Apr 20, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Phật giáo nguyên thủy?
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:47:44 AM, Jul 28, 2008 * Số lần xem: 2281
Hình ảnh
#1
Phật giáo nguyên thủy?

Mỗi ngày tôi phải làm một công việc không thể quên không thể thiếu: đọc kinh nhật tụng. Ðọc kinh buổi sáng, đọc kinh buổi tối. Tôi có người chị, chị Ðán, hơn tôi bốn tuổi, rất sùng đạo Phật, thọ trai từ lâu, chỉ mỗi một ngày, hằng đêm chị đọc kinh, sau đó ngồi thiền rất lâu. Tuổi tuy đã cao song chị vẫn còn tương đối khỏe mạnh. Từ lúc còn nhỏ, hai chị em tôi vốn có khuynh hướng theo đạo Phật, tuy chúng tôi không biết phải đọc kinh những gì, ngoại trừ ngày rằm mùng một đọc những câu kinh quen thuộc “ nam mô A Di Ðà Phật” và “ nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Riêng câu kinh niệm Quán Thế Âm Bồ Tát hai đứa chúng tôi hoàn toàn không biết, bởi không một người nào hướng dẫn vẽ bày chỉ cách. Ngày rằm mùng một chúng tôi cũng thọ trai cũng ăn chay một ngày hai bữa, chúng tôi ăn chay cơm trắng với... muối ớt. Trên bàn thờ, chúng tôi không có một bức tượng hoặc một tranh, một tấm ảnh nào vẽ lại đức Phật. Thấy hai con có vẻ mộ đạo sùng đạo như thế, một lần nọ mẹ chúng tôi nói chuyện có ý khuyên bảo đề nghị:

Mấy đứa con không cần phải niệm Phật ăn chay hằng ngày như thế đâu. Mẹ nghĩ không cần ăn chay, chẳng cần đọc kinh niệm Phật, chỉ cần ăn ngay ở lành là được. Còn nhỏ mà ăn chay đọc kinh niệm Phật nỗi gì?

Nghe mẹ chúng tôi khuyên bảo đề nghị như thế, hai chúng tôi lặng lẽ không kèn không trống giã từ Phật giáo. Chúng tôi bắt đầu cùng nhau ăn mặn, tệ hại hơn nữa sát sinh, bắt cá bắn chim, đào cua thả rập. Ngày rằm mùng một hai chị em rủ nhau mua tương tại chùa Kim Long, ngôi chùa trước đây nghèo nàn thanh bạch, chỉ làm tương bằng cơm nguội nêm muối hột vào chúng tôi thấy... mặn chát. Càng tệ hại hơn nữa vào một buổi trưa sau khi cơm xong, hai mẹ con rủ nhau bắt dắt tại bến Bè, một con sông chảy ngang qua cầu Chợ Mới, ngang qua bến Ðò rồi xuôi ra biển. Chúng tôi thật sự chẳng có ý niệm gì về tạo nghiệp sát sinh cả. Luân hồi triền miên, nghiệp báo chồng chất.Bài hát “ Trầm hương đốt” không nhớ ai đã bày giúp tôi học thuộc lòng từ lúc tôi còn tấm bé giờ đã chìm sâu trong lãng quên hoặc đã đi vào vô thức. Nhưng mà bài hát “ Trầm hương đốt” ấy ai là tác giả, ai là nhạc sĩ đã từ rất lâu sáng tác?” Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật ư ứ. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật ư ừ ư”, mỗi lần hình dung một tăng đoàn gồm tăng ni phật tử đều quỳ niệm kinh phục lạy một cách nghiêm cẩn thành kính, tôi thấy trong hồn tôi lâng lâng thoát tục tưởng chừng vượt qua sông Mê bến Giác không còn mong ước điều gì.

Rồi tôi tiếp tục con đường học vấn, giã từ trung học tập tễnh bước vào ngưỡng cửa đại học ban môn triết học. Tôi được thụ huấn bởi các giáo sư phần đông là những người nước ngoài đều có cấp bằng học vị thạc sĩ, tiến sĩ hoặc cử nhân. Hầu hết các giáo sư đại học ấy đều là những linh mục được thụ phong từ các tu viện Công giáo, như cha Pineau, cha Gaultier, cha Gagnon, cha Bouyer, cha Palacios, cha Cras, cha Raguin,ngoại trừ một linh mục duy nhất Việt Nam là linh mục Bửu Dưỡng, một sư huynh Frère Pierre, tục danh Trần văn Nghiêm.Lại thêm một giáo sư người Pháp, thuộc miền Alsace, tên Michel Piclin, đậu thạc sĩ Triết đại học Sorbonne, chỉ sau một khóa trường “École Normale “ giáo sư thạc sĩ Trần đức Thảo, nổi danh giáo sư vĩ cầm kiêm danh ca giọng trầm. Viện trưởng viện đại học Ðà Lạt là vị giám mục quản nhiệm giáo phận Vĩnh Long Joseph Trần văn Thiện. Giám mục Thiện kiêm luôn chức giáo sư môn Pháp văn trường đại học sư phạm.

Vào ngày chủ nhật, sinh viên nội trú của trường theo Công giáo đều phải dậy sớm y phục tươm tất để đi lễ. Giáo đường là một gian phòng dành riêng cho lớp học, những tín đồ Công giáo đều làm lễ tại giáo đường ấy. Ngoài những tín đồ sinh viên Công giáo, những sinh viên khác “ngoại đạo”, chúng tôi có quyền tiếp tục ngủ... nướng trùm chăn kín mít. Ngủ nướng là một thích thú đối với những ai ăn học xa nhà.
Suýt nữa tôi quên một linh mục giáo sư cũng giảng dạy tại trường đại học này là linh mục Larre. Năm thứ hai ban triết, linh mục Larre giảng về triết học Trung Hoa, chuyên về Lão giáo,” Ðạo khả đạo phi thường Ðạo, danh khả danh phi thường, vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu,cố, thường vô vật dĩ quan kỳ diệu, thường hữu vật dĩ quan kỳ kiếu, thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh, đồng vị chi huyền, huyền chi hựu huyền chúng diệu chi môn.” Linh mục Larre và giáo sư Nghiêm Toản đã cắt nghĩa giải thích đã vất vả khó khăn như thế nào, ngày nay hơn hai mươi năm trí nhớ đã lu mờ mù mịt.
Vào năm thứ ba, chúng tôi cùng thọ giáo linh mục dòng Tên Jésuite Raguin. Linh mục này người gầy và cao lêu nghêu, khiến linh mục Pineau đã gọi đùa rằng “notre révérant père aux longues jambes”. Nhìn chung, tập đoàn giáo sư này đều hiền lành vui vẻ đặc biệt cha Cras, tính tình khoan dung hòa nhã, thông thạo tiếng Việt, chuyên nói về sách”Ðại Học” của Khổng Tử. Cha Raguin giảng về triết học Ấn Ðộ, ban đầu nói về kinh Vệ Ðà( Rig-Véda), sau đó nói về Ấn Ðộ giáo(Hindouisme), tiếp theo nói về Bà La Môn giáo(Brahmanisme), sau cùng giảng về Phật giáo(Boudhisme).Từ năm thứ nhất qua năm thứ hai, cha Cras giảng dạy chúng tôi về triết lý Khổng Tử với tác phẩm “Ðại học” gối đầu giường: đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện. Mỗi tuần một buổi học, cha Cras cũng còn trích giảng” explications philosophiques” mà tác giả phần đông là Charles Péguy, Henri Bergson, Ferdinand Alquié vân vân. Linh mục Raguin nói về triết học Phật giáo, về Tiểu Thừa( Petite Véhicule), về Ðại Thừa( Grande Véhicule). Tôi có đọc tác phẩm nặng về tham khảo và về nghiên cứu của giáo sư Nguyễn văn Trung: “Biện Chứng Giải thoát trong Phật Giáo”. Tôi cũng đã đọc những bài tiểu luận có giá trị triết học của linh mục Trần thái Ðỉnh: Quan niệm vô ngã trong triết học Phật giáo. Khi nghiên cứu triết học Ấn Ðộ nói chung và triết học Phật giáo nói riêng, linh mục Trần thái Ðỉnh đi tới một số khẳng định là: vạn sự khổ; mà vạn sự khổ vì vạn sự vô thường; mà vạn sự vô thường vì vạn sự vô ngã. Nền tảng chủ trương của triết học Phật giáo Tiểu Thừa nói cho đúng Phật giáo Nguyên thủy là triết học vô ngã. Quan niệm này trái với quan niệm Bà La Môn giáo. Trong lúc triết học Phật giáo Tiểu thừa chủ trương triết học vô ngã, Bà La Môn giáo chủ trương có linh hồn, phủ nhận vô ngã. Mỗi thế giới là một Ðại Ngã, mỗi linh hồn là một Tiểu Ngã ấy bàng bạc cùng khắp Ðại Ngã. Ðến khi chết, Tiểu Ngã sẽ tan vào trong đại linh hồn là Ðại Ngã ấy.

Viết đến đây, tôi liên tưởng triết gia thế kỷ mười bảy Spinoza đã bị giáo hội La Mã đả kích thậm tệ, bị triết học Spinoza lên án là một triết lý báng bổ, triết lý... vô thần. Riêng bản thân, tôi nghĩ Spinoza tin có Thượng đế, nhưng Thượng đế của René Descartes khác Thượng đế của Spinoza. Theo quan điểm Spinoza, chủ trương Thượng đế là chủ trương thuộc loại phiếm thần, panthéisme( panta có nghĩa là tất cả). Thượng đế là tất cả, hiện hữu cùng khắp không gian và thời gian, Thượng đế là một Bản thể mà bản chất là... Infini, là Vô Hạn, một quan niệm như thế rất giống với quan niệm của Bà La Môn giáo:linh hồn Ðại Ngã. Và cũng thế, “ linh hồn Ðại Ngã” là một quan điểm chủ trương phiếm thần, bàng bạc khắp không gian trùm khắp vũ trụ. Chính vì thế mà thái tử Tất Ðạt Ða đã rời cung vàng điện ngọc, bỏ vợ hiền con thơ đi tìm một phương kế diệt khỏi khổ, một phương kế bao lâu các tăng lữ theo Bà La Môn giáo vẫn hằng theo đuổi; nhưng sau một thời gian khổ tu, vẫn thiền hành, vẫn tụng niệm, vẫn nhập định mà vẫn không tiến bộ, không giải thoát, thái tử từ bỏ không theo giáo pháp Bà la Môn nữa, tu tập theo một giải pháp khác sau khi giác ngộ thành Như Lai sau bốn mươi chin ngày tu tập. Con đường giải thoát đó đức Phật đã đi theo đường hướng nào, phật pháp nào? Theo trưởng lão Thích Thông Lạc con đường đó chính là Phật Giáo Nguyên Thủy, không phải Phật Giáo Tiểu Thừa, lại càng không phải Phật Giáo Ðại Thừa(!),một hình thức chấp nhận có linh hồn hiện hữu trong và sau khi chết. Phật Giáo Ðại Thừa là một hình thức trá hình của Bà La Môn giáo chuyên thờ cúng cầu nguyện lễ bái. Trong giáo phái Ấn Ðộ chỉ có giai cấp được tôn trọng vào hàng bậc nhất, đó là giai cấp tăng lữ, được đào tạo thành giới tu sĩ được tôn sùng kính trọng và giai cấp cuối cùng là giai cấp thị dân, bị khinh miệt coi thường rẻ rúng,bất khả giao tế(les intouchables).

Người đã viết quyển sách nhan đề “ Người Phật tử cần biết” là trưởng lão Thích Thông Lạc, bên cạnh có phần ghi chú quan trọng “ Những kinh sách không phải là Phật thuyết.” Hơn năm mươi năm sống trong cuộc đời, bi hoan ly hợp đã trải, tôi rất e ngại mỗi khi muốn viết một ý đóng góp phê bình thị phi phải trái, mỗi khi liên quan động chạm vấn đề tín ngưỡng, một vấn đề cốt lõi liên hệ tới niềm tin. Ðến như một tác phẩm “ Biện chứng giải thoát trong Phật Giáo ”, tác giả là giáo sư Nguyễn văn Trung một tín đồ Công giáo đã bị chỉ trích phê bình dữ dội, rằng thì là người viết đã tỏ ra vô cùng ấu trĩ, rằng thì là ông Nguyễn văn Trung không có một kiến thức cơ bản nào về triết học Phật Giáo, nói chi chuyện con đường giải thoát sự khổ, nói gì “ cưỡi ngựa xem hoa.” Một “Tri thức luận” của giáo sư kiêm học giả Jean Wahl, của Emmanuel Kant đã làm tôi đau đầu nhức óc bởi một mớ bòng bong cảm giác tri giác ký ức mơ hồ, nhưng một tập sách nhỏ và mỏng của giáo sư Thạc Ðức bàn về Duy thức học cho đến hôm nay tôi chẳng còn nhớ được gì, ngoại trừ thần thức trước và sau khi chết.Rối rắm và trừu tượng. Mơ hồ và khó hiểu. Mê cung và... mê lộ! Nói theo triết gia Épicure những chúng sinh như chúng ta không có gì phải sợ chết. Tiên sinh nói:“ Khi ta chưa chết thì cái chết chưa tới. Khi ta chết rồi thì cái chết không còn nữa.”

Tôi không biết trưởng lão Thích Thông Lạc thuộc hàng lớp thứ bậc giáo phẩm nào trong Phật giáo, từ Phật giáo Tiểu Thừa đến Phật giáo Ðại Thừa, từ bậc Ðại Ðức, bậc Thượng Tọa, bậc Hòa Thượng đến bậc cao nhất là đức Tăng Thống, như Hòa Thượng Thích Quảng Ðức, Hòa Thượng Tuyên Hóa, đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và Tăng Thống Thích Huyền Quang. Trưởng lão Thích Thông Lạc không tự nhận là bậc chân tu lên tớì quả vị A La Hán, một bậc đã đạt tới hàng giác ngộ, lẽ tự nhiên chưa tới bậc thoát khỏi sinh tử luân hồi mà chỉ dám nhận là trưởng lão.Những lý lẽ, những lập luận của trưởng lão Thích Thông Lạc rất cương quyết, đanh thép như đinh đóng cột. Những lập luận đó nhiều không kể xiết, tôi đã chỉ liệt kê một số vắn tắt.

Gần đây một số tu sĩ Tây Tạng xuống đường đòi lại lãnh thổ Tây Tạng bị chế độ Trung cộng ngang nhiên xấm chiếm từ 1954, cho đến nay nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vẫn im hơi lặng tiếng, vẫn tự coi Tây Tạng là của phe ta, không cần khiếu kiện, van nài xin xỏ gì nữa. Nếu các tăng sĩ xuống đường biểu tình đòi lại đất Tây Tạng thì binh sĩ Trung Quốc cứ việc tiên hạ thủ, vi cường, giết chết mấy trăm sinh mạng kể luôn các tăng sĩ Tây Tạng. “La raison du plus fort est toujours la meilleure”( La mort de lõagneau). Nhà nước Trung Hoa quyết tâm dẹp tan mọi mưu đồ khiếu kiện từ trong trứng nước bởi Thế vận Hội được Trung Quốc đăng cai tổ chức tại Bắc Kinh sắp đến nơi.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma được nhân dân Tây Tạng nhìn nhận là một vị Phật sống thứ mười bốn. Vì đất nước Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm đóng nên vị Phật sống phải sống lưu vong, rày đây mai đó, bơ vơ không nhà không cửa, không đền chùa và không... tổ quốc. Tuy nhiên, đức Ðạt Lai Lạt Ma vẫn tiếp tục tu theo Phật giáo Tây Tạng, không theo môn phái Tiểu Thừa, không theo môn phái Ðại Thừa và ngài cũng không theo Phật giáo Nguyên Thủy; ngài đi theo môn phái Phật giáo Mật Tông.

Tôi phải làm sao khi tôi kết luận: về phương diện tu tập sau khi cân nhắc suy gẫm điều hơn lẽ thiệt theo các tông phái, phải chấp nhận môn phái Tiểu Thừa, môn phái Ðại Thừa tức đạo Bà La Môn, hay môn phái Phật Giáo Nguyên Thủy?Tôi tạm kết luận tôi thích hơn Phật Giáo Tiểu Thừa, con đường tôi cho là cách giải thoát khỏi khổ duy nhất cho chúng sinh. Sau khi dức Thế Tôn diệt tịch, các đệ tử chúng sinh chia làm nhiều môn phái, mỗi môn phái tự cho mình có thể giải thoát cứu độ không phải chỉ một chúng sinh nhưng cứu độ nhiều chúng sinh khác.Môn phái Ðại Thừa thành hình và phát triển từ đó. Các kinh sách, kinh Phật từ từ thay hình đổi dạng không còn nguyên gốc”sao y bản chính”, sao cho thích hợp với tình huống hiện thời.Học thuyết “ Chính danh” của Khổng Phu Tử ngày xưa đã bị biến chất cũng vì lẽ đó.Ai dám bảo học thuyết Mác xít Lê ni nít vẫn giữ nguyên truyền thống? Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã thật sự sáng suốt khi ngài vừa tu hành theo Phật Giáo Tây Tạng, vừa luôn luôn cổ xúy truyền giảng một nhân sinh quan mới sao cho phù hợp một quan niệm mới, một cách sống mới của thời nay./.

Võ Doãn Nhẫn
San Diego, 27/7/2008

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.