Apr 25, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Hà Nội quê tôi - qua Lời bình Nguyễn Ngọc Kiên
Nguyễn Ngọc Kiên * đăng lúc 11:34:12 AM, Mar 15, 2017 * Số lần xem: 1102
Hình ảnh
#1

  Hà Nội Quê Tôi :: Lê Mai

 

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN NGỌC KIÊN

 

Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về Hà Nội. Xưa nay có khá nhiều thơ hay viết về Hà Nội. Chẳng hạn Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Đọc xong ta có một cảm giác bâng khuâng hoài cổ. Hay buổi sớm mùa thu Hà Nội cứ man mác trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi thời kỳ kháng chiến:

 Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

 

Giờ đọc đến « Hà Nội Quê tôi », cái cảm giác đọng lại trong tôi là rất lạ. Lạ về cảm xúc và cấu tứ! Những người lớn lên học hành rồi công tác ở Hà Nội thì nhiều. Nhưng không phải ai cũng là Hà Nội gốc. Lê Mai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Đúng như lời tự sự của nhà thơ :

 

Tôi là người lao động, thế thôi!

Nhưng quê tôi:

Hà Nội!

 

Rồi những kỷ niệm của tuổi ấu thơ – ai chẳng có thời như thế. Lời thơ như những lời tâm sự thủ thỉ. Và chỉ có những người Hà Nội gốc mới viết được như thế này:

 

Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn

Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo

Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo

Bắt bọ ngựa,

dính ve,

trèo me,

ném sấu.

Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu

Gọi hè về khúc nở những mùa chơi.

 

Còn “những mùa chơi” là mùa gì thì chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Tiếp theo là cái điệp khúc “... là của tôi” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau mỗi lần như vậy, tác giả như tự hỏi rồi lại tự trả lời. Thì ra kiến thức về Hà Nội của một người Hà Nội bị dồn nén bấy lâu, nay mới có dịp bung ra qua những lời thơ mộc mạc, giản dị. Đơn giản:Tôi là người Hà Nội

Thế thôi!

 

Điểm nhấn của bài thơ là những Giếng Ngọc, Văn Miếu, Tháp Bút, Chùa Diên Hựu, Hồ Gươm và Hồ Tây. Một Hà Nội thật tinh tế:

 

“Pho sách thơm cha ông tạc để đời cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ”. Và đây nữa: “Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm vòng trong những lá sen tươi.”

 

Hà Nội của ta nhân văn lắm: “Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn vời vợi yêu thương.”. Hà Nội cũng thật anh hùng, thật nhân đạo: “Đóa sen tâm bừng nở nát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương”.

Có người cho rằng, chuyện cấp gạo thuyền và ngựa cho quân giặc Minh trở về là chuyện của toàn dân ta, là chính sách nhân đạo của Nguyễn Trãi, sử sách cũng đã ghi. Chứ đâu phải chuyện của riêng Hà Nội. Người đọc dễ dàng cho qua câu thơ có tính “vơ vào” này vì tác giả quá yêu Hà Nội.

 

Tất cả “...là của tôi” để cuối cùng nhà thơ chốt lại: “Và em là của tôi !

Sự sống thiêng liêng kết bằng máu xương người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị ! »

 

Tục ngữ Mường có câu: “Người ta là hoa của đất”. Trong phép tu từ tiếng Việt xưa nay chỉ thấy ví “người đẹp như hoa”. Người viết bài này chỉ duy nhất thấy cách ví : « Ở đây hoa cũng đẹp như người », tức là so sánh đối tượng cần so sánh với vật so sánh .Và bây giờ lại thấy Lê Mai viết :

 

« Báu vật của đời được phép ví với em ! »

 

Tôi thì hiểu rằng đây là cách viết xuất thần của tác giả!

 

Tóm lại “Quê tôi Hà Nội” là một bài thơ hay cách viết rất độc đáo. Tác giả thay mặt cho những người lao động Thủ đô nói lên được những tâm tư, suy nghĩ và niềm tự hào chính đáng của mình. Bởi vì:

 

Tôi là người lao động,

thế thôi !

 

Nguyễn Ngọc Kiên

Hà Nội, 2016

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.