Apr 19, 2024

Tác giả

Trùng Quang
Hình ảnh
#1

ko

NỮ VĂN THI SĨ “CỔ THỤ VĨ ĐẠI NHẤT” LÀNG VĂN BÚT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI:
CỤ BÀ TRÙNG QUANG TẠ THẾ TẠI SAN JOSE NGÀY 06-9-2012 HƯỞNG ĐẠI THỌ 101 TUỔI.
 

 

 

 
 
Ký giả Hạnh Dương và con trai Anh Dương đến chúc Thọ cụ bà Văn Thi Sĩ TRÙNG QUANG
vào ngày 01-01-2011 nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cụ.
 
San Jose (Việt Báo - Hạnh Dương): Nữ Văn-Thi-Sĩ Việt Nam được xem là “cây cổ thụ vĩ đại nhất” trong làng văn bút Việt Nam trên khắp Thế Giới là bà TRÙNG QUANG đã vừa tạ thế vào lúc 9:00PM tối Thứ Năm, ngày 06-9-2012 tại nhà Dưỡng Lão Mission De La Casa, số 3501 Alvin Ave., San Jose, CA 95122. Hưởng Đại Phước Thọ 101 Tuổi.
 
Nữ Văn Thi Sĩ Trùng Quang tên thật là LÊ THỊ TUYÊN, sinh ngày 01-01-1912 tại Miền Bắc Việt Nam. Tính đến ngày tạ thế, cụ Trùng Quang đã sống 100 năm, 7 tháng và 5 ngày theo Dương Lịch. Còn nếu tính năm Âm Lịch thì cụ bà Văn Thi Sĩ Trùng Quang đã hưởng đại phước thọ 102 tuổi.
 
Bà Cao Ánh Nguyệt, Chủ nhiệm của tuần báo “Phụ Nữ Cali”, khi giới thiệu cụ bà Trùng Quang trong buổi vinh danh cụ vào năm 2008 tại Trung Tâm VIVO ở San Jose, đã kể về cuộc đời của cụ bà với những nét thăng trầm tiêu biểu như sau: “Ngay từ những năm đầu của thập niên 40 cụ đã là một phụ nữ tiền phong trong các phong trào thanh niên, sinh viên hoạt động xã hội. Năm 1951 cụ thành lập Hội Phụ Nữ Tương Tế, là hội phụ nữ Việt Nam đầu tiên giúp chị em phụ nữ học tiếng Việt, Pháp, Anh, Nhật ngữ. Năm 1952, qua vận động của cụ, Nam Phương Hoàng Hậu chọn ngày Lễ Hai Bà Trưng làm ngày Phụ Nữ Việt Nam. Từ 1944 tới 1954, cụ Trùng Quang là một trong những bậc nữ lưu tiền phong, nổi tiếng thời 1953, 1954 tham gia các công tác hoạt động văn hoá giáo dục, xã hội cứu trợ đồng bào bị nạn đói. Cố Tổng Thống Nixon, hồi còn là Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ, khi tới thăm Hà Nội đầu thập niên 1950, đã từng đến gặp cụ để thăm hỏi về việc cụ giúp đỡ đồng bào tản cư vào các thành phố.”
 
Tại Hà Nội, cụ là Hiệu Trưởng sáng lập “Trường Nữ Công Việt Nữ”. Cuộc đời của cụ bà thật vô cùng đau khổ. Nếu như ngày xưa vào khoảng năm 1930 mà có Thi Hoa Hậu thì chắc chắn nàng thiếu nữ nhan sắc tuyệt vời Lê Thị Tuyên 18 tuổi sẽ là Hoa Hậu Hà Nội 36 phố phường. Nhiều gia đình và quan chức ngõ lời cưới người đẹp, nhưng nàng thiếu nữ yêu kiều kia đã trao trọn trái tim cho một chàng sinh viên tài năng và nhiệt huyết chống thực dân Pháp. Hai người cưới nhau chỉ được vài tháng thì chồng bà đã bị Việt Minh (tức tiền thân của Cộng Sản Việt Nam) ám sát chết vì lúc đó chồng bà lãnh đạo sinh viên Hà Nội chống Pháp và chống cả Việt Minh. Kể từ đó, cụ bà vẫn ở đơn độc như thế để thờ chồng và thay chồng nuôi các em chồng ăn học, đỗ đạt thành các Bác Sĩ nổi tiếng. Cụ bà trút nỗi buồn riêng qua thơ, văn với bút hiệu Trùng Quang. Cụ bà đem tình thương lập nên “Trường Nữ Công Việt Nữ” để dạy nghề và dạy chữ quốc ngữ cho phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội vì thời bấy giờ không mấy ai trong giới phụ nữ biết được chữ Việt hay được học nghề gì cả ngoài việc làm vợ lo nội trợ hay làm con hầu !.
 
image

 
Dù vào ngày kỷ niệm Sinh Nhật 100 tuổi, cụ bà Văn Thi Sĩ TRÙNG QUANG vẫn minh mẫn,
mắt không cần đeo kính, đã ngồi phóng bút làm thơ trong ngày kỷ niệm Sinh Nhật 1 Thế Kỷ của mình.

“Hiệp Định Paris 20-7-1954 phân chia hai miền đất nước Việt Nam, Cụ bà đã di cư vào miền Nam và lập lại “Trường Nữ Công Phương Chính” lo dạy nghề và dạy chữ Việt cho phụ nữ tại Sàig-gòn. Các chứng chỉ tốt nghiệp của Trường Nữ Công Phương Chính được nhiều quốc gia ở Âu Châu như Pháp, Đức, Anh công nhận. C Cụ bà đã đào tạo được nhiều nhân tài sau nầy tại Việt Nam và quốc tế. Sự thành công của Cụ bà đã được Chính Phủ VNCH mời làm Bộ Trưởng Lao Động Xã Hội nhưng Cụ bà từ chối. Cụ bà thối thác với lý do bệnh nên được chính phủ VNCH cho đi Nhật để chữa bệnh. Lợi dụng dịp nầy, Cụ bà đã ở lại Nhật một thời gian học tiếng Nhật và học nghề làm Búp-bê của Nhật Bản. Khi trở lại Sài-gòn, Cụ bà cho mở xưởng sản xuất Búp-bê Việt Nam và sản phẩm của Cụ bà là những búp-bê mang tà áo dài Việt Nam rất yểu điệu, tha thướt được nhiều quốc gia Âu Châu ưa chuộng đặt hàng. Ban ngày Cụ bà dạy chị em về nghể nghiệp, thủ công; nhưng ban đêm Cụ bà dạy về văn hóa gồm tiếng Việt, chữ Việt, ngoại ngữ và nghề thư ký, kế toán. Nhiều học trò của Cụ bà đã xuất ngoại và sau đó đã trở về thăm và cám ơn Cụ bà. Vào thập niên 1950-1960, bút hiệu Trùng Quang của Cụ bà rất được giới yêu thơ ái mộ khi Cụ bà gia nhập Thi Đoàn Quỳnh Giao do bà Cao Ngọc Anh sáng lập. Những bài thơ của Cụ bà được phổ biến trên nhiều Nhật Báo và Tạp Chí ở Sài-gòn.”

image
 
 
Cô Debora Tường Vân là người say mê Thơ và Văn của cụ bà TRÙNG QUANG nên đã được sở Xã Hội nhờ chăm sóc
cho cụ đến phút lâm chung. Qua chăm sóc người già, cô Debora Tường Vân đã viết đoản văn "Nơi Ở Cuối Đời"
gởi dự thi giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm 2012 và cô được Ban Giám Khảo chấm trúng "Giải Đặc Biệt"
 
Cho đến khi biến cố Tháng 4 Đen lúc CSBV chiếm Sài-gòn ngày 30-4-1975, Cụ bà đã bỏ lại tất cả và theo một chiếc tàu cá nhỏ để vượt biển tìm tự do. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, chiếc tàu của Cụ bà đã được một tàu buôn của Pháp có tên là “Lumière” (Ánh Sáng) vớt đưa về tỵ nạn tại Pháp. Vốn là con nhà quý phái, nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ ngày xưa khi ở Hà Nội, thế nên Cụ bà hội nhập cuộc sống mới tại Pháp không khó khăn gì. Thế nhưng Cụ bà có các em chồng và người con nuôi mà Cụ bà thương yêu dạy dỗ và nay thành những nhân vật tên tuổi là những giáo sự Đại Học, Dược Sĩ, Bác Sĩ hiện sống tại Hoa Kỳ nên Cụ bà đã được qua định cư ở Mỹ.
 
Khi vừa đến định cư tại Mỹ, Cụ bà ghi tên đi học Lớp ESL (English as Second Language) để nói và viết tiếng Anh. Cùng thời gian, Cu bà chủ trương xuất bản một tuyển tập thơ gồm 142 Tác Giả hải ngoại và Hoa Kỳ mang tên “Đồng Tâm Hội Bút”. Sau khi học xong các lớp ESL, Cụ bà theo học College tại Evergreen và năm 84 tuổi Cụ bà thi vào Đại Học Cộng Đồng San Jose và luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi Test. Mỗi lần Cụ bà đi vào lớp học, Thầy, Cô Giáo và các Sinh Viên đều đứng dậy vỗ tay chào mừng cụ bà cao niên đi học. Cụ chưa bao giờ đi học trễ hay bỏ học. Năm 89 tuổi, lúc thi Test về tiếng Anh, nữ sinh viên già nhất trong lịch sử Đại Học Cộng Đồng San Jose đã là người đạt điểm cao nhất. Ngoài tiếng Việt, Cụ bà nói giỏi tiếng Pháp, tiếng Nhật và nay cả tiếng Anh.
 
Năm Cụ bà qua khòi ngưỡng cữa 90 tuổi, tai bị nghễnh ngãng khó nghe nên Cụ bà không đi học nữa.. Cụ bà lấy làm tiếc là không hoàn tất được bằng Thạc Sĩ về xã hội học MBA. Nhiều Giáo Sư người Mỹ đến tận nhà khuyến khích Cụ bà đi học tiếp; nhưng Cụ bà nói rằng sức khỏe không cho phép, mặc dầu trí tuệ vẫn minh mẫn.


image

 
Từ 84 đến 89 tuổi cụ bà Văn Thi Sĩ TRÙNG QUANG thi vào Đại Học Cộng Đồng San Jose sau khi đã học xong các lớp ESL
về tiếng Anh cho người lớn. Cụ nói giỏi tiếng Pháp, tiếng Nhật và 'cô Sinh Viên già nhất trong lịch sử Đại Học Cộng Đồng
San Jose" đã đạt điểm cao nhất về Thi Test tiếng Anh năm 89 tuổi. Qa năm 90 tuổi tai cụ nghễnh ngãng và tay chân
yếu nên cụ bỏ học và cụ nói là tiếc rằng không kịp lấy bằng Thạc Sĩ MBA về khoa xã hội học mà cụ bà rất thích.
 
Năm 2002, Cụ bà là tác giả lớn tuổi nhất đoạt giải thương “Viết Về Nước Mỹ” do hệ thống Nhật báo Việt Báo tổ chức qua bài viết của Cụ bà mang tựa đề “Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ”. Năm 2004 ở tuổi 93, Cụ bà cho xuất bản cuốn “BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO” viết về các sử liệu và chiến thắng hiễn hách của danh nhân Nguyễn Trãi và hịch chống Tàu xâm lược của ông. Khi bà cho ra mắt cuốn “Bình Ngô Đại Cáo”, mọi người đều yêu thích tinh thần yêu nước của Cụ bà và hiểu rõ tường tận hơn từng câu, từng chữ trong hịch “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi do bà trích dịch và chú giải. Cụ bà nói như tiên tri rằng “Rồi đây giặc Tàu sẽ tìm cách cướp nước Việt Nam nên phải ra sách “Bình Ngô Đại Cáo để nhắc nhỡ con cháu noi gương tiền nhân Nguyễn Trãi chống Tàu giữ nước!” Cuốn sách đã bán hết sạch ngay khi ra mắt.
 
Đến năm 2006, sức khỏe của Cụ bà yếu hẵn đi, hai chân không đi xa được nên Cụ bà phải dùng cái xe guồng để tựa vào và bước đi chậm rãi quanh quẩn trong nhà. Thế nhưng Cụ bà đã viết và xuất bản cuốn tuyển tập truyện ngắn “Bóng Cờ Nương Tử” qui tụ 32 tác giả nữ Việt Nam hải ngoại, mà trong đó Cụ bà đã chiếm 3 tác phẩm. Tuyển tập truyện ngắn nêu cao những tấm gương hy sinh cao cả của những người vợ, người mẹ có chồng là các chiến binh VNCH hy sinh trong chiến cuộc bảo vệ tự do dân chủ cho Miền Nam, hoặc đã nằm xuống trong các trại cải tạo, trên đường vượt biên, vượt biển.
 
Tết Nguyên Đán Tân Mão 2011, Hạnh Dương thay mặt Ban Giám Đốc Việt Báo đến thăm cụ bà, cụ đưa ra 4 câu thơ:
 
“Ta nói cho Xuân được biết rằng
Ta đây trăm tuổi vẫn còn răng
Vẫn cười duyên dáng như Xuân nữ
Vẫn viết tình thơ thủa tròn trăng.”


image

Hình chụp khi cụ đang ngủ tại Nhà Dưỡng Lão Mission De La Casa là nơi mà cô Debora Tường Vân
viết là "Nơi Ở Cuối Đời" của cụ bà và những người cao niên tại Hoa Kỳ!
 

Miệng của cụ bà bao giờ cũng mĩm cười duyên dáng. Vào đầu tháng 3-2011, khi người con nuôi đến căn nhà của cụ sống một mình, đã thấy cụ bà nằm té bên chiếc xe guồng và gãy 2 xương sườn! Sau khi được chữa trị và ra khỏi bệnh viện, theo lời khuyên của Bác Sĩ, cụ bà được đưa vào viện dưỡng lão (Nursing Home) Mission De La Casa.

 
Tết Nhâm Thìn 2012, khi Hạnh Dương thay mặt Việt Báo đến thăm cụ bà lúc cụ đã 101 tuổi, cụ vẫn còn minh mẫn và cụ khoe là đang soạn và dịch các bài Quốc Ca của các cường quốc trên Thế Giới để cụ so sánh với Quốc Ca VNCH. Cụ bà khen rằng Quốc Ca VNCH có tính nhân bản và bài Quốc Ca đó vẫn còn cả một tương lai.
 
Người chăm sóc cụ là cô Debora Tường Vân, một người say mê văn thơ của cụ, đã trở thành nhân viên xã hội chăm sóc cho cụ. Cô Debora Tường Vân đã viết một bài về “Nơi ở cuối đời” của những người già và đặc biệt nói về Cụ bà Trùng Quang và bài viết nầy đã được chấm đoạt giải đặc biệt cuộc thi Viết Về Nước Mỹ 2012.
 
Cô Debora Tường Vân cho hay rằng, cách nay 12 năm cụ bà Trùng Quang đã viết lại di chúc dặn con cháu rằng khi cụ tạ thế thì sẽ không được tổ chức tang ma linh đình, không đăng Cáo Phó làm phiền bạn bè và người thân; chỉ đơn giản hỏa táng cụ mà thôi. Hiện thi thể của Cụ bà Trùng Quang đang được quàn tại Palo Alto chờ gia đình tề tựu đông đủ để hỏa táng.


image
 
 
Trên chiếc giường nầy tại Nhà Dưỡng Lão Mission De La Casa ở San Jose vùng Bắc California, cụ bà Văn Thi Sĩ cao niên nhất của Làng Văn Học Hiện Đại Việt Nam đã làm thơ, soạn và dịch các bài Quốc Ca của các cường Quốc trên Thế Giới
để so sánh với Quốc Ca VNCH mà cụ cho là hay hơn và có tính nhân văn hơn. Và cũng trên chiếc giường nầy, một con
người vĩ đại đã vĩnh biệt Làng Văn Học Việt Nam để đi vào cõi vĩnh hằng! Cụ bà hưởng Đại Phúc Thọ
101 tuổi Dương Lịch (01-01-1912 - 06-9-2012) hay 102 tuổi Âm Lịch.

Sáng Chủ Nhật 26-8-2012, Hội Cao Niên Vùng Vịnh Cựu Kim Sơn đã mở tiệc kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hội, dịp nầy có 3 vị cao niên nhất được các Dân Biểu và Nghị Viên tặng Bằng Vinh Danh. Nữ Dân Biểu Zoe Lofgreen, Dân Biểu George Shirakawa, Nghị viên Kasen Chu và ông Dave Cortese, Trưởng Hôi Đồng Giám Sát quận hạt Santa Clara đã tặng Bằng Vinh Danh cho Cụ bà Nguyễn Thị Niềng 102 tuổi; cụ bà Trùng Quang 101 tuổi; cụ ông Võ Toàn 101 tuổi. Cụ bà Nguyễn Thị Niềng đã tạ thế cùng ngày ngay sau khi có buổi tiệc vinh danh cụ. Riêng cụ bà Trùng Quang chưa kịp nhận 4 bằng vinh danh thì cũng đã lìa đời!
 
Thay mặt nhóm Việt Báo và VietPress USA, chúng tôi vô cùng thương tiếc Cụ Bà Văn Thi Sĩ vĩ đại của làng văn bút Việt Nam khắp Thế Giới đã vừa giã từ chúng ta. Đạo đức của cụ bà, cuộc sống và sự hy sinh cao quý của cụ bà và những áng văn thơ tuyệt tác của cụ là di sản cho mọi người, mọi thời đại Việt Nam dù dưới chế độ nào.
 
(Hạnh Dương - Việt Báo & VietPress USA)

Tất cả các bài của tác giả Trùng Quang:

Ngắm Mầu Hoa Trắng & Tràn Thinh Không - Thơ xướng họa - Oct 19, 2013
Đón Xuân Vui Bút - Đường thi Việt Nam - Feb 06, 2013