Mar 29, 2024

Bài giới thiệu

HS. HÀ CẨM TÂM với CĂN NHÀ LÁ và CÂY CẦU GỖ TRONG MƯA.
Hà Cẩm Tâm * đăng lúc 12:31:32 PM, Jan 26, 2014 * Số lần xem: 2291
Hình ảnh
#1

HS. HÀ CẨM TÂM với CĂN NHÀ LÁ và CÂY CẦU GỖ TRONG MƯA.

 

THỬ PHÂN TÍCH VÀ TÌM HIỂU TÁC PHẨM.              
" CĂN NHÀ LÁ và CÂY CẦU GỖ TRONG MƯA ". 
             DƯỚI CÁCH  NHÌN CỦA NGƯỜI YÊU THÍCH HỘI HỌA.

 
                                   Hình 01.      Hà Cẩm Tâm. Căn nhà lá và cây cầu gỗ trong mưa.                     
                                                     Sơn dầu trên bố. Cỡ 45cm x 60cm. Vẽ năm 1997.

 
     
Phân tích và tìm hiểu về bố cục và ý tưởng trong bức tranh.
1/ Bố cục.

 
   a/ Cảm nhận về chiều sâu của bức tranh
Tác giả phân ra làm ba lớp chính.

 
Tiền cảnh: Căn nhà, rặng cây bên phải con đường.
Trung cảnh: Cây cầu gỗ.
Hậu cảnh: Rặng tre bên kia cầu và xa hơn nữa là bầu trời.

                                                                  Hình 02.

 a/  Phần tổng thể .
     Bức tranh hình chữ nhật. Có bốn góc ABCD. Vạch đường Từ đỉnh trái góc A xuống đáy góc phải D. ta có đường chéo  AD. Từ đỉnh góc phải B làm tương tự như trên ta có thêm đường chéo BC.
     Hai đường chéo AD, BC gặp nhau thành chữ " X " có giao điểm tại  " O ", chia bức tranh làm bốn tam giác cân đối đỉnh chụng ở " O ". Như sau: AOC; AOB; BOD; COD. Như vậy ta có điểm " O " nằm tại trung tâm bức tranh. Điểm mạnh duy nhất khi ta bố cục tác phẩm theo kiểu thức hình chữ " X " này.( xem hình 02 ). 

Hình 03.

       Đường chân trời của tác phầm này chạy ngang qua mặt cầu. phân bức tranh làm hai phần không đều. Dưới nhỏ, trên lớn với tỷ lệ gần đúng 45/55. ( xem hình 03 ).
      Đường chia đôi là một đường thẳng chạy cắt ngang phân chia vật bị cắt đó thành hai phần đều nhau. 50/50. ( xem hình 03 ).
      Trong tác phẩm này hai đường nói trên trở thành hai đường song song chạy vắt ngang ở khu vực giữa bức tranh và nằm rất gần sát bên nhau. Điều tối kỵ trong hội họa cũng như nhiếp ảnh là đặt đường chân trời ngay chính giữa tác phẩm. Khi đặt xít xao như vậy có lẽ do ông rất tự tin vào chỗ dùng căn nhà có màu sắc nặng nề nhất làm đường dẫn chính, dắt tầm mắt người xem băng qua cây cầu, nhưng không thể đi xa hơn vì bị chận lại bởi đường dẫn thứ nhất có rặng cây ( Hình 04). Chính rặng cây này bắt tầm mắt người thưởng lãm phải đi vào điểm ảo mút mắt phía sau lưng tranh và làm cho người xem mất đi sự cảm nhận là bức tranh bị chia đều nên không cảm thấy khó chịu. Một cách đặt đường chân trời rất bạo. Phá cách. ( xem hình 03 ).
    


                                                             Hình 04.
     

 
 b/ Phần chi tiết và ý tưởng riêng .

 
         1 - Chủ thể chính của tác phẩm là cây cầu gỗ nằm gần trung tâm “ O ”. Điểm nhấn mạnh nhất của bức tranh. ( Hình 04 )
        
         2 - Tam giác AOB ( hình 04 ). Chứa đựng một khoảng trống là bầu trời mù mịt và các ngọn tre hai bên đổ rạp hướng vào giữa. Một khoảng trống chứa đựng sự mênh mông của bầu trời, với nhiều sắc độ đậm nhạt ẩn hiện của hàng cây làm nền, nhờ đó, trận mưa thêm sâu và sinh động. Tác giả dùng nó ( khoảng không ) để tôn thêm cái giá trị và sự lôi cuốn của vật hữu hình.( Thiên )
         
         3- Tam giác AOC ( hình 04 ). Với căn nhà lá có màu sắc rất đậm nổi bật nhất, đường dẫn chính. Lối vào của bức tranh, giống như khi ta đọc sách luôn nhìn từ trái sang phải. Đi từ căn nhà lá vào cây cầu ở  điểm nhấn mạnh nhất của bức tranh nằm gần vị trí trung tâm “O”. Nơi đây ông đã vẽ cho đầu cầu mé trong chúi xuống giống như sự mời gọi dẫn dắt người xem bước qua xem đằng sau có gì … Tác giả dùng cái hữu hình để chuyển tải ý tưởng đồng thời cũng mở ra cho người xem có một sự tưởng tượng. Mái nhà. Có sự sống con người. Cái động tiềm ẩn trong cái tĩnh, bức tranh trở lên sinh động, sâu sắc hơn. Con tim của bức tranh. ( Nhân )

 
      
         4 - Tam giác BOD ( hình 04 ). Đường dẫn phụ thứ nhất. Chứa đựng những lùm cây có màu sắc cũng khá đậm, ẩn hiện một hình ảnh gì đó mờ ảo, không rõ nét để bổ sung thêm cho ý tưởng hữu hình và tạo sự cân bằng cho bức tranh không bị lệch về một phía bởi màu sắc quá đậm đặc của căn nhà và cây cầu. Nó cũng là điểm chắn, ngăn tầm mắt người thưởng ngoạn, bắt họ phải có cái nhìn cùng chiều với cây cầu đi vào điểm ảo phía sau rặng cây.
       Nếu theo thuận lý thì trận gió thổi hàng tre ngọn rạp về hướng phải thì rặng cây bên phải này cũng phải ngả theo về cùng hướng phải mới là thuận. Nhưng ở đây rặng cây lại có ngọn đổ ngả về phía trái xem ra rất nghịch lý. Trong nghệ thuật đôi khi lại xảy ra những điều tưởng chừng như vô lý đó lại đem cho người xem phải suy nghĩ…Một cách để cho người thưởng lãm hướng tầm nhìn vào trung tâm bức tranh theo ý đồ của tác giả. Không bị dắt ra ngoài. ( Địa )

 

 
          5 - Tam giác COD ( hình 04 ). Đường dẫn thứ nhì. Chứa đựng con lộ với một mặt phẳng trắng xóa, tạo sự đối xứng với khoảng không mờ mịt của bầu trời. Đặt hai cái không đối đỉnh. Tác giả cố ý để cho tầm nhìn của người thưởng lãm bị hấp dẫn bởi màu sắc đậm đà của đường dẫn chính, dắt đến trung tâm bức tranh nơi có cây cầu .
           Nếu như đoạn đường đó không có một khoảng trũng xuống rồi nhô lên dốc… Con đường trở thành liền một mạch sẽ làm cho tầm nhìn có ảm tưởng như khoảng cách quá gần, muốn chạm thẳng vào cây cầu. Nhờ vào những nơi bờ lề bị xoi lở lam nham và khoảng trũng của con đường mà tầm nhìn có một sự khúc khuỷu, quanh co, xa ra dễ chịu. 
            Phải chăng con đường dẫn đến mọi sự trên cõi thế gian… ( Đạo? ) 

 
        Tác giả đã dành hai tam giác AOB và COD ( hình 02 ) để bố cục khoảng trống. Không gian trời và đất. Hỗ trợ cho hai tam giác AOC và BOD ( hình 02 ) cho thấy có sự sống của muôn loài.
     Cơn mưa trong tác phẩm này, là một trận mưa dữ dội, phủ trùm, xóa nhòa tất cả mọi sự vật, một hiện tượng của thiên nhiên. Con đường có cây cầu dưới cơn mưa có phải chăng cũng là những gập ghềnh giông bão của cuộc đời! Có qua cầu mới hay?
      Nhìn vào ta thấy một sự bố cục rất chặt chẽ và sâu sắc về ý cũng như về hình.

 

 
2/ Ý tưởng chung.
       Đây là một tác phẩm sơn dầu trên bố của họa sĩ Hà cẩm Tâm vẽ đề tặng nhà văn Sơn Nam vào dịp ông về thăm quê hương năm 1997. Trong năm này ông có làm một kỳ triển lãm tại Hội Mỹ Thuật Thành Phố HCM ở đường Pasteur. Không rõ là bức tranh này có dự trong buổi triển lãm đó hay không? hay chỉ là tác phẩm vẽ dành riêng tặng cho Sơn Nam?
      Nói gì thì nói. Có hay không! Điều đó không quan trọng. Có thể nói rằng đây là một trong những bức tranh về phong cảnh khá đẹp có ý tưởng rất sâu sắc trong giòng sáng tác của họa sĩ Hà cẩm Tâm từ trước đến giờ mà tôi được chiêm ngưỡng. Trong tác phẩm này tác giả đã cho ta thấy cái sống động qua bút pháp, sự phối sắc và nói lên được bản chất của từng mảng màu. Tác phẩm sơn dầu mà nhẹ nhàng như tranh thủy mặc tràn ngập không khí hội họa. Một rặng tre làng, hàng cây om thành một khối, sũng nước oằn mình, ngả nghiêng nhạt nhòa, trước trận cuồng phong lồng lộn rít lên từng chặp trong cơn mưa tầm tã, nước phủ lênh láng trắng xóa cả mặt con lộ, dồn chảy uốn lượn trôi theo những rãnh nhỏ thành giòng, đổ về phía trũng vây quanh căn nhà. Cơn mưa nhiệt đới đã làm cảnh vật trở nên mờ mịt, ướt sũng cả ở một vùng trời xám ngắt. Nơi đây duy nhất một căn nhà tranh nhỏ bé, nghèo nàn bên đường, mé đầu dốc con lộ dẫn lên chiếc cầu gỗ nhỏ bé trơ trọi ở vùng quê xa xôi hẻo lánh. Một mảnh trời vốn dĩ đã lẻ loi hiu quạnh bây giờ trong cơn mưa nó lại càng tăng thêm phần u uẩn, da diết. Họa sĩ đã đem được cái thật của trận mưa mùa vào trong tranh. Tác giả không nói gì nhưng từ mái tranh đơn sơ, nghèo nàn đó cho thấy thân phận của con người lam lũ cam chịu, không biết gì hơn ngoài mảnh đất, luống cày, nhưng thiên nhiên và khắc nghiệt cuộc đời cũng không hề buông tha.
        Họa sĩ Hà  cẩm Tâm bước vào được cái miền sâu thẳm trong tâm hồn văn học của Sơn Nam. Ông đã lột tả và đưa cái chất Sơn Nam vào trong tác phẩm để tặng cho người bạn già rất ư là Nam Bộ. Một Sơn Nam chất phác, thiệt thà, sống bình dị chịu đựng chấp nhận số phận với nụ cười vô tư, thanh thản như căn nhà nhỏ nhoi trước mưa bão.
        Nhìn vào tác phẩm này nó gợi cho ta thấy cả một miền đồng bằng sông Cửu Long hoang dại, phì nhiêu thấm đẫm phù sa. Một miền của sông rạch, của những vùng bưng biền nổi nước bát ngát mặn chát vị phèn, của những cánh đồng lúa xanh mơn thơm nồng, nằm ôm dọc theo hai bên đường đất luôn luôn có con rạch nhỏ đi kèm một bên. Nét đặc trưng của Miền Tây Nam Bộ. Những hình ảnh đó tác giả chỉ gợi mà không vẽ. Cây cầu là chủ thể đã được đưa ra để giải quyết cho việc đó. Ông muốn người thưởng ngoạn nhìn thấy cảnh vật qua tưởng tượng tùy theo sự trải nghiệm trong đời sống bởi một đường dẫn chính, bắt nguồn từ căn nhà lá, đi lên con lộ vượt cầu gỗ. Khi đứng ở bên kia cầu sẽ có, sẽ thấy.....

        Mặc dầu tác giả vẽ không nhiều, nhưng cái chất miền Nam hiền hòa nhẹ nhõm, giản đơn, chất phác được gợi lên trong tranh rất rõ…Không phải ai cũng nói và làm được một cách sâu lắng như thế nếu không từng hít thở bầu không khí trong lành thơm mùi hương đồng cỏ nội. Phải đã từng có nhịp sống dài lâu, thấm đẫm những hình ảnh mộc mạc chân chất hiền hòa ăn sâu vào tiềm thức. Phải có con tim rung động trước những cơn gió trưa hè oi bức, núp mình dưới trận mưa rào dưới rặng trâm bầu. Ngây ngất thả hồn theo làn gió ngát mùi lúa chín hây hẩy phả lộng dưới bóng râm đong đưa của những vuông tre làng kẽo kẹt lẫn tiếng ù ơ văng vẳng xa đưa. Phải đã có lúc lặng người thui thủi trên cái giường tre ọp ẹp lắng nghe gió lộng ngoài hiên len vào kẽ hở vách lá. Xao xuyến trước tiếng còn tiếng mất sào xạc đong đưa vọng lại của hàng dừa, bụi chuối sau hè cùng tiếng côn trùng rả rích thâu đêm. Cũng phải có những khi úm mình trong chăn nghe tiếng gào thét của mưa cuồng, gió nộ phất dập rung chuyển vách lá, đổ nước như thác xuống mái nhà tranh, thấm dột ướt át. Phải từng có sự mệt mỏi, rã rời cả đôi tay với mái chèo, cây chống khua vang sóng nước khi đứng ngồi chông chênh trên chiếc ghe tam bản bé nhỏ mong manh, xuôi ngược trên những luồng rạch quanh co khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, hay trên con kênh dài thượt thẳng tắp mút mắt, hoặc chui rúc dưới những tàng lá xum xuê yên ả của rừng đước, cũng như len lỏi vướng víu giữa những bụi dừa nước chật chội. Loanh quanh bên khóm điên điển vin cành bẻ những chùm hoa vàng hực. Chòng chành thả lưới dọc hàng bình bát rũ cành nhấp nhổm vờn trên mặt nước bồng bềnh sệt màu phù sa phả nồng mùi tanh sông nước của những giòng chảy bao la chập chùng từ bao đời kết nối ôm quanh các cù lao thân thương xanh mướt những vườn dừa vòi vọi, vườn cây ăn trái thơm lừng, ngọt lịm trĩu quả. Phải từng bậm môi khô khốc, hơi thở nóng hực nếm vị mặn của những giọt mồ hôi đẫm mặt. Phải có lúc dắt trâu bên những luống cày còn đẫm sương hăng hắc mùi đất mới, rạ mục. Phải có lúc chịu đựng rát rạt  cả tấm lưng giữa trời rực nắng trên thửa ruộng, cùng những bước lún bùn nhão nhoẹt ấm cả cổ chân hay dộp cả bàn tay trên luống mạ mơn mởn vào mùa … và còn nữa, còn nữa…mới hiểu…mới thấu được cái đặc trưng vùng miền…khi đó mới lột tả được cái tính chất thực…mới nói lên được cái hồn của nó. Hà cẩm Tâm đã làm được chuyện này không phải bằng những lời văn như của bạn mình là nhà Văn Sơn Nam mà bằng cách của người họa sĩ già đời, lão luyện. Đem ý tưởng cô đặc của mình dùng màu sắc và hình thể của hội họa cực giản, cực thoáng thật nhẹ nhàng như tranh lụa để chuyển tải nó….có lẽ ông hiểu Sơn Nam hơn ai hết bởi vì ông cũng là người từng sống và lớn lên ở đó…miệt đồng Tháp Mười. Nơi chôn nhau cắt rốn của ông…tất cả một thời đã qua thế đó, được ông vẽ thành tranh… tặng bạn.
      Một tác phẩm có tư duy rất cao…ông đã đạt được hiệu quả khi muốn gởi gắm, chuyển tải những nghĩ suy trong tâm hồn qua màu sắc hình ảnh nhạt nhòa…gợi cho người thưởng ngoạn một cảm xúc…nén nhịn trong tiếng thở dài man mác...Con người trước thiên nhiên …con người trước cuộc đời...
                                            và...


                                Bút tích của HS Hà cẩm Tâm ở mặt sau tác phẩm.

Cauminhngoc
30/5/2013

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.