Dec 04, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Nghệ sĩ Võ Đình - Một Họa Sĩ Yêu Viết
Võ Đình * đăng lúc 02:40:10 AM, Jun 27, 2024 * Số lần xem: 2007
Hình ảnh
#1

 * đăng lúc 08:48:21 PM, Dec 16, 2020 * Số lần xem: 1868

               

Nghệ sĩ Võ Đình - một họa sĩ yêu viết

              PHAN THANH TÂM

 


   Họa sĩ Võ Đình
   (1933 - 31.5.2009)

Nghệ sĩ không phải chỉ là người sáng tạo nên tác phẩm. Nghệ sĩ còn là kẻ sáng tạo nên bản thân mình. Không ngừng. Họa sĩ Võ Đình khẳng định như vậy trong cuốn Mây Chó. Về cuối đời ông viết nhiều hơn vẽ. Sau 10 năm sống ở Pháp, sang Mỹ năm 1960 qua nhiều tiểu bang, nơi đâu ông cũng thích ngụ ở vùng thôn dã. Một số bài của ông, gồm 10 truyện ngắn và tùy bút hay tiểu luận được in trong hai cuốn Xứ Sấm sét (1987) và Sao Có Tiếng Sóng (1991), do Văn Nghệ xuất bản, gói ghém tình tự của cố họa sĩ muốn gởi đến độc giả khi ông đề cập tới Huế, tới song thân, tới mỹ thuật, tới Võ Phiến và tới cái mùi của dân tộc: mắm ruốc. Võ Đình (1933- 2009) sinh trưởng ở “cố đô Huế thanh lịch”, học ở trường Quốc học, “bị bắt buộc đi Pháp” năm 1950; theo học văn ở Sorbonne, họa ở Academie de la Grande Chaumière và trường Mỹ Thuật Paris.

 

Trong Lời Tác Giả của cuốn thứ hai, Võ Đình cho biết, những điều nói ra không được; viết ra không được thì ông vẽ. Ngược lại, có những điều ông vẽ không được, nhưng cần nói ra thì ông viết. Không vẽ ra được, ông “khổ sở như bị đui mù”; không nói ra, viết ra được ông “đớn đau như bị câm điếc”. Bài đầu tiên Sáng Tác và Tự Do trong cuốn này, đề cập tới buổi hội thảo về “Người Việt và Việt học” tại Đại Học George Mason ở Virginia tháng 12 năm 1981, Võ Đình xác quyết rằng, đối với văn nghệ sĩ tự do là tự do sáng tác, tự do tìm tòi, tự do làm cách mạng văn nghệ; khai phá những con đường mới nhưng không quên thân phận ly hương. Còn sáng tác cho ai là sáng tác cho một nước Việt Nam. Đó là “một thực tại vĩ đại và vĩnh cữu hơn bất cứ một chính thể nào hết”.

 

Qua cuốn Mây Chó do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ in năm 2004, gồm 10 truyện ngắn và 10 chuyện, cho thấy ông là một nghệ sĩ dấn thân. Võ Đình: “Cam kết rằng suốt đời tận tụy với nghệ thuật. Một cam kết tủy xương. Một commitment. For life.” Ông tự hỏi “nghệ sĩ là cái quái gì? Vịn vào Pablo Picasso ông trả lời: một thằng ngớ ngẩn; chỉ có được mỗi đôi mắt nếu hắn là họa sĩ, mỗi đôi tai nếu hắn là nhạc sĩ, hay cây đàn trong tim nếu hắn là thi sĩ, hay hắn chỉ có những bắp tay cực khỏe nếu hắn là một võ sĩ quyền Anh. Không phải đâu, hắn cũng là một sinh vật chính trị, luôn luôn nhạy cảm với tất cả những gì xảy ra trên trái đất này […] tất cả những gì đó, không cách này thì cách khác, đều có khả năng uốn nắn nhào nặn tinh thần và tâm hồn hắn…” Ngoài ra, trong cuốn Rừng Mắm Văn Nghệ, Võ Đình còn cho rằng, từ cõi hỗn mang, Trời Đất đã cấy vào người nghệ sĩ một cái “mầm” nghệ thuật; sau một thời gian cưu mang họ đẻ ra một tác phẩm.

 

Võ Đình nhận định chuyện làm văn nghệ Việt Nam ở hải ngoại là như một công trình đi tới và biết quay lui. Quay lui để “ngâm mình trong con sông tuổi nhỏ”. Ông nói, tuổi nhỏ đâu chỉ phải là quá khứ. Nó chính là một thực tại miên viễn. Thực tại đó là Việt tính. Nó là một cái gì không hình mà có màu sắc; không dáng mà có âm thanh; không thể mà có đường nét. Ông nhấn mạnh, một tác phẩm của một nghệ sĩ Việt Nam phải có Việt tính; có Việt tính mới mong được mệnh danh là hoàn vũ; mới vượt biên giới không - thời gian. Ông trưng dẫn Paul Valery, văn hào Pháp, đã từng cho rằng không có gì Pháp hơn là Racine, Anh hơn là Shakespeare, Đức hơn là Goethe, Ý hơn là Dante, Tây Ban Nha hơn là Cervantes, mà cũng không có gì có tính cách hoàn vũ hơn cho bằng Racine, Shakespeare, Goethe, Dante, Cervantes…

 

Miếng ăn là miếng tồi tàn?

 

Đáp một câu hỏi của báo Làng Văn năm 1988, Võ Đình cho hay ông đồng ý với nhà thơ Đỗ Quý Toàn khi cho rằng “văn chương hải ngoại là văn chương chính thống”. Ông giải thích, đã là chính thống ắt có trách nhiệm. Đó là một cục nợ. Kiểu như anh con trai thừa tự, lo phần hương hỏa. Chẳng những chỉ có văn chương mà cho cả nền văn nghệ. Đây là phần việc của tất cả mọi người. Võ Đình, một hoạ sĩ đã có tranh trưng bày trong 42 cuộc triển lãm cá nhân và nhiều cuộc triển lãm tập thể ở nhiều nước còn nói rằng, việc đem hoạ phẩm lại cho người thưởng ngoạn khó hơn gấp bội việc đem văn, thơ, nhạc phẩm lại cho người yêu văn chương, yêu âm nhạc; vì dù cuộc triển lãm họa phẩm được tổ chức công phu đến mấy cũng có ít người chiếu cố. Tuy nghề tay phải của ông là hội họa, người ta biết Võ Đình phần lớn qua các bài tùy bút, tiểu luận về đời người và người đời.

 

Nghệ sĩ Võ Đình từng thố lộ, “làm văn nghệ rất ‘khổ’ vì chỉ muốn làm cho hay hơn, đẹp hơn. Đi tận cùng ý niệm về phẩm”. Ông nói, “làm văn nghệ cũng như đi tu. Vì miếng cơm manh áo mà đi làm bất cứ nghề gì là thua cuộc rồi, là vất đi. Từ ngày dấn thân vào con đường văn nghệ, tôi quyết chí chỉ làm văn nghệ”. Ở Pháp, ở Mỹ hơn nửa đời người nên ông rất lịch lãm kiểu Tây phương. Tuổi vào đời văn nghệ của ông là những năm cuối thập niên 50 ở Paris và đầu thập niên 60 ở New York. Ông bị ảnh hường của cao trào sống theo lối làm văn nghệ thời đó. Thần tượng của ông là các nhà thơ Rimbaud, Artaud và các hoạ sĩ Modigliani, de Stael và Van Gogh... Huế và Paris là hai thành phố Võ Đình thường hay nhắc đến. Paris nơi ông đã trưởng thành, đã sống phóng đãng, đã ghi dấu một thời tuổi trẻ. Còn Huế đối với ông là Việt Nam. Việt Nam là Huế.

 

Về nước dịp Tết 1974 sau 24 năm lìa xa, Võ Đình thú nhận, ông mới khám phá ra rằng ông yêu quê hương Việt Nam không phải vì quê hương Việt Nam đẹp tuyệt vời, vì những khuôn mặt anh hùng, vì những chiến công hiển hách, vì những văn tài lỗi lạc hay vì những trí thức siêu quần; mà ông yêu Việt Nam ở chỗ “quê hương tôi xơ xác, nhọc nhằn” và “dân tộc tôi nghèo nàn, cơ cực”. Ghi khắc vào tâm can ông là hình ảnh anh phu đạp xích lô giữa trưa nắng như thiêu ở Sài Gòn; chị đàn bà áo trắng cánh phong phanh vớt bèo trong cái lạnh như cắt dưới một con hào ngoài cửa Hiển Nhơn; một bãi phân trâu mới tinh, vài con ruồi xanh rập rình bay quanh ở cửa An Hoà ngoài Huế. Chính mồ hôi nước mắt của con người Việt Nam đã quyện thành cái mùi không gian và thời gian xứ Việt. Khi máy bay rời xa về lại Mỹ, ông thấy nhớ và thèm miếng cà hấp dầm nước mắm tỏi trưa 29 tháng Chạp ở nhà Doãn Quốc Sỹ; cọng rau dền chấm nước ruốc kho tôm ớt của cô Tâm ở Huế.

 

Ai bảo miếng ăn là miếng tồi tàn? Không, miếng ăn quí lắm chớ. Nó làm cho mình nhớ lại một thời. Lòng ái quốc là gì, nếu không phải là lòng yêu những món ngon mà mình được ăn hồi nhỏ? Câu hỏi của nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường đã được cố nghệ sĩ Võ Đình gián tiếp trả lời qua mấy tiểu luận khi nói về quê hương trong các bài Một Món Tết Thật Mặn Mà. Menu ăn thời nhỏ do chính mẹ hay chị ông nấu: các thứ cá kho khô, kho nước, các thứ xào nhiều rau ít thịt, canh rau muống, canh tần ô, dưa cải muối trường, dưa giá, muối sả, và ruốc kho mỡ những ngảy đông rét mướt. Nhà văn/họa sĩ viết: “Những món ăn xoàng xĩnh nghèo nàn xứ Huế đã thấm sâu, thấm bền nhất vào tâm hồn chúng tôi”. Những ngày ở Paris, thời sinh viên ông chỉ mong sao kiếm ra được một muỗng mắm ruốc thật mặn, thật hôi thôi. Ông được “bạn bè mến mộ hết lòng” là người chế biến ra được món đặc sản Huế bún bò giò heo ở một nơi không có giò heo, không sả, không ruốc.

 

Huế đặc sệt

 

Ông kể lại năm 1961, ông suýt ngã ngửa bất tỉnh vì mùi ruốc Hong Kong Lee kum kee. Tết 1974 khi về Huế Võ Đình có cảm tưởng đã đi ngược chiều thời gian, “tôi sống trong hiện tại lẫn quá khứ cùng một lúc”. Ông nghe thấy giọng nói quê hương vẫn còn đó. Huế của cố nghệ sĩ không phải là sông Hương, núi Ngự, đền đài lăng tẩm; Huế của Võ Đình là cửa thành cổ kính, rêu phong loang lổ; là vũng nước mưa vẩn bùn ở cửa thành Thượng Tứ; là những khu vắng vẻ trong thành nội đường sá tối om; là cái miếu nhỏ với ánh đèn thờ leo lét chiếu xuống mặt nước đen ngòm của hồ Mưng; Huế còn là mùi hương trầm ngào ngạt bay từ vườn nhà này sang vườn nhà khác trong đêm ba mươi Tết với cây chanh, gốc mai trước sân, bụi chuối, cây mít, cây vải sau vườn.

 

Tự nhận là đứa con xứ Huế, nên cố nghệ sĩ rất mặn mà với chốn thần kinh. Giọng nói Huế rặc; đôi khi rất mệ. Võ Đình là một người đàn ông Huế đặc sệt. Ông khéo tay; rành rõi trong công việc nhà: xốc vác, bửa củi, sửa xe, làm vườn, nấu ăn, trồng cây. Thận trọng trong việc giao du. Đêm khuya ông ngâm thơ theo lối Huế rất thấm; kể chuyện tiếu lâm thì khỏi chê. Một tay nhậu có hạng. Văn thơ Việt ông đọc nhiều, theo dõi khá kỹ. Võ Đình thuộc nòi tình, có ba vợ và liên hệ với một người mà một thời ai ở D.C cũng biết. Ông viết về người đó với hai chữ B.M trong bài Cuối Năm Nhớ Khái Hưng. Hai vợ đầu chị trước đi tu, sau cưới cô em; thuộc dòng dõi Anh Cát Lợi chính thống. Có hai gái với hai người. Vợ thứ ba là Trần Thị Lai Hồng. Lê thị Huệ cho biết đó là người tình cũ. Hồi 12,13 tuổi họ đã tì tẹo với nhau.

 

Họa sĩ/nhà văn họ Võ và Trần Thị Lai Hồng dọn về Florida phía Đông Nam Hoa Kỳ khoảng đầu thập niên 90. Đây là một miền biển có nhiều tùng, bách và các loài dừa, kè, thốt nốt. Ông ở vùng này cho đến khi qua đời. Trước đó, Võ Đình ngụ tại một góc núi miền Tây Bắc bang Maryland trong một ngôi nhà cổ hai trăm năm ở trên cùng một ngọn đồi cao tựa lưng vào chân núi South Mountain. Võ Đình mô tả núi giống như một con cá sấu đen tuyền lổm ngổm bò xuống nước. Đầu thập niên 80, ông chở tôi tới ở lại nhà ông hai ngày. Nhà cửa, vườn tược y hệt như một vùng quê ở miền trung xứ Việt. Nhờ viếng nơi trú của Võ Đình, tôi đã học lóm ở ông cách kho cá hộp ăn với dưa chua và ních đã đời món rau dền đỏ luộc chấm nước ruốc tôm kho đánh. Nghề bếp núc của tôi có thêm hai món.

 

Một ngày lý tưởng của nghệ sĩ Võ Đình là, sáng tối hai lần, hương thơm một nén bay nghi ngút, chuông đồng ba tiếng gióng thênh thang… Và tưới vườn rau Kinh giới Nhất Hạnh, tía tô Võ Phiến, bạc hà Hồ Bưu, sả Dạ Khê, húng quế Viễn Phố. Khuya tối luyện yoga. Thông thạo Anh, Pháp; được ông ngoại dạy cho chữ nho hồi 12 tuổi. Cố nghệ sĩ cho biết “tôi hoàn toàn sinh sống nhờ cây cọ của tôi, nghĩa là một cách rất khiêm tốn”. Thỉnh thoảng ông được cơ quan National Endowment for the Art (NEA) tài trợ cho một số nhỏ học bổng (fellowship) để tự túc “làm văn nghệ”: viết lách, dịch thuật, văn thơ, kịch, nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh. Tuy xa Việt Nam từ lâu, văn Việt của Võ Đình rất nhuần nhuyễn, trong sáng. Tựa Sao Có Tiếng Sóng ông lấy từ hai câu thơ của Thâm Tâm: Đưa người ta không đưa qua sông, Sao có tiếng sóng ở trong lòng.

 

Võ Phiến: văn tài thượng hạng

 

Ngoài chuyện sáng tác vẽ và viết, Võ Đình còn có cái thú dịch thuật. Hồi ở Pháp ông đã dịch cuốn Bướm TrắngĐôi Bạn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn sang tiếng Pháp. Sau 1975 vì không thấy thư viện nào có được một tuyển tập Việt Nam, dù Huỳnh Sanh Thông và Nguyễn Ngọc Bích đã ra công thực hiện một số; nên ông mới khởi công dịch văn thơ Việt Nam và thơ của các thiền sư Việt Nam; từ Hán ra Việt, rồi từ Việt sang Anh. Dịch giả họ Võ nói, đây là một việc làm cấp bách với nỗi xót xa. Để bảo tồn gia tài văn học miền Nam (1954 – 1975) ông đã dịch ra Anh văn cuốn Văn học Miền Nam Tổng Quan của Võ Phiến (Literature of South Vietnam, 1954-1975, Vietnamese Language and Culture Publications, Melbourne, Australia, 1992). Theo Võ Phiến, nền văn học thời này đã nói lên “cái tâm trạng của một Miền Nam đầy tin tưởng ở lý tưởng tự do của mình”.

 

Võ Phiến là một tác giả mà nghệ sĩ Võ Đình rất khâm phục: “văn tài thượng hạng”. Ông tôn nhà văn xứ Bình Định là một bậc thầy, một người cầm bút đàn anh. Theo ông, Võ Phiến là “nhà văn có sức quyến rũ mãnh liệt nhất trong các nhà văn viết quốc ngữ từ xưa cho tới bây giờ”. Đã có nhiều người nói về Võ Phiến, duy có Võ Đình là người viết về Võ Phiến làm tôi – tác giả ký sự này - chịu nhất. Trong bài Cái Nét Bất Thường Trong Truyện Võ Phiến, Võ Đình còn nhận định “nhờ có Võ Phiến mà chúng ta được ghé mắt nhìn thấy trọn vẹn hơn, rõ ràng hơn, cái địa thế hiểm trở cùng những ngõ ngách chi li của cái mà chúng ta có thói quen thường gọi là tâm hồn Việt Nam”. Võ Phiến “đã nắm bắt được một chân lý: cái mới lạ ở cái mới lạ không thu hút bằng cái mới lạ ở cái quen thuộc”; vì “cái mới lạ ở cái quen thuộc mới chính thị là cái bất thường”. Tác giả cuốn Văn học Miền Nam có con mắt thấy được cái bất thường hiếm có ai thấy được.

 


    Tranh sơn dầu Võ Đình
     - Tiếng Hát Từ Lòng Đất
-
    Họa Sĩ Vẽ Ký tặng Doãn Quốc Sỹ

Các bài tiểu luận của cố nghệ sĩ đều nhắc tới nhà văn bậc thầy này. Võ Đình tự thú, khi đọc văn Võ Phiến, ông “xúc động mênh mang”. Nó khuấy động nơi ông một tình tự quê hương. Võ Đình nghe được tiếng sóng trong văn chương Võ Phiến. Nó không có âm thanh. Nó trong tiềm thức, trong tâm tưởng. Ông trích câu văn của Võ Phiến khi mô tả tiếng sóng này “Tiếng sóng vỗ ở rất xa, rất xa, mỗi lúc càng ì ầm, câm hãm ở càng xa, xa đến nỗi thành ra mơ hồ”. Võ Đình xác nhận, “Tôi đọc ông, hơn hết, vì ông là người đào thật sâu và biết thật kỹ về ý nghĩa của sự mất mát”. Điều này tạo ra một nỗi buồn vô tận. Một nỗi buồn bất kể thời gian, không gian. Nhưng cũng chính nỗi buồn phát sinh đó đã khiến cho người đọc sung sướng mỗi khi đọc văn Võ Phiến. Cố họa sĩ viết, đọc Võ Phiến tự nhiên người đọc đọc chậm lại, dò từng câu từng chữ. Võ Phiến đích thực là một nghệ sĩ Việt Nam.

 

Võ Phiến và Võ Đình chẳng có bà con chi. Võ Đình tên thật là Võ Đình Mai. Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn (1925 – 2015). Cố họa sĩ đã “giật mình thích thú” khi tình cờ đọc văn của bậc đàn anh lần đầu tiên năm 1967: truyện Chim và Rắn. Ông thấy tác giả Chim và Rắn là một con người đặc thù Việt Nam. Năm 1974 lần đầu tiên về Việt Nam, ông được nhà văn Doãn Quốc Sỹ dẫn đi thăm Võ Phiến. Ông nhận xét Võ Phiến là nhà văn nói về sự mất mát. Trái lại, Doãn Quốc Sỹ là một người có lòng tin bao la và sâu sắc ở sự tồn tại. Võ Đình viết, “mất còn, còn mất, hai nhà văn của chúng ta đã lấy cái vô thường và vĩnh cửu của cuộc nhân sinh để tặng cho chúng ta những bài học về tình yêu; tình yêu cho quê hương dân tộc, tình yêu cho tông tộc gia đình; tình yêu bằng hữu, trai gái. Và tình yêu cho con người, cho cả những con người không ‘đáng’ được yêu”.

 

Mẹ là quê hương Việt Nam

 

Hầu hết bìa sau các tuyển tập của Võ Đình đều có in tiểu sử và hình ông với cái áo nhật bình. Áo do chính tay mẹ ông may cho cha ông và cha ông cho ông mặc. May tay thật kỹ. Cố nghệ sĩ cho biết, “Mỗi năm tôi đem bộ nhật bình ra ngắm nghía vuốt ve hai lần. Tết và Vu Lan. Ngắm nghía vuốt ve thôi không dám mặc”. Vuốt ve để “nhớ lại bàn tay của mẹ tôi. Bà cụ có hai bàn tay thật đẹp. Da tay bà trong như tờ giấy mỏng, thấy cả những đường gân xanh, những mạch máu đỏ li ti”. Mẹ ông trong một thư hồi âm từ Huế thời ông còn ở Pháp đã viết “Thôi chừ chi con đã lớn rồi, con cứ đi theo ý thích của con là cha mẹ vui lòng. Làm mẹ bác sĩ, kỹ sư mô có dễ phải không con, rứa mà làm mẹ nghệ sĩ còn khó hơn đó con ơi!”. Với sự đồng ý của song thân, Võ Đình “lấy cây bút, cây cọ, mảnh vải, ống màu, làm bạn chung thân”.

 

Trước 1975 ông hay nói tiếng Việt một mình để cho cái lưỡi còn khả năng phát âm đúng cách. Kiểu như tập thể dục cho cái lưỡi. Biến cố đổi đời cũng là biến cố nghệ thuật cho bản thân ông. Nhờ Võ Phiến với tờ Văn Học Nghệ Thuật, Võ Đình viết tiếng Việt nhiều hơn. Vì sao? Trong cuốn Rừng Mắm Văn Nghệ ông cho biết, ông yêu tiếng mẹ đẻ – vì mẹ là quê hương Việt Nam - dù rằng ông cũng yêu tiếng Pháp, tiếng Anh lắm lắm và có thể làm ra tiền. Viết tiếng Việt ông cảm nhận sự sống tuôn chảy từ cân não. Viết là sống; là để gìn giữ cái tròn, cái đầy của thâm tâm. Những bài tản mạn về chuyện đời, chuyện người, chuyện viết, chuyện nghệ thuật cho thấy cố nghệ sĩ là một nhà văn điêu luyện trong việc xử dụng chữ nghĩa và đọc rộng biết nhiều về văn học nghệ thuật Đông Tây.

 

Nhà-văn-họa-sĩ Võ Đình thọ 76 tuổi, qua đời tại nhà ở West Palm Beach, ngày 31 tháng 5, 2009 vì bệnh Progress supranuclear Palsy suy thoái não, một bệnh rất hiếm, tỷ lệ 1/100,000. Theo cố họa sĩ, hội họa là một ngôn ngữ của thâm tâm; một phương cách biểu hiện của con người trước thực tại. Và thực tại thì luôn luôn chuyển động, luôn luôn biến hóa, thực tại là thường trong cõi vô thường. Một câu trong cuốn Đẹp của Khái Hưng (1876-1947) - bị Cọng sản bắt mất tích sau Tết Ðinh Hợi (22/1/1947) - đã ảnh hưởng không ít đời Võ Đình từ thuở niên thiếu: “Một bức tranh không khác gì một bài thơ hay một thiên tiểu thuyết”; và câu: “Người họa sĩ suy tưởng với cây cọ trong tay” của Paul Cézanne (1839-1906), ông thánh tổ của nền hội họa hiện đại.

 

Công trình văn học của Nghệ sĩ Võ Đình được ghi nhận trong: Nhân Vật Việt Nam (1974), Thơ văn Việt Nam Hải ngoại (1985), Hai mươi năm Văn học Nghệ thuật Việt Nam Hải Ngoại (1975-1995) . Who’s Who in American Art, Contemporary Authors, Printworld, Christopher Award, Literature Program Fellowship of the National Endowment of the Arts (Washington). Tác phẩm của ông được ấn hành bởi nhà Văn Nghệ và Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ./. 

Phan Thanh Tâm
California, Dec 2019 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.