Apr 25, 2024

Truyện ngắn

Cái Hòm Thiếc
Hoàng Long Hải * đăng lúc 05:46:11 PM, May 11, 2017 * Số lần xem: 1401
Hình ảnh
#1

                                             truyện có thật tác gỉa hư cấu vài chi tiết

                                                                   hoànglonghải

                             “Một chàng phiêu lãng
                               Ôm đàn tới giữa đời…”


                     (Tà Áo Văn Quân - Phạm Duy Nhượng)


          Gần cuối tháng Tư/ 1972, từ miền Tây, tôi trốn phép về thăm nhà. Vừa gặp nhau, vợ tôi nói ngay:

          - “Anh L. vừa từ Đà Nẵng gọi về. Anh ấy nói tình hình Quảng Trị không êm, Việt Cộng đã vượt Bến Hải, không chắc giữ được Quảng Trị. Anh ra ngoài ấy đi.”

            Nếu Quảng Trị chạy loạn thì nhiều khó khăn lắm. Gia đình tôi, bên ngoại và gia đình nội-ngoại bên vợ tôi đều là dân Quảng Trị cả. Không biết bà con chạy cách nào, chạy đi đâu!

            Hôm sau nữa, xin được máy bay quân sự, mới sáng sớm, tôi nhờ xe trực ở Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp đưa vô phi trưòng Tân Sơn Nhứt.

            Ở trạm hành khách, một số đông người đang chờ lên máy bay. Phần đông là quân nhân, mặc đồ lính. Binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan cấp úy. Một số là dân sự: đàn ông, đàn bà. Không có trẻ em. Tôi nghĩ thầm: Toàn dân nhà nghèo không! Mấy ông lớn chắc là đi Air Việt Nam, khỏe hơn.

            Chờ chưa được nửa tiếng, một anh Trung sĩ Không quân, đứng ngay cửa ra phi đạo hô lớn: “Ai đi chuyến bay số xxxx, theo tôi lên máy bay.

          Nhiều người sắp hàng đi ra. Tôi đi gần chót, trước mặt là hai ông bà già, có lẽ vợ chồng nhà quê. Người chồng mặc áo sơ mi trắng, màu cháo lòng, lưng áo lỗ chỗ nhiều vết thâm, vết chất dơ giặt không đi. Vậy mà cũng “áo bỏ vô thùng”, quần tergal hay dacron gì đó, màu xanh sẫm, chân mang đôi “giép mũ” màu trắng.

          Bà vợ áo kiểu bà ba, mầu nâu nhạt, quần đen, chân mang giép Nhật. Ông chồng thì xách cái va-li bằng thiếc, không to lắm, thứ hàng nội hóa, Chợ Lớn sản xuất, chợ Việt Nam nơi nào cũng có bán.

          Cái va-li còn mới lắm, mới dùng lần đầu. Người vợ xách cái bị vải lớn, hơi nặng. Có lẽ đựng áo quần. Cả hai đều già, khoảng gần 70 tuổi. Người nhà quê lam lũ, thường già trước tuổi. Sau lưng tôi là mấy anh lính trẻ. Tới gần cửa máy bay, mấy anh lính chen lên, cố giành lên trước. Tôi cũng dợm tranh với họ, nhưng hai ông bà già trước mặt, vẫn đi bình thường, làm tôi thấy kỳ, nếu tôi vượt mặt họ, nên thôi.

            Tấm bửng sau chiếc C-119 hạ thấp xuống để mọi người vô trong máy bay. Một anh Trung sĩ Không quân khác, đứng ngay chỗ mép cửa, hỏi giấy phép lên máy bay từng người. Ông già nhà quê đưa giấy tờ ra, ông đã cầm sẵn ở tay. Bà vợ đứng bên cạnh im lặng.

          Anh trung sĩ coi giấy tờ xong, đưa mắt nhìn vào cái va-li thiếc hơi lâu một chút. Tôi không rõ vì sao. Xong, anh bảo: “Lên đi”. Hai ngưòi đi vào. Tôi là người lên máy bay sau cùng.

          Vào tới bên trong, tôi thấy chỉ còn một cái ghế vải sát cạnh hai ông bà già. Tôi liền ngồi xuống đó. Tiếng động cơ đang chạy ầm ầm, có lẽ chuẩn bị cất cánh.

          Loại ghế trên máy bay quân sự là loại ghế xếp dã chiến, nằm sát thân tầu. Ngồi xuống thì cũng có giây “beo”, cũng gài vào móc một cái cạch như ghế xe hơi bên Mỹ vậy. Trong máy bay, ai muốn thắt giây “beo” thì thắt, còn không thì thôi. Mấy ông trung sĩ phục vụ trên máy bay chẳng nhắc nhở ai, không như ở Air Việt Nam, tiếp viên hàng không đi nhắc nhở và kiểm soát từng người.

            Tiếng động cơ gầm rú mạnh hơn, rồi thân máy bay giựt mạnh một cái. Nhìn qua ô cửa tròn nhỏ, tôi thấy ngôi nhà kế phi đạo đang chạy lui. Vậy là máy bay ra phi đạo.

            Tới cuối đường để ra phi đạo rồi, tiếng máy bay lại gầm rú. Tôi nghĩ là phi công chuẩn bị cất cánh. Nhưng tiếng đông cơ lại rú lên, lại xuống, lại rú lên, lại xuống, mấy lần như vậy. Cuối cùng, tôi có cảm tưởng như máy bay quay lui.  Máy bay dừng lại. Tôi nhìn ra qua ô cửa tròn, mái nhà lúc nãy lại hiện ra. Có nghĩa là máy bay không cất cánh, trở về chỗ cũ.

          Mọi người vẫn ngồi yên trong phi cơ. Tôi lại nghe tiếng xe hơi ngừng lại bên ngoài máy bay. Cửa phía phi hành đoàn mở. Hai người mặc đồ không quân lên chỗ phòng lái. Lại có tiếng động cơ gầm rú hai ba lần như thế.  Cuối cùng, hai người mới lên lại xuống. Tiếng động cơ gầm lên. Máy bay lại di chuyển. Có lẽ lại ra đầu phi đạo.

            Cũng tới ngay chỗ cũ, hồi nãy, tôi lại nghe tiếng động cơ gầm rú. Tiếng rú lại hạ xuống, lại gầm rú lần nữa. Mấy lần như thế. Cuối cùng, máy bay ra đầu phi đạo. Tiếng động cơ rú lên, dài hơn, và máy bay cất cánh. Nhìn qua cửa ô tròn nhỏ, tôi thấy những cái dấu mốc hai bên phi đạo chạy lui rất nhanh.

            Máy bay đã rời mặt đất. Bây giờ nhìn ra phía ngoài, chỉ thấy trời và mây. Máy bay lên chưa cao lắm, tôi có cảm tưởng máy bay nghiêng vòng. Chắc là để lấy hướng, tôi nghĩ vậy. Nhưng không phải. Tiếng động cơ kêu nhỏ trở lại. Một chốc tôi lại nghe tiếng bánh xe chạm phi đạo, và tiếng bánh xe đang chạy. Máy bay lại hạ cánh. Tôi không rõ chuyện gì.

            Khi máy bay dừng lại chỗ cũ, chỗ đầu tiên lên máy bay. Mọi người được lệnh xuống, không nói rõ vì sao! Cánh quạt đã ngưng quay.  Hành khách kẻ đứng người ngồi xổm bên cạnh thân phi cơ.  Tôi thấy người Trưởng phi hành, mang “loon” thiếu tá, tên ở ngực là Lan, có thể là Lân- Đàn ông ít ai có tên đàn bà, - đến trước mặt tôi. Tôi tưởng ông ta muốn nói gì với tôi, nhưng không. Ông nhìn ông già tôi nói ban nãy, đang đứng cạnh tôi, tay đang ôm cái va-li.

Thiếu tá Lân hỏi xẳng giọng:

            -“Ông có giấy phép không?”
            -“Dạ có.” Ông già trả lời lí nhí.
            -“Giấy phép cái va-li kìa!” Thiếu tá Lân vẫn gằn giọng.

            Ông già lập cập lấy trong túi áo một tờ giấy quay rô-nẹ-ô, có chữ viết tay. Xem xong, Thiếu tá Lân trả lại cho ông già, bỏ đi.  Ông già gần như khóc, hai mắt đỏ hoe. Bà vợ khóc thút thít, không dám khóc to.
 

            Tò mò, tôi hỏi:
            -“Cái chi dzậy?”

          -“Dạ! Ông Thiếu tá hỏi giấy phép đem hài cốt lên tàu bay. Tui có giấy đó.” Ông già trả lời, giọng nhỏ, từ tốn.

            -“Bác bốc mộ cho ai?” Tôi lại hỏi.
            -“Con trai tui. Nó đi lính Nhảy Dù, tử trận.”

            Tôi im lặng. Dân “Quảng Trị tui” có cái lạ! Đi lính, ưa đi “thứ dữ”. “Hùmg móm” em út tôi cũng vậy. Ra trường, cố đi cho được Nhảy Dù. Cẩm, bạn tôi, em Đại tá Bé, là “dân Biệt Động Quân”, trước đó là “Nha Kỹ Thuật.” Ông Lô, cũng Nhảy Dù. Dục, bạn tôi và hai ông em nó, Dưỡng, Lữ đều Thủy Quân Lục Chiến.

            Rồi tôi nghĩ tới việc ông Thiếu tá Lân hỏi giấy phép mang hài cốt đứa con của ông già. Dân xứ tôi hay tin dị đoan. Đem hài cốt lên xe đò, xe hàng hay lên máy bay là xui. Có khi tài xế không cho mang hài cốt lên xe, nên thân nhân phải dấu. Chỉ đi xe lửa là không ai hỏi.

            Thân phụ tôi “đi kháng chiến” qua đời trên chiến khu năm 1948. Năm 1954, hòa bình rồi, anh em tôi lên chiến khu bốc mộ đem về. Tới nhà, mẹ tôi phải dựng một cái chái tranh bên kia đường, chỗ đất trống để cái va-li thiếc đựng hài cốt ở đó. Theo tục lệ, người ta cử đem hài cốt vô nhà. Anh Xạ Thử, lý trưởng phường tôi, nói với mẹ tôi: “Nể tình chị, chớ tục của mình, đem về làng, người ta cũng cấm.”

          Nghĩ tới đó, nhìn lại, tôi thấy ông bà già có vẻ sợ hãi chớ không như lúc đầu, khi tôi mới gặp ông. Có lẽ ông sợ người ta sẽ không cho ông đem hài cốt con ông lên máy bay.  Một lúc sau, mọi người được hướng dẫn lên một chiếc C-119 khác. Người ta đổi máy bay nhưng cũng toán phi hành cũ. Chuyến bay bình thường, cất cánh rời phi đạo, êm ru.
 
            Ngồi trên máy bay lâu quá, tôi hơi bồn chồn. Tôi nghĩ sao máy bay chưa hạ cánh. Họ có bay lạc không? Tôi có cảm tưởng như máy bay đã ra tới Đồng Hới, không chừng Việt Cộng bắn lên mà rớt máy bay như không. Hỏi ra, anh Trung sĩ Không quân cho biết “Mới tới Quảng Ngãi.”

            Máy bay chi mà chậm như rùa, như “Chuyến Xe lửa mồng năm” của Trần Văn Trạch.
                                                   & 

            Suốt trong chuyến bay, có lúc tôi hỏi chuyện ông già. Một là vì thấy ông là người cùng quê: Quảng Trị. Quê ngoại tôi ở đó, bên kia sông, làng Nhan Biều. Bên nầy sông là thị xã Quảng Trị.

          Tôi sinh ra, lớn lên, học hành thời thơ ấu là ở thị xã. Năm 16 tuổi, tôi trốn nhà đi xa, làm một kẻ, như các bạn tôi thường gọi: “Thằng lãng tử”. Vậy là gần hai mươi năm, tôi từ miền Tây Nam Bộ, cực nam của nước Việt Nam Cọng Hòa, về thăm Quảng Trị, ở vĩ tuyến 17, cực Bắc Việt Nam Công Hòa. Vậy là không biết, trong đời nầy, có ai đi xa hơn tôi?

            Thứ hai, tôi thấy tội nghiệp cho hai ông bà già. Lặn lội đường xa, từ ngoài kia, “về Thủ Đô”, không phải để làm một du khách, thưởng ngoạn mà làm kẻ bốc mộ cho con, đem về quê.

            Tôi hỏi:
            -“Con bác chôn ở đâu?
            -“Ở nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp.” Ông già trả lời.

          -“Tui tới đó rồi. Nghĩa trang đó cũng đẹp lắm, để nó ở lại đó cho có bạn bè, đem về quê làm chi?” Tôi lại nói.

            -“Đem về cho nó nằm chung với ông bà, cho ấm mồ ấm mả thiếu úy à!” Ông già nói. Ông gọi tôi là thiếu úy vì thấy tôi đeo trên cổ áo một bông mai vàng.

            -“Quê bác ở mô?” Tôi hỏi.

            -“Ở Lai Phước. Thiếu úy biết làng đó không?”Ông già hỏi lại tôi.

            -Làng đó có cây cầu trên Quốc lộ 1. Còn có cây cầu sắt trên đường xe lửa nữa, phải không?” Tôi hỏi.

            -“Thiếu úy rành lắm!” Ông già trả lời tôi.

            -“Hồi còn nhỏ, tui học ở thị xã mà, hay ra Đông Hà chơi! Con gái Đông Hà đẹp lắm! Ông biết không?” Tôi vừa cười vừa nói chuyện với ông.

            -“Tui quanh quẩn trong làng, không biết chi hết. Ngày mô (nào) đi làm củi, tui đi dọc theo đường từ cầu ván, lên cầu sắt rồi lên rú.”

            Tôi hiểu cầu ván là cầu xe hơi trên Quốc lộ, còn cầu sắt là cầu xe lửa.
            Cuộc nói chuyện với ông già không có gì hứng thú; một là vì tiếng động cơ kêu đều nhưng cũng to, nhiều khi không nghe rõ ông ta nói gì, tôi chỉ đoán chừng. Thứ hai, tôi cũng thấy buồn ngủ. Khi còn ở đơn vị, tôi ít ngủ. Hai hôm về nhà thì một hôm đưa vợ đi nghe nhạc ở Queenbee, về khuya. Sáng nay lại dậy sớm ra phi trường.

                                          &

            Xuống máy bay, vô tới “trạm hành khách” thì tình hình náo động lắm. Kẻ lui người tới vội vả, người nầy người nọ bàn tán xôn xao.

          Té ra là Quảng Trị đã mất hôm qua, ngày 1 tháng 5. Quân đội đang trên đường rút lui. Bấy giờ chưa mấy ai biết lệnh Tổng Thống buộc binh sĩ phải dừng lại bên nầy sông Mỹ Chánh, lập tuyến phòng thủ.

          Đồng bào Quảng Trị chạy tán loạn về Huế. Việt Cộng từ trong núi pháo kích ra, hàng ngàn người chết trên “Quốc Lộ mới”, đoạn phía Nam Cầu Dài, phía dưới kia, trên Quốc lộ 1 cũ là cầu Bến Bá, còn gọi là cầu Trường Sanh, trên sông Trường Sanh, còn có tên là sông Diên Trường (1). Mấy hôm sau, báo chí đưa tin, đặt tên cho đoạn đường nầy là “Đại Lộ Kinh Hoàng”.

            Huế cũng hoảng loạn theo. Chợ Đông Ba bị đốt cháy. Dân Huế tranh nhau vượt đèo Hải Vân, chạy trốn vào Đà Nẵng.

            Tôi lo lắng, băn khoăn, lúng túng không biết phải làm gì bây giờ. Tôi tìm một chỗ ít ồn hơn, ở phía góc trong của “trạm hành khách”, bình tĩnh một chút, tôi nghĩ thầm để coi phải làm gì trong khung cảnh náo nhiệt hổn loạn và đầy lo lắng nầy.

            Tới góc phòng, tôi thấy hai ông bà già đang ngồi lọt thỏm trong góc nhỏ. Ông già vẫn còn khư khưôm cái va-li thiếc trước ngực. Thấy tôi, ông nhìn tôi, như muốn hỏi gì đó mà không dám hỏi.

            Tôi thấy ái ngại cho ông, lên tiếng trước:
            -“Bác nghe tin gì chưa?”
            -“Dạ, nghe rồi!” Ông già trả lời.

            -“Không chắc về Quảng Trị được đâu. Tình hình nầy là chạy hết rồi, làm “răng” (sao) về?” Tôi nói.

            -“Tui ở “già” (nhà) quê, chắc không phải chỗ hai bên đánh “dau” (nhau), về được.” Ông già trả lời.

            -“Không chắc có xe mà về. Người ta chạy vô, có ai chạy ra.” Tôi giải thích.          

         -“Dạ! Không biết răng!” Ông già nói. Giọng nói nhỏ và yếu, tưởng nhưng không mấy hy vọng.

            Bất thần có người gọi tôi “Cậu”. Nghe giọng quen, tôi quay lại. Té ra Tịnh, một người cháu gọi tôi bằng cậu, sáng nay nghe vợ tôi gọi điện thoại ra, cho biết “Cậu ra Đà Nẵng rồi” nên lái xe đến đón tôi. Anh làm tiểu Đoàn Phó cho Tiểu Đoàn Truyền Tin, được cấp xe Jeep riêng. Trước khi quày đi theo người cháu, tôi nói với ông già: “Bác liệu tìm xe ra ngoài đó. Nhớ tránh mấy chỗ đang đánh nhau.” Chưa kịp nghe ông già trả lời gì, tôi len vào đám đông đi mất.

            Tối hôm đó, tôi định mượn xe gắn máy của Tịnh để đi tìm thân nhân chạy loạn từ ngoài kia vào. Tịnh nói:

            -“Cậu không đi được đâu! Hai bữa nay, Đà Nẵng giới nghiêm 6 giờ chiều. Để Tịnh đưa cậu đi. Xe cháu có phép đi trong giờ giới nghiêm.”

            Hôm đó, nhờ Tịnh, tôi đi thăm vài nơi. Em gái tôi, cùng mấy đứa con, chạy từ Huế vào tạm trú nhà bà con ở đường Bạch Đằng, người chồng nó phải ở lại với đơn vị, Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương Huế; chị và anh rể vợ tôi từ Quảng Trị chạy vào tạm trú bên Sơn Chà. Gia đình anh tôi và mẹ tôi thì đã chạy vào Qui Nhơn. Nhiều người nữa, nhưng không liên lạc được, không biết địa chỉ…

            Sau khi đưa tôi về nhà, Tịnh lại vào doanh trại.

Khuya lắm, anh ta mới về. Tôi vẫn còn thức, đang băn khoăn, lo lắng, không ngủ được. Chúng tôi ngồi ở phòng khách uống nước. Tịnh nói:
            -“Lệnh Tổng thống không cho quân đội rút lui nữa, phải lập phòng tuyến chận địch ở sông Mỹ Chánh. Tin còn mật, nhưng vài người ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã biết: Tướng Trưởng ra thay Tướng Lãm - (2). Mai cháu phải đi Huế. Nhiều đơn vị Tổng Trừ Bị đang trên đường ra Đà Nẵng. Khuya nay hay sáng mai họ đến. Phải giữ Huế, không được mất. Lệnh Tổng Thống đấy.”
            -“Có chuyện chi gấp không mà phải đi trong tình hình nầy?” Tôi hỏi.

            -“Vừa quan trọng vừa gấp. Tiểu đoàn ở đây, (3) lo việc liên lạc giữa Quân Đoàn với Saigon. Tịnh phải ra củng cố và phát triển một đài truyền tin của Tiểu Đoàn ở Huế, giữ nhiệm vụ truyền tin, không được trở ngại hay gián đoạn của các đơn vị đang đánh nhau liên lạc với Quân Đoàn. Truyền tin mà có chuyện gì thì mệt lắm!”

            Một lúc, tôi nói: “Tui đi với được không?”

            -“Được thì được, nhưng cậu ra làm gì ngoài? Về tới Huế thôi, không về Quảng Trị mình được.”

            -“Dĩ nhiên, dù sao ở Huế cũng gần hơn, hỏi thăm được tin tức, coi có ai còn kẹt lại.” Tôi nói.

            -“Không an toàn lắm đâu!” Tịnh giải thích.

            -“Ông ở truyền tin, ông biết chỗ nào đánh nhau, chỗ nào không. Biết thì tránh được. Chắc không can gì!” Tôi nói.

            -“Chỉ sợ bắn sẻ, nhất là ở trên đèo (4). Mới rồi, một người bà con bên mợ bị bắn sẻ ngay trên đèo. Trúng ngay đầu.” Tịnh nói.
            Sáng hôm sau, Tịnh vô đơn vị sớm. Chị tôi, mẹ của Tịnh cũng dậy sớm, nấu bún bò cho tôi ăn sáng. Khi đó hai vợ chồng Tịnh đã đi rồi. Tịnh vô trại, còn vợ Tịnh đi làm.

            Bún bò bà chị tôi nấu không có giò heo, giống như ở quê tôi hồi trước, nhưng thịt bò xào lăn thì hết sẩy. Biết tôi thích ăn những món do bà nấu, chị ấy bảo tôi: “Cậu ở chơi vài “bựa” (bữa) chị kho cá nục cho ăn.”  Tôi không chắc chị tôi biết nấu những món cao lương mỹ vị, nhưng cá nục kho, cá ngừ kho, rau muống luộc, tôm chua thịt heo, v.v… thì ăn một bữa, một đời khó quên.

            Gần trưa thì Tịnh về, ăn qua loa vài chén cơm cùng với tôi rồi hối tôi mặc quần áo quân nhân đi gấp. Tịnh nói đùa:

            -“Đi với cháu là đi hành quân, không phải vô lớp giảng bài đâu mà thắt cà vạt.” (5)

            -“Mặc xi-vin dễ thành mục tiêu cho tụi nó bắn sẻ, ông sợ tôi chết trước ông chớ gì. Còn lâu! Số tôi thọ lắm. Nhưng có chuyện gì cũng mệt đấy.”
            -“Mệt gì?” Tịnh hỏi.

            -“Tui trốn phép, lỡ có bị thương hay gì, khó khai báo. Đơn vị ở trong Nam mà tôi bị thương ngoài Trung, lại không có giấy phép hay công tác gì cả.” Tôi nói.

            -“Kệ! Không can gì đâu. Có gì cháu lo.”

          Xong, chúng tôi lên đường. Thấy tôi nhìn chiếc xe Dodge, không đi xe Jeep, có vẻ ngạc nhiên, Tịnh nói ngay:

          -“Cháu phải đi xe Dodge vì có thêm mấy chuyên viên, chở theo linh kiện. Cậu ngồi phía sau, ngay sau lưng cháu.”

          Thế rồi chúng tôi lên đường, sau khi chào bà chị, Tịnh thì chào mẹ. Vợ Tịnh đi làm chưa về. Xe có tất cả 7 người: Tài xế, Tịnh, mấy trung sĩ chuyên viên truyền tin và tôi.

          Xe bon bon ra hướng Liên Chiểu. Tới ngã ba Cây Lan, chỗ Quốc lộ 1 có đường rẽ đi về phía Nam, xe và người đông quá, nên tài xế chạy chậm lại. Tôi chợt nhìn qua bên đường, thấy ông già và vợ ông, người đồng hành hôm qua, đang đứng bên đường. Tay ông vẫn khư khư ôm cái va-li thiếc ở ngực, tôi chợt nói: “Ông bà già!”

          Tịnh hỏi ngay:

          -“Ông bà già cậu kể hồi tối hả?”
           Tôi nói: “Đúng họ.”

           -“Chắc họ không kiếm được xe ra Huế. Bây giờ làm gì có xe ra!”

           Rồi Tịnh ra dấu cho tài xế biểu ngừng xe lại.

            -“Tịnh cho ông ta quá giang hả?” Tôi hỏi.

            -“Để cháu hỏi lại coi.” Xong, Tịnh bảo tài xế cho xe “de” lui.

            Thấy ngại, tôi nói:

            -“Ông ta có cái hài cốt đấy. Tịnh có ngại không?”

            -“Cháu biết! Cháu muốn làm phước cậu à. Để cái đức cho con. Tin dị đoan làm gì.” Tịnh giải thích.

                                                   &

            Chúng tôi ra tới Huế, trời cũng còn sáng. Trời mùa hè! Tịnh cho xe chạy thẳng ra bến xe Nguyễn Hoàng, nói với ông bà già: “Hai bác xuống đây. Không có xe về Quảng Trị đâu, hai bác phải liệu cách.”

            Hai ông bà già xuống xe, tôi xuống theo. Tôi nói với Tịnh: “Để chỉ đường cho ông ta đi, họ không biết đường đâu!

            Tôi đứng trước mặt ông già, nghiêm trọng nói:

            -“Từ đây, bác có thể ra Mỹ Chánh bằng xe ôm. Không cóxe đò gì đâu! Từ Mỹ Chánh ra, bác không thể đi theo Quốc lộ được. Hai bên đang đánh nhau. Vô đó là chết. Đi đường nầy may ra êm hơn: Từ Mỹ Chánh, bác đi dọc theo con đường bên sông Ô Lâu mà về làng Vân Trình. Từ đó, bác ra ngã làng Trung Đơn mà về Ngô Xá. Từ Ngô Xá, băng qua Vân Hòa, Đại Hào, rồi qua sông Thạch Hãn mà qua Trung Kiên. Từ đó mà về Lai Phước thì dễ lắm.”

          Ông già cứ ôm cái va-li thiếc vào mình, nói luôn miệng:

          -“Cám ơn thiếu úy. Cám ơn ông Đại úy. Cám ơn mấy thầy. Thiệt phúc hậu quá. Vợ chồng tôi gặp may.”
          Tôi hơi bực mình, nói:
           -“Cám ơn chi nói hoài. Mấy cái làng tui nói tên, bác có nhớ mà đi qua không?”
           -“Dạ nhớ! Mấy làng đó tui biết.” Ông già trả lời.

           Tịnh hỏi tôi:

           -“Sao cậu rành địa thế vậy? Đi chơi khi nào mà biết hết!”

           -“Đi chơi đâu!” Tôi nói, “Hồi chạy tản cư, vùng đó tui có chạy qua. Dân Quảng Trị mà!”

           Tôi quay qua nói với ông già:

          -“Mình người cùng quê giúp nhau. Ông Đại úy nầy, - Tôi chỉ Tịnh - người làng Cổ Thành. Ngoại tui là bên Nhan Biều, gần làng bác đó!”

            Ông già vẫn cứ khư khư ôm cái va-li thiếc vào ngực, mặt mếu máo, nói:
            -“Thiệt là hai vợ chồng tui gặp may. Ông bà với con tui phù hộ mới gặp được mấy thầy. Cám ơn Trời Phật, Cám ơn Trời Phật.”

            Tịnh nói: “Thôi bác vô trong bến xe tìm xe ôm đi đi. Ra tới Mỹ Chánh là trời tối lắm. Lại còn đi theo con đường cậu tôi chỉ, không dễ lắm đâu.”

            Ông già nói: “Dạ! Cám ơn Đại úy. Tui biết đường!”

            Khi ông già tính quay đi, Tịnh nói theo:

            -“Vừa đi vừa hỏi dò đường người ta. Nghe chỗ nào có lính, có súng nổ thì đừng tới. Nghe chưa?”

            Ông già lại “dạ, dạ” thêm mấy tiếng nữa, rồi đi nhanh vô bến xe.

            Tịnh nói với tôi: “Con sống cũng khổ, con chết cũng khổ. Thiệt làm cha mẹ…”
 

                                                                         hoànglonghải


 

 

......................................

(1)-Sông Trường Sanh, còn gọi là sông Diên Trường, có “bến đò Diên Trường”, chỗ có câu hò:   

          

                        Trăm năm “diều” (nhiều) nỗi hẹn hò,

                        Cây đa bến “cộ” (cũ) con đò khác đưa

                        Cây đa bến cộ còn “lưa” (còn lại)

                        Con đò đã “thác” (chết) năm xưa “tê” (kia) rồi.

 

(2)-Tịnh là em rể Tướng Lãm, có lẽ vì vậy nên anh ta biết tin ấy sớm hơn những người khác.

(3)-Tiểu Đoàn 610 Truyền Tin, đóng ở Đà Nẵng - đơn vị của Tịnh

(4)-Tôi đi dạy 10 năm trước khi nhập ngũ.

(5)-Đèo Hải Vân, xe Quân Đội qua đèo, thường bị bắn sẻ.



 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.