Apr 25, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Kỷ Niệm Với Thi Sĩ Hà Thượng Nhân
Tâm Minh Ngô Tằng Giao * đăng lúc 12:00:44 AM, Apr 29, 2013 * Số lần xem: 2214
Hình ảnh
#1


KỶ NIỆM VỚI THI SĨ
HÀ THƯỢNG NHÂN

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

     Hà Thượng Nhân là bút hiệu của nhà thơ Phạm Xuân Ninh. Ông quê ở Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

 

     Về hoạt động trong quân đội: Ông từng dạy học ở trường Dũng Lạc (Hà Nội) và trường Thiếu sinh quân (Liên khu IV) rồi theo Kháng chiến nhưng đến năm 1952 thì ông về thành rồi di cư vào Nam. Ông gia nhập Quân đội Quốc gia Việt Nam, thăng đến cấp trung tá. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa ông soạn tập “Sơ thảo lý thuyết chiến tranh tâm lý” và đảm nhiệm Nha Chiến tranh Tâm lý. Cơ quan này sau phát triển thành Tổng cục Chiến tranh Chính trị.

 

     Về mặt văn học: Ông làm giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia, chủ bút rồi chủ nhiệm nhật báo Tiền tuyến lúc đầu do Cục Tâm lý chiến đảm nhiệm, sau của tập thể Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Với nhật báo Tự do ông thường góp bài dưới bút hiệu Tiểu Nhã và phụ trách mục thơ châm biếm "Đàn ngang cung". Bút hiệu khác của ông là Nam Phương Sóc trên báo Ngôn luận. Ông là thành viên của Trung tâm Văn bút Việt Nam. Ông có biệt tài làm thơ trào lộng nhưng khi còn trẻ tuổi ông cũng sính thơ Đường. Ông từng được Phủ Quốc vụ khanh Văn hóa của Việt Nam Cộng hòa đề cử làm giám khảo Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc, bộ môn Thơ.

 

     Sau năm 1975 ông bị bắt đi “học tập cải tạo” cho đến năm 1983 mới được thả và sang định cư ở Hoa Kỳ năm 1990 dưới diện H.O. Ông mất năm 2011 tại San Jose, California, hưởng thượng thọ 91 tuổi.

 

     Theo Nhất Tuấn: “Thơ ông viết với số lượng đáng kể, đủ thể loại dành cho sinh hoạt thi đàn, cho bạn hữu thưởng thức, cho những trao đổi, đàm đạo... Ông sở trường và rất yêu thích xướng họa thơ. Ông rất nhạy cảm chữ nghĩa, “xuất khẩu thành thơ” mà người xưa từng trân trọng khả năng này. Giới thi nhân quý trọng và cảm mến thi tài Hà Thượng Nhân, khi ông thể hiện những bài thơ ông làm tức thời trước một số bạn hữu hiện diện với đầy đủ tên gọi mỗi người và ý nghĩa của nó… Trong giới thơ văn người ta vẫn thường gọi ông là Hà Chưởng môn để tỏ lòng ngưỡng mộ thi tài đáng kính.”

 

     Theo Viên Linh: “Hà Thượng Nhân là thi sĩ làm thơ theo đạo người quân tử, như đời sống của ông cho thấy. Ông có thể nghiêm khắc với người đồng tuế, nhưng rất bao dung với các lớp sau. Ông lại rất phóng khoáng, vượt ra ngoài khuôn khổ của giáo điều, cốt đạt tới cái đẹp cái thiện cái thật, kể cả cái thực dụng: làm sao cho được việc, miễn không ra ngoài cái phải đạo.”

 

     Theo Nguyễn Mạnh Trinh: “Thi sĩ Hà Thượng Nhân là một nhà thơ thông tuệ, làm thơ Đường Luật rất nhanh và chỉnh. Có người đã nói ông giống như Tào Thực ngày xưa đi bảy bước là đã hoàn thành được một bài thơ tuyệt tác. Thế mà thơ của ông đã làm xong tới cả hàng ngàn bài mà trong đời của ông mới chỉ in một tập thơ nhỏ vì lời yêu cầu của nhiều người ái mộ ông.”

*

 

     Năm 2001 tôi xuất bản tập thơ đầu tay có tên là “Mưa Xuân” (Spring Rain). Trong tập này tôi tuyển chọn một số thơ tiếng Anh của các tác giả ngoại quốc và chuyển dịch sang thơ tiếng Việt dưới nhiều thể loại khác nhau như “tự do”, “lục bát”, “song thất lục bát” và đặc biệt là đôi ba bài theo thể “thất ngôn bát cú Đường luật”. Tôi gửi tặng thi sĩ Hà Thượng Nhân một cuốn và không ngờ là từ đó ông đã để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên. Tôi tạm ghi lại đây 2 bài trong số thơ chuyển ngữ “đặc biệt” này:      

 

THE PASTURE

 

I'm going out to clean the pasture spring;

I'll only stop to rake the leaves away

(And wait to watch the water clear, I may):

I shan't be gone long. - You come too.

 

I'm going out to fetch the little calf

That's standing by the mother. It's so young

It totters when she licks it with her tongue.

I shan't be gone long. - You come too.

 

ROBERT FROST (1874-1963)

 

ĐỒNG CỎ

 

Con hãy cùng ta đi suối luôn

Ta ra làm sạch suối bên đồng.

Dừng chân cào lá cây vương vãi.

Dõi mắt chờ dòng nước lắng trong.

Bò mẹ liếm con kêu sảng khoái,

Bê con giỡn mẹ chạy long nhong.

Bắt bê về trại. Ta về sớm.

Con hãy cùng ta đi suối luôn.

 

(TÂM MINH chuyển ngữ)

 

SONG

 

A widow bird sate mourning for her love

Upon a wintry bough;

The frozen wind crept on above,

The freezing stream below.

 

There was no leaf upon the forest bare,

No flower upon the ground,

And little motion in the air

Except the mill-wheel's sound.

 

PERCY BYSSHE SHELLEY (1792-1822)

 

CA KHÚC

 

Đơn chiếc, nàng chim khóc cuộc tình

Trên cành đông phủ cảnh buồn tênh;

Gió lùa buốt giá qua đồi vắng,

Suối chảy lạnh băng dưới ngõ quanh.

Rừng trụi còn đâu tàn lá thắm,

Đất trơ nào thấy dáng hoa xinh.

Từng không lặng ngắt như ngưng đọng

Trừ tiếng guồng xe nước thoảng nhanh.

 

(TÂM MINH chuyển ngữ)

 

     Và đây là bài thơ thi sĩ Hà Thượng Nhân gửi tặng lại nghe vẫn có vẻ đầy cung cách trào lộng ngang cung thuở nào:

 

ĐỌC THƠ
TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO

 

Tằng Giao đáo để là ông

Mỹ Anh ông bắt khi không thành Đường

Họ phóng khoáng thông thường giản dị

Bắt cao bồi chuẩn bị nghiêm trang

Tôi xem mà muốn la làng

Phục thay là đấng da vàng Việt Nam !

Vài thế kỷ ông làm khác hết

Phải học theo tính nết Đông Phương

Chưa chừng hôn hít ngoài đường

Bỏ luôn mà vái như dường chúng ta !

Thế mới biết máu nhà vẫn thế

Vẫn thích làm vai vế đàn anh

Không cần gây hấn chiến tranh

Mà mong Mỹ phải trở thành Việt Nam...

 

     Sau đó ít năm tôi xuất bản mấy tập thơ về Phật giáo và lại gửi tặng ông. Rồi tôi cũng bất ngờ nhận được bài thơ sau đây ông gửi tặng lại ghi ngày 11-16-2006:

 

HÀ THƯỢNG NHÂN

GỬI TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO

 

Cảm ơn tặng sách lại cho kinh

Cảm ơn ông bạn Tâm Minh vô cùng

Người ở chốn lạnh lùng giá buốt

Mà tấm lòng thông suốt Như Lai

Thiện tai, thật quả thiện tai,

Tâm Minh dường ấy hỏi ai còn ngờ?

Trẻ thầy cãi, bây giờ cư sĩ,

Chữ sắc không ngẫm nghĩ càng kinh

Tâm dù muôn một bất minh

Soi vào cũng thấy giật mình đòi cơn.

Giữa cuộc sống không hờn không giận

Chút danh suông chẳng bận vào thân

Di cư mấy cuộc phong trần,

Mà còn giữ được tinh thần thanh cao

Tôi muốn viết, viết sao cho đủ?

Phật Di Ðà ngồi ở tòa sen,

Không hề biết đến bon chen,

Muôn năm làm một ngọn đèn soi chung.

 

Ngọn đèn Phật Tổ vẫn soi chung

Sắc sắc không không thật chẳng cùng

Mong bạn ở đời thêm mạnh khỏe,

Chúc người cuộc sống cứ ung dung

Tâm Minh muôn thuở vui trăng gió

Hà Thượng quên rồi chuyện kiếm cung

Ước được ngày mai cùng họp mặt

Nhắc nhau học mãi chữ khiêm cung.

 

     TIếc thay tôi chưa có dịp gặp gỡ ông thời ông đã từ giã cõi trần gian này! Xin ghi lại chút kỷ niệm cùng lòng tưởng nhớ một thi sĩ khả kính của làng thơ nước Việt!

 

(Virginia, USA, 5-2013)

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.