Apr 24, 2024

Văn hóa ẩm thực

Pha Nước Chấm
Nhiều Tác Giả * đăng lúc 04:37:56 AM, Apr 13, 2013 * Số lần xem: 4311

 

 Bí quyết pha nước chấm ngon

 

Với người mới tập nấu ăn, để khẩu vị quen dần với những món ăn,
nước chấm… có dùng nhiều loại gia vị khác nhau, khi nêm nếm, nêncho từng loại gia vị vào một , nếm lại rồi mới cho loại gia vị khác vào.

+ Nước mắm gừng ăn thịt vịt:

- Tùy chất lượng nước mắm đang có để gia giảm chút ít. Thường là non một phần nước mắm + 1 phần đường. Thí dụ: 4,5 muỗng súp nước mắm + 5 muỗng súp đường + 1 muỗng súp gừng non gọt vỏ băm nhuyễn. Khuấy cho tan đường, tùy khẩu vị mỗi người pha thêm chút ít chừng 1 đến 2 muỗng súp nước lọc cho hỗn hợp hơi loãng ra rồi thêm ít chanh vắt vào từ từ cho hỗn hợp có vị chua nhẹ, thêm 1 - 2 muỗng cà phê tỏi băm mịn nhuyễn cho có thêm mùi tỏi. Dọn mỗi người 1 chén nước chấm với phần tỏi tươi cắt lát hoặc băm nhuyễn để người ăn cho vào tùy thích. Cẩm Tuyết hay dùng cách pha nước mắm gừng rất đậm đặc này để ăn thịt vịt, lượng gừng tùy thích gia giảm theo độ cay chịu được nhưng phải có một lượng tối thiểu nào đó để lẫn trong mùi nuớc mắm phải có mùi gừng thật đậm.

+ Nước mắm bánh cuốn, cơm tấm, bún thịt nướng, chả giò…:

1 phần nước mắm + 3 hoặc 4 phần nước lọc + gia giảm ¼ phần đường. Cho tỏi với ớt như cách 1. Nếu thích cho thêm đồ chua như cà rốt, củ cải trắng, đu đủ xanh… cắt miếng hay bào sợi ngâm trong hỗn hợp giấm đường pha vừa chua ngọt, thì sau khi pha nước mắm xong mới cho vào một lượng đồ chua nhất định, nếm lại rồi mới quyết định thêm chanh hay không. Nước mắm pha cách này còn có thể cho chanh vào bằng một cách làm khá công phu, cho chén nước mắm có hình thức rất đẹp mắt là lột vỏ trái chanh, tách ra rừng tép, lột bỏ vỏ lụa từng tép, dùng ngón tay trỏ và giữa vo nhẹ từng miếng nhỏ của tép chanh cho mô sợi rời hẳn ra; sau khi pha nước mắm với nước lọc, đường, tỏi ớt… tùy thích thả ít nhiều chanh những sợi tép chanh vào, những mô sợi này sẽ nổi trên mặt nước mắm. Cách này làm tốn công nhưng cho vị nước mắm rất hay ở chổ là khi ăn tùy thích gạt ra hay múc thêm phần chanh tép này vào món ăn để thơm bớt vị chua.

+ Nước mắm bánh bột lọc:

Dùng nước mắm nguyên chất hoàn toàn, dùng muỗng dầm nát ớt trong nước mắm + ít chanh vắt. Đó là cách ăn thuần tuý, nếu thấy vị nước mắm gắt quá, tùy thích thêm chút nước lọc và đường.

+ Nước mắm bánh bèo Huế:

Dùng nước vỏ tôm để chế biến. Phân lượng thí dụ: Lột vỏ 200gr tôm đất (phần nạc tôm dùng để làm tôm chấy). Lấy vỏ, thêm khoảng 2 chén nước, nấu sôi nhỏ lửa trong khoảng 5 -7 phút. Lược bỏ vỏ tôm qua rây, để yên nước luộc vỏ tôm cho lắng trong, gạn lấy phần nước trong. Cho vào 1 hoặc 1,5 muỗng súp nước mắm ngon, để yên cho lắng trong lần nữa, gạn lấy phần nước trong lần 2, nếm có mùi tôm và nước mắm rất nhẹ rồi mới thêm khoảng 1/3 muỗng cà phê muối cho đậm đà, sau cùng mới cho ít đường từ từ để có thêm vị ngọt nhẹ sau cùng mới cho rất ít chanh vắt và nước tỏi, phần ớt tươi cắt hoặc xé nhỏ riêng.

 

&&&&&&&&&&&&&&

Cách 1:
Người Huế thì phần nhiều chỉ ăn nước mắm cốt + ớt chỉ thiên thái nhỏ.

Cách 2:
Ngoài ra có thể pha nước mắm chua ngọt, hơi đậm hơn nước chấm nem, bánh bèo, bánh xèo. Có thể pha theo cách sau: đầu tiên giã tỏi + ớt chỉ thiên thành một hỗn hợp nhuyễn và hơi sệt. Cho nước mắm vào. Cho thêm chút nước lọc. Pha đường, chanh cho vừa ăn. Thế là xong. Nước mắm chấm bánh bột lọc không chua quá, hơi đậm. Cay và thơm mùi tỏi.

Cách 3:
200 gr tôm đất tươi, lột vỏ, lấy phần vỏ thân, bỏ vỏ đầu, phần nạc tôm dùng làm món khác. Lấy vỏ tôm nấu với ít nước vừa sâm sấp, để sôi khoảng 3 phút, đổ qua một cái rây hoặc vải thưa lấy nước luộc vỏ tôm. Tùy chất lượng nước mắm đang có, pha 1 phần nước mắm + 2 hoặc 3 phần nước vỏ tôm + 1 phần nước lọc tùy ý. Sau khi pha nước mắm + nước vỏ tôm, để qua một giờ sau, hỗn hợp mới lắng trong, lấy phần lắng trong này nêm vào chút đường, khi ăn vắt thêm vào ít chanh + ớt tươi, tỏi tùy khẩu vị. Nước mắm pha phải thơm dịu vị chua ngọt, mặn rất nhẹ và loãng .

Cách 4:
SDA thì pha như vầy nè: 1 phần nước mắm con mực + 1 phần đường + 4 phần nước + 1/2 phần giấm + ớt xay nhuyễn với tỏi (loại bán sẵn trong lọ). Nếu dùng nước mắm hiệu khác thì có thể gia giảm tùy theo hương vị nước mắm. Nếu ai thích mặn hơn thì giảm lượng nước dùng 3 phần hay 3.5 phần nước thôi.


&&&&&&&&&&

Nước chấm bánh cuốn (1 gói bột bánh cuốn):
300ml nước lọc + 25g đường + 15ml nước mắm + ớt băm + ít dấm nêm sau cùng cho vừa độ chua
Nếu thích ăn nước mắm ngọt kiểu Nam thì dùng 50g đường và 50ml nước mắm trong công thức và bỏ dấm.
Nước chấm bánh cuốn pha sẵn ngoài hàng màu nhạt là vì bỏ ít nước mắm. Nếu thích đậm hơn có thể tăng lượng nước mắm trong công thức lên 30ml

 

Nước chấm nem rán (chả giò):
200ml nước lọc + 2,5 thìa súp đường + 3,5 thìa súp nước mắm + 3 thìa súp dấm+2 quả ớt cay, bỏ hạt, băm nhỏ + 1 nhánh tỏi băm + 1/4 thìa súp hạt tiêu xay
Cũng có thể pha theo kiểu: 1 phần nước mắm + 3 đến 4 phần nước lọc + 1/4 phần đường + tỏi ớt băm nhỏ
Ăn kèm đồ chua

 

Nước chấm chua ngọt:
Đun sôi 250g đường (có thể thêm nếu thích ngọt hơn) với 0,5l dấm gạo trên lửa nhỏ khoảng 15', hớt bọt nếu có. Dung dịch dấm đường này có thể đổ vào chai sử dụng nhiều lần rất thuận tiện cho nhiều món ăn khác nhau như sườn xào chua ngọt, cá sốt chua ngọt, pha chế nước chấm bún chả, bún nem ...
***ghi chú không thể thiếu là các loại nước chấm bún nên làm nóng trước khi ăn thì mới ngon, vì bún lạnh mà

Nước chấm bún chả:
Lấy nước chấm chua ngọt nói trên một lượng vừa đủ ăn + nước mắm + nước sôi để nguội vào theo thứ tự và nêm nếm cho đến khi có vị vừa miệng + tỏi băm nhuyễn + hạt tiêu rang xay vỡ+ ớt băm bỏ hạt.
Cách khác (cầu kì hơn, nhưng ăn thấy cũng ngon hơn ;)
Nước dùng gà trong 250ml + Nước dừa tươi 150ml + Đường 150g + Nước hàng để tạo màu 60g + Muối: 10g: đun sôi, hớt bọt
Nước mắm: 60ml+ Tỏi băm nhỏ 25g + Ớt tươi băm nhỏ 25g + Nước cốt chanh 100ml + Dấm gạo 50ml + Hạt tiêu rang thơm xay vỡ: 10g
Cách khác nữa:
1 dấm + 3/4 - 1 đường + 1/2 mắm + 2 nước lọc (nước đun sôi để nguội)
có thể bớt chút dấm đi và vắt chút chanh/quất cho thơm thơm, gần ăn thì đập tỏi, ớt đập dập băm nhỏ và rắc chút hạt tiêu vào. Hoặc là ngâm tỏi ớt trong nước dấm trước một lúc rồi mới pha chế các thứ khác

Ở hàng bún người ta hay cho ít nước mắm mà thay vào đó là nước hàng để tạo màu
Ăn bún chả kiểu Bắc thì cho thêm vào nước chấm đu đủ xanh. Đu đủ cắt vuông hoặc tỉa hoa cho đẹp, bóp muối sơ rồi lấy nước sôi dội qua, vắt khô thả vào bát nước chấm, nếu ko vội có thể ngâm với dấm trước 10 - 15' thì sẽ giòn hơn.

 

Nước chấm thịt xá xíu(khoảng 500g thịt):
1/2 bát ăn cơm nước mắm ngon + 1 thìa súp đường + 5 tép tỏi băm + 5 quả ớt cay bỏ hạt, băm nhỏ

 

Nước sốt chấm nem cuốn (gỏi cuốn):
1 củ hành khô phi thơm + 8 thìa súp Hoisin sauce (tương ăn phở) + 1 thìa cafe bơ lạc + 1 tí muối

 

Nước sốt bơ lạc chấm thịt bò satay :
300ml nước cốt dừa + 8 thìa bơ lạc + 1/2 củ hành tây nhỏ băm nhuyễn + 2 thìa đường thốt nốt
1/2 thìa cafe ớt bột + 1 thìa nước tương
tất cả đun sôi trên lửa vừa, giữ ấm trước khi ăn

 

Nước mắm tỏi ớt:
3 thìa súp nước sôi khuấy tan 3 thìa súp đường + 2 thìa súp nước mắm + tỏi, ớt băm nhỏ + 1/4 quả chanh vắt lấy nước

 

Nước chấm bánh bột lọc:
Dầm nát quả ớt trong chén nước mắm và pha vào đó ít nước chanh vắt
Nếu thấy vị nước mắm gắt quá thì tùy ý thêm chút nước lọc và đường vào.

 

Nước chấm bánh bèo:
Dùng nước vỏ tôm để chế biến. Công thức ví dụ: vỏ của 200g tôm (thịt tôm thì làm ruốc tôm rồi) + 2 bát nước nấu sôi nhỏ lửa 5-7 phút, lọc qua rây, lấy phần nước trong + 1 thìa nước mắm, để yên cho nước lắng đọng rồi gạn lấy nước trong lần hai, thêm khoảng 1/3 thìa cafe muối cho đậm rồi từ từ nêm thêm tí đường, nước chanh vắt cho vừa chua ngọt nhẹ, cuối cùng cho ít nước tỏi ép và ớt cắt nhỏ.
nếu không muốn cầu kì thì dùng công thức 1 phần nước mắm + 1 phần đường + 1 1/2 phần nước + 2/5 dấm gạo

 

Nước chấm thịt vịt:
4,5 thìa súp nước mắm + 5 thìa súp đường + 1 thìa súp gừng gọt vỏ băm nhuyễn + 1-2 thìa cafe tỏi băm + 1-2 thìa súp nước lọc + ít nước chanh vắt cho hỗn hợp có vị chua nhẹ

 

Nước chấm bò bía:
1 phần tương đen (Hoisin-sauce) + 1/2 phần tương ớt, rắc thêm ít lạc/đậu phộng rang, bỏ vỏ, giã dập lên mặt bát nước chấm

 

nước chấm ốc:

2 thìa nước mắm ngon + 1 thìa nước sôi để nguội + 1 thìa nước cốt chanh + 2 thìa đường. Khuấy tan rồi cho thêm gừng, ớt, tỏi băm thật nhỏ

 

Chấm sò huyết:
muối rang + hạt tiêu rang

 

Chấm ngao:
đường + gia vị + tương ớt + chút nước cốt chanh

 

Chấm cua, ghẹ:
đường + một chút nước mắm + quả quất vắt nước, vỏ quất thái nhỏ cho luôn vào nước chấm. Khi ăn thì ăn cả vỏ quất cho khỏi tanh.

 

Nước mắm chanh - ớt chấm các món luộc, cá rán
nước chanh + ớt thái khoanh tròn nhỏ vào ngâm 15 phút. Sau đó cho nước mắm ngon vào. Nếu nước mắm mặn thì pha một chút nước lọc, thêm chút đường.

Mắm tôm – chanh - ớt chấm chả cá, thịt chó, đậu phụ rán
Cho đường, nước cốt chanh vào đánh kỹ với mắm tôm tới khi nổi bọt trắng mịn thì cho thêm ớt tươi thái khoanh nhỏ vào trộn đều. Nếu mắm tôm bị mặn có thể cho thêm chút nước sôi

 

Nước chấm các món nem rán, chả nướng, bánh tôm, bún bò khô…
cần có đủ các vị chua – cay – mặn – ngọt.
Băm nhỏ tỏi, ớt ngâm giấm khoảng 30 phút. Hòa nước sôi để nguội với đường, rót từ từ nước mắm vào. Cuối cùng đổ bát giấm, ớt, tỏi hòa cho đều. Tỏi ớt sẽ nổi lên mặt bát nước chấm trông đẹp mắt

Tỷ lệ các thành phần để bát nước chấm có các vị chua – cay – mặn – ngọt cân đối: 30g giấm, 30g đường, 30g nước mắm, 100g nước lọc, tỏi ớt vừa đủ sẽ được khoảng một bát ăn cơm nước chấm.

 

Nước sốt chấm các món tẩm bột rán có thể mua sẵn loại đóng chai hoặc tự pha theo cách sau
Cùng một loại nước chấm chua – cay – mặn – ngọt như trên, nhưng nếu để chấm với các món bao bột như tôm bột rán, cá tẩm bột rán, đùi ếch tẩm bột… thì bạn chỉ cần giảm lượng nước xuống còn 50g, sau đó hòa chút xíu bột đao, đem đun sôi

 

Cooking and EMi

 

 

Bí quyết pha nước chấm ngon

Quả thật, nước chấm là một thử thách lớn không phải phụ nữ nào cũng vượt qua được. Cũng từng ấy thứ mắm, muối, dấm, đường, ớt thôi mà không biết làm thế nào cho vừa miệng, hoặc đã pha rồi, thì nếm đi nếm lại cũng không rõ... thiếu vị gì.

 

"Sách hay dạy cho từng này mắm, từng kia dấm, đường để đúng tỉ lệ, nhưng làm như vậy máy móc mà không chắc đúng khẩu vị của mình. Quan trọng nhất là cảm nhận."

 

Vậy, bí quyết pha nước chấm là… chẳng có bí quyết gì cả. Quan trọng khi pha, hãy chú ý cảm nhận sự hài hòa và hướng tới vị giác của người dùng. Nếu họ ăn ngọt, hãy tăng thêm chút đường, nếu không ăn được cay, hãy giảm đi chút ớt. Người ăn vừa miệng, thì dẫu nước chấm không đúng công thức, cũng vẫn là thứ nước chấm thơm ngon nhất...

 

Nước chấm phải được pha khéo léo mới thành món nước chấm trên mâm cơm ngon lành. Có rất nhiều món cần có món nước chấm pha cho đủ liều lượng cay chua mặn chát ngọt bùi. Hầu như mỗi món trên mâm cơm, muốn nó ngon hơn, đúng vị hơn, tài hoa hơn… thì đều cần đến món nước chấm đi kèm với nó.

 

Để pha nước chấm đạt yêu cầu cảm quan cần chú ý:

 

1. Phải coi nước chấm là thành phần quan trọng như món ăn để chuẩn bị nguyên liệu và thời gian pha chế cho phù hợp. Một số món ăn thời gian làm chín nhanh, lại cần phải ăn nóng, vì vậy có thể pha nước chấm xong mới làm chín thức ăn (thí dụ như nướng chả, rán cá...).

 

2. Một số loại gia vị dùng để phối hợp làm nước chấm cần phải sơ chế sạch, ngâm giấm hoặc nước sôi để nguội trước khi pha ít nhất là 15 phút, thí dụ: lá chanh thái chỉ, gừng thái chỉ xong ngâm nước lọc; tỏi, ớt băm nhỏ ngâm giấm...

 

3. Tùy theo yêu cầu cảm quan của từng món ăn mà xác định mùi vị của từng loại nước chấm cho phù hợp, thí dụ: cùng một loại nước chấm chua-cay-mặn-ngọt được pha bằng: giấm +đường+tỏi+ớt+nước mắm, nhưng nếu dùng để ăn bún nem- bún chả thì vị của nước chấm cân đối nhưng không gắt quá mà chỉ chua dịu, hơi ngọt, không mặn quá. Nếu vẫn là loại nước chấm này mà đánh với bột đao làm sốt chua ngọt để chấm các món bao bột thì khi pha phải cho nổi vị hơn so với loại trên, sau khi đun chín lên vị sẽ là vừa.

 

4. Đa số các loại nước chấm gốc (chưa pha chế gì) như nước mắm, tương đều có vị mặn. Khi muốn pha loãng cho nhạt bớt phải tùy từng loại mà chọn cách pha cho phù hợp, thí dụ: nước mắm mặn có thể pha thêm nước sôi để nguội: tương mặn nếu muốn pha thêm nên cho nước vào rồi đun sôi, sau đó nếu bị loãng có thể rắc thêm một chút thính gạo rang hoặc thính đậu tương (có bán tại các hàng bán nem chạo) .

 

5. Mỗi món ăn có một loại nước chấm riêng, thứ tự pha cũng khác nhau.

 

- Pha nước mắm chanh-ớt: dùng chanh cốm vắt lấy nước (bỏ hạt), cho (ớt thái khoanh tròn) vào ngâm 15 phút, sau đó đổ nước mắm ngon vào nếu nước mắm mặn thì pha một chút nước lọc+đường cho thêm vào, dùng để chấm rau muống luộc thịt lợn luộc, cá rán.

- Pha mắm tôm-chanh-ớt: nên chọn loại mắm tôm xanh, mịn, có mùi thơm đặc trưng. Cho đường, nước chanh vào đánh kỹ với mắm tôm tới khi nổi bọt sau đó cho ớt tươi (thái khoanh) vào trộn đều, nếu mắm tôm bị mặn có thể cho thêm chút nước sôi (nên cho bằng cách đun cả nước và mắm tôm sôi đều sẽ bảo đảm vệ sinh hơn) - dùng để chấm chả cá, thịt chó, đậu phụ rán, lòng lợn, Thịt 3 chỉ luột v.v...

- Pha nước chấm chua- cay-mặn-ngọt: Dùng để ăn với nem rán, bún chả, bánh tôm, bún bò khô... trước hết đem băm nhỏ tỏi, ớt ngâm giấm khoảng 30 phút (tỏi bóc bỏ vỏ, ớt bỏ hạt), tiếp đến hòa nước sôi để nguội với đường, sau đó từ từ rót nước mắm vào, cuối cùng đổ bát giấm, tỏi, ớt hòa cho đều. Để có khẩu vị chua-cay-mặn- ngọt cân đối thì các nguyên liệu có thể pha với tỷ lệ là:

 

30 gam giấm, 30 gam đường, 30 gam nước mắm, 100 gam nước lọc, tỏi ớt vừa đủ sẽ được khoảng 1 bát ăn cơm nước chấm chua ngọt (công thức này chỉ là tương đối vì mỗi loại nguyên liệu để pha chế nước chấm đều có độ mặn- nhạt hay chua, ngọt khác nhau).

 

Cùng loại nước chấm chua ngọt này nhưng giảm lượng nước lọc xuống chỉ dùng một nửa để cho vị nổi bật hơn, sau đó hòa chút bột đao cho vào, đem đun sôi, dùng đế chấm các món bao bột như: tôm bao bột rán, cá tẩm bột rán, đùi ếch tẩm bột...

 

Tương tự cách pha như trên còn có nước mắm gừng, tỏi để chấm thịt vịt luộc, nước mắm cà cuống chấm giò lụa, tương gừng chấm thịt bò tái, thịt dê tái...

 

Theo: huongque

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.