Apr 24, 2024

Tùy bút - Bút ký

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Chúng ta đã lầm lẫn, lầm lẫn khủng khiếp”
Nguyễn Bá Trạc * đăng lúc 07:34:28 PM, Feb 27, 2017 * Số lần xem: 2000
Hình ảnh
#1

* đăng lúc 04:10:51 PM, May 10, 2015 * Số lần xem: 442

Nước Mắt Trước Cơn Mưa nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.



nuocmattruocconmua

 

Ghi-chú của người dịch: Khi bản Việt ngữ cuốn “Nước Mắt Trước Cơn Mưa” vừa được duyệt sửa xong để sẵn sàng ấn hành vào cuối tháng Tư 1995 thì một cuốn sách quan trọng đáng lưu ý cũng được nhà xuất bản “Times Books” thuộc công ty “Random House” sửa soạn công bố tại Hoa Kỳ: Cuốn “In Restropect: The Tragedy and Lessons of Vietnam” (Hồi Tưởng: Bi kịch và những Bài học Việt Nam) của Robert S. McNamara.

Trong “Nước Mắt Trước Cơn Mưa”, tên McNamara chỉ được nhắc đến một lần từ Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin (Xem chương 4: Tòa Đại sứ Hoa Kỳ), nhưng đây chính là một trong những nhân vật then chốt nhất của giai đoạn Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam.

Robert S. McNamara là Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ từ 1961 đến 1968 dưới thời hai Tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson. Từng là chủ tịch công ty Ford Motor Co. và chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Là người “ưu tú sáng chói nhất”, nhận xét của ký giả David Halberstam. “Tên sát nhân”, “Kẻ Tội Phạm Chiến Tranh”, cách gọi của những Bồ Câu, tả phái, phản chiến. “Người bắt quân đội chiến đấu với một cánh tay trói chặt sau lưng”, lời buộc tội của nhiều quân nhân Hoa Kỳ và những Diều hâu, hữu phái.

Cuộc chiến Việt Nam đã có lúc được giới truyền thông Hoa Kỳ mệnh danh là: “Cuộc chiến McNamara.”

Ở tuổi 78, sau hai mươi bẩy năm nín lặng, bây giờ McNamara lên tiếng. Hai mươi năm sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, bây giờ Robert S. McNamara đã nói gì ?

Để cung cấp tài liệu đọc thêm cho độc giả “Nước Mắt Trước Cơn Mưa”, chúng tôi chuyển dịch nguyên văn bài viết này của McNamara đăng tải trong tạp chí “Newsweek” số ngày 17 tháng Tư,1995 – nhan đề: “Chúng ta đã lầm lẫn, làm lẫn khủng khiếp”, tiểu tựa: “Trong một quyển sách mới, bộc trực, chua xót, người kiến trúc sư của cuộc chiến ghi lại các lỗi lầm căn bản đã dẫn dắt John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson bước vào cuộc chiến Việt Nam’’.

Từng được công luận coi như một người chai đá, một bộ máy tính lạnh lùng McNamara đã xúc động bật khóc trong lúc phát biểu với Diane Sawyer của đài ABC trong chương trình truyền hình phát vào thượng tuần tháng Ba, 1995.

Những lời phát biểu của Robert s. McNamara đang gây chú ý, tạo nhiều tranh luận sôi nổi tại Hoa Kỳ với những quan điểm khác nhau, đặc biệt, trong các cộng đồng Việt Nam (Nguyễn Bá Trạc, San Jose, lễ Phục Sinh 1995).

ROBERT S. McNAMARA
(Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ)
“Chúng ta đã lầm lẫn, lầm lẫn khủng khiếp”

Đây là một quyển sách mà tôi đã dự định sẽ không bao giờ viết ra.

Trong hơn một phần tư thế kỷ, mặc dù bị thúc bách phải đưa thêm quan điểm của tôi về vấn đề Việt Nam vào các tài liệu cho công chúng, nhưng tôi đã ngại ngần, vì sợ rằng việc ấy có thể bị xem như phục vụ cá nhân tôi, như phân bua bào chữa, oán hờn nhỏ mọn, là những điều mà tôi đã mong tránh khỏi bằng mọi giá. Nhưng nay, có những việc làm tôi thay đổi thái độ, chấp nhận lên tiếng.

Tôi đáp ứng không phải vì tôi mong được trình bầy câu chuyện của cá nhân tôi, nhưng vì ước nguyện đưa ra trước công chúng Hoa Kỳ những lý do giải thích tại sao chính phủ họ, các nhà lãnh đạo của họ đã hành xử như thế, và chúng ta có thể học hỏi được gì trong những kinh nghiệm ấy.

Tại sao sau bao năm im tiếng, bây giờ tôi lại bị thuyết phục rằng tôi nên nói ra? Có nhiều lý do:

Lý do chính là tôi đau lòng khi phải nghe những lời hoài nghi chỉ trích, ngay cả khinh miệt của nhiều người khi nhìn các định chế chính trị và các nhà lãnh đạo của chúng ta.

Có nhiều yếu tố đã đưa đến tình trạng này: vụ Việt Nam, vụ Watergate, những vụ tai tiếng, vụ tham nhũng. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ, tôi không tin rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã bất tài hay vô tình đối với phúc lợi của những người đã bầu cử họ. Chắc chắn, họ không hoàn hảo, con người mấy ai hoàn hảo? Họ đã phạm nhiều lầm lỗi, nhưng đa số ấy là những lỗi lầm lương thiện.

Chúng tôi, những người trong chính phủ Kennedy và Johnson, những người dự phần quyết định về Việt Nam đã hành xử dựa trên những gì chúng tôi tin rằng đấy là các nguyên tắc và truyền thống của quốc gia này. Chúng tôi đã làm quyết định với sự soi chiếu hướng dẫn của những giá trị ấy. Vâng, chúng tôi đã lầm lẫn, lầm lẫn khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ với các thế hệ tương lai lời giải thích.

Nhưng tôi thành thực tin rằng chúng tôi đã làm những lỗi lầm không thuộc các vấn đề giá trị và chủ định, mà chỉ là vấn đề phán đoán và khả năng. Tôi phát biểu điều này một cách thận trọng, vì tôi biết các lời phát biểu của tôi nếu có mang vẻ hợp lý hóa, biện minh đúng về những gì tôi và những người khác đã làm, thì những lời này sẽ làm mất tín nhiệm, chỉ tăng thêm tinh thần hoài nghi chỉ trích của mọi người.

Tôi muốn được người Mỹ hiểu tại sao chúng tôi đã phạm những lỗi lầm ấy, và có thể học hỏi được gì từ những lỗi lầm này. Tôi hy vọng nói rằng: “Đây là những gì rút ra từ bài học Việt Nam với tính cách xây dựng, và có thể ứng dụng được cho thế giới ngày nay và tương lai.” Đấy là con đường duy nhất mà đất nước chúng ta có thế rũ bỏ được dĩ vãng ra sau. Kịch tác gia cổ Hy Lạp Aeschylus từng viết: “Phần thưởng của niềm đau chính là kinh nghiệm.” Hãy để cho câu nói ấy được xem là một di sản vẫn tồn tại trong vụ Việt Nam.

TERRA INCOGNITA: VÙNG ĐẤT XA LẠ

Người của Kennedy lặn lội vào một vùng không ai biết rõ.

Suốt những năm vào thời Kennedy, chúng ta đã hành động dựa trên hai tiền đề mà cuối cùng đều chứng tỏ là mâu thuẫn. Tiền đề thứ nhất: Sự sụp đổ miền Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản sẽ đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và thế giới Tây phương. Tiền đề thứ hai: Chỉ người miền Nam Việt Nam mới có thể chống giữ được quốc gia họ và Hoa Kỳ chỉ nên giới hạn trong vai trò huấn luyện và cung cấp tiếp vận thôi. Do quan điểm sau, chúng ta đã thực sự bắt đầu kế hoạch rút dần quân lực Hoa Kỳ từ năm 1963, một bước đi đã bị mãnh liệt phản đối từ những người tin tưởng rằng việc này có thể dắt đến việc mất miền Nam Việt Nam, và chừng như, toàn thể Á châu.

Tôi chưa hề bao giờ đến thăm Đông Dương, cũng không hề hiểu biết gì lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa hay các giá trị của vùng Đông Dương. Phải nói việc ấy cũng cùng như thế trên nhiều mức độ khác nhau với Tổng thống Kennedy, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, Cố vấn An ninh Quốc gia Mc George Bundy, Cố vấn Quân sự Maxwell Taylor và nhiều người khác nữa. Khi phải đối mặt với vấn đề Việt Nam, chúng tôi thấy chúng tôi đã đặt định chính sách cho một khu vực – Terra Incognita, một vùng đất xa lạ, không ai hay biết.

Tệ hơn nữa, chính phủ chúng tôi đã thiếu chuyên viên để cho ý kiến, hầu bù đắp sự không thông hiểu của chúng tôi về Đông Nam Á. Sự mỉa mai về lỗ hổng này xảy ra là bởi vì các chuyên viên thượng thặng về Đông Á và Trung Quốc tại bộ Ngoại giao – như John Paton Davies Jr., John Stewart Service, John Carter Vincent – đều đã bị giải nhiệm trong thời rối loạn quá khích Mc Carthy vào những năm 1950. Thiếu các chuyên viên như thế để cung cấp những hiểu biết thấu đáo, sâu sắc, tinh vi, nên chúng tôi – chắc chắn là tôi – đã hiểu sai các mục tiêu của Trung Quốc, đã lầm lẫn khi cho rằng những ngôn từ khoa trương hiếu chiến của Trung Quốc có bao hàm chiều hướng tiến đến việc chiếm lĩnh quyền bá chủ trong vùng. Chúng tôi cũng hoàn toàn đánh giá thấp khía cạnh quốc gia dân tộc của phong trào Hồ Chí Minh. Chúng tôi chỉ xem ông ta trước hết như một người Cộng Sản, rồi thứ đến mới là một người Việt Quốc Gia.

Những phán đoán thiếu căn cứ như thế đã được chính phủ Kennedy chấp nhận mà không bàn thảo tranh luận gì, cũng như những người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà trước đấy. Bấy giờ và cả sau này, chúng tôi đã sai lầm trong việc thiếu phân tích kỹ lưỡng các giả định của chúng tôi. Cơ sở các quyết định của chúng tôi sai sót nghiêm trọng.

Vào mùa thu năm 1961, lực lượng du kích từ Bắc Việt xâm nhập vào Nam đã lên cao, Việt Cộng tăng cường các cuộc tấn công mãnh liệt vào chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tổng thống Kennedy quyết định gửi Max Taylor (Cố vấn Quân sự) và Walt Rostow thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia sang Nam Việt Nam. Trong báo cáo của họ, Max và Walt thúc giục chúng tôi phải làm rầm rộ việc hỗ trợ miền Nam Việt Nam bằng cách gửi thêm cố vấn, dụng cụ, và ngay cả một số nhỏ các đơn vị chiến đấu. Họ ghi rằng những bước ấy trên căn bản có nghĩa là “chuyển tiếp từ hình thức cố vấn sang hình thức chung phần” trong cuộc chiến.

Ngày mùng 8 tháng Mười Một năm 1961, tôi gửi lên Tổng thống Kennedy một phiếu trình ngắn, ủng hộ khuyến cáo ấy. Song le, ngay sau khi gửi phiếu trình này, tôi đã bắt đầu lo ngại rằng chúng tôi quá hấp tấp. Trong vài ngày kế, tôi tìm hiểu sâu hơn vấn đề Việt Nam. Càng nghiên cứu kỹ, càng thấy rõ sự phức tạp của tình thế, càng thấy sự bất trắc của khả năng chúng ta trong việc đối phó vấn đề ấy bằng các biện pháp quân sự. Tôi nhận ra được việc ủng hộ phiếu trình của Taylor và Rostow là một chuyện không hay. Dean Rusk và các cố vấn của ông cũng đi đến một kết luận như thế. Ngày 11 tháng Mười Một, ông và tôi cùng gửi lên Tổng thống một phiếu trình chung để khuyến cáo đừng gửi quân tham chiến.

Trong buổi họp tại tòa Bạch Cung xế ngày hôm ấy, Tổng thống Kennedy xem xét cả hai phiếu trình. Ông xác nhận minh bạch rằng ông mong không phải làm một cam kết vô điều kiện trong chuyện ngăn ngừa việc mất miền Nam Việt Nam. Ông dứt khoát từ chối tán thành việc bắt đầu gửi quân lực Hoa Kỳ sang tham chiến.

Tình trạng lưỡng lự khó xử mà Dean Rusk và tôi vạch ra sẽ ám ảnh chúng tôi trong rất nhiều năm. Xem lại biên bản các buổi họp này, rõ rệt là phân tích của chúng tôi mơ hồ, không thỏa đáng. Chúng tôi đã thiếu sót trong việc đặt ra năm câu hỏi căn bản nhất: Đúng hay không, việc sụp đổ miền Nam Việt Nam sẽ lôi kéo sự sụp đổ của toàn thể vùng Đông Nam Á? Liệu việc ấy có tạo nên một đe dọa nghiêm trọng nào cho an ninh Tây phương hay không? Loại chiến tranh nào – quy ước hay du kích – sẽ có thể mở ra? Với quân đội Hoa Kỳ chiến đấu bên cạnh người miền Nam Việt Nam, liệu chúng ta có thể thắng hay không? Trước khi gửi quân tham chiến, liệu chúng ta có nên làm ngơ tất cả những câu hỏi này hay không?

Thực có vẻ khó hiểu, không thể tin được rằng chúng tôi đã không tự buộc mình trực diện những đề tài trọng tâm ấy. Nhưng ngày nay, cũng thật khó gợi lại được sự ngây thơ và tin tưởng trong cách chúng tôi tiếp cận vấn đề Việt Nam vào những ngày đầu của chính phủ Kennedy. Chúng tôi biết rất ít về khu vực này. Chúng tôi thiếu kinh nghiệm trong việc đối phó khủng hoảng. Một số vấn đề quốc tế đang thôi thúc ầm ĩ đã cuốn hút sự chú ý của chúng tôi vào năm đầu tiên, tạm kể: Cuba, Bá Linh và Congo. Chưa kể cuộc cách mạng nhân quyền tại quốc nội. Sau hết, có lẽ quan trọng nhất, là bấy giờ chúng tôi chưa sẵn sàng hoặc chưa có những câu giải đáp tốt. Tôi e là, trong những trường hợp ấy, các chính phủ – và trong thực tế, đa số người ta – đều có khuynh hướng vùi đầu vào cát. Việc này có thể giúp giải thích cho thái độ của chúng tôi, nhưng chắc chắn, là không thể bào chữa cho thái độ chúng tôi.

Mặc dù cách tiếp cận vấn đề Việt Nam của chúng tôi có rời rạc vào những năm đầu tiên ấy, nhiều người trong chúng tôi – gồm cả Tổng thống và tôi – đã đi đến tin tưởng rằng: Với vấn đề như thế này, chỉ người miền Nam Việt Nam mới có thể giải quyết được. Tổng thống Kennedy đã tuyên bố điều ấy trong lúc riêng tư, ngay cả trước công chúng vào cuối mùa hè và mùa thu 1963, khi âm mưu đảo chánh Ngô đình Diệm, lãnh tụ miền Nam, đang bắt đầu. Chúng ta có thể giúp huấn luyện, hoặc giúp tiếp vận, nhưng chúng ta không thể chiến đấu cuộc chiến của họ. Đấy là quan điểm của chúng tôi lúc bấy giờ. Nếu chúng tôi cứ giữ vững quan điểm ấy, toàn thể lịch sử giai đoạn này đã khác hẳn.

Càng lúc tôi càng làm cho vấn đề Việt Nam trở thành một trách nhiệm của riêng cá nhân tôi. Điều ấy duy chỉ đúng ở một điểm: Rằng đấy là nơi dẫu chỉ là những người cố vấn, người Mỹ đã lọt vào một cuộc chiến đang nổ súng. Tôi cảm thấy một trách nhiệm nặng về việc ấy. Đấy là những gì sau này sẽ đưa đến chuyện người ta gọi Việt Nam là cuộc chiến của McNamara.

Trước khi cho phép đảo chính Diệm, người đã làm cho các nỗ lực chiến tranh tại nước ông càng lúc càng được nhận thấy là không thỏa đáng, chúng tôi thiếu sót trong việc đối đầu với những vấn đề căn bản tại Việt Nam – những vấn đề đã đưa đến việc hạ bệ ông ta – và rồi chính chúng tôi lại vẫn tiếp tục làm ngơ những vấn đề ấy, sau khi đã hất ông Diệm đi. Nhìn trở lại, tôi tin rằng Kennedy và mỗi cố vấn của ông đều có lỗi:

* Đáng lẽ tôi nên thúc đẩy việc nghiên cứu, bàn thảo, tranh luận kỹ về những câu hỏi căn bản như: Với Diệm, liệu chúng ta có thể thắng hay không? Nếu không, cố thể thay bằng ai khác để với nhân vật này, chúng ta có thể hoạt động tốt hơn không? Nếu không, liệu chúng ta có nên lưu tâm đến việc tiến tới Trung lập chế? Hoặc, giải pháp thay thế, là rút khỏi trận địa Việt nam, nơi mà những bất ổn chính trị làm cho Hoa Kỳ không thể nào ở lại được?

* Cố vấn Quân sự Maxwell Taylor đã không thúc đẩy việc giải quyết những bản báo cáo tiếp tục sai biệt nhau chung quanh các tiến triển quân sự hoặc không có tiến triển gì.

* Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk – một trong những người quên mình nhất, một cá nhân tận tụy phục vụ Hoa Kỳ – đã hoàn toàn thiếu sót trong việc quản trị bộ Ngoại giao và giám sát Đại sứ Henry Cabot Lodge, Jr. – và cũng đã không tận tình tham dự các buổi họp với Tổng thống.

* Và, Tổng thống Kennedy, người mà tôi quy trách ít nhất, người đã phải lo toan nhiều vấn đề khác nữa – đã thiếu sót trong việc kết hợp một chính phủ Hoa Kỳ chia rẽ. Khi phải chạm trán những lựa chọn khó khăn, ông tỏ ra bất động, không quyết đoán trong một thời gian quá lâu.

SAU NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ KENNEDY

Johnson bắt đầu nghiêng về định mệnh trực tiếp tham chiến

Sau vụ ám sát Kennedy, Lyndon Johnson thừa kế một Việt Nam chưa từng phức tạp, khó khăn và nguy hiểm hơn. Người lãnh tụ duy trì được việc thống hợp các lực lượng ly tâm tại miền Nam Việt Nam trong gần mười năm, đã bị loại bỏ trong một cuộc đảo chánh mà Kennedy hỗ trợ, còn Johnson với tư cách Phó Tổng thống đã phản đối. Miền Nam Việt Nam thiếu một truyền thống đoàn kết quốc gia. Sự kiện này vây quanh bởi những hận thù tôn giáo, chủ nghĩa bè phái, cảnh sát tham nhũng, và một yếu tố khác không kém phần quan trọng, đó là phiến loạn du kích gia tăng với sự yểm trợ của láng giềng phương Bắc. Hơn nữa, Johnson thừa hưởng một nhóm phụ trách an ninh quốc gia, nhóm này đã sâu xa chia rẽ trong vấn đề Việt Nam.

Song le, trái với các huyền thoại phổ thông, khi trở thành Tổng thống, Lyndon Johnson không hề lơ là vấn đề Việt Nam. Mặc dù chỉ thăm viếng Việt Nam có một lần vào tháng Năm 1961, ông đã tham dự các cuộc họp về Việt Nam vào thời Kennedy, ông ý thức được vấn đề một cách sắc bén. Với tư cách Tổng thống, một trong những hành động đầu tiên của ông là ấn định buổi họp với các cố vấn về Việt Nam của ông. Có người bảo ràng ông chỉ triệu tập buổi họp này vì lý do chính trị quốc nội. Với cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong thời gian một năm, người ta cho là ông lo sợ, nếu ông không tỏ ra kiên quyết và để tâm vào vấn đề này, có thể ông sẽ phải chạm mặt với những cuộc chống đối ồn ào của những nhóm cứng rắn Cộng hòa Hữu phái.

Tôi không đồng ý. Dĩ nhiên ông có e sợ các hậu quả chính trị quốc nội nếu ông tỏ ra nhu nhược. Ông cũng e sợ ảnh hưởng cho các đồng minh của chúng ta nếu Hoa Kỳ tỏ ra bất lực và miễn cưỡng trong việc thực hiện các trách vụ an ninh. Nhưng trên hết, là ông đã được thuyết phục rằng Liên bang Sô viết và Trung Quốc có khuynh hướng tiến đến việc giành quyền bá chủ. Ông xem hành động đánh chiếm miền Nam Việt Nam như một bước tiến đến chuyện thực hiện mục tiêu này – một hành động bẻ gẫy chính sách ngăn chận của chúng ta – ông quyết tâm phòng ngừa việc ấy. Johnson cảm thấy chắc chắn hơn Tổng thống Kennedy về giả thuyết nếu mất miền Nam Việt Nam thì Hoa Kỳ có thể sẽ phải trả giá đắt hơn là trực tiếp gửi quân tham chiến. Chính quan điểm ấy đã định hướng ông, đã tạo hình cho các quyết định về chính sách của ông trong thời gian năm năm kế tiếp. Ông đã sai sót trong việc nhận thức bản chất chính trị cơ sở của cuộc chiến này.

Đầu tháng chạp, Tổng thống yêu cầu tôi đến gặp. Ông được thuyết phục rằng chính phủ Hoa Kỳ không hành động đầy đủ những gì nên làm. Ông yêu cầu tôi đi Sài Gòn. “Tình hình ở đấy đang rất lôi thôi”. Khi quay về, tôi báo cáo với ông, và tiên đoán rằng: “Trừ phi có thể xoay chuyển ngay được tình thế trong vòng hai, ba tháng tới, còn không, chiều hướng hiện tại giỏi lắm là đưa đến Trung lập, hoặc tệ hơn, chắc sẽ trở thành một nước do Cộng Sản kiểm soát”. Ngay sau đấy không lâu, Tổng thống nhận được một phiếu trình của Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, thủ lãnh nhóm đa số (Đảng Dân chủ, đơn vị Montana). Thượng nghị sĩ Mike Mansfield khuyến cáo Hoa Kỳ nên thử giải pháp Đông Nam Á trung lập – một vùng Đông Nam Á không phụ thuộc viện trợ quân sự Hoa Kỳ, cũng không là đối tượng bị Trung Quốc chế ngự – việc ấy có thể thực hiện qua một vài hình thức ngưng bắn và dàn xếp hòa giải. Tổng thống bèn tham khảo vói Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, Cố vấn ninh Quốc gia Mac Bundy và tôi, để xem chúng tôi phản ứng như thế nào. Tất cả ba chúng tôi đều cảm thấy con đường của Thượng nghị sĩ Mansfield có thể dẫn đến việc mất miền Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản, với những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho Hoa Kỳ và Tây phương. Chuyện này biểu lộ rằng chúng tôi thực đã thiển cận trong cách phân tích và bàn thảo về biện pháp trung lập hoặc rút quân – là các biện pháp thay thế cho chính sách đương hữu của chúng tôi tại Việt Nam. Sự nông cạn hẹp hòi ấy cũng biểu lộ trong việc chúng tôi trình bầy với Tổng thống Johnson về hậu quả việc mất Đông Á đối với an ninh của Hoa Kỳ và Tây phương – một cách mạnh mẽ hơn, với nhiều chi tiết hơn là trong những dịp trình bầy trước.

Việc này làm cho thái độ Tổng thống trở nên cứng rắn. Cùng với việc nhận ra chiến lược huấn luyện đang rõ rệt trở nên thất bại trong những tháng sắp đến, chúng tôi nghiêng dần về giải pháp trực tiếp tham chiến, chúng tôi đi đến giải pháp ấy một cách tinh tế, hầu như không nhìn ra được. Chúng tôi đã hành động như thế chỉ vì sự sợ hãi của chúng tôi gia tăng, chúng tôi sợ các hậu quả có thể xảy ra nếu chúng tôi không hành động gì. Sau này, khi mọi việc đã xảy ra rồi, chúng tôi mới nhận thức được rằng đấy chỉ là sự sợ hãi thổi phồng quá đáng.

Một phần, sự hỏng hụt của chúng tôi là do kết quả của việc phải đối phó nhiều chuyện khác nữa, không phải chỉ có chuyện Việt Nam. Tinh trạng bất ổn tại Mỹ châu La Tinh, tại Phi châu, Trung Đông, và mối đe dọa của Sô Viết đối với Âu châu đã thu hút hết thì giờ và sự chú ý của chúng tôi. Chúng tôi không có một nhóm chuyên viên cao cấp phụ trách về vấn đề Việt Nam, nên cuộc khủng hoảng này trở thành chỉ là một trong nhiều đề mục khác đã được bỏ lên trên đĩa của mỗi người. Khi gộp lại sự thiếu uyển chuyển trong các mục tiêu của chúng tôi, cùng với sự kiện chúng tôi đã không thực sự nghiên cứu những gì thiết yếu nhất, quan trọng nhất đối với chúng tôi, chúng tôi trở thành rối rắm, ôm đồm quá tải, và rồi chúng tôi cầm một tấm bản đồ, trong ấy chỉ có một con đường độc đạo. Chúng tôi không bao giờ chịu ngừng lại, tìm tòi kỹ lưỡng đầy đủ hơn để xem có những con đường nào khác cho mục đích của chúng ta không.

Vào những tháng cuối năm 1963, tình thế Nam Việt Nam càng trở nên tệ hại một cách chắc chắn. Sau khi loại bỏ Diệm, phe đảo chánh nắm quyền chẳng làm được gì để ngăn chận tình trạng suy thoái. Ngày 29 tháng Giêng 1964, một nhóm sĩ quan trẻ do tướng Nguyễn Khánh cầm đầu đã hạ bệ chính phủ chia rẽ và vô hiệu ấy. Hoa Thịnh Đốn không khuyến khích, cũng không giúp đỡ cuộc đảo chánh này; trong thực tế, tình trạng hỗn loạn thường xuyên càng làm tăng mối lo của Tổng thống Johnson, tăng quan tâm về sự bất ổn chính trị có thể phá vỡ nỗ lực cuộc chiến. Do đấy, ông cảm thấy chúng ta phải làm cho Khánh trở thành “Chú nhỏ của chúng ta.”

Trước khi Cố vấn Quân sự Maxwell Taylor và tôi sang Sài Gòn một lần nữa, Tổng thống yêu cầu chúng tôi đến tòa Bạch Cung. Ông nói: “Bob, tôi muốn thấy có chừng một nghìn tấm ảnh chụp ông cùng tướng Khánh vẫy tay tươi cười và biểu lộ cho mọi người ở đấy biết rằng quốc gia này triệt để đứng sau lưng Khánh”.

Tổng thống đạt ý muốn. Suốt mấy ngày giữa tháng Ba, với sự ngượng nghịu lúng túng vô cùng của tôi, người Mỹ đã cầm những tờ báo, mở truyền hình ra xem hình ảnh tôi lang thang khắp miền Nam Việt Nam từ đồng bằng sông Cửu Long ra Huế, đứng vai sát vai cạnh viên tướng Khánh lùn, béo núng nính, trước mặt những đám đông người Việt, với cố gắng quảng cáo cho ông với dân chúng của ông. Và bởi vì đến bấy giờ chúng tôi vẫn không nhận thức được cuộc chiến đấu của người Bắc Việt và Việt Cộng trong bản chất là người Quốc gia, chúng tôi không nhận thức được việc trình bầy liên hệ giữa Khánh và Hoa Kỳ trước công chúng lại chỉ làm tăng thêm trong tâm trí người Việt rằng chính phủ của họ chỉ đạt được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, chứ không phải là sự hỗ trợ của chính dân tộc họ.

LỪA DỐI QUỐC HỘI?

Trả lời những cáo buộc về Nghị quyết Vịnh Bắc Việt

Gần gũi nhất đến việc tuyên chiến tại Việt Nam là vụ Nghị quyết Vịnh Bắc Việt trong tháng Tám 1964. Các biến cố xung quanh nghị quyết này đã gây nhiều tranh cãi trầm trọng vẫn còn tiếp tục đến nay. Sau đây là những câu hỏi then chốt cùng với các câu trả lời của tôi:

* Những cuộc tấn công khu trục hạm Hoa Kỳ của tầu tuần Bắc Việt được báo cáo xảy ra vào hai thời điểm riêng rẽ – Mùng 2 tháng Tám và mùng 4 tháng Tám, 1964. Những cuộc tấn công ấy có thực hay không? Trả lời: Bằng chứng về cuộc tấn công thứ nhất không thể tranh cãi được. Về cuộc tấn công thứ hai: Có lẽ, nhưng không chắc.

* Lúc ấy, và cả nhiều năm sau này, có người tin rằng chính phủ Johnson đã có chủ tâm khiêu khích các cuộc tấn công ấy nhằm biện minh cho việc leo thang chiến tranh, và che giấu để đạt được thẩm quyền Quốc hội cho phép leo thang. Câu trả lời: Hoàn toàn không.

* Nghị quyết ấy có thể đệ trình cho Quốc hội không, nếu vụ Vịnh Bắc Việt không xảy ra, và nếu không có vụ ấy, nghị quyết ấy có thể được thông qua hay không? Trả lời: Gần như chắc chắn, một nghị quyết sẽ được đệ trình Quốc hội trong vòng vài tuần lễ, và rất có thể nghị quyết sẽ được thông qua. Tuy nhiên trong trường hợp ấy, nghị quyết này sẽ được tranh luận bàn thảo kỹ lưỡng, và có thể Quốc hội sẽ đặt ra những thẩm quyền Tổng thống.

* Chính phủ Johnson có thể bào chữa việc đưa ra những hành động quân sự tại Việt Nam – bao gồm cả việc bành trướng quân lực trên những mức độ khổng lồ – sau vụ nghị quyết vịnh Bắc Việt – hay không? Trả lời: Tuyệt đối không. Mặc dù Nghị quyết ấy đủ cho phép một thẩm quyền rộng rãi để hỗ trợ cuộc leo thang, nhưng Quốc hội không bao giờ có ý định cho phép dùng nghị quyết ấy làm một căn bản cho các hành động như thế, và nước Mỹ cũng không thấy như thế.

KHỦNG HOẢNG VỀ TÍN NHIỆM

Đến khoảng tháng Bẩy 1965: Thêm quân, thêm bom, bớt thẳng thắn thực thà.

Ngày nay nhiều người tin rằng Tổng thống Johnson đã úp mở trong việc đưa ra các quyết định về Việt Nam bởi ông muốn tập trung vào việc thắng cử Tổng thống năm 1964. Nhiều người khẳng định là ông đã che đậy ý muốn bành trướng cuộc chiến vì các lý do chính trị – là ông muốn vẽ ra hình ảnh ứng cử viên Cộng hòa, Nghị sĩ Barry M.Goldwater, như một tay hiếu chiến, phần ông lại là một chính khách biết điều, yêu chuộng hòa bình. Nếu Lyndon Johnson quả có một kế hoạch leo thang chiến tranh trong trí, ông không hề cho tôi biết. Và tôi đã tin rằng ông không có một dự định như thế. Ông không bao giờ chỉ thị gì cho tôi hoặc cho Tham Mưu Trưởng về việc ông muốn chúng tôi phải nén vụ Việt Nam lại vì cuộc bầu cử. Thực ra bấy giờ vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các cố vấn của ông về chuyện nên hành động gì.

Đối diện với những khuyến cáo đầy mâu thuẫn sâu xa về cuộc chiến nói chung, việc dội bom miền Bắc nói riêng, ngày mùng 2 tháng Mười Một, Tổng thống cho tổ chức một Nhóm Hoạt Động đặt dưới quyền Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao William Bundy nhằm một lần nữa, tái xét các biện pháp thay thế. Hôm sau, Lyndon B.Johnson thắng cử với số phiếu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhóm Hoạt Động, điều hành một cuộc tái xét toàn diện các giả định, các tiền đề và những biện pháp lựa chọn, rồi cho biết:

Chúng ta không thể bảo đảm duy trì một miền Nam Việt Nam không Cộng Sản mà giảm thiểu được việc liên lụy của chúng ta vào bất cứ hành động quân sự nào cần thiết để đánh bại Bắc Việt, và có thể cả Trung Cộng – về quân sự. Một cam kết như thế sẽ dính líu đến những nguy cơ cao độ trong mối mâu thuẫn lớn lao tại Á châu, và sự cam kết ấy không thể chỉ hạn chế trong các hoạt động hải quân, không quân, sự cam kết ấy sẽ gần như không thể tránh khỏi các hành động với kích thước của trận địa chiến ở Cao Ly, và có thể, ngay cả việc phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân tại một số địa điểm.

Tổng thống và tôi sửng sốt trước phong cách ung dung của các viên chỉ huy và những người cộng tác của họ trong việc chấp nhận cả nguy cơ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Trên tất cả mọi điều, chúng tôi muốn tránh nguy cơ này. Tôi tin rằng dù chỉ là một nguy cơ rất thấp của thảm họa này, chúng ta cũng phải tránh. Bài học ấy đã không được rút ra vào năm 1964. Tôi e cho đến ngày nay, quốc gia chúng ta và cả thế giới vẫn chưa rút ra đầy đủ bài học ấy.

Sau nhiều tháng không chắc chắn, không quyết đoán, chúng tôi chạm mặt ngã ba đường.

Tiếp theo phiếu trình của chúng tôi, sáu tháng đầu năm 1965 đánh dấu một thời kỳ quyết định của ba mươi năm Mỹ can thiệp vào Đông dương. Vào khoảng giữa 28 tháng Giêng đến 28 tháng Bẩy 1965, Tổng thống Johnson đã làm những lựa chọn định mệnh khóa chặt Hoa Kỳ vào con đường can thiệp bằng quân sự ồ ạt ở Việt Nam, một cuộc can thiệp sau này đã tiêu hủy chức vụ Tổng thống của ông và phân cực nước Mỹ trong những đối chọi chưa từng xảy ra kể từ Nội chiến.

Trong thời kỳ định mệnh này, Johnson bắt đầu cho phép dội bom Bắc Việt, đưa sang các lực lượng bộ binh, tăng tổng số binh sĩ Hoa Kỳ từ 23,000 lên 175,000 – có thể đưa thêm 100,000 quân nữa vào năm 1966 và có lẽ còn hơn thế sau này. Tất cả những việc ấy xảy ra mà không mở rộng cho công chúng hay biết, không bàn thảo một cách thích đáng, đấy sẽ là những mầm mống hiển nhiên đưa đến cơn khủng hoảng về tín nhiệm sau này.

Mặc dù giấu giếm việc thay đổi chính sách trước công chúng, Tổng thống đã tìm kiếm sự cố vấn của những người bên ngoài chính phủ, đặc biệt là cựu Tổng thống Eisenhower. Ông tóm tắt cho Ike (Eisenhower) biết, rồi mời Ike họp với ông cùng các cố vấn cao cấp của ông tại tòa Bạch Cung. Ngày 17 tháng Ba, chúng tôi ngồi vây quanh chiếc bàn của phòng họp hội đồng chính phủ trong hai tiếng rưỡi đồng hồ để nghe quan điểm của vị tướng lãnh.

Ike mở đầu bằng cách nói rằng trách nhiệm thứ nhất của Lyndon B. Johnson chính là phải kiềm chế Cộng Sản tại Đông Nam Á. Tiếp theo, ông phát biểu là việc dội bom có thể giúp đạt mục tiêu này. Dội bom không chấm dứt được hành động xâm nhập, nhưng sẽ giúp ích bằng cách làm suy nhược ý chí chiến đấu của Hà Nội. Ông tin sẽ có lúc Tổng thống có thể chuyển từ các cuộc oanh tạc trả đũa sang “chiến dịch áp lực.” Khi có người hiện diện trong buổi họp (Tôi không nhớ là ai) nói rằng việc ấy có thể đòi hỏi một lực lượng rất lớn – tám sư đoàn Hoa Kỳ – để ngăn ngừa Cộng Sản chiếm miền Nam, Eisenhower phát biểu rằng ông hy vọng không cần đến thế, nhưng “nếu cần thì làm”. Nếu người Tàu và Sô Viết đe dọa can thiệp, “Chúng ta nên chuyển lời cho họ phải coi chừng những hậu quả tàn bạo thảm khốc (nghĩa là tấn công nguyên tử) xảy ra cho họ.”

Hai ngày sau, Tổng thống Johnson quyết định bắt đầu cho oanh tạc thường xuyên lên Bắc Việt, nhưng một lần nữa, ông từ chối lời khuyên của Mac, Cố vấn An ninh Quốc gia, về việc tuyên bố quyết định này cho công chúng.

Tại sao Tổng thống Johnson đã từ chối, không tin cậy công chúng Mỹ? Có người cho rằng đấy là do tính nết giấu giếm bẩm sinh của ông, nhưng câu trả lời thực ra phức tạp hơn nhiều. Một yếu tố đó là nỗi ám ảnh của ông trong việc cần bảo đảm Quốc hội chấp thuận và tài trợ chương trình Đại Xã Hội của ông; ông không muốn bất cứ chuyện gì có thể làm sai lệch các kế hoạch cải tổ quốc nội mà ông ấp ủ. Yếu tố khác là mối sợ hãi cũng lớn ngang thế về áp lực của nhóm cứng rắn (từ những người bảo thủ trong cả hai đảng) đối với hành động quân sự lớn lao hơn, liều lĩnh hơn, có thể châm ngòi cho các phản ứng của Trung Quốc, và/ hoặc của Liên Sô, đặc biệt chiến tranh nguyên tử. Tổng thống đã đương đầu tình trạng tiến thối lưỡng nan này bằng cách che giấu đi – một hành động thiếu khôn ngoan đã tự hại ông sau này.

Ngày 21 tháng Tư, trong buổi họp tại phòng họp hội đồng chính phủ, tôi thúc đẩy Tổng thống nhanh chóng chấp thuận khai triển, nghĩa là, đánh dấu việc tăng cường sức mạnh Mỹ tại Việt Nam từ 33,000 quân lên 82,000 quân, nhằm chống đỡ cho Nam Việt Nam một cuộc tấn công của Cộng Sản đã được dự liệu, đồng thời ngăn ngừa “một cuộc thất trận ngoạn mục của chính phủ Nam Việt Nam hoặc của các lực lượng Hoa Kỳ.”

George Ball, cũng tham dự buổi họp ngày 21 tháng Tư, đã phản ứng khuyến cáo ấy bằng lời yêu cầu chúng tôi “không nên nhẩy một bước liều lĩnh như thế mà không thăm dò các khả năng dàn xếp.” Tồng thống trả lời, “Được rồi, George, tôi cho ông thời hạn đến mai để thử cho tôi một kế hoạch dàn xếp. Nếu ông có thể làm trò ảo thuật, moi ra được con thỏ trong cái mũ, tôi sẽ theo ông.” Ngay đêm hôm ấy, George Ball đệ trình Tổng thống một kế hoạch hòa giải. Nhưng tờ trình của George thất bại trong việc mô tả làm thế nào để đạt được những mục tiêu mà chúng ta tìm kiếm.

Những gì George đã có khuyến cáo – nhưng chúng tôi có lẽ đã không thực hiện đúng đắn – đấy là việc yêu cầu các trung gian hòa giải (Thụy Điển, Sô Viết, mười bẩy quốc gia phi liên kết) xác nhận minh bạch với Hà Nội rằng chúng tôi sẽ chấp nhận vị thế mà ông đã phác thảo ra. Trong vòng chỉ vài tuần lễ, chúng tôi có tiếp xúc với một đại diện Bắc Việt tại Ba Lê. Trong ba năm tiếp theo, chúng tôi có thử tiếp xúc nhiều lần khác. Nhưng chúng tôi đã sai sót trong việc không sử dụng tất cả mọi đường dây khả thi, sai sót trong việc không xác nhận minh bạch vị thế của chúng ta. Và trong thời gian tệ hại vào lúc Hoa Kỳ đánh bom, vẫn thường có ẩn chứa những dấu hiệu là Hoa Kỳ mong mỏi hòa bình.

Nhận thức sự vô hiệu của việc thả bom đã tăng cường áp lực mở rộng trận địa chiến. Việc này bùng nổ ngày 7 tháng Sáu. Hôm ấy, Tư lệnh quân lực Hoa Kỳ, tướng William Westmoreland gửi điện văn cho biết: ông cần 41,000 quân chiến đấu ngay bây giờ, 52,000 sau đó nữa. Việc này sẽ làm tăng quân lực Mỹ từ 82,000 lên 175,000. Trong tấm điện văn, câu cuối cùng ông viết là: “Phải tiếp tục nghiên cứu, phải dự liệu khai triển những lực lượng lớn hơn, nếu cần, và khi cần.” Lời yêu cầu của ông có nghĩa rằng đây sẽ là một cuộc bành trướng bi thảm và vô giới hạn của quân lực Mỹ. Trong suốt bẩy năm tại bộ Quốc phòng, với hàng ngàn điện văn nhận được, đây chính là tấm điện văn đã làm tôi phiền muộn nhất.

Tổng thống Johnson đọc một số bản thăm dò ý kiến mà kết quả cho thấy công chúng đã được chuẩn bị chấp nhận những hành động đi xa hơn. Sáu mươi lăm phần trăm chấp nhận cách ông đối phó cuộc chiến. 47 phần trăm có thiện cảm với việc gửi thêm quân. Nhưng Tổng thống biết rất rõ là công chúng có thể thay đổi mau chóng đến đâu. Ngày 21 tháng Sáu, ông bảo tôi:

Tôi nghĩ sẽ có lúc rất khó cho chúng ta đeo đuổi một cách vô hiệu quả một cuộc chiến quá xa quê nhà, với những sư đoàn, đặc biệt những sư đoàn có khả năng mà chúng ta gửi đến đó. Chuyện này làm tôi lo nghĩ cả tháng nay. Tôi rất buồn bực vì không thấy bộ Quốc phòng hay bộ Ngoại giao đưa ra được một chương trình nào khả dĩ hy vọng làm được gì, ngoài việc cầu khẩn khấn vái, thở dốc mà chờ đến mùa mưa để mong chúng bỏ cuộc. Nhưng tôi không tin chúng sẽ bỏ cuộc.

Tổng thống chấp thuận một chương trình tăng quân tham chiến vào ngày 27 tháng Bẩy, ông loan báo quyết định cho công chúng Mỹ trong bài diễn văn đọc vào buổi trưa 28 tháng Bẩy. Nhưng ông không chấp thuận một đường lối hợp lệ để tìm tài trợ cho chương trình. Tôi phỏng định chương trình ấy sẽ đòi hỏi vào khoảng mười tỉ Mỹ kim tăng thêm vào phần chi của tài khóa 1966. Tôi đệ trình chiết tính dự chi của tôi và đề nghị tăng thuế trong bản thảo một phiếu trình rất hạn chế, ít người được biết. Ngay Bộ trưởng Ngân khố và Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế cũng không được biết gì.

Sau khi đọc xong bản thảo phiếu trình và phần ước chi do tôi đưa, Tổng thống nói: “Ông tính ông sẽ vận động được bao nhiêu phiếu?” (Tôi hiểu ý Tổng thống muốn nói gì: Ông không tin Quốc hội sẽ chịu thông qua một dự luật tăng thuế).

“Tôi không tính chuyện vận động phiếu” Tôi trả lời. “Tôi biết việc này rất khó, nhưng đấy là trách nhiệm của những người phụ trách liên lạc với lập pháp, đấy là công việc của họ, họ đâu cả rồi?”

“Ông cứ tự nhấc đít mà đi sang Quốc hội, đừng vác mặt về nếu ông không kiếm ra đủ số phiếu.”

Tôi thực hiện việc ấy. Nhưng tất nhiên không đạt đủ số phiếu cho dự luật tăng thuế được thông qua. Tôi cho Tổng thống biết việc này và nói rằng, “Tôi vẫn cố tranh đấu cho những gì ngay thẳng đúng đắn rồi dẫu có thất bại cũng vẫn còn hơn không.”

Ông nhìn tôi, nổi cáu. “Mẹ kiếp, đấy, tôi đã bảo mà, ông là thứ dở người như thế – ông không phải là tay làm chính trị. Đã bao nhiêu lần tôi từng nhắc ông về chuyện Tổng thống Roosevelt cố đưa người vào Tối cao Pháp viện rồi thất bại một lần thì sau đấy chẳng còn làm ăn gì với bọn Quốc hội được nữa.” Tôi biết ông có quá lời, nhưng tôi hiểu trọng điểm của ông: Ông đang cần bảo vệ các chương trình Đại Xã Hội do ông đề ra. Tuy nhiên, nếu bấy giờ ông chưa bị cơn khủng hoảng về tín nhiệm đang lan tràn rộng rãi – nó xói mòn cái khả năng xây đắp Đại Xã Hội của ông – thì có thể tôi đã đồng ý với ông.

Ngay từ khi chúng ta bắt đầu liên hệ vào cuộc chiến Việt Nam, các lực lượng Việt Nam đã thường gửi cho chúng ta những bản tường-trình tình-báo nghèo nàn, không chính xác. Đôi khi những sự bất chính xác này có chủ ý đánh lạc lối; đôi khi là sản phẩm của quá nhiều lạc quan. Và đôi khi chỉ đơn thuần phản ảnh nỗi khó khăn trong việc họ không đánh giá được sự tiến triển một cách chính xác.

Nhưng tôi nhất định rằng chúng ta phải cố gắng đo lường các tiến triển. Ngay những năm học ở Harvard, tôi đã phải áp dụng một điều lệ, đấy là chỉ nhận thức mục tiêu và thiết lập kế hoạch thực hiện thôi, không đủ; Còn phải nghe ngóng giám sát kế hoạch để xác định xem có đạt được mục tiêu hay không. Nếu khám phá là không thể đạt được, thì phải sửa kế hoạch hoặc thay đổi mục tiêu. Tôi được thuyết phục rằng trong khi chúng ta không thể theo sát tiền tuyến, chúng ta có thể tìm những cách khác nhau để xác định thành công hay thất bại. Do đó chúng tôi đã đo đếm các mục tiêu triệt hạ tại miền Bắc, đo đếm số xe di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh, số vũ khí chiến lợi phẩm thu được, số xác chết địch quân v.v…

Việc đếm xác chết là một phương thức đo lường thiệt hại nhân mạng của địch quân; Chúng tôi thực hiện việc ấy, vì một trong những mục tiêu của (tướng) Wesmoreland là phải đạt đến cái-gọi-là-giao-điểm, ấy là điểm mà các thiệt hại của Việt Cộng và của người Bắc Việt lớn hơn sức họ có thể chịu đựng được. Việc đếm xác chết bị người ta phê bình rằng đây là một ví dụ về nỗi ám ảnh của tôi đối với những con số. “Thằng cha McNamara này,” họ nói “là một thằng cha cố gắng định- lượng-hóa tất cả mọi thứ.” Hiển nhiên, có những thứ người ta không thể định lượng được: Như Danh Dự, như vẻ Đẹp chẳng hạn. Nhưng có những thứ nguời ta có thể đếm, người ta phải đếm. Sự thiệt mạng là một thứ (người ta có thể đếm, phải đếm) khi người ta đang chiến đấu trong một cuộc chiến tiêu hao. Chúng tôi đã cố sử dụng việc đếm xác chết như một phương thức đo lường để giúp chúng tôi tính toán xem chúng tôi nên làm gì ở Việt Nam ngõ hầu thắng cuộc chiến trong khi giữ được cho binh đội chúng ta ít chịu nguy cơ nhất.

PHIỀN LỤY KHOÉT SÂU

Cuộc chiến lan rộng, McNamara và Lyndon B. Johndon càng thêm ghẻ lạnh.

Những áp lực từ phía tả – từ những người thôi thúc chúng tôi phải giảm bớt hành động hoặc rút quân – sẽ lên cao độ vào đầu năm 1968 với sức chống đối thực sự mạnh mẽ, góp phần vào việc Tổng thống Johnson quyết định thôi tìm đường tái cử. Nhưng đấy không phải là những quan tâm lớn của chúng tôi trong những năm 1966 và gần suốt năm 1967. Tổng thống, (Bộ trưởng Ngoại giao) Dean Rusk và tôi bấy giờ lo lắng hơn nhiều với những áp lực từ phía hữu. Nhóm Diều Hâu buộc tội chúng tôi bắt quân đội chiến đấu với một tay trói chặt sau lưng, họ đòi hỏi chúng tôi phải tháo xích mở xổng toàn bộ khả năng và sức mạnh quân đội Hoa Kỳ.

Ngày 19 tháng Năm, 1967, tôi đề nghị một sách lược chính trị quân sự nhằm nâng cao khả năng thương thảo: Giới hạn việc đánh bom vào hệ thống giao thông của những “phễu” xâm nhập nằm dưới vĩ tuyến hai mươi; giới hạn việc thêm quân ở con số 30,000, sau đó sẽ xác định một mức chắc chắn không lên quá; chấp nhận một vị thế thương lượng uyển chuyển hơn, đồng thời năng động tìm kiếm một cuộc dàn xếp chính trị. Sau khi đã trải qua nhiều suy nghĩ, phấn đấu, tìm kiếm, tôi phải kết thúc – và tôi thẳng thừng nói với Tổng thống Johnson – rằng “cuộc chiến tại Việt Nam đang giành lấy một động lượng của chính nó, cuộc chiến như thế phải chấm dứt”, rằng phương thức tiếp cận của tướng Westmoreland “có thể dắt đến một hiểm họa nghiêm trọng cho quốc gia”.

Phiếu trình của tôi gửi Tổng thống vào tháng Năm mở tung một cơn bão tranh luận. Nó tăng sức dữ dội cho cuộc tranh cãi trong chính phủ vốn đã cam go. Nó đưa đến những buổi điều trần căng thẳng chua cay, nó đặt tôi vào việc đối chọi gay gắt với Tham Mưu trưởng Liên Quân, bật lên những dư luận cho rằng họ sẽ đồng loạt từ nhiệm. Nó đẩy mau cái tiến trình sau này sẽ tách Tổng thống Johnson và tôi rời xa đôi ngả. Và nó cũng đưa tôi đi nhanh khỏi Ngũ Giác Đài.

Khi đọc trước bản thảo bài viết này của tôi, một trong những vị cố vấn thân tín nhất của Tổng thống Johnson đã bình phẩm, viết cho tôi rằng tôi đã thiếu sót trong việc nhấn mạnh một cách thích đáng cái nhược điểm trong cách làm quyết định của Lyndon B. Johnson: “Khi làm việc để đi đến một quyết định, ông ta không thích có nhiều người – ông ta chỉ muốn làm việc với từng người một. Trong bất cứ phạm vi nào, không bao giờ ông ta cho người ta biết lá bài tẩy. Chẳng hạn việc ông không thích tìm hiểu thêm những ‘điều kiện hoà bình’ khả chấp, khiến cho các giai đoạn ngừng bỏ bom tất nhiên là thất bại.”

Như mọi chúng ta, Lyndon B. Johnson đôi lúc cũng tạo nên những rắc rối. Việc giao phó cho một cố vấn cao cấp soạn thảo tờ trình nhằm xét lại tiền đề cơ bản chủ yếu của quan hệ chúng ta trong cuộc chiến, nhưng lại không cho phép người ấy bàn thảo với các đồng nghiệp, thì chắc chắn không thể nào điều hành một chính phủ được. Tuy nhiên tôi nghĩ nếu chỉ quy thất bại của một Tổng thống vào những yếu tố như thế, thì cũng đơn giản. Những người thuộc quyền vẫn phải tìm cho ra các phương thức bổ khuyết cho những cá tính của người lãnh đạo họ. Đấy vẫn là trách nhiệm chúng tôi trong việc phải nhận định ra những nghịch lý của chính sách, buộc phải đưa ra ánh sáng bàn thảo. Phải chi chúng tôi đã làm như vậy, chúng tôi đã thay đổi được chính sách rồi.

Một bản mật văn của Richard Helms bên Trung ương Tình báo cho thấy vào mùa thu năm 1967, đa số phân tích viên cao cấp của Trung ương Tình báo đều tin rằng chúng ta có thể rút quân từ lúc bấy giờ mà không bị một thiệt hại thường trực nào cho an ninh Hoa Kỳ hay Tây phương. Cùng thời gian ấy, tôi cũng phát biểu sự đánh giá trước một ủy ban Thượng viện – sự đánh giá này được hỗ trợ bằng những bản phân tích của Trung ương Tình báo và Tình báo Quốc phòng – rằng chúng ta không thể thắng được cuộc chiến này bằng cách đánh bom miền Bắc. Và, trong phiếu trình đề ngày 19 tháng Năm, tôi cũng đã báo cáo là chúng ta sẽ tiếp tục chịu đựng những tổn thất nặng nề tại miền Nam Việt Nam mà không có đảm bảo nào về việc thắng trận cả.

Người ta có thể giải thích thế nào về sự sai sót của chính phủ trong việc không thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cuộc hòa đàm và dự liệu rút quân? Câu trả lời là Tham mưu trưởng cùng nhiều người khác trong chính phủ đã có cái nhìn hoàn toàn khác hẳn về diễn biến thật của cuộc chiến, rồi những thành viên có ảnh hưởng bên Quốc hội cùng công chúng đã chia sẻ quan điểm ấy, và rồi chính Tổng thống cũng bị lung lay nặng nề vì quan điểm họ.

Một phiếu trình bi quan khác mà tôi viết vào tháng Chín đã tăng thêm mối căng thẳng giữa hai người từng yêu mến quý trọng lẫn nhau – Lyndon Johnson và tôi – rồi đi đến gẫy đổ. Bốn tuần sau, Tổng thống Johnson loan báo việc đề cử tôi làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Cho đến hôm nay tôi vẫn không biết là tôi đã tự ý từ nhiệm, hay đã bị sa thải. Có thể cả hai.

Đã từ lâu tôi vẫn thích quan tâm đến các quốc gia đang phát triển. Vào mùa xuân năm 1967, tôi từng có dịp thảo luận với George Woods trong một buổi ăn trưa, lúc ấy ông cho tôi biết thời hạn năm năm chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới của ông sắp mãn, ông mong ước tôi sẽ là người kế nhiệm.

Bấy giờ tôi có cho Tổng thống biết chuyện này, nhưng mãi đến tháng Chín hoặc tháng Mười, trong một cơn buồn bực, Tổng thống mới hỏi tôi có tính gì khác chưa. Tôi bảo ông rằng tôi vẫn thích Ngân Hàng Thế giới, nhưng nếu chừng nào Tổng thống còn muốn tôi ở bộ Quốc phòng, tôi vẫn ở lại.

Một năm sau, George Woods cho tôi biết Bộ trưởng Ngân khố Joe Fowler có nói với Lyndon B. Johnson rằng theo thủ tục, phải đề cử ba tên người, Tổng thống bèn đáp, “Được, thế thì ba cái tên ấy là: McNamara, McNamara, McNamara.”

Vậy thì, tại sao tôi đã ra đi? Không phải vì tôi ốm đau bệnh hoạn như những chuyện báo chí nói đến, và rồi Tổng thống có bảo một tùy viên rằng ông lo cho tôi có thể tự tử như trường hợp James V. Forrestal, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Tổng thống Truman. Rất nhiều người đã tin rằng tôi bị suy sụp tâm thần lẫn thể xác. Tôi không bị như thế. Tôi có bị căng thẳng. Tôi có bất hòa với Tổng thống; Tôi đã không tìm thấy những câu trả lời cho các câu hỏi của tôi; tôi đã bị căng thẳng kinh khủng. Nhưng tôi không đi chữa bệnh, không uống thuốc, ngoại trừ thỉnh thoảng uống vài viên thuốc ngủ, và chưa hề bao giờ tôi có ý định tự tử.

Sự thực, đó là tôi cần phải đi đến một kết thúc, tôi đã phải nói thẳng thừng với Tổng thống rằng chúng ta không thể nào đạt được các mục tiêu của chúng ta tại Việt Nam qua những phương tiện quân sự hợp lý, do đó chúng ta phải kiếm một mục tiêu ít chính trị hơn qua các cuộc hòa đàm thương thảo. Tổng thống Johnson chưa sẵn sàng để chấp nhận điều ấy. Giữa hai chúng tôi, rõ rệt là tôi không thay đổi sự phán đoán của tôi, ông không thay đổi sự phán đoán của ông. Một trong hai đã phải nhượng bộ./.

 

 

 



 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.