Apr 24, 2024

Thơ dịch

Nhà Thơ Vương Duy
Nguyễn Ngọc Kiên * đăng lúc 11:26:46 AM, Jan 14, 2017 * Số lần xem: 1175
Hình ảnh
#1

Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

Vương Duy (701-761), tự Ma Cật, người huyện Kỳ, Tấn Trung, Sơn Tây, Trung Quốc. Ông là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông còn được người đời gọi là Thi Phật. Cùng với Lý Bạch (Thi Tiên) và Đỗ Phủ (Thi Thánh) là ba người nổi tiếng về tài thơ ca thời Đường. Ngày nay còn giữ được khoảng 400 bài thơ của ông, với phong cách tinh tế, trang nhã. Vương Duy còn là một nhạc sĩ, một nhà thư pháp, đặc biệt là một họa sĩ nổi tiếng. Ông cũng là người tinh thông về Phật học và theo trường phái Thiền tông. Trong Phật giáo có Duy Ma Cật kinh, là kinh sách do Duy-ma-cật dùng để giảng dạy cho môn sinh. Vương Duy là người kính trọng Duy-ma-cật do ông có tên là Duy, tự là Ma Cật.

Năm Khai Nguyên thứ 9 (721) thời Đường Huyền Tông, Vương Duy đỗ tiến sĩ, nhận chức quan đại nhạc thừa, sau phạm điều cấm, bị khiển trách và phải đến Tế Châu làm tham quân. Năm Khai Nguyên thứ 14 (726), ông từ bỏ quan chức, nhưng sau đó lại nhận chức hữu thập di, thăng tới giám sát ngự sử. Năm 40 tuổi, được thăng lên điện trung truyền ngự sử. Năm Thiên Bảo thứ 14 (755), An Lộc Sơn chiếm Trường An. Vương Duy bị An Lộc Sơn bức bách ra làm quan, nhưng sau không được như ý, ông đã lui về ở tại biệt thự Lam Điền, sáng tác thơ ca để biểu đạt lòng mình. Sau khi An Lộc Sơn thất bại, nhờ có em trai là Vương Tấn khi đó đang giữ chức quan cao nên Vương Duy được miễn tội và được phong chức thái tử trung doãn, sau thăng tới thượng thư hữu thừa, vì thế người đời còn gọi ông là Vương hữu thừa.

Tô Đông Pha đời Tống đã viết về Vương Duy: "味摩诘之诗, 诗中有画; 观摩诘之画, 画中有诗" (vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi) nghĩa là: Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có hoạ đồ; ngắm họa đồ của Ma Cật, trong họa đồ có thơ. Đồng Kỳ Xương đời Minh thì cho Vương Duy là ông tổ của phong cách họa sơn thủy Nam tông (Nam tông họa chi tổ).


(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

 






PHIÊN ÂM

TỐNG XUÂN TỪ

Nhật nhật nhân không lão
Niên niên xuân cánh quy
Tương hoan hữu tôn tửu
Bất dụng tích hoa phi.

DỊCH NGHĨA

LỜI TIỄN XUÂN

Ngày qua ngày, người cứ già đi
Năm qua năm, xuân lại về
Cùng vui có chén rượu đây
Thương tiếc làm chi những cánh hoa rơi.

DỊCH THƠ

LỜI TIỄN XUÂN

Bản dịch 1

Mỗi ngày người một già đi

Mỗi năm xuân lại trở về nơi đây.

Cùng vui có chén rượu này

Luyến tiếc chi cánh hoa bay lìa cành.

Bản dịch 2

Người cứ già đi ngày mỗi ngày

Mỗi năm xuân lại trở về đây

Cùng vui ta có thêm ly rượu

Luyến tiếc chi mà hoa cứ bay.

 






PHIÊN ÂM

NGƯNG BÍCH TRÌ

Vạn hộ thương tâm sinh dã yên,
Bách quan hà nhật tái triều thiên?
Thu hoè diệp lạc không cung lý,
Ngưng Bích trì đầu tấu quản huyền.

 

DỊCH NGHĨA

AO NGƯNG BÍCH

Muôn nhà đau đớn sống trong khói lửa,
Bao giờ trăm quan mới lại có ngày bái triều.
Lá của cây hoè rơi lặng lẽ trong cung vắng,
Ðầu ao Ngưng Bích tấu sáo với đàn.

DỊCH NGHĨA

AO NGƯNG BÍCH

Muôn hộ đau thương khói lửa tràn

Bao giờ vua ngự đủ trăm quan

Lá hoè thu rụng trong cung vắng

Ngưng Bích đầu ao rộn sáo đàn

------------------------
Chú: Ngưng Bích trì là ao trong đông đô Lạc Dương. Khi An Lộc Sơn đã chiếm được cả hai kinh đô (năm 756), mở tiệc tại ao Ngưng Bích, bắt ban nhạc hoàng gia tấu khúc giúp vui. Nhạc công Lôi Hải Thanh quăng nhạc khí, hướng về phía tây (đất Thục vua đang lánh nạn) mà khóc, bị giết ngay. Vương Duy lúc đó đang bị giặc giam lỏng ở chùa Bồ Đề gần kinh đô Trường An, khi hay tin, đã làm bài này.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.