Oct 03, 2024

Truyện ngắn

Tiếng Hát Giết Người
Vũ Huy Quang Thăng Long Văn Sĩ * đăng lúc 12:16:54 PM, Mar 09, 2023 * Số lần xem: 2639
Hình ảnh
#1
#2
#3
#4
#5
#6
#7

 

         
        
       

 
Vũ H Quang- Huệthu- Tô Ngọc 

Tiếng Hát Giết Người
Vũ Huy Quang
 
Mấy khi rồng gặp mây đây
Cho rồng thỏ thẻ với mây vài lời
Nửa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây
(Ca dao)
 
Hà Đông Tô Ngọc, tính khí thông hoạt phong độ trưởng giả, lại có tài làm thơ, hiềm vì tính khí khô khan nên ít người biết tiếng .

Thuở nhỏ mồ côi cha, cố giữ nếp nhà chỉ quanh quẩn trông nom mẹ già... Suốt ngày đọc sách, nên việc học thì thông, việc đời tuyệt không có kinh nghiệm gì Chàng từ nhỏ chỉ giao du với hai người bạn, cả hai đều cưới vợ rất sớm, chả may lúc luân lạc xứ lạ phong tục đổi thay, lòng người cũng khó lòng mà chuyên nhất, hai bạn đều bị vợ bỏ Hà sinh do đó mà càng căm ghét nữ nhân, mỗi lần đi đường hay nơi tiệc tùng trông thấy đàn bà con gái bèn tỏ thái độ nghiến răng trợn mắt... y như thấy quân thù quân hằn vây.

Sinh ưa thích khoa học từ nhỏ, đậu trường tỉnh xong liền thi vào y khoa, môn nào cũng đậu khảo hạch dễ dàng, tuy nhiên vì không biết gì về thân thể đàn bà (bởi cứ nuôi mãi hiềm khích với nữ nhân), nên gặp đề thi chót về sinh lý phụ nữ, Sinh trả lời sai bét hết liền bị đánh hỏng Sau đó đành chuyển sang học ngành răng lợi, những mong giúp ích được cho đời .
Sống một mình cho mãi đến hơn bốn mươi tuổi mà vẫn nuôi ý chí từ nhỏ là chỉ đọc sách, chơi với bạn học cũ, tính càng ngày càng khô khan, ảnh hưởng đến thân thể nên mỗi năm một gầy thêm, mặt mũi vẫn đoan chính nhưng xác thì lép như xác ve vậy. Một tối đi kiếm nhà người quen, không dè lạc vào nơi đông đúc, bị người ta xô đẩy mãi vào trong... sức yếu không cưỡng lại được, chả bao lâu quay qua quay lại, thấy đã ngồi giữa một phòng lớn đang có trình diễn ca nhac. Trên sâu khấu lúc ấy một nam ca sĩ vừa hát xong lui vào, người ta vỗ tay vang dậy để mừng một cô ca sỹ mặt hoa da phấn bước ra. Sinh nhác thấy đàn bà thì bực mình, liền nhắm mắt lại ý muốn đi ra ngay nhưng chưa đi được ... Bỗng tiếng đàn sáo ngưng bặt như tờ, một giọng hát uyển chuyển cất lên. Cô ca sĩ hát hai ba bài liền, giọng ca hồn nhiên ngây thơ, bài nào cũng gợi lại thời thơ ấu của Sinh, lúc vui lúc buồn... linh hoạt vô chừng. Hà Sinh bị rung động mãnh liệt, mới hé mắt nhìn, thấy nàng ta chừng đôi chín, dáng tầm thước, mắt đen láy, đôi tay trắng nuột nà thỉnh thoảng đưa lên đưa xuống như đang vuốt ve người vô hình, làm lòng chàng trai độc thân lâu nay bỗng rạo rực thấy như mỹ nhân hát tặng riêng mình vậy. Từ nhỏ sống đời khô khan chưa được nghe giọng êm dịu như thế bao giờ. Sinh cảm động lảo đảo theo giòng người ra cửa để ra về, thì tình cờ làm sao, chạm mặt cô nàng, lúc ấy hát xong cũng ra về cùng lúc.

Sinh ngây ngất , vừa yêu vừa giận, trợn mắt nhìn nàng. Mỹ nhân thấy lạ tủm tỉm cười rồi tháo chiếc gù ở mũ mà tặng cho Sinh. Nàng nghĩ bụng: người đâu có người lạ đời, mắt thì như mắt giặc mà miệng thì lầu bầu chả thốt được lời cảm ơn nào...!

Sinh cầm cái gù về nhà, giở sách thánh hiền ra đọc, tự cho hình sắc là giả dối, sắc đẹp chỉ lừa gạt người, âm thanh là huyễn mộng nên tránh xa đi là hơn. Bèn treo cái gù nơi góc nhà, bạn đến chơi hỏi han cũng chỉ ậm ừ qua chuyện. Một hôm bào huynh ở xa tới thăm em, Sinh dọn lại nhà cửa để đón tiếp, nghĩ mình sống thanh bạch lâu nay, mân mê cái gù muốn vứt bỏ (ý không muốn giữ đồ kỷ niệm của đàn bà con gái) thì lạ thay cái gù nhỏ mềm mại bỗng như tỏa mùi hương thơm. Sinh ngạc nhiên lắm, để ý nghiệm rằng người khác cầm vào thì không sao, cứ hễ mình sờ tới lại như có mùi hương kín đáo tỏa ra quyện vào nơi tay vậy. Có ý dò tìm tung tích cô nàng, thì biết là một mỹ nhân bắt đầu nổi tiếng trong giới ca nhạc, hiệu là Thiên Sắc, người ta đang ái mộ đông lắm. Nàng càng nỗi tiếng Sinh càng tủi thân, mỗi lần đi đâu nghe nhắc tên nàng Sinh đều như ngây như dại .

Tính dần đổi thay, hay gắt gỏng, ghen tuông vô cớ . Một lần người ta trỏ vào cây liễu mà khoe rằng chỗ này Thiên Sắc đã từng đứng dựa vào cây cho hoạ sĩ hoạ hình Sinh đợi trời tối lập tức cầm rìu mà chặt cả cây, vì ghen với cây đã được nàng dựa lưng vào. Lại có lần người ta trỏ vào ghế mà bảo Thiên Sắc đã từng ngồi vào ghế này Sinh cũng tỏ ý ghen tuông, lấy rìu mà chẻ cả ghế (Vì ghen với cái ghế vô tri còn được nàng ngồi lên, còn mình thì hẩm hiu không ai đoái hoài).

Tính tình mỗi ngày một hung dữ, uống rượu với bạn mà hoa chân múa tay hăm doạ sẽ hỏi tội ban nhạc đàn ông hay hát bè hai với nàng. Nói rằng "chắc mấy gả ấy phải có tình ý gì mới phụ hoạ nhịp nhàng với nàng như vậy". Tính càng ngày càng kỳ quái, chỉ có lúc đi làm, ra phòng mạch còn giữ lòng được bình tĩnh mà thôi. Tuy nhiên tình ý hoang mang cũng có lần nhổ răng lầm người...!!!
 
Bạn học cũ ,có hai người từ xa tới thăm, đều làm nghề đạo sĩ. Người anh biệt hiệu là Thái Nguyên, người em tên Khánh, vì đi đứng đầu hay lúc lắc, nên có đạo hiệu là Khánh Lắc. Đạo Sĩ lớn tưổi (tên Thái Nguyên) thấy Sinh càng ngày càng điên khùng mới nói: Tôi nghe tiên sinh đọc sách đã lâu chắc biết câu: "Tôn chỉ hợp nhau, mà cách thi hành khác nhau, có khi phải dùng lễ để khen, có khi phải dùng hình để phạt, cho nên không thể cùng lúc vừa biểu dương, vừa dùng để giết được"(1) sự việc trên đời phải tuỳ cách áp dụng khác nhau mới đạt được kết quả như ý muốn.
Tiên sinh tha thiết với ca sĩ Thiên Sắc, liệu có biết làm gì để biểu lộ lòng yêu thương, hay chỉ dùng sự ghen tuông để tỏ lộ uất ức của riêng mình? Đàn bà con gái dù đẹp đến đâu, cũng không phải là người trời. Nếu người trời mà nhân gian lúc nào cũng gặp được, thì con người ta ai mà đi tu làm cái gì. Tỉnh ngộ đi thôi. Sinh nghe xong càng như mê như muội.

Từ đó về sau, tuy cố tu tỉnh, nhưng mỗi khi đi đâu, nếu chợt nghe giọng ca của nàng từ máy phát thanh trong các phạn điếm, tâm hồn bừng bừng, tấm lòng nhớ tiếng nói tổ tiên, thời gian quá khứ, lại như điên cuồng. Một hôm suy nghĩ tự bào chữa rằng: ca sĩ trên đời rất nhiều nhưng ai mà nói giọng uyển chuyển như Thiên Sắc? Nàng ca bài nào cũng hay, mà cất giọng hát thì lời nương theo nhạc, chữ tìm thì phát âm thành tiềm, chữ thảo thì hát thành thão ... thật là kỳ nữ muôn đời khó gặp, kiếp này nếu không lấy được nhau, nếu chết đi thì uổng một đời ta hy sinh cho khoa học..."

Về sau cứ bỏ ăn bỏ ngủ, ốm liệt giường, có lúc thần hồn lai tỉnh được mấy ngày, nhưng hễ nghe giọng hát của Thiên Sắc lại bủn rủn tay chân, trở bênh cả tháng, thật là tiếng hát có thể giết đước người. Bào huynh thương em ở xa lại thăm, săn sóc thuốc thang bệnh tình hơi thuyên giảm. Có người hàng xóm hay ganh ghét Hà Sinh, đã lâu biết truyện, vặn nhạc của Thiên Sắc to ầm ĩ. Sinh sắp lành bệnh lại nghe giọng nàng lập tức hôn mê như cũ. Riết rồi chuyện đến tai mỹ nhân, nàng nghe được, thương lắm, đích thân tìm đến chàng , nhỏ nhẹ hỏi han, rồi cảm vì lòng thành của chàng trai già tuổi sắp xế chiều, thuận cùng xe tơ kết tóc, Sinh mừng như người bắt được của.

Hai người tuy chung sống, Sinh vẫn cho vợ là người nhà trời, buổi tối nằm riêng, Thiên Sắc chiều chuộng giải thích đủ lẽ Sinh vẫn không muốn hiểu nàng chỉ là người thường. Đạo Sĩ Thái Nguyên có hôm lại chơi, bực mình mới lôi Sinh ra một chỗ giảng giải rằng : "Con người ta hễ mà có sinh lão bệnh tử, thì cũng là người ta. Nay tiên sinh lấy được vợ hát hay mà vẫn cứ kính ngưỡng, khúm núm coi như là người trời, thật là mất thú nhân gian. Nếu chị nhà quả thật người trời, thì không cần không khí phàm tục này để thở. Vậy nay tôi có một mẹo nhỏ thì rõ chị nhà có phải là người ta hay không "Sinh khăng khăng rằng lấy vợ hát hay đến thế thì đúng là người trời không thể bờm xơm được. Đạo sĩ bày kế: chỉ đợi nàng ngủ say, lấy một sợi tóc mà ngoáy vào mũi, nếu mà hắt hơi thì đúng là người dương gian mà thôi". Sinh nghe lời, quả thật Thiên Sắc bị giật mình, hắt hơi y như người thường vậy. Do đó tỉnh ngộ.

Từ đó hai người ngủ chung, sinh con đẻ cái y như người ta. Có điều Sinh quá ngưỡng mộ vợ, mỗi khi thích nghe hát thì mời vợ ngồi trên giường cao ca hát mặt vẫn cứ ngẩn ngơ như hồi mới gặp.

Về sau cũng đẻ được đứa con trai, thằng bé lớn lên ham đọc sách mà cũng thích nghe đờn ca y như bố.

Cuối năm Dần ta đi lên chơi đất San Hô, ngụ tại nhà Bùi Công có được thuật lại chuyện này rất rõ ràng.

(1) câu này dựa theo ý của Liễu Tôn Nguyên trong bài nghị luận nổi tiếng: Bác Phục Thù Nghị,kì bản tắc hợp, kì dung tắc dị, tình dữ chu, Mạc đắc nhi tịnh yên

Lời Bàn

Ở trên đời không có gì sướng bằng tự mình bàn lấy truyện của mình viết ra. Người Trung Hoa được tiếng là thâm thuý, người Âu Mỹ được tiếng là nghĩa lý, thế mà các tác giả của họ, chỉ vì không chịu bàn lấy, đùn người khác bàn giùm, có khi phải đợi hết hai ba trăm năm sau, mà vẫn không lột hết cái hay ra .

Người khác bàn truyện mình không làm sao đúng ý như mình hoàn toàn như mình tự bàn . Lý do là hơn ai hết, người viết biết chắc mình viết hay ở chỗ nào: không ai hiểu mình bằng mình, không ai thương mình bằng mình (Mình không thương mình thì ai thương mình ?) Thí dụ như truyện trên đây thật là hay quá, nói được tất cả sự ngây ngô của anh học trò hủ nho . Xã hội chia làm bốn loại: Sĩ Nông Công Thương , ấy là thời cổ, về sau còn bao nhiêu loại khác nữa, nhưng dễ thương nhất là người hành nghề ca si .

Âm thanh là của đất trời, các ca sĩ nắm được võ khí lợi hại ấy, thành thử không ai không hát hay . Họ không dung giọng hát của họ để giết ai, nhan đề “ Tiếng Hát Giết người” thật ra hơi quá đáng một chút, chắc tại bọn thính giả ái mộ quá độ nên mới tự mình hại mình, nghe hát mà phát ốm phát đau, cũng được kể là sự say đắm rõ rệt lắm .

Ở hải ngoại, càng xa quê hương càng nhớ nguồn, các ca sĩ hát nhạc bằng tiếng nói quê hương lại càng làm đồng hương hăng say bảo tồn ngôn ngữ, thật là một điểm son. Nhưng khi đợi tới kẻ ái mộ phát ốm gần chết mới lại an ùi, thì như cô ca sĩ trong truyện này, kể ra cũng hơi kém . Người tinh thì nên lại thăm ngay từ lúc mới nhìn nhau để thành mối lương duyên cho đỡ phí thì giờ mới phải …

Hỡi ôi ! Việc đời nếu lúc nào cũng mau mắn được thế thì đã thành truyện được ru !


Tác Giả Vũ Huy Quang (Thăng Long Văn Sĩ)


                     See the source image

Lời Luận

Đọc xong truyện Tiếng Hát Giết Người, kẻ hàn sĩ này nức nở khen rằng thật là tuyệt mỹ . Khen xong bèn đọc lại, đọc lại cang thấy thú …song lại nhận ra rằng truyện thật là toàn mỹ nếu không có một sơ xuất rất vô tình . Câu mở đầu lầm lẫn quá đáng – anh chàng nan du cả đời chỉ có hai người bạn - giống kẻ hàn sĩ này, có tên Tô Ngọc vốn nòi chuốt hồng ắt hản không thể có quê quán ở xứ Hà Đông - Tất là chàng Hà Nam Tô Ngọc, nơi của nòi tình . Yêu thiên niên thì ai bằng Hà Nam Nguyễn Khuyến, Yêu các ca lâu tửu quán không thể ai khác hơn Hà Nam Tú Xương, mà yêu tiếng hát giết người thì ai bằng Hà Nam thi sĩ tức tại hạ .
Tại hạ không những yêu tiếng hát giết người , mà còn yêu cả tiếng hát ấy khi chuyển qua điệu ngâm thơ, không những giết người mà còn giết cả mình, tại hạ vẫn yêu Bồ Tùng Linh viết “người chết thành ma, ma chết thành mị” . Tại hạ có thành ma, tại hạ vẫn yêu tiếng hát ấy . Nếu là ma tại hạ chết thành mị , tại hạ vẫn yêu gọng ngâm thơ ấy. Nếu là mị tại hạ chết thành mọ - chỗ này chưa thấy Bồ Tùng Linh Nói - tại hạ sẽ còn yêu giọng nói ấy . Thế cho nên Tô Ngọc thì hỏng hoài chỉ vì mỹ nhân thì có gì lạ đâu? Có khác chi tại hạ? Tô Ngọc ghen tuông vô cớ chặt cả cái cây người đẹp tựa vào, thì có gì lạ đâu ? Có khác chi tại hạ . Tại hạ từng xì lốp xe mọi cái nàng ngồi lên. Tại hạ từng mắng mỏ lung tung giữa đám đông vì họ đã dám lung lăng đàm đạo với nàng . Tô Ngọc kính ngưỡng tiếng hát giết mình, thì có gì lạ đâu ? Tại hạ từng kính cẩn giọng ngâm giết mình từ tháng này qua năm khác . Thế cho nên Tô Ngọc không thể là người Hà Đông được . Tô Ngọc ắt hẳn là người Hà Nam như tại hạ vậy . Ấy sửa lại cho đúng thì Tiếng Hát giết người là áng văn chương của muôn đời vậy

Viên Linh

 (Nguồn: trích 10 truyện Tân Liêu Trai của Thăng Long Văn Sĩ - Tân Thư xuất bản , California 1989)
 
QUYỂN SÁCH MÀ TÔI THÍCH NHẤT
 
Là quyển này: “10 Truyện Tân Liêu Trai” của ông Thăng Long Văn Sĩ, một trong những bút hiệu của Vũ Huy Quang.
 
Tại sao trưng lên đây quyển sách này?
Là vì, qua FB, tôi có được anh Vĩnh Đào mời tham gia một trò chơi, được giải thích là: “Đăng liên tiếp trong mười ngày, mỗi ngày hình bìa của một trong mười quyển sách thích nhất, và mỗi ngày mời một người bạn cùng tham gia”
 
Anh Vĩnh Đào là tác giả cuốn “Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ” mới xuất bản đầu năm 2020 này, hiện cư ngụ tại một vùng quê miền Tây nước Pháp.
 
Tôi bối rối nên có viết mấy câu hỏi: “Tham gia như thế nào, xin lỗi anh, tôi không được rõ?”.
Anh Vĩnh Đào trả lời “Nếu anh tham gia thì mỗi ngày anh đăng hình bìa của một quyển sách anh thích trong 10 ngày như vậy, vậy là 10 quyển sách. Thêm vào đó, mỗi ngày anh cũng mời một người bạn tham gia trò chơi. Rồi người đó cũng đăng hình bìa sách v.v. Mục đích là làm lan rộng tính yêu sách. Tuy nhiên đây chỉ là một trò chơi. Anh có thể tham gia hoặc không, tùy thích.”
Việc này làm tôi suy nghĩ hai ngày. (Bên những suy nghĩ linh tinh về Covid 19, về ông Trump tập họp ở Tulsa, Tầu với Ấn Độ đánh nhau ở biên giới v.v…)
 
Mà phải suy nghĩ chớ? Giả như bây giờ chụp ảnh quyển sách mình viết mà đưa lên thì người ta bảo mình thiếu khiêm tốn. Còn những cuốn sách hay trong thiên hạ thì thiên kinh vạn quyển, biết lựa 10 cuốn nào.
 
Suy nghĩ lung. Bèn chọn chỉ một quyển thôi: “10 TRUYỆN TÂN LIÊU TRAI” của THĂNG LONG VĂN SĨ Vũ Huy Quang.
 
Quyển này mỏng. 140 trang. In ở California năm 1989. Quyển này ông Thăng Long viết lăng nhăng, bông đùa chuyện nọ sang chuyện kia. Bấy giờ người Việt vẫn còn mới mẻ và đang hoang mang trên đất Mỹ.
 
Lạ một cái là những trưởng lão nghiêm chỉnh trong văn giới di tản bấy giờ cũng xúm vào mà cười cợt. Cụ Nghiêm Xuân Hồng viết tựa. Các cụ Võ Phiến, Nhật Tiến…với cả hơn hai chục văn thi hoạ sĩ đều dự vào quyển sách mỏng này với đủ thứ văn, thơ, hình vẽ: Nghiêm Xuân Hồng, Ruth Talovich, Nhật Tiến, Nguyên Khai, Phạm Văn Hải, Khánh Trường, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn thị Hợp, Đỗ Năng An, Xuân Vũ, Nguyễn Trọng Khôi, Đỗ Kh. Ngọc Dũng, Võ Phiến, Viên Linh, Thái Tuấn, Bùi Ngọc Tô, Nguyễn Xuân Hoàng , tất cũng có mặt tôi.
 
Hay!
Tâm hồn Vũ Huy Quang - như nhiều người khác - có thể rất mâu thuẫn giữa những suy nghĩ phức tạp với sự giản dị hồn nhiên trong sáng. Anh cũng suy nghĩ về Kafka, viết những cuốn Nơi Trại Trừng Giới, Đường Lên Trời, Chuyện Triết Lý, tiểu thuyết Tranh Tối Tranh Sáng… và sau này chìm đắm với việc nghiên cứu Đệ Tứ Quốc Tế cho đến khi qua đời. Nhưng đối với tôi và nhiều bạn hữu khác thì những nụ cười hồn nhiên, những lời bông đùa dí dỏm với văn chương láu lỉnh của anh là đẹp nhất.
 
Xin cảm ơn anh Vĩnh Đào có lời mời tôi tham dự trò chơi cho vui, nhưng tôi chỉ lựa được một cuốn, mà cũng không biết mời ai, nên chỉ xin dự một lần thôi.
 
Nhân cuốn sách của VHQ, ngồi xem lại ít hình ảnh ngày lễ cầu siêu cho VHQ ở Quận Cam hôm 11 tháng 2, 2017…Thấy cái hũ tro của Nguyễn Mộng Giác đặt trong ngôi chùa ….Các văn nhân nghệ sĩ quen biết ra đi đã nhiều lắm .
 
Thấy trong ảnh hôm ấy có cụ Nhật Tiến lọm khọm tìm đến. Chẳng biết cụ còn khỏe không. Bạn nào ở Cali làm ơn cho biết tin
 
            


 

                

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.