Apr 26, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Trần Huyền Trân
Trần Huyền Trân * đăng lúc 10:23:39 PM, Feb 27, 2013 * Số lần xem: 2143
Hình ảnh
#1






 







T R Ầ N H U Y Ề N T R Â N ,
ĐÂY MỘT LOÀI HOA KHÁC HẢI ĐƯỜNG (*)


Tôi ở lều tranh Cống Trắng này,
Chạnh lòng cá nhảy với chim bay.
Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức,
Giăng phải hồn tôi một lưới đầy.

(Mưa đêm lều vó – 1938)

Cái ngõ Văn Chương ngày nay ở phố Khâm Thiên có biết bao nhà cao  cửa rộng, nhưng thời đó là một vùng ao đầm, nước tù dơ bẩn, thỉnh thoảng có một con thuyền thúng ra hái rau muống mà tác giả gọi một cách nên thơ là rau tần.

Nhà nghèo, ông phải làm đủ nghề để nuôi em, đỡ mẹ : thợ nguội, thợ chiếu bóng, dạy tư, viết văn, làm báo, lập đoàn kịch…. Nhưng dạy tư, mở báo Bắc Hà đều thất bại, thế là cái nghèo vẫn đeo đẳng không rời.
Trần Huyền Trân từng được Hoài Thanh khen là “ít nói yêu đương”. Ít nói chứ không phải là không nói, vì nhà thơ nào mà chả nói yêu đương :

Ai xui em gửi đời mưa gió
Làm kiếp hoa chiều đón bướm si.
Để một chiều buồn, anh tới đó,
Lòng về thật khác lúc ra đi.

(Lạc loài – 1938)

hay nhẹ nhàng mà vô cùng gợi cảm :

Mười năm mới hiểu tình yêu,
Một nguồn hương nhẹ, mấy chiều gió đưa.

(Mười năm – 1940-1942)

và thương nhớ bâng khuâng :

Xa nhau, gió ít lạnh nhiều,
Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh.

(Tương tư 1940-1942)

Vẫn biết không phải cuộc tình nào cũng dẫn đến kết thúc êm đẹp, nhưng khi phải chia tay với người yêu thì sao khỏi luyến tiếc ngậm ngùi :

Tương phùng là để biệt ly,
Biệt ly là một lòng đi qua lòng.
Giờ thuyền em đã sang sông,
Anh nhìn khói sóng ngỡ trông mây đèo.

(Mười năm – 1940-1942)

Dạo ấy ở miền Bắc có nhiều cô gái mê thơ Trần Huyền Trân lắm, trong số đó có một cô đã nhiều năm cần mẫn ngồi thêu những bài thơ của Trần Huyền Trân trên lụa, tuy hai người chưa hề quen biết nhau. Về sau, khi biết chuyện, ông có làm hai bài thơ nhan đề “Gửi người thêu thơ” chứa chan tình cảm. Bài I có những câu :

Phải người là xuân nữ
Thơ tôi làm hương đưa.
Phải người là cô phụ
Thơ tôi làm trăng thu.

Là ai ? Mà tâm sự
Gửi kim chỉ đường tơ ?
Là ai ? Mà tình tự
Với tình tôi trong thơ ?….

(Sơn Nam 1940)

Bài II có những câu :

…. Cảm ơn người đã thêu thơ
Cho nhau tỉnh giấc như vừa chiêm bao.
Thôi, thôi, thôi biết thế nào,
Dẫu cho giai thoại cũng vào biển dâu.
Người thêu thơ có biết đâu
Người làm thơ nhắc chuyện nhau mỉm cười.
Phải tình yêu ở cõi đời
Chỉ là một tiếng thở dài… ngày xưa ?

(Sơn Nam 1941-1942)

Trong đời sống tình cảm của mình, Trần Huyền Trân đã làm được một việc rất đẹp và đầy tình nhân ái. Khoảng năm 1937-1938 ông có quen biết một  cô gái tên Trần Nguyệt Hiền. Nguyên do em trai của Hiền là học trò của thầy Trần Kim và mẹ cậu này nhờ thầy Kim đến nhà kèm thêm con nhỏ. Mối tình giữa thầy trò phát sinh từ đó. Nhưng vì nhà nghèo quá nên mẹ của cô gái yêu thơ, yêu thầy này phải gả bán cô cho một người chủ đồn điền giàu có. Chẳng bao lâu, cô Hiền bị đuổi về với cái thai trong bụng và sinh ra một đứa con gái không cha. Lúc Hiền trở dạ, chỉ có ông bên cạnh lo cho Hiền được mẹ tròn con vuông. Xót cho hoàn cảnh của người yêu, ông lấy tên mình đứng khai sinh cho cháu bé. Nỗi đau thương cùng cực của hai con người họ Trần đã khiến họ nghĩ ra cái dấu nối đẫm nước mắt : Trần nối với Trân bằng dấu huyền là Trần Huyền Trân, tên cô bé tội nghiệp, con thiên hạ, được khai sinh là con ông và trở thành bút danh của ông sau này (1). Rồi ông làm bài thơ “Cái thai hoang” đề tặng Trần Nguyệt Hiền :

Ơi hỡi đứa con không có tên
Nằm tròn xác bụng mẹ vô duyên.
Con lên mầm sống trong lòng chết
Bởi mẹ con là một gái đêm !

…. Nào khác chi đời mẹ của con,
Ép khuôn cười khóc để người buôn.
Một đêm chung chạ bao hơi hướm,
Đến rạng mai ngày nát phấn son !

để rồi kết thúc với một niềm hy vọng như mặt trời xua tan bóng đêm, mang lại muôn vàn hạnh phúc :

Rồi lớn lên con ! Mở mắt nhìn,
Khóc cùng bách tính sống như đêm ?
Nhưng không, đừng khóc ! Thân gân cốt
Ta bậc thang đời
Con giẫm lên !
(Dưới gót phát xít Nhật – 1942)

Tác giả tự biến mình thành bậc thang để con giẫm lên, đi về phía tương lai xán lạn. Lời thơ tuy nói với con nhưng cũng là nói với bạn bè, đồng bào ruột thịt đang bị dày xéo dưới gót sắt của phát xít Nhật.

Trước năm 1945, Trần Huyền Trân cùng với hai người bạn thân là Thâm Tâm và Nguyễn Bính lập thành nhóm “Tam anh”, riêng với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân chơi rất thân. Năm 1943, Thâm Tâm say mê nàng đào nương tên Yến ở phố Khâm Thiên đến nỗi xao lãng việc văn thơ và bè bạn. Trần Huyền Trân đã nhiều lần khuyên can, chẳng những Thâm Tâm không nghe mà còn gây sự. Không kềm được cơn giận, Trần Huyền Trân đấm sưng mắt bạn khiến Thâm Tâm tức giận bỏ đi. Trần Huyền Trân rất ân hận, bèn làm một bài thơ tạ lỗi và giãi bày nỗi đau buồn cùng niềm ân hận của mình. Bài thơ nhan đề “Gửi Thâm Tâm” trong đó có những câu :

Ô ! Ví ta cười xé mắt ngươi
Là lòng đau xót cố nhân ơi !
Khi ngươi gói ghém đem hài cốt
Một ả ca nhi bước xuống đời.

Ta biết tình trường sóng gió lên,
Mà ngươi sóng gió một con thuyền.
Vắng ngươi, bút giấy ngày lên mốc,
Chăn chiếu tình trai giọt sáp hoen.

….Đành ngả nghiêng cười nói ngẩn ngơ,
Dang tay tâm huyết đón hương thừa.
Trời ơi ! Đến gái đời mưa gió
Mà cũng phụ tình trai gió mưa !…..

(Khâm Thiên 1943)

Xem bài thơ, Thâm Tâm khoái trá, vỗ đùi cười ha hả rồi quay về và bỏ ý định lấy cô đào nương ấy.

Hai năm sau, Trần Huyền Trân kết duyên với cô Hạc Đính, một hoa khôi của Hà Nội lúc bấy giờ, người đã từng tham gia ban kịch “Tháng Tám” và đóng vai Thị Lộ trong vở Lệ Chi viên trước đó (1944). Người phụ nữ xinh đẹp này về sau theo Trần Huyền Trân đi kháng chiến ở Việt Bắc, chịu biết bao khó khăn gian khổ, nhưng bao giờ cũng cùng chồng con vui sống. Nhà văn Nguyễn Đình Thi kể :

“Những năm chống Pháp, chúng tôi sống ở núi đồi Việt Bắc, một lần qua Cao Vân, phía chân dãy Tam Đảo, tôi tìm vào gia đình anh Trần Huyền Trân. Chị và các cháu ở đấy, sống cuộc sống vất vả của bao nhiêu gia đình Hà Nội đi kháng chiến. Chị, người diễn viên đã xuất hiện lộng lẫy trong vai Thị Lộ của vở kịch “Lệ Chi viên” năm 1944 trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, nay chị đánh vật với đất rừng, với sốt rét, trồng sắn, làm vườn, và những lần giặc Pháp càn đến thì chị ôm các cháu mà chạy với bà con, trong lúc chồng đi xa suốt năm tháng. Hôm ấy tôi đến, may anh Trân cũng ở nhà, căn nhà nứa nhỏ trong đồi. Chúng tôi gặp nhau, ôm nhau cười nhiều hơn nói. Nhà không có gì thết khách, anh Trân đưa tôi ra bờ suối, buông cần câu tài tử, vậy mà cũng được mấy con cá nhỏ, bữa cơm độn sắn với canh cá suối ấy là kỷ niệm quý tôi còn giữ mãi trong lòng…” (2).

Nói đến thơ Trần Huyền Trân thì không thể không nhắc đến hai bài “Say ca” và “Độc hành ca”. Bài thơ “Say ca” đề tặng Thâm Tâm và Nguyễn Bính có thể coi như tuyên ngôn của lớp trẻ bấy giờ về thái độ đối với thời cuộc, với đất nước, về sự trăn trở, không yên của thanh niên buổi quốc phá gia vong :

Tối om kìa vận chúng mình,
Trai lành bỏ cỗi, gái trinh bỏ già.
Mật người nào khác gan ta,
Tưới bao nước mắt mới ra nụ cười.
….. Mắt trong ví chọc cho mù
Thì đen bạc đấy ! Cũng ừ vàng son.
….Men lên ví chuyển lại thời,
Lũ ta đội ướt đêm dài với nhau.

(Sơn Nam 1943)

Còn bài “Độc hành ca” cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tâm hồn tác giả. Người thơ cảm thấy bức bách, khó thở trong bầu không khí ngột ngạt của thời cuộc lúc bấy giờ :

Lòng ta không sóng không đừng,
Thơ vang lại vướng mấy tầng cửa quan.
Ngẩng thì núi cuốn mây tang,
Kìa Đông lửa cháy, kìa Nam khói mù.

để rồi muốn phá vỡ sự tù túng, ngưng đọng, muốn thoát ra khỏi cảnh u tối, bức bách đó :

Chiều nay nhắc chén lên môi,
Không dưng tưởng nhắp máu người tanh tanh.
Khóc nhau ném chén tan tành,
Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ !

Năm 1937 báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng truyện ngắn “Hoa ti gôn” của Thanh Châu. Mấy hôm sau, tòa soạn nhận được bài thơ nhan đề “Bài thơ thứ nhất”, rồi “Hai sắc hoa ti-gôn”. Hai bài đều ký T.T.Kh. và đều một nét chữ run run. Từ đấy tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy không nhận được bài nào nữa và cũng không biết T.T.Kh. ở đâu (Về sau có thêm một bài nữa là “Bài thơ cuối cùng”).
 Sau khi hai bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có đến mấy người nhất quyết T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Trần Huyền Trân cảm vì mối tình dang dở của hai kẻ yêu nhau, đã từng hẹn nhau ở vườn Thanh Giám (không phải Thanh Hóa) nên ông có bốn bài thơ ghi là viết ở Thanh Giám :

Thưa bà [gửi một bà yêu thơ] (1938)
Tiếng đàn đôi ta [gửi quả phụ Trần Nguyệt Hiền] (1938)
Có những mùa đông [3 bài] (1939)
Trưa ấy qua rồi (1939)

Trong bốn bài này, chỉ có bài thứ tư tả tâm sự của Trần Huyền Trân lúc trở lại vườn Thanh :

Bây giờ năm tháng vô duyên quá,
Em đã theo chồng bến cát xa.
Đò đã sang sông, chèo lái mới
Sao còn khua sóng mãi thơ ta ?

(Thanh Giám 1939)

Về sau, con trai ông – đạo diễn điện ảnh Trần Kim Bằng – một đêm, khuya lắm, hỏi ông về T.T.Kh. Ông trầm ngâm rồi thở dài :”Có những chuyện chẳng nên nhắc lại làm gì !” Thế là chuyện về T.T.Kh. vẫn mãi mãi là ẩn số. Có khi như thế lại hay.

***

Trần Huyền Trân sống vào thời kỳ mà xã hội đầy dẫy cảnh khổ đau. Bản thân mình đã khổ, nhìn ra ngoài xã hội thấy còn lắm cảnh khổ hơn :

Đẻ ra trong đói khó,
Váy mẹ làm áo con.
Miệng khát, trẻ cào vú,
Nào hay già thiếu cơm !

(Bố về – 1945)

Khổ thế chưa đủ, phát xít Nhật còn bắt dân ta phải phá lúa trồng đay (để may bao tải), đem lúa đốt để chạy máy điện vì thiếu than, khiến năm 1944 miền Bắc có đến hai triệu người chết đói :

Đàn ông sót lại bao tên,
Chôn người để đợi người đem chôn mình.
(Những người chưa chết – 1944)

Miền quê trở nên xơ xác tiêu điều, dân đói quá phải bỏ làng kéo đi nơi khác kiếm ăn để sống vất vưởng qua ngày, nhưng đến đâu cũng chỉ thấy toàn là đói :

Con trâu, con chó không còn,
Khắp vùng dân đói dần mòn kéo đi.
Vai mang đời sống lặc lè,
Tráng phu năm trước, tử thi buổi này.

(Những người chưa chết – 1944)

Thế rồi cách mạng tháng tám đã về. Trần Huyền Trân hòa mình vào biển người hừng hực sức sống của một dân tộc đã hồi sinh sau bao năm dài quằn quại dưới gót giày xâm lược :

Khói lửa bốc hoa tay kẻ sĩ,
Bốn phương về thảo chính khí ca.

(Đi trên đường Hà Nội sau ngày Tuyên ngôn độc lập 1945)

Nhưng chẳng bao lâu, thực dân Pháp quay lại. Hải Phòng bốc lửa. Bài thơ “Hải Phòng 19-11-1946” của Trần Huyền Trân là một bài thơ truyền hịch, giọng thơ căm hờn kích thích toàn dân hãy đồng loạt đứng lên chống lại kẻ thù nuôi dã tâm xâm lược tổ quốc ta một lần nữa. Lời thơ hùng hồn, đầy hào khí, phản ánh nỗi căm thù chồng chất trong lòng dân ta sau những năm dài bị trị :

Hải Phòng !
Nẩy lửa trong lòng Nhà hát lớn,
Mười ba quyết tử cười hơn hớn.
Còn viên đạn cuối cùng
Nhà hát rung….
Những con người đã từng là phu phen cực khổ, nông dân bị bóc lột tận xương tủy, những con người một lần làm nên lịch sử ấy đã không tiếc thân mình, lăn xả vào chỗ lằn tên mũi đạn để giáng cho địch những đòn sấm sét :

Lửa xuống cửa ga,
Xe tăng giẫy chết !
Lửa vào Cát Bi
Máy bay tan tành !
Hải Phòng khu bảy tay ôm lửa,
Một mái nhà thiêu một đạo binh !

Nhưng rồi chiến tranh kéo dài và lan rộng, gieo tang tóc điêu tàn lên khắp đất nước, Trần Huyền Trân đã vẽ lại cảnh bi thương ấy bằng những vần thơ cảm động :

Đất lành lúa chín, rau thơm,
Hốt nhiên giặc đến, xóm làng lửa thui.
Trẻ thơ khóc mẹ ồi ồi,
Già nua sấp ngửa đứt hơi giữa đồng.
Gà xao xác, chó chạy rông,
Lợn kêu, bò rống, trâu lồng, người rên…

(Đốt làng – 1948)

***

Thơ Trần Huyền Trân đã từ lĩnh vực tình yêu bước sang lĩnh vực xã hội rồi phản ánh một cách trung thực cuộc chiến đấu hào hùng của dân ta để giành lại độc lập tự do cho tổ quốc. Thơ Trần Huyền Trân nói lên tình cảm và ước vọng chân thành của thế hệ ông đang sống. Giọng thơ hiền hòa, nhẹ nhàng và gợi cảm, nhưng đôi khi cũng có vẻ ngang tàng (như trong bài “Say ca” hay “Độc hành ca”).

Thâm Tâm quả đã hiểu Trần Huyền Trân hơn ai hết, nên khi đề tựa thơ Trần, đã viết :

….. Hôm nay
thơ lên đường
Hồn chàng ra thiên hạ
Ta vừa nghe lã chã dòng sương
Ngâm thôi
quăng bút cười ha hả
Đây một loài hoa khác hải đường.

(Thâm Tâm 1942)



_______________________________________________

(*) Thơ Thâm Tâm Theo Tô Hoài
(2) Nguyễn Đình Thi, “Thay lời nói đầu” tập thơ “Rau Tần” của Trần Huyền Trân




HUYỀN VIÊM

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.