Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong, thời kỳ: Thịnh Đường
Nguyên tác: Lý Bạch ..
望鸚鵡洲懷禰衡
魏帝營八極,
蟻觀一禰衡。
黃祖斗筲人,
殺之受惡名。
吳江賦鸚鵡,
落筆超群英。
鏘鏘振金玉,
句句欲飛鳴。
鷙鶚啄孤鳳,
千春傷我情。
五嶽起方寸,
隱然詎可平?
才高竟何施,
寡識冒天刑。
至今芳洲上,
蘭蕙不忍生。
Phiên âm:
Vọng Anh Vũ châu hoài Nễ Hành
Ngụy đế[1] doanh bát cực,
Nghĩ quan nhất Nễ Hành.[2]
Hoàng Tổ[3] đẩu sao nhân,
Sát chi thụ ác danh.
Ngô giang phú Anh Vũ,
Lạc bút siêu quần anh.
Thương thương chấn kim ngọc,
Cú cú dục phi minh.
Chí ngạc[4] trác cô phượng,
Thiên xuân thương ngã tình.
Ngũ nhạc[5] khởi phương thốn,
Ẩn nhiên cự khả bình.
Tài cao cánh hà thi,
Quả thức mạo thiên hình.
Chí kim phương châu thượng,
Lan huệ bất nhẫn sanh.
Dịch nghĩa:
Trông bãi Anh Vũ nhớ Nễ Hành
Ngụy đế uy danh vượt tám cõi,
So với Nễ Hành chỉ là con kiến.
Hoàng Tổ khí cục hèn mọn,
Giết (Nễ Hành) chi để mang tiếng ác
Phú Ngô giang giải bày nổi lòng Anh Vũ,
Hạ bút vượt tất cả anh tài.
Từng tiếng khua động vàng ngọc,
Từng câu thánh thoát tiếng chim ngân.
Chim Chí ngạc (Thư cưu) mổ con Phượng hoàng lẻ loi,
Chuyện ngàn xưa làm đau đớn tình ta.
Núi Ngũ Nhạc nổi lên ở phương trời cụt
Đã ở ẩn há được bình yên.
Tài năng hơn tất cả sao lại bị bêu xác,
Sự kém hiểu biết (dốt, chỉ Hoàng Tổ) nên chẳng sợ trời phạt.
Đến nay cỏ thơm đã mọc dày trên bãi,
Hoa lan, hoa huệ không nỡ mọc lên.
Trông ra bãi Anh Vũ nhớ Nễ Hành
(Người dịch: Ngô Văn Phú)
Nguỵ đế tám cõi danh vang,
Với ông, coi cũng nhỏ bằng tí ti.
Hoàng Tổ đấu trộm làm gì?
Giết rồi để chẳng ra chi với đời.
Sông Ngô, văn sướng tai người,
Phú Anh Vũ vượt mọi tài xung quanh.
Lời lời châu ngọc nối hàng,
Chữ như bay múa, câu vang vọng hoài.
Chim dữ mổ phượng đơn côi,
Nghìn xuân luống để ngậm ngùi lòng ta.
Núi cao đứng ở phương tà,
Giấu mình chắc đã chi mà được yên.
Tài cao đâu được tung hoành,
Biết riêng hứng chịu thiên hình, từng nghe.
Bãi thơm thì vẫn còn kia,
Huệ lan chẳng nỡ sinh ra chốn này.
Chú Thích
1. Ngụy đế: chỉ Tào Tháo. Tuy nhiên lúc Tào Tháo gặp Nễ Hành thì Tào Tháo vẫn còn là Thừa tướng nhà Hán chứ chưa xưng Ngụy đế.
2. Nễ Hành: Sống thời Tam quốc, người Bình Nguyên tự Chính Bình là một danh sĩ ở ẩn. Khổng Dung tự Văn Cử (mưu sĩ của Tào Tháo) là bạn thân của Nễ Hành đã tiến cử ông. Nhưng khi gặp Tào Tháo, Nễ Hành tính vốn ngông nghênh đã không xem Tháo ra gì, Tháo muốn giết nhưng lại sợ mang tiếng bèn đẩy Nễ Hành đến Kinh Châu gặp Lưu Biểu với danh nghĩa dụ hàng. Lưu Biểu biết ý Tháo muốn "mượn đao giết người" liền bảo Nễ Hành sang Giang Hạ gặp Hoàng Tổ. Hoàng Tổ lòng dạ hẹp hòi, khi uống rượu nói chuyện với Nễ Hành đã nổi giận giết ông ngay. Lưu Biểu thương xót, cho người lấy xác Nễ Hành về chôn ở bãi Anh Vũ.
3. Hoàng Tổ: người thời Tam Quốc, trấn thủ Giang Hạ. Vì hẹp hòi khi bị Nễ Hành gọi y là: "Tượng thần trong miếu" (ám chỉ vô dụng), y liền giết Nễ Hành, rồi bêu xác.
4. Chí ngạc: tên một loài chim, còn gọi là Thư cưu.
5. Ngũ Nhạc: tên núi, có 5 ngọn: Tung Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn.