Apr 18, 2024

Tin tức

Đà Lạt tràn lan Cay hơi thở của quỷ / Sự thật tin đồn Hơi thở của quỷ xâm nhập vào Việt Nam
Webmaster * đăng lúc 05:39:35 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 2789
Hình ảnh
#1

Nếu vô tình nếm thử hay hít phải hương hoa “hơi thở của quỷ” sẽ rơi vào trạng thái vô thức và có thể làm theo sự sai khiến của người khác

 

Thời gian gần đây, tại một số tuyến đường, công viên ở Đà Lạt (Lâm Đồng) như đường Hồ Tùng Mậu, Phù Đổng Thiên Vương, Công viên Yersin…, loài cây Borrachero (còn gọi là cây “hơi thở của quỷ”, hoa loa kèn, hoa kèn của thiên thần…) đang được trồng tràn lan. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định về tác động thần bí của loại cây này đến sức khỏe của con người.

Nơi nào cũng có

Cây “hơi thở của quỷ” có nguồn gốc từ Mexico, Peru và được trồng tại Đà Lạt từ rất lâu. Theo tài liệu của các nhà khoa học, đây là loài cây nhỡ, khỏe, hóa gỗ có vỏ xám, cành lá thường thòng xuống. Lá mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá. Hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp thành từng đôi, màu trắng, dài 25-30 cm, đường kính 1-1,5 cm, nhị đính trên ống tràng có bao phấn dính nhau.

Hiện nay, loài hoa này không chỉ được trồng trên các tuyến đường nội thành Đà Lạt mà còn trồng dày đặc trong các khuôn viên của những ngôi nhà, quán cà phê sân vườn... Cây “hơi thở của quỷ” có thể nhân giống rất đơn giản bằng cách giâm cành hay nó có thể tự mọc khi quả khô rụng xuống. Theo đại diện Công ty Quản lý Công trình đô thị Đà Lạt, loài hoa này đẹp và dễ trồng nên thời gian qua, công ty đã trồng trên một số tuyến đường ở Đà Lạt nhằm tạo cảnh quan đô thị.

 

Loài hoa thần bí “hơi thở của quỷ” được trồng tràn lan ở Đà Lạt
Loài hoa thần bí “hơi thở của quỷ” được trồng tràn lan ở Đà Lạt

 

Thần bí và nguy hiểm

Kết quả phân tích, chiết xuất cho thấy trong hoa của loài cây này có chứa chất gây ảo giác scopolamine. Chỉ cần uống một giọt dịch chất chiết xuất từ chất scopolamine của hoa “hơi thở của quỷ”, một người khỏe mạnh có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời.

Ông Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, cho biết năm 2013, bệnh viện tiếp nhận 4 người từ chùa Kỳ Quang (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) chuyển đến với triệu chứng nghi bị ngộ độc. Nguyên nhân vì thấy hoa “hơi thở của quỷ” đẹp nên một người đã hái về để nấu lẩu. Chưa đầy 5 phút sau khi ăn, 4 người đều có triệu chứng giống nhau như không kiểm soát được hành vi, la hét, nói năng lảm nhảm, khó tiểu, nhịp tim nhanh... Sau khi cấp cứu những bệnh nhân trên, các bác sĩ biết được những người này đã trúng một loại độc dược có khả năng gây ảo giác. Loại độc này chính là chất scopolamine có trong hoa “hơi thở của quỷ” ở Đà Lạt.

Khi chất độc này đi vào cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng đưa nạn nhân vào trạng thái vô thức. Nạn nhân có thể sẽ nghe, làm theo lời người đối diện một cách vô thức và khi hồi tỉnh, họ sẽ không nhớ những gì mình đã làm trước đó.

Từng chứng kiến tác động của loài hoa này, bà Trần Thị Mai (ngụ đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, Đà Lạt) kể nhà bà có đứa cháu ngoại từ xa về thăm đã ra vườn bứt những bông hoa trên để chơi đồ hàng. Không may, cháu nhỏ đã hít hương hoa này và bỏ vào miệng nhấm nháp thử. Sau đó, cả nhà hoảng hốt phát hiện cháu nói năng huyên thuyên, mơ màng, ngơ ngác nên gia đình phải vội đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Loài hoa “hơi thở của quỷ” được trồng quá nhiều ở Đà Lạt. Sẽ rất nguy hiểm nếu người nào không biết, đặc biệt là những du khách, trẻ em đến Đà Lạt nếu vô tình nếm thử hay hít phải hương hoa này.

 

Tội phạm thường sử dụng

Theo nhiều tài liệu, chiết xuất scopolamine từ cây hoa loa kèn đã được một số cá nhân, tổ chức sử dụng trong nghiên cứu, phục vụ khoa học từ thế kỷ XIX. Năm 1880, scopolamine đã được phát hiện bởi nhà khoa học người Đức Albert Ladenburg. Với thuộc tính dễ tan trong nước, khó bị phát hiện, bọn tội phạm đã sử dụng scopolamine để pha vào nước uống, trộn với đồ ăn để thôi miên, điều khiển người khác làm theo ý mình.

Sau khi được biết những thông tin trên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ Đô thị Đà Lạt cho biết sẽ tiến hành kiểm tra việc trồng loài hoa này để có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân.

 

Bài và ảnh: Minh Hải

**********************************

Sự thật tin đồn 'Hơi thở của quỷ' xâm nhập vào Việt Nam

Thứ Năm, ngày 12/03/2015 00:06 AM (GMT+7)
 

Có nhiều thông tin về loài hoa chuông mang một số độc tố gây nguy hiểm đến con người, thậm chí tử vong. Liệu đây có phải là sự thật?


 

 
 
 

Thời gian gần đây nhiều người hoang mang trước thông tin về loại thuốc kích thích thần kinh đáng sợ nhất thế giới được gọi là “Hơi thở của quỷ”. Bọn tội phạm thường dùng chúng để thôi miên nhằm trộm cắp, hãm hiếp… Loại thuốc này nguồn gốc từ cây Borrachero - một loại cây dại mọc phổ biến ở Colombia phát tán ra chất Scopolamine gây ảo giác.

 Sự thật tin đồn 'Hơi thở của quỷ' xâm nhập vào Việt Nam - 1

Cây Borrachero mọc nhiều ở Colombia

Khá nhiều bạn đọc hoang mang vì lo ngại 'Hơi thở của quỷ' đã xâm nhập vào Việt Nam vì hình dáng của cây Borrachero nhìn khá giống với loại hoa chuông mọc nhiều ở Việt Nam. Thêm nữa, nhiều câu chuyện bị thôi miên ngay trên đường để trấn lột đồ đạc, tài sản,...càng gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia những thông tin trên chưa có cơ sở để kiểm chứng.

Là một loài hoa đẹp

Hoa chuông là loài cây thân thảo sống lâu năm có khả năng tạo thành các cụm dày đặc nhờ loang rộng theo các rễ ngầm dưới mặt đất. Thân cây cao từ 15-30 cm và cành hoa bao gồm 5-15 hoa trên đỉnh ngọn thân cây. Hoa có màu trắng hoặc vàng, giống hình những chiếc chuông xinh xắn. Hoa có mùi thơm ngọt và nở hoa về cuối mùa xuân.

 Sự thật tin đồn 'Hơi thở của quỷ' xâm nhập vào Việt Nam - 2

Cây hoa chuông ở Việt Nam được trồng hoặc mọc dại ở nhiều nơi đang được đồn dùng để chiết xuất 'Hơi thở của quỷ'

Hoa chuông có hình dáng rất đáng yêu, nhưng tiếc thay đây cũng là một loài hoa độc. Nếu ăn phải sẽ bị đau bụng, tiêu chảy và đau cơ bắp. Loạn nhịp tim cũng có thể là một triệu chứng đi kèm. Chất độc có thể gây ra hiện tượng nôn ói, tiêu chảy và tim đậm chậm lại. Độc tố có trong lá và quả của loài  này cũng giúp chúng lọt vào danh sách cây hoa cực độc.

 Sự thật tin đồn 'Hơi thở của quỷ' xâm nhập vào Việt Nam - 3

Khi tiếp xúc với hoa chuông nên cẩn trọng vì dễ bị nổi mẩn

Ảo giác vì ngửi hoa: chỉ là tin đồn

Thời gian qua có một số thông tin bàn tán xôn xao về chất độc chiết xuất từ lá và hoa chuông có thể được sử dụng giống như một chất gây ảo giác tên gọi 'Hơi thở của quỷ'

Thực tế, loài thực vật này được dùng làm thuốc. Nếu dùng với liều khống chế, có thể chữa ho hen, say sóng, trị mụn nhọt. Tuy vậy, cũng phải cẩn trọng vì ở điều kiện bình thường, người tiếp xúc qua da với bất kỳ vị trí nào trên cây đều có thể bị nổi mẩn đỏ, ngứa, chóng mặt. Hiệu quả trong y tế nhưng cũng cẩn trọng khi dùng quá liều sẽ dẫn đến tử vong. Thành phần gây tác động bao gồm atropine, hyoscyamine và scopolamine gây nên triệu chứng mê sảng, điên loạn.

 Sự thật tin đồn 'Hơi thở của quỷ' xâm nhập vào Việt Nam - 4

Theo Tiến sĩ Lâm Văn Mân – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao Công nghệ:"Hoa chuông thuộc họ Solanaceae. Họ này  có tới hơn 2000 loài trong đó có loài có độc như cây cà độc dược và có loài thì ăn được như: cà chua, khoai tây. Hoạt chất chiết xuất từ hoa chuông được dùng trong y học. Gần đây có một số thông tin về loài cây này có độc khi tiếp xúc sẽ bị ảo giác, ảnh hưởng đến hệ thần kinh của con người. Tuy nhiên những thông tin này chủ yếu được lấy trên báo nước ngoài, chưa có kiểm chứng đó có phải là tờ báo uy tín, tin cậy hay không."

 

Tiến sĩ Tô Thanh Phương – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW I cho biết: “Hoa chuông được nhiều người yêu cây trồng tại nhà. Hương thơm dịu nhẹ, mát. Tuy nhiên, hiện tại tôi chưa bao giờ nghe  thông tin về loài hoa  chuông có ảnh hưởng mạnh đến hệ thần kinh khi ngửi hay tiếp xúc nó”.

 Sự thật tin đồn 'Hơi thở của quỷ' xâm nhập vào Việt Nam - 5

 Tiến sĩ Tô Thanh Phương chưa nghe thấy hoa chuông có ảnh hưởng đến thần kinh

Hoa  chuông không ảnh hưởng đến hệ thần kinh khi ngửi trực tiếp nhưng lưu ý khi sử dụng nó để chế biến thức ăn, đặc biệt khi ăn kèm với một số loại thực phẩm “không hợp”.

Trước đó ở xóm Dài, xã Bắc Phong (Cao Phong), có một bệnh nhân đã phải nhập viện điều trị tích cực trong 6 ngày tại Bệnh viện đa khoa huyện Cao Phong vì ngộ độc cây hoa chuông.

Vào trưa ngày 14/1/2014, anh Yên và anh Quyết đã ăn thịt chó hấp lá hoa chuông. Sau khi ăn 5 phút, 2 người có biểu hiện tê lưỡi, buồn nôn, kích thích, vật vã, mê sảng, giãn đồng tử. Người nhà đã kịp thời đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, dùng thuốc lợi tiểu, truyền dịch, trợ tim.

 

Theo lãnh đạo Chi cục ATVSTP tỉnh, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Những năm gần đây, loại cây này được người dân khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trồng khá nhiều để làm cảnh. Lá cây có vị đắng nên nhiều người lầm tưởng có thể ăn được.

 

 

Theo Tuệ Linh (Khám Phá)



Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.