Sep 17, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Phạm Ngọc Thái chân dung
Phạm Ngọc Thái * đăng lúc 04:38:18 AM, Sep 09, 2022 * Số lần xem: 3531
Hình ảnh
#1

Phạm Ngọc Thái có chân dung
một nhà thơ tình lớn của dân tộc

Nguyễn Đình Chúc

Qua hai tập thơ đã xuất bản:
"Rung động trái tim", Nxb Thanh niên 2009 & "Hồ Xuân Hương tái lai", Nxb Văn hoá Thông tin 2012, có thể nói đó là cả một tuyển thơ dầy dặn có tầm vóc của anh. Để minh chứng cho luận điểm trên mà tôi đã nêu ra, trước hết mời Quí vị hãy đọc một số bích phẩm của anh trong bản viết "16 bài thơ tình hay của Phạm Ngọc Thái" đã được đăng trên nhiều trang mạng trong nước và thế giới. Mở theo link sau -
http://datvietjsc.net.vn/index.php?act=newsdetail&pid=8&cid=32&id=2220


Xem hình


Chưa kể nhiều bài thơ tình khác của anh cũng rất hấp dẫn và súc tích, như: Thành phố mưa rơi, Thời áo trắng, Trước núi Mỹ Nhân, Người con gái sông xưa, một góc hồ Tây, Em về biển, Đêm tóc đá, Trăng lặn, Sáng thu vàng, Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ... hay những bài thơ đời sâu sắc: Cô quét lá đêm hồ, Làm ma em vợ, Em bé cầu bơ, Chiều hoàng hôn, Nỗi trăn trở người đi tìm vàng...
Chưa từng có thi nhân nào viết được nhiều thơ tình hay đến thế! Để có thể khái quát được vóc thơ tác giả, lại xin mời hãy tham khảo một trang với tiêu đề:
"49 tình thơ sâu sắc của Phạm Ngọc Thái", qua link:
http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=764723


Nhà thơ Phạm Ngọc Thái
 

Thi ca Phạm Ngoc Thái dù là thơ tình hay thơ đời, những bài đã đạt độ viên mãn về ý tưởng nhân văn và ngôn ngữ nghệ thuật, mức độ hay của mỗi bài khác nhau nhưng những tình thi có thể cảm hoá được trái tim những người yêu thơ là rất nhiều.
Về bút pháp nhiều bài thơ tình của anh đã được hoà trộn trong khuynh hướng của dòng thơ tượng trưng hiện đại châu Âu cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, mà điển hình là thuyết "tương ứng cảm quan" của nhà thơ tượng trưng bậc thầy
Charles Baudelaire (1821-1867) lúc đó chủ xướng. Thí dụ trong bài thơ
Người đàn Bà Trắng ở tập "Rung động trái tim", anh viết:
Chiếc mũ trắng mềm em đội bàu trời
Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
Đôi mắt em đong những áng mây
Người đàn bà trắng!
Hay là:
Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu / Anh cũng không làm chàng Trương Chi suốt đời chèo sông vắng
Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng / Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau! / Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
Những đêm sao buồn, những đêm gió khát / Khúc thơ tình anh lại viết về em! / Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
Như trong lời bình của chính tác giả ở tập Rung Động Trái Tim:
- Mối tình của nhà thơ với NĐBT cũng chỉ là một bi kịch tình. Vết thương trái tim đôi trai gái ấy tháng năm vẫn không hàn gắn lại được, nhưng cái "Con Đường Lông Ngỗng Trắng..." mà nàng Mỵ Châu đã rắc cho chàng Trọng Thuỷ theo, thần tượng thì rất đẹp... để cuối cùng chàng cũng nhảy xuống biển mà chết, hoá thành ngọc trai giữ tình son sắt với nàng. Nó bi ai quá! Cái hay của khúc triết lý trong bài thơ NĐBT là nó đã được viết như đời.
Trong tấn bi kịch tình yêu ấy: dẫu mối tình bị tan vỡ phải chia lìa năm tháng, nhưng tình thơ đã không kết thúc bằng sự bi thảm một định mệnh - Đôi trai gái vẫn phải sống và tồn tai, dù là theo chiều gió cuốn của cuộc đời!... Phải chăng đó cũng là một cuốn tiểu thuyết "cuốn theo chiều gió" như bao bi kịch Tình - Đời trên bờ bến nhân gian? Cả đoạn thơ thấm đẫm tình bật ra trong đời sống đầy mất mát và đau đớn của tình yêu.

Hoặc như bài
Sáng Thu Vàng, có những đoạn thơ tượng trưng tả về người đàn bà đẹp, hay tới mức điển hình:
Phảng phất trên đầu đôi nét phôi pha / Đôi mắt em bóng trúc bay xoà...
Đường phúc hậu vầng trăng đầy nở... / Nghe không gian đổ vỡ cả mùa thu!
Nghĩa là, đôi mắt nàng huyền diệu mơ màng như bóng trúc phủ và nàng phúc hậu dịu dàng tựa vầng trăng, đến cả mùa thu cũng phải đổ vỡ dưới chân nàng. Hay là:
Môi em cười, hoa lá nát đau thêm...
Đến hoa lá còn phải nát đau dưới đôi môi của người đàn bà, thì mới biết nàng đẹp và có sức cám dỗ đến thế nào. Khi anh tả về nỗi cô quạnh vì vắng bóng người yêu:
Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng
Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi...
(Một góc hồ Tây)
Hình ảnh chiếc lá vàng rơi đúng vào chỗ ngồi của người con gái năm xưa, nó đằm thắm mà xót xa, gợi về một mối tình đã qua. Cảnh rất đời và chứa chất để tạo thành câu thơ hay. Còn trong bài
"Em về biển" thì hình tượng về tình yêu đã đạt đến điểm đỉnh của sự thánh thiện và mang tính triết học:
Bờ bãi đời người - Cuộc sống tình yêu
Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân phật-tổ!
Nghĩa là tình yêu đã đưa ta đến cõi nát- bàn. Anh đề cao tình yêu trong chốn dân gian, nơi
"bờ bãi đời người..." - xét tưởng khó có thể tìm thấy một biểu tượng tình yêu nào cao hơn thế, để rồi thơ được kết thúc trong nỗi khắc khoải của cuộc đời:
Tóc nửa bạc rồi chỉ thấy gió mưa bay...
Tóc nửa bạc rồi tình vẫn đó, em ơi!
Hình ảnh đầy xúc cảm đó đưa ý nghĩa của bài thơ viên mãn đến tột điểm.
Trong bài thơ tình
"Hàng cây lá đổ" chỉ bằng hai câu mở đầu đã ôm trọn cả một khoảng không gian, thời gian cùng với nỗi niềm ly biệt của tình yêu:
Thế là hết! Em đi, chôn chiều vào gió
Ta lang thang qua lá đổ hàng cây....
Hình tượng
"chôn chiều vào gió..." nó biểu thị một nỗi tình sâu lắng với bước chân lang thang của người thi sĩ dưới một bàu trời hoang vắng, cô đơn. Ngôn ngữ thi ca có thể đặt ngang những câu thơ hay trong thi đàn.
Còn bài thơ
"Thời áo trắng", tác giả nhớ về mối tình thuở ban mai. Có lẽ đó là tình yêu của anh trong thời còn sinh viên, vào một đêm trăng nào đó cùng ngồi học bên người bạn gái:
Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách / Mắt em cười mùa thu xanh lên
Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học / Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh!
Đó là những cảm giác yêu đầu tiên trong cuộc đời. Tâm trạng vừa xao xiết, bồi hồi, trái tim lại như muốn... vỡ tan!
Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh! /- Là hình ảnh của câu thơ hay, gợi cảm... lắng sâu vào âm hưởng trong đó có thể làm tâm hồn ta run rẩy, để rồi với nỗi lòng khắc khoải, quặn xiết của tác giả muốn níu kéo lại cái thời xa vắng ấy:
Trả lại cho anh một thời áo trắng
Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!
Những âm thanh ta không nghe thấy nhưng nó lại rền xiết trong trí não ta, như bão gió tình yêu của buổi đầu đời. Hầu như bài thơ nào của Phạm Ngọc Thái cũng muốn đẩy tình thơ đến tột cùng.
Ở bài
"Thành phố mưa rơi" - Thành phố mưa thì ít nhưng lòng tác giả lại mưa nhiều hơn, thậm chí còn bão nữa... khi trái tim anh nhớ đến người yêu:
Gió nhè nhẹ! Em ơi, mưa nhè nhẹ! / Chỉ riêng lòng anh bão không thôi
Cứ để hồn anh trong nước lạnh / Với màu mây hoang trôi đến xa vời...
Trong
"chùm thơ tình mưa" anh còn có cả bài sáng tác vào một đêm... không mưa
- Nhà thơ nhớ lại một mối tình "gió mây", xúc cảm trong lần gặp gỡ cuối cùng trước khi người yêu đi... lấy chồng! Anh viết:
Mùa thu đã qua ta nghe lá rụng / Buổi cuối cùng em đến để chia tay
Ngày mai em lấy chồng phải xa vĩnh viễn / Chẳng sao mà, trời có mưa đâu, em ơi?
Đó là bài
"Đêm nay trời lại không mưa" - Dẫu là tình gió mây... nhưng thơ rất trong sáng và tha thiết:
Kìa không mưa mà áo anh lại ướt / Mùa thu đi sao nắm mãi bàn tay?
Ai nói tình gió mây sẽ quên trong chốc lát / Bao năm trời hồn anh vẫn mưa bay...
Nhưng hay nhất là đoạn thơ cuối, chỉ cần đọc những câu thơ này cũng đã làm ta yêu say thơ Phạm Ngọc Thái rồi:
Ta lại bước lang thang trên phố ấy / Đến mỗi gốc cây có vệt cũ em ngồi / Tiếng hát xưa đưa bờ hồ gió thổi
Bóng với mình đi mãi tới ban mai / Cứ tưởng buổi cuối cùng em đến… đã chia tay?

"Chùm thơ tình mưa" là một chùm thơ khá nổi tiếng của anh. Xin giới thiệu lại với bạn đọc cùng với hàng loạt các chùm thơ khác như: Chùm thơ áo trắng, chùm thơ tình mùa thu, Thơ tình sông hồ, Thơ tình thời con gái, Thơ tình viết dưới cây, Tình yêu và đàn bà, Thơ tình trong trăng, Chùm thơ tình biển, Tình chiều hoàng hôn... Hầu như chùm nào của anh cũng có bài thơ hay xuất sắc. Bạn đọc có thể thưởng lãm một số chùm thơ đó qua link sau:
http://www.haiphong.net.vn/forum.php?mod=viewthread&tid=23247

Phần lớn thơ tình của Phạm Ngọc Thái là tình chia ly và tan vỡ, tác giả nuối lại những kỷ niệm xưa. Cũng chẳng rõ với hàng trăm bài thơ tình như thế xuất phát từ bao nhiêu mối tình, với bao nhiêu thiếu nữ hoặc những người đàn bà trẻ?... Chỉ biết là bài thơ tình nào, dù là kí ức về thuở ban mai hay tình buổi hoàng hôn khi nhà thơ đã bước vào buổi hoa niên, cũng thật tha thiết và tiếc nuối. Có lẽ có thể nói thế này:

Nếu thời tiền chiến ta đã có một Xuân Diệu, thì nay lại có một Phạm Ngọc Thái - Anh có chân dung một nhà thơ tình lớn của dân tộc, một nhà thơ tình hiện đại sâu sắc.







 
Xin trở lại với một số bài thơ tình hay của anh in trong tập "Hồ Xuân Hương tái lai" vừa mới xuất bản - Nếu ở trong bài Con Đường Phượng Đỏ là bài thơ mà tác giả nhớ về mối tình với một người sinh nữ đã xa xưa, dù chỉ là hoài niệm nhưng vẫn chứa chan tình đời:
Con đường tình đẫm giọt sương rơi / Gió vẫn xạc xào vi vút thổi
Giá hồi ấy chúng mình lấy nhau rồi sinh năm đẻ bảy / Thì đâu còn phượng để anh ru?
Một nữ nhà giáo khi bình bài thơ này của anh, đã viết:
"
Bài thơ rất đáng yêu... Tôi hình dung thấy bước chân anh đang lang thang trên cái hè phố nhỏ có hàng phượng vĩ, con đường mà anh vẫn cùng người thiếu nữ năm nào dạo bước bên nhau:
Em mang màu phượng đỏ ra đi...
Anh tha thẩn dọc hè phố nhỏ
Nơi kỉ niệm của mối tình sinh nữ
Xác ve còn bám ở thân cây
Hẳn đó là những ngày tháng tươi đẹp và hạnh phúc của đời anh. Cô sinh nữ kia chắc cũng phải xinh xắn lắm? Nghe anh mô tả, những kỷ niệm êm đềm từ thưở còn con gái, dù đã xa xôi cứ dồn về làm nghẹn trái tim
tôi... "
Và chị kết luận: "
Bài thơ giàu cảm xúc, ý tình thanh nhã, hình ảnh rất mộng mơ. Bút pháp tuy bình dị nhưng ngôn từ vẫn mang vẻ đẹp mỹ học, cùng với ý nghĩa thi phẩm mà tạo thành bài thơ hay, có thể làm rung cảm trái tim người".

Bài thơ
Cô Áo Trắng - tác giả còn đi sâu vào tả cả thế giới bên trong thân thể người thiếu nữ mà thơ vẫn không kém phần hoa mỹ:
Đêm Sài Gòn khi ấy sẽ như mơ / Em bọc trong anh không cần quần áo /
Ôi! Nguyệt của em đây một động sâu huyền ảo / Chứa cả thiên đường và vũ trụ bên trong
Em đừng hỏi vì sao anh yêu em!
Rồi anh dùng cả thiên nhiên làm hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp và đầy sức cám dỗ của nàng:
Anh lại có một cô áo trắng / Vào buổi hoàng hôn hoang vắng cuộc đời
Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm / Bàu vú nàng mùa hoa trái sinh sôi...
Đôi mắt thiếu nữ như một trời thu còn bàu vú thì sinh sôi cả một mùa hoa trái - Cảm xúc trong thơ Phạm Ngọc Thái vẫn đời mà sinh động của thứ ngôn ngữ hình tượng mang màu sắc triết học, như có ma lực có thể làm xao động trái tim người.
Phạm Ngọc Thái có nhiều bài thơ tình đẹp được viết ở hồ Tây. Hầu như bài nào cũng có một hương sắc
riêng hoà trộn giữa cảnh sắc thiên nhiên và dấu ấn của tình yêu vào đó. Như ở bài "Một góc hồ Tây" đã nói trên, anh còn viết:
Chiều lễnh loãng bóng đa gù bên phố / Mõ chùa buông thay tiếng nói của tình yêu /
Trong sân gạch sư già quét lá / Bước người đi thầm lặng cõi hư hao...
Chiều hồ Tây - Chiều Tây hồ lộng gió / Ta và Người cõi mộng khác chi nhau
Ngưòi quên hết! Còn ta yêu tất cả / Trong tiếng lá bay chầm chậm bóng ta theo...
Cái cảnh chiều lễnh loãng cùng với nỗi lòng chơi vơi, hiu hắt của con người đang bước vào tuổi hoa niên quạnh vắng, bên cây đa gù cùng với bóng nhà sư đang quét lá ở sân chùa... làm cho bài thơ tình chiều phố đầy mùi kinh kệ. Đúng như câu thơ anh đã viết
: Mõ chùa buông thay tiếng nói của tình yêu /- Cũng như chính tâm hồn hư hao của tác giả trong những tiếng lá rơi chầm chậm, buồn buồn...
Bởi vì anh cùng với gia đình sống ở ngay bên hồ Tây đó, cho nên những sớm hồ lung linh ánh nước và những chiều sóng vỗ... đã gắn bó trái tim nhà thơ với những kỷ niệm yêu thương trong cuộc đời. Một bài khác anh viết:
Anh ở hồ Tây mênh mông sóng vỗ / Vẫn thấy bóng em trong màu hoa thương nhớ
Ôi, màu hoa son sắt trái tim em / Cái màu tím buồn của những cuộc ly tan!
(Anh vẫn yêu màu hoa tím buồn)
Nhưng bài mà tôi muốn nói nhiều hơn ở đây là bài
Anh Vẫn Ở Bên Hồ Tây, một bài thơ tình hay của tập "Hồ Xuân Hương tái lai", tuy hình ảnh thơ rất chân thực nhưng vẫn cô đúc, dường như trên mỗi dòng thơ đều có máu tim của nhà thơ đang rỏ xuống:
Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại / Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi / Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...
Bài thơ chỉ có 16
câu với 4 khổ thơ, được viết vào lúc cuộc đời tác giả đã về chiều. Cũng là mối tình nhớ lại với một người sinh nữ. Có lẽ lúc đó vết thương tình đã làm cho lòng anh đau nhói, anh viết:
Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt / Hạnh phúc qua như một cánh chim bay
Nông nỗi đời người để đâu cho hết / Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây...
Và anh đứng bên bờ hồ Tây gió thổi, mây bay... bồi hồi nghe tiếng của lòng mình đang trỗi dậy thưở còn tình yêu tuổi trẻ. Hình tượng thơ khắc họa trong câu cuối cùng:
Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi.../- Những làn mây trôi kia không chỉ là cảnh vật thiên nhiên mà nó còn biểu thị cho cả khoảng thời gian đang qua và không gian hoang vắng - Đó chính là thứ ngôn ngữ thi ca rất hàm súc và giàu tính biểu tượng của Phạm Ngọc Thái. Hoặc như câu: Hạnh phúc qua như một cánh chim bay / - Nói lên niềm vui ngắn ngủi, thoảng chốc đã không còn. Khi tả về hình bóng người con gái đã xa xưa nay chỉ còn trong ký ức, anh viết:
Người con gái anh yêu nay hoá khói sương tan
Để biểu thị cho sự chìm lấp của thời gian đã trôi vào quá khứ.

Trong những bài thơ tình hay, có một bài viết về người vợ trẻ vào những ngày tháng anh xa quê sống ở nước ngoài làm kinh tế. Đó là bài:
Tiếng Hát Đời Thường - Cũng chính là bài thơ về quê hương. Hình tượng mà người ra đi ở phương trời xa lòng thổn thức nhớ chốn quê. Bài thơ được viết như một truyền thuyết: Trong một phố nghèo có người vợ trẻ / Vẫn đón con đi , về ...như thường lệ
Vóc em thanh cũng thể mùa xuân / Đôi mắt em, đôi mắt ấy màu đen
Những hình ảnh được gợi lên thân thuộc nhưng vẫn mang tính điển hình, khái quát mà thơ vẫn nhuần nhụy dễ thương. Thí dụ như khi anh tả về gia đình:

Ngôi nhà nhỏ bên đền / Gốc đa, quán báo/ Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (*)
Đêm hồ nước trăng soi / Chiều lá me, lá sấu / Cung thành xưa dấu đại bác còn... (*)

(*) Hình ảnh gợi lại câu chuyện của bà Thị Lộ thời con gái đi bán chiếu gon ở hồ Tây đã gặp ông Nguyễn Trãi... và những vần thơ đối đáp giữa hai người còn truyền tụng đến ngày nay. Hay là hình ảnh cả cung thành Thăng Long Cửa Bắc của cố đô xưa vẫn còn in dấu đạn đại bác từ thời giặc Pháp bắn vào, thành Thăng Long thất thủ, quan Tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ để tuẫn tiết.

Một bức tranh quê, tiết tấu thơ đầy chất trữ tình đem theo những hình ảnh cuộc sống thường ngày xúc động trong kí ức nhà thơ :
Ôi quê hương! / Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội / Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi
Chưa tối đã khêu đèn bê mẹt thuốc rao đêm / Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội.
Chính ở nơi ấy, có người vợ trẻ và con anh đang chờ anh trở về. Bài thơ được kết thúc với tiếng lòng thao thiết trong chốn dân giã ở cố hương. Cái
"tiếng hát đời thường" của nhà thơ được cất lên là hình ảnh cuộc đời, hiện thực và chắt lọc:
Con sẻ hót mênh mông đồng nước / Người hát rong hát vui sân ga
Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát
Anh hát cho đời...
Anh hát em nghe...
Nó như khúc dạo của người hát rong trên sân ga, tiếng rao của em bé bán báo. Nhà thơ ví như tiếng của con sẻ mênh mông trên đồng nước... để rồi lẫn vào trong cát bụi cuộc đời. Bài thơ hay, cảm xúc chân thực. Có thể nói, máu và nước mắt của nhà thơ đã rơi lên trang giấy khi viết bài thơ này. Anh tả về hình ảnh người vợ ở quê:
Ai biết chiều nay người vợ trẻ
Đứng mong chồng bên đứa con thơ
Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu...
Để rồi tác giả tự nhắn nhủ với lòng mình và nói với đời, thơ như khúc hát đồng dao:
Tuyết bạc quê người... xứ sở mưa cau...
Đi đâu, đến đâu: Nhớ về phố ấy!
Phạm Ngọc Thái đã để lại cho đời một tình thơ quê hương súc tích.
Tôi định viết thêm một mảng thơ đời của anh, như thế thì bài viết sẽ dài. Hơn nữa, ở đây tôi tập trung nêu lên vấn đề
"Phạm Ngọc Thái có chân dung một nhà thơ tình lớn của dân tộc", cho nên chỉ xin bình thêm một bài thơ nữa của anh, đó là bài Em Bán Xoài - Một bài thơ nói là thơ tình cũng được mà thơ đời cũng được, tác giả viết đầy xúc cảm riêng tư song lại rất sâu sắc trong cõi trần ai, trước thân phận nổi trôi của các cô gái bán xoài mà anh đã gặp bên bờ biển Nha Trang. Những cô gái bán xoài ấy, đó là những kiếp đời cát bụi phải bán cả linh hồn lẫn thần xác mình để sống:
Em bán xoài đi đêm trên cát vắng / Bãi biển chập chờn kiếp đời các cô gái lang thang
Dưới hàng dừa se sẽ gió ru êm / Dãy cột đèn đứng đêm côi lạnh...
Những đoạn thơ diễn tả vừa đan xen thân phận bọt bèo vừa bao quát cả tính nhân tình thế thái. Ta hãy đọc một đoạn anh viết về em bán xoài đó:
Xoài em chín, đêm tàn canh em đón khách / Giọt thơ buồn như ngọc sương rơi
Em bán xoài thơm!... Em bán xoài thơm!.../ Biển to lớn - Bóng em nhỏ thẫm
Linh hồn treo ngoài thế giới em đi / Trên những cành dừa hay trong đám mây qua?

Cái thế giới đó chính là chốn nhân quần, xã hội mà các cô gái đang đi, đang sống ở đó. Sao nó thật hãi hùng? Linh hồn của các cô thì vất vưởng ở ngoài thế giới con người, có thể nó vương trên những cành dừa quê hương hay vơ vất trong một đám mây nào đó - Những hình tượng thơ khắc hoạ để nói về nỗi kiếp bọt bèo. Đó cũng chính là những hình tượng cho thân phận thấp hèn chốn dân gian. Hoặc một đoạn khác:
Thế giới em đi "vòng thiên la địa võng" / Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi
Xoài em thơm, hương toả mát thân người / Ai mua xoài? Còn ai có mua em?
Có thể nói
"Em bán xoài" là một bài thơ tình khá điển hình về kiếp đời lang thang. Nó vừa trộn hoà tình yêu đồng loại của tác giả trong chốn nhân quần, vừa là cảm xúc của nhà thơ trước một cô gái bán xoài nào đó mà anh gặp gỡ. Thơ vừa thân yêu mà xa xót, từ những hình ảnh hiện thực chuyển sang màu sắc tượng trưng và triết lý, thậm chí có chỗ ngả sang cả thơ siêu thực... như ở đoạn kết anh viết về thân phận của những người con gái đó: Các cô gái đi đêm như các cột đèn
Bóng nuốt lẫn vào bờ cát ấy...
Nghĩa là sự tồn tại của các cô gái bán xoài ấy cũng chỉ vật vờ như cát bụi. Đó là những thân phận lạc loài, linh hồn gần như là không có nơi bám víu, sống hôm nay không biết đến ngày mai. Sau đó tác giả trở về với lời ru của anh cùng hàng dừa quê hương quanh các cô gái bán xoài:
Biển ru ta và ta ru em
Dưới hàng dừa xứ sở gió ngàn năm...
Cảm xúc thơ được hoà trong mối giao cảm giữa đất trời và cuộc sống con người, khúc triết mà tạo thành bài thơ hay.

Chỉ với thơ tình, rồi mai sau Phạm Ngọc Thái cũng phải có cả trăm bài đứng trường cửu được với đời, trong đó có tới vài chục tình thi của anh đạt vào những cung bậc của các tầm thơ hay vô giá. Phạm Ngọc Thái thực sự là một hiện tượng thơ ca hiếm có ở đương đại này.
Tôi xin dừng bài bình luận của mình ở đây. Mong rằng với thời gian, chân dung và tầm vóc thi ca của anh sẽ được đời đánh giá đầy đủ hơn.

Quí vị có thể thưởng thức 298 tình thơ với thi phẩm dày 400 trang sách của tác giả - Qua tập
"Hồ Xuân Hương tái lai", Nxb Văn hoá Thông tin 2012 - theo link dưới đây:
http://d3.violet.vn/uploads/resources/508/2697259/preview.sw.

Nguyễn Đình Chúc
Thăng Long, mùa đông năm Nhâm Thìn 2012.
ĐC: Ngõ 44 phố Hào Nam, Hà Nội.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.