Apr 19, 2024

Tùy bút - Bút ký

Bệnh.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:55:40 AM, Jul 12, 2012 * Số lần xem: 2090
Hình ảnh
#1

 

Bệnh

Tôi chống gậy rất chậm chạp rất thong thả từng bước một xuống cấp bực xi măng ra sân bên cạnh hông sau nhà. Tôi đi tập hằng ngày, buổi sáng như một thông lệ. Gian nhà nhỏ bé này tọa lạc tại đường Ulric tại thị trấn Linda Vista, được chính phủ Mỹ cho thuê rẻ vì lợi tức thấp, nguyên nhân chủ yếu là do tôi bị bệnh tật ngót mười năm, bản thân tôi và toàn bộ gia đình đã đổi nơi cư trú từ thị trấn Santee lên sinh sống tại Linda Vista này đã ngót 5 năm. Nói chung thị trấn Santee này đối với tôi hóa đã trở thành quen thuộc. Mỗi khi di chuyển đổi dời vị trí, bắt buộc tôi phải di chuyển, nhất là mỗi khi tôi đi có việc cần thiế như khi khám bệnh khám sức khỏe định kỳ hàng tháng, như trường hợp đưa tôi vô một bệnh viện cấp cứu,” ban đêm giữa lúc tôi đang ngon giấc tôi chợt thức giấc vì bị một cơn nôn ọe ói mửa tới mật xanh), một công việc thật sự tôi chẳng lấy gì thích thú.
Ban ngày, tôi có thể di chuyển trong nhà, từ phòng ngủ qua phòng làm việc, từ phòng tắm, phòng vệ sinh di chuyển tới phòng ăn chật hẹp, từ chiếc máy vi tính tới cây đàn keyboard cũ kỹ cốt giải buồn giải trí, tôi khỏi phải chống gậy. Nhưng một khi thay quần thay áo, mang tất vớ mang giày để ra ngoài đợi giờ đón tài xế thì bắt buộc tôi không thể không sử dụng chiếc gậy nhằm mục đích yên tâm và đảm bảo lên xe xuống xe, bước xuống xe vô trung tâm người già và từ giã trung tâm bước lên xe ngồi tài xế lái xe về nhà. Tôi chỉ thật sự yên tâm khi đã có ghế ngồi: buộc thắt lưng an toàn. Ấy thế mà có trường hợp bất thường không may có một bệnh nhân vì vô ý té ngã song soài trên mặt con lộ: bệnh nhân là ông lão Francisco, rất may bệnh nhân không hề hấn gì, chỉ xây xát chút đỉnh,sau đó ông ta ngồi vào xe sinh hoạt bình thường (nữ tài xế Francess không chịu báo cáo tường trình vụ té ngã). Có một trường hợp trầm trọng ngoai lệ, số là vợ chồng người Hoa lớn tuổi sinh hoạt tại trung tâm chăm sóc người già đã lâu ít ra vài năm. Vợ chồng người Hoa vốn hiền lành, ít lời, tiết kiệm tiếng nói, đó là một đức tính khiến tôi có thiện cảm với hai ông bà.

Hôm ấy, vào buổi gần trưa, khoảng mười một giờ, chuẩn bị giờ ăn trưa, người đàn ông người Hoa ấy lặng lẽ ngồi một mình trên bàn, buồn ý nhắm mắt thiu ngủ.
- Mười một giờ rồi, nghỉ tay, chuẩn bị ăn cơm. Tôi vừa nhìn các bạn lão ông nói đùa.

Bỗng có một tiếng “ ầm “, một bóng người đang từ trên ghế ngồi ngã nhào lăn xuống nền nhà trong gian phòng, cả gian phòng kêu “ồ “ một tiếng, tất cả mọi người hấp hấp ùa về người đang ngã sóng soài, vợ người đàn ông bị ngã cũng vội vàng chạy sấn tới, đưa tay lên hứng đỡ vệt máu đỏ từ thái dương, một nữ ý tá vội vàng lấy khăn vải sạch thấm lau sạch vết thương trong lúc bệnh nhân cao niên vẫn nằm yên bất động. Nữ phó giám đốc Lisa cấp tốc gọi emergency, đem xe nhà thương đưa ngay vô bệnh viện; cho tới giờ này bệnh nhân đã có thể ngồi dậy được và bắt đầu trở lại hoàn hồn tỉnh táo tuy không nói chuyện được một câu mặc dù ngắn gọn. Tôi vẫn nhớ tên đường của hai bệnh nhân người Hoa hiện đang trú ngụ, đường Redwood, tiếc là không nhớ số nhà, phía bên phải đường 54. Người đàn bà vợ bệnh nhân xin đi theo chăm sóc bệnh nhân nhưng xe emergency không chấp nhận đành lủi thủi bước vô gian phòng trung tâm Quantum. Nhờ trời, qua sáng ngày hôm sau, ngày thứ tư, tôi cũng lóp ngóp đi theo tài xế tới Quantum, tình cờ tôi lại gặp vợ chồng ngườI Hoa đường Redwood đi sinh hoạt. Hỏi người nữ tài xế Francess, tôi mới biết ông chồng bị ngã đã khá hơn, có thể về nhà, có thể sinh hoạt bình thường ở tại Quantum, nhưng rất tiếc ông chồng từ chối, bà vợ đành phải đi sinh hoạt một mình ên. Mình “ ên”, thói quen ngôn ngữ miền Nam Việt Nam, có nghĩa là riêng chỉ một mình, không một cái gì, một người nào khác.

- Hôm nay bạn đi cinê với một người bạn gái, có phải không?
- Tôi chỉ đi cinê một mình ên.

Cho đến ngày hôm nay, thú thật tôi vẫn không biết, vẫn chưa biết vợ chồng người Hoa họ tên là gì nữa. Một người bạn vong niên người Hoa gốc Việt tôi biết cả họ lẫn tên bởi rất dễ nhớ: họ Phan tên Đỗ. Một ông bạn vong niên người Hoa gốc Việt khác, tôi cũng biết họ nhưng không biết tên: ông Dương, ông này hơn tôi ngót chục niên, vợ mất cách nay non mười năm, sống một mình. Ông Dương rất muốn chắp nối với một bà lão khác hòng phòng khi tối lửa tắt đèn, nhưng đợi hoài mỏi cả cổ chẳng có ai gọi. Ngày trước, lúc còn ở đất nước Việt Nam, ông Dương có học theo chương trình Pháp, thỉnh thoảng ông Dương đôi khi cũng xổ một tràng tiếng Pha lăng Sa. Mấy chục năm trôi qua nền văn hóa Pháp chắc chắn bị mai một, tôi nói tiếng Pháp chắc chắn cũng bị ngọng nghịu vấp váp khá nhiều, chủ yếu tôi bị quên mất rất nhiều từ ngữ.
Mà thôi, buồn bã bệnh tật già yếu trách làm chi thêm tội! Sinh, lão, bệnh, vốn từ thuở lập địa khai thiên, đã là định luật hiển nhiên bất biến. Chỉ còn “ tử “ là đầy đủ bốn bộ sậu sống già bệnh chết.

Tôi cất bước đi ra ngoài sân chống gậy, không phải ba chân mà là gậy bốn chân. Gậy ba chân, tôi cảm nghiệm không vững vàng cho bằng gậy bốn chân. “Ba chân vạc” không bền vững bằng “tứ trụ triều đình “. Nói vậy thôi chứ “ tứ trụ triều đình” lúc mới bị đột quỵ, tôi vẫn té ngã như thường, trong phòng vệ sinh. Lúc đó vì chưa quen với sự đi đứng, tôi bị té ngửa, chút xíu nữa, một chút xíu nữa thôi là đầu tôi bị chạm ngay vào nơi bồn tắm, cách một phân tây 1cm, hóa ra đấng bề trên cũng còn thương xót số phận bọt bèo của một sinh linh thực chất vô thường.
Chân tôi bước đi mà thực sự đầu óc tôi không ổn định, tâm trí lửng lơ chao đảo. Tôi nghe người ta nói rằng một khi bị đột quỵ, óc não bị khủng hoảng trầm trọng, não trạng bị nhũn não, ấy là những vị bác sĩ kết luận như thế. Tôi chưa hề nghe người ta nói một khi bị đột quỵ, bệnh nhân sẽ bị nhũn não, tôi nghe nói bị nhũn não cũng đủ ớn lạnh. Nhưng bị nhũn não là sao, não bị nhũn là như thế nào, khó mà tưởng tượng hình dung, nói đơn sơ óc não chắc chắn sẽ bị suy thoái, không còn hoạt động bình thường là tư duy, là phán đoán nhận xét suy luận. Chân bước đi, tay chống gậy bốn chấu, tôi tâm niệm rằng không được lơ đãng, phải tập trung từng bước chân đi, bởI tôi kinh nghiệm sâu sắc rằng tâm trí của tôi rất dễ bị chao đảo, không thể suy nghĩ định thần việc gì ráo, nếu có chuyện gì bất ổn như chóng mặt xây xẩm, bước đi mất thăng bằng, thế giớI cảnh vật ngả nghiêng đảo ngược thì thằng bệnh nhân là tôi hãy gấp rút mau mau tìm cách ổn định sự thăng bằng lẽ ra là đã không còn. Tới một mái hiên, tôi vội vàng tìm lấy chỗ ngồi và ...điều chỉnh hơi thở. Ngước nhìn trờI, tôi vẫn thấy màu trờI trong xanh, mùa đông gió lạnh từ ngoài biển thổI về, cây phong giờ đây đã đổi sang sắc đỏ, cành cây khóm lá khua động xạc xào. Tôi thấy tôi một mình cô độc lẫn cô đơn. Cô độc hình như khác nghĩa với cô đơn. Cô độc là sống, làm việc, ăn một mình, ngủ một mình, không vợ, không chồng, không bạn, không người thân thuộc, ốm đau một thân, chết đi cũng chỉ một mình, một kẻ lữ hành cô độc. Tôi là một người cô độc đúng nghĩa, tôi không khoác lác đâu. Bạn bè của tôi nhắm mắt xuôi tay đã gần hết, nếu còn sống, bè bạn dăm ba người còn ở quê hương thỉnh thoảng gọi điện thoại chia sẻ hàn huyên tâm sự ngọt bùi. Nhưng riêng tôi, tôi cũng là một kẻ cô đơn. Quý độc giả xin hãy cùng nghe lời tâm sự của thi sĩ D’Arvers trong mối tình Tuyệt vọng:

Hélas!j’aurai passé près d’elle inaperu,
Toujours à ses côtés et pourtant solitaire.

Từ tiếng Pháp “ près “ có nghĩa là “gần, gần gũi, gần gụi “. J’aurai passé près d’elle. Tác giả đã trải qua gần gũi với giai nhân, một tình huống một hoàn cảnh không hề xa cách, không sống một cách cô độc. Nhưng hỡi ôi, tác giả lại cảm thấy rất cô đơn, tuy gần thể xác nhưng rất xa xôi, không thấu hiểu nỗi niềm tâm sự của lòng mình:

Hélas! J’aurai passé près d’ elle inapercu,
Toujours à ses côtés et pourtant solitaire;
“ Pourtant solitaire “, tuyvậy mà sống cô đơn, ấy vậy mà rất đơn độc, một mình một bóng.

Quý độc giả hãy nghe những lời thơ lục bát của Khái Hưng được thoát dịch:

Hỡi ôi, người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?

Càng về già, tôi càng ít nói. Càng dẳng dai mang bệnh nan y khó giảm, tôi càng khiêm tốn lời. Càng về già, ngôn ngữ trí nhớ suy luận của tôi càng thêm dè dặt. Phát ngôn lờI nói dễ đi tới bừa bãi quàng xiêng, đa ngôn đa quá. Đã thế, từ lúc lâm bệnh đột quỵ, ngôn ngữ ngôn từ lời nói của tôi bỗng trở nên khó khăn đối đáp ngọng nghịu. Câu nói của tôi bỗng đột nhiên trở thành đảo ngữ, “ ba “ trở thành “ con “, “con “ trở thành “ba “.

Ký ức của tôi bỗng thành khối sương mù dày đặc, trí nhớ lẫn lộn hóa trước thành sau, hiện tại trở thành quá khứ. Tôi cũng không biết không nhớ tôi đã ăn điểm tâm chưa; tôi không còn nhận định sáng suốt hôm nay là ngày thứ mấy trong tuần, thứ hai hay thứ ba. Tôi chỉ nhớ mang máng lối về quê cũ chốn quê nhà, giờ này chắc đã đổI khác nhiều lắm. Đường đã lát đá lối đi, trải nhựa đen, ngày trước chính tôi đã đích thân lội bộ xem nước lụt từ trên nguồn đổ xuống trên dòng sông Cái. Số điện thoại trong nhà, của tôi, tôi cũng khó lòng phân định được. Từ ngày gia đình tôi di chuyển dời nơi cư trú từ Santee tới Linda Vista mặc dù khi lái xe lúc tôi chưa bị ngã bệnh, con đường tên phố tôi đã đi lại lên xuống nhiều lần, lần này tôi tự nhiên thấy lạ: cảnh vật lúc này giờ đây thay đổi vì chính lòng tôi có sự thay đổi, giờ đây tôi đã thực sự ngã bệnh.

Những con đường El Cajon Blvd, University Avenue, những freeway 94, 52 East, West 163 North hoặc South, ngồi trong ghế do nữ tài xế lái, tôi cứ ngỡ đang đi những con đường mới, những xa lộ mới đi lần đầu. Ngay cả đường Ulric, con đường đối với tôi rất ư quen thuộc hằng ngày, thế mà tôi ngỡ lần đầu tiên chứng kiến tận mắt đường Ulric. Tôi thẫn thờ ngắm nhìn quang cảnh buổi chiều trên con lộ Ulric. Buổi chiều mùa đông thật đẹp, nắng rực rỡ vàng tươi trời lạnh giá, cành cây phong lá đỏ gió đông thổi nhẹ rơi lác đác.
Hằng ngày, vào mỗi sáng, lúc nào tôi cũng phải nhắc nhở cảnh báo chuyện uống thuốc. Uống thuốc, uống thuốc và uống thuốc. Nói gì thì nói,làm gì thì làm, “ Đuốc Bác về” là phải có chuyển biến. Nhớ lại mấy mươi năm trước, lúc tôi còn được “ tạm dung “dạy học tại trường phổ thông trung học cấp 3 H. H. T., trong một buổi họp thường lệ ở trường, ông hiệu trưởng trường trung học đã nhắc nhở khuyến cáo tập thể các giáo viên phải nghiêm túc thi hành thông báo của Ty Giáo Dục sở tại về việc “ Rước Đuốc Bác Hồ.” Tôi cũng xin nói thêm về ông hiệu trưởng trung học cấp 3 trường phổ thông trung học H.H.T. Ông là cháu ruột kêu bằng cậu của nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả nổi tiếng của tác phẩm tùy bút Vang Bóng Một Thời. Họ và tên của ông hiệu trưởng là Nguyễn Ngô Tùng,, dáng người khắc khổ nhưng hiền lành, ít nói ít cười, chỉ phát biểu những gì đáng nói, một ưu điểm. Ông hiệu trưởng Tùng có lẽ không được khỏe, dường như ông đang bệnh dạ dày. Vài năm sau, thấy nhân dân Việt Nam cắm cúi lo làm lo ăn tay làm hàm nhai” tay quai miệng trễ), đảng Cộng Sản Việt Nam bèn xuất phát ra mệnh lệnh phải làm một cái gì đó để toàn đảng toàn quân toàn dân một phong trào thi đua toàn quốc nom cho có vẻ xôm tụ: nhớ ơn Hồ chủ tịch vĩ đại, nói nôm na là “ Rước Đuốc Bác Hồ.” Nhưng Bác Hồ chết đã từ lâu, toàn dân từ nhỏ chí lớn, từ trẻ đến già đều nhớ ơn ghi tâm khắc cốt Hồ chủ tịch vĩ đại. Trung Ương ra chỉ thị Bộ Giáo Dục từ trên xuống dưới ra sức thi đua, thi đua vừa học tốt vừa phấn đấu lao động tốt, vừa đoàn kết tốt vừa kỷ luật tốt trở thành chiến sĩ ngoan cường anh hùng lao động. Để kết luận, hiệu trưởng Nguyễn Ngô Tùng nói tóm một câu tràn đầy nghĩa sâu sắc:
- Nói gì thì nói, làm gì thì làm, đuốc Bác về là phải có chuyển biến!
Tháng một, tháng chạp coi vậy mà gần Tết, chuẩn bị Tết. Hồi còn nhỏ, Tết đến là lòng tôi nôn nao, chờ chực một ngày trọng đại sắp đến. Tết, chuẩn bị những bộ lư đồng thất sự hơ nắng chùi bong. Không phải chùi bóng bộ lư đồng sơ sơ chiếu lệ là xong, mà phải chùi bóng cật lực lóa mắt không phải chơi à nghen. Thiếu thời, cha tôi sai người anh thứ Sáu vào những ngày cận Tết, ngày hăm ba âm lịch sau lễ đưa ông Táo về Trời báo cáo cùng Thiên đình những biến cố sự kiện dưới đất trên trời,đánh bóng chùi bóng đồ đồng. Đồ đồng được chưng bày trên bàn thờ tổ tiên thì nhiều, có thể tính được trên dưới hai chục cái. Có tất cả ba bàn thờ tổ tiên: bàn thờ ông bà cửu huyền thất tổ được thờ ngay chính giữa, trang trọng nhất, nghiêm cẩn nhất. Lúc nhỏ tôi thật sự không dám nhìn thẳng bên trong ông bà bàn thờ tổ tiên. Nhìn thoáng qua, tôi chỉ thấy bàn thờ là một gian nhà gỗ được chạm trỗ rất công phu rất cầu kỳ kiểu cách; bên ngoài gian nhà, cha tôi được bày biện trang hoàng cũng rất kiểu cách bằng một khung hòm nhỏ, khối chữ nhật. Cha tôi bảo đó là cái “ khám” được cất giữ cẩn thận những giấy má lỉnh kỉnh như văn tự nhà đất ruộng, đất thổ mộ và đất nghĩa địa chôn cất giòng họ tổ tiên. Bàn thờ bên trái được cha tôi thờ ông bà nội. Bàn thờ bên phải được thờ các anh các chị đã mất. Trí nhớ non nớt ấu trĩ của tôi mường tượng mông lung mơ hồ về tình máu mủ huynh đệ: chị Hai” họ và tên?), chị Tư” họ và tên?), chị Năm”họ và tên?), chị Mười” họ và tên?), làm sao tôi có thể nhớ cả họ lẫn tên các chị ấy, lạ một điều là những người đã chết toàn là con gái, tuyệt nhiên tôi không biết không thấy những người “ đực rựa .” Chỉ có ba người là con trai: anh thứ Ba, anh thứ Sáu và cuối cùng tôi, thứ mười một lẻ; phải chăng con cái trong gia đình tôi thuộc về dương thịnh nhưng âm thì khá suy? Hiện giờ thì hai anh của tôi đã hóa ra người thiên cổ. Anh Ba mất tại Úc và anh Sáu mất tại Việt Nam, có lẽ hai anh đều bị bệnh di truyền mắc chứng đột quỵ, chỉ còn duy nhất mỗi một mình tôi, không biết năm nào tháng mấy ngày nào giờ gì để rũ áo khăn gói lên đường đáp chuyến tàu suốt.
Vào cuối tháng cuối năm, tiết trời mưa bão lúc này chấm dứt, thời tiết khá lạnh nhưng bầu trời đã bắt đầu xanh lơ lơ, một màu xanh của một thời tiết muốn đẹp nhưng vẫn còn e lệ ngập ngừng, nói theo kiểu nói của nhà văn quá cố Bùi Hiển trong tác phẩm “Nằm Vạ.” Bùi Hiển viết tiếp:” Một tiếng kêu khô khan của một thân cây nào nứt nở, không biết vì căng nhựa xuân hay vì phơi nắng mới.” Đó là một đoạn văn ngắn trong bài viết của Bùi Hiển “ Nằm Vạ” Mỗi độ Tết về, con cái trong gia đình nhà tôi tất phải có nhiều việc để làm. Sau những lần mưa lụt, cỏ rác trôi theo giòng bám vào cành lá gốc cây trông rất lôi thôi bề bộn dơ bẩn, khiến mẹ tôi phải lui cui dọn rạch rác rến. Mẹ còn phải bận bịu rong rào phát cỏ, hàng rào keo, cây bụi ruối, nhưng phát cỏ rào keo bụi ruối không thể dùng dao dùng rựa mà phải dùng kéo cắt cây phát quang. Mấy năm trước lúc chiến sự tập đoàn Cộng sản Việt Minh đang hồi sôi sục, mấy tốp lính địa phương tại đồn Chợ Mới ra sức bảo chủ nhà phải chặt sát đất những hàng rào keo, bụi ruối. Người ra lệnh chặt sát hàng rào tới ngang đầu gối ngườI lớn không ai khác hơn là lão Yến và thằng Mặt Ngựa. Không biết lão Yến xuất thân từ lý lịch gốc gác nào, chỉ biết lão Yến đã có mặt từ đồn Chợ Mới. Lão đã có tuổi vào hạng trung niên, lớn tuổi hơn so với trung đội lính khác.Mỗi khi đi tảo thanh trong các xóm các thôn cùng với một trung đội lính cơ hữu, lão Yến đã xuất hiện với một cây gậy được cải tiến bằng roi dẹp dài luôn luôn huơ nẹt những ai bất tuân ngoan cố không chịu nghe lời chặt sát hàng rào keo hàng rào bụi ruối, lão quát tháo chửi bới văng tục vang cả xóm, động cả thôn. Cả nhà cất tiếng trả lời nhỏ nhẹ:
- Cả nhà đều đã rong rào chặt keo chặt ruối chặt xương rồng thấp sát rạt rồi chú ơi, con chó cũng nhảy qua được.
Lão Yến yên lặng chăm chú quan sát khu hàng rào ngăn cách hai gia đình chú Ba Huy và gia đình nhà tôi, không nói gì thêm, có lẽ ý nói đã “đạt yêu cầu”, chỉ riêng thái độ của tên lính Mặt Ngựa thì bộ mặt có khác. Cũng xin nói thêm về phong thái cốt cách của lính Mặt Ngựa. Họ và tên, lý lịch của lính là gì không biết, chỉ biết lính có khuôn mặt dài như mặt ngựa nên được đặt cho cái hỗn danh ấy.
Đồn Chợ Mới ngày trước có một hàng rào cọc tre đóng chằng chit rất khó vượt qua từ ngoài đột nhập vào trong. Có ba cửa đóng bằng gỗ, bên trên cũng chằng chit đóng bằng dây thép gai, diện tích rộng độ 4m2, được bố trí rất kiên cố. Vào buổi chiều lúc trời bắt đầu chạng vạng nhá nhem, người lính trong đồn bước ra khóa cửa cẩn thận bằng sợi xích sắt to bề bề. Trên vọng gác có lính canh, thỉnh thoảng tiếng mõ tre cầm canh chứng tỏ bà con xóm làng biết có người lính canh chú mục nhìn kẻ địch, có biết đâu người lính canh trên vọng gác đang sật sừ ngủ vịt ngủ gà. Lâu lâu hình như có biến động, toàn thể trung đội lính cơ hữu phải dậy thật sớm, ngăn chận người dân chờ lính trong đồn ra mở cửa đi làm sớm. Việc kiểm soát dân đi làm có vẻ gắt gao nghiêm nhặt, trừ học sinh từ làng xa như Ngọc Hội Xuân Lạc Xuân Phong Đại Điền Phú Vinh, lính trong đồn cho đi thoải mái. Học sinh đi học mà, bọn chúng tôi có làm gì đâu?
Vào một buổi sáng sớm, Tiến vớI tôi cùng nhau tất tả cắp sách đi học. TớI ngã ba cầu Bà Tỉ chúng tôi chậm bước lại bởI có những tiếng ồn ào huyên náo xin xỏ. Thì ra bọn lính trong đồn Chợ MớI chận bắt lính, nạn nhân là những nông dân quê mùa chất phác, là những công nhân thợ thuyền thợ hồ thợ mộc cu li kiếm sống qua ngày. Bị tốp lính chận ngang không cho đi, nhóm thanh niên trẻ tuổi khờ khạo xin xỏ khóc lóc van xin nhưng tốp lính vô cảm. Hai đứa chúng tôi ngước mắt nhìn trong bọn ngườI bị bắt lính, tôi thấy một ngườI đàn ông còn rất trẻ tuổi, cao lênh khênh, cặp mắt hấp háy kèm nhèm đứng ủ rũ đứng đợi tốp lính cơ hữu dẫn vô đồn chờ khi thụ huấn quân sự, chỉ cách đứng nghiêm, nhắm bắn vào địch quân và điều này mới việc quan trọng: ném lựu đạn, lựu đạn phòng thủ MK2 hoặc lựu đạn tấn công. Viên thiếu úy trung đội trưởng trưởng đồn Chợ Mới xếp Ẩm trước đó và thiếu úy trung đội trưởng Thượng sau đó chỉ bảo qua loa đại khái miễn sao bắn súng và phòng thủ đồn bót an toàn là tốt. Độ một tuần sau binh nhì Mặt Ngựa lần đầu tiên xuất hành gọi là tảo thanh làng xóm quanh vùng. Thái độ phong cách tác phong bấy giờ khác trước, y mang súng trường Garant M1 chĩa súng xuống sát đất, đầu không đội mũ, gương mặt trở nên lầm lì, tay cầm roi huơ qua huơ lại nom ra vẻ rất hăm dọa. Y rảo bước vô nhà dân dòm ngó lục lạo không biết tìm kiếm ai, người lạ mặt lẩn trốn đâu đó. Có con chó đang nằm ghếch mõm nhắm thiu ngủ bỗng giật thức dậy nhảy chồm lên sủa cắn, y cáu tiết đứng lại rút súng lẩy cò, con vật khốn nạn không trúng đạn hoảng hồn kêu lên một tiếng cúp đuôi chạy trốn.

VDN

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.