Apr 26, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Hình dáng người lính VNCH trong thơ của nhà văn Trần Hoài Thư
Phạm Thành Tính * đăng lúc 06:12:21 AM, Nov 18, 2010 * Số lần xem: 4977
Hình ảnh
Trần Hoài Thư
#1
Chương 20

Tôi muốn nhắc đến Trần Hoài Thư, một nhà văn, một nhà thơ,một người lính chiến trong QLVNCH, trước và sau ngày 30/4/75. Anh là biểu tượng , là chân dung , là hình dáng của người lính miền Nam, mà từ lâu tôi vẫn còn có nhiều thiện cảm khi đọc thơ anh.

Trước 1975, tôi có lần được biết Trần Hoài Thư qua tác phẩm Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang , Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi do nhà xuất bản Ý Thức . Sau này ra hải ngoại, tôi mới có dịp biết anh qua lần gặp gỡ, trong buổi anh ra mắt tập truyện Ra Biển Gọi Thầm do anh tự xuất bản năm 1995. Cũng trong buổi ra mắt sách tại New Jersey lần đó, tôi có đến dự và được gặp anh qua tình chiến hữu nhiều hơn là tình văn nghệ.

Tôi có nhiều thiện cảm với anh, qua hình dáng của một người làm thơ, làm văn bận áo lính. Như anh đã thể hiện trong những lần gặp anh, bằng tình bè bạn, tình chiến hữu cùng làm văn nghệ ở vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ. Anh đã thể hiện qua tình chiến hữu, tình đồng hương, đồng cảnh đang lưu vong nơi xứ lạ quê người. Qua hình dáng đó trong thơ anh, khiến tôi cảm thông anh qua hình bóng của những người lính trẻ ngày xưa trong QLVNCH.

Những hình ảnh của tình đồng đội, tình huynh đệ chi binh, những tâm tư tình cảm của người lính trong những giờ phút đấu tranh kiên cường với kẻ thù . Chính anh và đồng đội của anh đã từng hi sinh gian khổ ,vẫn miệt mài trên chiến tuyến để bảo vệ miền Nam, chống lại quân xâm lược từ phương Bắc, suốt ngày đêm đánh phá khắp mọi nơi,từ Nam vĩ tuyến đến mũi Cà Mau.

Nhắc đến Trần Hoài Thư, tôi thấy cũng có nhiều bạn thơ bạn văn đã viết về anh. Nhưng hôm nay tôi chỉ nhắc lại, qua cảm nghĩ về hình dáng Trần Hoài Thư , hình dáng của người lính trong tập Thơ Trần Hoài Thư do anh xuất bản tại Hoa kỳ năm 1998. Tôi không viết theo lối phê bình văn học, mà chỉ đọc lại thơ anh với cái nhìn qua chân dung của người lính VNCH.

Xuất phát từ cảm xúc của tôi khi đọc qua những vần thơ anh viết. Tôi cảm xúc qua tâm trạng đồng cảnh, đồng đội đã xuyên qua cuộc chiến, cuộc đới, trong những ngày khói lửa trên quê hương cùng những nỗi buồn thương trong những ngày lưu vong xa xứ. Tất cả đã thể hiện trong thơ anh.

Cũng vì thế mà tôi gặp anh. Tôi đã gặp anh qua tư tưởng kiêu hùng uất nghẹn trong những ngày tan hàng rã ngũ của quân đội miền Nam, vì bị ngoại bang bức tử một cách quá đau thương và tủi nhục !. Tôi đã thấy được hình dáng căm hờn và uất hận của người lính VNCH, trong những câu thơ anh viết sau đây :

Ta lính miền Nam, hề vận nước ngã nghiêng
Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp
Ta trèo lên cây hỏi rừng có biết
Có một nơi nào hơn ở Việt Nam
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam.
( Ta lính miền Nam,Thơ Trần hoài Thư , 1998 )

Tôi đã gặp anh. Tôi quí anh qua tinh thần của người cầm bút trung thành với binh nghiệp, với lý tưởng, với sự nghiệp đấu tranh chống Cộng sản ngoài chiến trường bằng súng đạn, bằng thép súng . Ðồng thới và liên tục cho đến hôm nay , trên mặt trận văn hóa văn học tại hải ngoại, anh cũng hiên ngang cầm bút, bằng thép bút.một cách kiên cường đầy khí phách.

Tôi thấy hình dáng anh tuy ốm yếu, tính tình khiêm tốn và nho phong với cặp kính cận, nhưng tinh thần rất kiên cường bất khuất. Dù ba lần thương tích ở chiến trường, mà vẫn miệt mài bám lấy đơn vị chiến đấu, tiếp tục quyết tâm đi trên khắp nẻo đường quê hương, từ miền rừng núi, qua Con Tum ,Tân Cảnh, Hạ Lào ,rồi ra duyên hải miền Trung. Rồi tiếp tục xuôi ngược lặn lội khắp vùng đồng bằng Hậu Giang , Cà Mau , Năm Căn như :

Trung đội ta những thằng giữ đất
Từ Qui Nhơn , Phù Cát , Phù Ly
Qua Tam Quan qua rừng An Lão
Từ Kỳ Sơn. Phước Lý, An Khê
( Trung đội , thơ Trần hoài Thu)

Hoặc còn vương vấn với những nỗi nhớ thương trên các địa danh quen thuộc :
Tôi qua Phù Cũ Bồng Sơn
An Cữu , An Khê,Tân Dân,Tuy Phước
Nhớ cây đa chiếc cầu trong văn Võ Phiến
Thương những người bỏ xứ xa hương
Nhớ vầng trăng trên xóm Gò Găng
Bà mẹ nhớ con mắt mù kết nón
Và những đêm sao trên đồi Bách Ích
Cho tôi cố tìm đôi mắt người yêu
Nhớ những chuyến xe xuôi ngược sáng chiều
Ai trong ấy, cứ cắn hoài sợi tóc
( Sợi tóc nhớ nhung , thơ Trần Hoài Thư)

Rồi một hôm anh bỏ lại vùng gió núi Hạ Lào, Tân Cảnh, Kon Tum, rời duyên hải miền Trung để xuôi vào đồng bằng miền Nam :

Hôm nào bỏ lại rừng An Lão
Trở về nghe gió mặn Năm Căn
Qua cù lao Thuận sông Ông Ðốc
Ống kính ghi, cuộn khói chiến trường

Chiến trường thì cũng thây người chết
Cũng là biển lệ của hờn căm
Trường Sơn chưa dứt cơn kinh động
Ðồng Tháp dòng kênh máu đỏ ròng
( Quán gió đồng bằng,thơ Trần Hoài Thư )

Hình dáng người lính trẻ mà tôi đã thấy trong thơ Trần Hoài Thư , đã thể hiện rõ, qua những lời thơ giản dị của anh, cũng đã nói lên bao nỗi gian truân khổ cực của người lính, trước bao thảm cảnh của chiến trường đầy máu và nước mắt.. Hình ảnh người lính VNCH, đã bảo vệ từng cọng rau tấc đất , trên khắp mọi miền đất miền Nam, từ nông thôn đến các vùng đô thị. Có biết bao thảm cảnh chết chóc,giết nhau trong cuộc chiến tương tàn, chỉ vì ý thức hệ do CSVN gây ra.. Thế mà người lính miền Nam phải quyết tâm tự vệ, trong cuộc giành dân chiếm đất chống lại kẻ thù bạo ngược.

Những ngày đầy máu lửa , đầy chết chóc đau thương, vẫn thấy hình bóng của những người lính trẻ VNCH, đã dấn thân chiến đấu rất hào hùng ,để bảo vệ quê hương và đồng bào trong thơ của anh :

Ta về dành lại quê em
Dành lại quận đường đêm nay đổ nát
Dành lại ngôi trường lời ca tiếng hát
Nhưng ta không dành em gái yêu thương
Ta bồng em lên nước mắt rưng rưng
Em nằm ngủ sao người em lạnh quá
Chiếc áo của em loang dần máu đỏ
Cô giáo trường làng bị bắn sau lưng
Ta đã về bầy chim nhỏ tang thương
Chúng ủ rũ như lòng ta ủ rũ
Lũ bé quì bên xác người cô trẻ
Ðặt chùm hoa mếu máo gọi cô về
Cô không về cô bỏ dạy cô đi
Cô bỏ chúng con, cô về xứ khác
Ta cắn bầm môi , em ơi , ta khóc
Em không về em cũng bỏ thanh xuân
Em bé quê ơi cho ta nhành bông
Một nhành bông quì vàng như màu áo
Ta đặt lên em.Trống trường áo não
Như những hồi mặc niệm em tôi
( Ðêm tiếp cứu quận Tuy Phước, Bình Ðịnh,thơ Trần Hoài Thư )

Tôi cũng gặp Trần Hoài Thư trong những lần gặp gỡ văn nghệ của vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ, nhiều nhất là tại Boston, tiểu bang Massachusetts. Mỗi lần nhìn anh với cặp kinh cận của anh, tôi chợt nhớ ra anh có cái tên Ba Cận Thị mà bạn bè trong quân ngũ đã gọi anh .Anh cận thị mà cũng ra mặt trận. Vì anh quá say mê đời lính.Ðời lính buồn vui lẫn lộn, anh cũng chơi những trò chơi tinh nghịch :

Mặc áo bà ba lội sình vào xóm
Ðám nhái nghe hơi người nhảy nhỏm
Tôi quăng vài quả lựu đạn kèm theo
Trò hú tim tôi Ba Cận Thị anh hùng
Tôi chạy có cờ đạn vèo đạn hú
( Người yêu tôi ở đồng bằng , thơ Trần Hoài Thư)

Thơ Trần hoài Thư còn là những kỷ niệm , những ký ức khó quên đã đi vào đời anh bằng những đau thương mất mát :

Chúng ta những đứa thời trai trẻ
Kẻ chết chưa yên ở dưới mồ
Kẻ sống rủ nhau về héo rụi
Như rừng tràm trơ trụi thân khô
( Tháng chạp rừng tràm )
Hoặc :
Túi áo bên này một gói Capstan
Chia đốt cùng nhau một thời sống chết
Túi áo bên kia bài thơ mới viết
Gửi lại cho đời một lá chúc thư
Trên áo túi rằn lỗ đạn còn trơ
May chừa lại trái tim này để sống
( Áo xưa, thơ Trần Hoài Thư )

Thơ anh còn là những kỷ niệm của đời lính. Những kỷ niệm như dao cắt lòng trong những ngày tàn cuộc chiến.Giờ này anh là chứng nhân lịch sử với những chứng tích lịch sử qua thơ anh.Thơ anh còn là những trang chiến sử . Ðó là hình ảnh của những người lính VNCH đã chiến đấu cho lý tưởng Tự Do. Người lính đã chết cho quê hương và lúc sống đã bảo vệ đồng bào ruột thịt bằng cái tư tưởng anh hùng. Vì đại nghĩa dân tộc . Vì Dân chủ và Tự do cho một miền Nam kiên cường chống Cộng sản.

Hình ảnh người lính VNCH rất nhân hậu và thân thương với bà con xóm làng, từ thành thị đến nông thôn miền Nam yêu mến . Người lính miền Nam không phải có tấm lòng nhân hậu với đồng bào, đồng đội mà còn nhân hậu với kẻ thù, khi kẻ thù đã buông súng đầu hàng. Cái hình ảnh nhân từ , nhân bản và độ lượng, khi kẻ thù đã tử trận như:

Tôi nói làm sao qua dòng nước mắt
Thị trấn này vừa mất một thằng con
Tôi quá buồn ra đứng bờ sông
Sông Lại Giang ráng chiều đỏ sậm
Nhớ nó ngã nhào trên bờ đá xám
Thấy cả ngọn đồi những xác Bắc Nam

Cô hàng ơi cho tôi một ly không
Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ
Trên đồi cao mây vẫn xanh lơ
Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng
Tôi với hắn đâu có gì thống hận
Bài thơ nào cũng viết để yêu em
( Một ngày không hành quân , thơ Trần Hoài Thư)

Xông pha vào lằn tên mũi đạn, Trần Hoài Thư đã không nề hiểm nguy gian khổ, hình ảnh đó là biểu tượng của những người lính VNCH trong công cuộc bảo vệ miền Nam chống Cộng sản xâm lược. Hình ảnh người lính mưu đồ xây dựng một miền Nam vững mạnh, sống trong tự do, giúp cho quê hương và đồng bào thoát cảnh đói nghèo lạc hậu.

Qua thơ Trần Hoài Thư có những lúc anh cũng có suy tư về gia đình gia cảnh, cũng tạo cho anh nhiều nỗi đau nhức trong tâm tư, trong cuộc đời . Tôi đã nhận qua những nét dăm chiêu và khắc khổ còn hiện trên gương mặt của anh. Cũng vì những biểu hiện đó mà tôi thấy cảm mến anh nhiều hơn qua thơ anh.

Cũng từ những ngày anh giã từ rừng núi để về đồng bằng, nơi mà anh đã tìm thấy được những cảm tình trìu mến và tình thương yêu mặn nồng của người anh yêu, làm cho tâm hồn anh thấy hăng say hơn trong cuộc sống, trong cuộc đời quân ngũ của anh.:

Theo em bỏ núi về châu thổ
Bỏ mán về kinh làm rể xa
Ngác ngác ngơ ngơ đò máy ngược
Hồn mênh mông khói cuộn sau nhà

Theo em như suối về sông rộng
Sông chở tình em như phù sa
Phù sa bồi đấp tim châu thổ
Bồi lấy tim người những nhánh hoa

Theo em tình đất, tình vương trạch
Tình của non sông tình của em
Cảm ơn người nữ vùng Châu Thổ
Cho anh về gửi rể miền Nam
( Theo em, thơ Trần Hoài Thư )

Rồi anh cũng đi vào đường tình. Tình yêu đến với anh rất nhẹ nhàng. Anh làm đám cưới với người yêu anh. Người yêu anh ở đồng bằng vùng châu thổ Cửu Long. Anh làm đám cưới, như đám cưới nhà binh :

Người yêu tôi ở tận đồng bằng
Tôi đánh điện về nàng xin hỏi cưới
Ông già vợ chịu thằng trai tứ chiếng
Cho nàng theo cầm bước chân tôi
Nàng đứng đưa tay chờ đợi chân đồi
Tôi chạy xuống ôm chầm hôn tới tấp
Ðám cưới không nhà cao nhà thấp
Không áo quần lễ lạc xênh xang
Tôi quá nghèo chỉ bộ đồ xanh
Dăm thằng bạn quen nhau thời khốn khó
Nàng thì thào bên tôi cần gì thứ đó
Miễn tình anh vô lượng như thơ anh
(Người yêu tôi ở đồng bằng, thơ Trần Hoài Thư )

Thơ Trần Hoài Thư rất chân phương, chân thành, chân chất .Cái chất liệu đậm đà tình nghĩa trong thơ đã thể hiện lên một sắc thái riêng biệt ,một lối đi của riêng anh . Không màu mè chải chuốc, không ngõ ngách quanh co, anh nói thật ,anh nói rõ nét, anh nói rất hồn nhiên như tâm tư anh. Một lối tả chân tuyệt vời. Rất giản dị nhưng không siêu hình, trừu tượng. Rất giản dị, rõ ràng , rõ nét, ai đọc thơ anh cũng hiểu được anh muốn nói gì, mà không cần động não, hoặc suy nghĩ tác giả muốn viết gì và ý gì. Tôi nghĩ có lẽ nhờ tính chất giản dị trung thật trong sáng của anh ,thể hiện trong thơ anh , đã làm cho thơ anh đạt mức yêu cầu trên tiến trình văn học .

Ðọc thơ Trần hoài Thư tôi còn thấy cái sinh khí của một thời trai trẻ, của tuổi thanh xuân, cái tuổi ôm mang bầu nhiệt huyết đi vào con đường phục vụ quê hương xứ sở. Tất cả cái hồn nhiên, nhiệt tình, cởi mở và nhân bản, thể hiện qua thơ Trần Hoài Thư , là những hành động yêu nước, đáng mến, đáng thương qua chân dung người lính VNCH

Tôi đã gặp lại anh chị Trần Hoài Thư một lần tại Montreal ,và một lần tại Toronto, Canada. Ðó là những lần gặp gỡ nhau qua tình bè bạn , tình đồng đội, đồng hương. Ðồng thời chị Trần hoài Thư là đồng môn của Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ với tôi thời xưa. Trong kỳ cựu học sinh Liên trường Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm Cần Thơ. họp mặt tại Toronto,năm 1998, lần đó có anh chị. Ðó cũng là những lần gặp gỡ thân hữu với anh chị em trên vùng đất lạnh, cùng vui với văn nghệ, cùng ngồi ôn bao kỷ niệm vui buồn của cuộc đời, cùng những buồn đau sau những ngày bỏ xứ ly hương :

Khi những người mới gặp hôm qua
Cụng ly uống mừng những người mới biết
Trời quá nửa đêm xốn xang gió chớm
Thành phố hai giờ cửa nẻo gài then
Thành phố này trước lạ sau quen
Cảm ơn những tấm lòng đỏ tình bạn hữu
( Khi trở lại Montreal , thơ Trần Hoài Thư)

Những lần gặp nhau qua trau đổi hàn huyên tâm sự giữa những người bạn cũ năm nào :

Thấy trở lại những chuyện đời dâu bể
Hôm nào đây miệng hò hét xung phong
Trong chớp mắt cả cơ đồ sụp đổ
Buồn gì không hỡi thế hệ long đong

Thằng ra Bắc kêu thày thầy bỏ xứ
Thằng vào Nam gọi bạn bạn lưu vong
Sông núi ấy bao hồn ma trở dậy
Kéo nhau về kêu thảm một mùa xuân

Những thằng bạn buổi hôm nào áo trận
Thoắt giờ này tóc đã điểm hoa râm
Khi gặp lại từ phương trời viễn khách
Chợt nhìn nhau sao đôi mắt cay nồng
( Ngày gặp bạn cũ, thơ Trần Hoài Thư )

Trên chuyến xe Greyhound chiều nay, trên đường từ Austin đi Beaumont thuộc tiểu bang Texas, phải ghé qua Houston chờ đổi xe một giờ, tôi có đọc lại tập Thơ Trần Hoài Thư, 1998 . Tôi chợt nhớ ra anh chị , mới hôm nào còn gặp gỡ, nay tôi vì cuộc sống phải bỏ vùng Ðông Bắc, về miền Nam nước Mỹ sinh sống. Không kịp từ giã anh chị. Lòng tôi vẫn không sao quên anh chị., mới ngày nào trên đất Mỹ này, cũng đi tìm đất sống như tôi . Anh chị ngày ấy là ngày đầu vào đất Mỹ, còn tôi giờ đang lang thang trên đất Mỹ:

Chuyến Greyhound đã về trong mưa
Gia đình ba người dắt dìu tìm đất
Mưa ơi mưa ơi cả trời Ðông Bắc
Biết nơi nào xóa kiếp lưu vong
(Ngày đầu tại Mỹ, thơ Trần Hoài Thư )

Nhất là hình dáng anh Trần Hoài Thư, hình dáng làm tôi khó quên qua hình ảnh của người lính trong QLVNCH. Lần này trên chuyến xe về Beaumont tôi lại có thì giờ dọc lại lần nữa những dòng thơ của anh.Khiến tôi nhớ lại màu áo lính năm xưa,chiếc áo lính mà tôi đã mang gần suốt 20 năm trong cuộc đới, cũng vì vậy mà tôi rất cảm thông , cảm thông với Trần Hoài Thư qua những câu sau đây :

Tuổi trẻ tôi là chiếc áo xưa
Chiếc áo một thời tôi là lính trận
Áo đưa tôi về những ngày bom đạn
Những ngày mưa dầm trắng bạc bờ lau
Những lần dẫn quân vào tận mật khu
ờChờ giờ G ào qua bờ suối
Vải áo mồ hôi dày thêm lớp muối
Sậm vàng thêm màu bùn rạch phèn kênh

Chiếc áo cũ lâu rồi không mặc đến
Chỉ còn chăng là chiếc áo lưu vong
Rồi cuối trời thêm một chiếc áo quan
Thêm một khối buồn lạc loài đất trích
Áo dẫu ấm nhưng cõi lòng chẳng ấm
Vải dù thơm nhưng thiếu vắng mùi thơm
Của hương rừng gió nội miền Nam
Của sợi tóc ai thơm mùi hoa lý

Ðể tôi tự hào mặc ,dù thất thế
Thịt da mình vẫn tràn ngập quê hương
( Áo xưa , thơ Trần Hoài Thư)

Anh đã quá yêu đời lính, áo lính, anh cũng xót thương đời lính,cũng như anh đã xót xa cho thân phận anh và đồng đội sau những ngày Cọng sản chiếm đoạt miền Nam do ngoại bang bán đứng QLVNCH., anh cũng muốn chết theo vận nước bi thương :

Ðây lá cờ em đấp trái tim anh
Núi sông đây có những lũy, những thành
Những châu thổ
Những thảo ngàn
Những đồng bằng
Trường Sơn
Bình Long,An Lộc
Những Tân cảnh, Chu Pao,Hạ Lào
Bồng Sơn , Ban Me Thuột
Những Ðồng Tháp Mười, Cai Lậy
Trèm Trẹm, U Minh
Những bờ rừng bờ ruộng bờ kinh
Từng thước đất máu ứa trào mạch đất
Từng thị trấn hôm qua còn xanh ngắt
Thì hôm nay đêm mộ khúc căm căm

Em gào lên cùng ma quỉ âm binh
Xin hàng ngũ oan hồn về che chở
Em đấp mình anh ba hàng sọc đỏ
Ðể ngàn đời xương tóc quyện thiên thu
( Ðêm xuống tóc, thơ Trần Hoài Thư )

Ðọc thơ Trần Hoài Thư tôi thấy có cái cảm xúc làm tôi nhớ lại những nỗi gian lao nhọc nhằn của đời lính , hòa lẫn với những bi thương hận tủi của những ngày tàn cuộc chiến. Những nỗi đau nghiệt ngã gợi lên trong tâm tư tôi , những hình ảnh của những anh hùng liệt sĩ đã tuẫn tiết dưới cờ trong những ngày tan hàng rã ngũ.

Ðể kết thúc phần đọc Thơ Trần Hoài Thư,1998 .Tôi cảm ơn những lời thơ anh đã viết. Viết thương cho đời lính.Thơ anh đã thể hiện rõ nét, đã diễn đạt cái hình dáng, cái hào khí oai hùng, cùng những nỗi đau nghiệt ngã của người lính trong QLVNCH. Anh đã giúp tôi nhớ lại những ký ức oai hùng cùng. hình hài và chân dung của những người lính miền Nam. Hình dáng anh qua thi ca anh mà tôi đã đọc ,từ hôm anh ký tên trên tập thơ này do anh gửi tặng tôi. Và tôi đọc lại hôm nay, trên chuyến xe chiều, nơi miền viễn xứ. Tôi chợt nghĩ quê hương giờ này xa cách nghìn trùng, mà hình bóng người lính VNCH thân thương ngày nào, thấy như gần gũi trở lại bên tôi như thuở nào.
Dù giờ này anh và tôi cũng như bao đồng đội của chúng ta đang lưu vong nơi xứ lạ quê người., khi đọc thơ anh, cũng vẫn nhìn thấy lại hình dáng, lẫn chân dung những người từng mang áo trận. Dù áo có sờn vai , áo có rách và đã bạc màu sương gió. Vẫn còn đeo mang dù có phải hi sinh trước những tình huống nghiệt ngã, vẫn trung thành với chính nghĩa Quốc gia Dân tộc, tiếp tục đi cho đến nẻo cuối của cuộc đời.

Qua thơ của anh , anh cũng đã nói lên được phần nào những niềm đau khó tả, những cơn đau như dao cắt lòng , của người lính miền Nam. Ðã bầm gan tím ruột , đã tức tưởi chết vì vận nước.

Anh cũng nói lên được hình ảnh của kẻ mất người còn sau ngày tàn cuộc chiến. Tôi cũng xin đa tạ anh và tất cả bạn bè chiến hữu bằng phần trích ra mấy câu thơ tôi đã viết tặng Trần Hoài Thư trong bài Tình Chiến Hữu, để kỷ niệm những ngày gặp lại nhau trên xứ lạ quê người và cũng để kết thúc phần viết khi đọc thơ Trần Hoài Thư:

Gặp lại nhau đây thân già chiến hữu
Hình bóng thân thương đất cũ ngày nào
Chân rảo bước khắp sông hồ bốn biển
Chinh chiến quê nghèo in dấu thương đau

Tình chiến hữu năm nào còn nhớ mãi
Góp lại hương xưa khí phách một thời
Vẫn gắn bó dù chân trời góc bể
Nhắc đến quê hương sao thấy ngậm ngùi

(Tình Chiến Hữu, thơ Phạm Thành Tính)

Phạm Thành Tính

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.