Apr 24, 2024

Truyện dài

Kinh Xáng Hà Tiên [Bài 1] Mộ Cũ
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 09:14:58 AM, May 16, 2017 * Số lần xem: 2373
Hình ảnh
#1

Gởi Đinh Văn Tuyền,
đọc cho biết “quê hương tui…”


Mùa hè năm 1973, khi tôi lái xe sắp lên cầu Lình Quỳnh thì có chiếc xe Jeep màu trắng chạy ngược chiều, giành lên cầu trước. Tôi bực mình, nghĩ thầm “Cha nào mà dám qua mặt “xếp pô-lít” ở đây dzậy cà?” Tôi dừng xe lại bên nầy đầu cầu, chờ xe bên kia qua, coi thử ai mà “gan cùng mình”. Trên xe kia là một người đàn ông đã lớn tuổi đang cầm “vô-lăng”, và một cô gái trẻ đẹp, không phải dân xứ nầy.

Xong, tôi qua cầu, chạy về hướng ấp Tri Tôn, xã Tín Đạo. Được một lúc, gần tới “Đồn Giữa”, thiếu úy Chiếu, trưởng Cuộc Cảnh Sát xã Đức Phương gọi vào máy truyền tin cho tôi, nói: “Có “anh Hai Re” ở Saigon về, muốn gặp đại úy.”

Tôi hỏi lại: “Hai Re là thằng cha nào mày?”

-“Dạ! Ông là anh bà thủ tướng.”

Tôi giật mình, vội trả lời: “Tôi quay lại ngay.”

Sau đó, tôi quay xe lại Vàm Rầy, gặp ông Hai Re.

Ông đang ngồi trong quán nước đầu nhà lồng chợ. Đúng là “ông già” lúc nãy, và cũng chính cô gái vừa trẻ vừa đẹp ấy. Thiếu úy Chiếu không dám ngồi ngang hàng, đứng xớ rớ bên cạnh.

Tôi chào tất cả mấy người rồi kéo ghế ngồi bên cạnh “anh Hai Re”.

Ông là con trai lớn ông Chủ Ry. Ông Chủ Ry là ông Henry, tên Tây. “Anh Hai Re” là con trai lớn của ông, tên là Andre, cũng tên Tây, tôi đoán chừng như vậy.

Xứ “Vàm Rầy” nầy – “Vàm Rầy” là tên thường gọi, trong địa bộ là xã Đức Phương -. Hai cái tên nầy “đối chọi” nhau kịch liệt giữa “nôm na” và “chữ nghĩa”. Dân chúng phần đông là tứ xứ tới lập nghiệp trong mấy năm chiến tranh. Hồi xưa, họ ở trong vùng kinh xa xôi, nôm na là “kinh cùng” – “death end” đấy – “rạch chẹt”. Rạch chẹt là cái rạch nhỏ chút tẻo, xuồng ba lá chèo tới không có đường quay lui. “Thời Ngô trào” – cũng là danh từ địa phương, dân chúng gọi như thế – thành lập “Ấp Chiến Lược”, dân chúng “bị lùa” về đây, ưng hay không ưng cũng dọn nhà mà đi – nhà là những cái lớn hơn chòi lá một chút, vách lá cả thôi, tháo ra thì chẳng còn gì. Dân có người than: “Cho một mồi lửa mà đi cho xong.” Về ở xóm nầy, gần lộ hơn, muốn đi Rạch Giá – Hà Tiên gì cũng dễ. Chính quyền “kiểm soát” cũng dễ.

Ở không được, đi cũng khó. “Cách Mạng” thì cấm dân chúng đi. Đi thì “mấy chả” ở với ai, ai tiếp tế, ai giao liên, chỗ nào cho họ trốn. Vậy họ phải rút sâu vô rừng Trà Tiên, ở với trăn, rắn, cá sấu, heo rừng hay sao?… Dân không đi thì lính làng lính lệ “hành quân” vô: la mắng, nạt nộ, có khi lớ ngớ còn “ăn báng súng” vì bị cho là ngoan cố, là “Dziệt Cộng”. Vậy rồi lính cầm súng đứng canh chừng cho dân chúng khăn gói, bỏ nhà ra ở sát ngoài lộ Rạch Giá / Hà Tiên.

Hồi trước “chín năm” – chín năm kháng chiến chống Tây 1945-54, tức là thời còn Tây đô hộ – khi ông Chủ Ry còn làm ruộng xứ nầy, tá điền của ông dựng nhà dọc hai bờ kinh Xà Tón – bản đồ ghi là Kinh 1 – và kinh xáng Rạch Giá / Hà Tiên; nay chỉ còn lại một ít, coi như “dân cố cựu” xứ Vàm Rầy.

Nhà ông Chủ Ry ở ngay “dzàm” kinh Xà Tón với kinh Rạch Giá / Hà Tiên, bị Việt Minh phá bằng phẳng khi ông bỏ nhà lên ở Rạch Giá.

Phía bên kia đường, ngang nhà ông, có mấy ngôi mộ xây, sơn trắng. Đó là di tích độc nhất của “ông Tây lai” mang họ mẹ, họ Đinh, còn lại ở xứ nầy.

Thân phụ ông Chủ Ry là một ông Tây chính cống, dân ở đây chưa ai từng thấy ông. Ông gốc ở đảo Corse bên Địa Trung Hải, qua Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20, lái kinh xáng thổi. Chính ông là người đào kinh Rạch Giá / Hà Tiên, kinh Núi Sập, kinh Long Xuyên / Rạch Giá. Người Việt Nam ngày nay, được hưởng tiện nghi di chuyển khi đi trên những con kinh xáng nầy, đâu có biết để nhớ ơn “ông Tây Corse” sang đây đào kinh cho ta.

Ông cưới một bà họ Đinh làm vợ. Đúng là một bà “đầu gà đít vịt”. Người ta chỉ gọi lén như vậy vì sợ mất lòng, mặc dù họ biết chắc chắn mấy cô “đầu gà đít vịt” –  người Tầu lai Miên – ai cũng đẹp, chẳng bị ai chê xấu bao giờ. Qua thế hệ sau, ông Chủ Ry lại cưới một bà vợ Việt Nam. Cũng xin nói lén một chút, gia đình nầy mang nhiều dòng máu đấy: Tây, ta Tầu, Miên đủ cả, là “quốc tế” đấy. Hèn chi họ khôn dàn trời.

Từ nhà ông Chủ Ry ngược lên ngã Hà Tiên là “Xóm Miên” – ấy là hồi xưa, bây giờ không còn gia đình Miên nào đâu – phía dưới nhà ông là xóm Vàm Rầy và xóm Biển, hầu hết là gia đình người Việt. Năm “Thổ đậy” – tức là năm đầu “Nam Bộ kháng chiến” – chính quyền tan rả, tình hình lộn xộn. Ở vùng Tây Nam Bộ, người Miên thường nổi dậy, cầm dao, cầm mác, chà gạc… tấn công các xóm người Việt, giết người, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà, v.v… Ai đã xem tiểu thuyết “Chú Tư Cầu” của Lê Xuyên, chắc nhớ chuyện “Thổ dậy” nầy.

Ông Chủ Ry, là Tây lai, thường bênh người Việt, thấy người Miên làm bậy ông thường rầy la. Có mấy lần “Thổ” ở xóm Miên “dậy”, cầm đuốc cầm dao tính xuống tấn công xóm người Việt ở cuối nhà ông. Ông Chủ Ry bèn ra đứng giữa đường, chận người Miên không cho xuống; rồi ông đưa súng lên trời, bắn “đùng” một phát thị uy. Người Miên sợ súng, sợ ông Chủ Ry, bỏ chạy cả. Xóm Vàm Rầy được yên, cũng là nhờ ông Chủ Ry vậy.

Đời lắm chuyện tréo ngoe. Nhà có hai anh em, anh là ông Chủ Ry, là chủ điền, giàu có, ruộng hàng ngàn mẫu, (1) bỏ tiền thuê dân đào kinh xã phèn để làm ruộng, tên gọi là “kinh Chủ Ry”. Em ông, không ai còn nhớ tên là chi, thường gọi là “Chú Út”. Hai anh em là “Tây lai”, nhưng “Chú Út” lại không theo Tây, như ông cha người Việt Nam xứ đạo An Hòa. “Chú Út” lại theo Việt Minh chống Tây xâm lược nước ta. Không ai nhớ ông ở trong “đơn vị” nào, nhưng mấy trận đánh chặn Tây di chuyển trên đường Rạch Giá / Hà Tiên đều có “Chú Út” tham gia cả. Tư Trạng kể: “Chú Út gan lắm, Chú to con – Tây lai mà – thường ôm khẩu “FM đầu bạc”, đứng thẳng người mà bắn, chớ không núp sau mô đất như người ta.”

Vậy rồi “Chú Út” tử trận, sau khi ông Chủ Ry sợ Việt Minh – họ nghi ông “theo Tây” – phải dắt vợ con chạy lên trú ngụ ở Rạch Giá, để được an toàn hơn. Bấy giờ, Rạch Giá cũng như Hà Tiên, hai đầu tỉnh lộ 80 đã bị Tây chiếm rồi.

Mấy ngàn mẫu ruộng của ông bị “hoang hóa”, tức là bị bỏ hoang. Tá điền không có sức, không có tiền, không làm ruộng được, phiêu lạc tứ tán cả. Xóm Vàm Rầy trở nên tiêu điều, hoang vắng. Chiến tranh đáng nguyền rủa thực!!!

“Anh Hai Re” – dân chúng địa phương gọi thân mật như thế – và cô em gái ông, tên là Đinh Thị Xuân Yến, tên Tây là Annette – “Chị Tư Nết” – cũng dân chúng gọi “chị” thân mật như thế – cũng bỏ xứ lên Rạch Giá. Ở đấy, ông Chủ Ry được Tây cho đấu thầu, làm chủ “Câu Lạc Bộ” ở “Secteur de Rạch Giá”. Các ông quan Tây cũng như mấy ông quan Việt Nam thường vô ra ăn uống ở câu lạc bộ nầy. Trong số quan Việt Nam có một ông quan hai – sau nầy gọi là trung úy – Trần Thiện Khiêm, đóng đồn ở xã Mông Thọ, cũng trên tỉnh lộ 80 đi Long Xuyên, thường vô ra rồi phải lòng “Chị Tư Nết”. Bây giờ bà là phu nhân ông đại tướng / thủ tướng, quyền uy lớn vô cùng. Trùm cả miền Nam, chỉ sau ông tổng thống mà thôi.

&

Vừa ngồi xuống ghế, chưa gọi chi để uống, “Anh Hai Re” nói với tôi, thân mật, như đã biết nhau từ lâu:

-“Tôi về tìm mộ chú Út. Chú theo Việt Minh, bị Tây bắn chết chôn đâu ở đầu kinh Xà Tón.”

Đoán chừng “ông anh” ham đi chơi với bồ nhí, thì giờ đâu mà đi tìm mồ, tìm mả, tôi trả lời ngay:

-“Anh Hai đừng lo, để tui tìm; xong, báo cho anh Hai ngay.”

Đúng tim đen của “thằng chả”, ông cám ơn rối rít, giao việc cho tôi, lên xe nổ máy đưa bồ nhí đi Hà Tiên.

Hôm sau, tôi lái xe xuống Vàm Rầy, cho lính gọi Tư Trạng cho tôi gặp. Mấy tháng trước, do lời khai của mấy “giao liên Việt Cộng” bị bắt, tôi sai thiếu úy Kiệt xuống bắt Tư Trạng đem về điều tra.

Tư Trạng là lính Bảo An thời cụ Ngô còn làm tổng thống. Trong một trận đánh ở kinh Kháng Chiến, Tư Trạng bị thương ở cánh tay phải, đạn làm mẻ một chút xương. Anh ta được giải ngũ, về làm chủ Dzựa (vựa) tràm ở gần đầu cầu Vàm Rầy.

Vậy rồi Tư Trạng làm giao liên cho Việt Cộng, bị Cảnh Sát bắt. Tư Trạng khai với tôi:

-“Khổ lắm ông à! Dân chúng như tụi tôi một cổ hai tròng.

Tôi cướp lời y:

-“Tui biết rồi. Anh muốn nói tới chuyện cái bao tử của người dân chớ gì. Dân thì ở ngoài kinh với Quốc Gia, nguồn sống của dân thì ở trong bưng, Việt Cộng nắm chặt, cho ai được no thì no.”

Tư Trạng nói:

-“Đốn tràm, giang câu, đặt lợp… đều ở trỏng. Quốc Gia có vô tới trỏng đâu. Tui không vô trỏng, nhưng họ cũng nắm đầu tui dzậy.”

-“Anh nói rõ đi.” Tôi khuyến khích.

-“Ai vô trỏng đốn tràm, phải nói tràm đốn về chỉ bán cho tui. Không bán cho tui, họ không cho đốn tràm.”

-“Họ giúp anh làm ăn, độc quyền mua tràm. Anh còn than chi nữa.”

-“Cái đó là cái chết tui đó ông. Saigon về mua tràm, là mua của tui. Xong rồi, ở trỏng họ nhắn với tui đóng thuế cho họ. Không làm lơ được đâu. Làm lơ hả? Họ gởi thơ ra cảnh cáo. Nửa đêm họ ra tới nơi, ai bảo vệ tui?”

Chuyện chỉ đơn giản như thế, nhưng đời sống dân chúng không đơn giản. Dân thì ở với Quốc Gia, bao tử thì do Việt Cộng ở trong rừng tràm nắm lấy.

Tôi đưa trường hợp Tư Trạng ra ban an ninh, đề nghị tha, cho về. Ai cũng đồng ý, không ai muốn làm khó dân.

Trước khi cho về, tôi gọi Tư Trạng, hỏi:

-“Anh là bạn học với “Chị Tư Nết?”

-“Dạ đúng.” Tư Trạng trả lời.

Vốn tính tò mò, tôi hỏi:

-“Hồi đó trường ốc như thế nào?”

Tư Trạng giải thích:

-“Xưa thì tui không biết. Xưa lắm, tỉnh Hà Tiên rộng tới Cà Mâu, Bạc Liêu. Hồi tui lớn lên, hồi Tây, tỉnh Hà Tiên chỉ qua khỏi ấp Lung Lớn là hết. Vùng nhà máy Hà Tiên bây giờ, xưa thuộc quận Hòn Chông. “Dzàm” Rầy nầy thuộc tỉnh Rạch Giá, không có trường ốc chi hết. Ông Chủ Ry, hồi còn làm ruộng, cho dựng mấy gian nhà tranh, kế nhà ông, mời thầy dạy chữ cho chị Tư Nết với các con ông. Ai có con muốn đi học, ông cho vô học chung, khỏi đóng tiền trường. Tui cũng được cha má tui cho đi học; biết đọc biết viết.”

-“Còn “Chị Tư?”

-“Khi “chỉ” lớn, ông cho lên học Saigon. Tới hồi Nam Bộ Kháng Chiến, “chỉ” cũng mới lớn, chưa có chồng.”

-“Còn Chú Út?” Tôi hỏi.

-“Dân ở đây ai cũng thương ông Chủ Ry, Chú Út. Chú “bình dân” hơn. Chú đi học đâu Saigon, mỗi khi về xứ nầy, Chú cũng đi đốt đồng bắt chồn, bắt rắn… đi chăn trâu chơi với thanh niên trong xứ. Ai cũng thương.”

-“Chú theo Việt Minh hồi nào?” Tôi hỏi.

-“Khi Tây tới Saigon. Người ta hô hào “Nam Bộ Kháng Chiến”, không những chú tham gia mà còn rủ rê thanh niên đồng trang lứa như chú tham gia. Đánh Tây mấy trận rồi chú tử trận.” Tư Trạng kể.

-“Khi chú bị thương nặng, khiêng về đây, ai thấy cũng khóc. Không có thuốc men, cả thầy “phạm-nhe” (2) cũng không, không ai biết cách chăm sóc, chú qua đời.” Tư Trạng kể tiếp.
 

&

Một phần giữ lời hứa với “Anh Hai Re”, một phần yêu kính những người hy sinh vì nước, nay mồ mả thất lạc đâu đó nên hôm sau tôi lái xe về lại Vàm Rầy, đem theo Ba Cẩn, trung sĩ Cảnh Sát của tôi, nguyên là thợ mộc, Sáu Lợi, cũng trung sĩ Cảnh Sát, nguyên là thợ hồ, với hai “tà lọt”. Tôi cho gọi Tư Trạng tới quán càphê đầu lồng chợ, uống càphê với tôi.

Một lúc sau, thiếu úy Chiếu, trưởng cuộc, cũng ra ngồi uống càphê bên cạnh tôi.

Tôi nói với Tư Trạng:

-“Bữa nay tui về tìm mộ “Chú Út”. Anh biết mộ chú ấy ở đâu không?”

-“Biết chớ! Đầu dzàm (vàm) kinh Xà Tón chớ đâu!” Tư Trạng trả lời.

-“Anh biết chắc vị trí chớ?” Tôi hỏi.

Tư Trạng nói:

-“Chắc thì không chắc. Để hỏi chú Ba Lộ coi. Nhà chú bên nầy kinh. Mộ “Chú Út” ngang bên kia kinh.”

Tôi vừa nói vừa quay ngó thiếu úy Chiếu:

-“Ba Lộ thưa ông Ra chớ gì. Gặp tôi, không biết ông ta có ngại gì không?”

-“Không gì đâu, đại úy. Em gặp ông ta hoài, có thấy gì đâu.” Thiếu úy Chiếu nói.

Ông Ba Lộ có người con trai trốn quân dịch, thường trốn ở cái chòi dựng trong đồng. Hôm con trai ông lén về thăm nhà, bị trung sĩ Tám Honda phát hiện, báo cho ông Ra. Ông Ra đến bắt, đòi chạy hai chục ngàn, sẽ tha.

Việc xong rồi, Ba Lộ ức tình làm đơn thưa lên quận. Tôi hỏi ông Ba Lộ:

-“Thiếu úy Ra đòi tiền bao nhiêu?”

Ba Lộ nói:

-“Thưa ông, còng tay con trai tôi xong, ông thiếu úy đưa lên hai ngón tay. Tui tưởng hai ngàn, cho là rẻ, bèn đưa hai ngàn. Ông không chịu, nói tới “hai chục”. Tui vét hết tiền đưa cho ổng. Ổng mở còng biểu con tôi trốn vô trỏng đi.”

Tôi gọi thiếu úy Ra lên cự nự, nói:

-“Dân họ thưa thì tui cho an ninh điều tra, trình lên trên, không làm khác được. Ông rán chịu.”

Kết quả, ông Phó Thao cho ông Chiếu về thay ông Ra. Ông Ra về tỉnh trình diện, không biết sau đó, ông Thao cho “đệ tử” của ông đi đâu!

Tôi bực mình chuyện thưa kiện. Hôm về họp ở tỉnh, “xếp” nói: “Phải đe chừng thuộc cấp, mang tiếng cho chú, cho tui, mà cho cả ngành nữa.” Tôi “dạ”, trong lòng không vui.
 

&

Xong chầu càphê, cả đám bọn tôi tới nhà Ba Lộ.

Nghe chuyện xong, Ba Lộ nói:

-“Lui sau nhà tui, ngó qua cũng thấy rõ.”

Ba Lộ lôi cái xuồng ba lá cột ở sau hè ra, đưa tui với Tư Trạng qua kinh trước. Mấy người kia tự động qua sau.

Ông Ba Lộ chỉ ngay chỗ đất dưới chân ông, nói:

-“Ông đại úy thấy không. Mấy năm nay, xe “Em – trăm mười Ba” (M-113) lên xuống chỗ nầy hoài, đất trài bớt đi, nhưng ngay chưn tui, đất vẫn còn cao. Mộ ngay chỗ nầy.”

-“Này, chú Ba nầy. Ai chôn “Chú Út” ở đây?” Tôi hỏi.

-“Dân chúng chớ ai. Hồi nẳm, ông Chủ Ry chạy lên Rạch Giá rồi.”

-“Không ai cúng quảy gì cả?”

-“Thân nhân đi hết. Tá điền cũng đi hết, ai mà cúng. Mấy năm hòa bình, ông Chủ Ry có về cho xây lại mồ mả. Chiến tranh lại xảy ra, đường sá mìn bẫy như dzầy, ai mà dám về.”

Tôi sai trung sĩ Cẩn và trung sĩ Lợi đóng cọc làm dấu quanh mộ, làm dấu hướng đầu, hướng chân…

Tôi không nói gì thêm với Ông Ba Lộ với Tư Trạng việc tôi hứa với “anh Hai Re”. Xong đâu đó, tôi chào mọi người ra về.
 

&

Tuần sau, tôi đến chỗ cũ, cho ghe chở xi-măng, gạch tới, cho lính của tôi đào đất xây vòng thành bốn phía, làm bia ghi “Mộ Chú Út” – vì tôi không biết tên chú ấy -, sơn quét đàng hoàng. Xong, tôi biểu thiếu úy Kiệt chụp hình ngôi mộ.

Thật lòng, tôi không có “hậu ý” gì khi làm công việc nầy cả!

Tôi đưa mấy tấm hình cho nhà tôi coi. Nhà tôi nói: “Để em giữ”. Tôi không biết cô ấy có ý gì. Mấy hôm sau nữa, nhà tôi biểu tôi sai lính lấy vé máy bay nhà máy Xi măng Kiên Lương đi Saigon.

Té ra cô ấy khi lên Saigon, tới nhà ông Hai Re, đưa hình cho ông ta coi, rồi cùng ông Hai vô gặp bà thủ tướng Khiêm. Bà thủ tướng Khiêm cảm ơn rối rít, hẹn: “Khi nào đi Saigon ghé “chị” chơi. Cần gì “chị” giúp đỡ cho”. (Bà ấy tự xưng “chị” với nhà tôi). Câu chuyện nầy được mấy bà Rạch Giá kháo với nhau, tới tai bà vợ “xếp” của tôi.

Hôm tôi về họp ở Kiên Giang, “xếp” nói với tôi: “Chú đã khôn mà “con mẹ Hải” (tiếng mấy bà Rạch Giá thường gọi nhà tôi một cách thân mật) khôn “thầy chạy luôn”. Nó đem mấy tấm hình lên gặp “Chị Tư” thì nó đâu cần nhờ vã gì mấy bà ở đây nữa.”

Ý ông muốn nhắc tới chuyện bà trung tá Trỗ, tỉnh trưởng, nhờ bà Tám Nghĩa – bạn thời con gái với “Chị Tư” – đưa lên Saigon gặp “Chị Tư” vì có chuyện cần giúp đỡ.

Chẳng bao lâu thì tới Ba mươi tháng Tư, tôi mất cái dù che to tổ bố. Thiệt là “Thiên bất dung gian.”

Ông Tám Nghĩa (Bùi Nhật Nghĩa) là dân biểu thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, bị Việt Cộng xử tử tại sân vận động Rạch Giá sau tháng Tư/ 1975.

hoànglonghải

1)- Cuối mùa hè năm 1973, ông Chủ Ry từ Saigon về Kiên Lương. Ông Quận Trưởng với tôi đón ông ở văn phòng quận. Ông đưa bàn tay to tướng của ông, chụp lên tấm bản đồ quân sự 25/100 treo ở trong phòng, chỗ có con kinh mang tên ông: Kinh Chủ Ry.

Ông nói: “Ruộng của tui là chỗ nầy nè!”

Chỗ bàn tay ông chụp vô, tính ra chừng vài ngàn mẫu ruộng. Nếu cho lính vô đó hành quân, có lẽ phải “lội ba ngày trời” cũng chưa hết ruộng của ông.

Hôm đó ông về quận là để chính quyền địa phương xác nhận số ruộng của ông để ông xin chính phủ bồi thường “truất hữu” trong chương trình “Người Cày Có Ruộng” của chính phủ Việt Nam Cọng Hòa.

Chưa bao lâu thì miền Nam sụp đổ, tôi không rõ ông có được bồi thường đồng nào hay không.

Cách đây mấy năm, ông cựu thiếu tá Đinh Văn Tuyền, con trai thứ của ông Chủ Ry, gọi điện thoại cho tôi, nói chuyện “Xóm Cũ” thời thơ ấu của ông ấy chơi.

Lại tò mò, tôi nói:

-“Ông Cụ có cả mấy ngàn mẫu ruộng ở Vàm Rầy, tiền bồi thường chắc khẳm.”

Nói vậy là ý tôi đoán chừng là bố vợ ông đại tướng / thủ tướng, ông không gặp khó khăn gì khi lập hồ sơ đòi tiền “truất hữu”.

Ông Tuyền cười nói:

-“Lầm rồi ông ơi! Ai dám đòi “ăn chia” với ba tui, nên hồ sơ ngâm hoài, đến ngày ba mươi tháng Tư, coi như xong.”
 

2)-Infirmier: Y tá; dân chúng gọi nôm na là “phạm nhe”.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.