gì ăn? Vợ lại bệnh. Vô rừng bắt cua, bắt cá, gặp tụi nó trong mật khu Trà Tiên, không theo rồi cũng phải theo thôi.”

-“Trong bản cung thằng Danh Sơn, tui không thấy nói chuyện nầy.” Tôi hỏi, như có ý trách cứ Năm Hưng, người phụ trách hỏi cung.

Năm Hưng phân bua:

-“Trong bản cung, tôi nghĩ cái gì nó biết, tui mới hỏi, còn như chuyện của cha nó, nó không biết đâu, tui hỏi làm chi.”

-“Tôi thằng bé làm giao liên Việt Cộng?” Phải không?” Tôi hỏi.

-“Giao liên, giao leo gì! Cha nó ở trong làm cá, con còn tươi, con phơi khô. Nó chèo xuống vô lấy cá về, bán cho người ta, lại mua đồ tiếp tế cho cha nó. Nhờ đó mà có ăn, chạy thầy chạy thuốc cho mẹ nó. Việt Cộng kiểu đó.” Nam Hưng lại nói như than vản.

-“Chiến tranh kiểu nầy thì mười năm, hai mươi năm nữa cũng chưa xong.” Thiếu úy Kiệt góp ý.

-“Hồ sơ trận liệt” của ông phần đông là như vậy cả chớ gì?” Tôi quay qua hỏi thiếu úy Kiệt.

-“Tùm lum đại úy. Kỳ rồi tôi bắt ở Vàm Rầy 42 giao liên Việt Cộng. Người nầy khai người kia, người kia khai người nọ, bắt riết sợ luôn! Trường hợp nào cũng giống như trường hợp nào. Hễ vô trỏng giăng câu, đặt lợp, đốn tràm thì phải tiếp tế cho Việt Cộng. Ai ai cũng vì chén cơm cả, mà ai cũng nghèo mạt rệp.” Thiếu úy Kiệt cũng nói như than.

&

Một lúc, thiếu úy Chiếu gọi lên báo cáo:

-“Mẹ nó chưa chết, nhờ có bà già cạnh nhà qua chăm sóc. Bà già 70 tuổi chăm sóc cho bà bại liệt 40 tuổi. Nghe thôi cũng đủ “thảm sầu” rồi đại uý.”

-“Bây giờ cứ để tình trạng như vậy có được không?” Tôi hỏi.

-“Không được đâu! Mấy bữa nay sức khỏe bả “tệ” lắm. Hôm nay bả bị giật như kinh phong. Không ai biết chuyện gì. Bà “đi” như không?” Thiếu úy Chiếu báo cáo.

-“Giờ ông tính sao?” Tôi hỏi.

-“Tính sao? Cho bà đi bệnh viện, dù bả có chết, dân chúng không oán mình được. Bả chết ở nhà, người ta nói tại Cảnh Sát bắt con bả nên bả mới chết.” Thiếu úy Chiếu nói một hơi.

-“Cho bả đi bệnh viện đi.” Tôi ra lệnh.

-“Bằng cách nào?” Thiếu úy Chiếu hỏi.

-“Thuê chiếc xuồng máy, có mui, đưa bả ra bệnh viện Kiên Giang.” Tôi nói.

-“Tiền đâu tui thuê? Thiệt là bắt nhằm cục nợ!” Tiếng của thiếu úy Chiếu.

Từ nãy giờ, ông phó Nghiêm ngồi trong phòng, nghe tôi với thiếu úy chiếu “đối thoại” qua máy truyền tin. Bây giờ, ông đứng lên, sát bên tôi, đưa tay tỏ ý muốn cầm ống nói. Biết ý, tôi đưa cho ông ta.

Ông ta nói vào máy:

-“Thiếu úy Chiếu ơi! Tui là phó Nghiêm đây. Bây giờ như thế nầy. Thiếu úy liên lạc với xã trưởng Àn, nói tôi yêu cầu ông ấy thuê cái xuồng máy đưa bà ấy đi bệnh viện Kiên Giang. Về xong, ông làm tờ trình. Tôi sẽ chuyển tờ trình ra Ty Xã Hội, xin bồi hoàn. Vậy là ổn.”

Ông phó Nghiêm trả máy lại cho tôi. Tôi cám ơn rối rít. Xong. Tôi nghe tiếng Năm Hưng nói nhỏ với Năm Hùng: “Ông nầy gốc thầy giáo, làm ăn không giống người ta.”

Giả bộ như không nghe, tôi nói:

-“Mình ký biên bản tha thằng bé về dưới đó đi, để nó đi theo mẹ nó cho xong.”

Phó Nghiêm nói:

-“Tôi cũng tính xuống đó. Hay mình đi với nhau, “trước mua vui, sau làm việc nghĩa.”

Nghe xong câu nói đó, cả đám chúng tôi vui vẻ giải tán./
 

hoànglonghải

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.