Mar 29, 2024

Thơ mới hiện đại VN

Cảm tác về một chuyến đi xa
Lê văn Thục * đăng lúc 10:40:28 PM, Apr 22, 2015 * Số lần xem: 1804
Hình ảnh
#1
                                          (thể thơ Lục Bát) 

Tháng ba trời trở mưa phùn

Đường xuyên Phả Lại buồn buồn vì sao

Chiều qua thị trấn Thành Phao

Mới qua, cứ  ngỡ ngày nào đã qua

Lênh đênh trên một chuyến phà

Hỏi nhau  rồi cũng nhận ra lục đầu

Nước sông Đuống, nước sông Cầu

Đôi dòng trong, đục chen nhau chảy hoài

Đã qua muôn dặm đường dài

Bạn đường nào những ai ai hiểu mình

Đến đây rồi huyện Chí Linh

Nhớ xưa Nguyễn Trãi lánh mình về hưu

Côn Sơn gió lộng, thông reo

Nghe đâu như tiếng thơ kêu não nùng

Chuyện đời kẻ nịnh, người trung

Tài hoa đa lụy, anh hùng đa truân

Nghĩ xa, thôi lại nghĩ gần

Rồi đây cuộc thế xoay vần đến đâu

Hỡi ơi! kiến địa phong hầu

Tấm gương kim cổ còn lâu chưa mờ

Đông Triều núi khuất trong mơ

Hỏi người gánh đá bao giờ nung vôi

Đường đi men những ven đồi

Mạo Khê, Uông Bí đây rồi Quảng Ninh

Bâng khuâng, mình lại hỏi mình

Còn đâu khúc hát trữ tình năm xưa

Nhớ người vì một bài thơ

Nước non ngàn dặm bây giờ còn không

Đường triều xuôi mãi về đông

Ta đi ,đi miết nghe lòng nao nao

Gập gềnh xuống thấp, lên cao

Đường sang Yên Lập, lối vào Biểu Nghi

Chiều hôm dần tắt đêm về

Đó đây vang dậy tiếng xe xin đường

Lạc loài, cái vạc kêu sương

Nghe sao ai oán chán chường lắm thay 
Đã đi, đi suốt một ngày

Đời ta như cánh chim bay lìa đàn

Một mình trôi giữa không gian

Sương non chưa tắt trăng ngàn đã lên

Đêm nằm trong bản Đại Yên

Nửa thương dĩ vãng, nửa phiền tương lai

Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai

Khi nghe tiếng gió rít ngoài rặng thông

Sáng ra ngắm cảnh Hạ Long

Trời mây non nước thoả lòng khát khao

Trông ra muôn lớp sóng trào

Bâng khuâng, cứ ngỡ thuở nào ra khơi

Hai nhăm năm đã qua rồi

Cuộc đời vẫn thế này thôi khác gì

Bảy ngày trong một chuyến đi

Vui khi ngắm cảnh, buồn khi trở về

Giã từ Uông Bí, Mạo Khê

Ngày đi không lạ, ngày về chưa quen

Theo đường xa lộ Quảng Yên

Qua phà rừng tới Thuỷ Nguyên Hải Phòng

Một trời, một nước mênh mông

Đây Tr àng Kênh, nọ cửa sông Bạch Đằng

Tầu xuôi, thuyền ngược, lưới giăng

Tưởng đâu thuở chống xâm lăng đời Trần

Mấy ngàn giặc Thát vùi thân

Nghe đâu đây vẳng tiếng quân reo hò

Đường về bến Bính, Sáu Kho

Hải Phòng ơi đất thành Tô đây rồi

Nỗi buồn dĩ vãng xa xôi

Cổng căng Đoạn Xá tiếngcòi máy chai

Đã từng nếm mật nằm gai

Trong gian nan đợi tương lai rực hồng

Nhưng rồi không lại hoàn không

Chiều nay trên đất Hải Phòng bơ vơ

Đường về lối cũ năm xưa

Gió tung cát bụi lá xơ xác vàng

Còi tàu mấy độ thét vang

Qua Lai Vu đến Cẩm Giàng Hải Dưong

Bao nhiêu làng mạc phố phường

Bao nhiêu nhà máy công trường lướt qua

Ngày đi, gần cũng thành xa

Ngày về ,xa lại hoá ra rất gần

Qua Phú Thị nhớ Chu Thần

Câu thơ khẳng khái lời văn ngang tàng

Khả lân, khả ố đôi đàng

Lưu phương, lưu sú rõ ràng hay chưa(1)

Chuyện đời nay, chuyện đời xưa

Ngổn ngang trăm mối lòng chưa yên lòng

Lại về đây đất Thăng Long

Núi Nùng còn đó, sông Hồng còn kia

Ô Quan chưỏng bến Bồ Đề

Lối xưa xe ngựa đi về những đâu

Trơ gan đá cũng phai mầu

Qua tang thương nước mày cau bao lần(2)

Trải qua triều Lý, triều Trần

Vua Lê chúa Trịnh quân thần suy vi

Các nhà sử học đã ghi

Những ngày xưa , với những gì hôm nay

Khuya rồi ta lại về đây

Ánh đèn sáng rực hàng cây lặng tờ

Đô thành còn đắm trong mơ

Bâng khuâng như một bài thơ không đề

Lần theo lối cũ đi về

Đường khuya hiu hắt sương khuya lạnh lùng

Lại qua sông Đuống sông Hồng

Lại leo dốc Lã ,lại vòng Yên Viên

Này đây phố Cẩm, phố Viềng

Này đây quán Trắng ,cầu Tiên cầu Rồng

Quê ta đó một dòng sông

Con thuyền quan họ, cánh đồng lúa chiêm

Khuya rồi chưa ngủ ư em?

Câu thơ ngày ấy ta quên sao đành!

 Chú thích: (1)  Trong  câu đối viếng anh em Cao Bá Quát, Cao Bá Đạt( sinh đôi) của Nguyễn Văn Siêu

               (2)Thơ của bà huyện Thanh Quan:

                                 “Nước còn cau mặt với tang thương ” 

                                                        Lê Văn Thục


  

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.